Hà Nội
23°C / 22-25°C

Hành quân thần tốc về Tân Trào

Chủ nhật, 11:15 30/08/2009 | Xã hội

Giadinh.net - Cuối tháng 4/1945, tình hình chiến sự có chiều hướng thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, Bác Hồ quyết định chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về căn cứ địa Tân Trào (Tuyên Quang) làm việc cho tiện lãnh đạo cách mạng.

 
Đây là chuyến công tác đặc biệt hết sức quan trọng, có tính chất quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau này. Công tác bảo vệ Bác Hồ di chuyển địa điểm được Trung ương khẩn trương chuẩn bị và giao cho đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách. 
 
Tuyến đường từ Pác Bó về Tân Trào được nghiên cứu rất tỉ mỉ. Việc phối hợp lực lượng triển khai bảo vệ các trọng điểm trên đường đi hết sức chu đáo. Sau khi nghe báo cáo kế hoạch bảo vệ cuộc hành quân, Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo từng vấn đề cụ thể. Theo kế hoạch, từ Pác Bó về Tân Trào được chia làm ba chặng, mỗi chặng giao cho một đơn vị vũ trang đảm bảo an toàn.
 

Bác Hồ trong một lần đi công tác.

 
Bàn tổng khởi nghĩa trên đường hành quân
 
Chặng thứ nhất: Từ Pác Bó về Lam Sơn (Hoà An - Cao Bằng)
 
Chặng này do nằm trong khu vực hành lang căn cứ địa Pác Bó, ta nắm tương đối vững khả năng hoạt động của địch. Tình hình nhân dân và các đoàn thể cứu quốc ở đây bảo vệ cách mạng đến cùng.
 
Sáng 4/5/1945, tại Khuổi Nậm (Pác Bó), Bác Hồ đã tập hợp đoàn công tác để quán triệt ý nghĩa quan trọng của chuyến hành quân. Người trực tiếp phân công nhiệm vụ và đề ra nguyên tắc giữ bí mật. Sau hai tiếng, đoàn lên đường. Từ Khuổi Nậm, đoàn đi dọc suối Lênin qua một số bản thuộc xã Xuân Hoà, nay là xã Nà Sao, huyện Hà Quảng.
 
Đến Thua Phia, đoàn dừng lại vào nghỉ tại nhà đồng chí Nông Hiền Hữu là Chủ nhiệm Việt Minh châu Hà Quảng. Tổ bảo vệ do đồng chí Đinh Đại Toàn phụ trách. Đồng chí Toàn là người có nhiều kinh nghiệm đi rừng, từng cùng đồng chí Phùng Thế Tài bảo vệ Bác từ Côn Minh về Pác Bó. Để giữ bí mật, mọi người trong đoàn vẫn gọi Bác bằng tên “Già Thu”.
 
Từ Thua Phia, đoàn vượt rừng đi thẳng xuống Yên Luật và nghỉ chân chờ tin của giao liên dẫn đường thông báo tình hình ở tuyến trước. Cuộc hành quân tiếp tục vượt Đèo Ngạn thì vừa lúc trời tối nên đoàn nghỉ tại nhà đồng chí Nông Văn Giác tại Bản Nưa. 
 
Sau bữa cơm tối, đồng chí Nông Hiền Hữu được Bác cử bắt liên lạc với bộ phận giao liên dẫn đường, nắm tình hình đoạn đường còn lại về Lam Sơn. Sáng hôm sau, trước khi lên đường, Người gặp cơ sở dẫn đường hỏi rất tỉ mỉ và kiểm tra lại toàn bộ công tác chuẩn bị của đoàn. Người dẫn đường từ Bản Nưa đi chặng đường tiếp là đồng chí Cao Chung. Rời Bản Nưa, đoàn đi Luống Nọi. Đoạn đường tiếp theo tương đối nguy hiểm nên công tác bảo vệ đã được tổ chức rất chu đáo. Sau khi phối hợp với bộ phận nắm tình hình, được biết có thể đi theo tỉnh lộ, đoàn quyết định lên đường.
 
Khi đến Võ Nuống (xã Nam Tuấn - Hoà An - Cao Bằng), đoàn nghỉ tại nhà đồng chí Hồng Quân để chờ tin cơ sở. Khi đã thật yên tâm, đoàn quyết định nhanh chóng theo đường mòn ven núi đến vùng Lam Sơn. Lãnh tụ Hồ Chí Minh ở lại làm việc tại Lam Sơn từ ngày 6 đến 8/5/1945.
 
Tại đây, lực lượng bảo vệ phối hợp với tự vệ và vũ trang địa phương bảo vệ cuộc họp cán bộ Trung ương đột xuất, gồm các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Đặng Việt Châu, Vũ Anh và cán bộ của Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng bàn về việc chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc họp do Bác chủ trì.
 

Lán Nà Lừa.

 
Sốt rét vẫn vượt núi cao 1.500m không nghỉ
 
Chặng thứ hai: Từ Lam Sơn về Đồng Phúc huyện Chợ Rã
 
Chặng này tuy tình hình hoạt động của địch không đáng lo ngại lắm, nhưng đường đi rất hiểm trở, chủ yếu là đường mòn trong rừng. Đáng chú ý là hoạt động của bọn phỉ và thám báo. Sáng 9/5, đoàn lên đường đi Ngân Sơn. Bảo vệ trực tiếp Bác lúc này là đồng chí Đinh Đại Toàn và đồng chí Đặng Văn Cáp.
 
Sáng 11/5, đoàn từ Ngân Sơn đi Chợ Rã (Bắc Kạn). Theo kế hoạch bảo vệ thì đoạn đường từ Ngân Sơn phải được tăng cường lực lượng bảo vệ tới mức tối đa. Đoàn theo lối mòn trong rừng qua các xã Trung Hoà, Hà Hiệu, Khuổi Mãn về Chợ Rã. Cuộc hành quân càng gần đích càng khẩn trương. Các đội viên bảo vệ trên quãng đường này lo nhất là khi vượt núi Phia Bioóc cao 1.500m.
 
Đứng nhìn ngọn núi sừng sững phía trước, các đội viên ai cũng lo ngại cho Người. Mấy ngày hành quân vừa qua thật sự đã vắt kiệt sức lực của “Già Thu” lúc đó đã ngoài 50 tuổi và luôn bị căn bệnh sốt rét hành hạ. Có đội viên khuyên Bác nên tạm nghỉ ở chân núi một buổi hay một ngày rồi đi tiếp. Nhưng Bác phản đối: “Các chú khuyên Bác nghỉ như vậy là khuyên Bác phá bỏ kế hoạch hành quân phải tính từng giờ, từng phút như đã đề ra hay sao”.
 
Nghe Bác nói vậy, tất cả các đội viên như được tiếp thêm nghị lực và sức mạnh của đôi chân. Khi hành quân đến đỉnh núi, Người đồng ý cho nghỉ 15 phút. Khi các đội viên đã đông đủ ngồi chung quanh, Bác nói vui: “Có khi leo núi cũng là phương thức chữa bệnh, vì leo núi cho mồ hôi thoát ra, nhẹ cả người. Bây giờ Bác thấy lại khoẻ hơn lúc chưa leo núi”. Chiều ngày 14/5, đoàn nghỉ tại Bản Chán (thuộc xã Đồng Phúc, huyện Chợ Rã), đây là điểm dừng chân cuối cùng trên đất Bắc Kạn.
 
Về Thủ đô kháng chiến
 
Chặng thứ ba: Từ Đồng Phúc - Chợ Rã về Tân Trào - Tuyên Quang
 
Chặng này đáng chú ý là ở ngay huyện lỵ Định Hoá có đồn Bảo an và lính Nhật đóng. Nhiều cuộc vây lùng cán bộ Việt Minh của chúng đã lan đến một số địa bàn xung quanh.
 
Ngày 15/5, đoàn tiếp tục cuộc hành trình đến sáng hôm sau, khi qua châu lỵ, huyện Chợ Đồn khoảng 1km đến địa phận Bản Pịt, đoàn tách ra làm 2 bộ phận. Một bộ phận trực tiếp bảo vệ Bác nhanh chóng vượt đèo Khuổi Khuy tới địa bàn xã Bằng Viễn, vòng phía sau đồn binh Nhật đóng ở trên đường để xuống Bản Duồng, xã Lượng Bằng. Lúc này thì trời vừa tối nên tổ bảo vệ đưa Người vào nghỉ tại nhà ông Lý Quý. Bộ phận còn lại đi qua Đèo De để sang Tân Trào.
 
Ngày 17/5, đoàn bảo vệ Lãnh tụ Hồ Chí Minh đến Nà Kiến (xã Nghĩa Tá, Chợ Đồn) thì gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một tiểu đội vũ trang lên đón. Từ đây đoàn bảo vệ được bố trí thêm một đơn vị vũ trang do đồng chí Chu Văn Tấn phụ trách. Đường từ Nà Kiến ngược ra Chợ Chu (Định Hoá) có tổ chức triển khai lực lượng bí mật giám sát. Khi biết đường ra Chợ Chu thường có bọn Nhật tuần cảnh, đoàn quyết định đổi hướng đi theo lối mòn xuyên rừng đi Thành Cóc. Ngày 20/5, các đội viên bảo vệ đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Bác đến Thành Cóc (xã Hùng Lợi, Yên Sơn, Tuyên Quang) an toàn.
 
Bảo vệ Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Thành Cóc đi Tân Trào lúc này ngoài tổ bảo vệ trực tiếp còn tăng cường thêm một trung đội giải phóng quân và một số tự vệ địa phương. Các đội viên bảo vệ Bác đi qua đò Nông Tiến, sau đó theo tả ngạn sông Lô khoảng 6km thì đến huyện Sơn Dương. Theo đường rừng, vượt sông Đáy sang xã Tân Trào. Mãi đến tối ngày 25/5, đoàn mới đến Tân Trào.
 
Các đồng chí ra đón Bác đã mời Bác vào nghỉ tạm tại nhà ông Tiến Sự ở xóm Kim Lộng, cách cây đa Tân Trào 300m. Nhà ông Tiến Sự đang là nơi ở tạm thời của bộ phận hậu cần Trường Quân chính kháng Nhật. Đồng chí Nguyễn Văn Cao lúc đó phụ trách công tác tổ chức và hậu cần của Trường Quân chính, được đồng chí Trần Đăng Ninh và đồng chí Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ chăm lo việc ăn nghỉ của Bác (đồng chí Nguyễn Văn Cao sau này được Bác đặt tên là Hoàng Hữu Kháng -  Cục trưởng Cục Cảnh vệ - nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).
 
Về kỷ niệm này, đồng chí Hoàng Hữu Kháng kể lại: “Khoảng gần tối, có bốn thanh niên đều ăn mặc quần áo chàm đưa một ông cụ khoảng gần 60 tuổi đến. Đồng chí Trần Đăng Ninh vượt lên ghé sát vào tai tôi nói nhỏ: “Cậu chuẩn bị tiếp khách cho chu đáo”. Tôi đang phân vân không biết khách nào thì anh Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) đến dặn tôi: “Đây là Già Thu, lão thành cách mạng của Đảng. Đồng chí phải lo việc ăn, ở cho cụ thật chu đáo”. Nhận chỉ thị của anh Văn, tôi bố trí mời cụ ở một gian nhà có thưng liếp nứa ngay sát bìa rừng. Biết Già Thu tuổi cao lại qua một cuộc hành quân gần nửa tháng, hàng ngày tôi dặn đồng chí cấp dưỡng chú ý nấu thế nào cho ngon miệng. Nhưng Người ăn yếu quá, mỗi bữa chỉ được lưng bát cơm”.
 
Để đảm bảo bí mật, các đồng chí trong cơ quan và gia đình, cũng như các đồng chí lãnh đạo khác thường đến làm việc đều thống nhất gọi Người là “Ông Ké Tân Trào”.
 
Bác về Tân Trào được hai ngày, công việc đang bề bộn thì bị sốt rét trở lại, cộng với sự vất vả sau một chặng đường hành quân gian khổ, nên bệnh càng nặng. Tuy mệt nhưng hàng ngày Người vẫn gắng sức làm việc thường xuyên. Công tác bảo vệ an toàn nơi ở, làm việc và chăm lo sức khoẻ cho Bác được các đồng chí Trung ương đặc biệt chú trọng. Đơn vị vũ trang của đồng chí Đàm Minh Viễn được điều động từ Pác Bó - Cao Bằng về. Một số đội viên được lựa chọn đã tổ chức thành lập các trạm canh gác vũ trang các lối vào khu vực Tân Trào.
 
Ở nhà dân không tiện cho hoạt động, ngày 24/5/1945, Bác chỉ thị cho tổ bảo vệ lên rừng tìm địa điểm làm nơi ở mới. Sau khi khảo sát, Bác đã đồng ý cho tiến hành làm lán ở chân núi Nà Lừa, gọi là lán Nà Lừa. Lán có chiều rộng 2m, chiều dài 4m, chia làm 2 phòng, 1 phòng để Người làm việc, 1 phòng Người nghỉ.
 
Ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào dưới sự chủ tọa của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Quốc dân Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Đại hội biểu lộ quyết tâm giành cho được chính quyền trước khi quân Đồng minh vào nước ta giải giáp vũ khí quân đội Nhật. Đại hội nhất trí cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) do Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
 
Theo lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, nhân dân cả nước đứng dậy giành chính quyền từ tay thực dân, làm nên Cách mạng Tháng Tám lịch sử của dân tộc ta.
 
Nguyễn Đức Quý
kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Giáo dục - 1 giờ trước

Kết thúc thời gian đăng ký, có 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi trên hệ thống trực tuyến về đăng ký thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, số thí sinh tự do đăng ký dự thi là 45.344.

Điểm mới về bảng lương theo vị trí việc làm, cán bộ, công chức và viên chức cần biết sau cải cách tiền lương

Điểm mới về bảng lương theo vị trí việc làm, cán bộ, công chức và viên chức cần biết sau cải cách tiền lương

Đời sống - 1 giờ trước

GĐXH - Trả lương theo vị trí việc làm là việc căn cứ vào từng chức danh, chức vụ, cơ cấu tổ chức để xác định mức lương cụ thể cho từng đối tượng. Sau cải cách tiền lương, bảng lương theo vị trí việc làm cho cán bộ, công chức và viên chức có điểm gì mới?

Tin sáng 11/5: Sốc với giá vàng, Hà Nội treo thưởng 1 tỷ đồng cho ý tưởng quy hoạch không gian ven sông Hồng

Tin sáng 11/5: Sốc với giá vàng, Hà Nội treo thưởng 1 tỷ đồng cho ý tưởng quy hoạch không gian ven sông Hồng

Thời sự - 1 giờ trước

GĐXH - Giá vàng SJC tăng phi mã, người mua vàng có thể lãi hơn 4 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng 1 tuần; Hà Nội treo thưởng 1 tỷ đồng cho ý tưởng quy hoạch bãi giữa và bãi bồi ven sông Hồng.

Vụ học sinh lớp 6 nhảy lầu ở Đà Nẵng: Nạn nhân qua cơn nguy kịch, lúc tỉnh gọi được 'mẹ ơi'

Vụ học sinh lớp 6 nhảy lầu ở Đà Nẵng: Nạn nhân qua cơn nguy kịch, lúc tỉnh gọi được 'mẹ ơi'

Thời sự - 1 giờ trước

“Mẹ cháu đang túc trực trong phòng với cháu suốt ngày đêm tại khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức. Lúc tỉnh cháu đã nhận biết được mẹ mình”, bà G. cho hay.

Đâm vào dải phân cách, 2 học sinh lớp 10 ở Quảng Ninh thương, vong

Đâm vào dải phân cách, 2 học sinh lớp 10 ở Quảng Ninh thương, vong

Thời sự - 8 giờ trước

GĐXH - Trên đường chở bạn bằng xe mô tô về thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh), xe của T.T.T bất ngờ đâm vào dải phân cách cứng dẫn đến cả 2 bị thương, vong.

Những khu vực nào trên địa bàn Hà Nội dễ ngập úng nhất nếu xảy ra mưa lớn?

Những khu vực nào trên địa bàn Hà Nội dễ ngập úng nhất nếu xảy ra mưa lớn?

Thời sự - 10 giờ trước

GĐXH - Hiện trên địa bàn TP còn có 11 điểm khi xảy ra mua lớn từ lưu lượng 50mm/h đến 70mm/h sẽ xảy ra ngập úng, 19 điểm úng ngập khi mưa lớn từ 100mm/h trở lên gây quá tải hệ thống thoát nước.

Thông tin mới nhất vụ nổ lò hơi khiến nhiều người thương vong ở Đồng Nai

Thông tin mới nhất vụ nổ lò hơi khiến nhiều người thương vong ở Đồng Nai

Pháp luật - 10 giờ trước

GĐXH - Liên quan đến vụ nổ lò hơi làm 6 người thiệt mạng ở Đồng Nai, cơ quan chức năng cung cấp thêm thông tin mới nhất về vụ việc.

Đồng Nai: Bắt đối tượng xâm hại trẻ em rồi trốn truy nã 12 năm

Đồng Nai: Bắt đối tượng xâm hại trẻ em rồi trốn truy nã 12 năm

Pháp luật - 11 giờ trước

Hiền bị truy nã về tội: "Hiếp dâm trẻ em" và bị công an bắt giữ sau 12 năm lẩn trốn.

Bố thợ xây, mẹ làm ruộng nuôi con đạt điểm cao nhất Đại học Bách khoa Hà Nội

Bố thợ xây, mẹ làm ruộng nuôi con đạt điểm cao nhất Đại học Bách khoa Hà Nội

Giáo dục - 12 giờ trước

Xuất thân gia đình nhà nông, phải vay tiền theo đuổi giấc mơ đại học, Trần Thế Dương tốt nghiệp điểm GPA cao nhất, tốt nghiệp sớm Đại học Bách khoa Hà Nội 2024.

Điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở theo luật đất đai mới nhất mà người dân nên biết

Điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở theo luật đất đai mới nhất mà người dân nên biết

Pháp luật - 13 giờ trước

GĐXH - Theo chuyên gia, Luật Đất đai 2024 quy định khá rõ về căn cứ, điều kiện để chuyển đổi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp sang đất ở. Đây được xem là những thông tin quan trọng, thiết thực mà mọi người dân nên biết và tận dụng.

Top