Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nhờ tích cực đổi mới, chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở ngày càng tăng cao

Thứ sáu, 14:37 17/07/2020 | Y tế

GiadinhNet - Nhờ vào hiệu quả thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chất lượng khám chữa bệnh tại các tuyến cơ sở dần được nâng cao, mang lại niềm tin cho người dân.

Y tế cơ sở chính là cánh tay nối dài của ngành Y tế, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và giám sát phòng bệnh. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), 80-90% các vấn đề sức khỏe có thể giải quyết trong khuôn khổ khám, chữa bệnh ban đầu. Do đó, việc đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng y tế cơ sở, tạo sự tin tưởng cho người dân là điều cần thiết và cấp thiết. Hiểu được tinh thần đó, nhiều cơ sở y tế ở các tỉnh, thành vùng sâu vùng xa đã ngày càng nỗ lực hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của người dân.

Hà Giang: Nhiều đổi mới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở


Nhờ tích cực đổi mới, chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở ngày càng tăng cao - Ảnh 1.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trong buổi làm việc với y tế tỉnh Hà Giang.

Ngành Y tế Hà Giang thời gian qua đã tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức của mạng lưới y tế cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay, hệ thống y tế cơ sở của Hà Giang có 11 bệnh viện (3 Bệnh viện đa khoa khu vực và 8 Bệnh viện Đa khoa tuyến), 11 Trung tâm y tế tuyến huyện/thành phố, 11 Trung tâm Dân số-KHHGĐ; 18 Phòng khám đa khoa khu vực và 176 Trạm y tế xã/phường/thị trấn.

Để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, Sở Y tế tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện theo Quyết định 6858/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Tăng cường thực hiện ứng dụng CNTT vào các hoạt động của y tế cơ sở; triển khai và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh, quản lý, điều hành công tác y tế từ rất sớm (từ năm 2013). Công tác khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, các cơ sở y tế của tỉnh đã khám bệnh cho trên 459.000 lượt người, triển khai hội chẩn khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trung ương và giữa các bệnh viện trên địa bàn tỉnh bước đầu có hiệu quả.

Việc triển khai thực hiện Hồ sơ quản lý sức khỏe (cá nhân) điện tử đã được Ngành y tế tỉnh phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế (phụ trách thống kê báo cáo, công nghệ thông tin…) tại tuyến huyện/thành phố. Trên cơ sở đó Ngành đã chỉ đạo các đơn vị tuyến huyện tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tuyến xã/phường/thị trấn. Bước đầu ứng dụng phần mềm do Bộ Y tế đã cung cấp các tài khoản cho các đơn vị từ tuyến xã trở lên.

Dựa trên phần mềm Y tế xã phường liên thông (NIDI) đã có sẵn, ngành Y tế tổ chức nghiên cứu nhằm tích hợp nội dung của Hồ sơ sức khỏe vào phần mềm này để thống nhất quản lý và sử dụng có hiệu quả tại các xã điểm và đang mở rộng mô hình triển khai, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ thực hiện 193/193 xã (tỷ lệ 100%).

Đánh giá các kết quả mà tỉnh Hà Giang đã đạt được, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trong dịp tới thăm và làm việc với ngành y tế Hà Giang vào ngày 10/7 đã cho rằng, tuy là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng Hà Giang đã có nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Một số chỉ tiêu đạt kết quả tốt như tỉ lệ giới tính khi sinh 109 bé trai/100 bé gái; tỉ lệ dân số tham gia BHYT đạt 96,8%; số bác sĩ trên vạn dân 10,5/10.000 dân; y tế xã chuẩn quốc gia đạt 100%...

Phú Thọ: Đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở

Nhờ tích cực đổi mới, chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở ngày càng tăng cao - Ảnh 2.

Khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người dân huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ


Những năm qua, một số trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang thực hiện khá tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân như: Trạm y tế xã Hanh Cù (Thanh Ba), trạm y tế xã Xuân An (Yên Lập), trạm y tế xã Minh Đài (Tân Sơn), trạm y tế xã Liên Hoa (Phù Ninh)… 

Nhiều trạm y tế sau khi được đầu tư cơ sở hạ tầng, huy động xã hội hóa mua sắm trang thiết bị hiện đại đã thu hút đông bệnh nhân tới khám. Đến nay, tỷ lệ trạm y tế xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia chiếm 91%. Để làm được điều đó, ngoài nâng cao về cơ sở vật chất, có những trạm y tế xã "sở hữu" đội ngũ thầy thuốc lâu năm, tâm huyết với nghề, gần gũi với nhân dân.

Tuy nhiên, xét trên bình diện chung toàn tỉnh, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã còn nhiều hạn chế. Người dân chưa thực sự yên tâm, tin tưởng, dẫn tới tình trạng vượt tuyến, trái tuyến còn phổ biến ngay cả với những bệnh đơn giản, thường gặp. Một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là do trình độ, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng của trạm y tế xã chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, hầu hết mới chỉ dừng lại ở hoạt động giao ban, trao đổi thông tin hàng tháng giữa trạm y tế xã với Trung tâm y tế huyện. Công tác điều động, luân phiên đưa cán bộ Trung tâm y tế huyện về trạm y tế xã chủ yếu ở những trạm thiếu bác sĩ, cán bộ. 

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, Sở Y tế Phú Thọ đang chỉ đạo triển khai thí điểm hệ thống Telemedicine kết nối giữa trạm y tế với trung tâm y tế ở một số địa bàn đông dân cư, cách xa trung tâm nhằm hỗ trợ tuyến xã trong khám chữa bệnh, giúp người bệnh yên tâm hơn khi tham gia khám, chữa bệnh tại trạm y tế, tránh phải chuyển lên tuyến trên vừa gây quá tải, vừa tốn kém chi phí, tăng thời gian chờ đợi. Hiện nay đã có huyện Phù Ninh và Thanh Thủy triển khai ứng dụng hệ thống này.

Mục tiêu của ngành Y tế tỉnh là cuối năm 2020, sẽ có ít nhất 90% trạm y tế xã triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử nhằm đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh của người dân. Thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử không chỉ giúp người dân được theo dõi sức khỏe ngay từ khi mới sinh ra mà các thông tin về lịch sử bệnh tật, nhóm máu, chiều cao, cân nặng, huyết áp… của người dân sẽ được lưu trong hồ sơ và tích hợp vào thẻ điện tử thông minh, phục vụ công tác điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và giảm chi phí chữa bệnh. 

Đến nay, ngành Y tế đã đầu tư hạ hầng kỹ thuật, thành lập Tổ triển khai sức khỏe điện tử với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) và các đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin; bố trí nguồn nhân lực để tạo sự thuận lợi cho việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Hơn 300 cán bộ trạm y tế xã, phường, thị trấn và các trung tâm y tế huyện, thị, thành được hướng dẫn sử dụng các tính năng của hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử và sử dụng được app hồ sơ sức khỏe điện tử trên smartphone. Bên cạnh đó, 100% trạm y tế xã đã ứng dụng phần mềm VNPT-HIS vào hoạt động khám, chữa bệnh hàng ngày.

Với nỗ lực, quyết tâm đặt ra, hy vọng thời gian tới, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh không chỉ khoác trên mình chiếc áo mới về cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia mà còn thực sự phát huy vai trò, vị trí tuyến đầu của ngành Y tế, từ đó đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và hướng tới sự hài lòng của nhân dân.

Trạm y tế xã ở tỉnh Hà Tĩnh nỗ lực giảm tải tuyến trên


Nhờ tích cực đổi mới, chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở ngày càng tăng cao - Ảnh 3.

Người dân xã Cẩm Thành, Hà Tĩnh đến thăm khám tại Trạm Y tế xã .

Nói về hiệu quả mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, bác sỹ Trương Thị Diệu Thúy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, điểm nổi bật của Trạm khi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là Trạm tiến hành điều trị một số bệnh mãn tính cho người dân như tăng huyết áp và đái tháo đường.

Và để làm tốt điều này, cán bộ y tế của Trạm phối hợp với y tế thôn trực tiếp xuống tận nhà dân tuyên truyền, hướng dẫn, thực hiện đo huyết áp cho người dân. Một số người bận đi làm hay đi công tác thì cán bộ y tế hẹn đến khám vào ban đêm hoặc khám vào ngày nghỉ, hàng tháng nếu bệnh nhân quên lịch khám thì cán bộ trạm y tế chủ động điện thoại nhắc nhở đi khám bệnh định kỳ.

Cũng theo bác sỹ Thúy, trước khi chưa thực hiện mô hình này, mỗi tháng chỉ có khoảng 5 bệnh nhân tăng huyết áp đến khám, lấy thuốc và thuốc tăng huyết áp của BHYT chỉ có 1 loại, chỉ phát cho bệnh nhân uống trong 5- 10 ngày là hết thuốc. Những bệnh nhân tiểu đường phải lên bệnh viện tuyến trên để khám, lấy thuốc điều trị vì tại trạm y tế chưa có thuốc BHYT.

"Sau khi thực hiện mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, thuốc điều trị đái tháo đường và tăng huyết áp được cấp hàng tháng, đầy đủ và theo phác đồ của bệnh viện đa khoa huyện nên việc giám sát, theo dõi bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường được thực hiện thường xuyên hơn", bác sỹ Trương Thị Diệu Thúy cho biết thêm.

Được biết, nếu trước đây trung bình mỗi ngày Trạm Y tế xã Cẩm Thành có khoảng 15 đến 20 bệnh nhân đến trạm khám chữa bệnh. Nhưng, sau khi triển khai mô hình quản lý, điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường thì mỗi ngày có từ 30- 40 bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

Không chỉ mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình phát huy hiệu quả mà đề án bệnh viện vệ tinh đang được triển khai tại các tỉnh cũng dần phát huy hiệu quả. Bác Trịnh Văn S. ở xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh bị ung thư gan vừa được Khoa Ung bướu - Y học hạt nhân, Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị bằng phương pháp đốt sóng cao tần vui mừng cho biết, lúc mới phát hiện bệnh tinh thần bác suy sụp bác đã đi khám ở Bệnh viện đa khoa tỉnh với mong muốn là xin chuyển đi Hà Nội để điều trị. Tuy nhiên, được các bác sỹ của Khoa Ung bướu & Y học hạt nhân giải thích và động viên nên bác đã ở lại điều trị tại đây. Qua điều trị bằng phương pháp đốt sóng cao tần qua nội soi bác thấy tình trạng bệnh cơ bản ổn định.

Còn anh Phan Bá C. (38 tuổi) ở TP Đồng Hới, Quảng Bình, bị đau khớp háng, kèm theo teo cơ chân trái, đi lại khập khiễng khó khăn do thoái hóa khớp háng. Để giảm đau anh C. đã dùng nhiều loại thuốc đông tây y giảm đau nhưng không đỡ, anh quyết định thay khớp háng.

Sau khi tìm hiểu thông tin qua trang mạng và báo đài, anh biết đến kỹ thuật thay khớp háng toàn phần tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh với tỷ lệ phẫu thuật thành công cao, các bệnh nhân sau đó đều hồi phục và đi lại bình thường. Anh quyết định đến đây để phẫu thuật thay khớp háng toàn phần. Sau 3 ngày, anh C. đã có thể tự vận động được, đi khoảng cách gần không cần nạng hỗ trợ...

Từ những trường hợp cụ thể trên mà người dân ngày càng tin tưởng vào đội ngũ làm y tế ở tuyến cơ sở, góp phần làm tình trạng quá tải tại một số bệnh viện tuyến trên đã được cải thiện đáng kể.

K.N

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Thái Bình: 1 người tử vong, nhiều người phải nhập viện sau khi ăn tiết canh dê

Thái Bình: 1 người tử vong, nhiều người phải nhập viện sau khi ăn tiết canh dê

Y tế - 9 giờ trước

Một người tử vong, hàng chục người phải nhập viện sau khi ăn bữa cỗ có món tiết dê tại TP Thái Bình, nghi do ngộ độc thực phẩm.

2 học sinh ở TPHCM nhập viện sau khi ăn mì Ý sốt cà ở trường

2 học sinh ở TPHCM nhập viện sau khi ăn mì Ý sốt cà ở trường

Y tế - 9 giờ trước

Sau khi ăn món mì Ý sốt cà tại trường, 2 học sinh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phải nhập viện vì nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lại không phát hiện tác nhân gây bệnh.

Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển bé 5 tuổi nguy kịch lên Bệnh viện Nhi đồng 1

Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển bé 5 tuổi nguy kịch lên Bệnh viện Nhi đồng 1

Y tế - 3 ngày trước

Thêm bệnh nhi rất nặng liên quan vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở tỉnh Đồng Nai được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Y tế - 3 ngày trước

Hôm nay, 4/5 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội Tạ Thành Văn đã công bố Nghị quyết của Hội đồng trường và trao Quyết định bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đối với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.

Cô gái 17 tuổi bị thủy đậu biến chứng nặng, suýt tử vong do điều trị sai cách

Cô gái 17 tuổi bị thủy đậu biến chứng nặng, suýt tử vong do điều trị sai cách

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH – Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng rất nặng, sốt cao 41 độ, mụn nước và nhiều mụn mủ toàn thân, loét miệng họng, ý thức chậm…

Tự đắp lá vào vết thương, nam bệnh nhân 17 tuổi suýt bị hoại tử cánh tay

Tự đắp lá vào vết thương, nam bệnh nhân 17 tuổi suýt bị hoại tử cánh tay

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH - Sau khi bị thương, người bệnh đã được người nhà nhai lá cây và tự ý đắp vào tổn thương theo kinh nghiệm dân gian khiến cho vết thương tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử gây nguy hiểm cho người bệnh.

Đau đầu kéo dài nhiều tuần, bé gái 9 tuổi được phát hiện bị u màng não

Đau đầu kéo dài nhiều tuần, bé gái 9 tuổi được phát hiện bị u màng não

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH – Khi thấy con có biểu hiện đau đầu kéo dài, tăng dần cả cường độ và tần suất trong thời gian dài, gia đình quyết định đưa con đi khám và phát hiện bệnh.

Thông tin mới nhất vụ 328 người bị ngộ độc nghi ăn bánh mì ở Đồng Nai: 2 bệnh nhi trở nặng, phải lọc máu

Thông tin mới nhất vụ 328 người bị ngộ độc nghi ăn bánh mì ở Đồng Nai: 2 bệnh nhi trở nặng, phải lọc máu

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH - Cả hai cháu nhập viện trong tình trạng bị suy hô hấp, sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa. Trong đó, 1 cháu có thời điểm bị ngưng tim, ngưng thở nhưng đã được các bác sĩ tiến hành hồi sức và tim cháu đã đập trở lại.

328 người nhập viện sau khi ăn bánh mì: 2 trẻ sốc nặng thở máy, mở thêm đơn vị cấp cứu

328 người nhập viện sau khi ăn bánh mì: 2 trẻ sốc nặng thở máy, mở thêm đơn vị cấp cứu

Y tế - 5 ngày trước

Theo UBND TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, tính đến chiều 2-5, đã có 328 người nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì tại tiệm Băng ở phường Xuân Bình

Uống nhầm vitamin D của người lớn, trẻ 6 tháng tuổi nhập viện cấp cứu

Uống nhầm vitamin D của người lớn, trẻ 6 tháng tuổi nhập viện cấp cứu

Y tế - 5 ngày trước

GĐXH - Khi được bác sĩ thông báo trẻ bị ngộ độc vitamin D và đối chiếu với lọ thuốc trẻ uống, gia đình mới phát hiện ra sự nhầm lẫn.

Top