Hà Nội
23°C / 22-25°C

Đà Nẵng bất an trước tin Quảng Nam dời nhà máy cán thép

Thứ hai, 11:38 10/10/2016 | Xã hội

GiadinhNet - Một nhà máy luyện cán thép đóng tại đồng bằng gây ô nhiễm khiến người dân Quảng Nam bức xúc nhiều năm nay, bỗng dưng được đồng ý di dời lên huyện miền núi. Chủ trương này còn khiến người dân và chính quyền TP Đà Nẵng lo ngại vì nếu nhà máy này gây ô nhiễm thì hậu quả sẽ khôn lường.

Người dân sống xung quanh vùng Nhà máy thép tập trung phản đối ô nhiễm nhiều năm nay. Ảnh: Đ.H
Người dân sống xung quanh vùng Nhà máy thép tập trung phản đối ô nhiễm nhiều năm nay. Ảnh: Đ.H

Dân sợ hãi khi sống gần nguồn ô nhiễm

Dư luận ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang xôn xao về chủ trương di dời nhà máy luyện cán thép Việt Pháp (hiện đóng tại Cụm CN Thương Tín 1, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) của tỉnh Quảng Nam, lên địa bàn miền núi là thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Người ta lo lắng bởi sợ Nhà máy gây ô nhiễm. Bắt đầu hoạt động từ năm 2012, nhiều lần người dân dựng lều trước cổng Nhà máy này để phản đối, yêu cầu này di dời khỏi khu dân cư. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ra “tối hậu thư” cho nhà máy này phải di dời khỏi khu dân cư vào cuối năm 2017.

Tuy nhiên, việc chính quyền tỉnh Quảng Nam thông báo di dời nhà máy này từ đồng bằng lên…miền núi lại khiến nhiều người lo ngại hơn bởi đây là khu vực đầu nguồn của nhiều sông suối. Nếu nhà máy này lại gây ô nhiễm nữa thì hậu quả sẽ khôn lường cho hàng triệu dân sống dưới vùng hạ du.

Theo thông báo Số 420/TB-UBND thì UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho phép Công ty TNHH Thép Việt Pháp (chủ đầu tư) được chọn địa điểm để lập dự án đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp, với vị trí tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Diện tích nghiên cứu khoảng 17,3ha. Chỉ mới nghe thông tin Nhà máy này đặt tại địa bàn mình sinh sống, nhiều người dân ở thôn Hoa bày tỏ lo lắng.

Ông Nông Văn Quảng (trú tại Thạnh Mỹ, Nam Giang) nói: “Nếu Nhà máy này đặt tại địa phương thì cuộc sống bà con chắc chắn bị đảo lộn bởi ô nhiễm. Khí thải của Nhà máy chắc chắn bay xa 5 - 6 km, nếu không đạt chuẩn môi trường nó theo khe suối rồi xuống sông thì không những dân ở đây bị ảnh hưởng mà dân ở các huyện hạ du như Đại Lộc cũng bị”.

Được biết, trước chủ trương di dời Nhà máy théo lên địa bàn mà tỉnh Quảng Nam đã đồng ý, vừa qua chính quyền thị trấn Thạnh Mỹ cũng đã tổ chức họp với 17 hộ dân tại thôn Hoa để thông báo những thông tin liên quan đến dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp. Tuy nhiên, đa số người dân nơi đây đều phản đối, không muốn Nhà máy này đặt tại địa phương. Theo ông Kaphu Tân, Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang thì không hiểu lý do vì sao UBND tỉnh Quảng Nam ký công văn cho phép khảo sát tại thôn Hoa.

“Đối với chính quyền địa phương sẽ làm công văn đề nghị UBND huyện và Công ty TNHH Thép Việt Pháp lấy ý kiến của toàn dân thôn Hoa”, ông Kaphu Tân cho biết.

Chính quyền TP Đà Nẵng lo lắng

Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp chuẩn bị di dời địa điểm mới (ảnh tư liệu).
Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp chuẩn bị di dời địa điểm mới (ảnh tư liệu).

Trước thông tin di dời nhà máy thép Việt Pháp lên thượng nguồn, lãnh đạo TP Đà Nẵng bày tỏ lo lắng. Vào ngày 6/10, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký văn bản số 8212/UBND-TNMT, trong đó nêu rõ:

Qua phản ảnh của các cơ quan thông tấn báo chí, UBND TP Đà Nẵng được biết UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý chủ trương cho phép đầu tư Dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp quy mô 180.000 tấn/năm tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang thuộc lưu vực sông Vu Gia đang cung cấp khoảng 250.000 m3/ngày đêm cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, TP Đà Nẵng, chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại Đà Nẵng.

“Chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng hết sức quan ngại việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho vùng hạ du của TP Đà Nẵng”, văn bản viết.

Đà Nẵng cũng cho rằng, theo các nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa hai địa phương thì: “Các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải được xem xét, lấy ý kiến của hai địa phương và các cơ quan Trung ương có liên quan”. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp, chia sẻ các thông tin liên quan đến dự án, đặc biệt ảnh hưởng của dự án đến môi trường lưu vực sông Vu Gia để có cơ sở giải thích cho nhân dân TP Đà Nẵng được biết.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam thì Nhà máy này chỉ ô nhiễm tiếng ồn và bụi chứ không phát sinh nước thải. Đồng thời, ông Quang khẳng định, tỉnh cương quyết chủ trương không đánh đổi môi trường, không phải vì dự án mà bất chấp tất cả.

Chủ đầu tư đòi hỗ trợ hơn 123 tỷ đồng

Vị trí di dời Nhà máy thép tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang khiến Đà Nẵng cũng lo lắng vì sợ ô nhiễm.
Vị trí di dời Nhà máy thép tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang khiến Đà Nẵng cũng lo lắng vì sợ ô nhiễm.

Điều đáng nói, để di dời nhà máy này, phía chủ đầu tư lại đề nghị nhà nước hỗ trợ kinh phí hơn 123 tỷ đồng để thực hiện. Số tiền “khủng” này nằm ngoài tầm với của thị xã Điện Bàn. Theo ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thì thị xã mới có báo cáo tình hình hoạt động của Nhà máy thép Việt Pháp gửi UBND tỉnh và các cơ quan cấp trên.

Ông Úc cho biết, Nhà máy thép Việt Pháp hoạt động từ năm 2012 đến nay với công nghệ lò cảm ứng trung tần, nguyên liệu để sản xuất ra phôi thép 100% là thép phế liệu cộng với phụ gia, công suất 48.000 tấn/năm.

“Nhà máy thép này gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam từ năm 2014, UBND huyện Điện Bàn lúc bấy giờ (nay là thị xã Điện Bàn) đã ngồi lại cùng với Công ty và cơ quan chức năng để tìm giải pháp. Địa điểm cụm công nghiệp Đại Nghĩa 2 (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) được chọn để lập kế hoạch di dời. Tuy nhiên, sau này, doanh nghiệp lại chọn vị trí là thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) để đặt Nhà máy”, ông Úc cho biết.

Đặc biệt, ông Úc cho rằng, theo kế hoạch di dời nhà máy do Công ty TNHH thép Việt Pháp đưa ra có đề nghị nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí 123,85 tỷ đồng mới có điều kiện tổ chức thực hiện. Với số tiền đề nghị hỗ trợ nêu trên thì thị xã Điện Bàn không có khả năng về ngân sách để bồi thường, hỗ trợ Nhà máy thép.

Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thì qua khảo sát, Nhà máy thép chỉ có mùi hôi trong quá trình nấu thép phế thải và tiếng ồn, còn nước thải không đáng kể vì Nhà máy này không phải luyện phôi từ quặng. Vị trí di dời Nhà máy tại thôn Hoa cũng chỉ là do doanh nghiệp đề xuất. Các ngành chức năng còn phải khảo sát, đánh giá và quan trọng nhất là lấy ý kiến của người dân. Nếu người dân đồng thuận thì làm, không thì sẽ tìm giải pháp khác.

Đức Hoàng

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Vụ thi thể đôi nam nữ dưới ao ở Bắc Giang: Hoàn cảnh cô gái đặc biệt khó khăn

Vụ thi thể đôi nam nữ dưới ao ở Bắc Giang: Hoàn cảnh cô gái đặc biệt khó khăn

Thời sự - 39 phút trước

Do gia đình V. luôn có người ốm đau, phải lo tiền thuốc thang và chữa trị nên hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

Dùng thủ đoạn huy động vốn để lừa gần 8 tỉ đồng

Dùng thủ đoạn huy động vốn để lừa gần 8 tỉ đồng

Pháp luật - 1 giờ trước

GĐXH - Để lừa các nạn nhân, Huệ đưa ra thông tin gian dối về việc bản thân ký được hợp đồng với đại lý mua hàng hóa của 1 tập đoàn lớn và được chiết khấu phần trăm cao. Do tin tưởng đối tượng, nhiều người đã sập bẫy với số tiền hàng tỉ đồng.

Rủ nhau đi tắm, nam sinh lớp 9 gặp nạn dẫn đến tử vong

Rủ nhau đi tắm, nam sinh lớp 9 gặp nạn dẫn đến tử vong

Xã hội - 1 giờ trước

GĐXH - Vào chiều qua, một nam sinh lớp 9 ở Hải Phòng cùng bạn rủ nhau đến khu vực hồ chứa Nhà máy nước Vật Cách tắm và không may bị đuối nước tử vong.

Ném đá văng vào nhà hàng xóm, 5 cháu nhỏ bị đánh bầm tím

Ném đá văng vào nhà hàng xóm, 5 cháu nhỏ bị đánh bầm tím

Thời sự - 2 giờ trước

Năm cháu nhỏ trong lúc đùa nghịch ném đá không may văng vào nhà hàng xóm. Lúc này người phụ nữ cùng con trai trong nhà đi ra chửi, đánh đập các cháu nhỏ.

Lễ Quốc khánh 2/9/2024 được nghỉ mấy ngày?

Lễ Quốc khánh 2/9/2024 được nghỉ mấy ngày?

Thời sự - 4 giờ trước

GĐXH - Dịp Lễ Quốc khánh năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ từ thứ Bảy ngày 31/8 đến hết thứ Ba ngày 3/9, kéo dài 4 ngày.

Nắng nóng sắp quay lại miền Bắc sau không khí lạnh gây mưa dông

Nắng nóng sắp quay lại miền Bắc sau không khí lạnh gây mưa dông

Thời sự - 5 giờ trước

GĐXH - Từ ngày 10/5, nắng nóng có thể quay trở lại miền Bắc sau đợt mưa dông do ảnh hưởng không khí lạnh, tuy nhiên chưa đến mức độ gay gắt.

Đồng Nai: Hàng chục cảnh sát xuống giếng tìm bé trai mất tích

Đồng Nai: Hàng chục cảnh sát xuống giếng tìm bé trai mất tích

Thời sự - 5 giờ trước

Bé trai đi chơi với bạn rồi bất ngờ mất tích. Gia đình cùng lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm.

Tin sáng 5/5: Thông tin mới nhất vụ tạt sơn 6 ô tô ở Hà Nội; tiết lộ doanh thu khủng 'Lật mặt 7' sau một tuần công chiếu

Tin sáng 5/5: Thông tin mới nhất vụ tạt sơn 6 ô tô ở Hà Nội; tiết lộ doanh thu khủng 'Lật mặt 7' sau một tuần công chiếu

Thời sự - 5 giờ trước

GĐXH - Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã bắt giữ nhóm đối tượng gây ra vụ 6 xe ô tô bị tạt sơn tại chung cư; sau 7 ngày công chiếu “Lật mặt 7: Một điều ước” của đạo diễn Lý Hải đã đạt doanh thu vượt mốc 200 tỷ đồng.

3 nhóm đối tượng được điều chỉnh tăng lương hưu từ 1/7/2024

3 nhóm đối tượng được điều chỉnh tăng lương hưu từ 1/7/2024

Đời sống - 5 giờ trước

GĐXH - Bộ LĐ,TB&XH đã đưa ra phương án đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thực hiện từ ngày 1/7/2024 cùng với chính sách tiền lương mới. Ba nhóm đối tượng nào được điều chỉnh tăng lương hưu khi cải cách tiền lương?

Vụ nổ ở Đồng Nai khiến 6 người thiệt mạng: Lò hơi chưa có giấy tờ kiểm định

Vụ nổ ở Đồng Nai khiến 6 người thiệt mạng: Lò hơi chưa có giấy tờ kiểm định

Thời sự - 13 giờ trước

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, Công ty gỗ Bình Minh chưa đăng ký sử dụng thiết bị an toàn lao động, chưa có các giấy tờ kiểm định lò hơi.

Top