Hà Nội
23°C / 22-25°C

Tâm sự của những bác sĩ trẻ tình nguyện “rời phố về bản”

Thứ ba, 07:02 27/02/2018 | Y tế

GiadinhNet - Họ là những bác sĩ trẻ, tốt nghiệp loại Khá, Giỏi tại các trường đại học y khoa lớn tình nguyện về vùng khó khăn công tác. Trong câu chuyện với chúng tôi đầu xuân, điều các bác sĩ trẻ luôn ấp ủ là làm sao để bà con nghèo sẽ quan tâm hơn đến chăm sóc sức khỏe và cán bộ y tế vùng khó khăn được nâng cao trình độ, tạo dựng niềm tin với nhân dân…


BS Phạm Văn Tuấn khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Ba Bể.

BS Phạm Văn Tuấn khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Ba Bể.

Ca cấp cứu lúc 1h sáng

Khi mới chào đời được 28 ngày, bé Cà Hạo Nhiên (ở thôn Nà Án, xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) có biểu hiện ho, khó thở, thở hóp lõm bụng, hõm cổ kéo sâu, kèm sốt cao. Lo sợ, dù 12h đêm, bà Trần Thị Linh (bà ngoại bé) vẫn giục con gái (SN 2000) bế con lên Trạm Y tế xã, rồi từ đó chạy 7km lên Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm. Lúc này, bé Hạo Nhiên đã lả đi, sự sống rất mong manh. “Hạo Nhiên lúc đó đã mặt tím tái, lạnh ngắt. Thật sự gia đình đã rất tuyệt vọng, thậm chí còn động viên mẹ bé cho con bú lần cuối”, bà Linh nhớ lại.

1h sáng, nhận được điện thoại của kíp trực, BS Đỗ Phương (SN 1990) tất tả chạy từ nhà tập thể của Trung tâm Y tế huyện lên Phòng Cấp cứu hội chẩn cùng kíp trực. Tiếp nhận bệnh nhi, ngay lập tức, vị bác sĩ trẻ tuổi chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng, cho bé thở bình oxy, kèm thở khí bóp bóng. “Gia đình nằng nặc đòi đưa con lên bệnh viện tỉnh cách 100km, đi mất khoảng 4 tiếng. Chưa kể, đường xóc, trường hợp nặng như thế di chuyển rất nguy hiểm. Tôi động viên gia đình theo dõi, nếu trẻ chuyển biến tốt thì ở lại, có dấu hiệu nặng hơn là ngay lập tức cho chuyển tuyến”, BS Đỗ Phương nhớ lại giây phút “cân não” vào đầu năm 2018.

Rất may, bé Hạo Nhiên có những dấu hiệu đáp ứng với phương pháp điều trị của BS Phương. Ba ngày sau khi vào viện, dù bé Hạo Nhiên còn ho, khó thở, phải thở oxy, nhưng dấu hiệu tiến triển khá rõ. Chỉ một tuần sau, khi BS Phương ghé vào buồng bệnh thăm bệnh nhi bé nhỏ, anh rất ngạc nhiên khi bé đã được mẹ bế ra hành lang, vui cười. “Tôi quá ngạc nhiên vì bé tiến triển quá nhanh. Nếu hôm đó cho chuyển tuyến ngay, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, BS Phương chia sẻ.

Giờ thì bé Hạo Nhiên đã có thể bú mẹ. “Lúc vào viện, em chỉ biết tuyệt vọng ôm con và khóc, nhìn thấy tử thần cướp con mình đi. Em không tin nổi giờ em có thể nằm đây cho con bú, nhìn con giao tiếp, cười với mình”, mẹ bé Hạo Nhiên không ngăn được dòng nước mắt chia sẻ.

Đây là một trong những bệnh nhi đã được BS Đỗ Phương cứu sống tại Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm. BS Đỗ Phương quê ở Thanh Hoá, thuộc biên chế của Bệnh viện Nhi Trung ương. Anh tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội năm 2015 với tấm bằng loại Khá. Tham gia Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo), anh được đào tạo bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong 2 năm. Tháng 8/2017, anh tình nguyện về Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm công tác. Trong thời gian ngắn, hàng loạt kỹ thuật mới đã được anh triển khai. BS Phương đã phát hiện được 5 trẻ mắc tim bẩm sinh và giới thiệu chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương can thiệp. Đến nay, đã có hai ca được can thiệp thành công, khoẻ mạnh. Ngoài ra còn rất nhiều ca giãn đại tràng bẩm sinh, hội chứng thận hư… đã được BS Phương phát hiện, sớm điều trị thành công hoặc tư vấn giới thiệu địa chỉ can thiệp.

Theo BS Ngô Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm, dù dân số huyện chỉ khoảng 32.000 người, nhưng số sinh trong năm rất lớn. Mỗi ngày, Trung tâm khám khoảng 20 bệnh nhi, chủ yếu là hô hấp, tiêu hoá. Trong khi toàn Trung tâm chỉ có 2 bác sĩ Nhi khoa, tình trạng quá tải vẫn thường xảy ra mỗi mùa giá rét.

Trăn trở với bệnh nhân nghèo…


Bé Cà Hạo Nhiên - bệnh nhi được BS Đỗ Phương cứu sống.                 Ảnh: T.Nguyên

Bé Cà Hạo Nhiên - bệnh nhi được BS Đỗ Phương cứu sống. Ảnh: T.Nguyên

“Ở các địa phương khác, mỗi bác sĩ khám cho bệnh nhân từ 10-15 phút, nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số (tại Pác Nặm chủ yếu là dân tộc Tày, Mông, Dao), tiếng Kinh không rõ, lại không biết diễn đạt tình trạng đau của mình, bác sĩ phải nhờ “phiên dịch viên” là đồng nghiệp, hoặc người nhà bệnh nhân khác dịch, thời gian khám có khi lên tới gần 1 tiếng đồng hồ, bác sĩ phải kiên nhẫn hơn rất nhiều”, ông Lê Văn Hội - Bí thư Huyện uỷ Pác Nặm chia sẻ với chúng tôi.

Ngôn ngữ là rào cản đầu tiên với các bác sĩ trẻ từ Thủ đô về vùng khó khăn. Đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi Trung ương và cũng là người cùng đợt về Bắc Kạn với BS Đỗ Phương còn có BS Nhi khoa Phạm Văn Tuấn (SN 1989, quê ở Hải Dương). BS Tuấn tốt nghiệp hạng Giỏi, ĐH Y Hải Phòng. Về Ba Bể công tác, BS Tuấn đã “vận công” để học thêm “ngoại ngữ” là tiếng dân tộc để giao tiếp với bà con, bệnh nhân.

Sau 5 tháng công tác, BS Tuấn đã thực hiện được 33 kỹ thuật, trong đó 4 kỹ thuật mới được triển khai sau khi bác sĩ trẻ về công tác. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, khi về vùng khó, các bác sĩ Tuấn, Phương còn trực tiếp giảng bài theo các chuyên đề, bồi dưỡng chuyên môn cho các đồng nghiệp tại đơn vị.

BS Tuấn nhớ lại, buổi sáng hôm đó, một bệnh nhi 3 tuổi người dân tộc Mông vào viện trong tình trạng sốt cao, viêm họng. Khi được chuyển lên Khoa Nội nhi, trực tiếp BS Tuấn nghe phổi, phát hiện có tổn thương, nghĩ ngay đến viêm phổi nghi có tràn dịch màng phổi. BS Tuấn đã chỉ định bệnh nhi chụp X-quang, chẩn đoán xác định đúng. Ngay chiều cùng ngày, BS Tuấn đã hướng dẫn cho một bác sĩ trẻ và các điều dưỡng viên tại Khoa Thủ thuật chọc dịch màng phổi cho bệnh nhi này mà không phải chuyển tuyến. Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhi ổn định và ra viện.

“Chuyên môn kỹ thuật là vậy, nhưng khó nhất là giao tiếp với bệnh nhân. Bác sĩ không biết tiếng, bệnh nhân lại không nói nhiều. Rất nhiều trường hợp trẻ không ở nhà cùng bố mẹ, vì bố mẹ đi nương, đi làm ăn xa, chỉ có ông bà đưa lên viện, nên càng khó. Chẩn đoán chính xác rồi, giải thích bệnh để bệnh nhân và người nhà hiểu và hợp tác càng khó nữa”, BS Tuấn chia sẻ. Vậy nên, bác sĩ trẻ này không giấu mục tiêu, sau 3 năm “nằm vùng”, “trình” tiếng dân tộc sẽ được cải thiện đáng kể. Bởi biết đâu, anh sẽ là phiên dịch viên của những bệnh nhân người dân tộc khi về điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Về công tác tại huyện nghèo, những “thanh niên thành thị” như BS Tuấn, BS Phương mới thấm nỗi khó khăn không chỉ với cán bộ ngành Y mà còn của bà con. BS Phương ngậm ngùi, có những bệnh nhi dù mùa đông giá rét 1-2 độ C, nhưng chỉ mặc duy nhất một tấm áo mỏng tang, lại có những người chỉ nằm viện mới 3 ngày đã kêu với bác sĩ “hết tiền ăn rồi, về nhà thôi”.

BS Phương chia sẻ: “Thương nhất là có những bệnh nhân vượt quá khả năng điều trị ở tuyến huyện, chúng tôi tư vấn chuyển tuyến tỉnh nhưng họ nghèo quá, nào có đi nổi. Khi đó, các bác sĩ không chỉ cứu người, chữa bệnh, mà còn đi tìm quần áo cho người bệnh, hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân”.

Cũng vì người nghèo, BS Tuấn đã đề xuất Trung tâm Y tế huyện Ba Bể xây dựng quỹ cho người dân nghèo, khi bản thân anh đã rất nhiều lần tự bỏ tiền túi cho bệnh nhân mua cơm ăn để họ ở lại điều trị bệnh dứt điểm. Những trường hợp nặng quá, phải lên tuyến Trung ương, BS Tuấn lại tự tay viết giấy giới thiệu, hoặc thông tin qua Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Nhi Trung ương để được hỗ trợ.

Một bác sĩ tại Khoa Nội nhi (Trung tâm Y tế huyện Ba Bể) chia sẻ với chúng tôi, có bệnh nhi là con thứ 7 trong gia đình, đang trong quá trình điều trị, nhưng vì nghèo quá, sức khoẻ mẹ lại yếu, nên cùng quẫn nói với bác sĩ chấp nhận xin về để con chết. Nhưng BS Tuấn đã thức cả đêm trông con cho gia đình để bà mẹ có được một giấc ngủ ngon, có sức khoẻ để cùng con ở lại điều trị.

Với những bác sĩ trẻ, chuyên ngành Nhi khoa tình nguyện về vùng khó khăn như BS Tuấn, BS Phương hay nhiều bác sĩ khác, ánh mắt trong veo, tiếng cười khanh khách của những bệnh nhi được điều trị thành công thực sự là động lực để “níu chân” các anh. 6 tháng làm việc tại một trong những vùng khó nhất cả nước, các anh đã quen với việc bệnh nhân gọi tất cả những người mặc áo blouse trắng là bác sĩ, hay đang điều trị lại “cứ thế mà ra viện”, chưa nói đến việc gửi lời cảm ơn bác sĩ đã điều trị thực sự là hiếm hoi…

BS Ngô Văn Thảo chia sẻ, điều nhận thấy rõ nhất sau khi có bác sĩ trẻ về là tỷ lệ chuyển tuyến Nhi khoa đã giảm. Ngày trước, ngày nào xe cấp cứu cũng chạy, nay chỉ còn khoảng 100 ca/năm.

“Với bà con đồng bào dân tộc không có điều kiện lên tuyến cao hơn, mọi xử lý trông cậy cả vào bác sĩ. Nhưng điều làm tôi suy nghĩ mãi là tục lệ cổ hủ: Ốm thì mời thầy cúng trước, không được mới vào viện. Biết là rất khó để thay đổi, nhưng tôi rất hi vọng 3 năm gắn bó, bằng niềm tin xây dựng được với bác sĩ, bà con sẽ dần hiểu hơn, quan tâm hơn đến chăm sóc sức khoẻ”, BS Đỗ Phương tâm sự.

Thu Nguyên

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Y tế - 7 giờ trước

Sau khi lần lượt mờ 2 mắt, với thị lực gần như bằng 0, đi qua rất nhiều bệnh viện khám, nữ bệnh nhân ở Quảng Bình được xác định có khối phình động mạch não rất lớn.

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Y tế - 12 giờ trước

GĐXH - Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng chiếc que xiên thịt sắc nhọn đâm xuyên lưỡi.

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Y tế - 19 giờ trước

GĐXH - Về tình hình sức khỏe của nam sinh bị đánh chấn thương sọ não khi chơi bóng rổ, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết hiện tại, bệnh nhân vẫn hôn mê, thở hoàn toàn theo máy...

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Y tế - 4 ngày trước

Xương cá rơi vào phế quản nhưng bà K.A không hề hay biết. Bị ho, khó thở kéo dài, bệnh nhân điều trị suốt 1 năm không đỡ.

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH - Ngày 19/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam do JICA phối hợp với Hội Vật lý Trị liệu Việt Nam tổ chức.

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Y tế - 5 ngày trước

GĐXH – Hàng trăm đơn vị máu đã được tiếp nhận trong Chương trình hiến máu tình nguyện hưởng ứng “Lễ hội Xuân hội’ năm 2024 tại Bộ Y tế.

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Y tế - 5 ngày trước

GĐXH - Ngày 19/4, UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Y tế - 5 ngày trước

GĐXH – Bệnh nhi bị đứt toàn bộ động mạch trụ, đứt thần kinh trụ và thần kinh giữa, đứt gân gấp cổ tay trụ, đứt gân gấp ngón 4 và 5 bàn tay trái.

Chó chết sau khi cắn chủ nhà, chuyên gia giải thích vì sao chó dại sau khi cắn người lại chết?

Chó chết sau khi cắn chủ nhà, chuyên gia giải thích vì sao chó dại sau khi cắn người lại chết?

Y tế - 5 ngày trước

GĐXH - Thực tế, kông phải việc cắn người sẽ khiến chó dại bị chết mà thực chất đây là biểu hiện xuất hiện vào giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát bệnh của chó.

Bé gái chào đời với dây rốn quấn cổ 5 vòng

Bé gái chào đời với dây rốn quấn cổ 5 vòng

Y tế - 1 tuần trước

Bé gái nặng gần 3 kg, có dây rốn quấn cổ 5 vòng, ngôi ngược vừa được các bác sĩ phẫu thuật mổ lấy thai thành công

Top