Hà Nội
23°C / 22-25°C

GS. Nguyễn Lân Dũng nói về sự đáng sợ của 4 chữ… “vô”

Thứ năm, 11:00 26/01/2017 | Xã hội

GiadinhNet - Trở thành người tử tế để không phải sống cuộc đời trong 4 chữ “vô”: Vô cảm, vô tâm, vô ơn, vô nghĩa. Tử tế là mạch sống tình người và đừng làm nó suy yếu đi. Nhân dịp Tết Đinh Dậu, PV Báo GĐ&XH đã trò chuyện cùng Nhà giáo Nhân dân, GS.TS Nguyễn Lân Dũng về bí quyết sống đẹp.


GS.TS Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: TL

GS.TS Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: TL

Sống vui vẻ là “không ghét ai”

Quan niệm của Giáo sư về sống đẹp là như thế nào?

- Sống đẹp trước hết là phải sống có ý nghĩa, không phải bận tâm đau đáu về cái gì cả. Tôi năm nay đã 79 tuổi rồi mà vẫn làm việc suốt ngày, suốt tháng. Đi nói chuyện với sinh viên, các bạn luôn thắc mắc tại sao nhìn thầy trẻ hơn tuổi, luôn vui vẻ, tôi nói rằng bí quyết chỉ có 3 chữ thôi, đó là “không ghét ai”. Không yêu thì thôi, ghét làm gì cho vương phiền muộn vào người. Chúng ta thường bị những tình cảm phiền nhiễu, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tinh thần. Nếu chúng ta cứ dung dưỡng những loại tình cảm tiêu cực ấy thì cuộc sống thêm đau khổ và thậm chí phát sinh bệnh tật. Một trong những loại tình cảm tiêu cực nhất, có khả năng gây tổn hại nhiều nhất đến tâm sinh lý của chúng ta là sự thù ghét, ghen tỵ, hằn học.

Trong cuộc sống không thể tránh khỏi những người không cùng quan điểm với mình về một vấn đề nào đó. Ví dụ như trước đây, tôi bảo vệ Khánh Huyền (Huyền “chíp”) viết sách về trải nghiệm đi du lịch qua 25 quốc gia. Có những người đã chỉ trích rất gay gắt về tính chân thực của hai cuốn sách và số visa. Kể cả khi trong buổi họp báo ra mắt tập 2 cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”. Tôi đã giở cuốn hộ chiếu ra cho mọi người xem với kín hết các visa, mà có người vẫn chỉ trích là tôi có đếm đủ không(!), đến nỗi em ấy không muốn viết tiếp tập 3 của bộ sách đó nữa. Nhưng tôi động viên em đừng nản. Và hôm nay tôi nhận được tin sau thời gian du học tại Mỹ, em về nghỉ phép và ra mắt tại Trung tâm Văn hoá Pháp Việt cuốn sách thứ ba “về những người gặp ở Đại học Standford”.

Cái đúng luôn được công nhận dù có muộn, cho nên tôi không bao giờ thanh minh trước những lời nói không hay hoặc “ném đá” về mình. Mấu chốt của cuộc sống là phải biết giữ tư cách và sống có ích, lấy đó làm tiêu chí cho cuộc sống. Sống lạc quan và giúp ích cho đời, từ đó sẽ được mọi người tin yêu. Theo tôi đấy là sống đẹp và hạnh phúc.

Xin Giáo sư cho biết về quan niệm sống đẹp thời xưa và thời nay có điểm gì giống và khác nhau không?

Sống đẹp thì thời nào cũng thế, về cơ bản thì tiêu chí không khác nhau. Sống đẹp không có nghĩa là phải có nhiều tiền, nhiều tài sản, ăn ngon, mặc đẹp… Trong kháng chiến gian khổ, khó khăn nhưng bản thân luôn lạc quan thì sẽ thấy cuộc sống đẹp. Không so bì với ai, khi mình cảm thấy hài lòng, thỏa mãn với những gì đang có là sẽ cảm thấy đẹp.

- Sống đẹp theo tôi là sống có mục đích, có ước mơ, có lý tưởng rõ ràng. Sống đẹp là sống có ý chí, biết vươn lên và đứng dậy bằng chính đôi chân của mình khi gặp khó khăn, dũng cảm vượt qua những thử thách của cuộc đời để chắp cánh cho ước mơ của mình được bay cao. Sống đẹp nghĩa là sống hết mình và không bao giờ chịu khuất phục trước số phận.

Sống đẹp còn là lối sống có văn hóa, có tri thức, có tình người. Sống đẹp không chấp nhận những suy nghĩ ích kỷ, tham lam, vụ lợi, chỉ luôn lo thu vén cho cá nhân và gia đình. Sống đẹp là sống có ích cho những người quanh ta và cho xã hội. Sống đẹp phải là đẹp ở tâm hồn, ở suy nghĩ, ở lời nói và hành động.


Gia đình GS.TS Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: TL

Gia đình GS.TS Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: TL

Việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từ chối nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" vì đã được quê nhà tại Quảng Trị mời về tôn vinh. Người chê là kiêu ngạo, người lại khen anh là không tham lam, Giáo sư nghĩ sao?

- Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lập kỳ tích cho thể thao Việt Nam khi trở thành người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giành HCV Olympic tại Olympic Rio 2016, và rất nhiều thành tích khác, trở thành niềm tự hào của thể thao Việt Nam.

Việc từ chối nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” để dành cơ hội này cho người khác thể hiện Hoàng Xuân Vinh là người có lòng tự trọng, không tham lam. Anh Vinh sinh ở Sơn Tây, nay cũng thuộc Thủ đô và đã có quá nhiều thành tích làm vinh danh cho đất nước, nhưng anh nghĩ chưa đóng góp được nhiều cho Thủ đô nên anh không muốn nhận danh hiệu này. Điều đó chỉ làm cho anh ấy có hình ảnh đẹp hơn trong con mắt mọi người.

Lòng tự trọng là một trong những phẩm chất tốt đẹp mà con người cần phải có. Đó là đức tính luôn luôn chú ý giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình, trước bất kỳ hoàn cảnh nào. Người có lòng tự trọng là người có đạo đức, có lòng nhân nghĩa, không bao giờ làm điều xấu, điều ác với người khác và với môi trường thiên nhiên. Tham lam là một tính xấu, nó là một thể hiện của sự hèn hạ và gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội.

Gần đây trên mạng lan truyền một clip về việc anh con trai chửi mắng mẹ mình tại bệnh viện “mong mẹ chết sớm”. Nhưng khi một số phóng viên về quê tìm hiểu sự việc thì lãnh đạo địa phương cũng như bà con làng xóm đều khẳng định anh ta là người con hiếu thảo và tử tế, đã bỏ tiền ra xây dựng nhà cửa cho mẹ và mấy anh em trai. Như vậy, việc đánh giá nhìn nhận về “việc tử tế” có phải do góc nhìn không thưa Giáo sư?

- Đánh giá về việc tử tế còn bao hàm nhiều phẩm chất cao quý khác như chính trực, can đảm, chí công, vô tư, hy sinh, tận tụy… Trở thành người tử tế để không phải sống cuộc đời trong vô cảm, vô ơn, vô nghĩa. Tử tế là mạch sống tình người và đừng làm nó chết đi. Trong cuộc sống có nhiều áp lực nhưng tôi nghĩ việc của anh con trai như vậy thì không thể gọi là người tử tế được. Với vai trò của một người con, việc quan trọng nhất là hiếu thảo với cha mẹ. Đức Phật dạy: Hiếu thảo đứng đầu muôn hạnh, Tâm hiếu là tâm Phật, Hạnh hiếu là hạnh Phật. Cho dù anh có làm bao nhiêu việc tốt đến đâu nhưng khi anh chửi mắng mẹ già thì chắc chắn anh vẫn là người không hiếu thảo. Hiếu thảo là bổn phận của những người làm con, khi anh làm mười việc tốt mà trong đó có một việc không tốt thì anh vẫn là người không tốt. Cũng chính vì trọng chữ hiếu thảo nên với hai con của tôi, tôi đặt tên một cháu là Lân Hiếu, một cháu là Nữ Thảo. Và rất vui là các cháu luôn hiếu thảo với cả hai gia đình nội ngoại.

Nói rộng ra, một người có thể đã đóng góp nhiều cho xã hội, được đề bạt lên chức vụ cao trong cơ quan Nhà nước nhưng chỉ cần tham lam nhận hối lộ vì một chuyện khuất tất đã đủ để bao công lao đóng góp của anh ta đổ xuống sông xuống bể trong con mắt quần chúng… Rất đáng tiếc là việc ấy trong xã hội bây giờ đang có chiều hướng khá phổ biến.

Tôi thường nghĩ chúng ta đã phát động nhiều đợt học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng vì sao Nghị quyết hội nghị Trung ương IV, Khoá XII vẫn còn ghi: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Tôi cho rằng, nếu mỗi người cố gắng ngẫm nghĩ chỉ một câu thôi của Bác Hồ để tự răn mình là đủ lắm rồi. Bác nói: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Chúng ta, ai cũng có lúc cần được người khác tha thứ

Tác giả Vũ Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng GS.TS Nguyễn Lân Dũng
Tác giả Vũ Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng GS.TS Nguyễn Lân Dũng

Vừa qua ở Hà Nội có vụ việc cháu bé đi học không may bị tôn của một người lái xích lô chở hàng cồng kềnh cứa vào cổ gây tử vong. Và gia đình cháu bé đã viết đơn xin không xử lý hình sự người chở tôn. Giáo sư đánh giá như thế nào về việc này?

- Việc gia đình cháu bé viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bác xích lô cho thấy gia đình của cháu bé này là người tử tế và biết tha thứ. Tha thứ làm con người dễ chịu hơn, nhẹ nhõm hơn trước những tai ương của đời sống mang lại. Trong thực tế, luôn có một sự “chống đối” lại nhu cầu tha thứ này bởi một số lý do rất bản năng như không thể quên những gì tồi tệ mà người khác đã làm với mình; muốn người đã gây tổn thương cho mình cũng phải chịu tổn thương tương tự; cho rằng tha thứ và bỏ qua nghĩa là chúng ta yếu đuối, chịu thua người khác; cho rằng nếu bỏ qua thì người khác sẽ cười mình “hèn nhát”…

Tôi xin kể một câu chuyện về gia đình tôi, về người chị gái của tôi . Một hôm vì thiếu tiền để nộp tiền điện, chị phải ra ngân hàng rút tiền tiết kiệm. Khi về đến ngã tư Kim Liên, dù đạp xe sát vệ đường rồi nhưng đã bị một tên đi xe máy đâm vào và hất chị ra giữa đường, rồi chạy mất tăm. Không may một xe tải đã nghiến qua người chị tôi. Người lái xe bị bắt vì kiểm tra thấy phanh không đảm bảo an toàn. Anh ta là bộ đội phục viên về chở cát thuê để nuôi vợ con. Anh ấy lo lắng nếu đi tù thì vợ con sẽ chết đói. Bố tôi đã cử em tôi đến trại tạm giam để xem xét và sau đó bố tôi đã quyết định miễn khiếu kiện. Bố tôi nghẹn ngào nói với chúng tôi: “Bố đau xót lắm, vì đó là đứa con gái duy nhất, vừa xinh đẹp, vừa hiếu thảo, giỏi giang, để lại bốn đứa con còn nhỏ. Nhưng thử nghĩ xem nếu anh ta đi tù thì chị các con có sống lại được không?”. Chúng tôi thấy suy nghĩ và hành động của bố tôi lúc ấy thật khó khăn nhưng thật cao thượng.

Không ai có thể khẳng định rằng mình sẽ không bao giờ mắc lỗi với người khác và cũng có lúc cần được người khác tha thứ. Vì vậy, chúng ta, ai cũng sẽ có lúc cần được người khác tha thứ .

Trong xã hội hiện nay có hiện tượng là người giúp đỡ người khác thì thường hay bị thiệt thòi, nhất là trong các vụ tai nạn giao thông, thậm chí còn bị gia đình người bị nạn nghi là người gây ra tai nạn đó. Những chuyện này khiến cho nhiều người muốn làm điều tốt cũng ngại. Đây có là nguyên nhân gây ra sự vô cảm trong xã hội không, thưa Giáo sư?

- Vô cảm chính là sự trơ lỳ cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ với những hiện tượng xung quanh mình và chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Ra đường gặp cái đẹp không mảy may rung động, gặp cái tốt không ủng hộ, thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám can thiệp.

Sự vô cảm không phải xuất phát từ những phiền nhiễu có thể đến với mình khi mình làm điều đúng đắn mà sự vô cảm xuất phát từ đạo đức. Đạo đức không tốt sẽ phát sinh vô cảm. Tôi nói những người cứu giúp có khi bị hiểu nhầm, bị đánh đập, họ còn may mắn, bởi vì có những người đã bỏ mạng sống của mình khi cứu người khác. Do vậy, vô tâm hay vô cảm là do trong lòng người chứ không phải do những sự phiền lòng do việc giúp đỡ người khác mang lại.

Ngày tôi còn bé, bố mẹ tôi đã dạy các anh em của tôi rằng, khi gặp đám tang thì phải đứng lại và bỏ mũ nón ra và tất cả mọi người trên đường đều làm như vậy. Điều đó thể hiện sự tôn trọng người đã khuất, nhưng tiếc rằng bây giờ ít người làm thế. Ngày trước, vô cảm chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, không phổ biến nhưng bây giờ đang có chiều hướng lây lan, nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì có thể trở thành một căn bệnh có tính xã hội. Trong bối cảnh thế giới phẳng như hiện nay, cùng với mặt tích cực của toàn cầu hóa thì lối sống hưởng thụ, thực dụng đang lây lan, tác động mạnh đến tâm lý một bộ phận không nhỏ trong xã hội hiện nay.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: TL
GS.TS Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: TL

Trong đời sống thường có câu “người tốt hay thiệt thòi”, Giáo sư nhận định như thế nào về việc này?

- Trước tiên phải định nghĩa lại về sự thiệt thòi, như thế nào thì gọi là sự thiệt thòi? Ví dụ tôi đã viết tới 50 cuốn sách nhưng tôi chỉ nhận nhuận bút bằng sách, sau đó lại còn mua thêm khá nhiều nữa, chỉ để tặng bạn bè và các học sinh của mình. Vậy là tôi nhận được niềm vui, sự hân hoan trong lòng vì làm vui cho người khác chứ đâu có thiệt? Bỏ đi cái này mình nhận về cái khác còn quý giá hơn thì không thể gọi là thiệt thòi được.

Trong cuộc đời, thiệt thòi là điều không thể tránh khỏi, nhưng vì trách nhiệm đối với xã hội, vì nhiệt huyết của cuộc đời mà đôi lúc chúng ta phải tự tìm đến “sự thiệt thòi”. Có nhiều bạn bè quốc tế tự nguyện đến giúp chúng ta trong rất nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, thủy sản, trồng rừng… Họ chịu khá nhiều thiệt thòi về thiếu thốn trong sinh hoạt và xa gia đình, xa quê hương. Họ thiệt thòi theo cách hiểu của nhiều người nhưng nó mang đến cho họ niềm vui khi giúp đỡ những người khác còn khó khăn hơn họ. Đó chính là sống đẹp, sống hết mình vì người khác.

Người xưa dạy rằng: “Cứu một người phúc đẳng hà sa” quả không sai. Người có tấm lòng nhân ái, lương thiện luôn chịu nhận phần thiệt về mình là người rất đáng trân quý. Họ chịu nhận phần thiệt về mình là họ đang tích phúc cho bản thân.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Ngôi nhà mà tôi đang ở đây là nhà của cơ quan vợ tôi phân cho. Tôi dạy ở Đại học Tổng hợp từ Khoá I nhưng tôi không ghi tên xin nhà. Nhiều người bảo tôi “hâm” vì rất ít người không xin nhà, dù có người còn có cả nhà đang cho thuê. Nhưng tôi nghĩ các cụ thường bảo “ở hiền gặp lành” nên cứ nghĩ thế nào là hợp với điều thiện thì tự quyết định

Vũ Sơn (thực hiện)

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
TPHCM: Một người tử vong trong khuôn viên chung cư

TPHCM: Một người tử vong trong khuôn viên chung cư

Thời sự - 31 phút trước

Từ tiếng động mạnh, người dân chạy đến thì thấy một thanh niên nằm bất động...

Chiêu lừa qua mạng khiến nhiều phụ nữ đơn thân sập bẫy

Chiêu lừa qua mạng khiến nhiều phụ nữ đơn thân sập bẫy

Pháp luật - 38 phút trước

GĐXH - Các đối tượng lừa đảo đóng giả là doanh nhân thành đạt, có cuộc sống giàu có, thường xuyên gọi điện, nhắn tin quan tâm đến các bị hại là những phụ nữ đơn thân.

9 trường hợp bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe trong năm 2024 nếu không sẽ bị phạt rất nặng

9 trường hợp bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe trong năm 2024 nếu không sẽ bị phạt rất nặng

Đời sống - 1 giờ trước

GĐXH - Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, giấy phép lái xe là một trong những loại giấy tờ bắt buộc người tham gia giao thông phải có khi tham gia giao thông. Do đó, nhiều trường hợp bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe người dân cần biết và thực hiện.

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội được công nhận nhãn hiệu độc quyền

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội được công nhận nhãn hiệu độc quyền

Giáo dục - 1 giờ trước

Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ vừa công nhận đăng ký nhãn hiệu HSA kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) theo quyết định số 17203/QĐ-SHTT ngày 21/02/2024.

Ít ai biết được đây là nghề giúp các bạn trẻ kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm

Ít ai biết được đây là nghề giúp các bạn trẻ kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm

Giáo dục - 1 giờ trước

GĐXH - Nếu biết tận dụng lợi thế của thế giới kỹ thuật số, công nghệ, xu hướng với các chiến lược Digital Marketing hoàn hảo thì bạn có thể dễ dàng kiếm từ 50 - 100 triệu đồng mỗi tháng.

3 trường hợp sẽ được hoàn tiền đóng BHXH tự nguyện, người lao động cần chú ý

3 trường hợp sẽ được hoàn tiền đóng BHXH tự nguyện, người lao động cần chú ý

Xã hội - 2 giờ trước

GĐXH - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình bảo hiểm mà người lao động tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Tuy nhiên, có 3 trường hợp được hoàn trả tiền BHXH tự nguyện mà ai cũng phải biết.

Cảnh sát phá cửa cuốn, cứu người đàn ông bất tỉnh trong đám cháy ở Phú Thọ

Cảnh sát phá cửa cuốn, cứu người đàn ông bất tỉnh trong đám cháy ở Phú Thọ

Thời sự - 3 giờ trước

Cảnh sát PCCC&CNCH Phú Thọ sử dụng các thiết bị chuyên dụng để phá cửa cuốn, đưa người đàn ông đang bất tỉnh trong ngồi nhà bị cháy ra ngoài cấp cứu.

Lừa đảo thi chứng chỉ tiếng Anh tại Hà Nội

Lừa đảo thi chứng chỉ tiếng Anh tại Hà Nội

Pháp luật - 3 giờ trước

Công an Hà Nội tìm bị hại đã nộp tiền để được tham gia thi và được cấp chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International.

Thanh niên mang súng đi đòi nợ, bắn lên trời 3 phát thị uy

Thanh niên mang súng đi đòi nợ, bắn lên trời 3 phát thị uy

Pháp luật - 3 giờ trước

Đến nhà đòi nợ và xảy ra xô xát với anh N., Tiến đã dùng súng ngắn dạng súng Colt bắn lên trời 3 phát để thị uy.

Thời tiết dịp nghỉ lễ 30/4-1/5: Cả nước đón kiểu thời tiết đặc biệt nhất trong 10 năm qua

Thời tiết dịp nghỉ lễ 30/4-1/5: Cả nước đón kiểu thời tiết đặc biệt nhất trong 10 năm qua

Thời sự - 4 giờ trước

GĐXH - Theo chuyên gia dự báo thời tiết, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay là kỳ nghỉ lễ có thời tiết đặc biệt. 10 năm qua, chưa năm nào cả 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng xảy ra nắng nóng trong giai đoạn 30/4-1/5.

Top