Hà Nội
23°C / 22-25°C

Em bé đầu tiên sinh ra trong ống nghiệm: Ngày ấy, bây giờ

Thứ tư, 09:21 25/07/2018 | Dân số và phát triển

Cách đây 40 năm, em bé đầu tiên trong ống nghiệm ra đời trong nhiều tranh cãi. Đến nay, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã giúp hơn 6,5 triệu người có mặt trên thế giới này.

Vào ngày Louise Brown ra đời, 25/7/1978, mẹ của cô - bà Lesley Brown - được đưa tới khu sinh mổ ở bệnh viện trong bóng tối, chỉ với một cây đèn pin rọi đường. Chỉ một vài nhân viên biết bà là ai, và cha mẹ Louise không muốn những người khác nhận ra bà và thu hút sự chú ý của truyền thông.

Sự ra đời của Louise được giữ bí mật. Ngay cả lần đầu cha của cô - ông John Brown - được bế con gái mình ở Bệnh viện Oldham General (Manchester, Anh) cũng diễn ra dưới sự giám sát của cảnh sát, những người đứng đầy hành lang bên ngoài.

Đó là vì Louise là đứa trẻ “sinh ra trong ống nghiệm” đầu tiên trên thế giới.

Vợ chồng Brown bên Louise - đứa trẻ đầu tiên sinh ra trong ống nghiệm. Ảnh: People.
Vợ chồng Brown bên Louise - đứa trẻ đầu tiên sinh ra trong ống nghiệm. Ảnh: People.

Chính xác hơn, cô là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Theo sự phát triển của khoa học và công nghệ, tới nay có khoảng 6,5 triệu người đã được sinh ra nhờ phương pháp này. Tuy nhiên, vào năm 1978, đây chỉ là phương pháp thử nghiệm, và Tiến sĩ Mike Macnamee, Giám đốc của trung tâm IVF đầu tiên trên thế giới - Bourn Hall ở Cambridge, Anh - tin rằng Louise “thực sự là một phép màu”.

IVF - phép màu của y học

10 năm trước khi Louise chào đời, bác sĩ phụ khoa Patrick Steptoe và nhà sinh lý học Robert Edwards đã bắt tay hợp tác với nhau. Những kỹ năng của họ bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo: Edwards đã tìm được cách thụ tinh cho trứng trong phòng thí nghiệm và Steptoe phát triển được phương pháp lấy trứng từ buồng trứng của người mẹ.

Họ đã thất bại hàng trăm lần, cho tới khi gặp bà Lesley Brown, mẹ của Louise. Sau 9 năm không thể có con - bà Lesley bị tắc ống dẫn trứng và vẫn không thể có con sau phẫu thuật thất bại, vợ chồng Brown quyết định thử phương pháp mới, dù cơ hội thành công chỉ là “một trong một triệu”, vì khát khao có con cháy bỏng.

Tháng 10/1977, trứng đã thụ tinh được cấy vào tử cung của bà Lesley, và bà đã mang thai thành công. Chín tháng sau, Louise ra đời. Đây là thành tựu lịch sử của khoa học vô tiền khoáng hậu, đến mức việc Lesley lâm bồn phải được ghi hình - dưới sự đồng ý của chính phủ - để có bằng chứng rằng Louise thực sự là do bà Lesley sinh ra.

Ngay cả trước khi được mẹ ôm vào lòng lần đầu tiên, Louise phải trải qua 60 bài kiểm tra khác nhau để đảm bảo rằng cô bé “hoàn toàn bình thường”.

Kỹ thuật thời Lesley tất nhiên khác xa thời hiện đại, nhưng đó là một bước tiến đáng nể của y học. Sau khi Steptoe và Edwards tìm được cách thụ tinh cho trứng, họ sớm giới hạn số lượng phôi thai được cấy vào cơ thể người mẹ, tránh tình trạng mang quá nhiều thai.

Sự phát triển của kỹ thuật đông lạnh vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX cho phép bác sĩ cấy một hoặc hai phôi thai vào người mẹ, sau đó đông lạnh số phôi thai còn lại để sử dụng trong tương lai, giúp người mẹ không phải trải qua quá trình kích và hút trứng lần nữa.

Khi công nghệ siêu âm phát triển, các bác sĩ có thể gây mê cho người mẹ để lấy trứng ra bằng đầu dò trong lúc gây mê nhẹ, thay vì dùng phương pháp soi ổ bụng như cũ. Các kỹ thuật vào cuối những năm 1980 tạo sự khác biệt lớn trong việc điều trị vô sinh ở nam, bằng cách bơm trực tiếp tinh trùng đơn vào trứng.

Sự ra đời của Louise đánh dấu một bước tiến quan trọng của y học. Ảnh: Alamy.
Sự ra đời của Louise đánh dấu một bước tiến quan trọng của y học. Ảnh: Alamy.

Những bước nền tảng đó khiến tỷ lệ thành công của mỗi đợt IVF từ 10% vào đầu những năm 1980, khi Tiến sĩ Mcnamee mới bắt đầu trộn trứng với tinh trùng trên một đĩa petri, tăng lên đến 40%. Từ khi Louise ra đời vào năm 1978 đến nay, khoảng 6,5 triệu người trên thế giới đã được sinh ra nhờ IVF. Tuy nhiên, khi mới được công bố, phương pháp này đã gây nhiều tranh cãi.

Trái quy luật tự nhiên?

Louise Brown được một số gọi là “đứa trẻ thế kỷ” và bị một số người cho là “sự ghê tởm về đạo đức”. Tất nhiên, Louise không phải là người bị chỉ trích về đạo đức - cô chỉ là một đứa trẻ sơ sinh vô tội. Thay vào đó, chính những bác sĩ thực hiện phương pháp này lại bị lên án. Các nhà thần học cho rằng IVF là phương pháp “trái tự nhiên”, và các nhà đạo lý sinh học vạch ra nguy cơ cho các bà mẹ và trẻ em. Giáo hoàng Francis nói rằng phương pháp này khiến trẻ em trở thành “một quyền lợi thay vì một món quà” và đang “đùa giỡn với sự sống”. Vatican còn cho rằng sự kiện này “có thể sẽ đem lại hậu quả khủng khiếp cho nhân loại”.

Tuy nhiên, vào tháng 8/1978, Hồng y giáo chủ Luciani - người sau đó không lâu trở thành Giáo hoàng John Paul I - bất ngờ từ chối chỉ trích cha mẹ Louise vì sử dụng phương pháp IVF, cho rằng họ đơn giản là muốn có con. Sau này, Louise cho biết: “Điều đó giúp giảm bớt những điều tiêu cực người khác nói. Mẹ tôi nhận được nhiều thư, chủ yếu là tích cực, nhưng cũng có một số thể hiện sự thù ghét. Họ nhận được một chiếc hộp đến từ Mỹ với ống nghiệm vỡ, máu giả và một phôi thai giả bên trong. Chiếc hộp kèm theo lời đe dọa rằng người gửi nó sẽ tới gặp bố mẹ tôi”. Có người còn đồn đại rằng Louise có những khả năng siêu nhiên, như đọc được tâm trí người khác hay dịch chuyển tức thời.

Việc tranh cãi xung quanh sự ra đời của Louise là điều dễ hiểu. Suy cho cùng đây là một cách hoàn toàn mới để những cặp vợ chồng hiếm muộn có con. Nhưng đứa trẻ không được thụ tinh trong tử cung của người mẹ, mà bắt đầu sự sống trong một ống nghiệm. Môi trường khác biệt làm dấy lên lo sợ về việc phôi thai sẽ phát triển bất thường. Trong vòng một thập kỷ, các dữ liệu y khoa thực tế về IVF đã xóa bỏ những lo ngại này. IVF cũng dần được chấp nhận về mặt đạo đức, ngay cả với những tín đồ theo Công giáo La Mã.

Cuộc sống của Louise

Ngày nay, phương pháp từng gây nhiều tranh cãi của 40 năm trước đã trở thành một phần của cuộc sống. Sự ra đời của Louise có thể là một phép màu, nhưng cô sống một cuộc đời bình thường, như một người bình thường - điều mẹ cô mong muốn. Cô làm công việc văn phòng ở một đơn vị vận chuyển trong khi chồng cô làm nhân viên giữ cửa ở khách sạn. Cô có hai con đang đi học, với một ngôi nhà đầy thú cưng.

Cô nói chuyện với chồng về sự ra đời của mình vài tháng sau khi bắt đầu hẹn hò. Đó không phải điều gì mới lạ với anh: anh sống cùng khu phố với Louise hồi cô còn nhỏ, và lớn hơn cô 7 tuổi. Khi cô được bố mẹ đưa từ bệnh viện về nhà, những đứa trẻ trong vùng tụ tập ngoài nhà cô và nói: “Em bé ống nghiệm về nhà rồi”. Chồng cô nằm trong số những đứa trẻ đó.

Cô được nuôi dưỡng một cách thực tế như những đứa trẻ bình thường. Louise nói: “Mẹ cảm thấy dù tôi là con của bà, bà phải chia sẻ tôi với thế giới. Bà bảo vệ tôi, nhưng không quá mức. Tôi không nghĩ họ sẽ nuôi dạy tôi theo cách khác nếu sinh tôi một cách tự nhiên”. Gia đình cô đi tới nhiều quốc gia trong những năm đầu đời của Louise, nhưng khi cô đến tuổi đi học, gia đình chỉ nhận những buổi phỏng vấn do Edwards và Steptoe đề nghị.

Louise biết được điều đặc biệt về sinh trong ngày đầu tiên đến trường năm 4 tuổi, khi cha mẹ cho cô xem một đoạn video: “Họ nói rằng tôi được sinh ra hơi khác và nói trước cho tôi biết”. Cha mẹ cô đã đúng: người ta bàn tán về Louise ở trường. Cô nhớ lại: “Tôi luôn có thân hình mũm mĩm, và họ hay bảo làm sao tôi chui vừa ống nghiệm được. Nhưng họ không có ác ý gì, tất nhiên sẽ có bàn tán vì thời đó đây là một điều thực sự khác thường. Tôi chẳng bao giờ để ý tới chuyện bị gọi là đứa trẻ đầu tiên trong ống nghiệm. Ngày nay, mọi người chẳng ai biết bạn học của mình được sinh ra như thế nào”.

Bốn năm sau khi Louise ra đời, em gái Natalie của cô trở thành người thứ 20 sinh ra nhờ IVF, nhưng họ không nói gì nhiều về điều này. Cô cho biết: “Chúng tôi có một cuộc sống bình thường, chỉ là thêm IVF. Chúng tôi có trả lời phỏng vấn và chụp ảnh, nhưng cuộc sống ở nhà thì chẳng liên quan gì đến IVF”.

Tháng 5/1999, Natalie trở thành đứa trẻ sinh ra trong ống nghiệm đầu tiên sinh con. Việc thụ thai và sinh con của cô hoàn toàn tự nhiên, xóa bỏ lo ngại rằng trẻ nữ sinh nhờ IVF sẽ không thể tự mang thai như bình thường. Năm 2006, Louise cũng sinh một bé trai và sau này có thêm một bé trai nữa, cũng hoàn toàn tự nhiên. Cha cô qua đời trước khi Louise sinh con đầu lòng 2 tuần, và mẹ cô qua đời ở tuổi 64.

Louise và em gái có con một cách tự nhiên và sống cuộc đời bình dị, hạnh phúc. Ảnh: Daily Mail.
Louise và em gái có con một cách tự nhiên và sống cuộc đời bình dị, hạnh phúc. Ảnh: Daily Mail.

Louise cho biết cô thực sự cảm thấy việc mình được sinh ra là một đặc quyền: “Thật tuyệt vời khi nghĩ tất cả bắt đầu từ cha mẹ tôi, Patrick và Bob. Nhiều người nói với bố mẹ tôi rằng, nếu không nhờ cha mẹ tôi, họ sẽ không bao giờ có con”.

Tương lai của IVF

Theo Tiến sĩ Macnamee, cơ hội thành công của phương pháp IVF sẽ ngày càng tăng trong tương lai, và ông hy vọng sẽ thấy tỷ lệ thành công của IVF đạt 60% trước khi về hưu. Một trong những lĩnh vực hứa hẹn là khám phá cách phôi thai bám vào tử cung khi được cấy - nguyên nhân được nhiều người cho rằng quyết định sự thành công của IVF.

Những tranh cãi quanh phương pháp IVF từ khi Louise ra đời đến nay gần như đã được xóa bỏ, nhưng nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản mới, như mang thai hộ hay con của 3 người (dùng hai trứng và một tinh trùng để loại bỏ gene bệnh) vẫn nhận được nhiều sự chỉ trích trên thế giới. Tuy nhiên, Louise vẫn lạc quan về tương lai và cho rằng chỉ khi bạn ở trong tình cảnh cố gắng có con, bạn mới có thể hiểu được. Cô nhận định: “Mọi người bảo với tôi rằng “khoa học cũng chỉ được đến thế thôi”, nhưng miễn là những tiến bộ y khoa đó dùng để giúp đỡ mọi người - và dùng cho lý do y học - tôi hoàn toàn ủng hộ”.

Theo Tri thức trực tuyến

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Người bị loãng xương có nên tập thể dục?

Người bị loãng xương có nên tập thể dục?

Dân số và phát triển - 9 giờ trước

Loãng xương được đặc trưng bởi sự mất canxi trong xương, khiến xương dễ bị gãy. Tập thể dục thường xuyên làm giảm tỷ lệ mất xương và bảo tồn mô xương, giảm nguy cơ gãy xương và té ngã…

Một số phương pháp tập luyện hỗ trợ điều trị rối loạn xuất tinh

Một số phương pháp tập luyện hỗ trợ điều trị rối loạn xuất tinh

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Chứng rối loạn xuất tinh xuất hiện ngày càng nhiều ở nam giới với các nguyên nhân khác nhau. Một số phương pháp tập luyện có thể hỗ trợ điều trị chứng bệnh này hiệu quả.

Bố chồng lên kế hoạch tỉ mỉ để dụ dỗ con trai có quan hệ bất chính với con gái đại gia

Bố chồng lên kế hoạch tỉ mỉ để dụ dỗ con trai có quan hệ bất chính với con gái đại gia

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Tôi được một phen sáng con mắt khi biết âm mưu của bố chồng mình.

Câu hỏi thường gặp cho người bị rong kinh

Câu hỏi thường gặp cho người bị rong kinh

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Rong kinh là tình trạng chảy máu kinh nhiều hơn bình thường về lượng hoặc thời gian. Để chẩn đoán chính xác do nguyên nhân nào cần đi khám để được điều trị phù hợp.

Căng thẳng có ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng ở chị em?

Căng thẳng có ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng ở chị em?

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Một trong những nguyên nhân làm chu kỳ kinh nguyệt thay đổi, không đều, kéo dài, chậm rụng trứng là do căng thẳng (stress). Vậy chúng ta hãy xem điều này xảy ra như thế nào?

3 giai đoạn của bệnh nhân sa sút trí tuệ người thân cần biết để chăm sóc

3 giai đoạn của bệnh nhân sa sút trí tuệ người thân cần biết để chăm sóc

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Sa sút trí tuệ là khi bạn dần mất đi các chức năng thần kinh do các bệnh ảnh hưởng tới não bộ. Chứng bệnh này sẽ phát triển theo 3 giai đoạn tệ dần.

Các thuốc điều trị nhiễm độc thai nghén

Các thuốc điều trị nhiễm độc thai nghén

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Nhiễm độc thai nghén có thể xuất hiện vào 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Nếu không được điều trị, nhiễm độc thai nghén có thể dẫn tới sảy thai, sinh non, sản giật. Những đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm độc thai nghén thường nhẹ cân, chậm phát triển so với tuổi thai và suy thai.

Thuốc điều trị bệnh lậu

Thuốc điều trị bệnh lậu

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Bệnh lậu có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng lậu kháng thuốc ngày càng tăng. Do đó cần điều trị theo kháng sinh đồ. Sau khi hết đợt điều trị mà vẫn còn triệu chứng, bệnh nên đến gặp bác sĩ.

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Thời tiết mùa hè nóng bức ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ mang thai. Quá nóng khi mang thai có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Duy trì sức khỏe âm đạo là một phần không thể thiếu để có sức khỏe tổng thể và việc thích ứng với những thay đổi theo mùa có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề tiềm ẩn.

Top