Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nhiều bệnh truyền nhiễm tới sớm hơn năm trước

Thứ ba, 08:37 25/09/2018 | Y tế

GiadinhNet - Các chuyên gia cho biết, giao mùa là thời điểm rất nhiều bệnh truyền nhiễm, hô hấp… tấn công trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Năm nay, nhiều bệnh đến sớm, nhiều ca mắc và diễn tiến bệnh nặng hơn mọi năm.


Chăm sóc trẻ mắc sởi ở Bệnh viện Nhi Trung ương.     Ảnh: PV

Chăm sóc trẻ mắc sởi ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: PV

Nhiều bệnh truyền nhiễm xuất hiện sớm hơn mọi năm

Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị nội trú cho gần 20 trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở máy.

Bé K.N (hơn 1 tháng tuổi, ở Sơn La) có biểu hiện liên tục quấy khóc và bỏ bú, phải nhập viện trong tình trạng ho khò khè, tim đập nhanh, tổn thương phổi và độ bão hòa ôxy chỉ còn 88% (bình thường từ 96-100). Bệnh nhi nhanh chóng được thở oxy, truyền dịch, chạy khí dung để hỗ trợ đường thở. Kết quả tìm virus ở dịch tụy hầu bằng phương pháp test nhanh cho thấy, cháu N dương tính với RSV.

Trường hợp khác, bé H.A (5 tháng tuổi, ở Phú Thọ) sau 4 ngày ho, sốt, khi đưa vào viện đã khó thở, rút lõm lồng ngực… Các bác sĩ thăm khám, làm xét nghiệm và chẩn đoán trẻ bị viêm phế quản phổi, suy hô hấp độ 2 và dương tính với RSV. Do suy hô hấp nặng nên trẻ phải thở máy sau đó thở oxy và điều trị kháng sinh trong suốt những ngày nằm viện.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Phó Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiều trường hợp cha mẹ chỉ nghĩ con bị ho, cảm cúm thông thường nhưng không ngờ nhập viện đã phải thở máy chỉ vì nhiễm RSV. Theo vị chuyên gia này, trong vòng một tháng nay, số bệnh nhân nhiễm RSV đang có dấu hiệu gia tăng đột biến, hiện có gần 20 trẻ phải điều trị nội trú. Mỗi ngày, Khoa Hô hấp tiếp nhận từ 5-10 ca bệnh nặng, tập trung vào nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Các bác sĩ cho biết, RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh phát triển mạnh vào mùa đông - Xuân, Xuân - Hè. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh xuất hiện sớm hơn so với thông thường. Không chỉ gia tăng, diễn biến các ca bệnh có chiều hướng phức tạp và nặng hơn. Nguyên nhân có thể là sự biến đổi thời tiết và cấu trúc gene của RSV.

Một bệnh khác cũng được các chuyên gia nhận định là đến sớm hơn cùng kỳ là bệnh sởi.

ThS Nguyễn Đức Khoa - Phó phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, từ năm 2018 đến nay cả nước ghi nhận hơn 2.300 trường hợp sốt phát ban tại 49 tỉnh/thành phố, trong đó có 954 trường hợp mắc sởi dương tính tại 37 tỉnh/thành phố. Phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.

Chỉ tính riêng tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 500 trẻ bị mắc sởi và hầu hết là các trẻ đều chưa được tiêm chủng. Đặc biệt, thời gian gần đây, có những ngày Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 10-12 ca trẻ mắc sởi phải nhập viện.

Hàng năm, bệnh sởi chủ yếu bùng phát mạnh vào mùa Đông-Xuân nhưng thời điểm này đã xuất hiện nhiều trường hợp mắc sởi tại Hà Nội và một số tỉnh khác. Tuy nhiên, theo ông Khoa, so với cùng kỳ năm 2017, tình hình dịch bệnh sởi năm nay đang có chiều hướng gia tăng cao và sớm ngay từ những tháng mùa hè.

“Năm nay, dịch bệnh sởi xuất hiện đầu tiên tại các tỉnh miền Bắc và gần đây đã xuất hiện tại một số tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Bộ Y tế đánh giá dịch bệnh sởi năm nay đến sớm, rải rác ở nhiều địa phương”, ông Khoa nói.

Cách nào phòng bệnh?

Đối với bệnh nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, trẻ khi nhiễm bệnh thường có triệu chứng khởi điểm là hắt hơi, sổ mũi nhiều và có thể sốt nhẹ tới cao. Một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh… do sức đề kháng kém, cấu trúc đường thở chưa hoàn thiện nên dễ bị virus tấn công.

Trường hợp nhẹ có thể gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm tai giữa), trường hợp nặng dẫn tới viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy thở nhanh.

Đặc biệt, bệnh do RSV gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi trẻ mắc bệnh, gia đình cần cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin… Trẻ có thể tự khỏi nhưng cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng và đưa con tới bệnh viện, cơ sở y tế kịp thời. Những trường hợp bội nhiễm phổi phải uống thuốc kháng sinh, truyền dịch, thậm chí hỗ trợ thở oxy. Cha mẹ đặc biệt lưu ý không được tự mua thuốc cho con uống mà phải tới các cơ sở y tế để thăm khám chính xác để được bác sĩ chỉ định thuốc hợp lý.

Nhắc lại những cảnh báo về bệnh sởi, TS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Bệnh sởi có nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm giác mạc, viêm tai giữa, viêm màng não… có thể gây nguy hiểm nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 9 tháng (do chưa đến thời điểm tiêm vaccine phòng sởi mũi đầu tiên), người suy giảm miễn dịch hoặc có những bệnh mãn tính khác.

Theo các bác sĩ, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sởi là đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Hiện nay, vaccine phối hợp sởi-rubella do Việt Nam sản xuất đã được triển khai tiêm ở nhiều địa phương. Theo thống kê của Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, sau hơn 5 tháng sử dụng vaccine phối hợp sởi-rubella do Việt Nam sản xuất trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau tiêm. Các địa phương báo cáo một số trường hợp phản ứng nhẹ như sốt phát ban sau tiêm tuy nhiên, tất cả các trường hợp này đều tự khỏi trong vòng 1-2 ngày.

Các chuyên gia khẳng định, vaccine sởi nếu được tiêm vào lúc trẻ 9 tháng tuổi thì có hiệu lực bảo vệ khoảng 88% số trẻ được tiêm. Đến 18 tháng tuổi trẻ không được tiêm nhắc lại mũi 2 thì sẽ có 1 tỷ lệ trẻ không có kháng thể chống lại bệnh sởi. Số lượng này sẽ được tích lũy dần qua các năm, khoảng 4-5 năm sẽ có 1 số lượng lớn trẻ không có kháng thể bảo vệ bệnh sởi, tạo nguy cơ bùng phát dịch. Trong thời gian tới, Bộ Y tế xem xét các biện pháp tiêm chủng để chủ động phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 - 8 tháng tuổi tại những vùng nguy cơ cao.

Bộ Y tế khuyến cáo, các bà mẹ nên đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đặc biệt với dịch bệnh sởi, những người sinh từ năm 1984 - 1997 là những người chưa được bảo vệ bởi các chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubela trước đây nên đi tiêm vaccine sởi-rubela để bảo vệ cho bản thân, qua đó góp phần tránh lây lan bệnh cho con, gia đình cũng như cộng đồng.

Phụ nữ đến tuổi sinh đẻ cần được tiêm vaccine phòng bệnh sởi và rubella. Để bảo vệ cho trẻ dưới 6 tháng tuổi không bị mắc sởi, các bà mẹ nên tiêm phòng sởi trước khi mang thai 3 tháng.

Quỳnh An

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Suýt liệt vĩnh viễn do sử dụng phương pháp dân gian trị đau cột sống

Suýt liệt vĩnh viễn do sử dụng phương pháp dân gian trị đau cột sống

Y tế - 2 ngày trước

Bệnh nhân nữ 53 tuổi, thường trú tại Ba Đồn, Quảng Bình vào viện trong tình trạng yếu nặng 2 chân, nằm liệt giường, tiểu không tự chủ, loét bỏng 2 gan bàn chân.

2 bệnh viện phối hợp cứu người phụ nữ ngừng tuần hoàn do chửa ngoài tử cung vỡ

2 bệnh viện phối hợp cứu người phụ nữ ngừng tuần hoàn do chửa ngoài tử cung vỡ

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH - Do lượng máu mất quá nhiều nên trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân xuất hiện 2 lần ngừng tuần hoàn.

Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Y tế - 5 ngày trước

GĐXH – Theo các bác sĩ, chì là 1 loại kim loại nặng, rất độc gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của con người, đặc biệt là đối với trẻ em.

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Y tế - 5 ngày trước

Sau khi lần lượt mờ 2 mắt, với thị lực gần như bằng 0, đi qua rất nhiều bệnh viện khám, nữ bệnh nhân ở Quảng Bình được xác định có khối phình động mạch não rất lớn.

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Y tế - 6 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng chiếc que xiên thịt sắc nhọn đâm xuyên lưỡi.

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Y tế - 6 ngày trước

GĐXH - Về tình hình sức khỏe của nam sinh bị đánh chấn thương sọ não khi chơi bóng rổ, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết hiện tại, bệnh nhân vẫn hôn mê, thở hoàn toàn theo máy...

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Y tế - 1 tuần trước

Xương cá rơi vào phế quản nhưng bà K.A không hề hay biết. Bị ho, khó thở kéo dài, bệnh nhân điều trị suốt 1 năm không đỡ.

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH - Ngày 19/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam do JICA phối hợp với Hội Vật lý Trị liệu Việt Nam tổ chức.

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH – Hàng trăm đơn vị máu đã được tiếp nhận trong Chương trình hiến máu tình nguyện hưởng ứng “Lễ hội Xuân hội’ năm 2024 tại Bộ Y tế.

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH - Ngày 19/4, UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Top