Hà Nội
23°C / 22-25°C

Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện

GiadinhNet - Trong hơn 2 tiếng đồng hồ diễn ra giao lưu, các khách mời: PGS.TS Mai Trọng Khoa – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ThS Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, TS Đặng Tự - Trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi Trung ương đã trả lời rất nhiều các câu hỏi của bạn đọc quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện qua việc thực hiện Đề án Bệnh viện Vệ tinh và Đề án 1816.

Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 1

Phó Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội Vũ Mạnh Cường (đầu tiên bên trái) tặng hoa cho các khách mời tham gia giao lưu: (từ trái qua phải) PGS.TS Mai Trọng Khoa – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ThS Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, TS Đặng Tự - Trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi Trung ương.

 
Thay mặt Ban tổ chức, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội giới thiệu, cảm ơn khách mời và tuyên bố lý do tổ chức chương trình. Phó Tổng Biên tập Vũ Mạnh Cường cho biết: Quá trình thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816 đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới giảm tải bệnh viện tuyến trên, đảm bảo hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Với mong muốn chia sẻ cùng bạn đọc những kết quả thu được của quá trình thực hiện 2 đề án trên, cũng như lắng nghe những ý kiến góp ý của độc giả về vấn đề khám chữa bệnh hiện nay, báo điện tử giadinh.net.vn tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: Đề án Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816 góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới và giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.  
 
Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 2

ThS Cao Hưng Thái và Phó Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội Vũ Mạnh Cường trao đổi về chương trình giao lưu.

 
Hồ Thị Hoa, 32 tuổi, nghiên cứu sinh: Xin ông cho biết, bệnh viện nào được gọi là bệnh viện vệ tinh, hạt nhân, ưu điểm của bệnh viện vệ tinh?
 
ThS Cao Hưng Thái: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Bệnh viện hạt nhân (BVHN) là bệnh viện tuyến trên có đủ năng lực, được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh (BVVT) để giúp bệnh viện tuyến dưới nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh viện vệ tinh là bệnh viện có một hoặc nhiều đơn vị vệ tinh.

Ưu điểm đề án BVVT trong mục tiêu giảm tải:

Từ năm 2005 Bộ Y tế đã thí điểm triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh về chuyên ngành ngoại khoa và nội khoa. Mục tiêu của Đề án là tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho một số đơn vị vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hoạt động chủ yếu là đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp trang thiết bị y tế, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa thông qua mạng Internet (Telemedicine). Kết quả của Đề án thí điểm là rất tốt, các bệnh viện vệ tinh của hai bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bạch Mai đã tiếp nhận được nhiều kỹ thuật, công nghệ y tế, năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao, tỷ lệ chuyển người bệnh lên tuyến trên giảm.
 
Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 3
Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 4

Quá tải bệnh viện là vấn đề nan giải đang được ngành Y tế nỗ lực giải quyết.

Bệnh viện Việt Đức là minh chứng tiêu biểu cho thành công của bệnh viện vệ tinh trong giảm tải bệnh viện. Đề án BV Vệ tinh giai đoạn 1 giữa BV Việt Đức với 6 BV đã đem lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao năng lực chuyên môn, tăng khả năng cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại BV. Đặc biệt, một số bệnh viện năng lực điều trị tăng lên rõ rệt như BV ĐK Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa. Ở BV ĐK tỉnh Phú Thọ năm 2004 bệnh nhân chuyển tuyến TW là 22%, năm 2011 giảm còn 3%. Tất cả các bệnh viện vệ tinh đều nhận thấy đầu tư của dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao năng lực chuyên môn, tăng khả năng cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại bệnh viện, cụ thể số lượng bệnh nhân được giữ lại điều trị tăng lên về số lượng, số các bệnh nhân được phẫu thuật thuộc các chuyên ngành được dự án hỗ trợ đã tăng nhiều lần về số lượng và chất lượng, giảm số bệnh nhân chuyển tuyến.

Đọc các bài viết về Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 TẠI ĐÂY.
Từ những thành công ban đầu trong thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh đối với cấp cứu ngoại khoa, nội khoa của BV Việt Đức và BV Bạch Mai, tại Quyết định số 92/QĐ-TTg Ngày 09/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 trong đó ghi rõ “Ưu tiên thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi theo hướng lấy một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân; đồng thời phát triển một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện hạt nhân;

Để thực hiện Đề án Giảm tải Bệnh viện, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2020.

Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 5

ThS Cao Hưng Thái đang trả lời câu hỏi của bạn đọc.

 
Mục tiêu nâng cao năng lực y tế tuyến dưới về khám bệnh, chữa bệnh thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao được thuận lợi và góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Theo đó sẽ hình thành và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh về 5 chuyên ngành, giai đoạn 2013-2015: Ưu tiên đầu tư 48 bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân (08 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 06 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh).

Chuyên đề về Đề án 1816 - Mô hình Bệnh viện Vệ tinh: Mục tiêu giảm tải

Đề án sẽ nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh của nhân viên y tế tại các bệnh viện vệ tinh thông qua việc tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (telemedicine)....
Tình trạng quá tải bệnh viện gia tăng đã gây bức xúc cho người bệnh và là mối quan tâm của toàn xã hội với nguyên nhân quan trọng là sự hạn chế về chất lượng dịch vụ khám bệnh chữa bệnh của tuyến dưới. Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh sẽ góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân với bệnh viện vệ tinh, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân, tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện hạt nhân về bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải tại bệnh viện hạt nhân ở tuyến trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng và Nhà nước giao cho ngành Y tế.

Đình Đông - nguyendinhdong@gmail.com - Nam 37 tuổi: Thưa ông, Bộ Y tế dự kiến khoảng bao nhiêu kinh phí để thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh?

ThS Cao Hưng Thái: Bộ Y tế dự kiến chi khoảng 1707,75 tỷ đồng cho các hoạt động của Đề án bệnh viện vệ tinh. Trong đó vốn Trung ương khoảng 712,23 tỷ đồng; đối ứng của địa phương khoảng 995,52 tỷ đồng.
 
Minh Tân - nguyenminhtan@yahoo.com - Nữ 29 tuổi: Thưa ông, trong quá trình triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh đã gặp những thuận lợi và khó khăn nào? Đứng trước những khó khăn đó, cần khắc phục như thế nào?

- Thuận lợi: Có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tham gia của các bộ, ngành và sự ủng hộ của người dân, sự cố gắng nỗ lực của cán bộ ngành y tế, đảng và chính quyền các địa phương.

- Khó khăn:

Cơ sở vật chất, của nhiều bệnh viện tuyến dưới xuống cấp kể cả một số bệnh viện vệ tinh, trang thiết bị thiếu hoặc xuống cấp hoặc không đồng bộ, nhân lực bệnh viện vệ tinh thiếu, năng lực chuyên môn còn hạn chế điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật hạn chế.

Đông Triều - dongtrieu@gmail.com - Nữ 55 tuổi: Xin ông cho biết Bệnh viện Bạch mai đã tiến hành chuyển giao những gói kỹ thuật nào và các bệnh viện tiếp nhận đã phát huy được hiệu quả như mong đợi?
 
Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 6
PGS. TS Mai Trọng Khoa cho biết, hàng ngàn cán bộ y tế tuyến tỉnh được nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý.

PGS. TS Mai Trọng Khoa: Hàng ngàn cán bộ y tế tuyến tỉnh được nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý. Đặc biệt hàng trăm cán bộ nòng cốt tại các BVVT đã được đào tạo thành giảng viên nguồn.

Gần 100 khung chương trình, tài liệu đào tạo đã được biên soạn, chuẩn hóa để áp dụng trong và ngoài đề án.

Cẩm nang hướng dẫn chẩn đoán, điều trị với 203 phác đồ cùng 50 tiêu chuẩn đơn vị chuyên môn được xây dựng, ban hành.

Các loại hình đào tạo mới như đào tạo từ xa, kỹ năng mềm bắt đầu được triển khai.

Hệ thống kết nối trực tuyến hoạt động hiệu quả thông qua các buổi hội chẩn, đào tạo, hội thảo khoa học thường quy và đột xuất.

Một số lĩnh vực quản lý BV lần đầu được áp dụng tại các BV thuộc ĐA như: Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, 5S, thương hiệu BV, mô hình truyền thông GDSK tại BV.

Đã lồng ghép hiệu quả với các đề án, chương trình khác liên quan đến công tác chỉ đạo tuyến, 1816.

Hầu hết các BVVT đã được đầu tư, nâng cấp, xây mới về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị từ các nguồn vốn đối ứng và bổ sung thêm giường bệnh.

Nguyễn Hường - Nữ 27 tuổi:Thưa bác sĩ, điều kiện chữa trị ở tuyến dưới như giường bệnh, tiện nghi buồng bệnh, phí khám bệnh, chất lượng bác sĩ điều trị... có gì ưu đãi hơn để giúp giảm tải tuyến trên không? Xin cảm ơn bác sĩ!

TS Đặng Tự: Ở tuyến dưới, trẻ dưới 6 tuổi được khám theo chế độ của bảo hiểm. Cơ sở tuyến dưới là nơi tiếp cận bệnh nhân đầu tiên khi bệnh còn nhẹ, cho nên điều trị tại tuyến dưới khỏi nhanh hơn và đỡ biến chứng.
 

Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 7

TS Đặng Tự trả lời câu hỏi, giao lưu cùng bạn đọc.

 
Minh Nam - minhnamnguyen@gmail.com - Nam 41 tuổi:Thưa Ts Đặng Tự, việc áp dụng công nghệ khoa học thông tin vào bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện hạt nhân đã được áp dụng đồng bộ chưa? Trong quá trình triển khai có gặp khó khăn gì? Những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện?
 
TS Đặng Tự: BV Nhi TƯ đã áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và khám chữa bệnh tại BV, đã nâng cao chất lượng trong quản lý, đào tạo, hội thảo khoa học, hội chẩn…. Tuy nhiên BV vệ tinh chưa được áp dụng công nghệ này, vì vậy mà Đề án BV vệ tinh sẽ có hoạt đông để phát triển công nghệ thông tin ở BV tỉnh (BV vệ tinh) kết nối với BV Nhi (BV hạt nhân). Qua kết nối đó mới nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hội thảo khoa học… Do đó mới trao đổi được thông tin hai chiều, tư vấn chuyên môn; tạo điều kiện cho các BV vệ tinh kết nối với các trung tâm khoa học khác trong nước cũng như thế giới.
  

Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 8

Quang Minh - quangminhnguyen@gmail.com - 60 tuổi: Bộ Y tế đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nào để giảm quá tải bệnh viện?

Như chúng ta đã biết, qua nghiên cứu và khảo sát trong hệ thống, ngành Y tế đã tìm ra một số nhóm nguyên nhân dẫn tới quá tải:

- Đầu tư cho y tế còn thấp. Nguồn lực đầu tư cho y tế chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

- Dân trí được nâng cao, người dân ngày càng có nhận thức cao hơn về sức khỏe, bệnh tật, đòi hỏi về chất lượng chăm sóc sức khỏe ngày càng cao.

- Diễn biến phức tạp của bệnh dịch, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng và sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung bướu, chấn thương…)

- Đặc biệt năng lực chuyên môn của y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, trang thiết bị một số bệnh viện chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu của tuyến điều trị.

- Cơ chế tài chính đối với các bệnh viện công còn nhiều bất cập, cơ chế hoạt động của hệ thống y tế còn chậm đổi mới, chưa phù hợp với quy luật cung cầu, quy luật giá trị của nền kinh tế thị trường; chất lượng dịch vụ y tế đã được cải thiện nhưng chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội. Giá viện phí thấp, chậm thay đổi để phù hợp với giá thị trường. ... Tất cả đã làm phá vỡ tuyến điều trị, dồn ép bệnh nhân về tuyến trên.

Xác định rõ nguyên nhân gây quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp:

Để thực hiện được mục tiêu trên, trong thời gian qua, ngành y tế đã cố gắng tập trung vào một số giải pháp như tăng số giường bệnh, kê thêm giường tại các cơ sở khám chữa bệnh có mức độ quá tải cao, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm việc cả thứ 7 và Chủ nhật, có đơn vị làm việc từ 4 giờ sáng. ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Giảm bớt thời gian nằm viện để giải phóng giường nhanh. Tăng cường, khuyến khích xã hội hóa, mở thêm bệnh viện tư. Thực hiện tích cực Đề án 1816, chuyển giao công nghệ từ tuyến trên cho tuyến dưới để tuyến dưới có thể chữa bệnh mà không cần chuyển lên tuyến trên… Đầu tư nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, một số bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến tỉnh thông qua Đề án 47, 930.

Đặc biệt gần đây Bộ Y tế đã có những giải pháp căn cơ, lâu dài với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tham gia của các bộ, ngành và sự ủng hộ của người dân.  Đó là:

- Mở rộng và xây mới cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân song song với việc đầu tư trang thiết bị và tuyển đủ nhân lực và trình độ chuyên môn để làm việc.

- Đầu tư mua sắm, bổ sung đủ trang thiết bị có chất lượng, phù hợp để thực hiện các kỹ thuật tại bệnh viện. Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật.

- Thực hiện cải cách thủ tục hành chính phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân kịp thời, thuận lợi.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bằng hình thức xây dựng hệ thống thông tin nhằm giám sát thường xuyên thực trạng quá tải tại các đơn vị, gắn trách nhiệm giảm tải với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đưa ra các hình thức thi đua khen thưởng thực hiện giảm tải.

- Nhanh chóng xây dựng cơ chế về tài chính y tế – viện phí – cơ chế thanh toán. Thay đổi cơ chế tài chính, điều chỉnh giá dịch vụ hợp lý, bảo đảm nguồn tài chính để bệnh viện duy trì và phát triển hoạt động.

- Xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách, thu hút và tăng cường nguồn lực cho tuyến dưới như xây dựng chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với công chức, viên chức ngành y tế và đề nghị nâng mức lương khởi điểm của bác sĩ tương xứng với thời gian đào tạo 6 năm.

- Đẩy mạnh xã hội hoá công tác khám, chữa bệnh, tăng số giường bệnh tư nhân và đa dạng hoá các loại hình khám, chữa bệnh.

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, tạo lòng tin của người dân với các cơ sở y tế ở tuyến dưới.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã phê duyệt, triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 nhằm thiết lập và phát triển màng lưới bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện Trung ương và tăng cường chăm sóc ban đầu thông qua việc thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình.

Đỗ Văn Thư - dothu@gmail.com - Nam 45 tuổi: Xin bác sĩ cho biết, bệnh viện Bạch Mai ngoài việc tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, thực hiện các đề án giảm tải thì bệnh viện đã có những phương án gì để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh?
 
PGS. TS Mai Trọng Khoa: BV Bạch Mai là BV đa khoa hạng đặc biệt đầu tiên của Việt Nam là BV tuyến cuối của nhiều chuyên ngành của cả nước và đặc biệt là khu vực phía Bắc. BV có đội ngũ GS, TS, bác sĩ... là những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam ở nhiều chuyên khoa. Hiện tại, BV đã thực hiện được nhiều kỹ thuật chẩn đoán điều trị hiện đại ngang tầm với một số nước phát triển hàng đầu như Anh, Mỹ, Pháp, cũng như một số nước trong khu vực.

Đặc biệt, hiện nay có nhiều kỹ thuật hiện đại về chẩn đoán điều trị được thực hiện thường quy và hàng ngày cứu sống hàng ngàn bệnh nhân và nhiều bệnh nhân trở về cuộc sống lao động bình thường.

Chẳng hạn, các kỹ thuật cao trong chuyên ngành tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, ung bướu, hồi sức cấp cứu, chống độc, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, thận tiết niệu...

Để đạt được những thành tựu trên, BV Bạch Mai có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như sau:

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và đào tạo ở nước ngoài để tiếp cận và học tập những kỹ thuật và công nghệ hiện đại hàng đầu trên thế giới.

- Đầu tư các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến hàng đầu, cập nhật trên thế giới để phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị.

- Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng để phục vụ cho việc triển khai kỹ thuật và công nghệ cao.

- Mời các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới đến BV Bạch Mai để tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật công nghệ cao nói trên.

- Soạn thảo các tài liệu, giáo trình, phác đồ, hướng dẫn chẩn đoán điều trị quy chuẩn, quy trình kỹ thuật, đặc biệt cập nhật các kỹ thuật công nghệ mới.

- Tổ chức các hội thảo, hội nghị, sinh hoạt khoa học theo chuyên khoa với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nước và thế giới để nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức và cập nhật công nghệ mới.
 
Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 9

PGS, TS Mai Trọng Khoa

 
Nguyễn Thanh Hoa - thanhhoa@gmail.com - Nữ 37 tuổi:Thưa Tiến sĩ Đặng Tự, tôi biết tiến sĩ là một bác sĩ có chuyên môn tốt, nhiệt tình và chu đáo, trong khi công việc của ông luôn phải chịu nhiều áp lực. Ông có thể chia sẻ một vài bí quyết để dẫn đến thành công như ngày hôm nay?
 
TS Đặng Tự: Bí quyết của chúng tôi là phải thực hiện đúng nội quy, quy chế của BV trong thời gian làm việc. Tất nhiên chúng tôi cũng phải đặt chúng tôi vào hoàn cảnh của người bệnh để thông cảm và chia sẻ với bệnh nhân. Chính vì thế, ngay cả trong giờ và ngoài giờ làm việc chúng tôi vẫn sắp xếp trả lời, tư vấn những vấn đề mà bệnh nhân quan tâm.
 
Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 10

TS Đặng Tự

Thanh Loan - nguyenthanhloan@gmail.com - Nữ 36 tuổi: Thưa ông, hiện nay có bao nhiêu bệnh viện hạt nhân trên cả nước? Dựa trên tiêu chí nào để được chọn bệnh viện đó là bệnh viện hạt nhân?

ThS Cao Hưng Thái: Thực hiện quyết định số 92 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt và ban hành Đề án Bệnh viện vệ tinh. Theo đó có 14 bệnh viện hạtnhân và 48 bệnh viện vệ tinh. Các bệnh viện hạt nhân là các bệnh viện đầu ngành trực thuộc Bộ Y tế và một số bệnh viện tuyến cuối của TP HCM thuộc các chuyên khoa hiện đang quá tải trầm trọng bao gồm: Ung bướu, Ngoại chấn thương, Tim mạch, Sản, Nhi.
 
Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 11
Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế.
 
Đinh Quyền - quyendinhnguyen@gmail.com - Nam 51 tuổi: Theo tôi đuợc biết, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện, ngoài 2 Đề án đang thực hiện như hiện nay là Đề án Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816, Bộ Y tế có kế hoạch triển khai thêm Đề án nào nữa?

ThS Cao Hưng Thái: Ngoài 2 Đề án Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816, Bộ Y tế đang triển khai Đề án Bác sĩ gia đình nhằm góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Đây là mô hình đã được nghiên cứu thử nghiệm từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Nguyễn Văn Minh - vanminh@gmail.com - Nam 45 tuổi:Xin ông cho biết, hiện nay những chuyên khoa nào đang trong tình trạng quá tải và cần phải được chú trọng đào tạo cán bộ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật?

TS Đặng Tự: Đối với lĩnh vực nhi khoa hiện nay, chuyên ngành quá tải ở BV nhi TƯ là hô hấp, cấp cứu, tim mạch, sơ sinh, ngoại nhi. Vì vậỵ BV nhi TƯ tập trung thực hiện Đề án 1816 và Đề án BV vệ tinh, cũng ưu tiên các lĩnh vực trên về đào tạo nhân lực và chuyển giao các gói kỹ thuật phù hợp với mô hình bệnh tật ở địa phương. 

Hà An - hamann@gmail.com - Nam 37 tuổi: Đề án 1816 ra đời đã thực hiện được 5 năm, xin ông cho biết những hiệu quả đạt được của Đề án này, những ưu điểm, nhược điểm, thuận lợi, khó khăn và những bài học rút ra trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm tải bệnh viện?

ThS Cao Hưng Thái: Đề án 1816 được Bộ trưởng Bộ y tế ban hành ngày 26/5/2008, tính đến nay đã thực hiện được hơn 5 năm, Đề án đã đi vào thực tế cuộc sống và thu được một số kết quả cụ thể như sau:
 
1. Về đào tạo tập huấn

Tính đến nay có72bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên, gồm:35bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế,02bệnh viện thực hành thuộc cơ sở đào tạo và35bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. với15.000lượt cán bộ đi luân phiên chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ tuyến dưới

Cán bộ tuyến Trung ương đi luân phiên đã tổ chức 2.493 lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn tay nghề cho 66.403 lượt cán bộ tuyến tỉnh.

2.Về chuyển giao kỹ thuật

5.104 kỹ thuật thuộc 26 chuyên ngành đã được chuyển giao cho tuyến tỉnh.

Theo báo cáo của các đơn vị hầu hết các kỹ thuật sau chuyển giao tuyến dưới đã thực hiện tốt. (90% kỹ thuật sau khi được chuyển giao đơn vị đã tự thực hiện tốt. Các đơn vị duy trì thực hiện tốt chuyển giao kỹ thuật: Bạch Mai, Chợ Rẫy, TW Huế, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Xanh Pôn,...

Vềkhám, chữa bệnh của cán bộ luân phiên tại tuyến dưới

Số người bệnh được khám, chữa bệnh 940.075 lượt người bệnh. Cán bộ luân phiên trực tiếp thực hiện 17.156 ca phẫu thuật, thủ thuật.

Nhiều đơn vị báo cáo giảm tỷ lệ chuyển tuyến theo loại bệnh tật được điều trị bằng các kỹ thuật chuyển giao cho tuyến dưới từ 17- 30%.
 
3. Về hỗ trợ chuyên môn trong nội bộ của tỉnh:
 
- 262 Bệnh viện tỉnh cử 1.905 lượt cán bộ luân phiên hỗ trợ 360 bệnh viện huyện, tổ chức 607 lớp tập huấn cho 12.066 lượt học viên, chuyển giao 1.702 kỹ thuật, khám, chữa bệnh cho 192. 906 lượt người bệnh, trực tiếp phẫu thuật 5.161 ca.

- 305 Bệnh viện huyện cử 3.234 lượt cán bộ xuống hỗ trợ 1.815 trạm y tế xã, KCB cho 3.539.314 lượt người bệnh.

Với kết quả đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới, giúp cho năng lực chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới được nâng cao hơn, chất lượng khám chữa bệnh tăng lên, người dân tin tưởng đến khám chữa bệnh ngay tại tuyến dưới không phải lên tuyến trên, từ đó góp phần giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên.
 
Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 12

Về thuận lợi: Đó là có sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động của ngành Y tế, trong đó có việc thực hiện Đề án 1816: Hàng năm chính phủ cấp kinh phí cho hoạt động của Đề án; Các Bộ ngành và các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc triển khai thực hiện Đề án; Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện tỉnh/thành phố đã chủ động, tích cực tham gia hưởng ứng Đề án 1816; Cán bộ, viên chức tham gia Đề án 1816 thông suốt về tư tưởng, yên tâm nhận nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ đi luân phiên. Hầu hết cán bộ đi luân phiên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được các địa phương tặng Bằng khen, Giấy khen. Nhiều đảng viên gương mẫu xung phong tình nguyện đi luân phiên; Đề án nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong và ngoài nước. Một số tổ chức ủng hộ, tài trợ kinh phí gây quỹ khen thưởng và hoạt động của Đề án 1816: Ngân hàng Công thương Việt Nam, Tập đoàn SUNWHA, Hồng Kông cam kết hỗ trợ kinh phí cho đào tạo cán bộ.

Hạn chế: Đề án 1816 giai đoạn 2008 – 2012, tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn có hạn chế: Công tác quán triệt, phổ biến tuyên truyền chưa đầy đủ; Quy trình cử cán bộ luân phiên chưa được thực hiện tốt; Khảo sát nhu cầu, nên thiếu thực tế và bị động, cử cán bộ đi luân phiên chưa sát với nhu cầu thực tế của nơi nhận, làm giảm hiệu quả của việc cử CBLP; Cử cán bộ luân phiên chưa đủ năng lực thực hiện kỹ thuật độc lập, hiệu quả công việc của cán bộ chưa tốt; Các bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên một số nơi chưa chủ động trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kỹ thuật; có trường hợp thể hiện thiếu hợp tác, ỷ lại cán bộ đến luân phiên và chưa chủ động học hỏi; trang thiết bị cần thiết để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật thiếu, hoặc chưa đồng bộ dẫn đến việc hạn chế chuyển giao kỹ thuật; Thời gian, định mức chỉ tiêu cử cán bộ luân phiên chưa thực sự phù hợp, dẫn đến hạn chế kết quả hỗ trợ của cán bộ luân phiên.

Bài học kinh nghiệm:

- Sự thống nhất chủ trương và vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương tạo ra sức mạnh tổng hợp, đảm bảo cho Đề án 1816 được thực hiện đồng bộ cả về  bề rộng lẫn chiều sâu và đạt được hiệu quả cao.

- Công tác tổ chức thực hiện Đề án khoa học, quyết liệt, đồng bộ từ việc thành lập ban chỉ đạo các cấp đến việc phổ biến quán triệt tuyên truyền lập kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện, tổng kết rút kinh nghiệm, tranh thủ mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, từ nguồn tự có của các đơn vị và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước góp phần làm nên thành công của Đề án.

- Phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các địa phương, đơn vị tạo nên sự phong phú, đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị góp phần nâng cao hiệu quả của Đề án.

 - Tăng cường công tác kiểm tra giám sát bảo đảm cho việc thực hiện nghiêm túc mục tiêu, nội dung và các quy định của Đề án của các đơn vị và cá nhân là hoạt động cần thiết, quan trọng trong thực hiện Đề án.

- Phối hợp với phong trào thi đua, khích lệ các đơn vị, đảng viên và cán bộ y tế tham gia là rất cần thiết trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn và chính sách chế độ của Nhà nước đối với cán bộ Y tế còn hạn chế.

Kết quả của Đề án là sự thể hiện truyền thống văn hoá và bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đó là tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau, tình cảm đồng nghiệp hỗ trợ giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn. 
 
Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 13

Nguyễn Thanh Tịnh - nguyentinh@gmail.com - Nữ 43 tuổi:Bác sĩ có thể cho biết, hiện nay đề án 1816 được thực hiện khác trước đây như thế nào? Hiện có bao nhiêu bác sĩ về tuyến dưới để chuyển giao kỹ thuật?

TS Đặng Tự: Đề án 1816 thực hiện từ tháng 8/2008.

Bước đầu là cử cán bộ luân phiên xuống tại BV tuyến tỉnh trực tiếp khám chữa bệnh, hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn và tư vấn kỹ thuật cho tuyến dưới theo định kỳ 3 tháng.

Hiện nay có thay đổi là không luân phiên cán bộ ở tuyến tỉnh mà yêu cầu BV tuyến dưới cử cán bộ lên tuyến trên để đào tạo chuyên môn, tiếp cận các kỹ thuật chuyển giao tại BV nhi TƯ. Trong quá trình đào tạo, BV nhi TƯ cử chuyên gia hoặc cán bộ chuyên môn xuống BV tỉnh để giám sát, tư vấn chuyên môn và hướng dẫn thực hành tại BV tỉnh. Và đến khi nào BV tỉnh nắm được kỹ thuật chuyên môn chuyển giao áp dụng vào công tác KCB thường quy tại BV tỉnh thì kỹ thuật ấy được xem như thành công.

BV nhi TƯ cử cán bộ chuyên khoa phù hợp với yêu cầu của BV tỉnh cũng ưu tiên vào các lĩnh vực cấp cứu, sơ sinh, hô hấp, tim mạch…cho các BV tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra.

Đặng Nhật Minh - Nhatminh@gmail.com - Nam 36 tuổi: Theo tôi được biết, BV Bạch Mai là một cơ sở quá tải, bệnh nhân từ các tỉnh đổ về khám rất đông, trong khi phần lớn những trường hợp đó đều có thể khám chữa tại các cơ sở tuyến tỉnh. BV Bạch Mai đã thực hiện các Đề án giảm tải như Bệnh viện vệ tinh, 1816 như thế nào để giải quyết tình trạng này?
 
Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 14

PGS. TS Mai Trọng Khoa: Hiện nay có một số lượng không nhỏ bệnh nhân ở tuyến dưới lên thẳng các bệnh viện tuyến trung ương trong đó có Bệnh viện Bạch Mai. Trong số đó có 1 số lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú, cũng như một số các bệnh nhân nội trú. Trong đó, có một số lượng lớn các bệnh nhân nặng do tuyến dưới không đủ điều kiện để điều trị và một số các bệnh nhân mà các bệnh viện tuyến dưới có thể điều trị được.

Để giải quyết tình trạng này, BV Bạch Mai đã có các giải pháp sau:

- Hàng năm rất nhiều cán bộ BV Bạch Mai là các Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, những chuyên gia đầu ngành của các chuyên khoa đã tham gia đi công tác tuyến xuống giúp đỡ tuyến dưới theo kế hoạch thường quy hoặc đột xuất khi có yêu cầu như cấp cứu, ngộ độc, dịch bệnh,.... trong 15 năm qua đã có khoảng 10.000 lượt cán bộ Bệnh viện Bạch Mai xuống hỗ trợ tuyến dưới.

- Triển khai Đề án 1816 cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, BV Bạch Mai đã cử 370 cán bộ đi tăng cường cho 33 bệnh viện tuyến tỉnh thuộc 19 tỉnh phía Bắc là Yên Bái, Hà Nam, Hưng Yên, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Cán bộ luân phiên đã trực tiếp khám và điều trị 195.780 lượt bệnh nhân với 2.134 bệnh nhân nặng, nguy kịch đã được cứu chữa thành công ngay tại địa phương, hội chẩn 7.722 lần và thực hiện 94.406 lượt xét nghiệm và 414.833 thủ thuật chuyên sâu; Phẫu thuật 2.191 ca; Tổ chức 626 lớp đào tạo liên tục cho 27.147 lượt học viên; 649 kỹ thuật cơ bản và chuyên sâu được chuyển giao cho 1316 cán bộ; Sửa chữa, phục hồi được 269 trang thiết bị bị hỏng và tặng 4.614 cuốn tài liệu cho các bệnh viện; 91 khung chương trình chuyển giao kỹ thuật đã được xây dựng và nghiệm thu để chuyển giao cho các tỉnh; 65 phòng thủ thuật/ xét nghiệm mới được thành lập và hoàn thiện. Tất cả những hoạt động đó đã giúp nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới, nâng cao vị thế, uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh địa phương, góp phần giảm tải từ xa cho Bệnh viện tuyến trên nhất là Bệnh viện tuyến Trung ương, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới.

- Triển khai đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2009-2013, qua gần 5 năm thực hiện, với sự nỗ lực của Bệnh viện Bạch Mai cùng các Bệnh viện vệ tinh, sự quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế, Đề án đã đạt được những thành tựu quan trọng mang tính đột phá: hàng ngàn cán bộ y tế được nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý qua các khoá đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và hội thảo. Đặc biệt hàng trăm kỹ thuật chuyên sâu thuộc gần 20 lĩnh vực chuyên khoa đã được chuyển giao thành công cho các Bệnh viện vệ tinh, gần năm trăm cán bộ nòng cốt tại các Bệnh viện vệ tinh đã được đào tạo thành giảng viên nguồn. 100 khung chương trình, tài liệu đào tạo đã được biên soạn, chuẩn hóa. Các loại hình đào tạo mới như đào tạo kỹ năng mềm, đào tạo từ xa bắt đầu được triển khai. Cẩm nang hướng dẫn chẩn đoán, điều trị với 203 phác đồ cùng 50 tiêu chuẩn đơn vị chuyên môn được xây dựng, ban hành. Hệ thống kết nối trực tuyến hoạt động hiệu quả thông qua các buổi hội chẩn, hội thảo, đào tạo thường quy và đột xuất. Nhiều đầu mục hoạt động mới và đặc biệt quan trọng đối với các bệnh viện trong xu thế hội nhập lần đầu tiên được xây dựng và áp dụng tại một số bệnh viện thuộc đề án như Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; hệ thống nhận diện thương hiệu, mô hình truyền thông giáo dục sức khỏe tại bệnh viện.

- Phát huy những thành quả đã đạt được đồng thời tập trung giảm tải những chuyên ngành đặc biệt quá tải, vì vậy BV Bạch Mai tiếp tục xây dựng và triển khai đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 cho 2 lĩnh vực chuyên ngành là tim mạch và ung bướu. Trong đó, BV Bạch Mai là bệnh viện hạt nhân chuyên ngành tim mạch với các bệnh viện vệ tinh là: BV ĐK Xanh pôn; BV ĐK tỉnh Hòa Bình; BVĐK tỉnh Lào Cai; BVĐK tỉnh Ninh Bình; BVĐK tỉnh Phú Thọ; BVĐK tỉnh Quảng Ninh. BV Bạch Mai đồng thời là bệnh viện hạt nhân chuyên ngành ung bướu cho các bệnh viện vệ tinh là: BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc; BVĐK tỉnh Lào Cai; BVĐK tỉnh Thanh Hóa; BVĐK tỉnh Hà Tĩnh; BVĐK tỉnh Thái Bình và BVĐK tỉnh Bắc Giang.

Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 15
 
Nguyễn Hoàng Oanh - Nữ 35 tuổi: Tôi sống ở Hải Dương, xin được hỏi bác sĩ tại Hải Dương việc chuyển giao được thực hiện ra sao? Xin cảm ơn bác sĩ!
 
PGS. TS Mai Trọng Khoa: BVĐK tỉnh Hải Dương là bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh thuộc địa bàn chỉ đạo tuyến do BV Bạch Mai phụ trách. Hàng năm, BV Bạch Mai vẫn cử các đoàn chuyên gia xuống tổ chức tư vấn, đào tạo, nâng cao năng lực theo kênh chỉ đạo tuyến. Đồng thời, BV Hải Dương cũng cử các y bác sĩ của bệnh viện lên BV Bạch Mai và các bệnh viện trung ương khác học tập các kỹ thuật chuyên sâu để về triển khai tại bệnh viện tỉnh. Hải Dương là 1 trong những tỉnh thuộc khu vực phía Bắc rất quan tâm đến công tác đào tạo chỉ đạo tuyến, phòng đào tạo và chỉ đạo tuyến được bệnh viện Hải Dương thành lập sớm và hoạt động rất có hiệu quả, tạo lập mối quan hệ chuyên môn rất tốt giữa bệnh viện Hải Dương với các bệnh viện tuyến trung ương, đặc biệt là BV Bạch Mai.
 
Nguyễn Thanh Hoa - hoa616@gmail.com - Nữ 22 tuổi: Xin ông cho biết nguyên nhân chính gây quá tải bệnh viện tuyến trên ở Việt Nam và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
 
Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 16

ThS Cao Hưng Thái: Có rất nhiều nguyên nhân quá tải bệnh viện như: Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao cả về số lượng lẫn chất lượng; mô hình bệnh tật phức tạp. Việt Nam đang đứng trước mô hình bệnh tật kép, bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, một số bệnh mới nổi, bệnh không lây nhiễm gia tăng. Trong khi đó đầu tư cho Y tế còn thấp, quy mô giường bệnh thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ cán bộ Y tế, nhất là vùng núi, vùng sâu vùng xa còn hạn chế, do đó người bệnh có xu hướng về tuyến trên khám chữa bệnh.

Đặc biệt ở một số chuyên khoa hiện đang quá tải cao như đã nói ở trên, vì vậy Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện. Theo đó có một số giải pháp chính sau:

- Đầu tư nâng cấp mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch, sản và nhi.

- Thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, ưu tiên thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch, sản và nhi theo hướng lấy một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP HCM là bệnh viện hạt nhân;

- Thí điểm mô hình phòng khám Bác sĩ gia đình;

- Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế xã, đẩy mạnh hoạt động y tế dự phòng;

- Tăng cường công tác quản lý và nâng cao toàn diện chất lượng bệnh viện;

- Xây dựng ban hành cơ chế chính sách và các quy định chuyên môn kỹ thuật;

- Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về các chủ trương chính sách, các quy định trong công tác khám bệnh, chữa bệnh...

Huyền Anh - maihuyenanh@gmail.com - Nữ 30 tuổi: Tôi đi khám bệnh ở các bệnh viện, thậm chí là một số bệnh viện tuyến Trung ương, tôi thấy các bác sĩ rất phải mất thời gian trong việc lưu sổ, vừa ghi chép sổ, vừa nhập vào máy vi tính. Đặc biệt là các bác sĩ có tuổi cao, việc sử dụng công nghệ rất chậm. Thưa ông, trong công tác chuyển giao kỹ thuật, có thường xuyên mở các lớp đào tạo tập huấn thêm cho các bác sĩ? và hiệu qủa ứng dụng vào công việc đã được như mong đợi?

PGS. TS Mai Trọng Khoa: Do yêu cầu khám và chữa bệnh hàng ngày, đặc biệt đối với các bệnh viện tuyến trung ương như BV Bạch Mai có một số lượng rất lớn các bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị. Nên công nghệ thông tin là một yêu cầu bắt buộc để phát triển khoa học và công nghệ đồng thời quản lý được hiệu quả, chính xác, an toàn nhất là công tác khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú, công tác dược, tài chính..., cũng như giúp cho công tác quản lý, nghiên cứu khoa học.
 
Để phục vụ cho các yêu cầu trên, BV Bạch Mai đã xây dựng trung tâm công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác nói trên và hiện nay đã đi vào hoạt động hàng ngày và phát huy hiệu quả cao. Bệnh viện thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, đào tạo về công nghệ thông tin cho toàn bộ các cán bộ công nhân viên chức Bệnh viện. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, các cán bộ nhân viên của Bệnh viện phải làm quen với công nghệ mới nên cần thời gian để thích ứng với các kỹ thuật công nghệ mới. 
 
Mạc Hóa - machoa@gmail.com - Nam 43 tuổi:Trong quá trình chuyển giao công nghệ, kỷ niệm nào các bác sĩ nhớ nhất? khó khăn nào các bác sĩ khó có thể vượt qua? Những vấn đề nào ở tuyến dưới thực sự là vấn đề khó khắc phục? Xin cảm ơn.
 
Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 17

TS Đặng Tự: Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình chuyển giao kỹ thuật cho tuyến tỉnh là tại khoa nhi BV đa khoa Quảng Ninh. Có một ca sơ sinh bất đồng nhóm máu mẹ con sau sinh cần được cấp cứu ngay trong đêm. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ khoa sơ sinh, trung tâm truyền máu BV nhi TƯ với khoa nhi, khoa xét nghiệm (huyết học) BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh trao đổi thông tin về chuyên môn đã cứu sống được bệnh nhi khi đó có nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc cấp cứu thành công này nhờ vào việc thực hiện Đề án 1816.

Sau thành công này, BV đa khoa Quảng Ninh không phải chuyển bệnh nhân tương tự lên tuyến trên mà có thể điều trị tại BV tỉnh.

Những khó khăn mà chúng tôi thường gặp là khi đã chuyển giao thành công cho tuyến dưới thì cán bộ tiếp nhận chuyển giao khi về tuyến dưới lại được phân công sang công tác khác, hoặc chuyển cơ quan hoặc nghỉ sinh con hoặc một số kỹ thuật chuyển giao đã được ápdụng tại tuyến tỉnh nhưng chưa được bảo hiểm y tế chi trả.

Tồn tại của tuyến dưới hiện nay là vấn đề cơ sở vật chất và cung cấp trang thiết bị phục vụ cho kỹ thuật chuyển giao.

Phạm Thị Tốt - phamtot@gmail.com - Nữ 55 tuổi:Xin cho biết chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh vệ tinh sau khi được chuyển giao những gói kỹ thuật chuyên môn từ bệnh viện hạt nhân? Liệu chúng ta có cải thiện được sự quá tải không khi hằng ngày các bệnh nhân tuyến dưới vẫn kéo lên bệnh viện trung ương?

ThS Cao Hưng Thái: Mục tiêu của Đề án Bệnh viện vệ tinh là xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh hiện đang quá tải trầm trọng thông qua việc nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị, đào tạo chuyển giao kỹ thuật về 5 chuyên khoa và các chuyên khoa hỗ trợ. Các bệnh viện vệ tinh sẽ được tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh về các chuyên khoa trên. Đồng thời có thương hiệu của bệnh viện hạt nhân sẽ thu hút được bệnh nhân tới để khám, chữa bệnh, góp phần giảm quá tải tuyến trên.
 
Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện 18
 
Nguyễn Thị Hường - nguyenhuong@gmail.com - Nữ 21 tuổi: Xin hỏi, công tác giám sát các đề án như BV vệ tinh hay đề án 1816 thì do Bộ Y tế giám sát hay do Bệnh viện có cán bộ đi luân phiên giám sát?

TS Đặng Tự: Công tác giám sát Đề án 1816 và Đề án BV vệ tinh là do cả BV hạt nhân (BV tuyến trên) và BV vệ tinh (BV tuyến dưới) quản lý. Hai bệnh viện cử cán bộ sẽ có sự phối hợp để giám sát cán bộ thực hiện có hiệu quả.

Bùi Thị Hân - buihan@gmail.com - Nữ 40 tuổi: Tôi mới phát hiện bị hở van tim,bác sĩ cho tôi biết biện pháp để chữa trị hiệu quả nhất và tôi nên đến cơ sở khám chữa bệnh nào?

PGS. TS Mai Trọng Khoa: Hiện nay, Viện Tim mạch quốc gia trực thuộc BV Bạch Mai là cơ sở chuyên khoa đầu ngành về tim mạch của Việt Nam. Hiện nay, Bộ Y tế đã giao cho Viện Tim mạch quốc gia là hạt nhân về chuyên ngành tim mạch cho 6 bệnh viện vệ tinh (BVĐK Xanh pôn; BVĐK tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh), và Trung tâmY học hạt nhân và Ung bướu là hạt nhân về chuyên ngành ung bướu cho 6 Bệnh viện vệ tinh (BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai, Thái Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh).
 
Vì vậy, nếu bạn ở gần BV Bạch Mai hoặc các bệnh viện vệ tinh kể trên, bạn có thể đến các cơ sở đó để khám và chữa bệnh.
 
Trong trường hợp bạn không thuộc các địa phương trên, bạn vẫn có thể đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa hoặc đa khoa gần nhất.
Về trường hợp hở van tim của bạn, hiện nay y học đã có rất nhiều biện pháp điều trị hiệu quả được thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa tim mạch.

Mai Thị Giang - Giang@gmail.com - Nữ 22 tuổi: Xin cho hỏi, mức độ quá tải của năm 2013 so với năm 2012 có giảm bớt không?

TS Đặng Tự: Theo báo cáo thống kê của phòng kế hoạch tổng hợp BV Nhi TƯ trong 9 tháng năm 2013 so với cùng kỳ 2012, số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV Nhi trung ương năm 2013 không giảm so với năm 2012. Tuy nhiên, năm 2013 nổi bật nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân cấp cứu vận chuyển không an toàn, giảm tỷ lệ tử vong dưới 24 giờ đầu nhập viện. 

Nguyễn Thị Thu Hà - thuha@gmail.com - Nữ 50 tuổi: Lãnh đạo bệnh viện đo đếm như thế nào về sự thành công của Đề án BV vệ tinh? Phải chăng là bớt quá tải ở các bệnh viện tuyến trên sau khi có bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh? Xin cho biết, những ưu điểm và hạn chế của Đề án BV vệ tinh?

PGS. TS Mai Trọng Khoa: Tiêu chí để đánh giá sự thành công của đề án BV hạt nhân và bệnh viện vệ tinh là một hệ thống các tiêu chí có thể lượng hóa và đo lường được. Ví dụ đối với dự án chuyên ngành ung bướu tại BV Bạch Mai cho các bệnh viện vệ tinh như sau:

Tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến trên thuộc lĩnh vực ung thư.

Tỷ lệ giảm tải bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu BVBM.

Số lượng bệnh nhân mắc bệnh ung thư được khám, quản lý ngoại trú

Số lượng bệnh nhân mắc bệnh ung thư được điều trị nội trú

Số lượng bệnh nhân mắc bệnh ung thư được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao.

Số lượng các đơn vị chuyên khoa ung thư được thành lập mới và hoạt động hiệu quả

Số các đơn vị tham gia xây dựng và áp dụng mô hình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế vào công tác quản lý, chuyên môn về ung thư.

Số lượng các quy trình kỹ thuật, các phác đồ chẩn đoán, điều trị được xây dựng, phê duyệt và áp dụng thống nhất tại các BVVT.

Số lượng các tiêu chuẩn đơn vị chuyên môn được xây dựng, phê duyệt và áp dụng thống nhất tại các BVVT.

Số lượng các chương trình, tài liệu đào tạo về ung thư được biên soạn.

Số lượng khoá đào tạo, tập huấn, hội thảo về ung thư được tổ chức.

Số cán bộ được tham gia đào tạo, tập huấn, hội thảo về ung thư

Số kỹ thuật được chuyển giao cho các BVVT và mức độ áp dụng vào thực tế

Số bệnh nhân chuyển tuyến được thông tin hai chiều về kết quả khám và điều trị.

Số lượng ấn phẩm truyền thông, giáo dục sức khoẻ được biên soạn.

Số cá nhân, đơn vị áp dụng công nghệ thông tin trao đổi chuyên môn, đào tạo

Hiệu quả hoạt động của các trang thiết bị được đầu tư từ Đề án.

Nguyễn Thị Thu - nguyenthu@gmail.com - Nữ 49 tuổi: Thưa ông, được biết đề án 1816 đã thay đổi phương thức thực hiện, không còn đi luân phiên 3 tháng như trước mà chỉ thực hiện các gói kỹ thuật theo yêu cầu của tuyến dưới. Vậy từ đầu năm tới nay BV Nhi TƯ, đã chuyển giao những gói kỹ thuật gì? Bao nhiêu bệnh viện tuyến dưới được tiếp nhận?

TS Đặng Tự: Năm 2013 BV nhi đã chuyển giao các gói kỹ thuật sau:

CCấp cứu nhi cơ bản và nâng cao; Hồi sức sơ sinh và chăm sóc thiết yếu cơ bản và nâng cao; Ngoại nhi; Nội nhi tổng hợp; Gói xét nghiệm sinh hóa; Huyết học và truyền máu; Vi sinh; Chẩn đoán hình ảnh.

Các tỉnh tiếp nhận các gói kỹ thuật này là 5 BV vệ tinh, gồm: BV Nhi Thái Bình, BV Nhi Hải Dương, BV Sản nhi Bắc Giang, BV Sản nhi Vĩnh Phúc, BV Sản nhi Ninh Bình và các BV khác (BV Sản nhi Hưng Yên, BV Sản nhi Lào Cai, BV nhi Nam Định, BV trẻ em Hải Phòng); khoa nhi các BV đa khoa (Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái).

Nguyễn Hoàng Oanh - Nữ 35 tuổi: Gia đình tôi sinh sống ở Cao Bằng, tôi hiện đang nuôi con nhỏ, cháu bé nhà tôi rất hay bị viêm mũi và họng. Có lần vì chủ quan mà con tôi bị viêm phổi. Gia đình đưa cháu đến bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng để chữa bệnh. Tuy nhiên sau đó bệnh của cháu lại tái phát. Được biết BV Nhi trung ương là bệnh viện đầu ngành về khám chữa bệnh cho trẻ em, hơn nữa do tâm lý chữa bệnh phải ở những bệnh viện tuyến đầu tốt hơn các bệnh viện tuyến dưới nên gia đình chúng tôi đã đưa cháu xuống đây để chữa bệnh. Xin cảm ơn!

TS Đặng Tự: Đa số bệnh có thể phát hiện, điều trị sớm để ngăn ngừa bệnh nặng lên ngay tại tuyến dưới như các bệnh về hô hấp, tiêu chảy... Tuy nhiên có một số bệnh mà ở tuyến dưới không đủ điều kiện chữa bệnh (như bệnh ung thư, rối loạn chuyển hóa, bẩm sinh di truyền, các nhiễm trùng nặng, các bệnh mãn tính…) thì phải chuyển lên tuyến trên theo sự tư vấn của chuyên môn tuyến dưới.

Đặng Văn Bách - vanbach@gmail.com - Nam 47 tuổi: Trong 5 chuyên khoa bị quá tải trầm trọng và được ưu tiên để chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, chuyên khoa nào được ưu tiên và triển khai sâu rộng nhất?

PGS. TS Mai Trọng Khoa: Đối với BV Bạch Mai chuyên ngành tim mạch và ung bướu được ưu tiên và triển khai sâu rộng nhất. Bên cạnh đó, BV Bạch Maivẫn chú trọng hỗ trợ nâng cao năng lực y tế các chuyên ngành cho BV vệ tinh và các bệnh viện khác thông qua các hoạt động chỉ đạo tuyến, 1816, đề án 47/930...

Đặng Quốc Cường - quoccuong@gmail.com - Nam 35 tuổi:Tôi sống ở Thanh Hóa, vì gia đình cũng có thể cố gắng được nên mỗi lần có bệnh lại ra Hà Nội. Tuy nhiên tôi muốn tìm hiểu xem ở Thanh Hóa, những bệnh viện nào đã được chuyển giao kỹ thuật và tiếp nhận tốt để ứng dụng vào khám chữa bệnh cho những người dân như chúng tôi?

PGS. TS Mai Trọng Khoa: BVĐK tỉnh Thanh Hóa là một trong 6 Bệnh viện vệ tinh thuộc chuyên ngành ung bướu của BV Bạch Mai. Cùng với đề án BV vệ tinh, đề án 1816 và công tác chỉ đạo tuyến không chỉ chuyên ngành ung bướu của bệnh viện tỉnh Thanh Hóa được BV Bạch Mai giúp đỡ mà toàn bộ các chuyên ngành khác cũng đều được quan tâm hỗ trợ. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm đến khám và chữa bệnh tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa.

Trần Văn Minh - tranminh@gmail.com - Nam 57 tuổi:Được biết, BV Bạch mai là nơi đã thực hiện đề án BV Vệ tinh, xin hỏi hiện nay BV Bạch mai là bệnh viện hạt nhân của bao nhiêu bệnh viện vệ tinh và tập trung vào những chuyên khoa nào?

PGS. TS Mai Trọng Khoa: BV Bạch Mai và BV Việt Đức là 2 đơn vị đi đầu trong việc triển khai đề án bệnh viện vệ tinh. Phát huy hiệu quả của 2 đề án này, Bộ Y tế đã nhân rộng mô hình trên toàn quốc. Hiện nay, BV Bạch Mai là BV hạt nhân của 18 bệnh viện vệ giai đoạn 2009-2013 BV Bạch Mai triển khai tại 8 tỉnh là: Bắc Ninh, Tuyên Quang, Lào Cai, Nghệ An, Sơn La, Nam Định, Hưng Yên và Hà Đông-Hà Nội, tại giai đoạn này BV Bạch Mai triển khai với 20 lĩnh vực chuyên môn quản lý ưu tiên đặc biệt chú trọng cấp cứu hồi sức, nội khoa, cận lâm sàng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, truyền nhiễm, công nghệ thông tin, truyền thông giáo dục sức khỏe và quản lý bệnh viện. Giai đoạn 2013-2020, BV Bạch Mai tiếp tục mở rộng và tập trung vào 2 chuyên ngành tim mạch và ung bướu tại các tỉnh/TP: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ.

Bình Thương - nguyenbinhthuong@gmail.com - Nữ 46 tuổi:Thưa ông trong quá trình chuyển giao kỹ thuật ở BV Nhi Trung ương đã có những thuận lợi và khó khăn gì. Là người trực tiếp tham gia chương trình này, ông có đề xuất gì để thuận lợi cho quá trình chuyển giao?

TS Đặng Tự: Để thực hiện các đề án có hiệu quả, chủ yếu đối với BV và chính quyền tỉnh, chúng tôi đề xuất như sau:

Trọng tâm về đào tạo nhân lực;

Xây dựng cơ sở vật chất và cung cấp trang thiết bị;

Có nguồn kinh phí cho đào tạo nhân lực.
Còn đối với BV tuyến trung ương:
Cần chuẩn bị, biên soạn tài liệu đào tạo quy trình chuyển giao kỹ thuật và phương tiện giảng dạy để chuyển giao các gói kỹ thuật.
Tạo điều kiện thuận lợi cho học viên về tiếp nhận chuyển giao tại BV nhi TƯ.
Chuyển giao các kỹ thuật phù hợp với khả năng tiềm lực của địa phương.
 
Trong chương trình giao lưu, chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến tham gia chương trình. Do thời lượng chương trình có hạn nên các chuyên gia đã cố gắng trả lời rất nhiều các câu hỏi được gửi đến sớm. Những câu hỏi còn lại chúng tôi xin hẹn trả lời tiếp trong lần giao lưu sau.
 
Xin chân thành cảm ơn Quý bạn đọc
 
BBT Giadinh.net.vn
Ảnh: Chí Cường
 
 
 
kieudiep
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bé gái chào đời với dây rốn quấn cổ 5 vòng

Bé gái chào đời với dây rốn quấn cổ 5 vòng

Y tế - 1 ngày trước

Bé gái nặng gần 3 kg, có dây rốn quấn cổ 5 vòng, ngôi ngược vừa được các bác sĩ phẫu thuật mổ lấy thai thành công

Lạng Sơn: Gần 100 người mắc rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu

Lạng Sơn: Gần 100 người mắc rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH – Đa số bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, chửi bới, lo âu, hoảng sợ, ảo giác...

Tai nạn hy hữu: Đạp xe đi học, nam sinh 17 tuổi bị tay lái đâm sâu vào cổ

Tai nạn hy hữu: Đạp xe đi học, nam sinh 17 tuổi bị tay lái đâm sâu vào cổ

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Cú ngã không ngờ đã khiến tay lái xe đâm vào cổ. Máu từ vết thương ồ ạt chảy, cậu vội dùng tay bịt vết thương, loạng choạng chạy bộ về nhà.

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, hai người đàn ông nhập viện cấp cứu

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, hai người đàn ông nhập viện cấp cứu

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH – Sau 5 tháng uống thuốc nam điều trị viêm gan B, ông D. thấy mệt mỏi, chán ăn, tiểu ít, có màu vàng sẫm, đại tiện phân táo nên được đưa đi bệnh viện.

Thông tin mới nhất vụ thanh niên ngừng tim trước vạch đích giải chạy Tây Hồ: Có tiền sử tăng huyết áp

Thông tin mới nhất vụ thanh niên ngừng tim trước vạch đích giải chạy Tây Hồ: Có tiền sử tăng huyết áp

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, thường xuyên được điều trị bằng Coversyl.

Cứu sản phụ mang thai có 'tràng hoa cuốn cổ' 5 vòng

Cứu sản phụ mang thai có 'tràng hoa cuốn cổ' 5 vòng

Y tế - 2 ngày trước

BS Khoa Sản, BVĐK Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật mổ lấy thai có "tràng hoa quấn cổ" 5 vòng, ngôi ngược thành công.

Thanh niên ngừng tim, gục ngã ngay trước vạch đích giải chạy Tây Hồ

Thanh niên ngừng tim, gục ngã ngay trước vạch đích giải chạy Tây Hồ

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Thanh niên bị ngừng tim ngay trước vạch đích có bệnh tim mạch nền, rối loạn nhịp,

Vợ chồng bác sĩ kể lại giây phút cấp cứu hàng chục người gặp tai nạn giao thông

Vợ chồng bác sĩ kể lại giây phút cấp cứu hàng chục người gặp tai nạn giao thông

Y tế - 2 ngày trước

"Em là bác sĩ, em sẽ hướng dẫn mọi người sơ cứu đúng cách", bác sĩ Giáp không kịp cởi mũ bảo hiểm, vừa hô to, vừa xắn tay áo lao vào cấp cứu các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Kon Tum.

Phẫu thuật thành công cho người phụ nữ có 2 bàng quang

Phẫu thuật thành công cho người phụ nữ có 2 bàng quang

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học - Bệnh viện E vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho người bệnh nữ có 2 bàng quang.

Phát bệnh tâm thần sau lần quan hệ tình dục không an toàn

Phát bệnh tâm thần sau lần quan hệ tình dục không an toàn

Y tế - 4 ngày trước

Sau lần quan hệ ngoài luồng, không an toàn, người đàn ông luôn nghĩ bản thân mắc bệnh lây nhiễm tình dục, khi khám được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần.

Top