Hà Nội
23°C / 22-25°C

Giao lưu trực tuyến "Thực phẩm sạch và sức khỏe người tiêu dùng"

Giadinh.net - Trong tình hình dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang bùng phát, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm vì thế được đặc biệt chú trọng. Rất nhiều bạn đọc đã gửi phản hồi đến báo Gia đình và Xã hội bày tỏ mong muốn tìm hiểu thêm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và người tiêu dùng, cũng như để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của tháng hành động về An toàn vệ sinh thực phẩm, báo điện tử Giadinh.net.vn thuộc báo Gia đình và Xã hội tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến: Thực phẩm sạch và sức khỏe người tiêu dùng.

Và dù rất bận rộn với công việc nhưng đúng 14h chiều 20/5, Ths Nguyễn Thanh Phong - Cục Phó cục An toàn vệ sinh thực phẩm, TS Phạm Xuân Đà – Trưởng phòng Thông tin Giáo dục Truyền thông Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm và TS Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng Quản lý Ngộ độc – Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm đã có mặt tại tòa soạn báo Giadinh.net.vn để sẵn sàng trả lời các câu hỏi giao lưu từ bạn đọc.

Tổng biên tập Lê Cảnh Nhạc và Phó Tổng biên tập Nguyễn Đức Tuân tặng hoa cho các khách mời tham gia giao lưu.

Trần Quốc Tuấn - tuantq@fpt.com.vn - Nam 32 tuổi: Việt Nam vốn nổi tiếng với “văn hóa đường phố”. Nhiều người thấy thoải mái khi ăn uống ở các quán vỉa hè mặc dù các quán ăn này đều không đảm bảo vệ sinh. Đã có nhiều lần, các cơ quan chức năng lên tiếng về việc quản lý VSATTP đối với các quán ăn vỉa hè. Tuy nhiên, có vẻ như hiện tại, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Vậy, làm cách nào các cơ quan chức năng có thể giải quyết triệt để tình trạng này trong khi việc cấm các quán ăn vỉa hè là không thể được?

TS Phạm Xuân Đà:

Như chúng ta đã biết, quy luật kinh tế cơ bản là có cầu ắt có cung và quy luật đó là không thể thay đổi, do đó ta cần phải tìm ra giải pháp hợp lý để quản lý thức ăn đường phố. Vấn đề đặt ra là nhà quản lý cần tuyên truyền, tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm để người tiêu dùng có thể tự nhận thức được nguy cơ từ các quán ăn vỉa hè không hợp vệ sinh và biết tẩy chay các quán ăn đó thì các quán ăn vỉa hè không hợp vệ sinh đó sẽ không thể tồn tại.

Từ đó có thể có các giải pháp giải quyết như sau:
- Thông tin, tuyên truyền cho người tiêu dùng để nhận biết và sử dụng dịch vụ thức ăn đường phố hợp vệ sinh (thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng), bên cạnh đó bản thân những người sản xuất ra các sản phẩm thực phẩm phải là những người sản xuất có lương tâm.
- Xây dựng quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho thức ăn đường phố. Đây là vấn đề cần có sự đồng thuận của cả xã hội (đối tượng là những người tiêu dùng, người cung cấp dịch vụ, chính quyền và các cơ quan chức năng…) để có thể đưa các quy định đó đi vào cuộc sống. Hiện tại đã có quyết định 41/2005/QĐ-BYT Quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống (ký ngày 08/12/2005 – TT Trịnh Quân Huấn).
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
- Tăng cường việc giám sát VSATTP của người tiêu dùng, của các hiệp hội và tổ chức xã hội trong việc phát hiện các vi phạm.
- Song song với các hoạt động trên cần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, thay đổi tập quán ăn uống “dễ dãi”
của người tiêu dùng.

TS Phạm Xuân Đà đang trả lời câu hỏi giao lưu.


Hoa Thúy Hường - hth_kthn@yahoo.com - Nữ 37 tuổi:Cá nhân tôi chỉ biết một cách duy nhất nhận biết thực phẩm sạch là căn cứ vào nhãn mác. Nhưng nhãn mác thì hoàn toàn có thể làm giả được. Vậy xin ông/bà cho biết những cách nhận biết khác (nếu có) của thực phẩm sạch và những chỉ số nào trên nhãn mác là chứng nhận thực phẩm sạch thật ạ. Xin cảm ơn.

TS Phạm Xuân Đà:

Mục đích của nhãn mác trên sản phẩm:
- Biết được thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng VSATTP của sản phẩm theo quy định của pháp luật: tên hàng hoá, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá thực phẩm, định lượng hàng hoá, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, biện pháp bảo quản, xuất xứ hàng hoá...
- Cơ quan chứng nhận điều kiện VSATTP, công bố chất lượng VSATTP.
- Là cơ sở pháp lý để xử lý các tranh chấp giữa người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Cách nhận biết thực phẩm sạch ngoài nhãn mác:
Không có 1 biện pháp đơn lẻ nào để nhận biết, đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP sản phẩm tuyệt đối, cần phối hợp các biện pháp sau:
- Nhãn mác: Chú ý xác nhận của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Hạn sử dụng.
Hướng dẫn bảo quản (có so sánh với điều kiện bảo quản thực tế)
- Kiểm tra chất lượng của hàng hoá theo thực tế:
Không bị rách, thủng
Cảm quan đánh giá: màu sắc, mùi vị,...
Ngoài ra còn có: - Các tem chống hàng giả của nhà sản xuất (nếu có)
- Chất lượng, tên nhãn bao bì có giống như công bố, đăng ký hay không?
- Sự bảo đảm, cam kết của nhà sản xuất (trực tiếp là đại lý, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm) với sản phẩm.

Nguyễn Thị Thùy - thuy_hn@yahoo.com - Nữ 35 tuổi: Mùa hè là mùa dễ nhiễm các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Vậy ông có thể đưa ra một vài cách thức hữu hiệu nhất để lựa chọn và chế biến các loại thực phẩm phù hợp với mùa hè, vừa đảm bảo vệ sinh lại vừa ngon miệng?

TS Phạm Xuân Đà:

Đặc điểm khí hậu mùa hè là sự nóng, ẩm dễ dẫn đến mất nước, muối khoáng và các vitamin nhưng nhu cầu năng lượng tiêu hao lại giảm, do đó có thể lựa chọn cũng như chế biến các loại thực phẩm phù hợp với mùa hè theo các cách thức sau:

Yêu cầu về thức ăn:
- Nhiều nước, có khả năng bổ sung các vitamin B, C, cung cấp muối khoáng.
- Ít đạm, mỡ động vật.
- Tăng cường các loại rau xanh.
- Lượng thức ăn chế biến ra vừa đủ, tránh dư thừa dễ bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh.

Một số thực phẩm phù hợp bảo đảm VSATTP và ngon miệng cho mùa hè:
- Thức ăn cung cấp đạm, mỡ có nguồn gốc từ cá, tôm, cua, đậu,...
- Rau xanh và canh: canh chua, canh cua, rau ngót, rau đay, mùng tơi, rau muống...
- Bổ sung nhiều loại củ, quả tươi có tính mát: cam, bưởi, chanh leo, thanh long, dưa chuột...

Bùi Tiến Huy - Nam 30 tuổi: Tôi hay bị đau bụng đi ngoài. Rất mong các ông cho biết nên ăn thực phẩm gì để không bị tình trạng này. Tôi xin chân thành cảm ơn!

TS Phạm Xuân Đà:Bạn phải tìm hiểu nguyên nhân đi ngoài là vì lý do gì. Nếu do sử dụng thực phẩm không an toàn thì phải điều trị và khắc phục tình trạng sử dụng thực phẩm không an toàn. Nếu do các nguyên nhân bệnh lý khác, bạn cần phải đi khám bác sĩ và điều trị triệt để. Tuy nhiên cũng cần cân đối khẩu phần ăn hợp lý đủ các chất dinh dưỡng, nhiều rau và hoa quả và đảm bảo thực hành vệ sinh tốt.

Trương Thanh Quyết - Nam 48 tuổi: Trước đây con tôi thường xuyên ăn nem chua, gần đây tôi được biết các cơ sở sản xuất nem chua 100% sử dụng chất chống thối. Tôi rất lo lắng liệu chất chống thối đó sẽ gây hại như thế nào tới sức khỏe của con tôi? Xin ông cho biết có cách nào để ngăn ngừa hậu quả trước khi chất đó phát tác?

TS Phạm Xuân Đà:

Bản thân chúng tôi chưa có số liệu khẳng định về vấn đề này. Việc có một chất ô nhiễm nào tồn dư trong thực phẩm đều phải được kiểm soát. Tuy nhiên, không phải cứ có chất ô nhiễm là nguy hiểm. Điều này phụ thuộc vào giới hạn cho phép của các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào nồng độ chất ô nhiễm, lượng thực phẩm ăn vào và khả năng tích lũy liều gây độc của chất ô nhiễm đó đối với cơ thể.

Nguyễn Đắc Kiên - kiendac@hotmail.com - Nam 27 tuổi:- Tôi xin hỏi một câu hơi riêng tư và "tò mò" một chút. Là một người làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, không biết gia đình các anh làm thế nào để có một "bữa ăn sạch"? Các anh có bao giờ đi ăn cơm bụi hoặc các quán ăn ở vỉa hè không?

TS Lâm Quốc Hùng:

Người làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một thành viên cộng đồng nhưng khác hơn là nhận thức, hành vi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường hơn, nghề nghiệp mà (cười).
Người làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cũng phải đi ăn cơm bụi ở các quán ăn vỉa hè nhưng biết chọn những quán sẽ đảm bảo vệ sinh ăn uống cho mình và cho bạn mình.
Nếu như người làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trực tiếp đi chợ sẽ có điều kiện để đảm bảo bữa ăn sạch cho gia đình. Có trường hợp người thân trực tiếp đi chợ sẽ thực sự là chuyên gia để đảm bảo bữa ăn sạch cho gia đình vì thường xuyên được tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, sử dụng thực phẩm. Và họ có kinh nghiệm thực tế hơn vì thường xuyên phải đi chợ hơn người làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
TS Lâm Quốc Hùng đang trả lời câu hỏi giao lưu của độc giả.

Lương Thị Lành - Nữ 56 tuổi: Tôi ở một xã cách xa trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc. Xin hỏi, hiện nay có đường dây nóng nào sẵn sàng để thông báo các trường hợp nhiễm bệnh tiêu chảy chưa?

Ths Nguyễn Thanh Phong:

Khi phát hiện bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp, bạn có thể thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất (y tế thôn bản, y tế xã) hoặc gọi điện thoại đến Cục An toàn vệ sinh thực phẩm: 043 8464501.

Nguyen van Chuan - ecbnvchuan.@yahoo.com - Nam 63 tuổi: Con tôi và một số người rất hay ăn rau sống. Rau sống thường chỉ được rửa sạch bằng nước thường, sau đó có ngâm rau sống vào nước muối nhạt. Như vậy có đảm bảo vệ sinh thực sự chưa?

TS Lâm Quốc Hùng:

Rau sống là thực phẩm có nguy cơ cao nhiễm các yếu tố gây bệnh (vi sinh vật, chất hóa học...)
Việc rửa rau bằng nước sạch, ngâm rau trong nước muối nhạt chỉ là biện pháp loại bỏ bớt những nguy cơ gây bệnh trên rau. Để bảo đảm vệ sinh thật sự thì cần biết và sử dụng khi rau đó có nguồn gốc là rau sạch.

Ngô Quý Lan - lanngo@yahoo.com - Nữ 35 tuổi: Thưa anh, ở Hà Nội hiện nay có công ty hoặc khu chuyên trồng và cung cấp rau sạch nào được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp giấp phép không? Anh có thể cung cấp cho tôi địa chỉ không? Xin giải thích giúp tôi kĩ hơn khái niệm rau sạch để tôi có thể phân biệt được khi đi mua rau ở chợ. Chân thành cảm ơn!

Ths Nguyễn Thanh Phong:

Hiện ở Hà Nội có rất nhiều Hợp tác xã rau sạch đã được ngành nông nghiệp chứng nhận, các loại rau được trồng ở các cơ sở này đều tuân thủ các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các chỉ số về hóa chất bảo vệ thực vật còn tồn dư, độ nhiễm khuẩn, kim loại nặng.... đều đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm không có chức năng cấp giấy chứng nhận rau an toàn mà theo phân công, việc này giao cho ngành nông nghiệp phát triển nông thôn. Bạn có thể tham khảo địa chỉ các cơ sở rau an toàn tại Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Hà Nội, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội...
Rau sạch (hay còn gọi là rau an toàn) là các loại rau không chứa các chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản, kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh... vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép.
Chúc bạn lựa chọn được rau quả cũng như thực phẩm như ý.
ThS Nguyễn Thanh Phong đang trả lời câu hỏi giao lưu.

Nguyễn Thị Phượng - Nữ 45 tuổi:Tôi xin hỏi máy khử độc thực phẩm Ozon và Nano khử được bao nhiêu % chất độc trong thực phẩm?

Ths Nguyễn Thanh Phong:

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm không có chức năng cấp phép cho các sản phẩm sản sinh ozon. Việc này được phân công cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, có thể nói đối với ozon, chỉ có thể tác dụng trên vi khuẩn gây bệnh còn đối với các hóa chất bảo vệ thực vật, các hoocmôn tăng trưởng, các chất bảo quản, các kim loại nặng là những yếu tố gây độc hại có trong thực phẩm, những chất này có cấu trúc hóa học rất khác nhau, rất khó có một tác nhân có thể xử lý tất cả những tác nhân gây độc hại này. Điều đáng quan tâm này, nếu không khống chế được lượng ozon, đặc biệt là nó tồn dư trong không khí thì rất độc hại đối với sức khỏe con người.

Sunny - yourfriendvn@gmail.com - Nữ 29 tuổi:Màu thực phẩm có phản ánh đúng chất lượng VSAT TP không? Cụ thể như thế nào? Liệu có phải sản phẩm có màu trắng thì hợp vệ sinh, sản phẩm có màu tối thì không tốt cho sức khỏe hay không?

TS Lâm Quốc Hùng:

Màu thực phẩm có 2 nhóm chính: màu của tự nhiên và màu nhân tạo dùng trong quá trình chế biến thực phẩm.
Do đó, màu thực phẩm cần phải nhận biết đúng sẽ phản ánh đúng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví dụ, khi chúng ta đi chợ, chúng ta thấy màu của một khoanh thịt lợn với màu đỏ tự nhiên của thịt. Đây là một trong những chỉ tiêu cảm quan để đánh giá chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm khi lựa chọn khoanh thịt đó.
Đối với thực phẩm chế biến có sử dụng màu nhân tạo phải được kiểm định, đánh giá bằng các biện phápquản lý và xét nghiệm để phản ánh màu đó có được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm không.
Ví dụ, thấy màu vàng trong thực phẩm. Nếu sản phẩm đó được nhà sản xuất chứng minh có nguồn gốc từ màu nhân tạo (màu thực phẩm), được cơ quan quản lý xác nhận cho phép sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm và khi lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả đó là màu thực phẩm. Nghĩa là màu đólà một chỉ tiêu phản ánh chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm đó như nhà sản xuất công bố.

Mai Trần - Nữ 23 tuổi: Cháu là nhân viên kinh doanh, thường phải đi bán lẻ hàng hóa. Những lúc nóng nực cháu hay phải uống trà đá ngoài đường mà không được sạch sẽ. Xin hỏi các chú là cháu uống nhiều như thế có ảnh hưởng đến sức khỏe không ạ?

TS Phạm Xuân Đà:Việc uống trà đá không ảnh hưởng gì tới sức khỏe nói chung nếu trà và đá sạch, đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên do tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm đá, nước trà, dụng cụ ở các cơ sở thức ăn đường phố như thế thường không đảm bảo, do đó cần phải lựa chọn những cơ sở có đầy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Anh Tan - Nam 40 tuổi:Thưa ông, tôi thấy báo đài tuyên truyền không nên ăn mắm tôm, rau sống và thịt chó để phòng chống tiêu chảy cấp, nhưng tôi vẫn thấy người ta bán thịt chó và bún đậu mắm tôm bình thường, tôi không biết họ có bị xử phạt không? Và tôi cũng băn khoăn là nếu phải ngừng bán, nhưng đây là nghề kiếm cơm của họ, thì nhà nước có hỗ trợ cho họ chút tiền nào không?

Ths Nguyễn Thanh Phong:

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng ngành y tế đã tiến hành xét nghiệm mẫu thịt chó (kể cả chó chưa mổ, cũng như chó đã mổ) và dụng cụ, nước... nơi giết mổ chó và đã phát hiện phẩy khuẩn tả đồng thời với việc điều tra nguyên nhân gây tiêu chảy cấp và thức ăn của những người đã bị tiêu chảy thì đại đa số họ đều đã ăn thịt chó. Chính vì vậy mà thức ăn bị nghi ngờ gây tiêu chảy cấp là thịt chó. Đặc biệt là thịt chó thường được ăn cùng với mắm tôm, rau sống là những loại thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn. Do vậy trong khi có dịch, việc tạm thời ngừng kinh doanh các cửa hàng thịt chó không đảm bảo vệ sinh là hết sức cần thiết để phòng chống dịch cho cộng đồng.
Những cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh theo quy định, đặc biệt không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh mà vẫn tiếp tục kinh doanh thực phẩm nói chung, trong đó thịt chó, bún đậu, mắm tôm nói riêng là đều kinh doanh bất hợp pháp.
Việc hỗ trợ cho các cơ sở kinh doanh phải tạm thời ngừng kinh doanh các loại thực phẩm nhạy cảm trong thời gian có dịch là rất đáng quan tâm, chúng tôi sẽ có những kiến nghị đến các cơ quan chức năng để nghiên cứu, xem xét.

Pham Mai - Maipham@ 26 tuổi:Nếu tôi mua phải hàng quá đát trong siêu thị hoặc các cửa hàng, ví dụ như bánh kẹo, sữa... thì tôi có thể trả lại hàng không và các cửa hàng có phải chịu trách nhiệm không? Vì có lần tôi đã đem trả lại một cửa hàng và họ không nhận, họ bảo không phải hàng của họ. Tôi rất tức giận mà không làm gì được và đành ấm ức chịu thiệt. Xin ông cho biết tôi có thể làm gì trong trường hợp này. Xin cảm ơn ông.

TS Phạm Xuân Đà:Về nguyên tắc các cơ sở kinh doanh thực phẩm chỉ được phép bán các sản phẩm thực phẩm đã được công bố tiêu chuẩn sản phẩm và còn hiệu lực (đối với thực phẩm bao gói), còn hạn sử dụng. Do đó, trong trường hợp mà bạn mua phải thực phẩm quá hạn sử dụng thì có quyền đòi hỏi cửa hàng phải chịu trách nhiệm hoặc báo cơ quan có thẩm quyền như chính quyền các cấp, thanh tra y tế, hội bảo vệ người tiêu dùng...

Hanh Dung - hanhdung@list.ru 30 tuổi:Xin hỏi ông Nguyễn Thanh Phong, trước thực tế nhiều thực phẩm không đảm bảo chất lượng như hiện nay, tôi rất muốn biết đâu mới là những sản phẩm được Bộ Y tế chứng nhận đảm bảo chất lượng? Xin hỏi ông là Cục ATVSTP có trang web riêng không và trên trang web có đăng danh sách các sản phẩm đã được Bộ Y tế kiểm định chất lượng không?

Ths Nguyễn Thanh Phong:

Theo phân cấp quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm (chứng nhận chất lượng) về thực phẩm không những được thực hiện ở Cục An toàn vệ sinh thực phẩm mà còn được phân cấp xuống Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Một thực phẩm muốn được lưu thông trong nước thì cơ sở đó phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh (nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ và con người). Sau đó cơ sở này phải mang mẫu sản phẩm dự định sản xuất hoặc kinh doanh đến các phòng thí nghiệm được công nhận để kiểm định chất lượng, tiếp theo đó doanh nghiệp phải công bố tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn này không được thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam. Lúc đó các cơ quan y tế mới cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và sản phẩm đó được phép lưu hành.
Riêng đối với thực phẩm nhập khẩu, ngoài các điều kiện trên, mỗi một lô hàng về đến Việt Nam đều phải kiểm tra lại một lần nữa tại một trong 13 phòng kiểm nghiệm được Bộ Y tế chỉ định. Chỉ sau khi có giấy chứng nhận đạt yêu cầu thì các thực phẩm đó mới được phép lưu thông.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp khi công bố thì tiêu chuẩn đạt yêu cầu nhưng khi được phép lưu thông rồi thì các doanh nghiệp lại sản xuất chất lượng thấp hơn. Để tránh tình trạng này, các cơ quan chức năng đã thường xuyên lấy mẫu sản phẩm cả trên thị trường cũng như cơ sở sản xuất để kiểm nghiệm lại (hậu kiểm). Nếu phát hiện ra sản phẩm không đúng như tiêu chuẩn đã công bố thì sẽ xử lý theo quy định.
Bạn có thể tham khảo trang web của Cục ATVSTP tại địa chỉ: www.vfa.gov.vn
Trong đó có danh mục các loại thực phẩm đã được Cục ATVSTP cấp phép.
Chúc bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Phạm Thị Thu Hương - huongpt@vnn.vn - Nữ 33 tuổi:Ai cũng muốn có sức khỏe tốt, và ai cũng biết phải ăn uống đảm bảo. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua toàn thực phẩm sạch trong các bữa ăn khi mà giá thành luôn cao hơn những thực phẩm cùng loại khác. Vậy xin hỏi, làm thế nào để thực phẩm sạch được “đại chúng hóa” trong từng bữa ăn gia đình ạ? Hoặc nếu tôi có ít tiền, xin mách nước cách tiêu dùng để hợp lý hóa trong bữa ăn luôn có thực phẩm sạch ạ. Xin cảm ơn.

TS Lâm Quốc Hùng:

Hàng hóa bao giờ cũng có 2 loại giá: giá trị sử dụng và giá. Thông thường, giá trị sử dụng và giá đi cùng với nhau. Tuy vậy, trong thực tế đối với thực phẩm quan trọng nhất là phải biết tính toán cho phù hợp với khả năng chi tiêu của gia đình. Điều quan trọng nhất trong khoa học về thực phẩm đó là vấn đề tính toán được nhu cầu dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Từ đó, sẽ cân đối được các thành phần thực phẩm, điều tiết thành phần, số lượng thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của từng thành viên trong gia đình và của cả gia đình.
Điều này, sẽ đảm bảo cho chúng ta tiết kiệm được chi tiêu, tránh lãng phí do không cấn đối được khẩu phần ăn. Và đây là yếu tố để góp phần giảm chi tiêu lãng phí trong vấn đề phục vụ nhu cầu thực phẩm trong gia đình.

Hoàng Linh - linhhoang@yahoo.com - Nam 40 tuổi:Mặc dù đã nhiều lần kêu gọi về việc giữ VSATTP nhưng tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra rất nhiều. Đặc biệt, gần đây báo chí đã đưa rất nhiều về tình trạng ngộ độc tại các trường học, các khu công nghiệp… Là người có thẩm quyền, ông có thể cho ý kiến của mình về vấn đề này. Làm cách nào để những học sinh, công nhân yên tâm khi ăn những bữa ăn tại trường, cơ quan?

TS Lâm Quốc Hùng:

Ngộ độc thực phẩm là hậu quả của việc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm. Để có thực phẩm an toàn phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm liên tục từ quá trình sản xuất đến quá trình tiêu dùng thực phẩm (từ trang trại đến bàn ăn). Việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do rất nhiều nguyên nhân liên quan đến quá trình sản xuất chế biến, kinh doanh, bảo quản, tiêu dùng thực phẩm.
Hiện nay, ngộ độc thực phẩm đang là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội. Đặc biệt, là ngộ độc do các bữa ăn tập thể, các khu công nghiệp. Nguyên nhân do nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn, cơ sở chế biến thực phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh và một nguyên nhân nữa do chi phí một bữa ăn của người tiêu dùng quá thấp (5.000 đ/người/bữa).
Để đảm bảo an toàn những bữa ăn cho học sinh, công nhân cần thực hiện những vấn đề sau:
- Chỉ hợp đồng, sử dụng dịch vụ ăn uống đối với những cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng.
- Sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn của những cơ sở cung cấp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Lựa chọn những món ăn bảo đảm vệ sinh theo các chỉ tiêu đánh giá bằng cảm quan trong thực tế.
- Chấp nhận chi phí cho bữa ăn cao hơn (để có thực phẩm an toàn)

Hà Ngọc Mai - babyxinhdep_56@gmail.com - Nữ 20 tuổi:Nếu phát hiện ra những cơ sở sản xuất thức ăn, thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm thì tôi có thể liên hệ với cơ quan nào? Việc xử lý những cơ sở này hiện đã nghiêm chưa? Hình thức xử lý cao nhất là gì?

TS Phạm Xuân Đà:Như tôi đã trả lời lúc trước, mời bạn tham khảo câu hỏi liên quan. Trường hợp đó, bạn có thể thông báo cho cơ quan có thẩm quyền như: Chính quyền các cấp, thanh tra y tế, cảnh sát môi trường, ....

Lê Thị Lan - Nữ 41 tuổi:Làm thế nào để phân biệt được thực phẩm “sạch” và thực phẩm “không sạch”?

TS Phạm Xuân Đà:

Đối với các thực phẩm thì cần đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được các tổ chức, cơ quan có chức năng xác nhận đảm bảo ATTP hoặc đủ tiêu chuẩn lưu hành. Ngoài ra có thể đánh giá bằng cảm quan như là:
- Đối với thực phẩm bao gói sẵn, phải đảm bảo ghi nhãn đầy đủ, còn hạn sử dụng, có giấy công bố tiêu chuẩn sản phẩm...
- Đối với thực phẩm tươi sống, có thể xem xét, đánh giá bằng cảm quan về độ tươi, bằng mùi, mầu sắc...

Hoàng Thị Hà - hoanghaqlvh@yahoo.com - Nữ 30 tuổi:Có rất nhiều thông tin cho rằng: các loại thực phẩm trong nước cũng như nhập khẩu được bán lẻ trên thị trường có rất nhiều chất bảo vệ thực vật, chất kích thích...Hầu hết người tiêu dùng không tự kiểm tra được độ an toàn của nó, tất cả đều "Khuất mắt....". vậy có cách nào để người tiêu dùng tự bảo vệ mình hiệu quả nhất thưa các đ/c

TS Phạm Xuân Đà:

Cảm ơn bạn về câu hỏi. Các thực phẩm nhập khẩu chính ngạch vào VN đều được kiểm soát theo quy định của pháp luật như là: kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP chủ yếu phải công bố tiêu chuẩn sản phẩm tại Bộ Y tế (Cục ATVSTP), chỉ những thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn mới được cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm và được phép lưu hành tại VN.
Ngoài ra, VN tham gia hệ thống cảnh báo quốc tế về ATTP, nên đối với các loại thực phẩm nhập khẩu có cảnh báo là không an toàn thì sẽ được xử lý triệt để, không cho lưu hành tại VN. Do đó bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm nhập khẩu đã được công bố tiêu chuẩn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo ATTP.

Mai Thị Hồng Thắm - maitham73@yahoo.com - Nữ 37 tuổi:Cho tôi hỏi, nguời ta nói khi muốn biết thịt lợn có nuôi tăng trọng không thì ấn tay vào miếng thịt thấy màu ánh lên là đúng lợn nuôi tăng trọng, vậy có đúng không ạ?

TS Lâm Quốc Hùng:

Lợn nuôi tăng trọng thường sử dụng hóa chất clenbuteron. Hóa chất giữ nước, tăng tỉ lệ nạc trong thịt. Do đó, muốn biết thịt lợn có nuôi bằng hóa chất tăng trọng không cần phải xét nghiệm hóa chất clenbuteron ở trong thịt (kết quả chính xác nhất). Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể sử dụng phương pháp cảm quan để đánh giá:
- Màu thịt lợn nuôi tăng trọng đỏ hơn màu thịt lợn tự nhiên
- Ấn vào miếng thịt có cảm giác chắc, căng hơn bình thường

Sunny - yourfriendvn@gmail.com - Nữ 29 tuổi:Hiện đang có ý kiến cho rằng “Thực phẩm chiên trong dầu chiên đi chiên lại nhiều lần có màu sậm và không tốt cho sức khỏe”, rồi căn cứ vào đó suy ra “các thực phẩm có màu vàng sậm là do dùng dầu chiên đi chiên lại…”. Lập luận này gây ra sự hoang mang cho một số người tiêu dùng khi tiếp nhận thông tin trái với suy nghĩ & trải nghiệm thực tế của họ. Họ có đôi phần bối rối và lúng túng trong việc lựa chọn sản phẩm “trắng nhợt” hay “vàng tươi” hay “vàng sậm”. Ông có đồng ý với kiểu suy luận này không? Bởi theo hiểu biết của tôi và thực tế cũng cho thấy màu thực phẩm sau khi chiên chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thời gian chiên, nhiệt độ chiên, sự tẩm ướp gia vị…v..v. Rất mong đại diện của cục VSATTP đưa ra câu trả lời rõ ràng và thuyết phục giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn sản phẩm phù hợp nhu cầu của họ.

TS Lâm Quốc Hùng:

Màu của thực phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố: màu của nguyên liệu thực phẩm tự nhiên và màu thực phẩm đưa vào trong quá trình chế biến, màu của dầu sử dụng để chiên rán...
Nếu sản phẩm có màu sậm do đặc tính của sản phẩm đã được nhà sản xuất công bố và chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì không thể nói sản phẩm có màu sậm sẽ không an toàncho sức khỏe của người tiêu dùng.
Do đó, để đánh giá màu của thực phẩm có phải do sử dụng dầu chiên rán nhiều lần hay không phải căn cứ vào từng loại sản phẩm và công nghệ chế biến thực phẩm.

Mạnh dũng - Mạnhdungpva@yahoo.com.vn - Nam 30 tuổi:Hiện nay có rất nhiều loại sữa chua được sử dụng, trong đó có nhiều thuật ngữ liên quan được dùng như sữa chua lên men kiểu truyền thống, sữa chua lên men kiểu tự nhiên, sữa chua tổng hợp ... Sữa chua nào sử dụng là tốt nhất? Sữa chua lên men kiểu tự nhiên được hiểu là như thế nào?

TS Lâm Quốc Hùng:

Sữa chua là sản phẩm có nguồn gốc từ sữa được sử dụng men để chế biến. Hiện nay việc sản xuất sữa chua phụ thuộc vào công nghệ: công nghiệp (của nhà máy), thủ công (hộ gia đình).
Tất cả các sản phẩm sữa chua đều sử dụng lên men tự nhiên, nhưng ở những cơ sở sản xuất công nghiệp người ta sử dụng công nghệ ủ để rút ngắn thời gian sản xuất. Do đó, không có sữa chua tổng hợp. Sản phẩm sữa chua nào được sản xuất ở cơ sở có đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì sữa chua đó an toàn và đều tốt cho sức khỏe.

Phạm Thu Lan - Nữ 29 tuổi:Thưa các anh, hiện nay cả cơ quan tôi đều gọi nước uống đóng chai của một cơ sở sản nước tư nhân. Gần đây, báo chí có đưa tin về các cơ sở sản xuất nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhiễm khuẩn. Chúng tôi rất lo lắng vì đã sử dụng loại nước này lâu ngày. Vậy chúng tôi phải sử dụng loại nước nào để đảm bảo sức khỏe? Làm thế nào để biết nước sạch hay không? Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã xử phạt và đình chỉ các các cơ sở không đạt tiêu chuẩn chưa? Có chắc là họ sẽ không tiếp tục sản xuất nước "bẩn không"? Xin cảm ơn.

Ths Nguyễn Thanh Phong:

Việc vi phạm các quy định về VSATTP trong thời gian vừa qua đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm. Sau khi xử phạt, thậm chí tạm thời dừng sản xuất, để khắc phục vi phạm, nếu tiếp tục tái phạm sẽ đóng cửa sản xuất vĩnh viễn.
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng trong đó có Cục ATVSTP đã tiến hành thanh tra và xử lý nhiều cơ sở vi phạm, chủ yếu các vi phạm này là điều kiện sản xuất không đảm bảo, trang thiết bị phục vụ sản xuất không đạt yêu cầu, đặc biệt là mẫu sản phẩm khi xét nghiệm không đúng như chất lượng đã công bố. Các cơ sở này đều bị xử lý.
Bạn nên mua nước uống đóng chai ở các cơ sở đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh của cơ quan y tế và đặc biệt là phải có phiếu kiểm nghiệm chất lượng định kỳ.

Cách nhận biết nước đóng chai đã được cơ quan y tế kiểm định:

- Nhãn mác: các thành phần đầy đủ quy định.

- Xác nhận của cơ quan chức năng (y tế địa phương): Công bố tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ( Số...../YT- tỉnh/TP (viết tắt) đối với sản phẩm). Số chứng nhận đăng ký cơ sở đủ điều kiện VSATTP.

- Kiểm tra chai nước thực tế: vỏ, nhãn mác đầy đủ.

         Cảm quan: nước trong suốt

          Mở ra: không có mùi, không có vị.

Chúc bạn chọn được sản phẩm nước uống đảm bảo vệ sinh.

Thùy Lịnh - linh@yahoo.com - Nữ 35 tuổi:Đa số chúng ta ai cũng lo cho sức khỏe của bản thân và gia đình, cũng muốn sử dụng thực phẩm sạch và an toàn nhưng để mua được chúng không phải dễ. Vậy tóm lại chúng ta phải làm gì trước thực trạng hiện nay?

Ths Nguyễn Thanh Phong:

Thực ra, chúng ta không nên quá hoang mang như vậy vì bên cạnh những thực phẩm đã vi phạm, chúng ta cũng có rất nhiều sản phẩm đảm bảo chất lượng. Thực tế trong năm qua, chúng ta đã xuất khẩu thực phẩm đến 145 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu gần 11 tỷ USD, nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản... đã nhập khẩu sản phẩm của nước ta.
Bạn có thể mua thực phẩm ở những cửa hàng được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh cụ thể như: siêu thị, các cửa hàng rau sạch, thịt sạch... Nếu không có điều kiện mua ở các cửa hàng này, bạn có thể mua ở các chợ nhưng với điều kiện là mua của cửa hàng có địa chỉ cố định, lưu ý "ngâm kỹ rửa sạch", gọt vỏ quả trước khi sử dụng đồng thời kiên quyết tẩy chay những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng.
Chúc bạn lựa chọn được thực phẩm như ý.

Phạm Xuân Chiến - hoaxuan358@yahoo.com - Nam 35 tuổi:Tôi thường đi nhậu cùng đồng nghiệp. Khi nhậu thường không hay để ý đến đồ ăn như thế nào. Thi thoảng đọc báo, tôi cũng sợ vì có quá nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm. Vậy xin anh cho lời khuyên là nên cảnh giác thế nào với đồ nhậu? Cục vệ sinh có cơ chế quản lý thực phẩm của các quán nhậu không? Cảm ơn các anh.

TS Lâm Quốc Hùng:

"Quán nhậu" là một loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống. Thực phẩm trong quán nhậu chỉ an toàn khi quán nhậu được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng.
Do đó, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi đi nhậu nên hỏi quán đã được cấp giấy chứng nhận chưa, nếu có giấy thì mới vào nhậu.
"Quán nhậu" là một trong những đối tượng quản lý của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng Cục chỉ quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm các quán nhậu bằng cách ban hành các quy định của pháp luật và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm mà thôi.

Cao Van Truong - caotruong.vangdanh@gmail.com - Nam 30 tuổi:Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, tình hình một số bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng ở một số nước trong khu vực, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, viêm màng não do não mô cầu, dịch cúm gia cầm, tiêu chảy cấp. Vậy làm thế nào để ngăn chặn kịp thời và hiện nay ở nước ta đã có loại vacxin nào ngăn chặn các bệnh trên chưa?

TS Phạm Xuân Đà:

Câu hỏi này ít liên quan tới an toàn thực phẩm, tuy nhiên xin được trả lời tóm tắt như sau:
Đối với tất cả các dịch bệnh truyền nhiễm trên thì cần phải theo sát các khuyến cáo của ngành y tế, tránh hoang mang, sử dụng thuốc quá mức hoặc lại thờ ơ chủ quan.
Về cơ bản, các bệnh truyền nhiễm trên đều có thể phòng ngừa bằng các biện pháp thông thường như là thực hành vệ sinh tốt trong ăn uống, tránh tiếp xúc với người bị bệnh và phải có phương tiện bảo hộ khi đi vào vùng dịch bệnh. Trong một số trường hợp có thể sử dụng thuốc dự phòng hoặc vắc-xin nhưng phải tuyệt đối theo sự hướng dẫn và chỉ định của thầy thuốc, tránh tự mua thuốc, vắc-xin về sử dụng. Việc ăn uống hợp lý và sinh hoạt điều độ cũng giúp làm tăng cường sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh.

Trần Anh Dũng - trandung46@yahoo.com.vn - Nam 40 tuổi:Gia đình tôi rất thích ăn cá biển, tôi thường mua những miếng cá thu đắt tiền trông rất to và đẹp mắt. Nhiều người khuyên tôi không nên ăn nhiều vì những con cá to thường phải đánh bắt xa bờ nên 100% đã qua ướp phân đạm. Vậy theo ông/bà thông tin đó có đúng hay không? Cách nhận biết và tác hại của nó đến sức khỏe của con người?

TS Phạm Xuân Đà:Chúng tôi không có số liệu nào nói rằng 100% cá thu đánh bắt xa bờ là ướp phân đạm. Như tôi đã trả lời về cách lựa chọn thực phẩm nói chung, riêng đối với thực phẩm đông lạnh, thì cần lưu ý thực phẩm đó phải còn nguyên trạng, màu sắc tươi, không có mùi vị lạ, đảm bảo đá vẫn còn đóng khuôn...

Nguyễn Kim Dung - nkimdung_262@yahoo.com - Nữ 45 tuổi:Thưa ông, chồng và các con tôi rất thích ăn tim, gan lợn và cả nhà đều nghĩ là nó rất bổ nhưng gần đây, qua báo chí, tôi được biết nội tạng lợn rất độc, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người. Vậy xin hỏi, nếu ăn thường xuyên tim, gan sẽ gây nên những chứng bệnh nguy hiểm gì? Và có cách nào để người nội trợ chúng tôi có thể phân biệt được nội tạng lợn, gà khỏe hay bị bệnh?

Ths Nguyễn Thanh Phong:

Về câu hỏi này, tôi xin được trả lời như sau:
Gan là cơ quan xử lý “độc” của cơ thể động vật, là nơi tập trung, xử lý những độc tố nội sinh, ngoại sinh. Đã có thành ngữ : “Thương nhau cho ăn tiết.Giết nhau cho ăn gan”. Do đó ăn gan “nhiều” là không tốt, có nguy cơ bệnh lý:

- Bệnh lý về nhiễm vi sinh (sán, vi khuẩn gây bệnh) nếu “gan” bị bệnh, chế biến không bảo đảm.

- Chứa nhiều mỡ động vật và Dễ gây rối loạn chuyển hoá (Thừa mỡ trong máu, trong cơ quan nội tạng và tổ chức dưới da).

- Bệnh lý do nhiễm độc như: nhiễm độc chì, cardimi,...

Tim động vật: dễ gây cholesterol (tỷ lệ mỡ cao), tỷ lệ protít cao dễ gây rối loạn chuyển hoá mỡ, bệnh vữa sơ động mạch, rối loạn chuyển hoá protít (Gouté).

Cách phân biệt nội tạng gà, lợn khoẻ mạnh:

- Có chứng nhận kiểm dịch thú y.

- Màu sắc: tự nhiên (rất đặc trưng).

- Không có đốm xuất huyết.

- Không có mùi lạ.

- Không có ruồi, côn trùng đậu.

- Sờ bằng tay thấy chắc, có độ đàn hồi tốt, không chảy nước, không có nhớt.

- Các mạch máu trên nội tạng rõ, màu sắc tươi.

Lê Minh Tùng - tungle234@gmail.com - Nam 34 tuổi:Người Việt Nam có câu "khuất mắt trông coi", nghĩa là chấp nhận việc đồ ăn thức uống chưa đảm bảo vệ sinh khi chế biến, miễn là mình không nhìn thấy. Thực tế là có nhiều cơ sở chế biến tư nhân, doanh nghiệp vẫn đang làm người tiêu dùng tặc lưỡi vì không có hoặc ít có sự lựa chọn nào khác. Thưa ông, khung xử phạt sai phạm hiện nay thế nào và đã đủ răn đe những cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm thiếu trách nhiệm chưa? Và liệu các cơ quan quản lý có biết được sự sai phạm của họ để răn đe không?

TS Phạm Xuân Đà:

Đối với hành vi vi phạm pháp luật về ATTP thì sẽ bị xử lý theo pháp lệnh VSATTP, Nghị định số 45 của CP và Bộ luật hình sự với mức xử phạt từ cảnh cáo, phạt hành chính đến truy tố trách nhiệm hình sự.
Về cơ bản, các quy định này đã phát huy tác dụng và có hiệu quả răn đe, tuy nhiên hiện nay cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu để điều chỉnh nghị định số 45 về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP nói riêng để đảm bảo phù hợp hơn với tất cả các đối tượng, quy mô sản xuất.

Hà Thư - canh_dong_xanh_75@yahoo.com - Nữ 34 tuổi:Xin hỏi, cơ quan chức năng về ATVSTP có biện pháp trong thời gian tới để xiết chặt, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng?

TS Lâm Quốc Hùng:

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng là mục tiêu phấn đấu của các cơ quan quản lý nhà nước, của các tổ chức chính trị xã hội và của cả cộng đồng.
Cơ quan chức năng về vệ sinh an toàn thực phẩm đang triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng trong thời gian tới:
- Ban hành luật an toàn thực phẩm, là cơ sở pháp lý để điều chỉnh mọi đối tượng trong hoạt động sản xuất chế biến kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
- Tăng cường năng lực hệ thống xét nghiệm để kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ cho công tác quản lý bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Xây dựng hệ thống thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm để phát hiện những vi phạm, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tăng cường hoạt động giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội, của người tiêu dùng góp phần bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại VN.

Chu Vĩnh Toàn - Nam 47 tuổi:Tôi là nam giới nên ít quan tâm tới vấn đề ăn uống, thực phẩm. Nhưng thấy vợ tôi thường xuyên lo lắng về chuyện ăn uống tôi cũng sốt ruột. Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm có phát hành sách hoặc các tài liệu hướng dẫn về an toàn ăn uống không? Tôi muốn tìm mua thì mua ở đâu?

TS Lâm Quốc Hùng:

Mọi người dân đều là người tiêu dùng thực phẩm, do đó đều phải có trách nhiệm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho bản thân và phối hợp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho những người thân của mình.
Hiểu biết đúng, đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo đảm sức khỏe cho bản thân. Thông tin, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm được đăng tải không chỉ trên sách, tài liệu mà còn trên cáckênh thông tin khác như truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, mạng...
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ biên nhiều loại sách tham khảo, tờ tin về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các tài liệu hiện đang được bày bán tại các quầy sách, thư viện. Anh có thể đến các cơ sở kinh doanh sách để tìm hiểu và lựa chọn tài liệu phù hợp với nhu cầu của mình. Còn ở Cục không bán sách, tài liệu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hà Thư - canh_dong_xanh_75@yahoo.com - Nữ 34 tuổi:Hiện nay, dịch tiêu chảy cấp đang lan rộng và được cảnh báo là vi khuẩn tả đang biến đổi thành độc lực cao. Điều này có nguyên nhân một phần do ý thức của người dân chưa thực hiện đúng các khuyến cáo về VSATTP, nhưng cũng do nhiều hàng quán không đảm bảo thực phẩm sạch, thậm chí thiếu chứng nhận ATVSTP. Năm nào chúng ta cũng khuyến cao, thanh tra, kiểm tra nhưng nếu kiểm tra lại các địa điểm đã thanh tra, liệu có bao nhiêu cơ sở kinh doanh mặt hàng thực phẩm đảm bảo đúng tiêu chí?

TS Phạm Xuân Đà:

Công tác kiểm soát ATTP là trách nhiệm của toàn dân, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tuy nhiên công tác này sẽ không thể làm tốt nếu như người sản xuất kinh doanh thực phẩm không thực sự tự giác thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Việc thanh tra, kiểm tra về ATTP do đó phải làm thường xuyên, liên tục và phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mới có thể từng bước cải thiện được tình hình.
Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nói tới ý thức của người dân chưa thực hiện đúng các khuyến cáo về VSATTP như bạn đã đề cập. Chính điều này sẽ làm giảm hiệu quả các nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP. Đây cũng chính là cơ hội để các dịch bệnh lây theo đường ăn uống, phát triển và diễn biến khó kiểm soát; là cơ hội để các cơ sở kinh doanh thực phẩm không an toàn vẫn còn tồn tại và phát triển. Người tiêu dùng cần phải có thái độ dứt khoát tẩy chay các sản phẩm, thực phẩm không an toàn, các cơ sở kinh doanh thực phẩm gian lận, tái phạm các quy định về ATTP.

Duong Bich Hang - dbhangftu@yahoo.com- Nữ 37 tuổi:Xin ông cho biết liệu thực phẩm trong các siêu thị có tiếng như Metro, Fivimart...có thể tin cậy được không? Và nếu mua phải sản phẩm có chất lượng kém thì người tiêu dùng có thể kiến nghị tới cơ quan nào thuận tiện nhất? Xin cảm ơn!

Ths Nguyễn Thanh Phong:

Đa số các siêu thị lớn như bạn vừa nêu đều nhập thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận tiêu chuẩn ATVSTP, có hợp đồng với nhà sản xuất do đó có thể tin cậy được ở những cơ sở này.
Về nguyên tắc, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm đầu tiên về chất lượng của thực phẩm do mình sản xuất hoặc kinh doanh. Pháp luật quy định người sản xuất hoặc người kinh doanh thực phẩm không an toàn thì phải chịu trách nhiệm bồi thường hoàn toàn thiệt hại cho người tiêu dùng khi thực phẩm mà mình sản xuất, kinh doanh không an toàn. Nếu bạn mua phải thực phẩm không an toàn, có thể yêu cầu ngay cơ sở sản xuất, kinh doanh đó bồi thường hoặc báo cho cơ quan y tế, quản lý thị trường hoặc Hội bảo vệ người tiêu dùng để được can thiệp.
Chúc bạn lựa chọn được thực phẩm an toàn.

Tùng Lâm - bodeptrai_hp - Nam 40 tuổi:Thưa ông, xin ông cho biết: nhận biết rau sạch thì bằng cách nào, nếu ra chợ mua rau thì cứ non và ngon thì mua, biết làm sao được chất lượng của rau còn người sản xuất rau thì lại vì lợi ích kinh tế?

TS Lâm Quốc Hùng:

Để nhận biết chính xác rau có sạch không cần phải kiểm nghiệm các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm mới kết luận được. Biện pháp này thường chỉ sử dụng trong nghiên cứu, giám sát vì tốn kém về kinh phí và thời gian.
Trên thực tế, để nhận biết rau sạch dựa vào những cách sau:
- Cơ sở bán rau đượcxác nhận là bán rau sạch của cơ quan chức năng.
- Người tiêu dùng sử dụng cảm quan để đánh giá: rau không rập nát; màu sắc rau phải tự nhiên, không có sự đặc biệt trong quá trình phát triển của rau (rau quá mập, quá non...); không có mùi vị khác biệt.

Ngo Huong Loan - loanngohuong@yahoo.com.vn - Nữ 33 tuổi:Xin ông cho hỏi: Thực phẩm đông lạnh nhập khẩu như gà, lợn có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không? Có vài lần tôi mua các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu nhưng khi chế biến thịt rất bở, như vậy sản phẩm có đảm bảo tươi sạch trước khi làm lạnh không? và có đảm bảo cho sức khoẻ người sử dụng không?

TS Phạm Xuân Đà:

Về nguyên tắc, sản phẩm đông lạnh là an toàn và vẫn giữ được nguyên chất lượng của sản phẩm, trong quá trình đông lạnh có tác dụng tiêu diệt, bất hoạt các vi sinh vật có thể gây bệnh.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của thực phẩm đông lạnh thì phải đảm bảo thực phẩm trước khi đông lạnh được chế biến đúng cách và bảo quản ở nhiệt độ an toàn theo đúng thời gian quy định. Trong trường hợp thực phẩm đông lạnh đã bị giã đông thì tuyệt đối không được cấp đông lại, thực phẩm sau khi giã đông phải được sử dụng ngay.
Trường hợp bạn mua sản phẩm thịt đông lạnh mà khi chế biến thịt lại rất bở, mất màu tự nhiên của sản phẩm thì có thể là sản phẩm đã được bảo quản lạnh không đúng nhiệt độ hoặc đã bị giã đông và cấp đông lại. Trường hợp này, sản phẩm không những có thể không an toàn đối với sức khỏe mà còn giảm chất lượng của sản phẩm.

Mai thị Hồng Thắm - maitham73@yahoo.com - Nữ 37 tuổi:Cho tôi hỏi ở chợ Vuơng Thừa Vũ có 2 cửa hàng trưng biển bán rau sạch của cơ sở Vân Nội Đông Anh liệu có đúng không, xin ông cho biết ở Quận Thanh Xuân có cơ sở nào bán rau an toàn nhất?

TS Phạm Xuân Đà:

Về câu hỏi của bạn, mời bạn liên hệ với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để có thông tin. Theo quy định, Bộ NN&PTNT sẽ quản lý và cấp chứng nhận rau an toàn.

Nguyễn Bá Hiệp - bahiep_vn@yahoo.com - Nam 30 tuổi:Hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung tôi thấy rất khó thực hiện do có quá nhiều ngành hữu quan. Vậy theo ông khi ăn uống thức ăn bị ngộ độc thì ngành nào chịu trách nhiệm chính?

Ths Nguyễn Thanh Phong:

Vấn đề VSATTP là vấn đề lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực, không thể có ngành nào có thể bảo đảm ATVSTP từ lúc lựa chọn cây con giống, đất, nước, môi trường, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật đến đánh bắt, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản, lưu thông tiêu dùng. Tham gia vào quản lý thực phẩm phải có nhiều bộ, ngành như: Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Bộ Công thương; Bộ Khoa học & Công nghệ; Bộ Tài nguyên & Môi trường; Bộ Y tế và đặc biệt là các ủy ban nhân dân các cấp (mô hình quản lý ở các nước tiên tiến như: Mỹ, Nhật Bản, Úc... thì đều phải thực hiện liên ngành như vậy. Và nước ta cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy).
Hiện nay, vấn đề ATVSTP đang được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm. Cùng với nỗ lực của ngành y tế, sự cộng tác chặt chẽ và có hiệu quả của các Bộ, ngành, sự vào cuộc mạnh mẽ của UBND các cấp, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, công tác bảo đảm ATVSTP của chúng ta đã có những kết quả bước đầu hết sức quan trọng:
- Công tác thanh tra, kiểm tra đã ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vi phạm về VSATTP, góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn.
- Công tác thông tin truyền thông đã được đẩy mạnh, giúp nâng cao kiến thức và thực hành về VSATTP của cả 4 nhóm đối tượng: cán bộ quản lý, người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm được nâng lên theo chiều hướng tốt hơn.
- Công tác kiểm nghiệm được đầu tư góp phần phát hiện nhiều hơn nguyên nhân các vụ gây ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, chúng ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, xuất phát điểm quản lý về VSATTP rất thấp, thời gian triển khai công tác bảo đảm ATVSTP mới được 10 năm - một thời gian quá ngắn để giải quyết một vấn đề quá lớn, đó là vấn đề an toàn thực phẩm. Trong nhân dân, điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn nhỏ lẻ, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu trong sinh hoạt, ăn uống đã tồn tại trong nhân dân hàng trăm năm, không thể "một sớm một chiều" có thể thay đổi ngay được. Cho nên chúng tôi hy vọng cùng với sự cố gắng của cộng đồng, của các cơ quan chức năng, công tác bảo đảm ATVSTP sẽ đi vào nề nếp, thực phẩm của chúng ta sẽ ngày càng an toàn hơn, người dân Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với các thực phẩm an toàn.
Về nguyên tắc, bất kỳ nguyên nhân do đâu nhưng nếu bị ngộ độc thực phẩm, thì ngành y tế là đơn vị đầu tiên phải cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
Mặc dù quản lý thực phẩm là một lĩnh vực liên ngành nhưng trong phân công quản lý thì đã rất rõ ràng, ví dụ: ngành nông nghiệp phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn bộ từ cây con giống đến lúc thành nguyên liệu để chế biến thực phẩm phải bảo đảm an toàn; ngành y tế chịu trách nhiệm quy định các điều kiện trong sản xuất, trong kinh doanh, các tiêu chuẩn và quy chuẩn trong lĩnh vực thực phẩm; Bộ công thương chịu trách nhiệm chống buôn lậu, gian lận thương mại; Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm đảm bảo ATVSTP trên địa bàn theo vùng lãnh thổ, do đó không thể nói nếu bị ngộ độc thì không biết ai chịu trách nhiệm.
Chúc bạn sức khỏe và hạnh phúc.

Nguyen van Chuan - ecbnvchuan.@yahoo.com - Nam 63 tuổi:Tôi thấy một số người ăn tiết canh, họ giải thích là chỉ cần uống rượu là không sao, xin hỏi các ông có đúng không?

TS Lâm Quốc Hùng:

Điều này không đúng vì:
- Tiết canh chứa rất nhiều các yếu tố độc hại như mầm bệnh là vi sinh vật sống, độc tố của chúng, các hóa chất độc hại khác...
- Rượu (độ cồn thấp) không có khả năng tiêu diệt được vi sinh vật, loại trừ được hóa chất độc hại hay chung hòa được độc tố của vi sinh vật.
 

Vũ Quốc Hùng - vuquochung@gmail.com - Nam 35 tuổi:Tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn rất phổ biến hiện nay. Thỉnh thoảng đọc báo chí, xem tivi, tôi cảm thấy vô cùng lo lắng khi biết những thông tin như: cảnh sát mới phát hiện ra 600 kg nội tạng lợn nhập khẩu trái phép, rau từ TQ tràn lan vào Việt Nam…Vậy ai là người chịu trách nhiệm trong chuyện này? Người dân nên “tin tưởng” lựa chọn những loại thực phẩm thế nào?

TS Lâm Quốc Hùng:

Vấn đề kiểm soát, bảo đảm chất lượng VSATTP đã được quy định cụ thể trong Pháp lệnh về VSATTP ngày 26/07/2003, Nghị định 163/2004/NĐ-CP ngày 07/09/2004 của Chính phủ và nhiều văn bản liên quan khác.

- Việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu dạng tươi, sống cần qua kiểm dịch động, thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm tại các cửa khẩu.

- Việc kiểm soát, phát hiện và xử lý thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhập lậu do Bộ Công thương - Cục Quản lý thị trường chịu trách nhiệm.

- Kiểm soát vệ sinh ATTP trên thị trường do Bộ Y tế chịu trách nhiệm.

Các cơ quan chức năng quản lý hoạt động nhập khẩu thực phẩm bằng hệ thống văn bản (quy định của pháp luật), lực lượng thanh tra, kiểm tra để bảo đảm VSATTP theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Xin nói rõ: Trong thời gian qua, sự kiểm soát đã ngăn chặn có hiệu quả lượng hàng vào thị trường bởi nếu không theo cơ chế thị trường chắc chắn không chỉ có số vụ như chúng ta có thể đếm được mà còn có thể nhiều hơn nữa.

Người dân nên lựa chọn những thực phẩm như thế nào?

- Thực phẩm có địa chỉ cơ sở cung cấp rõ ràng, được cơ quan quản lý thừa nhận, chứng nhận.

- Chọn hàng phải có nguồn gốc rõ ràng, có cam kết của chủ hàng về chất lượng VSATTP trước khi mua.

- Thực phẩm phải có kiểm dịch của cơ quan thú y, nếu không có đều là hàng nhập lậu. Người tiêu dùng không nên sử dụng loại hàng đó.

- Nắm chắc các thông tin cảnh báo VSATTP của cơ quan chức năng.

Hà Thương - hathuongnguyen@yahoo.com - Nữ 22 tuổi:Tôi vẫn thấy hình ảnh những chiếc xe máy thồ nhếch nhác chở lợn, chó đã được mổ xẻ vào mỗi buổi sáng trên đường phố. Ngoài việc làm mất mĩ quan đô thị, gây cảm giác khó chịu cho người đi đường thì chuyện này còn tiềm ẩn những nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta đã có biện pháp triệt để để ngăn chặn tình trạng trên chưa?

TS Lâm Quốc Hùng:

Về phương tiện vận chuyển VSATTP:

Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 (Điều 8) nghiêm cấm: sử dụng phương tiện bị ô nhiễm, phương tiện vận chuyển chất độc hại để vận chuyển thực phẩm.

- Hiện chưa có quy định riêng cho phương tiện vận chuyển thực phẩm.

- Trong quyết định 39/2005/QĐ-BYT ngày 28/11/2005 (Điều 16): Quy định bảo quản, vận chuyển thực phẩm phải bảo đảm an toàn, phù hợp với đặc điểm của từng loại thực phẩm, tránh bụi, các nguồn ô nhiễm khác.

- Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 (Điều 15): Quy định xử phạt 500.000 đến 2 triệu đồng: sử dụng phương tiện vận chuyển, bảo quản có bề mặt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm được làm bằng vật liệu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trên thực tế công tác thanh tra, kiểm tra về phương tiện vận chuyển thực phẩm đó được tiến hành nhưng chưa có hiệu quả thực sự.

Phùng Văn Quyết - quyetpv@yahoo.com - Nam 42 tuổi:Tôi xin hỏi, trong Điều 17 - Mục 3 Bảo quản vận chuyển thực phẩm - có điểm: "Bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải được thử nghiệm, kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm", tuy nhiên hiện các loại bao bì đựng, bảo quản thực phẩm trên thị trường không có căn cứ nào để khiến khách hàng an tâm, thậm chí kể cả hàng hóa ở trong siêu thị. Vậy đâu là căn cứ để khẳng định rằng bao bì đó đã được kiểm nghiệm?

TS Lâm Quốc Hùng:

Quy định bao bì được kiểm nghiệm VSATTP:

- Quy định của Bộ Y tế (Quyết định số 3339/QĐ-BYT ngày 03/07/2001 quy định về vệ sinh đối với một số loại bao bì bằng chất dẻo dùng để bao gói, chứa đựng thực phẩm).

- Trong công bố của nhà sản xuất, kinh doanh (có nội dung về VSATTP đối với bao bì đóng gói) và được chứng nhận đối với thực phẩm nguy cơ cao.

- Nhận biết trên thực tế: vật liệu chứa phải bền, chắc, không thôi nhiễm, ví dụ như polyme, đồ sứ tráng men, thủy tinh, thép inốc, kim loại (vàng, bạc,...)

Thu Thủy - ntthuy@yahoo.com - Nữ 28 tuổi:Thú thực là tôi rất lơ mơ không biết quyền lợi của mình được bảo đảm thế nào khi nhỡ mà đi bệnh viện vì thực phẩm không sạch. Tôi tin nhiều người cũng giống tôi. Xin hỏi, trong trường hợp đó, ai sẽ bảo vệ lợi ích cho chúng tôi? Chúng tôi sẽ phải làm những thủ tục gì để quyền lợi bản thân được bảo vệ chính đáng? Xin cảm ơn.

TS Lâm Quốc Hùng:

Theo Điều 1- 8 của Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm (2003) và Nghị định 163/2004/NĐ-CP có quy định.

Quyền lợi của người tiêu dùng:

- Quyền được thông tin về VSATTP.

- Quyền lựa chọn, sử dụng thực phẩm thích hợp.

- Có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm VSATTP.

- Thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về VSATTP.

- Tự giác khai báo ngộ độc thực phẩm với cơ quan y tế gần nhất.

- Khiếu nại, tố cáo, phát hiện các hành vi vi phạm VSATTP.

- Tự bảo vệ mình và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

- Được bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi sử dụng thực phẩm không bảo đảm VSATTP theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm, quyền lợi của người sản xuất, kinh doanh:

- Thương nhân phải chịu trách nhiệm về VSATTP do chính mình sản xuất, kinh doanh.

- Thực hiện đúng các quy định, yêu cầu về VSATTP.

- Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm hay bệnh truyền qua thực phẩm do cơ sở mình sản xuất, kinh doanh phải báo cáo với cơ quan y tế, chính quyền để triển khai các biện pháp xử lý. Tuỳ mức độ vi phạm sẽ xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định.

Trên thực tế: Cần có đủ nhân chứng - vật chứng chứng minh thực phẩm gây ra ngộ độc, chứng minh trách nhiệm của nhà sản xuất với sản phẩm mới có thể giải quyết được quyền lợi của người tiêu dùng.

Phạm Thị Huệ - hue_edu@gmail.com - Nữ 42 tuổi:Hiện nay, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất và các cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng quá nhiều hóa chất, nhiều khi là cả hóa chất bị cấm sử dụng với liều lượng sử dụng vượt quá mức cho phép. Vậy bằng cách nào có thể tránh được sự ngộ độc thực phẩm, trong khi nhu cầu sử dụng thực phẩm chế biến sẵn hiện nay ngày càng gia tăng?

TS Lâm Quốc Hùng:

Do điều kiện sống ngày càng được nâng cao và phát triển, tính tiện ích của các sản phẩm chế biến sẵn cũng như môi trường lao động công nghiệp mà các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn ngày càng gia tăng. Để giải quyết vấn đề phòng chống ngộ độc thực phẩm khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn mà đặc biệt là các thực phẩm có sử dụng hoá chất, cơ quan chức năng cần:

- Ban hành các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm), quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cơ sở (quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện vệ sinh đối với cơ sở), đưa ra các giới hạn chất ô nhiễm trong thực phẩm.

- Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho các nhà sản xuất, chế biến thực phẩm. Yêu cầu chủ cơ sở phải cam kết trước khi sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện các “mối nguy”, các vi phạm và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

- Xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm về VSATTP cho cộng đồng.

- Giám sát ngộ độc thực phẩm: phát hiện sớm, khắc phục tối đa vụ ngộ độc thực phẩm.

- Tăng cường vai trò giám sát, thông tin tuyên truyền của các hiệp hội (Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng), của người tiêu dùng về chất lượng VSATTP.

Phí Anh Tuấn - anhtuanit_2@gmail.com - Nam 32 tuổi:Tôi được biết năm 2003 nước ta mới ban hành Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm. Xin hỏi bao giờ thì có Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, tại sao lại có sự chậm trễ như vậy trong khi các nước trên thế giới đã chú trọng về vấn đề này từ lâu?

Ths Nguyễn Thanh Phong:

Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Cục Quản lý chất lượng VSATTP, đến năm 2003, tức là sau 4 năm, chúng ta đã ban hành được Pháp lệnh về ATVSTP. Đây là một thời gian khá nhanh để từ khi thành lập cơ quan chuyên trách, chúng ta có một văn bản cao nhất phục vụ cho công tác quản lý.
 
Sau 6 năm thực thi pháp lệnh, nhiều yếu tố phát sinh trong quá trình quản lý mà chưa được đề cập đến trong Pháp lệnh, đồng thời cần thiết phải có một văn bản cao hơn Pháp lệnh để bao trùm tất cả các lĩnh vực quản lý mà pháp lệnh chưa đề cập đến. Tuy nhiên để ban hành được luật an toàn thực phẩm, chúng ta cần thực hiện việc đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật đến các mặt đời sống xã hội cũng như đánh giá việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành.
 
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành các công việc để có thể trình Chính phủ rồi trình Quốc hội dự thảo Luật an toàn thực phẩm vào năm 2010.
 
Xin cảm ơn câu hỏi của bạn.

Kim Thu Hà - kimthuha@gmail.com - Nữ 31 tuổi:Tôi được biết hiện đã có bán dụng cụ thử hàn the thực phẩm thường có trong bánh cuốn hay giò, chả. Tôi có thể mua dụng cụ đó ở đâu được?

Ths Nguyễn Thanh Phong:

Một số loại test, kit thử nhanh về VSATTP đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành trong đó có test thử hàn the của Bộ Công an. Hiện nay, tại các chợ lớn hoặc các siêu thị, Ban quản lý các chợ này đã mua và bố trí để người tiêu dùng có thể thử miễn phí. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, chỉ những loại test đã được phép của cơ quan y tế cho phép lưu hành thì mới có giá trị sử dụng vì các test này đã được thẩm định về tính chính xác, độ tin cậy... 
 
Bạn có thể liên hệ tại các trung tâm y tế dự phòng các tỉnh để tham khảo sản phẩm này.
 
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến lĩnh vực ATVSTP.

Hoàng Ngọc Mai - hoangmai@gmail.com - Nữ 28 tuổi:Là người Việt, rất khó có thể bỏ thói quen đi chợ. Nhưng thực phẩm ngoài chợ lại ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Vậy, khi mua rau, thịt, cá hay hoa quả ngòai chợ về, làm cách nào để loại bỏ những độc tố có trong đó?

TS Lâm Quốc Hùng:

Không chỉ thực phẩm mua ngoài chợ hay trong siêu thị, để giảm thiểu những nguy cơ rủi ro do thực phẩm ô nhiễm trước khi sử dụng, biện pháp sơ chế có vai trò rất quan trọng để loại bỏ những độc tố, mầm bệnh có trên thực phẩm.
 
Một trong những biện pháp quan trọng đó là: rửa sạch trước khi chế biến (rửa dưới vòi nước sạch, rửa nhiều lần, rửa kỹ, ngâm và rửa lại trước khi chế biến đối với các loại rau); rửa sạch, rửa trong nước ấm trước khi chế biến đối với các loại thịt gia súc; sơ chế làm sạch, rửa nhiều lần dưới vòi nước sạch đối với các loại cá, hải sản...

Nguyễn Kim Chi - ngkimchi@judaca.edu.vn - Nữ 30 tuổi: Từ xưa nay, tôi vẫn biết để bảo đảm sức khỏe phải ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Nhưng khi một số thực phẩm hiện nay, loại làm sẵn thì đầy chất phụ gia gây ung thư, thức ăn tươi thì tiềm tàng các căn bệnh từ động vật, rau quả là thuốc trừ sâu, tăng trưởng độc hại, nước tinh khiết thì không tinh khiết. Mua thực phẩm ở siêu thị có được coi là giải pháp an toàn không?

TS Phạm Xuân Đà:

Bạn không nhất thiết phải mua thực phẩm ở siêu thị mới có thực phẩm an toàn mà quan trọng là phải quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, uy tín thương hiệu doanh nghiệp, phải đảm bảo có đầy đủ giấy chứng nhận của các cơ quan quản lý, phải đảm bảo thực phẩm được phép lưu thông và an toàn.

ha - boc_dong@yahoo.com.vn - Nữ 28 tuổi:Xin cho biết mong muốn thực hiện cuộc giao lưu này?

Ths Nguyễn Thanh Phong:

Mong muốn của chúng tôi thông qua cuộc giao lưu này là chia sẻ các thông tin, các kiến thức khoa học cũng như pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua cuộc giao lưu này, chúng tôi có thể thông tin đến bạn đọc các phương pháp lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn cũng như các quy định của pháp luật quy định trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh, ghi nhãn, quảng cáo, lưu thông, bảo quản... thực phẩm.
 
Cũng qua cuộc giao lưu này, chúng tôi cũng có thêm các thông tin phản ánh của độc giả về việc sản xuất kinh doanh thực phẩm, các bất cập trong quản lý, việc bảo đảm ATVSTP trong cộng đồng... từ đó có thể giúp chúng tôi làm tốt hơn công tác ATVSTP để phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Xin cảm ơn câu hỏi thú vị của bạn. Chúc bạn sức khỏe.

Trong suốt 2 tiếng đồng hồ diễn ra giao lưu trực tuyến, các khách mời đã cố gắng trả lời kịp thời rất nhiều các câu hỏi của bạn đọc gửi đến. Hiện cuộc giao lưu đã kết thúc, các câu hỏi còn lại chúng tôi xin hẹn trả lời độc giả trong lần giao lưu sau.

Trân trọng!

Ban Biên tập

thuhuyen
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
2 bệnh viện phối hợp cứu người phụ nữ ngừng tuần hoàn do chửa ngoài tử cung vỡ

2 bệnh viện phối hợp cứu người phụ nữ ngừng tuần hoàn do chửa ngoài tử cung vỡ

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Do lượng máu mất quá nhiều nên trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân xuất hiện 2 lần ngừng tuần hoàn.

Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH – Theo các bác sĩ, chì là 1 loại kim loại nặng, rất độc gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của con người, đặc biệt là đối với trẻ em.

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Y tế - 2 ngày trước

Sau khi lần lượt mờ 2 mắt, với thị lực gần như bằng 0, đi qua rất nhiều bệnh viện khám, nữ bệnh nhân ở Quảng Bình được xác định có khối phình động mạch não rất lớn.

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng chiếc que xiên thịt sắc nhọn đâm xuyên lưỡi.

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Về tình hình sức khỏe của nam sinh bị đánh chấn thương sọ não khi chơi bóng rổ, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết hiện tại, bệnh nhân vẫn hôn mê, thở hoàn toàn theo máy...

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Y tế - 6 ngày trước

Xương cá rơi vào phế quản nhưng bà K.A không hề hay biết. Bị ho, khó thở kéo dài, bệnh nhân điều trị suốt 1 năm không đỡ.

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Y tế - 6 ngày trước

GĐXH - Ngày 19/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam do JICA phối hợp với Hội Vật lý Trị liệu Việt Nam tổ chức.

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH – Hàng trăm đơn vị máu đã được tiếp nhận trong Chương trình hiến máu tình nguyện hưởng ứng “Lễ hội Xuân hội’ năm 2024 tại Bộ Y tế.

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH - Ngày 19/4, UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH – Bệnh nhi bị đứt toàn bộ động mạch trụ, đứt thần kinh trụ và thần kinh giữa, đứt gân gấp cổ tay trụ, đứt gân gấp ngón 4 và 5 bàn tay trái.

Top