Hà Nội
23°C / 22-25°C

Chuyện lý thú quanh Quốc hiệu Việt Nam

Thứ bảy, 08:39 02/09/2017 | Xã hội

GiadinhNet - Hai tiếng “Việt Nam” ngày nay đã được sử dụng phổ biến, trở nên thiêng liêng và gần gũi. Tuy nhiên, nguồn gốc, ý nghĩa và nhất là quá trình hình thành quốc hiệu đó vẫn luôn là những vấn đề lý thú, hấp dẫn, được nhiều người quan tâm.

Nam Việt và sự e ngại của nhà Thanh

Quan niệm phổ biến từ trước và nhiều kết quả nghiên cứu gần đây thường khẳng định quốc hiệu Việt Nam xuất hiện từ đầu thời Nguyễn, bởi vì chính sử của cả nước ta và Trung Quốc đều ghi nhận cụ thể việc này. Cụ thể là năm 1802, sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh (vua Gia Long) phái hai đoàn sứ giả sang Trung Quốc. Một đoàn do Thượng thư Bộ Hộ là Trịnh Hoài Đức làm Chánh sứ, đem trao trả lại sách ấn mà triều Thanh phong cho nhà Tây Sơn. Đoàn kia do Thượng thư Bộ Binh là Lê Quang Định làm Chánh sứ, xin phong vương cho Nguyễn Ánh và xin đặt quốc hiệu là Nam Việt. Lời quốc thư của Nguyễn Ánh có đoạn: “… Mấy đời trước mở đất viên giao càng ngày càng rộng, gồm cả nước Việt Thường và nước Chân Lạp, đặt quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn hai trăm năm. Nay tôi lấy hết cõi Nam, có toàn miền đất Việt, nên theo hiệu cũ để chính quốc danh…”.


Quốc huy Việt Nam. Ảnh: T.L

Quốc huy Việt Nam. Ảnh: T.L

Cũng trong năm 1802 này, nhà Thanh chuẩn danh xưng quốc hiệu nước ta là Việt Nam. Nhưng đến năm Gia Long thứ 3 (năm 1804), sứ giả nhà Thanh là Tề Bố Sâm mới mang cáo sắc, quốc ấn đến Thăng Long để làm lễ phong vương cho Nguyễn Ánh.

Như vậy, quốc hiệu Việt Nam được công nhận từ năm 1802, nhưng phải đến năm 1804 nó mới được chính thức thừa nhận hoàn toàn về mặt ngoại giao. Giữa hai mốc thời gian này, có nhiều cuộc đi lại, tranh luận, hội đàm khá phức tạp giữa hai triều đình Nguyễn – Thanh. Bởi nhà Nguyễn muốn lấy quốc hiệu nước ta là Nam Việt như hồi các chúa Nguyễn khởi nghiệp, nên không bằng lòng ngay với sự đổi thành Việt Nam của nhà Thanh. Trong cuốn Nước Đại Việt Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, tác giả người Nhật Bản Yoshiharu Tsuboi căn cứ vào kết quả nghiên cứu của nhà Đông phương học Chusei Suzuki, cũng khẳng định điều đó: “Năm 1803, có những cuộc thương thảo rất quan trọng về quốc hiệu dưới triều Nguyễn: Nam Việt hay Việt Nam”.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập.

Sở dĩ nhà Thanh muốn sửa Nam Việt thành Việt Nam là vì hai lý do. Thứ nhất, trong lịch sử Trung Quốc từng có Triệu Đà nổi dậy cát cứ, lập ra nước Nam Việt, tự xưng là Hoàng đế; các triều đại trung ương ở Trung Quốc đều không thừa nhận nước Nam Việt, nhà Thanh cũng vậy và không muốn bị gợi lại quá khứ kém cỏi ấy. Thứ hai (lý do này mới là quan trọng!), Nam Việt - theo cách hiểu truyền thống - có thể gồm cả miền đất nước ta và các xứ Việt Đông, Việt Tây (tức Quảng Đông, Quảng Tây) của Trung Quốc, nên nếu đặt làm quốc hiệu nước ta, sau này sẽ gây rắc rối về mặt lãnh thổ. Quốc thư phúc đáp của vua Thanh gửi vua Nguyễn đã tế nhị trình bày lý do đó.

“… Lúc trước có đất Việt Thường đã xưng là nước Nam Việt, nay có cả đất An Nam, xét ra cho kỹ, thì nên gộp cả đất đai trước sau mà đặt danh hiệu tốt. Vậy, định lấy chữ Việt để trên, tỏ việc giữ đất cũ mà nối nghiệp trước; lấy chữ Nam đặt dưới, tỏ việc mở cõi Nam giao mà chịu quyền mệnh mới. Như thế thì danh xưng chính đại, nghĩa chữ tốt lành, so với hai đất Việt nước Tàu khác nhau xa lắm…”.

Danh xưng Việt Nam có từ thế kỷ 14

Trống đồng Đông Sơn., biểu tượng văn hóa VN. Ảnh: T.L
Trống đồng Đông Sơn., biểu tượng văn hóa VN. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, thực ra, không phải đến tận đầu thời Nguyễn, cái tên Việt Nam mới xuất hiện và có xuất xứ như vậy. Tên gọi Việt Nam được biết đến ít nhất từ thế kỷ 14, thường thấy trong nhiều thư tịch đương thời: Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc, Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Trình tiên sinh quốc ngữ văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú,… Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cũng sưu tầm được các văn bia (với niên đại đều trước thế kỷ 18) có khắc tên gọi Việt Nam, tại những địa điểm khác nhau ở miền Bắc: Bia chùa Bảo Lâm (có từ năm 1558, tại Chí Linh - Hải Dương), bia chùa Cam Lộ (1590, Phú Xuyên - Hà Nội), bia chùa Phúc Thánh (1664, Quế Võ - Bắc Ninh), bia Thủy Môn Đình (1670, Đồng Đăng - Cao Lộc - Lạng Sơn); trong đó bia chùa Bảo Lâm và Thủy Môn Đình đã bị thất lạc, hiện chỉ còn bản dập tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm. Tên gọi Việt Nam có lẽ mang ý nghĩa kết hợp nòi giống và vị trí cư trú địa lý của dân tộc ta (Việt Nam - nước của người Việt ở phía Nam), thể hiện niềm tự tôn, tinh thần độc lập và phủ nhận sự áp đặt, miệt thị của người Trung Quốc. Tuy nhiên, nó chưa thể trở thành quốc hiệu vì chưa được các triều đại phong kiến nước ta tuyên bố hoặc ghi nhận bằng pháp luật.

Tên gọi Việt Nam lần đầu tiên chính thức trở thành quốc hiệu của nước ta là vào năm 1792 chứ không phải vào đầu thời Nguyễn như nhiều người nhầm tưởng. Nó được xác lập bởi một văn bản pháp lý quan trọng (chiếu) của Nhà nước Tây Sơn, niên hiệu Quang Trung thứ 5 và đã được thông báo cho nhà Thanh (Trung Quốc). Trong Dụ Am văn tập của Phan Huy Ích có chép nguyên bản bài Tuyên cáo về việc đặt quốc hiệu mới của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) vào mùa Xuân năm Nhâm Tý 1792, nội dung như sau:

“Xuống chiếu cho thần dân trong thiên hạ đều biết:

Trẫm nghĩ, xưa nay các bậc đế vương dựng nước, ắt có đặt quốc hiệu để tỏ sự đổi mới, hoặc nhân tên đất lúc mới khởi lên, hoặc dùng chữ nghĩa tốt đẹp, xét trong sử sách chứng cớ đã rõ ràng. Nước ta: Sao chùa Dực, Chẩn, cõi Việt hùng cường. Từ lâu đã có tên Văn Lang, Vạn Xuân còn thô kệch. Đến thời Đinh Tiên Hoàng gọi là Đại Cồ Việt nhưng người Trung Quốc vẫn gọi là Giao Chỉ. Từ thời Lý về sau, quen dùng tên An Nam do nhà Tống phong cho ngày trước. Tuy thế, vận hội dù có đổi thay nhưng trải bao đời vẫn giữ theo tên cũ, thực là trái với nghĩa chân chính của việc dựng nước vậy. Trẫm nối nghiệp xưa, gây dựng cơ đồ, bờ cõi đất đai rộng nhiều hơn trước. Xem qua sổ sách, trẫm xét núi sông nên đặt tên tốt để truyền lâu dài… Ban đổi tên An Nam làm nước Việt Nam, đã tư sang Trung Quốc biết rõ.

Từ nay trở đi, cõi Viêm bang bền vững, tên hiệu tốt đẹp gọi truyền, ở trong bờ cõi đều hưởng phúc thanh ninh.

Vui thay, cõi Xuân Thu nhất thống đã truyền khắp bốn phương, gồm ân huệ lâu dài đều hưởng, còn nhiều muôn phúc.

Vậy, nay bá cáo rộng khắp để mọi người đều biết.

Nay chiếu”.

Tuy nhiên, vương triều Tây Sơn tồn tại khá ngắn ngủi, lại gặp nhiều phức tạp nội bộ, nên quốc hiệu mới Việt Nam chưa được dùng phổ biến. Tính đến nay, chúng ta cũng chưa tìm thấy sử liệu đáng kể nào nói về phản ứng của các nước ngoài (nhất là nhà Thanh - Trung Quốc) với việc đổi quốc hiệu này. Nhưng điều này cũng cho thấy rằng, quốc hiệu Việt Nam là của một ông vua nước Việt ban ra cho thiên hạ, trong đó có cả triều đại phong kiến nhà Thanh.

Nhiều thú vị xung quanh quốc hiệu

Sắc màu đất nước trong tà áo dài truyền thống VN. Ảnh:T.L
Sắc màu đất nước trong tà áo dài truyền thống VN. Ảnh:T.L

Trong lịch sử nước ta, có một hiện tượng rất thú vị là quốc hiệu và tên gọi đất nước (quốc danh) thường không thống nhất. Chẳng hạn, năm 1054, nhà Lý đổi quốc hiệu là Đại Việt, quốc hiệu đó liên tục tồn tại đến hết đời Trần (1400), thế nhưng chiếu nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh ngày 10/1/1226 lại mở đầu bằng câu: “Nước Nam Việt ta từ lâu đã có các đế vương trị vì”. Nhà Hồ (1400 -1407) đổi quốc hiệu là Đại Ngu (sự yên vui lớn), nhưng đa số dân chúng vẫn gọi Đại Việt, còn người Trung Quốc gọi Giao Chỉ. Thế kỷ thứ 15, trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi có viết: “Vua đầu tiên là Kinh Dương Vương, sinh ra có đức của bậc thánh nhân, được phong sang Việt Nam làm tổ Bách Việt”, nhưng trong Bình Ngô đại cáo, ông lại viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Đời Gia Long (trị vì năm 1802-1820), quốc hiệu là Việt Nam, nhưng một bộ phận dân chúng vẫn quen gọi Đại Việt, còn người Trung Quốc và phương Tây thường gọi An Nam…

Sau khi lên nối ngôi vua Gia Long, vua Minh Mạng cho đổi quốc hiệu là Đại Nam (cuối năm 1838), cái tên Việt Nam không còn thông dụng như trước nữa. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, hai tiếng Việt Nam được sử dụng trở lại bởi các nhà sử học và chí sĩ yêu nước, trong nhiều tác phẩm và tên tổ chức chính trị: Phan Bội Châu viết Việt Nam vong quốc sử (năm 1905) rồi cùng Cường Để thành lập Việt Nam Công hiến hội (1908), Việt Nam Quang phục hội (1912); Phan Châu Trinh viết Pháp - Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam (1914), Trần Trọng Kim viết Việt Nam sử lược (1919); Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội (1925) và Việt Nam Độc lập Đồng minh hội (1941)…

Như vậy là dù thời đại nào, hoàn cảnh ra sao, quốc hiệu Việt Nam vẫn được lưu truyền một cách mạnh mẽ, chính thống bên cạnh những danh xưng khác hoặc thứ danh xưng mà người khác gán cho chúng ta. Điều đó thể hiện sự trường tồn của một đất nước, một dân tộc với tinh thần mạnh mẽ, quật cường.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, trao chính quyền hình thức cho Bảo Đại. Bảo Đại đổi lại quốc hiệu từ Đại Nam thành Việt Nam. Ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Bảo Đại thoái vị. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiến pháp năm 1946 chính thức thể chế hóa danh hiệu này. Từ đấy, quốc hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến, với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng, toàn diện nhất của nó.

Nhà nghiên cứu, TS Nguyễn Anh Hùng

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Thủ đoạn 'gọi vốn' bất động sản của siêu lừa đất Cảng

Thủ đoạn 'gọi vốn' bất động sản của siêu lừa đất Cảng

Pháp luật - 4 giờ trước

GĐXH - Để lừa các nhà đầu tư chuyển tiền, Hòa đã đưa các thông tin gian dối về việc Công ty TNHH Pros Land có hợp tác với các chủ dự án lớn, mua được các suất bất động sản với giá ưu đãi, suất đối ngoại. Đây chính là cái bẫy khiến gần 40 nạn nhân bị lừa.

Tài xế ô tô đạp nhầm chân ga, húc đổ trụ bơm xăng cùng nhiều xe máy

Tài xế ô tô đạp nhầm chân ga, húc đổ trụ bơm xăng cùng nhiều xe máy

Đời sống - 4 giờ trước

Đổ xăng xong, tài xế H. lái xe đi nhưng đạp nhầm chân ga dẫn đến chiếc xe mất kiểm soát, gây tai nạn liên hoàn.

Vụ nam sinh lớp 6 đọc, viết chưa thạo: Rà soát học sinh toàn huyện

Vụ nam sinh lớp 6 đọc, viết chưa thạo: Rà soát học sinh toàn huyện

Giáo dục - 4 giờ trước

Sau khi một học sinh lớp 6 đọc, viết chưa thạo được phát hiện, Phòng GD-ĐT huyện Minh hoá đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS rà soát chất lượng học sinh yếu kém.

Hà Nội: Xót xa hàng loạt cây xanh bị tỉa trơ trụi

Hà Nội: Xót xa hàng loạt cây xanh bị tỉa trơ trụi

Đời sống - 6 giờ trước

GĐXH - Hàng loạt cây xanh ở ngõ 86 và 15 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị cắt trụi cành lá dù thời điểm này chuẩn bị bước vào nắng nóng đỉnh điểm, khiến người dân tiếc nuối.

Chiêu trò 'hút' hàng nghìn tỷ đồng của Công ty Tâm Lộc Phát

Chiêu trò 'hút' hàng nghìn tỷ đồng của Công ty Tâm Lộc Phát

Pháp luật - 6 giờ trước

GĐXH - Chỉ trong một thời gian ngắn, Tâm Lộc Phát từ một công ty "bé xíu" bỗng nhiên "nổi đình, nổi đám" trên khắp các trang mạng xã hội bởi khả năng thu hút các nhà đầu tư trong việc huy động vốn...

Án mạng đau thương ở Lai Châu: Dùng dao sát hại mẹ con của người tình

Án mạng đau thương ở Lai Châu: Dùng dao sát hại mẹ con của người tình

Pháp luật - 6 giờ trước

GĐXH - Cho rằng mẹ người tình ngăn cấm chuyện tình cảm, Hồ đã dùng dao sát hại người phụ nữ này. Trong cơn say máu, Hồ sát luôn người yêu rồi dùng dao tự đâm vào bụng mình để tự sát.

Nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo của kẻ môi giới bất động sản

Nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo của kẻ môi giới bất động sản

Pháp luật - 6 giờ trước

GĐXH - Với thủ đoạn đưa thông tin gian dối cho rằng, bản thân đang đầu tư đất thuộc các dự án tại tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa, đối tượng đề nghị các cá nhân góp vốn chung tiền mua đất. Tiếp đó, Hà yêu cầu các nạn nhân đưa tiền để chi phí tách thửa, sang tên...

Gió mùa Đông Bắc sắp tràn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày nắng nóng đỉnh điểm

Gió mùa Đông Bắc sắp tràn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày nắng nóng đỉnh điểm

Thời sự - 6 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết, sau kỳ nghỉ lễ 30/4, Bắc Bộ đón khối không khí lạnh yếu từ lục địa Trung Quốc di chuyển xuống. Thời tiết sẽ có sự thay đổi, trời có mưa sau chuỗi ngày nắng nóng.

Người dân hối hả về quê nghỉ lễ 30/4 - 1/5, bến xe, phố phường Hà Nội bắt đầu đông đúc

Người dân hối hả về quê nghỉ lễ 30/4 - 1/5, bến xe, phố phường Hà Nội bắt đầu đông đúc

Đời sống - 7 giờ trước

GĐXH - Ngay từ đầu giờ chiều 26/4 (ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5), các bến xe, tuyến đường cửa ngõ trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu đông đúc, người dân hối hả "khăn gói" lên đường về quê.

Phát hiện vật thể nghi là người trong đám cháy nhà xưởng, nơi 2 phóng viên tố bị hành hung

Phát hiện vật thể nghi là người trong đám cháy nhà xưởng, nơi 2 phóng viên tố bị hành hung

Pháp luật - 8 giờ trước

GĐXH - Theo lãnh đạo xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, trong quá trình khám nghiệm hiện trường vụ cháy nhà xưởng, lực lượng chức năng phát hiện một vật thể đã than hoá, nghi là người. Hiện địa phương đang chờ thông tin kết luận từ cơ quan pháp y.

Top