Hà Nội
23°C / 22-25°C

Tháng Tư ơi, xin đẹp mãi tâm hồn

Thứ ba, 20:07 28/04/2015 | Giải trí

GiadinhNet - Nhà thơ Hữu Thỉnh - tác giả của trường ca “Đường tới thành phố”, một trong những tác phẩm thành công về đề tài chiến tranh cách mạng được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Lần đầu trường ca được mang tên “Hành trình qua dây thép gai”. Một cái tên ấn tượng về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh. Một hành trình qua những giới hạn ngặt nghèo của số phận cả một dân tộc và của mỗi con người”.

 

Đồng bào Sài Gòn hân hoan đón chào quân giải phóng 30/4/1975. 	Ảnh: Hứa Kiểm
Đồng bào Sài Gòn hân hoan đón chào quân giải phóng 30/4/1975.  Ảnh: Hứa Kiểm

 

“Mẹ nén đau giấu tờ báo tử”

Đường tới thành phố Sài Gòn ngày 30/4/1975 là một cuộc hành trình dài qua biết bao hy sinh gian khó, từ hậu phương tới chiến trường, từ rừng núi xuống đồng bằng, từ đồng bằng vào thành phố. Những câu thơ hay nhất, cảm động nhất trong trường ca của Hữu Thỉnh là viết về hậu phương. Ở đó có người mẹ: “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn/ Mừng thì mừng mà thương mẹ biết bao nhiêu” và: “Từ chịu đựng neo đơn của mẹ/Bao việc làng, việc nước lớn dần ra”. Rồi, từ một người chị ở hậu phương: “Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc”, đến một người vợ trong vùng địch tạm chiếm: “Một mình một mâm cơm/Ngồi bên nào cũng lệch/Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”. Có lẽ, không có sự hy sinh nào bằng sự cô đơn: “Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra/Trong giỗ Tết họ hàng nội ngoại/Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cút một mình/Những đêm trở trời trái gió/Tay nọ ấp tay kia/Súng thon thót ngoài đồn dân vệ”.

Chiến tranh không chỉ là sự phân chia chiến tuyến của sự hy sinh đối diện trực tiếp ngoài mặt trận dễ nhận thấy, chiến tranh ngay ở trong số phận của từng con người, của những ranh giới mỏng manh mà vượt qua đó còn khó hơn nhiều trong sự thầm lặng, mất mát vô danh. Nhà thơ Thanh Thảo cũng khá nổi tiếng với trường ca “Những người đi tới biển” - là một hành trình từ hậu phương vào mặt trận, từ Trường Sơn xuống bưng biền, kênh rạch Nam Bộ. Ở nơi đó, người dân đã phải gài những bãi mìn ngay trước mảnh sân nhà, cận kề cái chết. Ở nơi đó, những người lính với “Chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách…/Một chiếc áo có thể sống lâu hơn cuộc đời”. Tổ quốc với người lính thật là thiêng liêng và giản dị, nhưng không giản đơn mà qua bao trăn trở: “Chúng tôi đi không tiếc đời mình/Nhưng tuổi hai mươi ai mà không tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn gì Tổ quốc/Cỏ sắc mà ấm quá phải không em”. Với người lính, Tổ quốc hiện lên từ hình ảnh người mẹ cảm động biết bao trong thơ Hữu Thỉnh: “Mẹ nén đau giấu tờ báo tử/Sáng mai lại tiễn con lên đường nhập ngũ/Bốn ngàn năm đất nước mấy khi yên”. Để làm nên đại thắng mùa xuân, bắt đầu từ những hy sinh thầm lặng vô giá như thế.

“Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn”

Có thể nói, bài thơ viết sớm nhất về ngày chiến thắng 30/4 như một khúc khải hoàn, một tiếng reo ca náo nức là bài “Toàn thắng về ta” của nhà thơ Tố Hữu viết ngày 1/5/1975. Vâng, toàn thắng đã về ta khi chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, khi lá cờ giải phóng được đại đội trưởng Bùi Quang Thận phất cao trong gió lộng, khi toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn cúi đầu xin hàng. Nốt lặng đầu tiên của nhà thơ ngân lên: “Ôi nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng/Trào vui nước mắt cứ rưng rưng”.

Thi ca là thế, là sâu thẳm cõi lòng, chạm vào nỗi niềm rung động nhất, có phút nghẹn ngào trong niềm tự hào kiêu hãnh. Chỉ mấy phác thảo thơ mà Tố Hữu đã khái quát được thần thái, tốc độ thần tốc của cuộc chiến qua bao địa danh: “Chặt Buôn Mê Thuật rụng cả Tây Nguyên/Quét Huế, Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng”, và: “Pháo hãy gầm lên đỏ nòng bắn thẳng/Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn”.

Tình cảm dâng đến cao trào hiện ra hình ảnh Bác Hồ đẹp đẽ biết bao: “Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp/Bác Hồ ơi!Toàn thắng về ta/Chúng con đến xanh ngời ánh thép/Thành phố tên Người rực rỡ cờ hoa”. Đồng chí Lê Đức Thọ - một trong những người chỉ huy ở vị trí cao nhất trong Chiến dịch Hồ Chí Minh với bài thơ “Trận thắng cuối cùng” viết tại Tân Sân Nhất ngày 2/5/1975 tràn đầy khí thế của một người trong cuộc, với cái nhìn chiến lược toàn cục của cuộc chiến: “Quanh Sài Gòn đã siết chặt vòng vây/Đường 4 cắt rời, Vũng Tàu không lối thoát/Căn cứ Biên Hòa, Sân bay Tân Sơn Nhất/Pháo tầm xa đang dội lửa xuống ngày đêm”. Cũng như nhà thơ Tố Hữu, ở phút giây thiêng liêng ông lại nhớ đến Bác Hồ: “Lời Bác dặn đã hoàn thành trọn vẹn/Giờ này đây, Bác ngủ hẳn yên lòng”.

Đọc lại những bài thơ, trường ca viết về ngày 30/4 lịch sử, có một nét đặc biệt là các nhà thơ sau những nhịp thơ cuồn cuộn hào hùng khí thế chiến thắng thì đều tìm cách lý giải về cội nguồn chiến thắng. Những bài thơ ngắn ghi nhận những cảm xúc trực tiếp thì các trường ca lùi lại thời gian để có cái nhìn toàn diện. Và chính thể loại có độ dài với những chương đoạn, với sức tải nhân vật, sự kiện có khả năng trung tẩy qua nhiều cung bậc tình cảm sức thuyết phục và lay thức hơn nhiều. Nhà thơ Tố Hữu đã lý giải về mạch nguồn, lý tưởng của người chiến sỹ giải phóng quân trong “Toàn thắng về ta”: “Vũ khí chính là anh, lòng yêu thương mênh mông/Vũ khí chính là anh, lửa căm hờn nóng bỏng”. Còn nhà thơ Hữu Thỉnh – một người con trung du Bắc bộ, một người lính xe tăng trong bữa cơm chiều ở Dinh Độc Lập bỗng bất ngờ nhận ra: “Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện/Rau muống xanh như hái tự ao nhà”.

Khoảng cách chiến trường và hậu phương đã rút ngắn lại như thế! Đó cũng là sức mạnh tổng hợp của ý chí toàn dân tộc. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong ngày vui toàn thắng, cái chất lính, chất thi sỹ mộng mơ của anh khi nhìn lên bầu trời Sài Gòn bỗng thấy: “Trong giọng hót ngày hòa bình vui lạ/Có phải chim từ nơi súng nổ bay ra/Tôi cứ nghĩ đàn chim ở tay người cầm súng/Trái tim vui suốt dải đất hai miền”.

“Lòng vẫn nghĩ: Tháng Tư làm nhân chứng”

Nhà thơ Xuân Diệu trong một bài thơ viết ngay sau ngày 30/4 có một tựa đề rất nồng nàn và náo nức: “Tôi muốn đi thăm khắp cả miền Nam”. Miền Nam từ lâu đã là một tình cảm thân thiết trong mỗi con người đất việt. Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Một miền Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát để đi đến ngày toàn thắng.

Và thật cảm động biết bao khi nhà thơ Phùng Khắc Bắc viết trong “Ngày hòa bình đầu tiên”: “Anh về quê không mang súng/Mẹ giục: ăn đi, con/Hòa bình trong canh cua mồng tơi, cà - Và - Mùi ổ rơm”. Sức mạnh của chiến thắng từ cội nguồn sâu thẳm thế đó. Và tâm thức Việt của người lính cũng bắt đầu như thế đó.

Bên cạnh những khúc ca hào hùng viết về ngày 30/4 thì nhà thơ Đinh Thị Thu Vân lại viết về cuộc “lột xác”, đổi đời của mình bắt đầu từ: “Nếu không có ngày ba mươi tháng tư”. Chị viết thật chân thành, da diết: “Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm/ Lòng vẫn nghĩ: Tháng Tư làm nhân chứng/ Ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn/ Làm thế nào em có thể đền ơn! Tháng Tư ơi, xin đẹp mãi tâm hồn”.

Ngày 30/4 là một dấu mốc quan trọng, một điểm tựa tinh thần lớn lao, một bệ phóng cho tương lai. Đường đến Sài Gòn ngày 30/4 qua bao nhiêu cung đường, qua bao giới hạn, qua bao địa hình, qua bao số phận. Và thơ - chính là những va chấn tâm hồn ghi lại trung thực nhất những khoảnh khắc bất chợt, những lan tỏa bất ngờ, những cung bậc thiết tha. Khi là một tiếng reo vui, khi là một quặn thắt nén lòng, khi là những rưng rưng trong nụ cười và nước mắt. Các nhà thơ - những người thư ký tâm hồn của thời đại - đã bằng chính cuộc đời mình “đo” cuộc hành trình trên dây thép gai để cùng dân tộc đi đến ngày toàn thắng …

 

Chiếc xe tăng

trong Dinh Độc Lập

Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập

Cỏ đã lên xanh giữa bánh xích ngày nào

Chiếc xe tăng húc cổng Dinh Độc Lập

Thành phố mang tên Người rực ánh cờ sao

Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập

Nòng pháo không còn vương khói thuốc súng bay

Đồng đội xưa ai còn, ai mất?

Bốn mươi năm sau tôi lại đến nơi này…

Tôi bỗng gặp những đàn em nhỏ

Chạy tung tăng trên tháp pháo xe tăng

(Chiến tranh đã lùi xa như chưa hề từng có

Sài Gòn trưa nắng bỗng dùng dằng…)

Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập

Không còn màu đất đỏ chiến trường xưa

Tấm áo thép vẫn nguyên màu chất thép

Thành chứng nhân lịch sử bây giờ!

Hà Tĩnh, ngày 21/3/2015

Nguyễn Ngọc Phú

 

“Nếu hôm nay, tất cả về đông đủ”

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong “Trường ca sư đoàn” của mình có những câu thơ nghẹn thắt trong ngày vui chiến thắng: “ Nếu hôm nay tất cả về đông đủ/ Sư đoàn tôi thành mấy sư đoàn”. Đã có bao nhiêu đồng đội nằm dọc chiến trường, bao lớp thay quân lính mới, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết: “Tên tuổi chúng tôi rải rác khắp rừng cây/ Rải rác dòng tên nơi đèo cao vực thẳm/ Người hy sinh và người còn sống/ Cũng đứng trong đội ngũ sư đoàn”. Một nét lặng trầm trong ngày đại thắng.

Nguyễn Ngọc Phú/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Nam ca sĩ Việt gặp vận xui ở trời Tây: Bị ngã trẹo chân, thất lạc vali nên gần 1 tuần không dám gội đầu

Nam ca sĩ Việt gặp vận xui ở trời Tây: Bị ngã trẹo chân, thất lạc vali nên gần 1 tuần không dám gội đầu

Giải trí - 36 phút trước

"Lần này là té ngồi giữa đường luôn không đứng dậy được, đau thấu trời xanh, bạn nhân viên phải dìu vào một bên, ngồi đó nghỉ một tiếng và quyết định đi taxi về", ca sĩ Đan Trường chia sẻ.

Ký ức những ngày 30/4 không bao giờ quên của đạo diễn Đặng Nhật Minh

Ký ức những ngày 30/4 không bao giờ quên của đạo diễn Đặng Nhật Minh

Giải trí - 12 giờ trước

GĐXH - "Thôi, vĩnh biệt những đêm dài lo âu thao thức trong ánh đèn mù. Thôi, từ nay giấc ngủ con cái chúng ta sẽ không còn bị khuấy động bởi tiếng bom đạn gầm rú," đạo diễn Đặng Nhật Minh đọc lời bình trong phim tài liệu "Tháng Năm – Những gương mặt".

Cận gương mặt tuổi 48 trẻ đẹp ngỡ ngàng của Trương Ngọc Ánh

Cận gương mặt tuổi 48 trẻ đẹp ngỡ ngàng của Trương Ngọc Ánh

Giải trí - 14 giờ trước

GĐXH - Trương Ngọc Ánh mới đây đã ngồi "ghế nóng" trong một cuộc thi. Điều khiến khán giả chú ý chính là gương mặt tuổi 48 trẻ trung gây ngỡ ngàng của nữ diễn viên này.

Hoa hậu Tiểu Vy, Bùi Quỳnh Hoa đồng loạt check-in địa điểm đặc biệt kỷ niệm 30/4

Hoa hậu Tiểu Vy, Bùi Quỳnh Hoa đồng loạt check-in địa điểm đặc biệt kỷ niệm 30/4

Giải trí - 15 giờ trước

GĐXH - Dàn Hoa - Á hậu: Tiểu Vy, Bùi Quỳnh Hoa, Bảo Ngọc,... đồng loạt khoe ảnh tại Dinh Độc Lập chào mừng lễ kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2024).

Nữ NSND là tượng đài sắc đẹp, U60 nuột nà, đời thực viên mãn bên chồng, khác vẻ cay nghiệt ở phim

Nữ NSND là tượng đài sắc đẹp, U60 nuột nà, đời thực viên mãn bên chồng, khác vẻ cay nghiệt ở phim

Giải trí - 15 giờ trước

Ở ngoài đời, NSND Thu Hà có cuộc sống bình yên, viên mãn bên chồng con. Cô cũng được ngưỡng mộ vì sở hữu nhan sắc trẻ đẹp không tuổi.

Đời thực nhà cao cửa rộng cùng vợ đẹp con tài năng của nam danh ca nhạc đỏ - Trọng Tấn

Đời thực nhà cao cửa rộng cùng vợ đẹp con tài năng của nam danh ca nhạc đỏ - Trọng Tấn

Giải trí - 15 giờ trước

GĐXH - Trọng Tấn là giọng ca nổi bật trong làng nhạc đỏ Việt Nam. Ngoài sự nghiệp đỉnh cao, anh còn có một gia đình viên mãn và khối tài sản đáng ngưỡng mộ.

Con gái MC Quyền Linh đỗ vào trường đào tạo nghệ thuật top 2 thế giới

Con gái MC Quyền Linh đỗ vào trường đào tạo nghệ thuật top 2 thế giới

Giải trí - 17 giờ trước

Không chỉ xinh đẹp, Lọ Lem - con gái lớn của MC Quyền Linh còn sở hữu học lực đáng ngưỡng mộ.

Nàng dâu xinh đẹp của 'Lật mặt 7': Gốc Hà Nội lại phải học nói giọng Hà Nội

Nàng dâu xinh đẹp của 'Lật mặt 7': Gốc Hà Nội lại phải học nói giọng Hà Nội

Giải trí - 20 giờ trước

Góp mặt trong phim điện ảnh "Lật mặt 7: Một điều ước" của đạo diễn Lý Hải, diễn viên Minh Khuê được công chúng khen ngợi vì lối diễn xuất chân thật cùng nhan sắc thăng hạng theo thời gian.

Sao Việt rộn ràng nghỉ lễ: Hoa hậu Đỗ Hà lộ diện giữa thông tin cưới thiếu gia, dàn người đẹp diện bikini "cực nóng"

Sao Việt rộn ràng nghỉ lễ: Hoa hậu Đỗ Hà lộ diện giữa thông tin cưới thiếu gia, dàn người đẹp diện bikini "cực nóng"

Giải trí - 23 giờ trước

Dàn sao Việt đã bắt đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 bằng những chuyến đi chơi xa.

Thanh Hằng: "Tôi và ông xã không đi theo những định kiến cũ"

Thanh Hằng: "Tôi và ông xã không đi theo những định kiến cũ"

Giải trí - 1 ngày trước

Mới đây, Thanh Hằng đã có những chia sẻ về hạnh phúc của cô trong công việc, trong cuộc sống, trong mối quan hệ với ông xã Trần Nhật Minh, thu hút sự chú ý.

Top