Hà Nội
23°C / 22-25°C

Báo cáo thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008-2010 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

GiadinhNet - Ngày 30/5/2011, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008-2010. Dưới đây là toàn văn nội dung báo cáo của Cục quản lý Khám chữa bệnh tại Hội nghị.

BÁO CÁO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 1816 GIAI ĐOẠN 2008 -2010

                                                                                                  TS. Lương Ngọc Khuê
                                                                                               Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị, trong những năm gần đây, hệ thống y tế, khám, chữa bệnh ngày càng được củng cố, hoàn thiện và phát triển. Các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, nhiều công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị. Các bệnh viện tuyến trên đã có nhiều cố gắng trong việc chuyển giao những kỹ thuật mới cho các bệnh viện tuyến dưới.

Tuy nhiên, công tác khám chữa bệnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiếu nhân lực y tế ở nhiều địa phương, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đặc biệt thiếu các bác sỹ có chuyên môn tay nghề cao thuộc các chuyên khoa: Nhi, Tâm thần, Lao,…

Có một thực tế là sự phân bố nhân lực y tế không đều giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị. Kết quả báo cáo kiểm tra bệnh viện năm 2008 cho thấy trong khi số giường bệnh tuyến trung ương 9,9%; tỉnh 49,4%; huyện 34,8%; tư nhân 3,4%; thì số bác sỹ tuyến trung ương 13,2%; tỉnh 47,8%; huyện 29,6%; tư nhân 6,8%. Do vậy tỷ lệ bác sỹ trên giường bệnh: tuyến trung ương: 1/3.3; tỉnh: 1/4,5; huyện: 1/5,1; bệnh viện ngành: 1/3,8; bệnh viện tư: 1/2,1. Điều này cho thấy tỷ lệ bác sỹ ở địa phương là rất thấp so với trung ương. Đặc biệt miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu trầm trọng cán bộ y tế. Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long có số cán bộ y tế /1 vạn dân thấp hơn nhiều so với số trung bình của cả nước. Những khó khăn này đã tạo ra khoảng cách chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh giữa các vùng miền có sự khác biệt rõ rệt, tại những vùng miền khó khăn, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân còn rất hạn chế.

Năng lực y tế tuyến cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, nhiều cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới được các chương trình dự án hoặc các tổ chức quốc tế trang bị một số máy móc trang thiết bị y tế nhưng không có cán bộ y tế đủ năng lực trình độ khai thác đưa vào sử dụng, dẫn đến lãng phí. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về thu nhập ở các tuyến tạo xu hướng dịch chuyển cán bộ có tay nghề cao, chuyên môn giỏi từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ công lập ra dân lập, dẫn đến năng lực cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh hạn chế. Trong điều kiện kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi, điều kiện kinh tế khá giả nên người bệnh có xu hướng lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh có trình độ kỹ thuật cao (vượt tuyến) gây nên tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện tuyến trên.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, đồng thời nhằm góp phần đưa dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần dân, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận với dịch vụ y tế, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trung ương, ngày 26/5/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1816/2008/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các Bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng  khám, chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816), với 3 mục tiêu:

1. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế.

2. Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương.

3. Chuyển giao công nghệ kỹ thuật và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.

Việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ Bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các Bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tại cộng đồng, tiến tới đảm bảo sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân giữa các vùng, miền trong cả nước; đồng thời đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ chuyên môn đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tại địa phương.

II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN:

Sau hơn 2 năm thực hiện (2008-2010), Đề án 1816 đã đạt được những kết quả sau:

2.1. Công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện Đề án 1816

a) Trung ương

* Cấp Bộ

Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 1816 do Bộ trưởng làm Trưởng ban, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực khám, chữa bệnh làm Phó Trưởng Ban Thường trực, Lãnh đạo các Vụ, Cục, Chủ tịch Công đoàn Ngành Y tế Việt Nam và một số Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh làm uỷ viên. Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo đặt tại Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Ban Chỉ đạo giao ban hàng tuần để thường xuyên nắm bắt được tình hình và chỉ đạo kịp thời việc triển khai thực hiện Đề án của các đơn vị.

Sau khi Đề án 1816 được ban hành, Bộ Y tế đã chuẩn bị và tổ chức lễ ra quân đồng loạt ở 3 miền Bắc, Trung, Nam vào tháng 8/2008 đã tạo ra không khí phấn khởi, nhằm động viên, khích lệ tinh thần cho cán bộ y tế đi luân phiên đợt đầu tiên, đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện Đề án 1816 và thực hiện các hoạt động hỗ trợ Đề án 1816:

- Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã có công văn số 86/BCSĐ ngày 24/2/2009 gửi Cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo thực hiện Đề án 1816.

-  Ban hành Quyết định số 4149/QĐ-BYT ngày 22/10/2008 về việc quy định tạm thời định mức cán bộ chuyên môn được cử đi luân phiên đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, làm căn cứ để các bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên; Quyết định số 3169/QĐ-BYT ngày 26/8/2008 về việc giao bổ sung chỉ tiêu biên chế năm 2008 đối với một số bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên đợt I.

- Xây dựng và ban hành biểu mẫu báo cáo, giám sát thực hiện Đề án 1816. Hướng dẫn các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết theo quy định của Bộ Y tế.

- Hướng dẫn các bệnh viện chuyên ngành phong, lao, tâm thần, ung thư và các bệnh viện bảo vệ sức khỏe cán bộ cao cấp xây dựng đề án riêng phù hợp với đặc thù của chuyên ngành, lĩnh vực.

- Hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác thi đua khen thưởng.

- Điều phối việc cử cán bộ luân phiên hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật tuyến dưới; khớp nối nhu cầu tuyến dưới với khả năng hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên.

- Ban hành Công văn số 8595/BYT-KHTC, ngày 19/12/2008 về việc hướng dẫn thực hiện kinh phí đảm bảo cho các hoạt động Đề án 1816.

- Ban hành Quyết định số 3172/QĐ-BYT, ngày 01/9/2009 về việc phê duyệt Đề án “Kiện toàn, thành lập Trung tâm/Phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến của các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I trực thuộc Bộ” và hướng dẫn các bệnh viện tổ chức thực hiện. Đến nay, 22 đơn vị trực thuộc Bộ đã thành lập Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến hoặc Phòng Đào tạo và chỉ đạo tuyến theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

- Ban hành công văn số 3003/BYT-KCB ngày 11/5/2010 về việc giao Cơ quan đại diện Bộ Y tế tại TP. HCM phối hợp Sở Y tế TP. HCM và Cục Quản lý khám, chữa bệnh tổ chức định kỳ giao ban hàng tháng với các bệnh viện cử cán bộ luân phiên hỗ trợ tuyến dưới theo Đề án 1816 đóng quân trên địa bàn TP. HCM để đôn đốc việc tổ chức thực hiện.

- Ban hành Quyết định số 4026/QĐ-BYT, ngày 20/10/2010 về việc phân công công tác chỉ đạo tuyến và đầu ngành về chỉ đạo tuyến cho 26 chuyên khoa, chuyên ngành.

- Hướng dẫn các bệnh viện đầu ngành có đủ năng lực xây dựng Đề án đào tạo BS nội trú, BS CKCI, CKCII, trình Lãnh đạo bộ phê duyệt nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực tuyến dưới.

- Hướng dẫn các bệnh viện đầu ngành xây dựng bộ công cụ đánh giá thực trạng chuyên ngành Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Y học Cổ truyền. Tiến tới điều tra khảo sát đánh giá thực trạng làm cơ sở xây dựng đề án nâng cao năng lực chuyên ngành chuyên khoa.

- Ban hành Công văn số 2950/BYT-KCB, ngày 10/5/2010 về việc hướng dẫn xây dựng quy trình chuyển giao kỹ thuật y tế trong thực hiện Đề án 1816.

- Giao cho Viện Chiến lược và Chính sách y tế triển khai đề tài "Nghiên cứu 9 tháng triển khai thực hiện nhằm đề xuất các giải pháp hoàn thiện Đề án 1816" và đề tài nghiên cứu, đánh giá triển khai thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008-2011. Trên cơ sở kết quả đề tài nghiên cứu Bộ Y tế đã kịp thời điều chỉnh một số quy định về việc cử cán bộ đi luân phiên phù hợp với thực tế.

Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội thảo phổ biến, quán triệt, tuyên truyền về chủ trương, mục tiêu, nội dung, giải pháp của Đề án 1816 cho hầu hết các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Thành lập Đoàn kiểm tra gồm Lãnh đạo Bộ, đại diện các Vụ, Cục, về các địa phương, kiểm tra, giám sát, động viên, khuyến khích việc thực hiện Đề án 1816 của các đơn vị và các cán bộ luân phiên. Thường xuyên cử đại diện Ban chỉ đạo và Tổ Thư ký kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, điều phối việc thực hiện Đề án tại các địa phương. 

Tháng 4/2009 và tháng 10/2009, Bộ Y tế đã tổ chức sơ kết thực hiện Đề án 1816, để đánh giá kết quả đạt được, những mặt mạnh cần phát huy, những tồn tại hạn chế cần khắc phục, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án.

* Cấp Bệnh viện

- 100 % bệnh viện trực thuộc Bộ tham gia Đề án 1816 đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 1816 của đơn vị.

- Một số bệnh viện được miễn cử cán bộ đi luân phiên do đặc thù của bệnh viện như Bệnh viện Lão khoa trung ương, Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quỳnh Lập, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới và Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng trung ương, tuy nhiên các bệnh viện này cũng đã đề xuất xin được tham gia cùng với các đơn vị được cử cán bộ đi luân phiên. Các bệnh viện thuộc các cơ sở đào tạo như Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y Dược Cổ truyền, bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM đã xung phong tham gia Đề án 1816.

- Các bệnh viện đã tổ chức quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Bộ Y tế trong việc thực hiện Đề án 1816 đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của bệnh viện, chủ động lập kế hoạch thực hiện: Tổ chức khảo sát, điều tra nhu cầu của tuyến dưới, xác định khả năng đáp ứng của tuyến trên, sau đó ký hợp đồng trách nhiệm với tuyến dưới, lập kế hoạch cử cán bộ đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới ...

- Các bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện thời gian, công tác chuyên môn của cán bộ đi luân phiên, có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ đi luân phiên hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, trong những ngày đầu lãnh đạo một số bệnh viện vừa kiểm tra đôn đốc, vừa động viên tinh thần cán bộ đi luân phiên giúp cán bộ yên tâm công tác. Những đơn vị làm tốt như Bệnh viện Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Chợ Rẫy, Đa khoa Trung ương Huế, Y học cổ truyền Trung ương, Phụ sản Trung ương, Nhi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện K ...

b) Địa phương

Đến nay đã có 47 tỉnh/thành phố thành lập ban chỉ đạo Đề án tại địa phương do đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách văn xã làm Trưởng ban chỉ đạo, đồng chí Giám đốc Sở Y tế làm Phó Trưởng ban Thường trực, Uỷ viên là các đồng chí Giám đốc các Sở, Ban, ngành liên quan để chỉ đạo công tác triển khai thực hiện Đề án 1816 ở địa phương.

25 Sở Y tế đã chủ động thành lập thêm ban chỉ đạo cấp Sở; Ban chỉ đạo cấp Bệnh viện: có 185 Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh và hơn 322 bệnh viện huyện thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1816 của bệnh viện.

Hầu hết các địa phương đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền về chủ trương, mục tiêu, nội dung Đề án 1816 cho các đơn vị và cán bộ công chức viên chức của các bệnh viện; chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng thời tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện ở địa phương, đảm bảo tính hiệu quả.

47 tỉnh đã thực hiện luân phiên cán bộ từ Bệnh viện tỉnh về hỗ trợ Bệnh viện huyện như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Điện Biên, Yên Bái, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An ...(phụ lục kèm theo).

36 tỉnh đã thực hiện luân phiên bác sĩ từ Bệnh viện huyện xuống khám chữa bệnh theo buổi/ngày tại Trạm Y tế xã, như Bắc Giang, Điện Biên, Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Nam Định, Phú Thọ, Thái Bình. An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Trà Vinh, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Hậu Giang, Kon Tum, Long An, Phú Yên, Quảng Ngãi ....

2.2. Công tác tuyên truyền về Đề án 1816:

Bộ Y tế giao Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương chỉ đạo mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe địa phương và phối hợp với các cơ quan báo đài trung ương và địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, mục tiêu, nội dung và kết quả thực hiện Đề án;

Xây dựng và phát hành hàng tháng Bản tin 1816, là bản tin chuyên đề về Đề án 1816, nhằm thông tin đến bạn đọc tinh thần, mục tiêu, nội dung của Đề án, những công việc đang triển khai, những gương điển hình tiên tiến và chia sẻ kinh nghiệm, tâm tư của cán bộ đã và sẽ tham gia thực hiện Đề án. Trong dịp sơ kết 1 năm, Bộ Y tế đã phát hành cuốn sách “Đề án 1816 từ chủ trương đến thực tiễn”.

 Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương, phối hợp các cơ quan truyền thông đại chúng đưa nhiều đoàn phóng viên đi cơ sở lấy tư liệu thực tế tại các địa phương để xây dựng phim, phóng sự, tin, bài đăng tải trên các Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Pháp luật VN, Báo Tin tức CN, Báo Vietnamnet, Báo Sức khỏe và Đời sống, Báo Gia đình và Xã hội, Báo Lao động, Báo Tuổi trẻ, Báo Tiền phong… trên hệ thống Đài tiếng nói Việt Nam, Truyền hình VTV1, VTV2, O2 TV, Thông tấn xã Việt Nam. Hàng nghìn tin, bài, phóng sự đã được đưa trên nhiều báo, tạp chí website ở trung ương và địa phương và 01 phim truyền hình đã được xây dựng về hoạt động Đề án.

Công tác truyền thông đã giúp Cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế nói riêng và đông đảo các tầng lớp nhân dân hiểu về Đề án 1816 và tích cực tham gia, ủng hộ việc thực hiện.

2.3. Kết quả chuyên môn

2.3.1. Kết quả thực hiện cử cán bộ đi luân phiên từ các bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ bệnh viện tuyến tỉnh:

a) Số bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên: Theo thống kê qua báo cáo của các đơn vị có 72 bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên, gồm: 35 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 02 bệnh viện thực hành thuộc cơ sở đào tạo và 35 bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

b) Số lượt cán bộ được cử đi luân phiên: 3.665,trong đó bệnh viện trung ương: 2.342 lượt cán bộ.

c) Thời gian cán bộ đi luân phiên: Từ tháng 1/2009, các bệnh viện tuyến trung ương cử cán bộ đi luân phiên 3 tháng/1 cán bộ/1 đợt, trừ một số bệnh viện thuộc các chuyên khoa, chuyên ngành đặc thù như lao, phong, tâm thần, ung bướu và các bệnh viện chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp được Bộ Y tế cho phép thực hiện theo Đề án riêng, cử cán bộ đi luân phiên dưới 3 tháng/đợt nhưng tối thiểu đảm bảo 1 tháng/1 cán bộ/1 đợt.

d) Các lĩnh vực chuyên môn đã triển khai thực hiện chuyển giao kỹ thuật ở 26 chuyên ngành, gồm: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Y học Cổ truyền, Tâm thần, Truyền nhiễm, Lao, Da liễu, Bỏng, Ung bướu, Nội tiết, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Mắt, Huyết học - Truyền máu, Miễn dịch, Di truyền, Hóa sinh, Giải phẫu bệnh và Tế bào, Chẩn đoán hình ảnh, Nội soi, Thăm dò chức năng, Bỏng. Ngoài các chuyên ngành trên, một số bệnh viện còn cử cán bộ xuống hỗ trợ đào tạo về quản lý bệnh viện, sửa chữa trang thiết bị y tế, xét nghiệm...

đ) Số kỹ thuật chuyển giao: Có 2.504 kỹ thuật thuộc 26 chuyên ngành đã được chuyển giao cho tuyến tỉnh. Trong số 2.504 kỹ thuật chuyển giao có 2.243 kỹ thuật được các đơn vị tổ chức đánh giá hiệu quả theo đó 90% kỹ thuật bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ được kỹ thuật và được thực hiện tốt sau khi nhận chuyển giao, 7,37 % kỹ thuật chưa thực hiện được, cần tiếp tục hỗ trợ, 2,63% kỹ thuật không làm được do điều kiện trang thiết bị chưa tốt hoặc do kỹ năng của cán bộ chuyển giao chưa tốt). Các đơn vị đi đầu và tiêu biểu trong việc chuyển giao kỹ thuật như: Bạch Mai, Chợ Rẫy, TW Huế, Bệnh viện E, Bệnh viện K, Việt Đức, Nội tiết, Nhi TW, Phụ sản TW, Tâm thần TW2, Mắt TW, Tai Mũi Họng TW, Viện Huyết học truyền máu, Viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Xanh Pôn,...

e) Số lớp tập huấn, đào tạo: Cán bộ đi luân phiên đã tổ chức 1.453 lớp. Tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn tay nghề cho 40.531 cán bộ tuyến dưới.

Các bệnh viện thực hiện xuất sắc hoạt động này như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện HN Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Việt Tiệp, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng…

f) Số bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị: Cán bộ đi luân phiên đã khám và điều trị cho 802.486 lượt người bệnh, trực tiếp thực hiện 11.697 ca phẫu thuật, cứu sống nhiều trường hợp người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến không phù hợp của các bệnh viện tuyến dưới trung bình khoảng 30%.

2.3.2. Tình hình tiếp nhận cán bộ đến luân phiên

a) Theo báo cáo của các bệnh viện trung ương và báo cáo của các Sở Y tế: Tính đến 31/7/2010 có 389 bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh khác thuộc 62 tỉnh nhận cán bộ từ bệnh viện Trung ương đến luân phiên hỗ trợ.

b) Kết quả nhận cán bộ từ Trung ương xuống luân phiên tại các bệnh viện tuyến dưới

Các bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện tuyến trên trong việc khảo sát, đánh giá nhu cầu, điều kiện cơ sở vật chất, bố trí cán bộ nhận chuyển giao kỹ thuật, nhiều đơn vị bố trí nơi ăn ở cho cán bộ đi luân phiên chu đáo, ngoài ra còn hỗ trợ thêm kinh phí cho cán bộ đến luân phiên. Nhờ đó hợp đồng ký kết giữa tuyến trên và tuyến dưới được thực hiện tốt và hầu hết cán bộ y tế đi luân phiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được địa phương khen thưởng...

2.3.3. Kết quả đi luân phiên trong nội bộ các tỉnh/thành phố

a) Luân phiên từ Bệnh viện tỉnh xuống Bệnh viện huyện

- 47/63 tỉnh đã có kế hoạch triển khai luân phiên cán bộ từ Bệnh viện tỉnh xuống hỗ trợ Bệnh viện huyện.

- 262 Bệnh viện tỉnh cử 1.905 lượt cán bộ luân phiên hỗ trợ 360 bệnh viện huyện, tổ chức 607 lớp tập huấn cho 12.066 lượt học viên, chuyển giao 1.702 kỹ thuật, khám, chữa bệnh cho 192. 906 lượt người bệnh, trực tiếp phẫu thuật 5.161 ca.

b) Luân phiên từ bệnh viện huyên xuống trạm y tế xã.

- 36/47 tỉnh đã có kế hoạch cö cán bộ xuống hỗ trợ trạm y tế xã

- 305 Bệnh viện huyện cử 3.234 lượt cán bộ xuống hỗ trợ 1.815 trạm y tế xã, KCB cho 3.539.314 lượt người bệnh.

Các tỉnh tổ chức tốt luân phiên trong nội bộ tỉnh như: Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Bắc Giang, Điện Biên, TP. Hà Nội, Hòa Bình, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Bến Tre…        

2.4. Việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến Đề án 1816:

-Các bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên đều tổ chức động viên, quán triệt anh chị em trước khi đi luân phiên, cử đại diện Lãnh đạo bệnh viện, Chủ tịch công đoàn đưa cán bộ đến địa phương, phối hợp bệnh viện địa phương, chuẩn bị chỗ ăn nghỉ cho cán bộ đi luân phiên, chi trả tiền lương, công tác phí, tiền đi lại theo đúng chế độ quy định. Một số bệnh viện trích quỹ phúc lợi hỗ trợ thêm cho cán bộ đi luân phiên.

- Các bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên, tạo điều kiện về chỗ ăn nghỉ cho cán bộ, các điều kiện làm việc. Một số bệnh viện địa phương khu vực phía Nam có trích quỹ phúc lợi hỗ trợ thêm cho cán bộ luân phiên.

- Các tỉnh đã thực hiện việc cử cán bộ luân phiên trong nội bộ tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để tổ chức việc cử cán bộ luân phiên hỗ trợ tuyến huyện, tuyến xã.

2.5. Công tác thi đua khen thưởng

Trong quá trình triển khai Đề án, Chính quyền các cấp, các Bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn, đoàn TN CSHCM thường xuyên quan tâm động viên cán bộ đi luân phiên. Từ năm 2009, Bộ Y tế đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chính Minh, thực hiện tốt Đề án 1816 và quy tắc ứng xử đối với cán bộ Y tế".

Trong dịp sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 1816, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Quyết định tặng Bằng khen cho 81 tập thể và 313 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện Đề án 1816.

2.6. Những mô hình hay, những điển hình xuất sắc trong tổ chức thực hiện:

Khi thực hiện Đề án 1816, các Bệnh viện đã phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong thực hiện, nhiều mô hình hay và giải pháp phù hợp được triển khai áp dụng như mô hình đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến dưới trong quá trình thực hiện Đề án 1816 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy (Bệnh viện Bạch Mai: tổ chức 337 lớp tập huấn cho 22.499 cán bộ y tế tuyến dưới; Bệnh viện Chợ Rẫy: 89 lớp cho 2.898 cán bộ). Bệnh viện Bạch Mai thực hiện theo mô hình 4 K: Khảo sát tốt, Kế hoạch tốt, Kiểm tra tốt, Kết quả tốt. Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương Hà Nội thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cuốn chiếu giúp các đơn vị tuyến dưới thực hiện, làm chủ được kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật là nhiệm vụ hàng đầu của cán bộ đi luân phiên và ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng.

- Mô hình chuyển giao kỹ thuật trong thực hiện Đề án 1816 của Bệnh viện Việt Đức theo hình thức ký kết hợp đồng 3 bên gồm đại diện bệnh viện tuyến trên, đại diện bệnh viện tuyến dưới và cán bộ đi luân phiên.

- Mô hình phối kết hợp, lồng ghép công tác Đào tạo, công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện Đề án 1816 của Sở Y tế Hòa Bình đã đem lại hiệu quả cao được Bộ Y tế và tổ chức JICA Nhật Bản ghi nhận. Mô hình này đang được nghiên cứu nhân rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc.…

- Mô hình chuyển giao kỹ thuật phối hợp Y học Cổ truyền và Y học hiện đại trong khám, chữa bệnh của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

- Mô hình luân phiên trong nội bộ tỉnh: Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Điện Biên, TP. Hà Nội, Hòa Bình, Hải Phòng...

- Yên Bái thực hiện 5 không 4 có, bao gồm 5 không “Không ỷ lại; Không dấu dốt; Không đùn đẩy; Không chê bai và Không thử tài đồng nghiệp”; 4 có, bao gồm “Có bám sát công việc; Có đề xuất nhu cầu; Có báo cáo trước sau và Có duy trì kết quả”...

III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

3.1. Đánh giá chung

a) Về thực hiện các mục tiêu và ý nghĩa chuyên môn của Đề án

 Đề án 1816 đã đạt được những kết quả bước đầu, 3 mục tiêu của Đề án cơ bản đã đạt được:

Một là, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, thể hiện ở chỗ cả nước đã có gần 9.000 lượt cán bộ đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới trong đó: Trung ương hỗ trợ tuyến tỉnh gần 4.000; tỉnh hỗ trợ huyện 2.000, huyện hỗ trợ tuyến xã 3.000 lượt cán bộ. Chuyển giao hơn 4.200 kỹ thuật và hầu hết các kỹ thuật được đánh giá là thực hiện tốt, Bệnh viện tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật. Trực tiếp khám chữa bệnh cho hơn 4.500.000 người bệnh, phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống hàng trăm người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao ...

Hai là, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới, nâng cao vị thế, uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh địa phương nhờ việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo tập huấn của cán bộ luân phiên thực hiện nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế địa phương. Trong hơn hai năm 2 ngàn lớp đào tạo, tập huấn được tổ chức trên 52 ngàn lượt cán bộ y tế địa phương; 2.504 kỹ thuật được chuyển giao...

Ba là, góp phần giảm tải từ xa cho Bệnh viện tuyến trên nhất là Bệnh viện tuyến Trung ương thể hiện ở chỗ làm giảm tỷ lệ chuyển lên tuyến trên không phù hợp trung bình khoảng 30 %.

Ngoài ra, cán bộ y tế đi luân phiên đã hướng dẫn và đưa vào sử dụng các máy móc, trang thiết bị y tế đắt tiền đã được trang bị nhưng chưa được đưa vào sử dụng tại một số cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giảm lãng phí cho các cơ sở y tế. Thông qua hoạt động thực tiễn tại tuyến dưới cán bộ đi luân phiên học tập thêm những kiến thức về chuyên môn cũng như quản lý của các đơn vị tuyến dưới, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính độc lập tự chủ cho cán bộ đi luân phiên.

b) Về ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội của Đề án

Đề án 1816 chính là sự cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo và chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác Y tế: Hướng về cơ sở, tăng cường cho y tế cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị, Kết luận số 42-KL/TW ngày 01/4/2011 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Việc thực hiện Đề án 1816 đưa cán bộ có trình độ chuyên môn cao đi luân phiên hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới đã góp phần giúp cho người dân ở các địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, người nghèo, đồng bào dân tộc, được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại địa phương, với chi phí thấp nhất, không phải tốn kém về thành phố để khám, chữa bệnh.

Nhờ trình độ chuyên môn năng lực cán bộ y tế tuyến dưới được nâng cao, bệnh tật được phát hiện sớm, được can thiệp điều trị đúng, kịp thời đã giúp giảm thiểu chi phí của bệnh nhân cho việc điều trị và chi phí của các cơ sở y tế cho việc thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Kết quả của Đề án là sự thể hiện truyền thống văn hoá và bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đó là tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau, tình cảm đồng nghiệp hỗ trợ giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn.

Thực hiện Đề án 1816 là góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khoẻ và đảm bảo an sinh xã hội. Đề án 1816 có ý nghĩa xã hội và mang tính nhân văn cao cả. Việc triển khai thực hiện thành công Đề án có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, góp phần giải quyết những khó khăn, những bức xúc mà xã hội đang quan tâm, nhất là trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay.

Với những kết quả trên, khẳng định Đề án 1816 là một chủ trương đúng đắn của ngành y tế, phù hợp với ý Đảng, lòng dân.

3.2. Thuận lợi

Đạt được những kết quả như trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và ủng hộ của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động của ngành Y tế trong đó có việc thực hiện Đề án 1816:

- Tại Kết luận số 42-KL/TW ngày 01/4/2011 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Việc thực hiện chính sách luân phiên cán bộ và thực hiện nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế đối với miền núi, vùng xa, vùng nông thôn và vùng khó khăn là cần thiết, góp phần thực hiện công bằng xã hội… tiến tới luật hóa nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ y tế đối với vùng kinh tế xã hội khó khăn của đất nước…”.

- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo và có quyết sách kịp thời đối với các hoạt động của ngành y tế, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cấp kinh phí cho hoạt động của Đề án 1816: năm 2008: 4.825 tỷ đồng, năm 2009: 30 tỷ đồng, năm 2010, năm 2011 mỗi năm được cấp: 35 tỷ đồng.

- Các Bộ ngành và các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc triển khai thực hiện Đề án: Nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố để chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị triển khai thực hiện tốt Đề án 1816.

- Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện tỉnh/thành phố đã chủ động, tích cực tham gia hưởng ứng Đề án 1816.

- Cán bộ, viên chức tham gia Đề án 1816 thông suốt về tư tưởng, yên tâm nhận nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ đi luân phiên. Hầu hết cán bộ đi luân phiên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được các địa phương tặng Bằng khen, Giấy khen. Nhiều đảng viên gương mẫu xung phong tình nguyện đi luân phiên ...

- Đề án nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong và ngoài nước. Một số tổ chức ủng hộ, tài trợ kinh phí gây quỹ khen thưởng và hoạt động của Đề án 1816: Ngân hàng Công thương Việt Nam tặng Bộ Y tế và một số bệnh viện Trung ương 20 ô tô để tổ chức triển khai thực hiện Đề án 1816, trong đó có 10 xe cứu thương chuyên dụng. Tập đoàn SUNWHA, Hồng Kông cam kết hỗ trợ kinh phí cho đào tạo cán bộ.

- Đặc biệt Đề án 1816 được nhân dân hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ.

3.3. Một số hạn chế và nguyên nhân

Nhìn lại hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án 1816, tuy đã đạt được những kết quả to lớn đáng khích lệ, song vẫn còn có hạn chế như:

1) Công tác quán triệt, phổ biến tuyên truyền chưa thật đầy đủ, một số đơn vị và cán bộ, viên chức chưa hiểu đúng, đủ về chủ trương, mục tiêu cũng như nội dung của Đề án.

2) Một số bệnh viện chưa làm tốt khâu khảo sát nhu cầu, nên thiếu thực tế và bị động, cử cán bộ đi luân phiên chưa sát với nhu cầu thực tế của nơi nhận. Một số  nơi còn lúng túng trong việc lập dự toán và sử dụng kinh phí.

3) Các bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên một số nơi chưa sẵn sàng đội ngũ thầy thuốc có trình độ để phối hợp công tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kỹ thuật; cá biệt có trường hợp thể hiện thiếu hợp tác, ỷ lại cán bộ đến luân phiên và chưa chủ động học hỏi; trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là những trang thiết bị cần thiết để giúp chuyển giao kỹ thuật.

4) Một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định.

5) Chưa kiện toàn đồng bộ ban chỉ đạo ở các địa phương, vẫn còn một số tỉnh/thành phố chưa thành lập ban chỉ đạo.

3.4. Những bài học kinh nghiệm rút ra sau hơn 2 năm thực hiện Đề án 1816:

1) Sự thống nhất chủ trương và vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương tạo ra sức mạnh tổng hợp, đảm bảo cho Đề án 1816 được thực hiện đồng bộ cả về  bề rộng lẫn chiều sâu và đạt được hiệu quả cao.

2) Công tác tổ chức thực hiện Đề án khoa học, quyết liệt, đồng bộ từ việc thành lập ban chỉ đạo các cấp đến việc phổ biến quán triệt tuyên truyền lập kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện, tổng kết rút kinh nghiệm, tranh thủ mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, từ nguồn tự có của các đơn vị và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước góp phần làm nên thành công của Đề án.

3) Phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các địa phương, đơn vị tạo nên sự phong phú, đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị góp phần nâng cao hiệu quả của Đề án.

 4) Tăng cường công tác kiểm tra giám sát bảo đảm cho việc thực hiện nghiêm túc mục tiêu, nội dung và các quy định của Đề án của các đơn vị và cá nhân là hoạt động cần thiết, quan trọng trong thực hiện Đề án.

5) Phối hợp với phong trào thi đua, khích lệ các đơn vị, đảng viên và cán bộ y tế tham gia là rất cần thiết trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn và chính sách chế độ của Nhà nước đối với cán bộ Y tế còn hạn chế.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Phát huy những kết quả bước đầu đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện và bảo đảm duy trì tính bền vững và hiệu quả của Đề án, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, như sau:

1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt đến tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn ngành về chủ trương triển khai việc thực hiện nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế, trước mắt là thực hiện Đề án 1816; phổ biến và quán triệt mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Đề án nhằm tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức và hành đồng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức y tế. Các đơn vị được giao nhiệm vụ cử cán bộ đi luân phiên phải đảm bảo cử đủ số lượng, chất lượng, thời gian công tác.

2. Tiếp tục kiện toàn, duy trì, phát huy vai trò chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp (Trung ương, địa phương, cơ sở). Kiện toàn bộ phận tham mưu Ban chỉ đạo các cấp triển khai Đề án 1816. Đối với các địa phương chưa thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh đề nghị các Sở Y tế bảo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo việc thực hiện Đề án tại địa phương.

3. Đưa việc cử cán bộ luân phiên từ bệnh viện Trung ương  và các bệnh viện lớn của thành phố về hỗ trợ địa phương đi vào chiều sâu chất lượng. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện đi luân phiên về huyện, về xã trong nội bộ các tỉnh/ thành phố. Tăng cường vai trò điều phối của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Sở Y tế trong việc cử cán bộ đi luân phiên. Đảm bảo khớp nối nơi cần với nơi có, tránh trùng lắp, nâng cao hiệu quả hoạt động.

4. Xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh về nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ y tế đối với xã hội, đồng thời xây dựng chính sách chế độ đối với cán bộ đi luân phiên. Xây dựng và thực hiện các chế độ chính sách liên quan Đề án 1816 đối với đơn vị cử đi luân phiên, nhận cán bộ đến luân phiên và cán bộ được cử đi luân phiên.                                                             

5. Căn cứ kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đánh giá quá trình thực hiện Đề án 1816 rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện, phát huy mặt mạnh, khắc phục tồn tại. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu đánh giá thực hiện Đề án giai đoạn 2008 - 2011 để cung cấp bằng chứng khoa học nhằm không ngừng  điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện đảm bảo tính phát triển, hiệu quả và bền vững của Đề án 1816.

6. Đối với các bệnh viện cần tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai, thực hiện nghiêm túc việc khảo sát đánh giá xác định nhu cầu tuyến dưới, xây dựng kế hoạch hỗ trợ chuyển giao công nghệ kỹ thuật, phát hiện nhu cầu nhân lực, xây dựng kế hoạch đào tạo tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ kỹ thuật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động chuyên môn của cán bộ được cử đi luân phiên tại cơ sở; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết theo quy định của Bộ Y tế. Các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tiếp tục kiện toàn/thành lập, hoàn thiện trung tâm/phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến của các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I trực thuộc Bộ, thí điểm thực hiện đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II góp phần tạo nguồn nhân lực hỗ trợ thực hiện Đề án 1816.

7. Xác định, xây dựng kế hoạch hỗ trợ những trang thiết bị tối thiểu trong việc chuyển giao kỹ thuật đảm bảo đạt chất lượng cao.

Đề án 1816 mới thực hiện được hơn 2 năm, trong quá trình triển khai thực hiện không tránh khỏi có những khó khăn, vướng mắc, các cấp Ngành Y tế cần chủ động, tham mưu Cấp ủy Đảng, Chính quyền xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, phát huy mặt mạnh, thành tích đã đạt được, khắc phục, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện tốt các mục tiêu Đề án, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân mà Đảng đã giao cho Ngành Y tế.    

V. NHỮNG KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT   

1. Với những kết quả đạt được sau hơn 2 năm thực hiện, khẳng định Đề án 1816 là một chủ trương đúng đắn của ngành y tế được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm chỉ đạo và ủng hộ. Tuy nhiên, Đề án 1816 là một đề án cấp Bộ do vậy có những hạn chế nhất định trong việc tổ chức thực hiện nhất là ở các địa phương. Để việc triển khai thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương và có hiệu lực, hiệu quả cao hơn, Bộ Y tế đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Y tế hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

2. Đề nghị UBND các tỉnh thành phố tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế trong việc tổ chức thực hiện Đề án trong thời gian tới./.

thuhuyen
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Ngôi nhà thứ hai của ngư dân

Ngôi nhà thứ hai của ngư dân

Y tế - 9 năm trước

GiadinhNet - Từ mô hình "Quỹ y tế" cùng với tập thể y, bác sỹ đầy tâm huyết đã đưa một xã nghèo ven biển trở thành điểm sáng về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân- Đó là trạm y tế xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu – Nghệ An- đơn vị đầu tiên tại địa phương đạt chuẩn quốc gia về y tế, được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động năm 2009.

Hồ Chí Minh với quan điểm về sức khỏe, y tế và đạo đức của người thầy thuốc

Hồ Chí Minh với quan điểm về sức khỏe, y tế và đạo đức của người thầy thuốc

Y tế - 9 năm trước

GiadinhNet - Hướng tới Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) báo Gia đình & Xã hội xin trân trọng trích giới thiệu tài liệu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm sức khỏe, y tế và đạo đức của người thầy thuốc trong cuốn sách “Một số vấn đề xây dựng ngành y tế phát triển ở Việt Nam” của Cố Giáo sư - TS Đỗ Nguyên Phương, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương khẳng định mũi nhọn khi có Đề án 1816

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương khẳng định mũi nhọn khi có Đề án 1816

Y tế - 9 năm trước

Năm 2011, thực hiện chương trình hợp tác với Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại khoa.

Lợi ích kép với người bệnh và bệnh viện

Lợi ích kép với người bệnh và bệnh viện

Y tế - 9 năm trước

Ngày 6/6/2014 là ngày ghi dấu đặc biệt khi lần đầu tiên Bệnh viện Nhi đồng - Đồng Nai thực hiện thành công phẫu thuật chấn thương sọ não với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Nhi đồng 2 (thành phố Hồ Chí Minh).

Người dân hưởng lợi khi bệnh viện nâng cao chuyên môn

Người dân hưởng lợi khi bệnh viện nâng cao chuyên môn

Y tế - 9 năm trước

Từ khi tái thành lập vào năm 2007 đến nay, bằng việc tập trung đầu tư về con người, trang thiết bị và không ngừng áp dụng các kỹ thuật cao, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ ngày càng khẳng định vị thế của bệnh viện hạng I cấp thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiều trường hợp bệnh thay vì phải chuyển viện lên thành phố Hồ Chí Minh, nay đã được điều trị ngay tại địa phương.

Cải tiến quy trình khám chữa bệnh: Người bệnh đã giảm thời gian chờ đợi

Cải tiến quy trình khám chữa bệnh: Người bệnh đã giảm thời gian chờ đợi

Y tế - 9 năm trước

Cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Y tế nhằm giảm thời gian chờ đợi, nâng cao sự hài lòng của người dân khi đến khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí Quảng Ninh tích cực hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí Quảng Ninh tích cực hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị

Y tế - 9 năm trước

Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, từ nhiều năm qua Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí Quảng Ninh đã luôn duy trì hoạt động tổ chức các đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh và nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện các tỉnh lân cận.

Đắc Nông: Ban hành chính sách đãi ngộ bác sỹ

Đắc Nông: Ban hành chính sách đãi ngộ bác sỹ

Y tế - 9 năm trước

Vừa qua, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắc Nông đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách thu hút, đãi ngộ đối với bác sỹ, dược sỹ đại học và sau đại học về công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020.

Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn triển khai hoạt động Phòng khám vệ tinh Chấn thương chỉnh hình

Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn triển khai hoạt động Phòng khám vệ tinh Chấn thương chỉnh hình

Y tế - 9 năm trước

Ngày 6/10, Bệnh viện Đa khoa sài Gòn phối hợp với bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình chính thức triển khai hoạt động Phòng khám vệ tinh chuyên khoa cột sống, chỉnh hình, cơ xương khớp. Hoạt động Phòng khám vệ tinh do bác sĩ của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình trực tiếp khám, tư vấn và điều trị bệnh nhân.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh: Giảm vượt tuyến, nâng nội lực

Ứng dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh: Giảm vượt tuyến, nâng nội lực

Y tế - 9 năm trước

Những năm qua, với việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN vào công tác khám chữa bệnh đã góp phần nâng tỷ lệ những ca điều trị thành công, giảm chi phí và thời gian khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Top