Hà Nội
23°C / 22-25°C

Trầm cảm sau sinh: Dấu hiệu nhận biết để điều trị kịp thời, tránh những hệ lụy đau lòng

Thứ năm, 16:42 09/03/2023 | Đời sống

GĐXH - Trầm cảm sau sinh là một rối loạn tâm trạng cực đoan liên quan đến suy nghĩ và cảm xúc của phụ nữ sau sinh. Nếu không phát hiện và có phương pháp điều trị đúng cách thì chứng trầm cảm sau sinh có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc và nguy hiểm.

Mẹ trầm cảm sau sinh dìm 2 con nhỏ xuống sông tử vong

Những ngày qua, dư luận bàng hoàng trước cái chết đau lòng của hai em nhỏ tại Nam Định khi hung thủ lại chính là mẹ đẻ. Một số thông tin cho rằng, mẹ của 2 bé bị trầm cảm sau sinh nên đã gây ra sự việc đau lòng trên.

Sự việc diễn ra vào ngày 8/3/2023. Sau khi đi qua cầu phao Ninh Cường đến huyện Nghĩa Hưng (tại khu vực sông Ninh Cơ, thuộc địa bàn giáp ranh giữa thị trấn Liễu Đề và xã Nghĩa Sơn) một người mẹ để xe trên đê sông, dẫn hai con xuống sông rồi dìm xuống nước.

Thời điểm xảy ra sự việc có người dân đi qua phát hiện nên đã hô hoán mọi người chạy đến đưa hai cháu bé lên bờ. Thực hiện các biện pháp sơ cứu và đưa nạn nhân đến Trạm y tế xã Nghĩa Sơn để cấp cứu nhưng cả hai cháu bé đã tử vong.

Được biết 2 cháu bé lần lượt sinh năm 2018 và 2021.

Cơ quan Công an đã tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Vũ Thị Ng (mẹ 2 cháu bé) để điều tra. Thi thể hai bé gái xấu số cũng đã được bàn giao cho gia đình lo hậu sự, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp y.

Theo gia đình, người phụ nữ này vốn là giáo viên dạy học tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện Trực Ninh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, người này có dấu hiệu bị bệnh trầm cảm nên đã xin nghỉ dạy học để ở nhà chữa bệnh.

Đau lòng mẹ dìm 2 con nhỏ xuống sông tử vongĐau lòng mẹ dìm 2 con nhỏ xuống sông tử vong

GĐXH - Sáng nay (8/3), người dân xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng, Nam Định) bàng hoàng phát hiện một người phụ nữ mang 2 con nhỏ dìm xuống sông Ninh Cơ dẫn tới tử vong.

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh là một rối loạn tâm trạng cực đoan liên quan đến suy nghĩ và cảm xúc của phụ nữ sau sinh. Người bị trầm cảm thường có những cảm giác buồn bã, trống rỗng, mệt mỏi, lo lắng, lo sợ con mình bị hại hay bản thân mình có thể sẽ làm hại em bé.

Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Bệnh có thể được phát hiện sớm, được điều trị và trong một số trường hợp có thể dự phòng.

Trầm cảm sau sinh: Dấu hiệu nhận biết để điều trị kịp thời tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra - Ảnh 2.

Trầm cảm sau sinh là một rối loạn tâm trạng cực đoan liên quan đến suy nghĩ và cảm xúc của phụ nữ sau sinh. Ảnh minh họa: TL

Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

Dấu hiệu trầm cảm sau sinh có thể bao gồm:

– Tâm trạng chán nản, bồn chồn, ủ rũ

– Khóc nhiều

– Xa lánh gia đình và bạn bè

– Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường

– Mất ngủ triền miên hoặc ngủ quá nhiều

– Mệt mỏi quá mức

– Không có hứng thú hay niềm vui với các hoạt động xung quanh ngay cả khi thường ngày yêu thích

– Thường xuyên có cảm giác, khó chịu và tức giận

– Luôn lo lắng rằng mình không phải là một người mẹ tốt

– Không có hứng thú với em bé hoặc cảm thấy em bé dường như không phải là con của mình

– Giảm trí nhớ, giảm khả năng suy nghĩ tập trung hoặc đưa ra quyết định

– Suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé

– Suy nghĩ thường xuyên về cái chết hoặc tự tử

Nếu không được điều trị, trầm cảm sau sinh có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc lâu hơn và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Nguyên nhân trầm cảm sau sinh

Theo BSCKII Trần Thị Mai Hương - Khoa sản phụ khoa (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng), hiện nay vẫn chưa thể kết luận nguyên nhân chính nào dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Bởi đây là dấu hiệu tâm lý, ở mỗi người sẽ do nguyên nhân khác nhau và có những người bị, có người không.

Bệnh trầm cảm sau sinh có thể là do kết hợp nhiều yếu tố, từ tinh thần, thể chất, tâm lý gây nên. Có thể do 5 nguyên nhân sau:

Thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể: Trong những giờ đầu sau sinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm mạnh đột ngột. Từ đó có thể kéo theo trạng thái trầm cảm. Điều này tương tự như việc căng thẳng và thay đổi tâm trạng do nồng độ hormone thay đổi nhẹ trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt.

Có bệnh sử bị trầm cảm: Những phụ nữ mắc chứng trầm cảm trước, trong hoặc sau khi mang thai hay những người đang điều trị trầm cảm có nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn so với người bình thường.

Yếu tố cảm xúc: Mang thai không theo kế hoạch hay mang thai ngoài ý muốn có thể làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người mẹ trong thai kỳ. Ngay cả khi mang thai đúng theo kế hoạch, một số phụ nữ mang thai vẫn cần một khoảng thời gian dài để thích nghi với việc sẽ có em bé.

Ngoài ra, khi em bé có vấn đề về sức khỏe hoặc phải điều trị dài ngày trong bệnh viện, người mẹ có thể trải qua những cảm xúc như buồn, giận, có lỗi. Đây là những cảm xúc làm ảnh hưởng đến tự tin và gây áp lực lên người mẹ.

Mệt mỏi: Rất nhiều phụ nữ cảm thấy vô cùng mệt mỏi sau khi sinh, họ phải mất một khoảng thời gian để sức khỏe và năng lượng hồi phục trở lại. Ở những sản phụ sinh con theo phương pháp sinh mổ thời gian hồi phục có thể còn dài hơn.

Yếu tố đời sống: Thiếu sự giúp đỡ của người thân. Trải qua sự kiện căng thẳng như có người thân vừa qua đời, người thân trong gia đình mắc bệnh, thay đổi nơi ở, cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh: Dấu hiệu nhận biết để điều trị kịp thời tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra - Ảnh 3.

Đối tượng nào có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh?

Người có tiền sử bị bệnh trầm cảm sau sinh, nguy cơ lập lại 50%. Tiền sử trầm cảm ngoài thai kỳ, nguy cơ trầm cảm sau sinh 25%. Ngưng dùng thuốc chống trầm cảm lúc mang thai, 68% rơi vào trạng thái trầm cảm, nếu tiếp tục dùng thuốc thì 25% bị trầm cảm.

Đang trong độ tuổi <18.

Trải qua những sự kiện gây căng thẳng trong thời gian trước: bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp.

Thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng.

Mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn với mẹ chồng.

Mang thai không mong muốn.

Biến chứng thai kỳ: thai chết lưu, sẩy thai.

Trầm cảm dễ xuất hiện ở người con so, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở con rạ.

Các loại trầm cảm sau sinh thường gặp

Theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, trầm cảm sau sinh trải qua nhiều quá trình và mức độ khác nhau. Nhẹ nhất là trạng thái khóc lóc và ủ rũ (hội chứng baby blues), hội chứng trầm cảm sau sinh và cuối cùng là rối loạn tâm thần sau sinh. 

Baby blues

Có tới 30-80% bà mẹ mới sinh mắc hội chứng baby blues trong một thời gian ngắn khi em bé chào đời. Người mẹ có biểu hiện lo lắng, khóc, mất ngủ, mệt mỏi, ủ rũ và buồn bã kéo dài từ 3-10 ngày sau khi sinh con và kết thúc trong vòng hai tuần. Nếu kéo dài hơn, thì có thể người mẹ đã mắc hội chứng trầm cảm sau sinh.

Hội chứng trầm cảm sau sinh 

Thống kê cho thấy, có khoảng 10% bà mẹ sinh con có hội chứng này và thường xuất hiện sau 3 tuần đầu sau sinh, có xu hướng kéo dài. Các dấu hiệu nhận biết, cảnh báo bà mẹ đang mắc hội chứng trầm cảm sau sinh như: hay khóc, sự thiếu tập trung, khó khăn trong việc đưa ra các quyết định, thiếu tự tin, chán ghét bản thân, có ý nghĩ tự tử.

Rối loạn tâm thần sau sinh

Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh thường xảy ra ở nhóm sản phụ có tiền sử hoặc người thân trong gia đình có rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc bệnh tâm thần phân liệt. Rối loạn sẽ bắt đầu trong vòng 2 tuần đầu tiên sau khi sinh và chiếm tỷ lệ cao nhất ở 1-3 tháng tiếp theo. Sản phụ sẽ có các dấu hiệu như dễ kích động, lú lẫn, giảm trí nhớ, cáu gắt, mất ngủ và lo lắng. Kéo dài có thể dẫn đến hoang tưởng, ảo giác, tự tử.

Trầm cảm ở người bố

Khác với phụ nữ, các triệu chứng trầm cảm ở người bố có con nhỏ mới sinh thường không được chú ý. Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh ở đàn ông và phụ nữ giống nhau bao gồm các thay đổi: mối quan hệ hôn nhân, cảm xúc, thiếu tự tin kỹ năng làm cha mẹ. Đặc biệt, nếu người vợ bị trầm cảm thì người chồng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Hệ lụy của trầm cảm sau sinh

Trầm cảm căn bệnh nguy hiểm được cảnh báo cho cộng đồng, đã có nhiều nghiên cứu về tác động nguy hiểm của trầm cảm lên đời sống phụ nữ sau khi sinh con. 

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, gần 1.400 phụ nữ trước và sau sinh tại Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu đến từ bốn trường đại học: Kilimanjaro Christian Medical College (KCMC, Tanzania), trường Đại học Y Hà Nội (Việt Nam), Đại học Copenhagen và Đại học Nam Đan Mạch khảo sát nghiên cứu. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, trầm cảm sau sinh tại Việt Nam chiếm tỷ lệ tương đương với các nước trong khu vực và các nghiên cứu khác.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, trầm cảm gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và trẻ em, cũng như mối quan hệ của họ với các thành viên trong gia đình.

Đối với phụ nữ mắc bệnh trầm cảm

Trầm cảm sau sinh thường khó phát hiện, kéo dài hàng tháng hoặc lâu hơn. Trầm cảm có thể phát triển thành bệnh rối loạn tâm thần nếu không chữa trị kịp thời. Ngay cả khi được điều trị, bệnh có thể phát triển thành bệnh trầm cảm.

Phụ nữ trầm cảm sau sinh thường không đủ sức khỏe để chăm sóc con cái, nguy cơ tự tử cao. 

Đối với người con có mẹ mắc bệnh trầm cảm 

Những đứa trẻ có mẹ bị trầm cảm nhiều nguy cơ không phát triển cảm xúc, hành vi:

Chậm phát triển ngôn ngữ, vận động.

Hạn chế khả năng giao tiếp.

Có thể có những hành vi bất thường hoặc dễ kích động hơn trẻ bình thường.

Trẻ dễ căng thẳng và khó thích nghi với môi trường, khó hòa nhập xã hội…

Đối với gia đình có người bị bệnh trầm cảm

Người chung sống cùng người bị trầm cảm sau sinh có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao. Đó có thể là người chồng, bố mẹ hay anh chị em ruột chung sống trong một mái nhà. Khi có sự căng thẳng triền miên trong gia đình, tâm lý, sức khỏe từng thành viên sẽ ảnh hưởng.

Trầm cảm sau sinh: Dấu hiệu nhận biết để điều trị kịp thời tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra - Ảnh 4.

Thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng phụ nữ có thể mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa: TL

Trầm cảm sau sinh có điều trị được không?

Cũng theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, trầm cảm sau sinh có thể điều trị cho kết quả tốt nếu thực hiện điều trị sớm. Các chuyên gia sức khỏe tâm lý có thể giúp mẹ sau sinh có hướng điều trị trầm cảm phù hợp và đúng đắn nhất. Trong đó có thể đề cập đến một số phương pháp như:

Tham vấn tâm lý cho người mắc bệnh trầm cảm

Người mẹ trầm cảm sau sinh sẽ được nói chuyện riêng với chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc nhà tâm lý học. Các bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức tức là giúp người bệnh nhận ra và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và hành vi của mình một cách dần dần; hoặc liệu pháp tương tác nghĩa là giúp mọi người xung quanh hiểu được và hỗ trợ người bệnh điều trị hiệu quả.

Phụ nữ trầm cảm nhẹ có thể được tư vấn điều trị. Những trường hợp nặng hơn có thể được điều trị tư vấn kết hợp với sử dụng thuốc.

Điều trị bằng thuốc cho người mắc bệnh trầm cảm

Theo BSCKII Trần Thị Mai Hương, người mẹ bị trầm cảm sau sinh nên được sự tư vấn từ bác sĩ càng sớm càng tốt.

Khi có dấu hiệu trầm cảm gây khó chịu cho cơ thể hãy báo với bác sĩ về điều này. Việc này sẽ giúp cho bác sĩ chẩn đoán chính xác về bệnh hơn. Thuốc được kê toa thông thường hoặc là thuốc an thần hoặc là thuốc chống trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng ức chế lên não bộ, điều chỉnh tâm trạng.

Tuy nhiên việc dùng thuốc trầm cảm cần được xem xét và theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Thời gian điều trị trầm cảm có thể kéo dài từ 1- 6 tháng, hoặc kéo dài hơn, tùy thuộc vào mức độ bệnh. Ngoài ra, đối với những người đã có một giai đoạn trầm cảm từ trước khi mang thai hoặc sinh con bác sĩ có thể kê đơn thuốc phòng ngừa trầm cảm sau sinh ngay sau khi em bé chào đời. 

Người mắc bệnh trầm cảm nên có sự hỗ trợ từ người thân

Người đang điều trị trầm cảm nên cần sự động viên, hỗ trợ từ bạn bè và gia đình. Những sự giúp đỡ này đóng vai trò quan trọng, giúp người phụ nữ trầm cảm sau sinh phục hồi nhanh chóng.

Vai trò của bản thân người mắc bệnh trầm cảm

Bên cạnh các phương pháp điều trị cũng như san sẻ cùng người thân, bản thân người mắc bệnh trầm cảm đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục. Người bệnh trầm cảm nên tin tưởng và kiên nhẫn vào khả năng cải thiện bệnh của bản thân.

Hãy lắng nghe cơ thể mình, đừng quá lo lắng khi đau, mệt mỏi. Bởi các nguyên nhân này sẽ khiến bệnh trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Đồng thời lắng nghe cảm xúc của mình, thư giãn và làm những điều bản thân yêu thích.

Chăm sóc sức khỏe bản thân bằng việc ăn uống điều độ, bổ sung trái cây và rau xanh hằng ngày.

Trầm cảm sau sinh có chữa được không phù thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh. Do đó hãy dành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ sau sinh để hạn chế nguy cơ trầm cảm và những hậu quả không đáng có.

Biện pháp phòng ngừa trầm cảm sau sinh

Dự phòng trầm cảm sau sinh đặc biệt cần thiết với những người có tiền sử trầm cảm hoặc trầm cảm sau sinh.

Ngay từ khi mang thai

Đối với phụ nữ bình thường, ngay từ khi mang thai nên được quan tâm và chăm sóc cả về dinh dưỡng và tinh thần. Phụ nữ mang thai nên tự mình tham gia các hoạt động tích cực như đi bộ, vận động nhẹ, nghe nhạc, học một bộ môn nghệ thuật nào đó hoặc gặp gỡ bạn bè – người có kinh nghiệm thai kỳ… để giúp tâm trạng luôn ổn định, vui vẻ.

Với phụ nữ có tiền sử trầm cảm hoặc dấu hiệu nên gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Trong trường hợp nghiêm trọng, thuốc chống trầm cảm có thể được khuyến nghị phù hợp với phụ nữ mang thai.

Sau khi sinh

Sau khi sinh, người mẹ có thể được bác sĩ kiểm tra sớm sau sinh để sàng lọc các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm sau sinh. Càng phát hiện sớm, việc điều trị sớm hơn có thể bắt đầu. Nếu người mẹ có tiền sử trầm cảm sau sinh, bác sĩ có thể đề nghị điều trị chống trầm cảm hoặc trị liệu tâm lý ngay sau khi sinh.

Phụ nữ sau khi sinh cần có chế độ sinh hoạt phù hợp:

– Lối sống lành mạnh bao gồm các hoạt động thể chất như đi dạo với bé hàng ngày, được nghỉ ngơi đầy đủ, ăn thực phẩm lành mạnh và không uống rượu.

– Không gây áp lực cho bản thân phải làm tất cả mọi thứ, điều chỉnh mong muốn của bản thân, không cố gắng để đạt mọi thứ hoàn hảo.

– Dành thời gian cho chính mình.

– Tránh việc tự cô lập bản thân..

– Yêu cầu giúp đỡ: Cố gắng mở lòng với những người thân và người xung quanh. Cho họ biết bạn cần sự giúp đỡ.

L.Vũ (th)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Người dân Cô Tô (Quảng Ninh) chôn cất xác cá voi 10 tấn trôi dạt trên biển

Người dân Cô Tô (Quảng Ninh) chôn cất xác cá voi 10 tấn trôi dạt trên biển

Đời sống - 2 giờ trước

Xác cá voi nặng khoảng 10 tấn trôi dạt vào vùng biển ven đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và được chính quyền, người dân tổ chức chôn cất theo phong tục địa phương.

3 loại tiền lương sẽ tăng từ ngày 1/7 tới, hàng triệu người mừng thầm khi được hưởng chính sách mới

3 loại tiền lương sẽ tăng từ ngày 1/7 tới, hàng triệu người mừng thầm khi được hưởng chính sách mới

Đời sống - 2 giờ trước

GĐXH - Theo chính sách cải cách tiền lương mới, từ ngày 1/7/2024, ba loại tiền lương quan trọng gồm lương công chức, lương hưu, lương tối thiểu sẽ tăng.

Rắn hổ mang nặng 3kg vào khu đô thị ở Hà Nội ‘dạo chơi’

Rắn hổ mang nặng 3kg vào khu đô thị ở Hà Nội ‘dạo chơi’

Đời sống - 4 giờ trước

Trong lúc đi tập thể dục buổi tối tại công viên trong khu đô thị The Manor Central Park, người dân phát hiện con rắn hổ mang nặng 3kg.

Tránh nóng, người dân đổ xô đến các Trung tâm Thương mại trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Tránh nóng, người dân đổ xô đến các Trung tâm Thương mại trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Đời sống - 15 giờ trước

GĐXH - Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, tại Hà Nội, do nắng nóng oi bức, nhiều người dân đã đổ xô đến các trung tâm thương mại, siêu thị... thay vì đến các điểm vui chơi, giải trí ngoài trời.

Nam Định: 'Ám ảnh' vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan bờ ruộng, kênh mương

Nam Định: 'Ám ảnh' vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan bờ ruộng, kênh mương

Đời sống - 15 giờ trước

GĐXH - Việc lạm dụng thuốc diệt cỏ, trừ sâu để bảo vệ cây trồng cũng là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, cần tuyên truyền người dân thực hiện phong trào thu gom, xử lý bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để bảo vệ môi trường, sức khỏe con người.

Đi trên đường, người phụ nữ bị sét đánh tử vong

Đi trên đường, người phụ nữ bị sét đánh tử vong

Đời sống - 20 giờ trước

GĐXH - Đang đi trên đường, người phụ nữ ở Thừa Thiên Huế bị sét đánh trúng vào người rồi tử vong.

Nhận biết 3 mối đe dọa khiến bạn đuối nước khi tắm biển

Nhận biết 3 mối đe dọa khiến bạn đuối nước khi tắm biển

Đời sống - 21 giờ trước

Tắm biển khác xa với bể bơi, hay khi tắm sông. Đó là bởi sóng và các dòng chảy có thể khiến bạn dễ mất sức, dẫn tới đuối nước, hoặc bị cuốn ra xa bờ.

Gần 1 năm mở luồng, kênh đào 'Panama Nam Định' hiện ra sao?

Gần 1 năm mở luồng, kênh đào 'Panama Nam Định' hiện ra sao?

Đời sống - 1 ngày trước

GĐXH - Sau gần 1 năm mở luồng, kênh đào dài 1km nối sông Đáy và sông Ninh Cơ ở địa phận huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định mỗi ngày có hàng chục lượt tàu chở hàng, sà lan đi qua rút ngắn thời gian đi lại từ 8 tiếng xuống còn 20 - 30 phút.

Xe chở hơn 100 con dê gặp tai nạn, người dân kêu gọi 'giải cứu'

Xe chở hơn 100 con dê gặp tai nạn, người dân kêu gọi 'giải cứu'

Đời sống - 1 ngày trước

GĐXH - Ô tô tải gặp tai nạn khiến hơn 100 con dê trên xe chết và bị thương. Phát hiện sự việc, người dân đăng tải lên mạng xã hội, kêu gọi người khác thu mua để hỗ trợ tài xế.

Lý lịch tư pháp là gì? Giá trị pháp lý loại giấy tờ này mang lại có thể người dân chưa biết hết

Lý lịch tư pháp là gì? Giá trị pháp lý loại giấy tờ này mang lại có thể người dân chưa biết hết

Đời sống - 2 ngày trước

GĐXH - Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của mình. Vậy lý lịch tư pháp là gì? Loại giấy tờ này mang giá trị pháp lý gì?

Top