Hà Nội
23°C / 22-25°C

Ánh sáng của tinh hoa

Thứ tư, 08:00 03/02/2016 | Giải trí

GiadinhNet - Thăng Long - Hà Nội là nơi hội, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc Việt Nam. Đối với Thăng Long - Hà Nội, cái cốt lõi nhất, quý giá nhất, đáng tự hào nhất là văn hiến. Biểu tượng Khuê Văn Các trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đóng dấu khuôn triện bản sắc văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Từ Khuê Văn Các lan tỏa ánh sáng của văn hiến trên kinh thành Thăng Long và mọi nẻo giang sơn đất nước.

 

Khuê Văn Các - Một biểu tượng Văn hóa của Thủ đô. Ảnh: KT
Khuê Văn Các - Một biểu tượng Văn hóa của Thủ đô. Ảnh: KT

Rất ít nước trên thế giới giữ được (*)

Trong lòng Thủ đô đang ôm giữ kho báu di sản khổng lồ quý giá của dân tộc với hơn 5.000 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó hơn 2.500 di tích đã được xếp hạng. Năm 1999 ghi dấu việc Thăng Long – Hà Nội là thành phố duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”. Năm 2010, Lễ hội Gióng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể; 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442 – 1779) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới, và đặc biệt khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa Thế giới. Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO từng nhấn mạnh: “Rất ít nước trên thế giới giữ được ký ức sống động về Thủ đô từ nghìn năm mà không bị mai một theo thời gian. Tôi vô cùng ngưỡng mộ các bạn từ điều này”.

Hà Nội vẫn từng ngày, từng giờ tiếp nhận, chọn lọc các dòng chảy văn hóa thế giới thông qua giao lưu, hội nhập. Như thế, Hà Nội không chỉ sống trong không gian văn hóa truyền thống cổ xưa. Hơi thở thời đại đang rất mãnh liệt. Toàn cầu hóa và công nghệ thông tin đã biến thế giới hôm nay chỉ như một ngôi làng bé nhỏ bởi tốc độ và khả năng chia sẻ, kết nối chỉ trong chớp mắt. Vì thế, không thể có tư tưởng khu biệt Hà Nội trong phạm vi của một lát cắt văn hóa xưa cũ nào. Xây dựng xã hội hôm nay phải gắn với những điều mới mẻ và tốt đẹp. Quá trình tiếp biến văn hóa cho phù hợp với xã hội ta là cần thiết và không thể khác được.

Tinh tế, lịch lãm là phẩm chất

Chợ hoa Xuân - một nét đẹp văn hóa Hà Nội. Ảnh: KT
Chợ hoa Xuân - một nét đẹp văn hóa Hà Nội. Ảnh: KT

Từ góc nhìn con người, văn hóa thể hiện trong đời sống là cốt cách, phong thái của người Thăng Long – Hà Nội, tập trung nhất là sự thanh lịch, hào hoa, nét thanh tao, chất trí tuệ, lòng nhân ái, nhân văn… Khi Hà Nội mở rộng, có người lo ngại sẽ khó tránh khỏi sự “lệch pha” giữa hai vùng văn hóa Thăng Long và Xứ Đoài. Thế nhưng, thực tế là từ xa xưa, hai vùng văn hóa này đã nằm trong một sự liên kết tự nhiên. Còn bây giờ, sau 8 năm mở rộng, sự kết nối đó còn được đẩy lên một cấp độ cao hơn để tiến tới một sự hòa kết trong đa dạng. Không nên bị những hình ảnh xô lệch nào đó của đời thường để đi đến nhận định rằng, văn hóa Hà Nội hôm nay mang nặng tính vùng, miền, thiếu đi sự cao sang, thanh quý. Người Hà Nội ngày hôm nay nói đủ thứ tiếng, có tiếng của Hà Nội gốc, có tiếng của các vùng, miền khác, kể cả những ngọng nghịu chưa tránh khỏi... Đó là một thực tế. Nhưng đất Thăng Long vẫn là chóp đỉnh văn hóa tinh hoa.

Ánh sáng của văn hóa Thăng Long vẫn tiếp tục soi rọi trong đời sống xã hội ngày hôm nay. Điều quan trọng nhất là hồn cốt Hà Nội vẫn giữ được. Hồn cốt chính là tất cả những gì mình yêu, tự hào về Hà Nội. Rất khó để kể ra một cách gãy gọn, khúc chiết, nhưng mà đó là cái gì đáng yêu nhất, sâu kín, tinh tế, hào hoa, thanh khiết nhất. Nó ẩn hiện, lấp lánh trong cảnh sắc của Hà Nội, trong lối ứng xử của con người Hà Nội. Làm sao thích được một thành phố, dù hoa lệ đến mấy, mà con người lại không sống đẹp với nhau. Tinh hoa hội tụ, lan tỏa, thấm sâu. Tinh hoa không chói lòa. Đó là nét tinh hoa Hà Nội!

Tinh hoa Thăng Long – Tràng An thực ra không phải là cái gì cao xa, mà nó thể hiện trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của mỗi người dân, trong ứng xử với mỗi người xung quanh, với cây cỏ, môi trường, với văn hóa giao thông…Tinh hoa Việt đang được muôn bàn tay vàng khéo léo thêu dệt mỗi ngày. Con người Hà Nội có những nét phẩm cách chung của con người Việt Nam: Yêu nước, yêu lao động, nhân ái, nghĩa tình, dũng cảm, bản lĩnh, thông minh… Vậy đâu là nét tinh túy đặc trưng nhất của người Hà Nội? Tôi nghĩ câu ca dao “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” đã nói lên điều này. Thanh lịch chính là nét đặc trưng của văn hóa người Hà Nội.

Người Hà Nội gốc bây giờ so với toàn bộ dân cư thành phố 7,3 triệu người này là không nhiều. Thủ đô luôn là nơi “đất lành chim đậu”, người bốn phương tụ hội về đây làm ăn, sinh sống… Tôi nghĩ, ai đó có hộ khẩu Hà Nội thì mới chỉ là công dân Hà Nội, chứ chưa hẳn hoàn toàn là người Hà Nội. Muốn trở thành người Hà Nội thực sự, cần nhận rõ những nét đặc sắc, tiêu biểu của con người ở mảnh đất đặc biệt này để hòa nhập, tiếp biến, góp phần “vun trồng” cốt cách người Hà Nội. Cần tiếp thu, học hỏi, dần nâng mình lên. Tinh tế, lịch lãm là phẩm chất, phong thái đã thấm sâu vào cốt cách để làm nên vẻ đẹp người Hà Nội.

Trí tuệ là tinh chất trầm sâu

Hà Nội tuyên dương 98 thủ khoa xuất sắc năm 2015. Ảnh: TL
Hà Nội tuyên dương 98 thủ khoa xuất sắc năm 2015. Ảnh: TL

Hiện nay, văn hóa ứng xử rõ ràng đang là vấn đề canh cánh đối với tất cả chúng ta. Có cái gì đó chưa ổn. Bên cạnh những nét đẹp truyền thống, nếp gia phong mà không ít người Hà Nội vẫn rất chuyên tâm giữ gìn và truyền lại cho con cháu thì sự xô bồ, có phần hỗn tạp trong cơn lốc đô thị hóa, công nghiệp hóa làm cho vấn đề văn hóa ứng xử của Hà Nội đang trở thành một trong những điều bức xúc, đáng lo ngại nhất hiện nay. Có những khu phố được trao danh hiệu khu phố văn hóa nhưng vẫn có tệ nạn xã hội. Có những gia đình văn hóa vẫn đổ rác ra đường, con cái vẫn đánh lộn, chửi tục. Có những đơn vị văn hóa nhưng mâu thuẫn, mất đoàn kết, nội bộ kèn cựa, đấu đá, đối xử với nhau không tốt… Rốt cục, chúng ta vẫn cảm thấy xã hội thiếu vắng sự tử tế ở một số nơi. Một xã hội mà ánh sáng nhân văn và sự tử tế không sưởi ấm, lan tỏa để làm chỗ dựa cho những con người chịu thiệt thòi, gặp hoạn nạn thì đó chưa phải là một xã hội tốt đẹp.

Có thể chỉ ra một số nguyên nhân. Hội nhập quốc tế, tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa cao độ đưa lại nhiều yếu tố tích cực, nhưng cùng với đó là sự thay đổi môi trường xã hội, sự xâm nhập của luồng văn hóa ngoại lai, không hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc ta. Sự thiếu kiểm soát thông tin trên mạng Internet, sự nhập cư ồ ạt vào Hà Nội - nhập cư mang theo những mặt tích cực đồng thời có cả những tác động tiêu cực khiến cho không gian văn hóa, nét đẹp văn hóa Hà Nội bị pha trộn, xô lệch, bị mai một và xâm hại. Đáng kể nhất vẫn là tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, đồng tiền lên ngôi, kinh tế lấn át văn hóa, giá trị vật chất lấn át giá trị tinh thần, sự vô cảm trong một bộ phận dân cư “tấn công” tâm hồn con người”. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền đã tác động mạnh đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ, đến người dân…

Trí tuệ là tinh chất trầm sâu nhất và giàu sức đột khởi nhất của cốt cách Việt Nam. Tinh hoa trí tuệ Việt Nam được kết tinh trong tài thao lược của Đảng Cộng sản Việt Nam.Trí tuệ Việt Nam hôm nay cần được hướng ngay tới việc xây dựng một chiến lược con người, tạo ra một cơ chế khơi mở tất cả các nguồn lực, giải phóng được sức lao động và sáng tạo sung mãn của người Việt Nam. Trí tuệ Việt Nam phải là nguồn sáng vừa làm bật lên những sức mạnh dân tộc đang còn tiềm ẩn, vừa thu hút và vận dụng sáng tạo những thành tựu mới của trí tuệ nhân loại… Hà Nội là Thủ đô văn học nghệ thuật. Nhiều chương trình biểu diễn văn hóa - nghệ thuật gần đây đã đưa được sinh khí thời đại vào không gian văn hóa truyền thống trước đây với những tác phẩm lấp lánh tinh hoa của những điều mới mẻ. Tuy nhiên, có những “cái mới” chỉ mới là “cái lạ”, thậm chí rất xa lạ, cần tiếp tục sàng lọc…

Nguồn mạch tiếp nối

Thành phố Hà Nội đang từng ngày phát triển. Ảnh: Chí Cường
Thành phố Hà Nội đang từng ngày phát triển. Ảnh: Chí Cường

Có hai hình ảnh về tinh hoa Hà Nội cho tôi cảm xúc đẹp. Thứ nhất,  hình ảnh các em thủ khoa xuất sắc được tôn vinh trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tôi đã may mắn có dịp cùng GS Ngô Bảo Châu giao lưu với các thủ khoa xuất sắc vào một buổi chiều mùa thu cách đây ba năm. Trò chuyện với các em, lòng tôi đầy cảm xúc trước những khuôn mặt rạng ngời, những ánh mắt thông minh, tràn đầy khát vọng cống hiến. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tôn vinh truyền thống hiếu học và trí tuệ người Việt Nam. Trong không gian đặc biệt của nơi này, trên gương mặt các em, ta như vừa thấy được ánh sáng của tri thức thời đại mới, lại như vừa cảm thấy cả ánh sáng của truyền thống lịch sử, của văn hiến Thăng Long - Hà Nội và dân tộc Việt Nam. Rạng ngời tinh hoa! Gương mặt các thủ khoa tại các lễ vinh danh tại văn Miếu là một trong những hình ảnh đẹp nhất của Hà Nội hôm nay...

Thứ hai, hình ảnh các nữ sinh mặc áo dài trắng, thả bộ tha thướt bên Hồ Gươm. Đấy là vẻ đẹp rất thanh khiết của Hà Nội, vừa tôn vinh vẻ đẹp  duyên dáng con gái Hà Thành, vừa tôn vinh bộ áo dài - trang phục truyền thống tuyệt vời của phụ nữ Việt Nam. Đấy là ánh sáng của văn hóa, là những vẻ đẹp nguyên khiết mà chúng ta phải giữ gìn.

Tôi nghĩ, sau này, dẫu thời cuộc có đổi thay, các giá trị có tiếp biến như thế nào thì những vẻ đẹp tinh hoa có tính biểu tượng đó sẽ mãi mãi trường tồn với tiến trình phát triển của đất nước./.

 

“Tài năng, trí tuệ của đội ngũ trí thức là vốn quý tinh hoa của đất nước. Phải làm sao để các giới trí thức, văn nghệ sỹ, các nhà khoa học - các “kẻ sỹ Thăng Long” thời nay vào cuộc với một sinh khí mới, tận tâm tận lực, hào hứng sáng tạo và cống hiến”.

(Nhà báo Hồ Quang Lợi).

 

Muốn Hà Nội phát triển hài hòa, bền vững thì đừng để sự thúc ép về tăng trưởng kinh tế lấn át, làm khô cằn, hủy hoại văn hóa. Có người đặt vấn đề làm sao Hà Nội có thể đi đầu cả nước về văn hóa? Tôi cho rằng đi đầu trong trường hợp này có hai khía cạnh. Một là tấm gương về văn hóa, tính đại diện về văn hóa, hai là những vấn đề văn hóa quan trọng mà đất nước quan tâm thì Hà Nội phải đi đầu. 

(*). Các tít phụ do Tòa soạn đặt

Hồ Quang Lợi/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tuổi xế chiều của nam NSƯT nổi tiếng: Có 10 mối tình nhưng U65 vẫn một mình, sự nghiệp biến động lớn

Tuổi xế chiều của nam NSƯT nổi tiếng: Có 10 mối tình nhưng U65 vẫn một mình, sự nghiệp biến động lớn

Giải trí - 1 giờ trước

Ở tuổi 63 nhưng NSƯT Thành Lộc vẫn một mình lẻ bóng. Ông dành hết tình yêu cho sân khấu nghệ thuật.

3 năm liền giữ vai trò quyền lực Miss Grand Vietnam, Hà Kiều Anh nói gì?

3 năm liền giữ vai trò quyền lực Miss Grand Vietnam, Hà Kiều Anh nói gì?

Giải trí - 13 giờ trước

GĐXH - Hà Kiều Anh tiết lộ áp lực khi liên tiếp đảm nhận vai trò Trưởng Ban giám khảo Miss Grand Vietnam.

Nghệ sĩ Phương Bình 82 tuổi vẫn chạy xe 20km tới 12 giờ đêm mỗi ngày, bữa ăn khiến ai cũng xót xa

Nghệ sĩ Phương Bình 82 tuổi vẫn chạy xe 20km tới 12 giờ đêm mỗi ngày, bữa ăn khiến ai cũng xót xa

Giải trí - 14 giờ trước

"Mỗi buổi tối, tôi phải chạy lên quán nghệ sĩ để hát, cách nhà tận 20km, tới 12 giờ đêm mới về được tới nhà" – nghệ sĩ Phương Bình chia sẻ.

Đời tư kín tiếng của Bảo Anh trước khi công khai con gái

Đời tư kín tiếng của Bảo Anh trước khi công khai con gái

Giải trí - 17 giờ trước

Ca sĩ Bảo Anh đang trở thành tâm điểm chú ý khi được cho là ngầm thừa nhận chuyện có con.

Vân Dung ở tuổi U50: Có con trai nối nghiệp, cuộc sống nhiều người mơ ước

Vân Dung ở tuổi U50: Có con trai nối nghiệp, cuộc sống nhiều người mơ ước

Giải trí - 18 giờ trước

GĐXH - Không chỉ gây ấn tượng với khán giả qua hình ảnh một nghệ sĩ hài vô cùng duyên dáng và tài năng, Vân Dung còn có cuộc sống riêng nhiều người mơ ước.

Con gái Tú Dưa 'chào sân' âm nhạc, 'đại gia' hậu thuẫn là ai?

Con gái Tú Dưa 'chào sân' âm nhạc, 'đại gia' hậu thuẫn là ai?

Xem - nghe - đọc - 20 giờ trước

GĐXH - "Linh Nhi có làm trong công ty của bố với mức lương 25 triệu/tháng. Trong vòng 2 năm sẽ là 500 triệu rồi. Thế nên có thể nói, bố chính là đại gia của Linh Nhi", Tú Dưa tiết lộ.

Phương Thảo - Ngọc Lễ 'Xe đạp ơi' giờ ra sao sau 19 năm sang Mỹ định cư?

Phương Thảo - Ngọc Lễ 'Xe đạp ơi' giờ ra sao sau 19 năm sang Mỹ định cư?

Giải trí - 21 giờ trước

GĐXH - Phương Thảo - Ngọc Lễ nổi tiếng từ thời giải thưởng "Làn sóng xanh" thập niên 90 - 2000 với "Xe đạp ơi" và "Ba ngọn nến lung linh". Sau 19 năm rời xa Vbiz, sang Mỹ định cư, cuộc sống của cặp đôi nghệ sĩ giờ ra sao?

Nathan Lee: Tôi đẹp trai thế này không có con thì hơi phí, tiền để cho ai tiêu?

Nathan Lee: Tôi đẹp trai thế này không có con thì hơi phí, tiền để cho ai tiêu?

Giải trí - 21 giờ trước

"Tôi hay tự hỏi mình còn thiếu gì? Hào quang, danh vọng tôi thấy cũng tạm ổn rồi. Có lẽ tôi chỉ còn thiếu một gia đình và con cái. Tôi nghĩ mình nên trải nghiệm cả điều đó", Nathan Lee chia sẻ.

‘Bà Mến’ Hương Tươi trở lại khiến khán giả ‘Trạm cứu hộ trái tim’ phấn khích

‘Bà Mến’ Hương Tươi trở lại khiến khán giả ‘Trạm cứu hộ trái tim’ phấn khích

Giải trí - 23 giờ trước

Sự trở lại của nhân vật bà Mến (Hương Tươi) trở thành điểm nhấn trong "Trạm cứu hộ trái tim" tập 19 và được nhiều khán giả thích thú, ủng hộ.

Ca sĩ Diệu Hà hát nhạc Phạm Duy: Đam mê ca hát nhưng không ảo tưởng

Ca sĩ Diệu Hà hát nhạc Phạm Duy: Đam mê ca hát nhưng không ảo tưởng

Xem - nghe - đọc - 23 giờ trước

GĐXH - Diệu Hà vừa chính thức ra mắt MV Tình ca của Phạm Duy, ca khúc mở đầu trong dự án nhạc hát nhạc Phạm Duy mang tên Nghìn trùng xa cách.

Top