Hà Nội
23°C / 22-25°C

Tập trung vào các giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu chính sách dân số và phát triển

Thứ tư, 13:25 09/12/2020 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - Quy mô và chất lượng dân số là yếu tố quan trọng ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển, thịnh vượng của quốc gia - dân tộc. Ở nước ta, vấn đề dân số luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều vấn đề về dân số đã được giải quyết, tuy nhiên, lại xuất hiện những vấn đề mới. Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết số 21 - NQ/TW).

Tập trung vào các giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu chính sách dân số và phát triển - Ảnh 1.

“Duy trì mức sinh thay thế” hay bảo đảm mức trung bình mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. ảnh: PV

Từ chính sách DS-KHHGĐ chuyển sang chính sách dân số và phát triển

Trước sức ép của tốc độ gia tăng dân số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII vào tháng 01-1993, lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta thảo luận và ban hành một Nghị quyết về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nghị quyết nhận định, sự gia tăng dân số quá nhanh là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn lớn cho việc cải thiện đời sống, hạn chế điều kiện phát triển về các mặt trí tuệ, văn hóa, thể lực của giống nòi. Nếu như xu hướng này cứ tiếp tục diễn ra, trong tương lai không xa đất nước ta sẽ đứng trước những khó khăn rất lớn, thậm chí những nguy cơ về nhiều mặt. Nghị quyết đề ra nhiệm vụ trọng tâm là giảm mức sinh, kế hoạch hóa gia đình nhằm đạt được mức sinh thay thế, qua đó, giảm gánh nặng lên hạ tầng kinh tế - xã hội.

Sau gần 25 năm thực hiện Nghị quyết, với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của nước ta đã thực hiện theo định hướng của Đảng và cơ bản đạt được mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước, nhất là đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay dân số nước ta đã xuất hiện những đặc điểm mới và những xu hướng mới, khác biệt lớn so với thời điểm hoạch định chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (năm 1993), như mức sinh thấp; mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng gia tăng; già hóa dân số diễn ra nhanh, di cư ngày càng phức tạp; nạn phá thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS vẫn còn khá phức tạp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp. Tỉ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người. Phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư và ở nhiều đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế. Những đặc điểm và xu hướng này sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Tập trung vào các giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu chính sách dân số và phát triển - Ảnh 2.

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên... đảm bảo sự phát triển bền vững. ảnh: T.H

Để giải quyết những hạn chế, bất cập, bảo đảm phát triển bền vững, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21 - NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết số 21-NQ/TW nhấn mạnh, việc chuyển đổi mục tiêu, nội dung trọng tâm của chính sách dân số từ chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình chuyển sang chính sách dân số và phát triển là hoàn toàn cần thiết. Nó làm cho chính sách dân số phù hợp với tình hình dân số thực tế hiện nay và giúp cho công tác dân số hiệu quả hơn.

Như vậy, trọng tâm của chính sách dân số sẽ là tập trung giải quyết các mối quan hệ dân số và phát triển chứ không chỉ là kế hoạch hóa gia đình. Nếu như trước đây chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình tập trung vào nội dung kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu giảm sinh, thì nay chính sách dân số với 8 mục tiêu cụ thể có nội dung và phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Trong đó, mục tiêu đầu tiên là duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số của đất nước là 104 triệu người.

"Duy trì mức sinh thay thế" hay bảo đảm mức trung bình mỗi cặp vợ chồng chỉ có khoảng 2,1 con, tức là vẫn cần phải thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Vì vậy, việc "chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển" về bản chất là sự mở rộng chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình với các nội dung bao trùm hơn, không chỉ hướng tới kiểm soát quy mô dân số mà còn quan tâm nhiều hơn đến chất lượng dân số, bao gồm cả thể lực, trí lực của người Việt Nam.

Các mục tiêu của chính sách dân số và phát triển

Tập trung vào các giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu chính sách dân số và phát triển - Ảnh 3.

Phấn đấu đến năm 2030 có 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. ảnh: PV

Nghị quyết số 21 nhấn mạnh: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.

Mục tiêu đề ra là tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Đồng thời, cần giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Nghị quyết đề ra các mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030 phải đạt được như sau: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn; Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người; Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tỉ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%; Tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung; Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á; Tỉ lệ dân số đô thị đạt trên 45%. Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản; 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Tập trung vào một số giải pháp chủ yếu

Dân số và phát triển là một chủ trương lớn của Đảng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng phải vào cuộc quyết liệt. Thực hiện được các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn cho chính sách dân số của Việt Nam. Vì vậy, các nhà quản lý và các nhà khoa học cần nghiên cứu về vấn đề này một cách sâu sắc để góp phần triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác dân số

Tập trung vào các giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu chính sách dân số và phát triển - Ảnh 4.

Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới. Ảnh: TL

Nghị quyết yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác dân số. Thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 7 giải pháp cụ thể để đạt được các mục tiêu trong đó có giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số.

Thực tế thời gian qua, một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới. Tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ở cấp cơ sở còn thấp. Chức năng, nhiệm vụ chưa được điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình dân số. Các nội dung về dân số trong phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho dân số, kế hoạch hóa gia đình còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu.

Vì vậy, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hướng dẫn đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố phù hợp với các quy định của pháp luật; rà soát, kiến nghị điều chỉnh hoặc bãi bỏ các quy định về xử lý vi phạm trong công tác dân số không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 nhằm phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; dịch vụ tầm soát, chuẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh, tật trước sinh, sơ sinh và hỗ trợ sinh sản...; đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ y - sinh học, công nghệ thông tin trong triển khai và quản lý dịch vụ dân số.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đề xuất các cơ chế, chính sách để bảo đảm nguồn nhân lực cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong... Khuyến khích các địa phương xây dựng và thực hiện các chính sách thu hút nhân lực y tế làm việc tại y tế cơ sở thuộc địa bàn quản lý.

Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số

Thực hiện chính sách dân số và phát triển là một quá trình thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển.

Các bộ, ngành liên quan, các cơ quan truyền thông của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với thực trạng mức sinh của từng vùng, đối tượng theo hướng sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp, duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc; đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, của cả hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả vận động ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là hiện trạng đáng báo động, trong đó, nguyên nhân chủ yếu từ tư tưởng cổ hủ, phong kiến, lạc hậu, muốn có con trai nối dõi,… Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỉ số giới tính khi sinh cao.

Tăng cường tuyên truyền, vận động, khơi dậy phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực người Việt Nam. Nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cư trú, về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.

Để thực hiện mục tiêu chính sách dân số và phát triển, bên cạnh việc đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác dân số còn cần hệ thống các giải pháp khác một cách toàn diện, đồng bộ và sự tham gia tích cực, chủ động của các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Văn Hậu

(Học viện Hành chính Quốc gia)

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Một số bài thuốc quý trị chứng hay cáu giận

Một số bài thuốc quý trị chứng hay cáu giận

Dân số và phát triển - 1 giờ trước

SKĐS - Cáu giận là cảm xúc mà hầu như ai cũng có nhưng có một số người đặc biệt hay cáu giận hơn so với người khác. Thực ra, hay cáu giận cũng là biểu hiện bệnh lý và có thể điều trị được.

Bí quyết giúp phụ nữ tuổi 50 giảm cân và các triệu chứng mãn kinh

Bí quyết giúp phụ nữ tuổi 50 giảm cân và các triệu chứng mãn kinh

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời, thường ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi từ 45 – 55, có thể gây tăng cân và các triệu chứng khó chịu khác.

Người bị loãng xương có nên tập thể dục?

Người bị loãng xương có nên tập thể dục?

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Loãng xương được đặc trưng bởi sự mất canxi trong xương, khiến xương dễ bị gãy. Tập thể dục thường xuyên làm giảm tỷ lệ mất xương và bảo tồn mô xương, giảm nguy cơ gãy xương và té ngã…

Một số phương pháp tập luyện hỗ trợ điều trị rối loạn xuất tinh

Một số phương pháp tập luyện hỗ trợ điều trị rối loạn xuất tinh

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Chứng rối loạn xuất tinh xuất hiện ngày càng nhiều ở nam giới với các nguyên nhân khác nhau. Một số phương pháp tập luyện có thể hỗ trợ điều trị chứng bệnh này hiệu quả.

Bố chồng lên kế hoạch tỉ mỉ để dụ dỗ con trai có quan hệ bất chính với con gái đại gia

Bố chồng lên kế hoạch tỉ mỉ để dụ dỗ con trai có quan hệ bất chính với con gái đại gia

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Tôi được một phen sáng con mắt khi biết âm mưu của bố chồng mình.

Câu hỏi thường gặp cho người bị rong kinh

Câu hỏi thường gặp cho người bị rong kinh

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Rong kinh là tình trạng chảy máu kinh nhiều hơn bình thường về lượng hoặc thời gian. Để chẩn đoán chính xác do nguyên nhân nào cần đi khám để được điều trị phù hợp.

Căng thẳng có ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng ở chị em?

Căng thẳng có ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng ở chị em?

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Một trong những nguyên nhân làm chu kỳ kinh nguyệt thay đổi, không đều, kéo dài, chậm rụng trứng là do căng thẳng (stress). Vậy chúng ta hãy xem điều này xảy ra như thế nào?

3 giai đoạn của bệnh nhân sa sút trí tuệ người thân cần biết để chăm sóc

3 giai đoạn của bệnh nhân sa sút trí tuệ người thân cần biết để chăm sóc

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Sa sút trí tuệ là khi bạn dần mất đi các chức năng thần kinh do các bệnh ảnh hưởng tới não bộ. Chứng bệnh này sẽ phát triển theo 3 giai đoạn tệ dần.

Các thuốc điều trị nhiễm độc thai nghén

Các thuốc điều trị nhiễm độc thai nghén

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Nhiễm độc thai nghén có thể xuất hiện vào 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Nếu không được điều trị, nhiễm độc thai nghén có thể dẫn tới sảy thai, sinh non, sản giật. Những đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm độc thai nghén thường nhẹ cân, chậm phát triển so với tuổi thai và suy thai.

Thuốc điều trị bệnh lậu

Thuốc điều trị bệnh lậu

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Bệnh lậu có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng lậu kháng thuốc ngày càng tăng. Do đó cần điều trị theo kháng sinh đồ. Sau khi hết đợt điều trị mà vẫn còn triệu chứng, bệnh nên đến gặp bác sĩ.

Top