Hà Nội
23°C / 22-25°C

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: Tập trung sức giảm quá tải bệnh viện

Chủ nhật, 06:08 14/02/2010 | Y tế

GiadinhNet - Giải pháp cơ bản của toàn ngành là phải tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực y tế, ưu tiên cho tuyến dưới. Từng nơi, từng lúc xác định các trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực, sớm đạt hiệu quả thiết thực.

Năm 2009 được đánh giá là năm có chuyển biến tốt trong việc giảm tải các bệnh viện. Cùng với giải pháp lớn, cơ bản là tăng mạnh đầu tư nâng cấp, xây dựng mới bổ sung hệ thống bệnh viện huyện, tỉnh; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực y tế cho địa phương; ngành đã có những giải pháp “đáp ứng nhanh” như kê thêm giường, giảm ngày điều trị nội trú, tăng ca, tăng giờ làm việc... Đặc biệt, đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện chế độ luân chuyển cán bộ chuyên môn cao tăng cường cho tuyến dưới (Đề án 1816). Tổng thể các công việc này bước đầu đã gặt hái những kết quả tích cực...

“Quá tải” bệnh viện là một trong những vấn đề bức xúc được cả xã hội quan tâm. Xin Bộ trưởng cho biết những nét chính của tình hình này trong năm 2009 và tổng thể các giải pháp mà Bộ Y tế đã và đang thực hiện nhằm giảm tải?

- Tình trạng bệnh nhân quá đông, phải nằm ghép giường (vẫn thường gọi: “quá tải”), đã xuất hiện từ nhiều năm. Đặc biệt tập trung ở các bệnh viện (BV) tuyến Trung ương (như Bạch Mai, Chợ Rẫy, BV K, Phụ sản TƯ, Nhi TƯ...), một số BV đa khoa ở các thành phố lớn. Chủ yếu “quá tải” ở các chuyên khoa nội tim mạch, nội thần kinh, nội tiết – chuyển hóa, sơ sinh, ngoại chấn thương. Cùng với “quá tải” điều trị nội trú, khối khám và điều trị ngoại trú cũng “quá tải” ở mức cao. Lấy số liệu năm 2008, đã có 110 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB), hơn 9 triệu lượt người điều trị nội trú. Công suất sử dụng giường bệnh của các BV Trung ương đạt 136,6%. Cá biệt lên tới gần 300% (Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, BV K). Nguyên nhân do nhu cầu KCB của người dân ngày càng cao, mô hình bệnh tật thay đổi từ các bệnh truyền nhiễm là chủ yếu chuyển sang các bệnh không lây nhiễm là chủ yếu (chiếm tới 62,5%). Cùng lúc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chưa đủ đáp ứng; đặc biệt thiếu hụt, bất cập ở các tuyến dưới (tỉnh, huyện, xã).
 

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu trao Quyết định cho các bác sỹ nội trú tại Lễ tốt nghiệp được tổ chức ở Văn Miếu - Hà Nội tháng 1/2010 (Ảnh: Cương Huyền).

Giải pháp cơ bản của toàn ngành là phải tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực y tế. Ưu tiên cho tuyến dưới. Từng nơi, từng lúc, xác định các trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực, sớm đạt hiệu quả thiết thực. Đồng thời, phải thực hiện ngay các giải pháp tình thế cấp bách, như: nâng cao chất lượng điều trị, giảm thời gian lưu trú mỗi ca bệnh; tận dụng diện tích hiện có, kê thêm giường bệnh; tăng ca, tăng giờ làm của cán bộ công nhân viên bệnh viện; tăng cường điều trị ngoại trú... Đặc biệt, từ cuối năm 2008, ngành y tế đã chủ động thực hiện chế độ luân phiên cán bộ chuyên môn cao từ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới (Đề án 1816). Vừa trực tiếp “cầm tay chỉ việc” giúp tuyến dưới tiếp thu công nghệ và kỹ thuật mới, vừa góp phần đưa dịch vụ y tế kỹ thuật cao về gần dân, hướng dẫn, khuyến khích người bệnh yên tâm điều trị theo phân tuyến kỹ thuật, giảm thiểu đi lại tốn kém.

Bộ trưởng vừa cho biết: “Giải pháp cơ bản của toàn ngành là phải tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất…”. Vậy năm vừa qua, Bộ Y tế đã làm được những gì và làm như thế nào, thưa Bộ trưởng?

“Qua số liệu Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2009, dân số Việt Nam là 85,8 triệu người, tỷ lệ phát triển dân số bình quân trong 10 năm qua chỉ còn 1,2%, bằng 1/3 mức sinh và mức tăng dân số ở thời điểm 48 năm trước đây. Trong bối cảnh công tác dân số vừa đồng thời gấp rút hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược dân số giai đoạn 2001- 2010, vừa phải kiện toàn và củng cố hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ Trung ương đến cơ sở. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của TƯ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ, ngành, đoàn thể, các cấp ủy, chính quyền; sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân; sự nỗ lực bền bỉ của cơ quan chuyên trách công tác DS-KHHGĐ từ Trung ương đến cơ sở, toàn ngành đã đạt được chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh đạt chỉ tiêu Quốc hội giao 0,2%o (sau 2 năm liên tiếp 2007, 2008 không đạt); công tác truyền thông vận động, cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ tiếp tục được đẩy mạnh và phát  huy tác dụng; công tác triển khai thí điểm nhiều mô hình, đề án nhằm giải quyết các vấn đề về chất lượng dân số, cơ cấu dân số cũng đã bước đầu thu được kết quả tốt đẹp”.

(Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu tại Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Dân số VN 26/12/2009)
- Trước đây, đầu tư phát triển toàn ngành y tế mỗi năm chỉ được cấp chừng 900 – 1.000 tỉ đồng. Nhiều BV xuống cấp nghiêm trọng, chỉ được sửa chữa chắp vá. Những cơ sở xây mới phải kéo dài tiến độ xây dựng trong nhiều năm. Trang thiết bị y tế hiện đại đòi hỏi vốn lớn, khó xử lý nhập đồng bộ. Xem xét kỹ thực trạng đó, ngành y tế đã giải trình, được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tập trung mạnh nguồn vốn trái phiếu cho nâng cấp, xây dựng mới bổ sung hệ thống bệnh viện huyện, tỉnh (thể hiện tại Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 2/4/2008 phê duyệt “Đề án xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008 – 2010” (gọi tắt là Đề án 47); và Quyết định 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 về việc phê duyệt “Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009 – 2013” (gọi tắt là Đề án 930). Cả hai Đề án có tổng vốn đầu tư hơn 60.000 tỉ đồng. Hoàn thành Đề án, sau năm 2010 sẽ có 621 bệnh viện huyện và đa khoa khu vực liên huyện được đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo; sau năm 2013 sẽ có 55 bệnh viện lao, 40 bệnh viện, trung tâm tâm thần, 33 bệnh viện nhi, sản nhi, 9 bệnh viện, trung tâm ung bướu, 7 khoa ung bướu thuộc các bệnh viện TƯ, 78 bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung ương, Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Thời điểm hết năm 2010 và năm 2013 là mốc cuối của Đề án. Làm khẩn trương, nhanh gọn, sớm dứt điểm từng hạng mục, từng công trình, càng sớm có thêm cơ sở vật chất để phục vụ ngay.

Song song với đầu tư từ ngân sách, thực hiện nghị quyết của Quốc hội số 18/NQ-QH12 và Nghị định 69/NĐ-CP về đẩy mạnh xã hội hóa y tế, toàn ngành phải nỗ lực hơn nữa vận động, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách. Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên dành đất cho xây dựng BV. Áp dụng cơ chế giao “đất sạch” (tương tự như đối với khu chế xuất, đất giao đã được giải tỏa, đền bù, san lấp mặt bằng), tạo thuận lợi cho việc triển khai nhanh xây dựng các BV.

Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xin Bộ trưởng cho biết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế đã được quan tâm như thế nào?

- Xây dựng cơ sở vật chất rất quan trọng. Song đào tạo nguồn nhân lực xứng tầm còn quan trọng hơn. Đây cũng là quan điểm luôn coi yếu tố con người là quyết định. Vốn thiếu có thể đi vay. Trang thiết bị có thể nhập ngoại. Song con người tuyệt đối phải là người Việt Nam. Với các địa phương, dân tộc thiểu số, cũng cần ưu tiên người địa phương, người dân tộc. Nhân lực y tế trước hết phải giỏi chuyên môn, kỹ thuật y tế. Song đồng thời, phải có y tâm, y đức, nói tổng quát là “Văn hóa y tế” tương xứng với đất nước – con người Việt Nam; chi tiết với mỗi địa phương, mỗi dân tộc. Trong chiến lược phát triển đào tạo nguồn lực, cùng với các phân hệ đào tạo theo quy định chung, Bộ Y tế đã trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo cử tuyển. Vừa phát triển đào tạo chính quy theo trường lớp, vừa phát triển đào tạo liên tục; nhấn mạnh chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới, nâng cao tay nghề. Về các bậc sau đại học, cùng với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ (Trường đại học chủ trì – BV phối hợp), coi trọng phát triển đào tạo chuyên khoa cấp một, cấp hai (BV chủ trì – Trường đại học phối hợp).

Đề án 1816 được đánh giá là thành tựu thứ 4 trong 10 thành tựu nổi bật của ngành y tế năm 2009. Phải chăng đây cũng là một giải pháp phát huy yếu tố con người, phần nào đóng góp đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực y tế, thưa Bộ trưởng?

-  Đúng vậy. Nội dung chính của Đề án 1816 là đưa cán bộ chuyên môn kỹ thuật cao tuyến trên luân phiên về hỗ trợ tuyến dưới. Từ BV Trung ương, BV hạng I của các thành phố lớn về giúp BV tỉnh miền núi, vùng khó khăn. Tại mỗi địa phương, tùy tình hình cụ thể, thực hiện luân phiên từ BV tỉnh về giúp các BV huyện; từ BV huyện về giúp cơ sở vùng liên xã và tuyến xã. Tổng kết năm đầu, riêng ở cấp BV Trung ương, BV hạng I của các thành phố lớn về giúp BV tỉnh, đầu “đi” đã huy động 64 BV, 1.846 lượt cán bộ; đầu “đến” thuộc 57 tỉnh. Diện hỗ trợ bao phủ 26 chuyên ngành. Kết hợp đào tạo “cầm tay chỉ việc”, đã tổ chức gần 300 lớp/12.000 lượt người, chuyển giao 1.023 kỹ thuật (trong đó: 81% BV tuyến dưới đã tự thực hiện được). KCB trực tiếp hơn 210.000 lượt người bệnh. Nhiều trường hợp bệnh hiểm nghèo, phức tạp đã được xử lý, điều trị ngay tại địa phương. Một số tỉnh báo cáo đã giảm chuyển tuyến trên từ 20% đến 30%. Qua đó thấy rõ, trong điều kiện chưa thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, riêng yếu tố con người được tăng cường hợp lý đã làm “thức dậy” những tiềm năng sẵn có (thầy thuốc địa phương được hỗ trợ, thêm vững tay điều trị; máy móc thiết bị, đặc biệt các loại kỹ thuật cao, được huy động, tận dụng; người bệnh thêm tin tưởng, an tâm điều trị tại địa phương...). Đề án 1816 đồng thời đã trực tiếp thực hiện dòng đào tạo liên tục, dưới hình thức mở lớp tại chỗ (dạng “lớp học đầu bờ” trong nông nghiệp!). Qua đây cũng thêm hiểu biết, nắm bắt nhu cầu của tuyến dưới, suy nghĩ tạo điều kiện luân phiên tuyến dưới về học tập nâng cao ở tuyến trên.
 

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thăm bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Long An, tháng 1/2010 (Ảnh: Huyền Trang).

Năm 2009 đã xuất hiện bệnh mới cúm A/H1N1. Việt Nam đã có những ứng phó như thế nào, kết quả ra sao, thưa Bộ trưởng?

- Ngẫm câu cổ ngữ: “Sinh -  Bệnh...”. Không chỉ đúng với mỗi người, mà dường như cũng đúng với cả tổng thể cộng đồng nhân loại. Đã “sinh”, ắt kéo theo có “bệnh”. Khắc phục được bệnh này thì loại bệnh khác lại xuất hiện. Chỉ tính trong vài thập niên gần đây, y học đã tiến những bước dài, đẩy lùi nhiều loại bệnh, ca bệnh hiểm nghèo. Song đồng thời, nhân loại cũng phải đối mặt liên tiếp nhiều loại bệnh mới nổi. Trong đó, năm 2009 đáng kể nhất là cúm A/H1N1. Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay đã có hơn 208 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có bệnh nhân cúm A/H1N1, hơn 10.000 người đã tử vong. Tại khu vực châu Á, một số nước ghi nhận số tử vong cao như: Ấn Độ – 777 người; Nhật Bản – 107 người; Trung Quốc (đại lục) – 326 người; Thái Lan – 190 người; Hàn Quốc – 132 người v.v... Tại Việt Nam, tính đến ngày 22/12/2009, đã ghi nhận 11.083 bệnh nhân cúm A/H1N1, 52 ca tử vong. So sánh trên bình diện quốc tế, Việt Nam được đánh giá đã đáp ứng phòng bệnh tích cực, hạn chế mức thấp tỉ lệ mắc, chết và những tác động thiệt hại khác do bệnh (tỉ lệ mắc/dân số: 0,013%; chết/mắc:0,45%).

Trước tình hình dịch bệnh lan truyền nhanh trên diện rộng, ngành công nghiệp dược thế giới đã tích cực vào cuộc và đến nay đã có được những chủng vaccine đạt yêu cầu phổ biến sử dụng. WHO cho biết: Hiện số lượng vaccine được các nước đặt hàng đã lên tới hơn 1 tỉ liều. Đến ngày 3/12/2009, đã phân phối 150 triệu liều; trong đó đã đưa vào sử dụng 95 triệu liều ở 40 nước. WHO cũng quan tâm vận động tài trợ, hỗ trợ vaccine cho các nước nghèo. Việt Nam được thông báo gói viện trợ đầu 1,2 triệu liều. Do số lượng vaccine hạn chế, trước mắt ưu tiên đối tượng phụ nữ có thai trên 3 tháng, cán bộ y tế có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc bệnh phẩm của bệnh nhân cúm A/H1N1. Theo đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine, chi tiết đến từng địa phương, bảo đảm khi vaccine về đến Việt Nam, sớm được đưa vào sử dụng, an toàn, đúng đối tượng.

Tuy nhiên, có những thông tin cần lưu ý, WHO cho biết: Vaccine cúm A/H1N1 có độ an toàn tương đương với vaccine cúm mùa thông thường đã được sử dụng trên 60 năm qua. Mặc dù vậy, tùy thuộc vào tính chất của từng loại vaccine, khi tiêm chủng đều có một tỷ lệ phản ứng nhất định. Thường gặp là các phản ứng: sưng, nổi màu đỏ, đau chỗ tiêm, sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ... Sau tiêm khoảng 48 giờ, các dấu hiệu phản ứng sẽ tự hết. Hiện chưa có bằng chứng phản ứng nặng (gây tử vong) sau tiêm vaccine cúm A/H1N1 ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Để đảm bảo chất lượng vaccine và an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị các biện pháp triển khai:

1. Lập kế hoạch phân phối, vận chuyển, bảo quản vaccine và các vật tư liên quan dựa vào hệ thống sẵn có của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Huy động tất cả các dụng cụ dây chuyền lạnh trong tiêm chủng mở rộng để bảo quản vaccine.

2. Phối hợp với WHO làm rõ tính an toàn của vaccine cúm A/H1N1 mà Việt Nam sẽ nhận.

3. Thử nghiệm về tính an toàn của vaccine cúm A/H1N1 trong phòng thí nghiệm và trên người.

4. Truyền thông sâu rộng để nhân dân hiểu rõ lợi ích của tiêm vaccine, phản ứng sau tiêm có thể xảy ra.

5. Tổ chức tập huấn cho cán bộ tiêm chủng về tiêm vaccine và giám sát phản ứng sau tiêm chủng.

6. Triển khai tiêm cho các đối tượng và các vùng có nguy cơ cao để rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà.

7. Theo dõi chặt chẽ và xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
 
Thủ tướng Chính phủ: Huy động tối đa trí tuệ và sức lực bác sỹ trong nước
 
Tại buổi làm việc cuối năm với Bộ Y tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Đồng thời, Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần có cơ chế huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế để đầu tư cho y tế. Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta cần có cơ chế huy động tối đa trí tuệ và sức lực của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam, làm sao để không chỉ người Việt Nam được chữa bệnh bằng kỹ thuật cao ngay ở trong nước mà phải thu hút được cả người nước ngoài đến chữa bệnh tại Việt Nam. Thủ tướng cũng đề nghị ngành y tế khẩn trương thực hiện đề án chống quá tải, đặc biệt ở các BV chuyên khoa tuyến cuối như BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV K, BV Nhi TƯ...
 
Đối với việc xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu, Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá lại tổng thể hiệu quả của đề án đã triển khai trước năm 2005, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp cụ thể, tính toán kỹ về cơ chế vốn đầu tư, cơ chế tài chính tương ứng, đảm bảo tái đầu tư. Trước tiên thí điểm ở một số BV, tập trung cho các chuyên khoa đầu ngành. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tạo điều kiện cho BV được vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị.
 
Thúy Nga (Thực hiện)
Báo Gia đình và Xã hội Xuân Canh Dần
thuhuyen
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
2 bệnh viện phối hợp cứu người phụ nữ ngừng tuần hoàn do chửa ngoài tử cung vỡ

2 bệnh viện phối hợp cứu người phụ nữ ngừng tuần hoàn do chửa ngoài tử cung vỡ

Y tế - 20 giờ trước

GĐXH - Do lượng máu mất quá nhiều nên trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân xuất hiện 2 lần ngừng tuần hoàn.

Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH – Theo các bác sĩ, chì là 1 loại kim loại nặng, rất độc gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của con người, đặc biệt là đối với trẻ em.

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Y tế - 1 ngày trước

Sau khi lần lượt mờ 2 mắt, với thị lực gần như bằng 0, đi qua rất nhiều bệnh viện khám, nữ bệnh nhân ở Quảng Bình được xác định có khối phình động mạch não rất lớn.

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng chiếc que xiên thịt sắc nhọn đâm xuyên lưỡi.

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Về tình hình sức khỏe của nam sinh bị đánh chấn thương sọ não khi chơi bóng rổ, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết hiện tại, bệnh nhân vẫn hôn mê, thở hoàn toàn theo máy...

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Y tế - 5 ngày trước

Xương cá rơi vào phế quản nhưng bà K.A không hề hay biết. Bị ho, khó thở kéo dài, bệnh nhân điều trị suốt 1 năm không đỡ.

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Y tế - 6 ngày trước

GĐXH - Ngày 19/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam do JICA phối hợp với Hội Vật lý Trị liệu Việt Nam tổ chức.

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH – Hàng trăm đơn vị máu đã được tiếp nhận trong Chương trình hiến máu tình nguyện hưởng ứng “Lễ hội Xuân hội’ năm 2024 tại Bộ Y tế.

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH - Ngày 19/4, UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH – Bệnh nhi bị đứt toàn bộ động mạch trụ, đứt thần kinh trụ và thần kinh giữa, đứt gân gấp cổ tay trụ, đứt gân gấp ngón 4 và 5 bàn tay trái.

Top