Hà Nội
23°C / 22-25°C

Tâm sự của người vợ bị chồng đánh

GiadinhNet - Có lẽ chuyện về những người phụ nữ bị chồng bạo lực 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí lâu hơn thế giờ đây không còn lạ lẫm trên mặt báo nữa.

Nhưng để cắt nghĩa vì sao họ lại có thể chịu đựng được những đòn tra tấn dã man từ chính người mà họ yêu thương nhất  như vậy, trong quãng thời gian dài như vậy thì cho đến bây  giờ vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Tôi đã cố  gắng đi tìm kiếm, và câu chuyện của chị đã phần nào lý giải được một nửa sự thật này…

Im lặng chịu đựng

Chị là Nguyễn Thị Thương ở xã Hưng Đạo (Tiên Lữ  Hưng Yên). Sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, chị là con gái  út. Nghĩ con gái không biết làm ruộng nên bố mẹ chị Thương đã “chọn mặt  gửi vàng” chị cho anh Phan Văn Tân, người cùng xã.
 
Năm 1993, chị Thương đi lấy chồng khi mới 21 tuổi. “Quen nhau đúng một tháng thì cưới. Anh ấy khéo mồm lắm, bây giờ vẫn khéo” - Chị Thương bắt đầu câu chuyện về quãng đời 17 năm lấy chồng của mình.

Anh Tân là con trai trưởng trong gia đình có 5 anh em. Là cháu đích tôn nên anh được ông bà, bố mẹ cưng chiều từ bé. Ý thức về vị thế “cháu đích tôn” , là “trưởng họ” từ bé nên tính cách gia trưởng cứ ngấm vào anh từ lúc nào không hay. Anh có quyền mắng mỏ bất cứ ai, cả gia đình ai cũng phải sợ.

Ngày mới lấy nhau, anh Tân thường ra đồng làm việc với vợ.  “Nhưng cũng chỉ được một năm đầu, sang năm thứ hai, anh ấy không thèm ra ruộng  nữa. Anh bắt đầu chơi bời bạn bè cờ bạc. Tôi bảo anh đừng đi chơi nữa, thế là anh mắng tôi,  rồi vả vào mặt tôi đau điếng. Đó là lần đánh đầu tiên từ ngày tôi lấy chồng”.

Phụ nữ đang đơn độc trong cuộc chiến chống bạo lực

Bạo lực gia đình đối với phụ nữ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ và trẻ em. Mặc dù phạm vi và tác động của bạo lực gia đình là rất đáng kể nhưng người phụ nữ lại âm thầm chịu đựng. Họ đơn độc khi bị bạo lực và đơn độc trong cuộc chiến chống lại bạo lực.

(Phát hiện của Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình do Chính phủ Việt Nam và Liên Hiệp Quốc công bố ngày 25/11/2010)
Chị Thương cảm thấy thất vọng kinh khủng. Cảm giác bị xúc phạm, bị coi rẻ khiến chị không dám nói với bố mẹ đẻ của mình. Còn bố mẹ chồng thì không hề biết, vì cả hai đang bị bệnh không ý thức được xung quanh.

Một lần, rồi hai lần, rồi không biết bao nhiêu lần chị Thương bị chồng đánh sau đó. Cao điểm nhất là thời gian vợ chồng chị và cô em gái lên Lạng Sơn để buôn bán hàng Trung Quốc.

Hôm nào bán được thì chớ, vớ phải hôm ế ẩm là anh Tân lại hạch sách chị “sao lại được từng này”, “bán không  được thì về nhà”. Nếu chị nói lại là bị  đánh.

Vớ được cái gì là anh đánh bằng cái đó, mà toàn đánh vào đầu và vào ngực chị. Mỗi lần đánh vợ, anh Tân toàn khóa trái cửa, còn cấm chị khóc. Chị mà kể với ai đó thì hôm sau càng bị đánh nhiều hơn.

Một chị xin được giấu tên quê ở Bắc Ninh, là hàng xóm trong khu trọ ở Lạng Sơn cho biết: “Chị ấy giỏi chịu đựng lắm. Nhiều lần thấy mặt mày chị sưng tím, hỏi thì chị Thương bảo là bị ngã, bị va… Thực ra ai cũng biết chị Thương bị chồng đánh.
 
Có người xót thương chị, chân thành khuyên chị bỏ chồng thì chị Thương lắc đầu. Chị ấy bảo không thể bỏ chồng vì không có  con, càng không thể bỏ chồng vì sợ bố mẹ phải suy nghĩ.  Nghĩ vậy nên chị Thương cứ im lặng  chịu đựng một mình. Nhìn chị ấy suốt ngày bị thâm tím mặt mày, xót xa lắm nhưng chẳng biết làm sao”

Năm 2004, vợ chồng chị Thương nhận nuôi một đứa bé 2 ngày tuổi từ một người mẹ lỡ dở do bị lừa gạt. Những tưởng có con thì anh Tân sẽ thay đổi tính nết nhưng chị Thương đã nhầm. Không chỉ một mình chị bị đánh, mà con chị đôi lúc cũng bị đòn oan.
 
Lúc đánh vợ, nếu thấy con khóc là anh đánh luôn cả con. Thương con nên chị Thương chấp nhận sống cho qua ngày. Trước đây chị im lặng chịu đựng một mình vì không muốn làm khổ  bố mẹ. Giờ, đứa con lại là sợi dây buộc chặt chị với anh Tân, khiến chị không thể thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của bạo lực gia đình.

Bạo lực càng tăng nặng

Thường được che giấu và ngấm ngầm tha thứ

Nạn bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục diễn ra không hề suy giảm ở mọi châu lục, mọi quốc gia và mọi nền văn hóa. Nó gây ra những thiệt hại nặng nề cho cuộc sống của phụ nữ, cho gia đình và toàn xã hội.
 
Hầu hết các xã hội đều nghiêm cấm bạo hành- ấy vậy mà trên thực tế nó thường được che giấu hay ngấm ngầm tha thứ.

(Phát biểu của ông Ban Ki Moon – Tổng thư ký Liên hợp quốc tại chiến dịch toàn cầu “Nói không với bạo hành phụ nữ” năm 2008)
Suốt 5 năm buôn bán và sinh sống ở Lạng Sơn, ngày nào chị Thương cũng thức dậy từ 3 giờ sáng để đi bộ từ Việt Nam sang Trung Quốc lấy hàng. Chị nặng chỉ... 35 kg nhưng phải vác 15 kg hàng trên vai, mỗi ngày phải vượt 4 – 5 quả đồi.

Ngày nào cũng vậy, về đến Việt Nam là đói meo. Nhiều hôm chưa kịp ăn uống gì đã phải bán hàng, thu tiền. Thấy chồng nằm ngủ, chị gọi anh dậy nhờ giúp cái này cái nọ thì bị chồng đánh ngay giữa chợ.

Công việc buôn bán chủ yếu một mình chị Thương đảm trách, nhưng chỉ làm thôi chứ không được giữ tiền. Anh Tân quản lý và theo dõi sổ sách hàng ngày. Ngày nào mà thấy ít tiền là hỏi ngay, chị mà giải thích là lại bị đánh.

Ngay cả tiền ăn uống hàng ngày anh Tân cũng quản lý nốt. Không ít lần anh đưa chị 100.000 đồng tiền ăn, 4 ngày sau chị hỏi tiền đi chợ là lại bị chồng dạy dỗ bằng nắm đấm. 

Ngay cả sau này trở về quê sinh sống, chị Thương lại tiếp tục bị chồng đánh đập hành hạ. Kinh hoàng nhất là lần anh hành hạ chị suốt từ đêm tới sáng. Đêm đó, anh Tân lấy một chiếc dây điện, một cái kéo, một thanh sắt, một quyển sổ và một chiếc bút… khóa trái cửa và bắt đầu bạo hành vợ.
 
Anh Tân đọc và bắt chị Thương phải ghi vào sổ rồi ký vào những thông tin sau: “Nếu ly hôn thì để lại hết tài sản cho chồng con. Không để lại nợ cho chồng con. Ngoại tình với ông chủ hàng ở Lạng Sơn, ngủ với ông ấy vào giờ nào, ngày nào, ở khách sạn nào….”.
 
Tất cả những thông tin này là do anh Tân tự bịa đặt, vì ông chủ hàng của chị, cũng là ông chủ hàng của em gái anh Tân. Không bao giờ có chuyện ngoại tình nhưng anh Tân đọc đến đâu là chị Thương phải viết đến đó. Chị mà dừng lại là bị anh táng ngay một quả đấm vào mặt. Chị còn bị anh Tân cắt cả một chùm tóc dài….Cứ như vậy anh hành hạ chị suốt cả đêm cho đến tận 5 giờ sáng.

Quá khiếp đảm, chị Thương đành nhắm mắt buông thân. Lúc này chị xác định kể cả ra đi tay trắng thì vẫn cứ đi, không thể tiếp tục sống chung được nữa. Sáng sớm hôm đó, trong tình trạng mình mẩy xây xước, mặt mũi thâm tím, tinh thần hoảng loạn…chị đã chạy ra khỏi nhà khi trong túi chỉ còn 3.500 đồng vừa mới bán mẩu sắt vụn chưa kịp cho con mua kẹo ngày hôm trước.

Được người bạn dúi cho 30.000 đồng, chị Thương bắt xe ôm đến Ngôi nhà bình yên ở 20 Thụy Khuê (Hà Nội). Qua kiểm tra, thấy chị Thương ở trong tình trạng tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên các cán bộ xã hội của Ngôi nhà bình yên đã đưa chị đi bệnh viện. Sau một thời gian nằm viện, khi bình phục trở lại, chị Thương đã đi đến quyết định ly hôn để giải thoát tình trạng bị bạo lực của mình vào tháng 8/2008.

Hiểu ra sự thật

Chịu đựng hoặc chấp nhận không chấm dứt được bạo lực
 
Phỏng vấn 4.838 phụ nữ từ 18 - 60 tuổi trên toàn quốc, hầu hết phụ nữ chọn phương án chịu đựng.
 
Một số phải chấp nhận bởi vì họ không được gia đình và chính quyền địa phương ủng hộ. Những người khác chấp nhận bởi vì họ không biết liệu mình có lựa chọn nào khác không. Cũng có những người chấp nhận bởi vì họ tin rằng làm như vậy có thể chấm dứt bạo lực.
 
Tuy nhiên kinh nghiệm của những phụ nữ được phỏng vấn cho thấy việc chịu đựng hoặc chấp nhận không chấm dứt được bạo lực.

(Phát hiện của Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình do Chính phủ Việt Nam và Liên Hiệp Quốc công bố ngày 25/11/2010)
Chị Nguyễn Thị Khôi - Cán bộ xã hội của Ngôi nhà bình yên, người đã từng đưa chị Thương nhập viện khi chị tìm đến đây - cho biết: Sau khi sức khỏe hồi phục, tinh thần ổn định và được sinh hoạt, tư vấn, chị Thương đã nhận ra rằng, để thoát khỏi tình trạng bạo lực, không còn con đường nào khác là ly hôn.

Giờ đây chị Thương đã hiểu ra rằng, chồng chị đánh chị là vì anh nghĩ anh có cái quyền đó. Khi anh trưởng thôn nói: “Tao thấy vợ mày chịu khó như vậy, mày đánh thế là không được” thì chồng chị quả quyết rằng: “Đánh vậy mà nó có chịu nghe đâu”…

Đó là sự thật. Đó là tư tưởng gia trưởng, là quan niệm lạc hậu về “nam quyền” đang tồn tại rất phổ biến trong xã hội ta hiện nay. 

“Nếu anh ấy mà biết được đánh vợ là xâm phạm quyền con người, là phạm pháp thì có lẽ anh ấy sẽ không hành động như vậy đâu” - Chị Thương chia sẻ. Bởi  đã có lần anh Tân khóc trước mặt chị, nói : “Em đừng bỏ anh, anh đánh em là vì yêu em, vì muốn em tốt hơn”.
 
Đó là cái lý của anh Tân, còn chị Thương thì không thể hiểu nổi cái tình yêu đó của chồng. Chị  không thể lý giải nổi vì sao chồng mình lại hành hạ, lại đánh mình chết đi sống lại như vậy mà vẫn nói được từ “yêu em” đó. Chính vì không thể hiểu được nên chị Thương mới im lặng chấp nhận, nhẫn nhịn để mong chồng thay đổi.
 
Nhưng oái ăm là sự im lặng đó lại chuyển tải một thông điệp như một sự đồng tình. Bởi vậy mà càng im lặng, chị càng chìm sâu vào vòng vây bạo lực, càng nhẫn nhịn thì mức độ bạo hành từ chồng càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tôi gặp chị Thương khi chị đã ly hôn và đang buôn bán ở Lạng Sơn. Nhắc đến anh Tân, chị bảo “vẫn thương chồng nhưng nếu để quay về sống cùng thì không thể, bởi chị biết, anh ấy sẽ tiếp tục đánh vợ”.
 
Chị Thương cho biết: “Nếu tôi cương quyết ngay từ đầu thì đã không phải mất từng đó năm sống một cuộc đời như nô lệ.
 
Kiếm tiền nhưng không được sở  hữu tiền. Xây nhà đẹp nhất xóm nhưng không được ở. Thấy  sai không được cãi. Chồng đánh không  được kêu. Vất vả nuôi con nhưng giờ không  được gặp… 17 năm lấy chồng bị chồng đánh đập, suốt 5 năm trời trèo đèo vượt núi, lăn lộn buôn bán ở cửa khẩu Lạng Sơn để rồi giờ ra đi tay trắng, không một đồng xu dính túi. Tiền của, sức khỏe, tuổi xuân…đã mất là mất, tôi biết mình không nên nuối tiếc. Giờ chỉ đau đáu một nỗi niềm về con".

“Nếu cháu là con đẻ thì tôi lại an tâm, bởi máu mủ của anh thì anh sẽ biết xót. Đằng này… Cháu cũng quý ba, nhưng vẫn cứ có khoảng cách, vẫn cảm thấy sợ hãi khi ở gần ba. Hiện tại  tôi vẫn đều đặn gửi tiền về để nuôi cháu ăn học, mỗi tháng 500.000 – 1.000.000 đồng. Thực tế cháu chỉ có tôi là mẹ thôi, thì giờ đây hai mẹ con lại không được gặp nhau. Tôi không biết mình phải làm gì bây giờ, khi nhà cửa không có, nhờ luật sư thì tôi không có tiền” - Chị Thương nói trong nước mắt.

Để thay lời kết, chúng tôi xin gửi mong ước chính đáng của người phụ nữ này đến tòa án tỉnh Hưng Yên – nơi đang thụ lý hồ sơ ly hôn của anh Tân – chị Thương; đến Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam và những cơ quan có thẩm quyền khác. Hy vọng sự phán quyết của tòa án sẽ dựa trên cơ sở bảo vệ phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là khi họ chính là nạn nhân của bạo lực gia đình.
 
49,6% phụ nữ trên toàn quốc đã từng giữ “bí mật” về tình trạng bị bạo lực
 
Ở Việt Nam có gần một nửa phụ nữ (49,6%) trên toàn quốc nói là họ chưa từng kể với bất kỳ ai về hành vi bạo lực của chồng. Phụ nữ ở nông thôn ít tiết lộ hơn về chuyện này so với phụ nữ thành thị (51,5% so với 44,5%). Điều này cho thấy là trong nhiều trường hợp chính điều tra viên là người đầu tiên được nghe họ kể về hành vi bạo lực của chồng mình

(Kết quả Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình do Chính phủ Việt Nam và Liên Hiệp quốc công bố ngày 25/11/2010)
 
Thay đổi quan niệm – đó là giải pháp

Một trong các giải pháp chính là làm thay đổi thái độ, quan niệm của xã hội đối với hành vi bạo lực gia đình để hành vi đó không còn được coi là bình thường hay có thể chấp nhận trong cuộc sống gia đình như vẫn thường diễn ra từ trước đến nay”
 
(Bà Maniza Zaman – Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam)
 
*Để bảo vệ nạn nhân, chúng tôi đã thay đổi tên và địa chỉ của nhân vật trong bài viết
Lâm Vũ
thanhloan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Vụ thi thể đôi nam nữ dưới ao ở Bắc Giang: Hoàn cảnh cô gái đặc biệt khó khăn

Vụ thi thể đôi nam nữ dưới ao ở Bắc Giang: Hoàn cảnh cô gái đặc biệt khó khăn

Thời sự - 4 phút trước

Do gia đình V. luôn có người ốm đau, phải lo tiền thuốc thang và chữa trị nên hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

Dùng thủ đoạn huy động vốn để lừa gần 8 tỉ đồng

Dùng thủ đoạn huy động vốn để lừa gần 8 tỉ đồng

Pháp luật - 57 phút trước

GĐXH - Để lừa các nạn nhân, Huệ đưa ra thông tin gian dối về việc bản thân ký được hợp đồng với đại lý mua hàng hóa của 1 tập đoàn lớn và được chiết khấu phần trăm cao. Do tin tưởng đối tượng, nhiều người đã sập bẫy với số tiền hàng tỉ đồng.

Rủ nhau đi tắm, nam sinh lớp 9 gặp nạn dẫn đến tử vong

Rủ nhau đi tắm, nam sinh lớp 9 gặp nạn dẫn đến tử vong

Xã hội - 1 giờ trước

GĐXH - Vào chiều qua, một nam sinh lớp 9 ở Hải Phòng cùng bạn rủ nhau đến khu vực hồ chứa Nhà máy nước Vật Cách tắm và không may bị đuối nước tử vong.

Ném đá văng vào nhà hàng xóm, 5 cháu nhỏ bị đánh bầm tím

Ném đá văng vào nhà hàng xóm, 5 cháu nhỏ bị đánh bầm tím

Thời sự - 2 giờ trước

Năm cháu nhỏ trong lúc đùa nghịch ném đá không may văng vào nhà hàng xóm. Lúc này người phụ nữ cùng con trai trong nhà đi ra chửi, đánh đập các cháu nhỏ.

Lễ Quốc khánh 2/9/2024 được nghỉ mấy ngày?

Lễ Quốc khánh 2/9/2024 được nghỉ mấy ngày?

Thời sự - 3 giờ trước

GĐXH - Dịp Lễ Quốc khánh năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ từ thứ Bảy ngày 31/8 đến hết thứ Ba ngày 3/9, kéo dài 4 ngày.

Nắng nóng sắp quay lại miền Bắc sau không khí lạnh gây mưa dông

Nắng nóng sắp quay lại miền Bắc sau không khí lạnh gây mưa dông

Thời sự - 4 giờ trước

GĐXH - Từ ngày 10/5, nắng nóng có thể quay trở lại miền Bắc sau đợt mưa dông do ảnh hưởng không khí lạnh, tuy nhiên chưa đến mức độ gay gắt.

Đồng Nai: Hàng chục cảnh sát xuống giếng tìm bé trai mất tích

Đồng Nai: Hàng chục cảnh sát xuống giếng tìm bé trai mất tích

Thời sự - 5 giờ trước

Bé trai đi chơi với bạn rồi bất ngờ mất tích. Gia đình cùng lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm.

Tin sáng 5/5: Thông tin mới nhất vụ tạt sơn 6 ô tô ở Hà Nội; tiết lộ doanh thu khủng 'Lật mặt 7' sau một tuần công chiếu

Tin sáng 5/5: Thông tin mới nhất vụ tạt sơn 6 ô tô ở Hà Nội; tiết lộ doanh thu khủng 'Lật mặt 7' sau một tuần công chiếu

Thời sự - 5 giờ trước

GĐXH - Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã bắt giữ nhóm đối tượng gây ra vụ 6 xe ô tô bị tạt sơn tại chung cư; sau 7 ngày công chiếu “Lật mặt 7: Một điều ước” của đạo diễn Lý Hải đã đạt doanh thu vượt mốc 200 tỷ đồng.

3 nhóm đối tượng được điều chỉnh tăng lương hưu từ 1/7/2024

3 nhóm đối tượng được điều chỉnh tăng lương hưu từ 1/7/2024

Đời sống - 5 giờ trước

GĐXH - Bộ LĐ,TB&XH đã đưa ra phương án đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thực hiện từ ngày 1/7/2024 cùng với chính sách tiền lương mới. Ba nhóm đối tượng nào được điều chỉnh tăng lương hưu khi cải cách tiền lương?

Vụ nổ ở Đồng Nai khiến 6 người thiệt mạng: Lò hơi chưa có giấy tờ kiểm định

Vụ nổ ở Đồng Nai khiến 6 người thiệt mạng: Lò hơi chưa có giấy tờ kiểm định

Thời sự - 13 giờ trước

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, Công ty gỗ Bình Minh chưa đăng ký sử dụng thiết bị an toàn lao động, chưa có các giấy tờ kiểm định lò hơi.

Top