Hà Nội
23°C / 22-25°C

Gian nan chuyện giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số ở Hà Giang (3): Linh hoạt chuyển hướng chiến lược

Thứ hai, 12:00 24/08/2015 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - Nhìn một cách tổng thể, bức tranh dân số tại Hà Giang có nhiều điểm tương đồng với tình hình chung của cả nước.

Bên cạnh những vùng có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống rất cao như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh…, lại có những vùng mức sinh thậm chí còn giảm sâu dưới mức sinh thay thế, tỷ lệ sinh con thứ 3 chỉ xấp xỉ 3% như TP Hà Giang. Những khác biệt về tình hình dân số đòi hỏi Hà Giang phải linh hoạt chuyển hướng chiến lược cho từng vùng trên địa bàn tỉnh.

 

Em Vàng Thị Máy (thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ, Quản Bạ) là cháu ruột Giàng Mí Hồ, nhưng vẫn lấy nhau.	ảnh: Võ Thu
Em Vàng Thị Máy (thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ, Quản Bạ) là cháu ruột Giàng Mí Hồ, nhưng vẫn lấy nhau. ảnh: Võ Thu

 

Những cái lý… khó thay đổi của người dân

Tại xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, chúng tôi gặp y sĩ Lù Xuân Thề, người dân tộc Giấy, nguyên Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lùng Tám, nay là cán bộ y tế xã Cán Tỷ. Y sĩ Thề có hơn 35 năm chăm sóc sức khỏe cho bà con các dân tộc tại huyện Quản Bạ, thốt lên: Do tập tục, bà con vẫn sinh đẻ tại nhà, người nhà tự đỡ đẻ, thói quen đến trạm đẻ đến nay vẫn chưa được hình thành đầy đủ trong đời sống người dân.

Minh chứng cho điều này, anh Hạ Đình Chơ, cán bộ Tư pháp xã Cán Tỷ đưa chúng tôi đến thăm gia đình hai em Vàng Thị Máy – Giàng Mí Hồ ở xã Cán Tỷ. “Cặp vợ chồng này hội tụ đủ các yếu tố vửa tảo hôn, vừa kết hôn cận huyết thống, đẻ tại nhà, không đi khám thai…”, anh Chơ thông tin.

Ngôi nhà cạnh đường của hai em Máy – Hồ nằm lặng lẽ, bốn bức tường thiếu mất một, ánh sáng ùa vào đúng chỗ kê giường hai đứa con bé tẹo nằm. “Nắng lọt thế này, chắc mưa cũng hắt vào nhiều lắm?”, tôi hỏi Hồ. Ông bố hai con khi mới 19 tuổi này gật đầu. Ra dáng đàn ông trụ cột, Hồ chỉ vào người vợ chưa đăng ký kết hôn, kể rằng, hai em đều sinh năm 1996, cưới nhau năm 2013. Máy là con của chị gái Hồ, nghĩa là Hồ lấy cháu ruột của mình. Hai người yêu nhau một năm mới xin gia đình về ở với nhau. “Không ai cản cả chị ạ! Chưa đủ tuổi nên nhà em không được đăng ký kết hôn, không đám cưới, cứ về ở với nhau thôi”, Hồ hồn nhiên nói. “Thế là cận huyết thống rồi đấy! Bố mẹ không lo con sinh ra có vấn đề gì sao?”, tôi gợi hỏi. Em Máy – lúc này đang mải cho con bú, ngước lên nhìn tôi rồi đưa mắt nhìn chồng, cười xòa, đáp: “Em đẻ ở nhà hết, mẹ chồng đỡ cho em, chôn rau thằng bé dưới cái cột nhà này. Con em sinh ra được hơn 2kg, bình thường mà!”. Hai đứa con Hồ - Máy, đứa lớn hơn 1 tuổi, đứa thứ 2 cách chị cả mấy tháng, người quặt quẹo, bé con con lọt thỏm trên tay bố mẹ. “Con em vẫn chưa có giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm, chưa có gì hết, chưa biết tiêm phòng là gì!”, Hồ nói. Tôi hỏi anh Hảo, như em Máy, đáng ra phải gọi Hồ là cậu, nay lại là chồng, xưng hô có thay đổi không. Anh Hảo cho hay, Hồ vẫn gọi mẹ vợ là chị, còn em Máy gọi Hồ theo cách gọi dịch ra tiếng Kinh là… “mày – tao”…

Y sĩ Thề cho hay, cái lý của các cháu ở đây chỉ cần yêu nhau là có quyền đến với nhau, bố mẹ có cản… đằng giời, bất chấp tuổi tác. “Có nhiều đôi cha mẹ ngăn cản, cả tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, các cháu dọa ăn lá ngón tự tử. Cha mẹ đành chịu!”, y sĩ Thề nói. Còn với kết hôn cận huyết thống, các gia đình, các em vẫn cho rằng chỉ cần không thờ cùng bàn thờ, không cùng họ là có thể đến với nhau được. Tại TP Hà Giang, chị Nguyễn Thị Tuyết – Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ thành phố chia sẻ, phong tục của người Dao tại hai xã Phương Độ, Ngọc Đường vẫn giữ nếp hứa hôn giữa các gia đình khi các con còn bé, nên khi thấy các con đã lớn, cha mẹ gả con luôn!

Truyền thông dân số - khó trăm bề

 

Tài liệu truyền thông chăm sóc SKSS vị thành niên về với học sinh Trường Dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang. 	Ảnh: P.V
Tài liệu truyền thông chăm sóc SKSS vị thành niên về với học sinh Trường Dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang. Ảnh: P.V

 

Trong chuyến đi công tác tại Hà Giang lần này, có lẽ điều khiến chúng tôi trăn trở nhất là khó khăn, thách thức trong truyền thông, vận động người dân sinh ít con, không tảo hôn, kết hôn cận huyết của đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ tại tỉnh miền núi biên giới này.

Trao cho tôi báo cáo sơ kết công tác DS-KHHGĐ tỉnh 6 tháng đầu năm 2015, anh Lý Chí Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, nói: Hà Giang có tới 18 dân tộc thiểu số, chiếm 87% dân số, mỗi dân tộc có tiếng nói, tập tục văn hóa riêng. Không phải cán bộ dân số nào cũng biết hết các thứ tiếng để tuyên truyền trực tiếp đến người dân, vậy nên đi tuyên truyền phải có “phiên dịch”, nhưng nhiều khi phiên dịch cũng không truyền tải chính xác và đầy đủ tới người dân.

Ngoài tiếng nói, giao thông đi lại cũng là khó khăn đối với cán bộ dân số tại các huyện vùng núi cao. Anh Hà Xuân Hảo, cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Quản Bạ tâm sự, cứ mỗi lần vào xã, thấy trời nắng gay gắt là may lắm rồi, còn gặp trời mưa thì chỉ biết… khóc. Đi đường núi, cua gấp khúc, trơn trượt vào đến xã để tới thôn lại là đường đất, lầy lội, không đi xe máy nổi. Lại có thôn, có nhà dân nằm cheo leo, “chỏng chơ” trên ngọn núi, muốn lên chỉ biết leo bộ, vách núi dựng đứng, đi tới thôn đã mất cả buổi sáng, tới nơi “tim chỉ muốn nhảy ra ngoài” nhưng lại phải làm việc ngay, quên cả ăn uống! “Mỗi ngày đi được 1-2 xã là thắng lợi lắm rồi! Có lần vào đợt Chiến dịch, tôi đi truyền thông, cung cấp dịch vụ cho người dân ở xã, về tới nhà trời đã gần sáng. Hơn 24 giờ vào thôn, phần lớn thời gian giành cho việc đi lại”, anh Hảo kể.

Tiếp lời anh Hảo, anh Lý Mí Lùng – Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Thái An chia sẻ, không cán bộ dân số nào không nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Nhưng khó khăn thì nhiều quá. Đối với bà con dân tộc Mông, phong tục tập quán còn rất nặng nề. Người dân – đặc biệt là người trung niên - vẫn có tư tưởng “đẻ cho hết trứng thì thôi” hay lớp trẻ “cứ thích là về ở với nhau” nên rất khó vận động sinh ít con, không tảo hôn. “Mỗi lần đến truyền thông tại thôn hay hộ gia đình, không ít người nghe chăm chú, gật đầu lia lịa đồng ý với mình, nhưng không làm theo, vẫn tiếp tục sinh con và tảo hôn”, anh Lùng trăn trở.

Tại TP Hà Giang, tình trạng tảo hôn dù ít nhưng vẫn còn tồn tại. Bà Nguyễn Thị Tuyết – Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ lo lắng: Thành phố vẫn phối hợp cùng Đoàn thanh niên triển khai mô hình truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), tác hại của tảo hôn tại các phường, xã và các trường THCS, THPT. “Nhưng dù cán bộ nói rất hay, rất cuốn hút, nhưng các em chỉ rúc rích cười, trêu chọc nhau. Chúng tôi tăng tính tương tác cho các em chia sẻ bằng cách đến gần hỏi chuyện, các em lại ngại ngần. Nhiều em tâm sự với tôi rằng, trước mặt đông người, không ai dám hỏi vấn đề “đùa dễ, nghiêm túc khó” này. Do đó, TP Hà Giang tha thiết muốn thành lập, triển khai góc tư vấn đảm bảo kín đáo, thân thiện, phù hợp với tâm lý của các em”, bà Nguyễn Thị Tuyết nói.

 

Ổn định tổ chức bộ máy

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ tỉnh Hà Giang (ngày 11/8) vừa qua, TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ lưu ý, Hà Giang đã có sự khác biệt rất lớn giữa công tác DS - KHHGĐ vùng cao và vùng đồng bằng, đòi hỏi phải có sự chuyển hướng linh hoạt. Trong thời gian tới, Hà Giang cần nghiên cứu, tham mưu cho Đảng ban hành các văn bản, chỉ thị về triển khai công tác DS - KHHGĐ trong tình hình mới; Có các dự án, đề án cụ thể để trình UBND, HĐND tỉnh, tập trung vào các vấn đề nóng, bức xúc của tỉnh hiện nay... Trong đó, toàn tỉnh phải sớm ổn định tổ chức bộ máy làm công tác DS - KHHGĐ, đặc biệt tại cấp huyện, xã.

Tại TPHà Giang, khi mức sinh đã dưới mức sinh thay thế, không nên chỉ chăm lo mục tiêu giảm sinh nữa mà cần tập trung nâng cao chất lượng dân số, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân thành thị. Còn tại các huyện vùng cao, nhiệm vụ giảm sinh vẫn là mục tiêu số một, đưa mức sinh về mức sinh thay thế. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng dân số, trước hết là giảm thiểu tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai, theo dõi thai nghén…

Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
3 giai đoạn của bệnh nhân sa sút trí tuệ người thân cần biết để chăm sóc

3 giai đoạn của bệnh nhân sa sút trí tuệ người thân cần biết để chăm sóc

Dân số và phát triển - 9 giờ trước

Sa sút trí tuệ là khi bạn dần mất đi các chức năng thần kinh do các bệnh ảnh hưởng tới não bộ. Chứng bệnh này sẽ phát triển theo 3 giai đoạn tệ dần.

Các thuốc điều trị nhiễm độc thai nghén

Các thuốc điều trị nhiễm độc thai nghén

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Nhiễm độc thai nghén có thể xuất hiện vào 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Nếu không được điều trị, nhiễm độc thai nghén có thể dẫn tới sảy thai, sinh non, sản giật. Những đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm độc thai nghén thường nhẹ cân, chậm phát triển so với tuổi thai và suy thai.

Thuốc điều trị bệnh lậu

Thuốc điều trị bệnh lậu

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Bệnh lậu có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng lậu kháng thuốc ngày càng tăng. Do đó cần điều trị theo kháng sinh đồ. Sau khi hết đợt điều trị mà vẫn còn triệu chứng, bệnh nên đến gặp bác sĩ.

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Thời tiết mùa hè nóng bức ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ mang thai. Quá nóng khi mang thai có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Duy trì sức khỏe âm đạo là một phần không thể thiếu để có sức khỏe tổng thể và việc thích ứng với những thay đổi theo mùa có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề tiềm ẩn.

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Nếu thường xuyên cảm thấy chướng bụng, nôn nao, mệt mỏi, dễ xúc động hoặc đang quá phụ thuộc vào caffeine hay đường, có thể là do rối loạn nội tiết tố. Tham khảo cách cải thiện bằng chế độ ăn uống.

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

GĐXH - Ngành Y tế Quảng Bình đang tập trung triển khai các hoạt động nhằm cải thiện sức khỏe cho đồng bào, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em...

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Việc vệ sinh vùng kín của nam giới hàng ngày là điều cần thiết. Nhưng vệ sinh vùng kín cho nam đúng cách thế nào không hẳn ai cũng biết.

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Nhiều người đàn ông sợ biến chứng quai bị hay phải điều trị ung thư đã gửi tinh trùng vào ngân hàng, để sau này vẫn có thể thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con.

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Các bệnh do nhiễm nấm Candida tuy gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng thường dễ điều trị và ít khi đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, tình trạng sẽ nghiêm trọng khi nấm Candida xâm nhập vào máu gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Top