Hà Nội
23°C / 22-25°C

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Quyết liệt hơn nữa để tăng sự hài lòng của người bệnh

Thứ bảy, 08:00 17/02/2018 | Y tế

GiadinhNet - Năm 2017, bên cạnh những điểm sáng trong công tác khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, dược…, năm qua cũng đánh dấu rất nhiều sự kiện “lần đầu tiên” rất đáng tự hào của ngành Y tế: Liên thông kết quả xét nghiệm, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân… Bên thềm Xuân Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có những chia sẻ thẳng thắn về những vấn đề trong ngành Y tế.

Nhiều điểm sáng trong khám chữa bệnh

Thưa Bộ trưởng, năm 2017 có thể nói là một năm ngành Y tế đã đạt được nhiều thắng lợi lớn. Bộ trưởng cho biết một số thành tựu nổi bật của y tế nước nhà trong năm qua?

- Sau 25 năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. 2 Nghị quyết thay thế cho Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII năm 1992 với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, là kim chỉ nam rất quan trọng trong đường lối hoạt động của ngành y tế - dân số thời gian tới.

Năm qua, ngành Y tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, trong nhiều lĩnh vực như: Ghép tạng, can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi, can thiệp chấn thương, chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc bước đầu thành công về ghép tế bào gốc tạo máu điều trị các bệnh máu, hỗ trợ sinh sản…

Năm 2017, chúng ta đã đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt gần 86%. Ngành Y tế cũng tiến hành đổi mới, sắp xếp hệ thống theo hướng tinh gọn bộ máy trên cơ sở sáp nhập các trung tâm y tế không có giường bệnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố. Cũng trong năm qua, lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện. Năm qua, chúng ta cũng khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, áp dụng và triển khai trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam cũng tiến hành đấu thầu thuốc tập trung quốc gia giúp giảm chi phí thuốc, tiết kiệm ngân sách…


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra tại Bệnh viện Sa Pa (Lào Cai)

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra tại Bệnh viện Sa Pa (Lào Cai)

Như Bộ trưởng vừa chia sẻ, năm 2017, lần đầu tiên chúng ta triển khai đấu thầu thuốc cấp quốc gia đạt hiệu quả tốt. Vậy kế hoạch tổ chức thương thảo giá thuốc và đấu thầu quốc gia tới đây để giảm giá thuốc của Việt Nam như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Trong thời gian vừa qua, triển khai quản lý công tác mua sắm thuốc đối với các khu vực bệnh viện công lập, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc để thực hiện Luật đấu thầu và nhằm tăng cường sự công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết các khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu thuốc.

Triển khai Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia đợt 1 cho 21 mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, giảm 16,4% so với giá trúng thầu trung bình năm trước, trong đó mức giảm cao nhất là 30% và thấp nhất là 4%. Điều này đã khắc phục tình trạng chênh lệch giá thuốc trúng thầu giữa các vùng. Tới đây, ngành Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ mở rộng việc đấu thầu, đồng thời thực hiện đàm phán giá đối với các nhà cung cấp dược phẩm để tiếp tục giảm giá thuốc. Hiện Bộ Y tế đang chuẩn bị thực hiện đàm phán giá thuốc cấp quốc gia, trong đó thành lập Hội đồng đàm phán giá thuốc; Thẩm định kế hoạch đàm phán giá thuốc đợt 1 gồm 8 mặt hàng thuốc biệt dược gốc. Dự kiến đợt đàm phán này sẽ hoàn thành trong quý I-2018; Xây dựng bổ sung Danh mục biệt dược gốc đã có nhiều thuốc generic thay thế thí điểm hình thức đàm phán giá (dự kiến 139 mặt hàng thuốc).

Quyết liệt hơn trong cải tiến chất lượng bệnh viện


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm, tặng quà nạn nhân lũ lụt tại bệnh viện đa khoa Nghĩa Lộ (Yên Bái)

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm, tặng quà nạn nhân lũ lụt tại bệnh viện đa khoa Nghĩa Lộ (Yên Bái)

Trở lại một vấn đề khác khá “nhức nhối” trong khám chữa bệnh là quá tải bệnh viện. Theo đánh giá của Bộ trưởng, việc giải quyết “vấn nạn” này đã đạt hiệu quả hay chưa?

- Đến nay, sau 5 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm tải bệnh viện đã đạt được những kết quả bước đầu, tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Tôi lấy ví dụ, trong giai đoạn 2015-2017, đối với khu vực ngoại trú, quy trình khám bệnh giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/năm cho xã hội. Còn với khu vực nội trú, ngành đã xây dựng, cải tạo và mở rộng được nhiều bệnh viện, tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân. Tình trạng quá tải khu vực điều trị nội trú đang từng bước được khống chế. 37/39 bệnh viện tuyến Trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24 giờ hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện. Tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đã giảm nhiều. Đến nay, tỷ lệ nằm ghép ở bệnh viện tuyến tỉnh là dưới 12%, tuyến Trung ương dưới 17%, trong khi trước đây là 47-58%.

Nhờ việc thực hiện các đề án Bệnh viện vệ tinh, đề án 1816, tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên cũng giảm mạnh (đối với các chuyên khoa ưu tiên như Tim mạch, ung thư, ngoại khoa, sản, nhi, tỷ lệ giảm từ 73-99%).

Tình trạng quá tải nhìn chung có giảm, tuy nhiên, số lượt điều trị nội trú và ngày điều trị trung bình tại tuyến tỉnh, tuyến huyện lại có xu hướng gia tăng; Tình trạng quá tải ở tuyến trung ương vẫn còn diễn ra ở một vài bệnh viện lớn. Như trên tôi nói, 2/39 bệnh viện chưa ký cam kết không để người bệnh nằm ghép). Bộ Y tế phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện.

Y tế là lĩnh vực nóng, người dân rất quan tâm và cũng dễ nảy sinh bức xúc. Thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều thay đổi quyết liệt để nâng tỷ lệ hài lòng của người bệnh. Là tư lệnh ngành, Bộ trưởng có cảm thấy hài lòng về những kết quả đã đạt được không?

- Trong thời gian qua, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong toàn ngành nhiều kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tại các cơ sở y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh như: Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; Kế hoạch xây dựng cơ sở y tế “Xanh-Sạch-Đẹp”; Bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện Việt Nam và nhiều nội dung khác…

Việc thực hiện đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Ý thức của cán bộ y tế đã có sự thay đổi từ tư tưởng “ban ơn” sang “cung cấp dịch vụ, phục vụ”. Nhiều bệnh viện đã gọi điện cho người nhà sau khi ra viện về việc có hài lòng khi ở bệnh viện hay không. Một khảo sát gần đây cho thấy, mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế đạt chung 89,8%. Nhiều bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E… tỷ lệ hài lòng nâng lên theo từng năm.

Bản thân tôi đã từng đi kiểm tra nhiều bệnh viện từ tuyến Trung ương đến huyện, xã. Thực sự có những bệnh viện đã “thay da đổi thịt”: Từ ghế ngồi, ngày trước có nơi chỉ ngồi ghế đá ngoài sân, hay ghế đẩu… nay đã có hàng ghế ngồi chờ như ở sân bay, hay bệnh nhân được lấy số điện tử, dưới lối đi có vạch chỉ đường nội viện nhiều màu sắc rất khoa học, văn minh…

Điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp đã ngày càng được cải thiện và nâng cấp hơn. Nhiều bệnh viện huyện cải tiến rất rõ ở nhà vệ sinh. Nhìn chung, diện mạo các bệnh viện thay đổi rõ rệt.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít người bệnh phàn nàn về tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận nhân viên y tế, nhân viên phục vụ trong các bệnh viện, nhất là các bệnh viện quá tải; Sự xuống cấp của điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các dịch vụ hỗ trợ trong một số bệnh viện, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Để đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, thời gian tới ngành Y tế tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp. Sắp tới, chúng tôi sẽ quyết liệt hơn nữa trong vấn đề đánh giá sự hài lòng của người bệnh, chất lượng bệnh viện, bổ sung thêm tiêu chí về giá dịch vụ y tế trong việc đồng chi trả các kỹ thuật, thuốc men khi tham gia BHYT.


Bộ trưởng hỏi thăm thủ tục khám chữa bệnh, tinh thần, thái độ của nhân viên y tế tại BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc

Bộ trưởng hỏi thăm thủ tục khám chữa bệnh, tinh thần, thái độ của nhân viên y tế tại BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc

Trong quản lý, điều hành công việc, Bộ trưởng trăn trở nhất, tâm tư nhất về vấn đề gì?

- Một trong những vấn đề mà tôi quan tâm và trăn trở nhất hiện nay là bảo đảm môi trường làm việc an ninh và an toàn cho người thầy thuốc. Năm 2017 chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế, từ các bệnh viện, các trung tâm y tế lớn, tới những người làm việc tại trạm y tế xã, hay các đơn vị cấp cứu 115. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như tinh thần làm việc của cán bộ y tế.

Ngoài những vụ hành hung thân thể, các thầy thuốc còn phải chịu đựng cả những hành vi hành hung khác về mặt tinh thần như đe dọa, chửi rủa. Có một thực tế đáng buồn đa số những kẻ hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ, hay những đối tượng có tiền án tiền sự, mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy nhà nước hay doanh nhân thành đạt.

Bộ Y tế ghi nhận sự vào cuộc tích cực của chính quyền và cơ quan chức năng ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Bình… đã nhanh chóng bắt giữ những kẻ hành hung thầy thuốc và xử lý nghiêm theo pháp luật. Ngành Y tế cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật tại địa phương xem xét và có những hình thức xử phạt thích đáng đối với những kẻ đã gây thương tích cho các thầy thuốc, đồng thời, kêu gọi chính quyền địa phương các cấp chủ động phối hợp với ngành Y tế áp dụng những biện pháp an ninh cần thiết để bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế, phối hợp với công an sở tại triển khai các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân viên y tế và kêu gọi các cơ quan báo chí và cộng đồng lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế.

Xin Bộ trưởng cho biết trọng tâm của ngành y tế năm 2018 là gì?

- Năm 2018 là năm bản lề, quyết định trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Trong đó, nhiệm vụ số một là khẩn trương triển khai thực hiện các Nghị quyết số 20, 21. Xây dựng Chương trình sức khỏe Việt Nam trên cơ sở tổng hợp, kết nối các chương trình, đề án về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.

Bên cạnh đó, ngành sẽ thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Hoàn thành các Đề án, văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong Chương trình công tác của Chính phủ năm 2018; Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia; Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh; Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ y tế, xây dựng các văn bản pháp luật về đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế; Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hình thành mô hình quản lý bệnh viện như doanh nghiệp công ích; Đảm bảo cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng thuốc, Vaccine , sinh phẩm và trang thiết bị y tế với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Một nhiệm vụ quan trọng khác là tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Mở rộng sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Bảo đảm hậu cần đầy đủ và có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng, triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong bà mẹ và trẻ emn

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bộ Y tế phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện.

Chúng tôi sẽ quyết liệt hơn nữa trong vấn đề đánh giá sự hài lòng của người bệnh, chất lượng bệnh viện, bổ sung thêm tiêu chí về giá dịch vụ y tế trong việc đồng chi trả các kỹ thuật, thuốc men khi tham gia BHYT.

Võ Thu (Thực hiện)

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
2 bệnh viện phối hợp cứu người phụ nữ ngừng tuần hoàn do chửa ngoài tử cung vỡ

2 bệnh viện phối hợp cứu người phụ nữ ngừng tuần hoàn do chửa ngoài tử cung vỡ

Y tế - 20 giờ trước

GĐXH - Do lượng máu mất quá nhiều nên trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân xuất hiện 2 lần ngừng tuần hoàn.

Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH – Theo các bác sĩ, chì là 1 loại kim loại nặng, rất độc gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của con người, đặc biệt là đối với trẻ em.

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Y tế - 1 ngày trước

Sau khi lần lượt mờ 2 mắt, với thị lực gần như bằng 0, đi qua rất nhiều bệnh viện khám, nữ bệnh nhân ở Quảng Bình được xác định có khối phình động mạch não rất lớn.

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng chiếc que xiên thịt sắc nhọn đâm xuyên lưỡi.

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Về tình hình sức khỏe của nam sinh bị đánh chấn thương sọ não khi chơi bóng rổ, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết hiện tại, bệnh nhân vẫn hôn mê, thở hoàn toàn theo máy...

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Y tế - 5 ngày trước

Xương cá rơi vào phế quản nhưng bà K.A không hề hay biết. Bị ho, khó thở kéo dài, bệnh nhân điều trị suốt 1 năm không đỡ.

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Y tế - 6 ngày trước

GĐXH - Ngày 19/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam do JICA phối hợp với Hội Vật lý Trị liệu Việt Nam tổ chức.

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH – Hàng trăm đơn vị máu đã được tiếp nhận trong Chương trình hiến máu tình nguyện hưởng ứng “Lễ hội Xuân hội’ năm 2024 tại Bộ Y tế.

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH - Ngày 19/4, UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH – Bệnh nhi bị đứt toàn bộ động mạch trụ, đứt thần kinh trụ và thần kinh giữa, đứt gân gấp cổ tay trụ, đứt gân gấp ngón 4 và 5 bàn tay trái.

Top