Hà Nội
23°C / 22-25°C

Dinh Độc Lập ngày 30/4: Những thước phim, tấm ảnh định mệnh

Thứ tư, 17:18 30/04/2008 | Xã hội

Giadinh.net - Sau khi độc lập, người dân Sài Gòn ùa ra đường để xem mặt những người lính cộng sản như thế nào, có người còn sờ vào mông bộ đội để xem có đúng là họ “mọc đuôi” không...

Nhà báo Phạm Việt Tùng:

Tôi đã vào Dinh Độc Lập như thế nào?

Một trong những may mắn định mệnh của nhà báo Phạm Việt Tùng là đã quay được những thước phim cực kỳ quý giá về giải phóng miền Nam và quang cảnh Dinh Độc Lập ngay sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Hơn 30 năm sau, ông cũng là người thực hiện bộ phim tài liệu vô cùng xúc động về những người lính từng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trong “Người lính xe tăng 390 ngày ấy”.

Bức ảnh lịch sử do nhà báo Kỳ Nhân chụp tại thời điểm Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng ở Đài phát thanh Sài Gòn.

Như người lính vào chiến trường

Dù đã không còn công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam hơn 10 năm nhưng nhìn nhà báo Phạm Việt Tùng không ai nghĩ ông đã hơn 70 tuổi. Khi được hỏi về những thước phim mà ông quay năm đó, giọng ông trở nên hào sảng vô cùng. Ông kể: “Tháng 4/1975, Đài Truyền hình Việt Nam cử 3 đoàn phóng viên vào chiến trường miền Nam để quay chiến thắng của quân giải phóng. Lúc đó tôi 37 tuổi, cũng là một người từng trải trong nghề rồi.

Ngày 24/4 chúng tôi bắt đầu lên đường, dẫn đầu đoàn đi là nhà báo Huỳnh Văn Tiểng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Trong đoàn còn có chị Tú Uyên, là vợ của anh Tiểng. Vừa cưới nhau xong thì anh chị cũng đồng thời lên xe cùng với đoàn chúng tôi để thực hiện nhiệm vụ. Chuyến đi đó cũng coi như là “tuần trăng mật” của hai vợ chồng. Còn vợ chồng tôi chia tay nhau ở 58 phố Quán Sứ, cũng bịn rịn như những người lính lên đường đi chiến đấu vậy.

Nhà báo Phạm Việt Tùng

Là nhà báo nhưng chúng tôi được Ban Thống nhất TƯ cấp đầy đủ vật dụng, quân trang gồm quần áo, súng và đạn để tự vệ. Chúng tôi mặc quần áo bộ đội, tư trang găm nặng người. Và có một thứ không thể thiếu được đó là tấm nilon rất rộng và dày vừa làm võng nằm, vừa có thể làm “áo quan” nếu chẳng may có nằm xuống. Nói như thế để thấy rằng dù không phải là người lính trực tiếp chiến đấu nhưng mỗi chúng tôi đều ý thức rất rõ sự nguy hiểm của chuyến đi đó. Vì thế, nỗi sợ khi bước chân đi là có thật, bởi chiến trường tên bay đạn lạc, ai biết sẽ sống chết như thế nào?

Tôi vẫn còn nhớ khi quay cảnh đánh nhau ở rừng cao su trong vách núi (giữa rừng cao su ở Đồng Nai), chị Tố Uyên run ôm chầm lấy tôi bảo: “Tùng ơi, kiểu này thì chết mất thôi”. Chúng tôi cũng sợ không kém nhưng rồi lại nghĩ: “Chết thì chết, nhưng vẫn tự hào là người Hà Nội đóng góp một phần nhỏ bé cho chiến trường miền Nam”.

Chúng tôi bắt đầu quay từ Huế trở vào, quân giải phóng chiến thắng ở đâu thì chúng tôi quay đến đó. Đoàn chia ra làm 3 mũi, đoàn của tôi đi theo đường 1. Dù đi theo đoàn nhưng mỗi người đều phải tự nghĩ ra trong đầu mình một cái tứ nào đó, nếu cứ quay tùy tiện, ngẫu hứng thì lấy đâu ra phim.

Suốt chặng đường từ Bắc vào Nam, lúc nào tôi cũng ôm khư khư cái máy trong người cho đỡ xóc chứ không dám để trong thùng. Nhiều khi tôi cứ hay nói đùa la: “Vợ có khi không quý bằng cái máy quay”, bởi để có được những thước phim đó chúng tôi đã phải tốn rất nhiều công sức và cả sự mạo hiểm. Lúc nào cũng chỉ sợ đúng lúc đánh nhau mà máy giơ lên không quay được, vì thế cái máy lúc đó là quý hơn người.

Để vào Sài Gòn lúc đó là rất khó khăn bởi quang cảnh đổ nát vì cuộc chiến và đâu đâu cũng ngổn ngang các vật dụng, ba lô của lính Mỹ, ngụy chất thành đống cao ngất. Rồi người dân kéo ra đường để đón tiếp quân giải phóng, đường sá lúc đó tắc kinh khủng. Hơn nữa, làm báo trong điều kiện khi đó không giống như bây giờ vì muốn đi phải có sự đồng ý của địa phương đó thì mới được đến. Đi phải theo đoàn chứ không phải ai muốn tác chiến thế nào là tuỳ đâu, có khi còn bị bắt ấy chứ”.

Gặp may

Đúng sáng 1/5/1975 nhà báo Phạm Việt Tùng có mặt ở Sài Gòn. “Sài Gòn lúc đó như một đống rác khổng lồ, thứ được tìm mua nhiều nhất là cờ giải phóng. Nhưng vào đến nơi, chúng tôi cũng không ý thức được là phải vào Dinh Độc Lập đâu. Ai cũng nghĩ, qua sông Bến Hải là vào đến miền Nam, quay được cảnh giải phóng ở đó là ổn chứ có ai nghĩ đến việc là phải vào Dinh Độc Lập để quay đâu. Với lại, vào Sài Gòn lúc đó chắng khác gì nhà quê ra tỉnh, có muốn đi cũng không biết đường mà vào. Chỉ có thằng láu cá và khôn như tôi thì mới nghĩ ra là vào Dinh Độc Lập, mà ngẫm ra cũng là “ăn may” thôi vì lúc đó, các đồng nghiệp của tôi đều vào đài Sài Gòn, có người còn vào tận Vũng Tàu để quay. Tôi lớ ngớ thế nào lại bỏ đoàn để đi theo đoàn sinh viên Vạn Hạnh và được họ chỉ đường rất nhiệt tình”.

Chứng kiến những gì đang diễn ra ở Sài Gòn khi đó, nhà báo Phạm Việt Tùng ngẫm đến câu nói của Bác Hồ: Cuộc chiến tranh của chúng ta là chiến tranh nhân dân. “Lúc đó tôi mới thấm nhuần được rằng đó là dân tộc ta thắng Mỹ chứ không phải chúng ta thắng ngụy đâu. Ngay cả một bộ phận lính ngụy cũng bỏ súng xuống và đi theo mình. Sinh viên Sài Gòn lúc đó là lực lượng ủng hộ quân giải phóng nhiệt tình nhất”.

Khi được hỏi về điều gì khiến ông xúc động nhất khi đến Sài Gòn, nhà báo Phạm Việt Tùng nói: “Có 2 điều khiến tôi xúc động đó là: Sau khi độc lập, người dân Sài Gòn ùa ra đường để xem mặt những người lính cộng sản như thế nào, có người còn sờ vào mông bộ đội để xem có đúng là họ “mọc đuôi” không. Có người thốt lên: Ô hô, Việt cộng làm gì có đuôi như tuyên truyền xuyên tạc của ngụy. Mừng nhất là các sư sãi, sinh viên, kể cả những người lính của phía bên kia họ cũng ra để xem cộng sản thế nào. Có người còn đổi đôla sang tiền Việt Nam Dân chủ cộng hòa để chiêm ngưỡng dung mạo Cụ Hồ như thế nào.

Điều thứ 2 là tâm thế của Tổng thống Dương Văn Minh khi trả lời phỏng vấn báo chí trong và nước ngoài. Ông ấy cười rất tươi và nói: “Hôm nay tôi rất mừng vì tôi đã được 60 tuổi và được là người dân độc lập của nước Việt Nam” (sau này được chữa lại là “của nước Việt Nam độc lập”). “Tức là ông ấy chúc mừng thắng lợi của nước Việt Nam chứ không nghĩ đến số phận và tâm thế của một kẻ thất bại”, nhà báo Phạm Việt Tùng nói.

Nhà báo Đậu Ngọc Đản - Tổng biên tập tạp chí truyền hình (nguyên phóng viên chiến trường của Tổng cục chính trị):

Đó là may mắn lớn của tôi

Hồi đấy tôi mới 24 tuổi, là phóng viên mang quân hàm thiếu uý của Tổng cục chính trị. Vào Sài Gòn khi đó có rất nhiều phóng viên báo chí trong và ngoài nước nhưng có người vào muộn, có người vào sau vì nhiều lý do khác nhau.

Sở dĩ tôi có mặt tại Dinh Độc Lập vào sáng ngày 30/4/1975 để chứng kiến cảnh Tổng thống Dương Văn Minh bị bắt là bởi tôi có 2 may mắn lớn đó là: Tôi là phóng viên của quân đội, lại được đi theo tiểu đoàn 4 của Lữ đoàn xe tăng 203, là cánh tiến thẳng vào Sài Gòn. Trong đó, chiếc xe tăng thứ 4 mà tôi được đi cùng là chiếc tiến vào Dinh Độc Lập.

Các chiến sĩ Quân đoàn 2 đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng.

Khi quân giải phóng tiến vào Dinh, tôi cũng đã nhanh tay chụp được bức hình trung uý Phạm Xuân Thệ đưa Dương Văn Minh đến đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng.

Nhà báo Đậu Ngọc Đản

Khi chụp xong bức hình này, trong đầu tôi chỉ nghĩ đến việc làm thế nào đó để nhanh chóng đưa nó về Hà Nội để kịp thời đưa tin đến nhân dân cả nước. Vì thế mà tôi không đến đài phát thanh để chứng kiến những gì xảy ra ở đó nữa. Tôi nghĩ đến việc nhờ một cảnh sát của Việt Nam cộng hoà (vì họ có xe ô tô) và nói: “Tôi là phóng viên, bây giờ tôi đang cần đưa tin bài gấp về Hà Nội, ai trong số các anh có thể giúp tôi được không?”.

Lúc đó khoảng vài người xung phong đưa chúng tôi đi và tôi đã chọn một người tên là Võ Cự Long, một cảnh sát chuyên dẫn đường cho xe của tổng thống. Anh này đưa tôi và anh Hoàng Thiểm chạy từ Dinh Độc Lập ra Đà Nẵng để lên chuyến máy bay đầu tiên trở về Hà Nội. Còn tôi thì trở lại Bộ Tổng tham mưu (vì là phóng viên quân đội) để nghi lại những hình ảnh ở đó.

Ra đến sân bay Tân Sơn Nhất, tôi lại gặp một may mắn nữa khi hình ảnh nữ biệt động thành Trung Kiên (tên thật là Cao Thị Nhíp) tự nguyện dẫn đường cho xe tăng của quân đoàn 3 vào Sài Gòn. Sau này đó cũng được coi là một bức ảnh đẹp của tôi và được nhiều người biết đến.

Nữ biệt động thành Trung Kiên dẫn đường cho xe tăng của Quân đoàn 3 tiến vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.

Khi vào Sài Gòn, cảm giác của tôi giống như một cậu học trò ở quê lần đầu ra tỉnh vậy. Đó là một thành phố phồn hoa đô hội nên chúng tôi không tránh khỏi sự ngỡ ngàng. Nhưng với tâm thế của người chiến thắng nên tự nhiên cũng thấy tự tin hơn. Đang tác nghiệp nhưng chính chúng tôi cũng muốn hoà mình vào không khí chiến thắng ấy vì thấy người dân miền Nam ai cũng niềm vui ngập tràn trên khuôn mặt, không khí rộn ràng vô cùng.

Nếu nói về hình ảnh ấn tượng nhất với tôi trong ngày giải phóng thì đó chính là cảnh trung uý Phạm Xuân Thệ áp giải nội các tổng thống Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập lên xe để đến đài phát thanh. Hình ảnh anh bộ đội trở nên hiên ngang, cao lớn với một tâm thế của người chiến thắng. Hình ảnh thứ 2 là nữ biệt động thành Trung Kiên, tay ôm khẩu súng và đứng trước xe tăng dẫn đường với tôi là một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ.

Sau ngày chiến thắng, tôi có gặp lại cô ấy một đôi lần nên được biết hoàn cảnh của cô ấy cũng rất đáng thương. Được biết sau này cô ấy tái hôn với một Việt kiều người Đức và định cư luôn ở đó. Vừa rồi tôi cũng có đề nghị với chị Thu Uyên của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để tìm lại “o Nhíp” năm xưa nhưng không biết cô ấy có liên lạc được không.

Sau này, thấy tôi có một vài lần xuất hiện trên truyền hình, ông Võ Cự Long có gọi điện cho tôi hỏi thăm, nhưng giờ ông ấy ở đâu tôi cũng không được biết nữa. Đó là những người mà tôi phải biết ơn và mong muốn được gặp lại họ một lần nữa.

Nhà báo Kỳ Nhân, cựu phóng viên Hãng AP từ năm 1972-1975:

Tôi đã chụp rất nhanh bức hình đó

Tại thời điểm Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng ở đài phát thanh Sài Gòn, có một nhà báo Việt Nam và là người duy nhất chộp được bức hình lịch sử đó. Ông là nhà báo Phạm Kỳ Nhân (bút danh Kỳ Nhân), phóng viên của Hãng AP tại Sài Gòn khi đó. Ông nhớ lại:

Tôi túc trực tại Dinh Độc Lập bắt đầu từ ngày 28/4 vì thấy lúc này tinh thần của chính quyền ngụy đã rệu rã lắm rồi. 10 giờ sáng ngày 30/4, tôi vào Dinh Độc Lập để tiếp tục theo dõi những diễn biến trong nội các của Dương Văn Minh.

Nhà báo Kỳ Nhân

Cùng có mặt trong Dinh lúc đó với tôi còn có nhà báo Tây Đức Borries Gallasch (giờ ông ấy đã mất rồi). Lúc đó, ngoài Dinh một vài lính Lôi Hổ đang tụ tập trong sân, vứt súng, quân phục xuống đất và có những hành động phản đối việc Tổng thống Dương Văn Minh có ý định đầu hàng quân giải phóng.

Ở trong Dinh, Tổng thống và ông Vũ Văn Mẫu lúc đó đều không có vẻ buồn của người thua trận. Trái lại, tôi thấy họ rất vui và tâm trạng thì rất bồn chồn chờ quân giải phóng vào để bàn giao chính quyền. Khi quân giải phóng vào và đưa nội các Dương Văn Minh đến đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng, tôi đã dùng xe riêng của mình để chở các ông Cả và Lâm (họ đều không đeo quân hàm) đến đài phát thanh.

Lúc đó các nhà báo chỉ có tôi và Borries Gallasch nhưng nhà báo này chỉ ghi âm thôi chứ không chụp hình. Thấy đó là thời khắc quan trọng nên tôi đã chụp rất nhanh bức hình đó và gửi về Hãng AP.

Sau này, những bức ảnh tôi chụp được khi đó cũng đều bán lại cho Mỹ. Một vài bức cũng được gửi cho Báo ảnh Việt Nam. Rời đài phát thanh, tôi hoà vào dòng người của quân giải phóng để tiếp tục tác nghiệp. Thấy tôi chụp ảnh, nhiều bộ đội giải phóng còn thấy rất lạ, thậm chí còn có vẻ ngơ ngác khi thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp.

Trong đời làm phóng viên của mình, bằng những tác phẩm báo chí viết về chiến thắng 30/4 năm đó, tôi vô cùng tự hào vì mình đã đóng góp được một phần nhỏ bé để ghi lại những thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước.

Thanh Hà

kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Thủ đoạn 'gọi vốn' bất động sản của siêu lừa đất Cảng

Thủ đoạn 'gọi vốn' bất động sản của siêu lừa đất Cảng

Pháp luật - 7 giờ trước

GĐXH - Để lừa các nhà đầu tư chuyển tiền, Hòa đã đưa các thông tin gian dối về việc Công ty TNHH Pros Land có hợp tác với các chủ dự án lớn, mua được các suất bất động sản với giá ưu đãi, suất đối ngoại. Đây chính là cái bẫy khiến gần 40 nạn nhân bị lừa.

Tài xế ô tô đạp nhầm chân ga, húc đổ trụ bơm xăng cùng nhiều xe máy

Tài xế ô tô đạp nhầm chân ga, húc đổ trụ bơm xăng cùng nhiều xe máy

Đời sống - 7 giờ trước

Đổ xăng xong, tài xế H. lái xe đi nhưng đạp nhầm chân ga dẫn đến chiếc xe mất kiểm soát, gây tai nạn liên hoàn.

Vụ nam sinh lớp 6 đọc, viết chưa thạo: Rà soát học sinh toàn huyện

Vụ nam sinh lớp 6 đọc, viết chưa thạo: Rà soát học sinh toàn huyện

Giáo dục - 7 giờ trước

Sau khi một học sinh lớp 6 đọc, viết chưa thạo được phát hiện, Phòng GD-ĐT huyện Minh hoá đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS rà soát chất lượng học sinh yếu kém.

Hà Nội: Xót xa hàng loạt cây xanh bị tỉa trơ trụi

Hà Nội: Xót xa hàng loạt cây xanh bị tỉa trơ trụi

Đời sống - 9 giờ trước

GĐXH - Hàng loạt cây xanh ở ngõ 86 và 15 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị cắt trụi cành lá dù thời điểm này chuẩn bị bước vào nắng nóng đỉnh điểm, khiến người dân tiếc nuối.

Chiêu trò 'hút' hàng nghìn tỷ đồng của Công ty Tâm Lộc Phát

Chiêu trò 'hút' hàng nghìn tỷ đồng của Công ty Tâm Lộc Phát

Pháp luật - 9 giờ trước

GĐXH - Chỉ trong một thời gian ngắn, Tâm Lộc Phát từ một công ty "bé xíu" bỗng nhiên "nổi đình, nổi đám" trên khắp các trang mạng xã hội bởi khả năng thu hút các nhà đầu tư trong việc huy động vốn...

Án mạng đau thương ở Lai Châu: Dùng dao sát hại mẹ con của người tình

Án mạng đau thương ở Lai Châu: Dùng dao sát hại mẹ con của người tình

Pháp luật - 9 giờ trước

GĐXH - Cho rằng mẹ người tình ngăn cấm chuyện tình cảm, Hồ đã dùng dao sát hại người phụ nữ này. Trong cơn say máu, Hồ sát luôn người yêu rồi dùng dao tự đâm vào bụng mình để tự sát.

Nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo của kẻ môi giới bất động sản

Nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo của kẻ môi giới bất động sản

Pháp luật - 9 giờ trước

GĐXH - Với thủ đoạn đưa thông tin gian dối cho rằng, bản thân đang đầu tư đất thuộc các dự án tại tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa, đối tượng đề nghị các cá nhân góp vốn chung tiền mua đất. Tiếp đó, Hà yêu cầu các nạn nhân đưa tiền để chi phí tách thửa, sang tên...

Gió mùa Đông Bắc sắp tràn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày nắng nóng đỉnh điểm

Gió mùa Đông Bắc sắp tràn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày nắng nóng đỉnh điểm

Thời sự - 9 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết, sau kỳ nghỉ lễ 30/4, Bắc Bộ đón khối không khí lạnh yếu từ lục địa Trung Quốc di chuyển xuống. Thời tiết sẽ có sự thay đổi, trời có mưa sau chuỗi ngày nắng nóng.

Người dân hối hả về quê nghỉ lễ 30/4 - 1/5, bến xe, phố phường Hà Nội bắt đầu đông đúc

Người dân hối hả về quê nghỉ lễ 30/4 - 1/5, bến xe, phố phường Hà Nội bắt đầu đông đúc

Đời sống - 10 giờ trước

GĐXH - Ngay từ đầu giờ chiều 26/4 (ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5), các bến xe, tuyến đường cửa ngõ trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu đông đúc, người dân hối hả "khăn gói" lên đường về quê.

Phát hiện vật thể nghi là người trong đám cháy nhà xưởng, nơi 2 phóng viên tố bị hành hung

Phát hiện vật thể nghi là người trong đám cháy nhà xưởng, nơi 2 phóng viên tố bị hành hung

Pháp luật - 10 giờ trước

GĐXH - Theo lãnh đạo xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, trong quá trình khám nghiệm hiện trường vụ cháy nhà xưởng, lực lượng chức năng phát hiện một vật thể đã than hoá, nghi là người. Hiện địa phương đang chờ thông tin kết luận từ cơ quan pháp y.

Top