Hà Nội
23°C / 22-25°C

Trước ngưỡng cửa bình minh

Thứ năm, 08:00 30/04/2015 | Giải trí

GiadinhNet - Họ là những văn nghệ sĩ từng cầm súng ra trận và có mặt tại Sài Gòn trong thời khắc cả nước vỡ òa niềm vui giải phóng, thống nhất. 40 năm trôi qua, cứ mỗi dịp 30/4, những kí ức ấy lại bừng lên với bao niềm thương, nỗi nhớ về một thời binh lửa. Như nhà thơ Thanh Thảo từng viết: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/Tuổi hai mươi làm sao không tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”…

Nhà văn - Đại tá Khuất Quang Thụy: Lá cờ của những người lính trận

 

Nhà văn - Đại tá Khuất Quang Thụy.
Nhà văn - Đại tá Khuất Quang Thụy.

 

“Tôi còn nhớ như in hình ảnh buổi làm lễ xuất quân bên bờ sông Sài Gòn chiều 28/4/1975. Vào những ngày ấy, từ những người lính bình thường đến các cán bộ chỉ huy đều biết rằng, chúng tôi đang chuẩn bị bước vào những trận đánh sinh tử cuối cùng trong cuộc chiến tranh này. Chúng tôi hiểu và tin rằng, ngưỡng cửa của bình minh đang ở trước mặt. Chúng tôi cũng biết rằng có thể sẽ là mình hay những đồng đội xung quanh mình sẽ ngã xuống bên ngưỡng cửa ngày thanh bình của đất nước. Vì thế, trong buổi lễ xuất quân hôm ấy, mỗi người lính trong Sư đoàn 320 chúng tôi đều lấy ra từ đáy ba lô những bộ quân phục tươm tất nhất để mặc. Phải biết rằng, kể từ năm 1971, Sư đoàn chúng tôi đã liên tục chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên - một chiến trường nổi tiếng là gian khổ, thiếu thốn… thì việc được nhìn thấy cả đội quân được ăn mặc chỉnh tề đã khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Tuy vậy, không phải tất cả chúng tôi đều được mặc áo mới, áo lành. Buổi chiều ấy bên sông Sài Gòn, lòng tôi đã rưng rưng bởi có không ít đồng đội còn phải mặc những tấm áo vá để đứng dưới cờ làm lễ tuyên thệ. Nhưng sáng sớm hôm sau, một ngày trước ngày 30/4, trên cửa mở căn cứ Đồng Dù, khi nhìn thấy nhiều người trong số những người lính ấy ngã xuống, máu loang đỏ trên những tấm áo vá thì tôi không thể nào cầm được nước mắt.

Cách đây vài năm, trong một dịp đồng đội tổ chức gặp gỡ nhân ngày 30/4, sau khi đã nâng ly chúc tụng, đã hát đến khản cổ những bài ca ra trận một thời, chúng tôi bỗng lặng đi khi một người lên tiếng: “Này các cậu… Sang năm chúng mình tụ tập nhau vào ngày 29 đi, để nhớ những đồng đội đã ngã xuống”. Rồi chúng tôi bắt đầu kể về họ, về những người đã hi sinh trước ngưỡng cửa bình minh với những tấm áo vá. Và chúng tôi hiểu ra rằng, so với họ, chúng tôi là những người may mắn, hạnh phúc... Vì thế, những gian truân mà mỗi chúng tôi ít nhiều đều phải đối mặt khi trở về với đời thường sau chiến tranh bỗng trở nên nhỏ bé, bình thường.

Trên đường tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975, ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là những lá cờ. Cờ xuất hiện ở khắp nơi. Dường như nhân dân Sài Gòn đã âm thầm may cờ từ những năm trước để đến ngày hôm đó, trên đường phố Sài Gòn rực đỏ một màu cờ. Tôi vào tới Dinh Độc Lập khoảng 1h chiều 30/4. Thực ra, lúc đó Sư đoàn 320 chỉ có một bộ phận của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 đến trước, chốt ở khu vực sau Dinh Độc Lập (cổng phía sau, nhìn sang trường Lê Quí Đôn), còn đại bộ phận Sư đoàn vẫn ở phía sau. Phải dùng vài chiêu láu cá của một “phóng viên nghiệp dư” của Sư đoàn, tôi mới vọt được lên trước để bám theo một mũi tiến quân của Trung đoàn 64 phát triển vào Dinh Độc Lập.

 

Giờ phút lịch sử của ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975. 	Ảnh: TTXVN
Giờ phút lịch sử của ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

 

Tôi thấy một số hầm chiến đấu cá nhân được đào trên mấy cái gò đất ở khu vườn phía sau Dinh Độc Lập. Một vài chiến sĩ Tiểu đoàn 9 nai nịt súng đạn chốt giữ các ụ súng, lô cốt của địch xung quanh. Nghe anh em nói, khi họ vào tới đây, lính ngụy bảo vệ Dinh Độc Lập vẫn còn ở đó và từ những ụ súng này, một số tên địch ngoan cố còn bắn ra vài loạt đạn. Không ai nhớ chính xác các chiến sĩ Tiểu đoàn 9 vào tới đây là mấy giờ. Theo lệnh của đồng chí Tiểu đoàn phó, đơn vị lập tức lao vào chiếm giữ các mục tiêu, bắt giữ những tên địch vừa đầu hàng, rồi cắm cờ lên chiếc cổng sắt phía đối diện trường Lê Quí Đôn.

Những lá cờ nhỏ của Tiểu đoàn 9 khiêm tốn giữa một rừng cờ vừa được cắm lên khắp nơi dọc con phố dẫn vào Dinh Độc Lập. Nhìn những lá cờ đó, tôi thực sự xúc động: vừa nhỏ, vừa bạc màu, lại có vài vết thủng lỗ chỗ. Đó là những lá cờ của người lính trận, được giao cho các Chính trị viên đại đội luôn mang theo bên mình qua mọi nẻo đường hành quân, qua bao nhiêu trận đánh. Những lá cờ từng được các Chính trị viên phất cao trên các cửa mở, chiến hào để động viên bộ đội xông lên tiêu diệt địch. Những lá cờ từng thấm máu bao đồng đội của tôi.

Ngoài đường phố, quần chúng nhân dân đã rầm rập xuống đường. Ngày hội đại thắng đã bắt đầu, nhưng các chiến sĩ Tiểu đoàn 9 vẫn được lệnh “phải sẵn sàng chiến đấu”, củng cố hầm hố, súng đạn nai nịt, nghiêm ngặt chốt giữ mục tiêu, đề phòng địch phản kích để bảo vệ những lá cờ vừa cắm lên. Rồi tôi đi ra phía cổng chính của Dinh Độc Lập và nhìn thấy lá cờ của Quân đoàn 2 đã được kéo lên trên cột cờ chính của Dinh Tổng thống ngụy quyền vào lúc 11 giờ 30 phút. Tôi thở phào nhẹ nhõm và vô cùng xúc động. Đó chính là lá cờ mà nhân dân Sài Gòn và cả nước muốn nhìn thấy ở giữa trung tâm quyền lực ngụy quyền”.  

 Thụy Phương/Báo Gia đình & Xã hội

Nhà thơ - Đại tá Anh Ngọc: Đêm dài nhất đời tôi

Nhà thơ - Đại tá Anh Ngọc.

Nhà thơ - Đại tá Anh Ngọc.

“Không tính những năm tháng sống trong bom đạn nhưng chưa mặc áo lính thì từ ngày nhập ngũ, 6/9/1971 đến ngày 30/4/1975, tôi đã sống 3 năm và gần 8 tháng cuộc sống của một người lính trong chiến tranh với vô vàn trải nghiệm mà nhiều người sống cả đời cũng không chắc đã trải qua hết. Tất cả những ký ức ấy đã cùng ùa về trong cái đêm đầu tiên tôi đến với thành phố Sài Gòn vừa giải phóng - và đó là đêm dài nhất trong cuộc đời tôi.

Còn nhớ, đó là khi chiếc xe đò mà tôi và nhà báo Hà Đình Cẩn xin đi quá giang vào thành phố Sài Gòn, đưa chúng tôi xuống giữa cái ồn ào bất tận của phố xá, sau mấy tháng ròng chúng tôi ở rừng xanh núi đỏ. Cả doanh trại quân đội Việt Nam cộng hoà bỏ trống, giường nệm trắng tinh, chiếu chăn thơm phức, nhưng lính tráng chúng tôi không cách gì ngả lưng, mà vẫn phải loay hoay tìm nơi mắc võng…

Đêm đó, trên chiếc võng dã chiến, tôi nửa thức nửa ngủ như một kẻ mộng du cho đến khi mệt quá, chìm vào giấc mê sảng li bì… Trong cái phần đêm ngắn ngủi còn lại ấy, trong đáy vô thức, hồn tôi đã làm cả một cuộc diễu hành cuộc đời mình, như thể một chiếc đèn kéo quân, chậm rãi nhưng miên man bất tận… Cho đến khi, có lẽ do cả ngày không kịp ăn uống gì, khát khô cả cổ, trong mơ tôi chợt nghe có tiếng suối rì rào và liền bật dậy khỏi võng như một bản năng. Dụi mắt nhìn lên thì đó chính là tiếng quay nhè nhẹ, đều đều của chiếc quạt trần trên đầu mình. Tất cả câu chuyện thật mà như bịa này có lẽ là tâm trạng ôm trùm và sâu thẳm nhất mà mọi người lính chúng tôi đêm ấy đều đã bắt gặp giữa Sài Gòn.

Bây giờ đây, 40 năm sau thời khắc ấy, cách tốt nhất để một lần nữa sống lại với tâm trạng này, cách tốt nhất vẫn chẳng có gì khác hơn là nhẩm lại mấy câu thơ của bài “Mắc võng ở Sài Gòn” mà tôi viết ngay giữa Sài Gòn chỉ vài ngày sau đó: Lần đầu về với Sài Gòn/Loay hoay tìm nơi mắc võng/Nhìn bốn bức tường nhẵn bóng/Thương tình chẳng nỡ đóng đinh…/Suốt đêm nằm không trở mình/Hai đầu võng treo song cửa/Mơ màng nửa thức nửa ngủ/Bâng khuâng nửa phố nửa rừng…/Ru anh như chiếu như giường/Nệm chăn đầu không bén gối/ Trong mơ chợt nghe tiếng suối/Mở mắt quạt trần đang quay…”.     

L.M/Báo Gia đình & Xã hội

Nhà thơ Thanh Thảo: Những ngày hòa bình đầu tiên

 

Nhà thơ Thanh Thảo.
Nhà thơ Thanh Thảo.

“Rất nhiều năm đã trôi qua nhưng những ngày hòa bình đầu tiên tháng 5/1975 ở Sài Gòn vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi, một người vừa từ chiến khu trở về thành phố. Tháng 5 ấy, tôi lấy một chiếc xe đạp không chắn bùn, không chắn xích, không chuông, không phanh… của cơ quan mang từ chiến khu về làm phương tiện di chuyển trên các đường phố Sài Gòn. Mỗi khi đạp chiếc xe này rong ruổi ngoài phố, tôi lại được bà con Sài Gòn nhìn theo với ánh mắt ngạc nhiên và sự bao dung thân thiện. Có lẽ bà con thấy cái xe đạp này… lạ quá. Xe gì mà trần thùi lụi, đen trùi trũi, trông bùi bụi mà chạy cùi cụi.

Tôi vốn là người không có khiếu nhớ đường, ngày ở rừng vẫn thường đi lạc, giờ về giữa một Sài Gòn mênh mông và xa lạ thì chuyện lạc đường phải được coi là chuyện bình thường. Nhưng lạc rừng khác với lạc trong thành phố, vì ở thành phố có quá đông người để mình hỏi đường. Ngày ấy, mỗi khi tôi hỏi thăm đường, người Sài Gòn đều hồ hởi chỉ cho tôi rất cặn kẽ. Đó là nét đẹp đặc biệt của người Sài Gòn. Sau này, khi tới một số nước châu Âu, được người bản địa nhiệt tình chỉ đường, tôi mới ngộ thêm một điều: Người Sài Gòn có phong thái công dân và tính cộng đồng rất gần với người châu Âu. Đó là những hành xử tự nhiên, không cô lập, biết vì người khác...

Từ khi vào chiến trường, tôi cảm nhận được sự năng động và bộc trực của người Nam Bộ. Về sau, được xuống đồng bằng, tôi càng quí mến những đức tính này của người dân “quấn khăn rằn”. Họ sẵn sàng chia sẻ, rất ít khi tính toán về những chuyện ăn uống hay sinh hoạt, chấp nhận người ngoài vào cộng đồng của mình một cách dễ dàng và khá hồn nhiên. Người Sài Gòn tháng 5 năm 1975 cũng vậy. Gần như chúng tôi đi đâu cũng được mời ăn, mời… nhậu. Ngay cơ quan tôi ở, trên đường Hồng Bàng (quận 5), cứ mỗi buổi trưa, buổi chiều lại có những chiếc ô tô tải nhỏ chở cơm, thức ăn và đồ uống của bà con quận 5 tới ủng hộ cả cơ quan. Các chị nuôi ở cơ quan tôi tha hồ nghỉ, chả phải nấu cơm nữa, vì cả cơ quan đã được tài trợ… 2 bữa cơm/ngày, mỗi bữa có tới 4-5 món ăn ngon lành, chưa kể nước ngọt và trái cây tráng miệng. Các chị nuôi ở cơ quan tôi rảnh thì giờ để… bát phố, thăm thú Sài Gòn và gặp gỡ người thân quen.

 

Niềm vui của người Sài Gòn trong ngày giải phóng. 	Ảnh: TTXVN
Niềm vui của người Sài Gòn trong ngày giải phóng. Ảnh: TTXVN

 

Nhớ một hôm có người bạn là sinh viên Sài Gòn tới cơ quan tôi chơi, gặp bữa tôi mời ăn cơm, người bạn đã rất ngạc nhiên trước những mâm cơm khá thịnh soạn. Tôi hớn hở khoe: “Bà con quận 5 chiêu đãi đấy!”. Tôi chỉ ở Sài Gòn khoảng một tháng, sau đó lại lang thang dọc miền Trung ra Đà Nẵng và Huế, nên không biết những bữa cơm ủng hộ kia kéo dài được bao lâu. Nhưng nếu chỉ được ăn miễn phí trong vòng một tháng thì cơ quan tôi cũng sung sướng lắm rồi. Và, bà con quận 5 trong suốt cả tháng ấy cũng đã “tốn” không ít cho chúng tôi. Nhưng nhân dân chẳng bao giờ tính toán.

Hòa bình, ngay những ngày tháng 5 ấy ở Sài Gòn đã mang ý nghĩa của thiện chí, của tình yêu thương và sự chia sẻ. Nhiều đêm đi chơi thật khuya ngoài phố, chúng tôi đã cảm nhận được sự an toàn. Nhớ một lần, vào khoảng 6 giờ chiều, tôi và nhà văn Thái Thành Đức Phổ nổi hứng phóng xe máy từ Sài Gòn về tận Cái Bè thăm một người bạn. Tôi không biết chạy xe máy, nên yên lòng ngồi phía sau để anh Phổ chở. Cỡ chừng 8 giờ tối, khi chạy trên lộ Bốn, thuộc địa phận Châu Thành (Mỹ Tho) thì xe chúng tôi va quệt với một anh du kích (có lẽ hơi quá chén). Để tránh anh ấy, nhà văn Thái Thành Đức Phổ đành quay ngang và xe máy… lật. Tôi ngồi sau nhưng lãnh đủ, bị chà xát xuống mặt đường, chảy máu tùm lum. May sao, mấy anh du kích lập tức dìu chúng tôi vào một trạm cứu thương dã chiến bên đường. Ở đó, một cô y tá hết sức dễ thương đã băng bó cho tôi. Khi tôi ngỏ lời cảm ơn, cô ấy nói thật nhỏ nhẹ: “Có chi đâu anh!”. Tôi không bao giờ quên được giọng nói ngọt lành và thu hút của cô y tá người Mỹ Tho ấy. Ngày chiến tranh, tôi đã từng ở địa bàn Cai Lậy và rất có cảm tình với giọng nói của các cô gái nơi đây. Bây giờ nghĩ lại, nếu hồi tháng 5/1975 ấy tôi không được người dân địa phương sơ cứu kịp thời khi bị tai nạn thì không biết điều gì xảy ra nữa”.

Lữ Mai/Báo Gia đình & Xã hội

 

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Dàn nghệ sĩ xuất hiện trong buổi công chiếu phim “Lật Mặt 7: Một Điều Ước” tại Hà Nội

Dàn nghệ sĩ xuất hiện trong buổi công chiếu phim “Lật Mặt 7: Một Điều Ước” tại Hà Nội

Giải trí - 1 giờ trước

GĐXH - Sự kiện ra mắt bộ phim “Lật Mặt 7: Một Điều Ước” tại Thủ đô Hà Nội quy tụ dàn sao gồm nhiều tên tuổi nổi tiếng.

Lệ Quyên bất ngờ với quan điểm 'ai nuôi ai' trong tình yêu khiến fan xôn xao bàn tán

Lệ Quyên bất ngờ với quan điểm 'ai nuôi ai' trong tình yêu khiến fan xôn xao bàn tán

Giải trí - 3 giờ trước

GĐXH - "Trong chuyện yêu đương đôi lứa hay vợ chồng, nực cười nhất là cứ rạch ròi với quan điểm ai nuôi ai, thật sự thiển cận vô cùng", Lệ Quyên bất ngờ chia sẻ.

Đổi đời nhờ bất động sản, có bạn gái mới bí ẩn, cuộc sống của "bé An" Hùng Thuận hiện ra sao ở tuổi 41?

Đổi đời nhờ bất động sản, có bạn gái mới bí ẩn, cuộc sống của "bé An" Hùng Thuận hiện ra sao ở tuổi 41?

Giải trí - 6 giờ trước

Sau 2 lần tình duyên "đứt gánh", Hùng Thuận hiện đã tìm được hạnh phúc mới bên bạn gái xinh đẹp. Ở tuổi 41, anh cũng có cuộc sống sung túc nhờ nghề môi giới bất động sản.

'Tình địch' của Hồng Diễm bị 'ném đá' dữ dội, phản ứng thế nào về vai phản diện đầu tiên trong sự nghiệp?

'Tình địch' của Hồng Diễm bị 'ném đá' dữ dội, phản ứng thế nào về vai phản diện đầu tiên trong sự nghiệp?

Giải trí - 9 giờ trước

GĐXH - Bức xúc với những hành động của An Nhiên (Lương Thu Trang) trong "Trạm cứu hộ trái tim", nhiều khán giả vào thẳng trang cá nhân của nữ diễn viên để... "ném đá".

Con gái xinh đẹp của Phương Thanh: Tôi và mẹ cãi nhau um sùm nên bỏ nhà đi bụi

Con gái xinh đẹp của Phương Thanh: Tôi và mẹ cãi nhau um sùm nên bỏ nhà đi bụi

Giải trí - 9 giờ trước

Bùi Hà Nghi Phương - con gái ca sĩ Phương Thanh chia sẻ với VietNamNet nhiều góc độ hiếm thấy ở người phụ nữ được là gai góc nhất showbiz.

'Điều không tưởng' Lê Tuấn Anh giúp con trai của Hồng Vân

'Điều không tưởng' Lê Tuấn Anh giúp con trai của Hồng Vân

Giải trí - 13 giờ trước

NSND Hồng Vân tiết lộ khi quay phim ở Mỹ, Khôi Nguyên được ba Lê Tuấn Anh đứng sau hỗ trợ, thậm chí có những điều gần như 'không tưởng' với mẹ con chị.

Nữ ca sĩ gốc Đà Nẵng nổi tiếng 'Làn sóng xanh' những năm 2000: 43 tuổi giàu có, trẻ đẹp nhưng vẫn độc thân

Nữ ca sĩ gốc Đà Nẵng nổi tiếng 'Làn sóng xanh' những năm 2000: 43 tuổi giàu có, trẻ đẹp nhưng vẫn độc thân

Giải trí - 13 giờ trước

GĐXH - Mỹ Tâm nổi tiếng với khán giả qua nhiều ca khúc nổi đình nổi đám trong giải thưởng "Làn sóng xanh". Dù đã bước sang tuổi 43 nhưng sự nổi tiếng của cô vẫn không giảm.

Mai Thu Huyền làm phim ra sao mà bị chê "thảm họa", "ế nhất lịch sử"?

Mai Thu Huyền làm phim ra sao mà bị chê "thảm họa", "ế nhất lịch sử"?

Giải trí - 15 giờ trước

Những phim điện ảnh do Mai Thu Huyền cầm trịch từng nhận về không ít lời chê bai từ khán giả và giới phê bình vì kịch bản nhiều "sạn", cách làm phim cũ kỹ, không truyền đạt được thông điệp.

Tuổi xế chiều của nam NSƯT nổi tiếng: Có 10 mối tình nhưng U65 vẫn một mình, sự nghiệp biến động lớn

Tuổi xế chiều của nam NSƯT nổi tiếng: Có 10 mối tình nhưng U65 vẫn một mình, sự nghiệp biến động lớn

Giải trí - 17 giờ trước

Ở tuổi 63 nhưng NSƯT Thành Lộc vẫn một mình lẻ bóng. Ông dành hết tình yêu cho sân khấu nghệ thuật.

3 năm liền giữ vai trò quyền lực Miss Grand Vietnam, Hà Kiều Anh nói gì?

3 năm liền giữ vai trò quyền lực Miss Grand Vietnam, Hà Kiều Anh nói gì?

Giải trí - 1 ngày trước

GĐXH - Hà Kiều Anh tiết lộ áp lực khi liên tiếp đảm nhận vai trò Trưởng Ban giám khảo Miss Grand Vietnam.

Top