Hà Nội
23°C / 22-25°C

45 năm khắc khoải chờ chồng

Thứ hai, 17:14 02/05/2016 | Gia đình

GiadinhNet - “Ta sẽ viết lên - viết lên sự thật/ Của đời ta trong khói lửa chiến tranh/ Trong lửa đạn, khói bom thù chồng chất/ Hay hòa bình cây lá lại màu xanh”. Đó là trang mở đầu cuốn nhật ký dài hơn 100 trang được ghi bằng cả thơ lẫn văn xuôi của liệt sĩ Đoàn Anh Thông đề ngày 14/9/1965. Hàng năm, cứ đến ngày 30/4, gia đình lại đặt toàn bộ thư từ, nhật kí của liệt sĩ Đoàn Anh Thông lên bàn thờ để tưởng nhớ, vì thông tin hài cốt liệt sĩ bấy lâu nay vẫn bặt vô âm tín và người thân không còn lại gì ngoài những kỉ vật thiêng liêng.

Bà Lê Thị Chạy – vợ liệt sĩ Đoàn Anh Thông bên những lá thư của chồng. Ảnh: Lữ Mai
Bà Lê Thị Chạy – vợ liệt sĩ Đoàn Anh Thông bên những lá thư của chồng. Ảnh: Lữ Mai

Từ một linh cảm lạ

Về thôn Thanh Khê (xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) vào những ngày tháng này, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động khi chứng kiến làng xóm, họ hàng đến nhà bà Lê Thị Chạy thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Đoàn Anh Thông - chồng bà.

“Trước lúc hi sinh 10 ngày, ông ấy gửi thư về cho tôi. Lá thư được viết từ chiến trường Quảng Bình đề ngày 16/11/1971. Khi ấy, tôi đang có mang đứa con đầu lòng. Chính tôi cũng không ngờ rằng đó là lá thư cuối cùng chồng mình gửi lại. Trong thư ông dặn tôi: Chúng mình gặp nhau vào đúng cơn bão số 8 năm 1971, nếu sinh con trai mình đặt tên con là Phong, sinh con gái đặt tên là Thủy”, bà Chạy nghẹn ngào nói trong nước mắt.

Bà không nén nổi xúc động khi kể về những kỉ niệm hiếm hoi bên chồng: “Nhập ngũ được hai năm thì ông ấy về cưới tôi. Ăn ở với nhau trọn một tuần thì lại lên đường, đóng quân bên cầu Đuống. Tôi đã có lần lên thăm chồng ở trận địa pháo giữa cánh đồng. Ngày đơn vị ông ấy hành quân vào chiến trường B, tôi chỉ thoáng thấy bóng chồng trên xe mà không thể gặp mặt. Ai ngờ, chuyến đó, ông ấy đi luôn cho đến tận bây giờ…”.

Vừa tâm sự, bà Chạy vừa lần giở những lá thư của chồng viết trên giấy đã ngả màu với những dòng chữ màu mực xanh Cửu Long liêu xiêu:“Đôi ta đang sống trong thời kì cả nước chiến tranh, anh xa em, xa cả người cha người mẹ ở nơi hậu phương. Anh tranh thủ biên thư về cho em vào giữa lúc toàn quân đang chống Mỹ, giữa lúc quân và dân hai miền đang thắng lớn… Anh viết cho em, lòng anh khó nghĩ quá và cũng tự hỏi không biết nói gì với em đây… Không có chiến tranh thì trong những giờ phút này, mình đang làm gì nhỉ?”.

Như bao mối tình đẹp đẽ, đậm chất lý tưởng thời chiến tranh, tình yêu giữa chiến sĩ Đoàn Anh Thông và người con gái thôn quê chân chất đã nảy nở từ trong lòng gian khổ, khó khăn. Mồ côi mẹ từ khi mới chập chững lên năm, Đoàn Anh Thông lớn lên trong sự lam lũ của người cha quanh năm vất vả cày bừa. Lập gia đình, tình cảm ấy còn được người chiến sĩ trẻ chia sẻ cho gia đình bên vợ. Bố vợ ông là cán bộ tình báo thời kháng chiến chống Pháp bị địch giam giữ và sát hại. Với gia đình, rất nhiều giai đoạn, trong cùng một ngày, chiến sĩ Đoàn Anh Thông đã dành thời gian gửi về cho mỗi người từ bố đẻ, vợ, mẹ vợ… một lá thư riêng.

“Con, Thông! Đứa con yêu quý của thầy đã phải xa thầy, xa bà con hàng xóm hơn bốn năm trời ròng rã… bốn năm đó, con đi biền biệt trên các nẻo đường của Tổ quốc. Giờ đây điểm lại mới thấy sao mà vất vả thế, con người cũng già dặn hơn trong khói lửa và đạn bom… Thầy hãy bớt nghĩ về con và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, còn chỉ để riêng con suy nghĩ về gia đình và thầy thôi”; “Làm sao tuổi thọ của mẹ càng ngày càng tăng, chờ ngày chiến thắng con sẽ về, lúc đó gia đình đầm ấm hơn xưa”… Đó là hai trong số ba lá thư liệt sĩ Thông gửi về gia đình cùng ngày 16/3/1968 cho bố đẻ và mẹ vợ.

Gần 40 năm qua, bà Lê Thị Chạy, vợ liệt sĩ Đoàn Anh Thông đã ở vậy thờ chồng, nuôi con. Dù tuổi đã gần 70, bà vẫn thuộc lòng từng câu từng chữ của hàng trăm bức thư chồng mình để lại, nhớ cả các chữ số đầy trúc trắc từ số hiệu hòm thư, nhớ từng chặng đường hành quân của chồng. “Trước lúc hi sinh, chồng tôi có dịp trở về viếng người em họ cũng là đồng đội chiến đấu, hài cốt đã được quy tập tại nghĩa trang quê nhà. Như có sự linh cảm bất thường, ông ấy ghé qua nhà, để lại toàn bộ kỉ vật đời lính gồm nhật kí, thư từ, sách vở ghi chép suốt quá trình học tập trong trường lớp sĩ quan cho đến võng tăng, quân phục… Đó là lần trở về cuối cùng của ông ấy bên người thân, làng xóm. Mấy chục năm qua, gia đình tôi đã lần theo thông tin trên các kỉ vật ấy bôn ba khắp chốn, gặp gỡ đồng đội, nhà ngoại cảm… mong tìm được nơi yên nghỉ của chồng con nhưng vô vọng” – bà Chạy tâm sự.

45 năm sống trong hy vọng

Bà Chạy và gia đình con trai. Ảnh: Lữ Mai
Bà Chạy và gia đình con trai. Ảnh: Lữ Mai

Liệt sĩ Đoàn Anh Thông hi sinh năm 1971, nhưng mãi đến năm 1976 mới có giấy báo tử. Nghe tin sét đánh, bà Chạy bỗng thấy trời đất như sụp xuống, tai ù đi, đôi mắt giàn giụa nước mắt từ bao giờ. Bấy giờ, bà vừa chăm con thơ, cha già mẹ yếu, phải gượng dậy, gạt nước mắt để gánh vác gia đình. “Có lần tôi đi làm chế độ cho con, người cán bộ chính sách huyện cứ gặng hỏi: Tại sao chồng hi sinh năm 1971 mà năm 1972 mới sinh con? Không còn cách nào khác, tôi về mang những lá thư của chồng đến. Người cán bộ ấy và tôi nhìn nhau trong nước mắt”, bà Chạy nhớ lại.

Lớn lên không biết mặt cha, anh Đoàn Nam Phong - con trai duy nhất của liệt sĩ Đoàn Anh Thông, hiện là cán bộ ngành y - tâm sự: “Tôi đã từng nghĩ thời gian sẽ xoa dịu mọi nỗi đau. Nhưng trong một gia đình không thể tìm được nơi người thân yên nghỉ thì nỗi day dứt vẫn chưa thể nào nguôi. Mỗi lần địa phương có gia đình liệt sĩ tìm được mộ thân nhân là đêm ấy mẹ con tôi thức trắng, thắp hương lên bàn thờ tổ tiên và ôm nhau khóc. Chúng tôi mừng cho họ và tủi cho mình”.

Trên giấy báo tử của liệt sĩ ghi rõ: “Đoàn Anh Thông, sinh năm 1946, nguyên quán Nam Cường, Nam Ninh, Hà Nam Ninh. Nhập ngũ năm 1965, chức vụ Trung đội trưởng, cấp bậc Thiếu úy, đơn vị 0.117 – E234 – F361. Hy sinh ngày 26/11/1971 trong trường hợp chiến đấu chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc, được công nhận là liệt sĩ”. Tuy nhiên, thông tin trong những trang thư và những dòng nhật kí còn lại của liệt sĩ Đoàn Anh Thông khá phức tạp. Có lúc ông ở đại đội 137, Trung đoàn 223, có lúc ông lại trực thuộc tiểu đoàn bộ của Trung đoàn 257. Lần theo địa chỉ ghi trên các bì thư, trận địa pháo 37mm của ông đóng quân ở rất nhiều nơi: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Tây, Hà Bắc, Nam Định, Quảng Bình.

Vợ ông tìm đến rất nhiều người đồng đội của chồng và trong chặng đường kiếm tìm ấy, bà gặp ông Nguyễn Văn Hoạch – người trực tiếp chôn cất liệt sĩ Đoàn Anh Thông và 5 người đồng đội khác nhưng ông Hoạch bị sức ép bom nên trí nhớ không còn minh mẫn nữa. Lúc tỉnh táo, ông Hoạch kể, trận địa ngày ấy được bố trí bảo vệ binh trạm và bệnh viện Cự Nẫm. Khẩu đội của ông Thông bị địch oanh tạc lúc 5h chiều nhưng mãi đến 7h tối, ông Hoạch và đồng đội mới khiêng họ qua Cổng Trời, mai táng ở ven đường. Trong mộ liệt sĩ Thông còn có chiếc bát, do bị thương được úp vào bụng và một chiếc bút máy. Chiếc bút này đồng đội có ý giữ lại để gửi về gia đình nhưng vốn thấy ông Thông là người chăm viết nên đã bỏ lại vào túi với lời khấn thầm: “Thôi, cậu mang bút xuống đó mà viết nhé”.

Tất cả những lá thư liệt sĩ Đoàn Anh Thông gửi về đều ghi số hiệu hòm thư. Hiện tại, Cục Quân lực - Bộ Quốc phòng đã cơ bản giải mã các phiên hiệu, ký hiệu đơn vị trong chiến tranh nhưng thông tin về liệt sĩ Đoàn Anh Thông quá nhiều, chồng chéo nên người thân vẫn chưa tìm được hài cốt của ông.

Những ngày này, ai cũng rưng rưng trong niềm vui thống nhất đất nước. Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã yên bình no ấm, nhưng với bà Lê Thị Chạy và người thân thì 45 năm qua, họ vẫn chưa nguôi đợi chờ và sự day dứt khôn nguôi... Vừa tiếp chuyện chúng tôi, con trai liệt sĩ Đoàn Anh Thông vừa xếp những lá thư ngả màu của cha vào chiếc hộp gỗ mà gia đình anh hết mực nâng niu như gìn giữ những tia hi vọng về nơi an nghỉ của cha mình.

Trao đổi về trường hợp của liệt sĩ Đoàn Anh Thông, chị Tiểu Thúy - BTV chương trình Đi tìm đồng đội, Trung tâm PT-TH Quân đội cho biết: “Trường hợp của liệt sĩ Đoàn Anh Thông, gia đình nhận giấy báo tử năm 1976 thì khả năng tìm kiếm được mộ liệt sĩ rất khó vì những liệt sĩ báo tử sau hòa bình thường là thiếu thông tin về nơi hi sinh hoặc nơi an táng ban đầu. Các thông tin trong những bức thư chính là đầu mối quan trọng, có thể căn cứ vào đó để lần tìm thông tin của đơn vị khi liệt sĩ hi sinh, để từ đó từng bước tìm kiếm phần mộ của liệt sĩ. Ngoài những bức thư, thông tin trong trích lục quân nhân cũng là cơ sở để xác định thông tin tìm kiếm”.

Lữ Mai/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Lây nhiễm ngoại tình

Lây nhiễm ngoại tình

Chuyện vợ chồng - 24 phút trước

GĐXH - Sự tiếp xúc với sự không chung thủy có thể thuyết phục não bộ một người bình thường hóa hành vi đó và khiến bạn ít coi trọng sự chung thủy, mong muốn có đối tác thay thế.

Cặp vợ chồng bạo lực trả thù nhau đáng sợ khiến cảnh sát vào cuộc điều tra

Cặp vợ chồng bạo lực trả thù nhau đáng sợ khiến cảnh sát vào cuộc điều tra

Chuyện vợ chồng - 3 giờ trước

Lý do cô vợ Trung Quốc dội nước sôi vào chồng được cho là để trả thù vì xin tiền mua nhà cho em trai không được, diễn biến phức tạp sau đó khiến cảnh sát vào cuộc.

Bị con dâu chê bai việc trông cháu, bố chồng quát lên: 'Tôi đã nhịn cô rất lâu rồi'

Bị con dâu chê bai việc trông cháu, bố chồng quát lên: 'Tôi đã nhịn cô rất lâu rồi'

Gia đình - 3 giờ trước

GĐXH - Cãi nhau với bố chồng về vấn đề chăm sóc trẻ nhỏ, cô con dâu tuyên bố: 'Bố trông con cũng chẳng yên tâm. Con của con, con sẽ tự mình chăm sóc'.

Bạn sẽ không biết được cảm xúc thật của 6 cung hoàng đạo nam này khi tiếp xúc

Bạn sẽ không biết được cảm xúc thật của 6 cung hoàng đạo nam này khi tiếp xúc

Gia đình - 3 giờ trước

GĐXH - Có những chàng trai bề ngoài luôn tỏ ra cực bình thản, vô sự nhưng lại giấu trong lòng những xúc cảm vô cùng "dậy sóng".

Trẻ em Việt được dùng điện thoại sớm 4 năm so với thế giới: Tỷ phú Bill Gates khẳng định đây mới là độ tuổi an toàn nhất để trẻ sử dụng smartphone

Trẻ em Việt được dùng điện thoại sớm 4 năm so với thế giới: Tỷ phú Bill Gates khẳng định đây mới là độ tuổi an toàn nhất để trẻ sử dụng smartphone

Nuôi dạy con - 15 giờ trước

Trung bình cứ 9 tuổi, trẻ em Việt Nam được sở hữu điện thoại di động, trong khi độ tuổi tương tự trên thế giới là 13.

7 việc làm của cha mẹ hôm nay sẽ khiến con có một tương lai thất bại

7 việc làm của cha mẹ hôm nay sẽ khiến con có một tương lai thất bại

Nuôi dạy con - 15 giờ trước

GĐXH - Cha mẹ đang dọn sẵn sự thất bại cho con nếu vẫn đang nuôi dạy con theo cách này.

Phụ nữ sinh tháng này có số làm mệnh phụ phu nhân, lấy chồng giàu có

Phụ nữ sinh tháng này có số làm mệnh phụ phu nhân, lấy chồng giàu có

Gia đình - 20 giờ trước

GĐXH - 5 cung hoàng đạo nữ này sinh ra đã có số kết hôn với người giàu sang, cả đời ăn sung mặc sướng.

Tháng 5 đầy hứa hẹn của 5 con giáp, không chỉ được quý nhân phù trợ thăng hoa trong tình yêu mà còn may mắn trong việc này

Tháng 5 đầy hứa hẹn của 5 con giáp, không chỉ được quý nhân phù trợ thăng hoa trong tình yêu mà còn may mắn trong việc này

Gia đình - 1 ngày trước

GĐXH - Tháng 5 hứa hẹn sẽ mang đến tình yêu ngọt ngào, hứa hẹn một chặng đường phía trước đầy phấn khởi và thịnh vượng cho năm con giáp.

Top