Hà Nội
23°C / 22-25°C

Ở nơi không có... Giao thừa

Thứ năm, 08:00 15/02/2018 | Y tế

GiadinhNet - Giao thừa là thời khắc thiêng liêng chuyển từ năm cũ sang năm mới, là lúc nhà nhà, người người tràn ngập những lời chúc tốt đẹp cho nhau. Thời khắc đó, vẫn có một nơi, tiếng tít… tít… tít không ngừng vang lên. Ở đó, khắp các phòng bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng viên chuyên khoa Hồi sức, Cấp cứu vẫn miệt mài giành lấy từng hy vọng sống mong manh cho bệnh nhân. Nơi đây không có… Giao thừa!


Suốt những ngày Tết, guồng quay công việc tại các bệnh viện tuyến trên vẫn không thay đổi, thậm chí còn nhiều áp lực hơn bởi lượng bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên rất đông.Ảnh: Chí Cường

Suốt những ngày Tết, guồng quay công việc tại các bệnh viện tuyến trên vẫn không thay đổi, thậm chí còn nhiều áp lực hơn bởi lượng bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên rất đông.Ảnh: Chí Cường

Từ nay đổi tên tôi thành “ông Ba mươi”

10h 30 phút, đêm 30 tháng Chạp, số điện thoại cầm tay của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đổ chuông liên hồi. Đầu bên kia là một bác sĩ truyền nhiễm tuyến dưới báo tin có một ca bệnh rất nặng, cần chuyển tuyến Trung ương gấp, nếu không sẽ không qua nổi Tết. Không chần chừ, BS Cấp lập tức thông báo trong toàn kíp trực đêm 30 Tết chuẩn bị tinh thần đón bệnh nhân.

Khi thời khắc Giao thừa sắp tới, cũng là lúc xe cấp cứu đưa người bệnh lên đến nơi. Người đàn ông 50 tuổi, quê ở Hà Nam, bị shock nhiễm trùng máu, tiên lượng sống rất mong manh. Ngay lập tức, kíp trực gồm 2 bác sĩ, 5 điều dưỡng viên xắn tay áo vào cấp cứu cho bệnh nhân. “Tất cả đều “cắm đầu cắm cổ” “xử lý” bệnh nhân đó. Mọi thủ thuật, mọi biện pháp cấp cứu đều được áp dụng. Lúc bệnh nhân qua nguy kịch, chúng tôi ngẩng mặt lên thì đã 2h sáng rồi. Giao thừa đã qua lúc nào không biết”, BS Cấp mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng câu chuyện theo anh là “có gì lạ đâu” với nhân viên y tế.

Tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 1) thường trực có 54 giường bệnh. Những ngày thường, nơi đây luôn dành 1-2 giường trống để đón bệnh nhân mới. Nhưng với Tết thì khác. Theo BS Cấp, từ ngày 27-28 Tết, lượng bệnh nhân đổ dồn về Khoa cao vượt hẳn, có năm còn gấp rưỡi. Hầu hết họ là bệnh nhân chuyển lên từ viện tuyến dưới, đa số đều rất nặng, phức tạp, tuyến dưới không có khả năng chữa trị. Do đó, Khoa thậm chí phải đưa cả bệnh nhân nặng cũ lên Khoa khác để điều trị. Bác sĩ, điều dưỡng khoa Cấp cứu nếu cần thiết phải tăng cường lên các khoa đó chăm sóc bệnh nhân.

Tại nhiều bệnh viện, trong những ngày Tết, thời điểm “rảnh” nhất là sáng mùng 1 Tết, vì bà con ta vẫn có tâm lý “kiêng” đi viện ngày này. Nhưng từ chiều tối hôm đó đến mùng 2, mùng 3 Tết thì bệnh nhân lại đông như cũ. Lúc này, hầu hết là ca bệnh nặng. Đó là những người dù đổ bệnh từ những ngày trước đó, nhưng vì “kiêng”, cố nhịn nên ở nhà. Đến lúc bệnh trở nặng mới lên viện cấp cứu. “Rất nhiều trường hợp viêm gan, xơ gan, ngày thường được chúng tôi nhắc nhở tuyệt đối không uống, nhưng về nhà đón Tết, vui quá chén, khi vào viện đã nặng lắm rồi”- BS Cấp nhớ lại.

Chuyện người dân kiêng dè, “ủ bệnh” đợi đến khi nặng mới vào viện, chuyển tuyến Trung ương không phải là “cá biệt” tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa chia sẻ: “Ngày Tết, nếu các khoa, phòng điều trị nội trú “giãn” lượng bệnh nhân thì riêng Khoa chúng tôi còn đông hơn. 76 giường bệnh, trong đó có 48 giường dành cho bệnh nhi thở máy luôn kín chỗ. Đáng nói hơn, 1/3 số bệnh nhi chuyển tuyến những ngày này không có khả năng điều trị” – TS Tạ Anh Tuấn bùi ngùi nói.

Bệnh nhân ngày Tết thường nặng, do đó, theo chia sẻ của nhiều lãnh đạo khoa thuộc bệnh viện tuyến Trung ương, các khoa đều cố gắng bố trí những bác sĩ chắc tay nghề, “hợp năm tuổi” trực trong ngày 30, mùng 1 Tết. Thậm chí, có những bác sĩ 5-6 năm liền đều “trúng” lịch trực 30, còn phải thốt lên: “Từ nay đổi tên tôi thành “ông Ba mươi”…

Những khoảng lặng đêm Giao thừa…


Hơn 1 giờ sáng, không khí làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn rất khẩn trương.

Hơn 1 giờ sáng, không khí làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn rất khẩn trương.

“Nghĩ đến Tết, người ta thường nghĩ đến những điều tươi vui, mới mẻ. Với những người làm việc tại nơi luôn chứng kiến lằn ranh sinh - tử như khoa Cấp cứu hay Hồi sức như các anh, chị, Tết có gì khác?” - tôi hỏi. Chị Đỗ Thu Hương, điều dưỡng viên Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương) chia sẻ, chuyên môn công việc ngày lễ, Tết hay ngày thường cũng tương tự nhau, từ sáng tới tối, các điều dưỡng “quay vòng” trong những công việc mà họ gọi là thường nhật. 7h sáng, các bé được tắm, thay bỉm, cho ăn sữa. Sau đó, điều dưỡng lại kiểm tra, theo dõi nước tiểu qua xông cho từng bé, thậm chí “ngó nghiêng” màu sắc, chi tiết bệnh phẩm. “Quay” hết từng bé cũng là lúc các điều dưỡng tất bật chuẩn bị thuốc tiêm, pha dịch. Lúc đó là 9 - 10h sáng. Có khi phải pha trộn tới 7 - 8 loại dịch để truyền cho bệnh nhi nên càng phải rất tập trung, tỉ mỉ.

“Niềm vui ngày Tết cũng khác ngày thường. Cứu được một ca bệnh nặng ngày Tết mình cảm giác niềm vui gấp bội” - chị Hương chia sẻ tiếp: “Tôi nhớ mãi một bệnh nhi 3 tuổi ở Hà Nam, bị TNGT, theo dõi chấn thương sọ não. Nhập viện hôm mùng 1 Tết. Bố mẹ bé đưa con đi chơi nhưng không đội mũ bảo hiểm. Em bé vào với chúng tôi trong tình trạng shock, tổn thương phần mềm nhiều vô kể, nhưng những vết thương đó sẽ hết, lo nhất là tổn thương não. Ngay khi vào Khoa, chúng tôi đặt ống thở máy, tiêm, chụp CT, MRI, ước chừng bé phải thở máy tới vài ngày. Nhưng chỉ vài tiếng sau, bé đã tỉnh lại. Không ai bảo ai, mọi người cùng thốt lên: Sống rồi, có Tết rồi nhé bé con”!

Ở đơn nguyên thở máy, trẻ buộc phải cách ly với người nhà để đảm bảo vô khuẩn. Tất cả những công việc chăm sóc cho bé, từ vệ sinh, thay bỉm, cho các cháu ăn qua ống xông trong dạ dày để bơm sữa… đều do điều dưỡng chăm sóc. “Nếu ngày thường, chúng tôi cho phép người nhà được vào gặp bé một lần thì ngày Tết, đặc biệt là đêm Giao thừa, chúng tôi sẽ thường “nới” thời gian, nhưng cũng chỉ được một giờ đồng hồ. Nhìn cảnh bố mẹ, thậm chí ông bà đêm 30 Tết đến nhìn vào lồng kính, hay đứng cạnh em bé, nói với con những lời yêu thương, động viên cố gắng, dù em bé thở máy nào hay biết gì, người chai sạn nhất cũng không cầm được nước mắt…” - chị Hương nhớ lại.

Mỗi điều dưỡng viên như chị Hương có nhiệm vụ chăm sóc khoảng 8-9 bé/ca. “Quay cuồng 7-8 tiếng đồng hồ, mải miết thì không sao, chỉ một khoảng lặng thôi để quan sát người thân, bệnh nhi… không sao kìm được nước mắt” - chị nói. Trong lúc người người, nhà nhà vui vầy đón thời khắc thiêng liêng mừng năm mới đến, ở nơi chỉ có tiếng tít… tít… tít của bao nhiêu loại máy lọc máu, máy thở, máy tạo nhịp, máy theo dõi chức năng sống, các bác sĩ, điều dưỡng viên, các bệnh nhân đang giành giật sự sống từng giây phút.

Với các bác sĩ, điều dưỡng tại các Khoa Cấp cứu, Hồi sức ở Bệnh viện Nhi Trung ương hay Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có lẽ thời điểm cân não nhất là chiều 29-30 Tết, lúc mọi người thảo luận để cho phép bệnh nhân nào ra viện hay ở lại. Bởi ở đây đều là những ca bệnh nặng, có những người nằm viện hàng tháng trời. Lúc này, các bác sĩ, điều dưỡng phải trả lời hàng loạt các vấn đề. “Tết đến nơi rồi vẫn không nói trước được bệnh nhân có qua nổi Tết hay không. Chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ, đánh giá thật kỹ cùng gia đình, giải thích để họ quyết định. Bởi ngày Tết, ai cũng vậy thôi, tất cả đều muốn đón Tết cùng gia đình, quây quần, vui vẻ. Nhưng nếu cho bệnh nhân ra viện ngày 29-30 Tết, liệu có qua nổi? Lại thêm những phong tục, tập quán ở quê nhà, gia đình xóm làng nữa” - chị Hương chia sẻ.

Chị Mai Thị Thu Hiền (SN1989), chia sẻ về cái Tết đáng nhớ nhất trong suốt gần 10 năm làm nghề ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: “Đó là Tết năm 2012. Sau khi trải qua 4 tháng bị “stress” vì “sốc nghề cấp cứu”, tôi tham gia trực Tết cùng mọi người. Tôi nhớ mãi ca bệnh là một bệnh nhân chỉ mới 17 tuổi, học rất giỏi, chuẩn bị đi du học thì bị viêm màng não, phình mạch não sau đó tai biến mạch máu não. Tất cả quá trình điều trị của bệnh nhân này diễn ra xuyên Tết. Nhưng không may, tới khoảng mùng 3, tình hình xấu đi. Nhìn cảnh bác sĩ ra giải thích với gia đình, bàn các phương án xấu nhất, tôi không kìm được lòng. Rồi đến lúc bệnh nhân không qua khỏi, tôi có nhiệm vụ lo các thủ tục hành chính cho bệnh nhân, chứng kiến cảnh người nhà vật vã, tiếc thương, chia tay con trong ngày Tết, tôi thực sự chùn chân, đứng như trời trồng. May thay có một bác sĩ nam vững vàng hơn tôi, thay tôi làm những điều đó”.

Thương bố mẹ một mình đón tết


 Ở các khoa Cấp cứu hay Hồi sức tích cực, mọi việc chăm sóc cho bệnh nhân được các điều dưỡng viên thực hiện. ảnh : Chí Cường

Ở các khoa Cấp cứu hay Hồi sức tích cực, mọi việc chăm sóc cho bệnh nhân được các điều dưỡng viên thực hiện. ảnh : Chí Cường

Tại các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh Nhiệt đới Trung ương hay Nhi Trung ương, điều dưỡng viên làm việc theo ca. Ca trực thứ nhất trong ngày kéo dài từ 7h sáng đến 14h chiều. Ca trực thứ hai từ 14h chiều đến 21h đêm. Cuối cùng, kết thúc quy trình liên tục bằng ca thứ ba, từ 21h đêm đến 7h sáng hôm sau. Do đó, nếu nhân viên làm việc trong các ngành nghề khác được nghỉ trọn vẹn 7-9 ngày, nhân viên y tế, đặc biệt là điều dưỡng viên Khoa Cấp cứu, Hồi sức ở nhiều viện chỉ được nghỉ 1-2 ngày.

Với nữ điều dưỡng trẻ tuổi Thu Hiền cũng vậy. Hiền quê ở Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 100km. Chị có thâm niên công tác ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã 8 năm, trong đó 5 năm làm tại Khoa Cấp cứu. “Cũng chừng đó thời gian tôi chưa một lần được đón Tết, đón Giao thừa trọn vẹn cùng bố mẹ, bởi năm nào không trực ngày 30 thì lại trực mùng 1. Tôi là con gái duy nhất trong nhà, anh trai, em trai đều làm trong lực lượng vũ trang, có năm cả 3 chúng em đều vắng nhà ngày Tết. Chỉ thương bố mẹ lủi thủi đón Tết một mình thôi nhà báo ạ!” - Hiền nói, giọng ngậm ngùi.

Buồn là thế, thiệt thòi là thế, nhưng Hiền vẫn mỉm cười bảo tôi rằng vẫn là may vì còn… độc thân, bố mẹ lại rất thông cảm nên ít áp lực. Hiền kể, trong Khoa, không ít những anh chị đồng nghiệp, nhà bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng/vợ cách Thủ đô tận 300-400km. Một chốn bốn nơi, việc đi lại khó khăn hơn, muốn trọn vẹn với đôi bên họ hàng, bố mẹ càng khó. “Vậy nên khi phân công lịch trực Tết, lãnh đạo Khoa như chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ, luôn ưu tiên những trường hợp nhà xa, hoặc mới cưới để được chu đáo hơn với gia đình. Nhưng, đã có người nhà làm nhân viên y tế, gia đình phải xác định sẽ thiệt thòi ” – BS Cấp chia sẻ.

Vì thiệt thòi nên theo BS Cấp, BS Tuấn hay chị Hiền, gia đình phải rất thông cảm và chia sẻ. Nhưng không phải gia đình nào cũng làm được điều đó ngay. Chị Hiền kể, đã có không ít chị em trong Khoa Cấp cứu đã từng đưa bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng, người nhà đến tận nơi làm việc để mọi người chứng kiến cường độ, áp lực công việc của nhân viên y tế Khoa Cấp cứu, Hồi sức, để từ đó, nhiều gia đình thông cảm hơn cho nghề nghiệp của các chị, đặc biệt trong ngày Tết.

Theo chị Thu Hương, ngày 30 Tết, trong kíp trực sẽ phân công nhau mỗi người đảm nhiệm một món để “góp cỗ” đêm Giao thừa, nào bánh chưng, giò chả, gà luộc... Nhưng có những Tết, vì quá bận, cũng chỉ có mỗi mỳ tôm để ăn. Cuối chiều 30 Tết, đứng từ tầng trên nhìn xuống sân bệnh viện, thưa người qua lại, trong lòng điều dưỡng viên có 14 năm kinh nghiệm tại Khoa Hồi sức này bỗng khác lạ, mà như chị nói là vừa mừng cho những gia đình được đón con đoàn viên, vừa thấy “trống vắng”. Tới buổi tối, khi càng ngớt người, sự trống vắng càng rõ rệt. Nhưng vòng xoay công việc lại cuốn các chị miệt mài, miệt mài… “8-9h tối, mấy chị em bắt đầu bảo nhau, giờ này, chắc mọi người đang quây quần xem Táo quân rồi đây, đang làm cái này cái kia rồi đây! Cảm giác nhớ nhà, nhớ con chưa bao giờ rõ rệt đến thế” - chị Hương ngậm ngùi.

Còn theo chia sẻ của vị Trưởng khoa có hàng chục năm công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi đây có truyền thống, trong đêm Giao thừa, các anh chị em sẽ chuẩn bị một mâm cơm đón năm mới cho cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân, người nhà. Nhiều bận sau khi bác sĩ, điều dưỡng đi ra khỏi buồng bệnh sau mấy tiếng giành giật sự sống cho bệnh nhân, mâm cỗ đã nguội tanh. Với họ, lúc đó mới là Giao thừa, là năm mới. Thậm chí, mùng 1 Tết 2016, Khoa tiếp nhận lượng bệnh nhân đông bất thường, liên tục, rất nhiều ca nặng. Cả kíp trực “xoay mòng mòng”. “Tôi nhớ không còn một thủ thuật cấp cứu nào không làm. Từ 7h sáng đến 3h chiều, không một ai được nghỉ ngơi để “tiếp nhiên liệu”, thậm chí, bệnh nhân đông quá nên anh chị em muốn đi giải quyết “nỗi buồn” cũng không đi nổi. Có người bông đùa, đầu năm vận hết “năng lượng”, cả năm sẽ “năng suất” lắm đây!” – chị Thu Hiền nhớ lại...

“Niềm vui ngày Tết cũng khác ngày thường. Cứu được một ca bệnh nặng ngày Tết mình cảm giác niềm vui gấp bội”.

Chị Đỗ Thu Hương chia sẻ

Có những bác sĩ 5-6 năm liền đều “trúng” lịch trực 30, còn phải thốt lên: “Từ nay đổi tên tôi thành “ông Ba mươi”.

Họ giúp tôi động lực chiến thắng bệnh tật

Khởi đầu là những cơn đau nhức mỏi tay, chân, sau đó là toàn thân, bà Nguyễn Thị Nếp, (55 tuổi, ở phường An Tân, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đi khắp các bệnh viện nhưng không chẩn đoán được nguyên nhân chính xác. Khi về nhà, tình trạng bà trở nặng. Ông Ngô Thiện Hưng, chồng bà đã đưa vợ từ Gia Lai ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám. Lúc đó, bà Nếp đã rơi vào tình trạng sốt cao, liên tục nhiều ngày, chẩn đoán nhiễm trùng huyết, tiên lượng nặng. Sau gần 1 tháng tích cực điều trị, bà Nếp đã khỏi bệnh, hiện nay sức khoẻ đã phục hồi. “Vợ chồng tôi đi nhiều viện rồi, chưa nơi đâu tôi cảm thấy cảm phục các nhân viên y tế đến thế, nhất là thái độ của các bác sĩ, điều dưỡng khi thăm hỏi, hướng dẫn chúng tôi chăm sóc người nhà. Ngày lễ, Tết, họ vẫn miệt mài công việc. Điều đó khiến chúng tôi có thêm động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật” - ông Hưng nói.

Biết ơn những người thầm lặng

Ông Phạm Văn Giao (SN 1962, ở xã Trực Thái, Trực Ninh, Nam Định) bị nhiễm liên cầu lợn nhập viện trong tình trạng mê sảng, co giật, mạch yếu. Sau 12 tiếng đồng hồ điều trị không hiệu quả, ông được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lúc 7h30 tối. “Bố tôi may mắn được các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu điều trị kịp thời. Đợt điều trị của bố tôi kéo dài 3 tuần, trong đó có cả những ngày Tết, lễ, các điều dưỡng là người giúp đỡ gia đình, thậm chí có khi còn thay cả chúng tôi chăm sóc bố. Vậy nhưng, quả thật chúng tôi không thể biết hết tên các anh, chị điều dưỡng tại đây. Họ thật sự là những người hùng thầm lặng đứng sau mỗi ca bệnh được điều trị thành công” - anh Phạm Xuân Pha, con trai bệnh nhân Giao chia sẻ.

Thu Nguyên

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Sự cố khi ăn cơm khiến người phụ nữ ho ra máu, phải đi cấp cứu

Sự cố khi ăn cơm khiến người phụ nữ ho ra máu, phải đi cấp cứu

Y tế - 52 phút trước

Suốt một tuần trước khi ho ra máu phải vào viện cấp cứu, người phụ nữ bị sốt, khó thở nhẹ. Bác sĩ phát hiện mảnh xương thức ăn ẩn náu trong phổi trái của chị 25 năm nay.

Câu lạc bộ Bí thư Đoàn thanh niên ngành Y tế động viên nữ bác sĩ Bệnh viện K bị tai nạn hi hữu

Câu lạc bộ Bí thư Đoàn thanh niên ngành Y tế động viên nữ bác sĩ Bệnh viện K bị tai nạn hi hữu

Y tế - 9 giờ trước

GĐXH - Đại diện CLB Bí thư đoàn ngành Y đã đến thăm và động viên nữ bác sĩ Bệnh viện K bị tai nạn hi hữu.

Thái Bình: 1 người tử vong, nhiều người phải nhập viện sau khi ăn tiết canh dê

Thái Bình: 1 người tử vong, nhiều người phải nhập viện sau khi ăn tiết canh dê

Y tế - 3 ngày trước

Một người tử vong, hàng chục người phải nhập viện sau khi ăn bữa cỗ có món tiết dê tại TP Thái Bình, nghi do ngộ độc thực phẩm.

2 học sinh ở TPHCM nhập viện sau khi ăn mì Ý sốt cà ở trường

2 học sinh ở TPHCM nhập viện sau khi ăn mì Ý sốt cà ở trường

Y tế - 3 ngày trước

Sau khi ăn món mì Ý sốt cà tại trường, 2 học sinh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phải nhập viện vì nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lại không phát hiện tác nhân gây bệnh.

Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển bé 5 tuổi nguy kịch lên Bệnh viện Nhi đồng 1

Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển bé 5 tuổi nguy kịch lên Bệnh viện Nhi đồng 1

Y tế - 6 ngày trước

Thêm bệnh nhi rất nặng liên quan vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở tỉnh Đồng Nai được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Y tế - 6 ngày trước

Hôm nay, 4/5 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội Tạ Thành Văn đã công bố Nghị quyết của Hội đồng trường và trao Quyết định bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đối với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.

Cô gái 17 tuổi bị thủy đậu biến chứng nặng, suýt tử vong do điều trị sai cách

Cô gái 17 tuổi bị thủy đậu biến chứng nặng, suýt tử vong do điều trị sai cách

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH – Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng rất nặng, sốt cao 41 độ, mụn nước và nhiều mụn mủ toàn thân, loét miệng họng, ý thức chậm…

Tự đắp lá vào vết thương, nam bệnh nhân 17 tuổi suýt bị hoại tử cánh tay

Tự đắp lá vào vết thương, nam bệnh nhân 17 tuổi suýt bị hoại tử cánh tay

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH - Sau khi bị thương, người bệnh đã được người nhà nhai lá cây và tự ý đắp vào tổn thương theo kinh nghiệm dân gian khiến cho vết thương tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử gây nguy hiểm cho người bệnh.

Đau đầu kéo dài nhiều tuần, bé gái 9 tuổi được phát hiện bị u màng não

Đau đầu kéo dài nhiều tuần, bé gái 9 tuổi được phát hiện bị u màng não

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH – Khi thấy con có biểu hiện đau đầu kéo dài, tăng dần cả cường độ và tần suất trong thời gian dài, gia đình quyết định đưa con đi khám và phát hiện bệnh.

Thông tin mới nhất vụ 328 người bị ngộ độc nghi ăn bánh mì ở Đồng Nai: 2 bệnh nhi trở nặng, phải lọc máu

Thông tin mới nhất vụ 328 người bị ngộ độc nghi ăn bánh mì ở Đồng Nai: 2 bệnh nhi trở nặng, phải lọc máu

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH - Cả hai cháu nhập viện trong tình trạng bị suy hô hấp, sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa. Trong đó, 1 cháu có thời điểm bị ngưng tim, ngưng thở nhưng đã được các bác sĩ tiến hành hồi sức và tim cháu đã đập trở lại.

Top