Hà Nội
23°C / 22-25°C

Xe ôm phố xuân

Thứ năm, 08:00 15/02/2018 | Giải trí

GiadinhNet - “Xuân, xe ôm!” – tấm biển ngắn gọn được chủ nhân của “con ngựa sắt” cắm trước đầu xe cách đây chừng một tháng.

Hàng xóm bảo: “Ông cần gì phải làm biển, cứ đứng đầu phố ắt thiên hạ hiểu ông chạy xe ôm”. Nhưng không, ông Xuân vốn dân công chức, bản tính cần cù cẩn thận, ông kẻ vẽ ra giấy A3, đo đi cắt lại, tẩy xóa cả buổi mới đưa mẫu cho người ta in thành biển nghề. Gia cảnh nhà ông không quá khá giả cũng chẳng thiếu thốn đến mức tuổi già phải bươn chải ngoài đường. Vợ chồng ông Xuân sáng sáng vẫn ra đầu ngõ ăn quà vặt, xong xuôi bà nhập vào câu lạc bộ dưỡng sinh còn ông đứng đầu phố chờ khách gọi xe ôm. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chẳng thấy ông ngơi nghỉ bao giờ. Ông cắt nghĩa với những “đồng nghiệp” mới: “Bao năm tháng làm lụng chả sao, giờ chôn chân ở nhà cả ngày, cứ sinh lời là sinh chuyện. Sáng tưới mấy chậu cảnh, quá tay rớt nước xuống tầng dưới, hàng xóm buông lời cạnh khóe nhau. Chiều rủ rỉ mắng yêu con chó, vợ quay sang bảo sao toàn nói chuyện với chó, chẳng thấy nói với người, hay là khinh nhau, thế rồi bát đũa xô xát”, giọng ông pha chút ngậm ngùi.

Ban đầu, khi ông nói câu chuyện mình quyết định chạy xe ôm, cả nhà họp lại, đồng loạt “khởi nghĩa”. Việc để ông chạy xe hay không nối dài trong sự im lặng đến khó hiểu của đại gia đình. Mãi sau, ông bộc bạch với con gái út, đứa con ông gần gũi, cưng chiều nhất nhà: “Mỗi sáng thức dậy, bố thèm nghe âm thanh phố xá, thèm dự phần đúng nghĩa vào những cuộc chuyện trò”. Đứa con vươn vai bước khỏi căn phòng, tựa ban công nhìn ra phố. Căn nhà xưa cũ này, giờ chỉ mỗi vợ chồng ông Xuân ở lại, thỉnh thoảng, ngày lễ Tết hoặc cuối tuần, con cháu đã lập gia đình riêng về thăm cha mẹ, ông bà. Đại gia đình ấy, mỗi người một tính cách, thói quen, và nếu nói về những cuộc chuyện trò đúng nghĩa thì ngoài cuộc đối thoại vân vi nhưng ngắn gọn giữa ông và con gái út, e rằng đã lâu lắm, không hề có.

Mới vào nghề một tháng mà giai thoại về ông Xuân xe ôm lan truyền khắp phố. Gần Tết, người người đều cấp tập, cảm tưởng đến cái biển ông dựng trước đầu xe khách cũng chẳng ngó qua, cẩn thận quá hóa thừa. Những đứa thanh niên đầu xanh má đỏ ngoắc tay vẫy, ông chưa kịp “bắt sóng” thì “đồng nghiệp” bên cạnh đã vít ga xe đón mất. Phần nhiều, khách chỉ gọi vóng lên “Ê!”, “Này!” một tiếng, nào ai thưa thốt “Bác Xuân ơi…” hay “Xe ôm ơi!”. Ai cần việc làm kệ họ, ông cứ ung dung chờ đợi, thể nào cũng đến lượt mình. Lòng ông ngầm kiêu hãnh định ra cái “phân khúc khách hàng” biết chào hỏi đầu đuôi với người lao động chân chính là ông. Ngày ấy rốt cuộc cũng đến, một thanh niên gọi ông Xuân chở ra mình bến xe. “Trong cái bọc này có gì mà cậu gói ghém, chằng buộc kỹ thế?”. Khách đáp lời ông: “Chỉ là mấy thứ gốm sứ xoàng”. “Chậc chậc! xoàng làm sao, đồ dễ vỡ thế càng phải thật cẩn thận cậu ạ!”, ông vừa nói, vừa nhích nhẹ ga xe, đi với tốc độ rùa bò. Chặng đường ngót vài cây số mà cảm tưởng dài đến cả chục cây. Con phố đang ùn tắc, kẹt cứng bỗng nhao lên vì tiếng người, tiếng động cơ xe máy rồ ga ầm ầm, thêm cả dùi cui điện vung lên. Tay lái ông Xuân loạng quạng vì cú băng người khỏi xe của người ở phía sau. Trong chớp mắt, khách đi xe ông bị hai chiến sĩ công an quật ngã, còng tay, đám đông xôn xao xì xào: “Quân trộm cắp”. Ông Xuân phải theo công an về trụ sở làm giải trình, xong xuôi, từ tay đến gáy đổ mồ hôi giữa chiều đông lạnh. “Mở hàng đã hoành tráng thế này, chưa biết mấy nữa ra sao!”, câu hờn mát của bà nhà khiến ông Xuân bỏ bữa. Ông đi nằm sớm, vắt tay lên trán. Đầu óc ông quẩn quanh mãi câu hỏi: Tại sao một thanh niên mặt mũi sáng sủa, nói năng thưa gửi đàng hoàng, đang sức dài vai rộng thiếu gì việc lương thiện để làm lại có thể trộm cắp rồi bị bắt bớ giữa ban ngày?. Lúc ở đồn công an, ông quay sang định hỏi han đôi lời thì khách xe ôm đã bị công an giải đi, hắn lẩm bẩm: “Chỉ tại bố già đi chậm như rùa!”. Ông chìm vào giấc ngủ, ú ớ những cơn mơ.

Sáng hôm sau ông vẫn chạy xe, cắm biển, đứng chờ đầu phố. “Bác Xuân!”, tiếng gọi đủ nghe vang từ phía sau. “Cậu về đâu?”. Người đàn ông trên dưới bốn mươi tuổi hơi khựng lại, tay nhấc khẽ gọng kính bèn nói: “Bác cho cháu lên đường Yên Phụ”. Ông đưa mắt nhìn hành lý của khách, chỉ một chiếc cặp da bóng lọn. Riêng lòng ông biết, phản xạ ấy mới vừa có từ lúc vô tình chở kẻ gian. “Cậu lên mạn ấy thăm người thân hay đi công việc?”, ông hỏi nhỏ khi đi một quãng xa xa, phá vỡ không khí im lặng. “Cháu lên thăm hàng cây cơm nguội!”, lời nói của khách nghiêm túc, không chút bông đùa. Ở Hà Nội, chỉ đường Yên Phụ là còn mấy chục gốc cây ấy. Bốn mùa lúc nào cành lá cũng một sắc vàng càn cạn, đìu hiu, nhìn đến là buồn. Ông Xuân bắt đầu nghĩ ngợi, khách đi xe ôm không vì công việc thì cũng về quê, về nhà thậm chí là mưu đồ, trộm cắp… mấy ai xách cặp da đi ngắm cây cơm nguội, vào giữa tiết lạnh giá thế này. Phía sau ông, từ lớp áo vest lịch lãm của khách phảng phất mùi nước hoa sang trọng.

Xe ôm dừng đúng khúc giữa đường Yên Phụ. Cuộc chuyện trò từ giao đãi, đề phòng trở sang thân gần hơn. Xe ôm và khách tạt vào một quán nước gần đó. Trên chiếc bàn gỗ mốc meo chỉ độc ấm trà mạn, vài thứ nước ngọt xanh đỏ và điếu đóm lộn xộn cho ai tiện hút thuốc lá thuốc lào. “Cháu không phải người ở đây nhưng ngày xưa cũng yêu được con gái Hà Nội đấy. Năm nào gần Tết đến cháu cũng mang đến nhà cô ấy một cành đào hoặc một chậu quất. Cả đào và quất đều nhỏ xinh thôi nhưng đủ nụ hoa, chồi lá. Tết năm đầu tiên khi cháu đi học nước ngoài trở về, vì một chuyện hiểu nhầm, không giải thích được với cô ấy mà chỉ cháu cùng đào quất đứng mãi ngoài mưa”, người khách thao thao kể. “Có những chuyện, sao con người ta mãi mãi không nói được với nhau, không hiểu sâu xa còn lý do gì khác. Sự cách biệt cứ như là định mệnh. Như thể đến phút ấy, giờ ấy, ngày ấy là rời xa nhau”, khách vẫn nói và uống hết chén trà dù vụn trà bám đầy thành chén, vị trà ngang ngang, dở tệ. “Đôi khi, cháu thèm những chuyến đi, chỉ để tự mở lời cho chính mình. Năm nào có dịp về nước, cháu cũng tạt đến con phố cũ, giữ khoảng cách vừa đủ tầm nhìn rõ ba con số khắc trên cổng nhà. Cô ấy đi lấy chồng, nếu gõ cửa, bố mẹ cô ấy có thể sẽ tiếp đón, nhưng tay cháu chưa bao giờ bấm nổi một hồi chuông”, nghe khách nói đến đây, ông Xuân bất ngờ nhận ra người ấy là ai.

Khách là bạn trai cũ của con gái đầu nhà ông. Mùa xuân thuở ấy rét căm căm, cả nhà ông đồng tình với chuyện con gái, chị gái lớn chôn chân trong nhà không ra mở cửa. Chỉ ông nhìn những cành đào rung rinh, ánh mắt hết đợi chờ rồi ứa tràn thất vọng của chàng trai trẻ mà chạnh lòng. Làm sao có thể yêu nhau, sống bên nhau hoặc tha thứ cho nhau khi con người ta không đối thoại? Nhưng đối thoại là ở trái tim mỗi con người, sao khuyên nhủ được nhau. Ông nghĩ thế, quyết định gọi con gái vào nói chuyện. Câu chuyện tan loãng dần tới khi không còn một sự khẩn cầu, chờ đợi nào xuất hiện bên ngoài cánh cửa ngõ. Hà Nội những năm tháng đó chỉ toàn xích lô, không rộn rã taxi, xe ôm và cả trăm ngàn dịch vụ như bây giờ. Hai người đàn ông, một trung tuổi một thanh niên, cũng hẹn nhau ở quán nước. Lạ lùng, đời sống đơn sơ mà quán hàng ấm áp, đủ thức trà ngon, kẹo bột, bánh mì ủ trong vải bông nóng hổi, góc bàn còn leo lét ngọn đèn hạt đỗ, nhìn thôi đã thấy ấm lòng. “Bên ấy gia đình cháu ra sao?”, ông Xuân ôn tồn hỏi. Người khách một thuở thân gần với nhà ông và cả khu phố kể, vợ chồng anh đều là doanh nhân, có thể gọi là thành đạt theo cách số đông định nghĩa, họ có với nhau hai đứa con đang học phổ thông ở nước ngoài nhưng gần như không dự phần vào những tâm tư, chuyện trò thật đúng nghĩa của nhau. Tết nào được về quê là ba cái đầu còn lại cắm cúi vào vào ba chiếc điện thoại, thỉnh thoảng hú hét hoặc cười rú lên. “Thế còn gia đình ta?”. Ông Xuân hiểu ngụ ý sâu xa câu hỏi ấy. Ông kể về đứa con gái đầu lòng, mỗi lần vợ chồng con cái kéo về nhà ông nghỉ lễ, cũng là ba cái đầu chúi vào ba chiếc ipad, không chuyện trò cùng nhau, cũng chẳng chuyện trò cùng ông. Ông về hưu đã lâu, luôn kiếm việc gì đó để làm. Ông sợ cảm giác ngồi trong nhà, sờ tay vào túi vẫn thấy tiền, ngẩng đầu lên vẫn thấy người mà mọi thứ hoặc riêng biệt, hoặc chắp vá, vô vị.

“Thôi bác cháu mình về”, lừng khừng mãi ông Xuân cũng cất lời. Dưới màn mưa xiên ngang, hàng cơm nguội đầy lên muôn sắc vàng càn cạn. Phố đúng giờ tan tầm, nghèn nghẹt người xe, hơi thở và giọng nói sau lưng ông trầm ấm, đẩy kỷ niệm. Ông biết, nếu ông nói câu chuyện này với con gái mình, hay cả với vợ mình và những thành viên khác, cũng chỉ nhận về câu “Ô thế à?” hoặc “Chuyện cũ rồi mà”, hoặc cả hai. Đi được nửa đường, khách chợt nhờ ông ngược lên Nhật Tân chọn một cách đào nho nhỏ, chỉ để riêng anh ngắm thôi, sau cuộc đối thoại thấp thoáng bóng hình và nỗi niềm xưa cũ. Phố sắp vào xuân, ngày mai, ông vẫn ra đầu phố. Ông tự hỏi lòng, trong đám đông chộn rộn, có người như vị khách này cần mình chờ đợi, đón đưa.

Nhà thơ Lữ Mai

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
'Điều không tưởng' Lê Tuấn Anh giúp con trai của Hồng Vân

'Điều không tưởng' Lê Tuấn Anh giúp con trai của Hồng Vân

Giải trí - 36 phút trước

NSND Hồng Vân tiết lộ khi quay phim ở Mỹ, Khôi Nguyên được ba Lê Tuấn Anh đứng sau hỗ trợ, thậm chí có những điều gần như 'không tưởng' với mẹ con chị.

Nữ ca sĩ gốc Đà Nẵng nổi tiếng 'Làn sóng xanh' những năm 2000: 43 tuổi giàu có, trẻ đẹp nhưng vẫn độc thân

Nữ ca sĩ gốc Đà Nẵng nổi tiếng 'Làn sóng xanh' những năm 2000: 43 tuổi giàu có, trẻ đẹp nhưng vẫn độc thân

Giải trí - 36 phút trước

GĐXH - Mỹ Tâm nổi tiếng với khán giả qua nhiều ca khúc nổi đình nổi đám trong giải thưởng "Làn sóng xanh". Dù đã bước sang tuổi 43 nhưng sự nổi tiếng của cô vẫn không giảm.

Mai Thu Huyền làm phim ra sao mà bị chê "thảm họa", "ế nhất lịch sử"?

Mai Thu Huyền làm phim ra sao mà bị chê "thảm họa", "ế nhất lịch sử"?

Giải trí - 2 giờ trước

Những phim điện ảnh do Mai Thu Huyền cầm trịch từng nhận về không ít lời chê bai từ khán giả và giới phê bình vì kịch bản nhiều "sạn", cách làm phim cũ kỹ, không truyền đạt được thông điệp.

Tuổi xế chiều của nam NSƯT nổi tiếng: Có 10 mối tình nhưng U65 vẫn một mình, sự nghiệp biến động lớn

Tuổi xế chiều của nam NSƯT nổi tiếng: Có 10 mối tình nhưng U65 vẫn một mình, sự nghiệp biến động lớn

Giải trí - 4 giờ trước

Ở tuổi 63 nhưng NSƯT Thành Lộc vẫn một mình lẻ bóng. Ông dành hết tình yêu cho sân khấu nghệ thuật.

3 năm liền giữ vai trò quyền lực Miss Grand Vietnam, Hà Kiều Anh nói gì?

3 năm liền giữ vai trò quyền lực Miss Grand Vietnam, Hà Kiều Anh nói gì?

Giải trí - 16 giờ trước

GĐXH - Hà Kiều Anh tiết lộ áp lực khi liên tiếp đảm nhận vai trò Trưởng Ban giám khảo Miss Grand Vietnam.

Nghệ sĩ Phương Bình 82 tuổi vẫn chạy xe 20km tới 12 giờ đêm mỗi ngày, bữa ăn khiến ai cũng xót xa

Nghệ sĩ Phương Bình 82 tuổi vẫn chạy xe 20km tới 12 giờ đêm mỗi ngày, bữa ăn khiến ai cũng xót xa

Giải trí - 17 giờ trước

"Mỗi buổi tối, tôi phải chạy lên quán nghệ sĩ để hát, cách nhà tận 20km, tới 12 giờ đêm mới về được tới nhà" – nghệ sĩ Phương Bình chia sẻ.

Đời tư kín tiếng của Bảo Anh trước khi công khai con gái

Đời tư kín tiếng của Bảo Anh trước khi công khai con gái

Giải trí - 20 giờ trước

Ca sĩ Bảo Anh đang trở thành tâm điểm chú ý khi được cho là ngầm thừa nhận chuyện có con.

Vân Dung ở tuổi U50: Có con trai nối nghiệp, cuộc sống nhiều người mơ ước

Vân Dung ở tuổi U50: Có con trai nối nghiệp, cuộc sống nhiều người mơ ước

Giải trí - 21 giờ trước

GĐXH - Không chỉ gây ấn tượng với khán giả qua hình ảnh một nghệ sĩ hài vô cùng duyên dáng và tài năng, Vân Dung còn có cuộc sống riêng nhiều người mơ ước.

Con gái Tú Dưa 'chào sân' âm nhạc, 'đại gia' hậu thuẫn là ai?

Con gái Tú Dưa 'chào sân' âm nhạc, 'đại gia' hậu thuẫn là ai?

Xem - nghe - đọc - 1 ngày trước

GĐXH - "Linh Nhi có làm trong công ty của bố với mức lương 25 triệu/tháng. Trong vòng 2 năm sẽ là 500 triệu rồi. Thế nên có thể nói, bố chính là đại gia của Linh Nhi", Tú Dưa tiết lộ.

Phương Thảo - Ngọc Lễ 'Xe đạp ơi' giờ ra sao sau 19 năm sang Mỹ định cư?

Phương Thảo - Ngọc Lễ 'Xe đạp ơi' giờ ra sao sau 19 năm sang Mỹ định cư?

Giải trí - 1 ngày trước

GĐXH - Phương Thảo - Ngọc Lễ nổi tiếng từ thời giải thưởng "Làn sóng xanh" thập niên 90 - 2000 với "Xe đạp ơi" và "Ba ngọn nến lung linh". Sau 19 năm rời xa Vbiz, sang Mỹ định cư, cuộc sống của cặp đôi nghệ sĩ giờ ra sao?

Top