Hà Nội
23°C / 22-25°C

Vĩnh biệt người Thầy của nhiều thế hệ Thầy thuốc Việt Nam

Thứ hai, 11:29 06/10/2008 | Xã hội

Giadinh.net - Giáo sư Đỗ Nguyễn Phương, - người mà chúng tôi vẫn quen gọi là “Thầy Phương” với niềm kính trọng, quý mến, - đã đột ngột ra đi vào trưa 3/10, khiến tất cả chúng tôi đều bàng hoàng, xúc động...

Mới cách đây 7 ngày, ngày 27/9, Giáo sư Đỗ Nguyễn Phương trên cương vị Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi và tôi đã cùng chủ trì “Ngày hội Đông y với sức khỏe Người cao tuổi". Ngày 1/10, Giáo sư còn đến dự lễ kỷ niệm nhân Ngày Người cao tuổi Việt Nam ở một số địa phương. Vậy nhưng, Giáo sư đã đột ngột ra đi sau một cơn đau nặng vào trưa 3/10...  Tất cả chúng tôi đều bàng hoàng, xúc động nhớ đến Giáo sư với bao kỷ niệm.

Tôi là học trò của Giáo sư Đỗ Nguyễn Phương từ cách đây 40 năm. Từ đó đến nay, chúng tôi vẫn quen gọi Giáo sư với niềm kính trọng, quý mến: “Thầy Phương”. Từ một học sinh Trường phổ thông ở Hà Bắc, trở thành sinh viên Trường đại học Y khoa (năm 1968) vào những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, tôi theo trường đi sơ tán lên các xã vùng núi thuộc huyện Phú Lương, Thái Nguyên.

Chuẩn bị bước vào năm học mới 1968, chúng tôi được triệu tập lên lớp để nghe Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn trường Đỗ Nguyễn Phương truyền đạt Nghị quyết của Trung ương Đảng về công tác thanh vận trong thời chiến. Tôi có những ấn tượng tốt về Thầy Phương từ buổi gặp gỡ đầu tiên ấy. Với dáng người tầm thước, đôi mắt sáng, nụ cười đôn hậu, cởi mở, thân tình với tất cả chúng tôi, bài nói của Thầy Phương đã được thanh niên sinh viên hào hứng và phấn khởi đón nhận một cách say sưa với cuộc nói chuyện hấp dẫn, với kiến thức sâu và vốn sống thực tế rất phong phú của người thầy đã có thâm niên công tác Đoàn trên chục năm. Thầy đã là cán bộ Đoàn khi còn là sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Y Dược khoa Xã hội chủ nghĩa từ kháng chiến, trở về Hà Nội (1955-1960). Thầy tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1960, là thanh niên trẻ nhất của Trường được kết nạp Đảng năm 1960 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng. Ra trường, thầy là giảng viên bộ môn Giải phẫu rồi giảng viên bộ môn Ngoại, làm việc tại Bệnh viện Việt Đức. Những năm đầu Chiến tranh chống Mỹ, với chiếc xe đạp cũ, Thầy Phương cùng những giảng viên khác của Trường đã đưa các Tổ sinh viên năm cuối phục vụ cấp cứu chiến thương tại nhiều vùng máy bay Mỹ đánh phá ở khu IV và Quảng Bình, Vĩnh Linh.  

Cố Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương (đứng giữa) trong đoàn bác sỹ Bệnh viện Việt Đức và Đại học Y Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường, Thầy Phương, thủ lĩnh thanh niên của trường chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động Đoàn trong phong trào dạy tốt và học tốt. Trong cảnh sống nơi sơ tán xa Hà Nội, ở lán, nằm  sạp  dân công, cơm sắn, canh rau rừng, bánh nắp hầm bột mỳ luộc, chỉ có chút cải thiện do tự tăng gia, nhưng việc học tập vẫn đảm bảo chất lượng, toàn Trường có phong trào văn nghệ, thể thao phong phú, vui tươi. Đoàn Trường Y luôn dẫn đầu  phong trào Đoàn các Trường đại học.

Sang năm 1971, cuộc kháng chiến  chống Mỹ cứu nước ngày càng khốc liệt, Đế quốc Mỹ ồ ạt tăng quân xâm lược miền Nam, ném bom miền Bắc nhiều nơi, Chủ  tịch nước ban hành sắc lệnh Tổng động viên. Tôi và hơn 100 sinh viên cùng khóa vừa học hết năm thứ ba đã gia nhập quân đội theo lệnh điều động của Bộ Quốc phòng. Tại sân trường ở khu ký túc xá Khương Thượng, Ban Giám hiệu nhà trường, Thầy Phương Bí thư Đoàn trường đã đến tiễn đưa chúng tôi trong lễ chia tay cảm động. Tôi vào chiến trường Quảng Trị tham gia chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972.

Chiến trường cần nhiều thầy thuốc giỏi. Thầy Phương và một số thầy giáo Trường Y cùng một số cán bộ các đơn vị trong ngành được Bộ Y tế điều động đi B để tăng cường nhân lực phục vụ chiến trường. Tháng 10/1971, Thầy lên khu tập kết trên Hòa Bình để tập hành quân bộ với ba lô vác nặng. Sau 6 tháng hành quân, các thầy đã vượt Trường Sơn để vào tới B2. Thầy luôn đi cùng với GS. Đặng Kim Châu, có mặt ở nhiều mặt trận, phát huy sở trường ngoại khoa, tham gia mổ, cứu chữa nhiều thương bệnh binh cùng việc thực hiện công tác tại các cơ sở y tế vùng giải phóng.

Thầy trò chúng tôi mỗi người một chiến trường, không được biết tin của nhau. Tới cuối năm 1973 (sau Hiệp định Paris) chúng tôi được trở lại nhà trường, Thầy Phương công tác tại Bộ môn Ngoại, tôi tiếp tục công việc học tập. 

Năm  1976, Thầy được Bộ Y tế bổ nhiệm là Hiệu phó Trường đại học Y Hà Nội. Thời gian đó, BS. Phương 39 tuổi là người ít tuổi nhất trong các Trường, được tín nhiệm làm Hiệu phó, Phó Bí thư Đảng ủy của một Trường đại học lớn, trường trọng điểm quốc gia. Thầy đã góp phần cùng lãnh đạo nhà trường xây dựng phong cách học tập mới cho sinh viên y khoa, học tập gắn liền với phục vụ, đưa các đoàn cán bộ trẻ và sinh viên đi thực tế, tham gia công tác y tế phục vụ cộng đồng, khắc phục hậu quả lũ lụt... Ông sớm đặt vấn đề phát hiện các nhân tố tích cực trong cán bộ trẻ và sinh viên để đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho nhu cầu sau này.

 cán bộ trẻ trong quy hoạch cán bộ, năm 1978, Thầy Phương được Bộ Y tế cử đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, sau đó năm 1980, Thầy được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô (AOH). Năm 1984, Thầy được cấp bằng Tiến sĩ tại Viện này. Còn tôi, sau khi ra trường được làm giảng viên bộ môn Sản phụ khoa của Trường, rồi được đi thực tập tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Chúng tôi thường xuyên thư từ, tin tức và gửi cho nhau các nhu yếu phẩm cần thiết.

Trở về Việt Nam năm 1984, Thầy tiếp tục công việc giảng dạy và là Phó Chủ nhiệm Khoa. Từ năm 1987-1994 là Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thầy được Nhà nước công nhận chức danh  Giáo sư  năm 1991, Giáo sư Triết học năm 1996 và đã hướng dẫn 15 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Thời gian làm Bộ trưởng Bộ Y tế (1995 - 2002), bằng sức khỏe dẻo dai, Thầy đã tới gần như tất cả các vùng của Tổ quốc từ địa đầu cực Bắc tới tận cùng miền Nam, bằng đôi chân bộ đã đi khắp các bản làng xa xôi hẻo lánh để tổ chức mạng lưới y tế cơ sở, xóa các xã trắng chưa có trạm xá y tế trên các bản người Mông vùng cao, phấn đấu  nâng dần số bác sĩ phục vụ dân tại xã. Bộ trưởng là người có công  tổ chức viết lịch sử ngành Y tế 55 năm phục vụ Cách mạng, xây dựng hoành tráng hơn Nhà truyền thống ngành Y tế và chủ biên các tập sách viết về cuộc đời và sự nghiệp các giáo sư lão thành của ngành và đặt tên một số danh nhân y tế trên các đường phố của Thủ đô Hà Nội.

Là người luôn chăm lo cho dân, trong các chuyến công tác tại các cơ sở y tế bao giờ Bộ trưởng cũng dành thời gian thăm các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và tặng quà cho từng má. “Con là Phương, Bộ trưởng Bộ Y tế đến thăm má đây...”. Bộ trưởng quan tâm đặc biệt đến công việc và đời sống của những nhân viên y tế ấp, thôn bản, hỏi thăm các chế độ bồi dưỡng xem đã phù hợp chưa, có được lĩnh nhận đầy đủ không? Bộ trưởng dành thời gian thăm các  bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo hoặc nghiện hút, tiêm chích. Bộ trưởng ân cần hỏi han từng người, bằng sự nhân ái và bằng cả tấm lòng thương yêu, Bộ trưởng đã truyền cho họ niềm tin để đứng dậy sau lần vấp ngã.

Bộ trưởng còn là người con hiếu thảo của gia đình. Khi cụ thân sinh ốm, Thầy đã đến Bệnh viện Việt Xô chăm sóc Cụ như bao người thân của bệnh nhân khác. Hết giờ làm việc công, Bộ trưởng vào viện nằm giường gấp bên cạnh Cụ để chăm sóc qua nhiều đêm thức trắng.

Năm 2002 đến 2007, Giáo sư Đỗ Nguyễn Phương là Trưởng ban Khoa giáo Trung ương với những đóng góp lớn đẩy mạnh công tác Khoa giáo của Đảng. Từ tháng 5/2007, Giáo sư nghỉ hưu và tham gia làm Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam.

Thầy là tấm gương đối với tôi, gia đình tôi. Tôi đã phấn đấu làm được nhiều việc, cống hiến cho cách mạng theo gương Thầy. Thật là lý thú, có những sự trùng hợp. Tôi có những điểm giống Thầy: Từ một giảng viên, cán bộ Đoàn trở thành Bí thư Đoàn Trường Đại học Y, rồi Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và từ năm 2007 là Bộ trưởng Bộ Y tế.     

Thầy còn là ân nhân của gia đình tôi. Khi còn ở Trường Đại học Y thầy đã vun đắp cho hạnh phúc của vợ chồng tôi, đều là học trò của thầy. Thầy đã thay mặt cho họ nhà trai, đi hỏi vợ cho cán bộ Đoàn. Ngày cưới của chúng tôi, vào những năm đi lại khó khăn, thầy đã không hề quản ngại ra ga Hà Nội đi chuyến tầu 2 giờ đêm để về Nam Định làm chủ hôn. Cả 2 chúng tôi đã trưởng thành; Vợ tôi BS Trần Thúy Hạnh, đã là Phó Giáo sư, Tiến sĩ đang là Quyền Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Là cán bộ cao cấp của Đảng và Chính phủ, ông luôn sống giản dị, chan hòa với mọi người, luôn sống chân thành, thủy chung, chu đáo và luôn làm việc tốt cho người khác. Giáo sư có rất nhiều học trò học tại Trường Đại học Y Hà Nội, có hàng trăm học viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đang là cán bộ  chủ chốt của ngành Y tế và nhiều ngành tại các địa phương, ngưỡng mộ Thầy, kính trọng Thầy. Thầy đã đi xa, nhưng hình ảnh Thầy luôn còn mãi trong tim chúng tôi.

Giáo sư, Tiến sĩ triết học, Bác sĩ Đỗ Nguyễn Phương sinh ngày 20/5/1937, quê quán làng Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ông từng đảm đương nhiều chức vụ, vị trí quan trọng của Đảng và Nhà nước: Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, khoá IX; Đại biểu Quốc hội khóa X, XI; Nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương; Nguyên Bộ trưởng, Bộ Y tế; Nguyên Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Giáo sư Đỗ Nguyễn Phương đã có cuộc đời vinh quang, với sự nghiệp rất vẻ vang, luôn phấn đấu không ngừng cho lý tưởng cao đẹp của Đảng với những cống hiến lớn, Giáo sư đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Huân chương Tự do (It - xa - ra) do Đảng nhân dân Cách mạng Lào, Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trao tặng và nhiều danh hiệu cao quí khác.

Linh cữu Giáo sư Đỗ Nguyễn Phương quàn tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ 30 phút, ngày 7/10/2008; Lễ truy điệu từ 14 giờ, ngày 7/10/2008; Lễ an táng vào hồi 16 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Báo Gia đình & Xã hội xin chia buồn sâu sắc cùng gia quyến Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Nguyễn Phương.

 Hà Nội, ngày 03/10/2008 
TS. Nguyễn Quốc Triệu
(Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế)

kieudiep
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Thủ đoạn 'gọi vốn' bất động sản của siêu lừa đất Cảng

Thủ đoạn 'gọi vốn' bất động sản của siêu lừa đất Cảng

Pháp luật - 2 giờ trước

GĐXH - Để lừa các nhà đầu tư chuyển tiền, Hòa đã đưa các thông tin gian dối về việc Công ty TNHH Pros Land có hợp tác với các chủ dự án lớn, mua được các suất bất động sản với giá ưu đãi, suất đối ngoại. Đây chính là cái bẫy khiến gần 40 nạn nhân bị lừa.

Tài xế ô tô đạp nhầm chân ga, húc đổ trụ bơm xăng cùng nhiều xe máy

Tài xế ô tô đạp nhầm chân ga, húc đổ trụ bơm xăng cùng nhiều xe máy

Đời sống - 2 giờ trước

Đổ xăng xong, tài xế H. lái xe đi nhưng đạp nhầm chân ga dẫn đến chiếc xe mất kiểm soát, gây tai nạn liên hoàn.

Vụ nam sinh lớp 6 đọc, viết chưa thạo: Rà soát học sinh toàn huyện

Vụ nam sinh lớp 6 đọc, viết chưa thạo: Rà soát học sinh toàn huyện

Giáo dục - 2 giờ trước

Sau khi một học sinh lớp 6 đọc, viết chưa thạo được phát hiện, Phòng GD-ĐT huyện Minh hoá đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS rà soát chất lượng học sinh yếu kém.

Hà Nội: Xót xa hàng loạt cây xanh bị tỉa trơ trụi

Hà Nội: Xót xa hàng loạt cây xanh bị tỉa trơ trụi

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Hàng loạt cây xanh ở ngõ 86 và 15 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị cắt trụi cành lá dù thời điểm này chuẩn bị bước vào nắng nóng đỉnh điểm, khiến người dân tiếc nuối.

Chiêu trò 'hút' hàng nghìn tỷ đồng của Công ty Tâm Lộc Phát

Chiêu trò 'hút' hàng nghìn tỷ đồng của Công ty Tâm Lộc Phát

Pháp luật - 4 giờ trước

GĐXH - Chỉ trong một thời gian ngắn, Tâm Lộc Phát từ một công ty "bé xíu" bỗng nhiên "nổi đình, nổi đám" trên khắp các trang mạng xã hội bởi khả năng thu hút các nhà đầu tư trong việc huy động vốn...

Án mạng đau thương ở Lai Châu: Dùng dao sát hại mẹ con của người tình

Án mạng đau thương ở Lai Châu: Dùng dao sát hại mẹ con của người tình

Pháp luật - 4 giờ trước

GĐXH - Cho rằng mẹ người tình ngăn cấm chuyện tình cảm, Hồ đã dùng dao sát hại người phụ nữ này. Trong cơn say máu, Hồ sát luôn người yêu rồi dùng dao tự đâm vào bụng mình để tự sát.

Nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo của kẻ môi giới bất động sản

Nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo của kẻ môi giới bất động sản

Pháp luật - 4 giờ trước

GĐXH - Với thủ đoạn đưa thông tin gian dối cho rằng, bản thân đang đầu tư đất thuộc các dự án tại tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa, đối tượng đề nghị các cá nhân góp vốn chung tiền mua đất. Tiếp đó, Hà yêu cầu các nạn nhân đưa tiền để chi phí tách thửa, sang tên...

Gió mùa Đông Bắc sắp tràn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày nắng nóng đỉnh điểm

Gió mùa Đông Bắc sắp tràn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày nắng nóng đỉnh điểm

Thời sự - 4 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết, sau kỳ nghỉ lễ 30/4, Bắc Bộ đón khối không khí lạnh yếu từ lục địa Trung Quốc di chuyển xuống. Thời tiết sẽ có sự thay đổi, trời có mưa sau chuỗi ngày nắng nóng.

Người dân hối hả về quê nghỉ lễ 30/4 - 1/5, bến xe, phố phường Hà Nội bắt đầu đông đúc

Người dân hối hả về quê nghỉ lễ 30/4 - 1/5, bến xe, phố phường Hà Nội bắt đầu đông đúc

Đời sống - 5 giờ trước

GĐXH - Ngay từ đầu giờ chiều 26/4 (ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5), các bến xe, tuyến đường cửa ngõ trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu đông đúc, người dân hối hả "khăn gói" lên đường về quê.

Phát hiện vật thể nghi là người trong đám cháy nhà xưởng, nơi 2 phóng viên tố bị hành hung

Phát hiện vật thể nghi là người trong đám cháy nhà xưởng, nơi 2 phóng viên tố bị hành hung

Pháp luật - 5 giờ trước

GĐXH - Theo lãnh đạo xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, trong quá trình khám nghiệm hiện trường vụ cháy nhà xưởng, lực lượng chức năng phát hiện một vật thể đã than hoá, nghi là người. Hiện địa phương đang chờ thông tin kết luận từ cơ quan pháp y.

Top