Hà Nội
23°C / 22-25°C

30 phút cuối cùng trong đời Tổng thống của Dương Văn Minh ra sao?

Thứ năm, 10:13 30/04/2015 | Xã hội

GiadinhNet - Nhân 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nhân chứng lịch sử bắt giữ Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đã kể lại những tình huống, những lời thoại trong cuộc đấu trí dài 30 phút kể từ khi bắt giữ và áp giải Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng.

 

Trung tướng Phạm Xuân Thệ. 	Ảnh: C.T
Trung tướng Phạm Xuân Thệ. Ảnh: C.T

 

Bí mật đằng sau hai bức ảnh

Mở đầu câu chuyện, Trung tướng Thệ cho biết, sáng ngày 30/4/1975, sau các cuộc chạm trán ác liệt ở cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè, mũi thọc sâu của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 tiến thẳng vào Dinh Độc lập. Bám sau những chiếc xe tăng tiên phong, chiếc xe Jeep chở Đại úy Phạm Xuân Thệ phóng thẳng vào Dinh Độc lập sau khi cổng chính bị xe tăng của ta húc đổ.

Khi nhắc đến diễn biến của trưa ngày 30/4/1975 lịch sử, ai cũng nằm lòng các chi tiết Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và nội các bị bắt giữ sau đó được áp giải ra Đài phát thanh Sài Gòn để đọc lời tuyên bố đầu hàng. Diễn biến của thời khắc lịch sử này gắn liền với hai bức ảnh nổi tiếng. Một bức chụp Chuẩn tướng VNCH Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu mình trước Đại úy Thệ và các chiến sĩ Quân giải phóng ở hành lang Dinh Độc lập. Bức còn lại là hình ảnh hai người đứng đầu bộ sậu ngụy quyền Sài Gòn gồm Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu bị áp giải ra Đài phát thanh, vây quanh là các nhà báo phương Tây, chiến sỹ Quân giải phóng và Đại úy Thệ với khẩu súng ngắn trên tay.

“Khoảng thời gian giữa hai bức ảnh kéo dài chừng hơn 30 phút nhưng đó thực sự là cuộc đấu trí không khoan nhượng giữa ta và địch”, Tướng Thệ khẳng định. Theo lời kể của Tướng Thệ, sau khi gặp Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh ở hành lang, được ông ta giới thiệu là trợ lý của Tổng thống Dương Văn Minh và cung cấp chi tiết toàn bộ tên tuổi giới chóp bu của ngụy quyền Sài Gòn đang tập trung ở phòng họp cách hành lang chưa đến mười bước chân. Đến lúc này, Đại úy Thệ và các chiến sỹ quân giải phóng mới biết bộ sậu của ngụy quân đang tụ tập ở đây. “Ban đầu chỉ nghĩ vào để chiếm Dinh, cắm cờ chứ không nghĩ cả bộ sậu của địch vẫn ngồi đầy đủ trong phòng họp. Sau này tìm hiểu mới biết, việc quân ta có mặt ở Dinh Độc lập vào thời khắc đó nằm ngoài dự tính của địch. Có thể mục tiêu ban đầu của cuộc họp này là ngồi để ra mắt nội các mới, bàn các vấn đề về hiệp thương, ngừng bắn”, Tướng Thệ nói.

Tiếng súng ăn mừng và nỗi lo sợ của Dương Văn Minh

 

Đại úy Thệ (bìa phải) tay cầm súng ngắn, áp giải Dương Văn Minh ra Đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng. 	Ảnh: TL
Đại úy Thệ (bìa phải) tay cầm súng ngắn, áp giải Dương Văn Minh ra Đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng. Ảnh: TL

 

Khi Quân giải phóng được Chuẩn tướng ngụy quân Nguyễn Hữu Hạnh dẫn đến phòng họp lớn thì toàn bộ các thành viên có mặt trong phòng đều đứng dậy. Hai người từ từ bước ra cửa, trong đó có một người rất to cao được giới thiệu là Tổng thống Dương Văn Minh, đi sau là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Lúc này Dương Văn Minh nói: “Chúng tôi đã biết Quân giải phóng tiến vào nội đô nên đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao”. Ngay lập tức, Đại úy Thệ khẳng khái: “Các ông đã bị bắt làm tù binh. Các ông phải đầu hàng vô điều kiện”. Khi nghe đến cụm từ “bắt làm tù binh”, phòng họp có tiếng xì xào. Vẻ sợ hãi lộ rõ trên nét mặt của Dương Văn Minh và các thành viên nội các Sài Gòn. Cộng thêm việc, bên ngoài lúc này tiếng súng chát chúa liên hồi (mà theo Tướng Thệ, đó chính là tiếng súng ăn mừng của quân ta) càng làm cho Dương Văn Minh và nội các của ông ta thêm phần lo sợ.

Sau khi dứt lời tuyên bố, Đại úy Thệ và các chiến sĩ Quân giải phóng yêu cầu Tổng thống Dương Văn Minh phải tới ngay Đài Phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. “Lúc này trong tâm trí tôi chỉ biết yêu cầu Dương Văn Minh tới Đài Phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng càng sớm càng tốt. Mục đích nhằm buộc ngụy quân ở trên khắp chiến trường buông súng, tránh tổn thất cho quân ta... Tuy nhiên, diễn biến không hề đơn giản, khi nghe yêu cầu, Dương Văn Minh và nội các tìm đủ mọi cách để trì hoãn việc tới Đài Phát thanh. Ông Minh lấy lý do bên ngoài không an toàn nên không đi. Sau đó, ông ta và nội các đưa ra đề xuất nối đường dây để đọc lời đầu hàng từ Dinh Độc lập”, Tướng Thệ kể.

Liên quan đến tình tiết này, trong cuốn sách “Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0: Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của tác giả, nhà báo Borries Gallasch, người có mặt từ đầu đến cuối trong thời khắc lịch sử này thuật lại: “Tôi chạy vào dinh vừa đúng lúc. Là một người châu Âu duy nhất, là một nhà báo duy nhất có mặt tại đấy - là tôi, chứng kiến Đại tướng Minh “lớn”, Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa đã bị bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của Doan-Don-Son (Đoàn Đông Sơn - PV) của Quân giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K55 của Nga. Thệ rất phấn khích la lớn: “Ông Minh, chúng tôi muốn ông đi ngay ra Đài Phát thanh với chúng tôi để tránh đổ máu, để ông ra lệnh cho quân đội ông đầu hàng”. Nhưng ông Minh đã không muốn đi. Ông ta đề nghị rằng bài nói của ông phải được thu âm vào máy ở trong Dinh. Họ tranh luận về việc đó. Càng lúc, càng nhiều người lính cách mạng chạy vào. Rồi họ bắt đầu tìm máy thu, nhưng không có kết quả”…

Cuộc đấu trí trên chiếc xe Jeep ra Đài Phát thanh Sài Gòn

Sau đó, dưới sự cương quyết của quân ta, Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đã phải chấp thuận yêu cầu ra Đài Phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng. Khi ra khỏi dinh, Dương Văn Minh mở lời mời rồi chỉ ra hướng xe của mình đang đỗ: “Mời chỉ huy lên xe…”. Tuy nhiên, Đại úy Thệ và các chiến sỹ yêu cầu ông ta lên chiếc xe Jeep lịch sử của quân ta.

Tướng Thệ kể lại: “Khi lên xe, Dương Văn Minh được yêu cầu ngồi ở giữa, hai bên là hai chiến sỹ của ta. Mục đích đề phòng trường hợp "có biến" khi quân địch thấy Tổng thống bị Quân giải phóng áp giải. Trên xe, khi thấy Quân giải phóng đổ về tràn ngập trên các tuyến phố. Tôi hỏi: “Ông Minh, ông thấy lực lượng Quân giải phóng như thế nào? Dương Văn Minh nói: “Chúng tôi biết Quân giải phóng đã vào Sài Gòn thì chúng tôi sẽ thất bại”. Tôi hỏi tiếp: “Biết thất bại, tại sao ông không tuyên bố đầu hàng sớm?", Dương Văn Minh trả lời: “Nếu Quân giải phóng chưa tiến vào Sài Gòn mà tôi tuyên bố đầu hàng thì cấp dưới có nhiều người không đồng tình, họ sẽ khử tôi”.

Về lời tuyên bố đầu hàng, Tướng Thệ cho biết, mỗi người góp một ý, Chính ủy Bùi Văn Tùng hoàn thiện rồi đưa cho Dương Văn Minh đọc nhưng ông ta đọc sai nhiều lần. Để lời tuyên bố được đọc một cách thông suốt, các chiến sỹ của ta phải đọc lại để ông ta viết. Tuy nhiên, lúc viết, hai bên còn phải tiếp tục công cuộc đấu tranh khá cam go.

“Lời tuyên bố có đoạn đầu là: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam…”. Tuy nhiên, khi đọc đến chữ “Tổng thống chính quyền Sài Gòn” thì Dương Văn Minh nhất quyết không viết và không nhận mình là... tổng thống. Lúc đó, chúng tôi nói với ông ta rằng, ông có là tổng thống một giờ hay một ngày đi chăng nữa thì vẫn là tổng thống và yêu cầu ông ta viết đúng với lời tuyên bố đã soạn sẵn”, Tướng Thệ nhớ lại.

Trước sự kiên quyết của các chiến sĩ Quân giải phóng, Tổng thống Dương Văn Minh đã buộc phải thực thi đúng yêu cầu một cách nghiêm túc. Sau khi đọc lời tuyên bố đầu hàng xong, Dương Văn Minh được chở trở lại Dinh Độc lập để bàn giao cho Bộ Tư lệnh.

 

Theo Tướng Thệ, khi trở lại Dinh Độc lập ông đã bị khiển trách bởi trong thời gian áp giải Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh Sài Gòn thì Bộ Tư lệnh vào dinh và chỉ thấy toàn bộ bộ sậu nhưng thiếu hai nhân vật đứng đầu của ngụy quyền là Tổng thống Minh và Thủ tướng Mẫu. Lời khiển trách cho rằng, nếu việc áp giải và yêu cầu Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng có gì sai sót hoặc thậm chí để “sổng” mất Tổng thống ngụy quyền thì Đại úy Thệ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

“Lúc bắt được Minh, trong đầu tôi chỉ nghĩ ngay tới việc yêu cầu ông ta tuyên bố đầu hàng càng nhanh càng tốt để tránh thương vong cho chiến sỹ ở chiến trường mà quên mất việc phải báo cáo cấp trên. Vì vậy, thú thực vừa trong tâm trạng mừng chiến thắng, tôi vừa lo lắm. Tuy nhiên, đến chiều ngày 1/5 thì Đại tá Nguyễn Ân, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 đích thân tới gặp tôi và nói: “Các cậu xử lý tình huống đó rất tốt, không có gì sai sót, cấp trên biểu dương các cậu”. Nghe xong tôi mới thấy nhẹ cả người”, Tướng Thệ nhớ lại.

Công Tâm/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Thủ đoạn 'gọi vốn' bất động sản của siêu lừa đất Cảng

Thủ đoạn 'gọi vốn' bất động sản của siêu lừa đất Cảng

Pháp luật - 4 giờ trước

GĐXH - Để lừa các nhà đầu tư chuyển tiền, Hòa đã đưa các thông tin gian dối về việc Công ty TNHH Pros Land có hợp tác với các chủ dự án lớn, mua được các suất bất động sản với giá ưu đãi, suất đối ngoại. Đây chính là cái bẫy khiến gần 40 nạn nhân bị lừa.

Tài xế ô tô đạp nhầm chân ga, húc đổ trụ bơm xăng cùng nhiều xe máy

Tài xế ô tô đạp nhầm chân ga, húc đổ trụ bơm xăng cùng nhiều xe máy

Đời sống - 4 giờ trước

Đổ xăng xong, tài xế H. lái xe đi nhưng đạp nhầm chân ga dẫn đến chiếc xe mất kiểm soát, gây tai nạn liên hoàn.

Vụ nam sinh lớp 6 đọc, viết chưa thạo: Rà soát học sinh toàn huyện

Vụ nam sinh lớp 6 đọc, viết chưa thạo: Rà soát học sinh toàn huyện

Giáo dục - 4 giờ trước

Sau khi một học sinh lớp 6 đọc, viết chưa thạo được phát hiện, Phòng GD-ĐT huyện Minh hoá đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS rà soát chất lượng học sinh yếu kém.

Hà Nội: Xót xa hàng loạt cây xanh bị tỉa trơ trụi

Hà Nội: Xót xa hàng loạt cây xanh bị tỉa trơ trụi

Đời sống - 6 giờ trước

GĐXH - Hàng loạt cây xanh ở ngõ 86 và 15 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị cắt trụi cành lá dù thời điểm này chuẩn bị bước vào nắng nóng đỉnh điểm, khiến người dân tiếc nuối.

Chiêu trò 'hút' hàng nghìn tỷ đồng của Công ty Tâm Lộc Phát

Chiêu trò 'hút' hàng nghìn tỷ đồng của Công ty Tâm Lộc Phát

Pháp luật - 6 giờ trước

GĐXH - Chỉ trong một thời gian ngắn, Tâm Lộc Phát từ một công ty "bé xíu" bỗng nhiên "nổi đình, nổi đám" trên khắp các trang mạng xã hội bởi khả năng thu hút các nhà đầu tư trong việc huy động vốn...

Án mạng đau thương ở Lai Châu: Dùng dao sát hại mẹ con của người tình

Án mạng đau thương ở Lai Châu: Dùng dao sát hại mẹ con của người tình

Pháp luật - 6 giờ trước

GĐXH - Cho rằng mẹ người tình ngăn cấm chuyện tình cảm, Hồ đã dùng dao sát hại người phụ nữ này. Trong cơn say máu, Hồ sát luôn người yêu rồi dùng dao tự đâm vào bụng mình để tự sát.

Nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo của kẻ môi giới bất động sản

Nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo của kẻ môi giới bất động sản

Pháp luật - 6 giờ trước

GĐXH - Với thủ đoạn đưa thông tin gian dối cho rằng, bản thân đang đầu tư đất thuộc các dự án tại tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa, đối tượng đề nghị các cá nhân góp vốn chung tiền mua đất. Tiếp đó, Hà yêu cầu các nạn nhân đưa tiền để chi phí tách thửa, sang tên...

Gió mùa Đông Bắc sắp tràn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày nắng nóng đỉnh điểm

Gió mùa Đông Bắc sắp tràn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày nắng nóng đỉnh điểm

Thời sự - 6 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết, sau kỳ nghỉ lễ 30/4, Bắc Bộ đón khối không khí lạnh yếu từ lục địa Trung Quốc di chuyển xuống. Thời tiết sẽ có sự thay đổi, trời có mưa sau chuỗi ngày nắng nóng.

Người dân hối hả về quê nghỉ lễ 30/4 - 1/5, bến xe, phố phường Hà Nội bắt đầu đông đúc

Người dân hối hả về quê nghỉ lễ 30/4 - 1/5, bến xe, phố phường Hà Nội bắt đầu đông đúc

Đời sống - 7 giờ trước

GĐXH - Ngay từ đầu giờ chiều 26/4 (ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5), các bến xe, tuyến đường cửa ngõ trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu đông đúc, người dân hối hả "khăn gói" lên đường về quê.

Phát hiện vật thể nghi là người trong đám cháy nhà xưởng, nơi 2 phóng viên tố bị hành hung

Phát hiện vật thể nghi là người trong đám cháy nhà xưởng, nơi 2 phóng viên tố bị hành hung

Pháp luật - 8 giờ trước

GĐXH - Theo lãnh đạo xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, trong quá trình khám nghiệm hiện trường vụ cháy nhà xưởng, lực lượng chức năng phát hiện một vật thể đã than hoá, nghi là người. Hiện địa phương đang chờ thông tin kết luận từ cơ quan pháp y.

Top