Hà Nội
23°C / 22-25°C

Tăng cước 3G, nhà mạng nói gì về chất lượng?

Thứ tư, 09:29 16/10/2013 | Sản phẩm - Dịch vụ

Nhiều người dùng đã ngay lập tức hủy dịch vụ 3G trước 0g hôm nay, 16/10, khi ba nhà mạng: Mobifone, Vinaphone và Viettel chính thức tăng các gói cước 3G 20%, trong đó có những gói tăng 40%.

Sáng hôm qua, khi nghe nhà mạng chuẩn bị tăng cước, ông N.V.N (quận 7, TP.HCM) đã lập tức nhắn tin cho nhà mạng để huỷ các gói cước 3G vì cho rằng số tiền bỏ ra không tương xứng với chất lượng. Nhiều khách hàng “hăm doạ”: nếu tăng giá mà chất lượng không cải thiện, tháng sau (tháng 11) sẽ cắt gói 3G vì hiện nay, ở cơ quan hay ở nhà, quán xá đều đã sẵn wifi…

Chất lượng kém, sao lại tăng giá?

Ông Đoàn Thiện Ngôn (Tiền Giang), cho biết, sóng 3G Vinaphone ở khu vực rất yếu, download tốc độ tối đa cũng chỉ nằm trong khoảng từ 1 - 2Mbps, nhưng quan trọng là “thường xuyên rớt mạng, vào ban đêm còn chấp nhận được, ban ngày rất yếu, đã gọi nhà mạng nhiều lần nhưng chưa được cải thiện”.

Ông Nguyễn Vĩnh Hùng (Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: sóng 3G Viettel ở đây “luôn luôn đầy” nhưng không hiểu tại sao không vào được mạng dù chiếc smartphone của ông là máy mới. “Phải thoát ra rồi vào lại mấy lần mới kết nối được. Tôi đã đem máy đến trung tâm bảo hành kiểm tra nhưng nhân viên ở đây cho biết máy vẫn bình thường. Lẽ nào là sóng ảo?”, ông Hùng kể thêm. Bà Nguyễn Hà Minh (Gò Vấp, TP.HCM) cũng thường xuyên than vãn về chất lượng sóng Mobifone khu vực phường 17. “Không phải là trung tâm nhưng Gò Vấp không phải là vùng sâu, vùng xa. Vậy mà sóng ở đây rất chập chờn. Nhiều lúc chạy rất ngon lành nhưng nhiều lúc rất bực mình, không dùng được thứ gì”, giọng bà Minh bực bội.

Tăng cước 3G, nhà mạng nói gì về chất lượng? 1
Bộ Thông tin và truyền thông là “bệ đỡ” cho quyết định tăng cước của các doanh nghiệp.

Câu chuyện về chất lượng sóng di động của các nhà mạng không phải là chuyện mới mà là vấn đề “thường trực” của người dùng di động, nhất là từ khi có mạng 3G những bực tức về chất lượng sóng ngày càng tăng. Trong hai năm trở lại đây, khi các ứng dụng OTT có liên quan đến thoại và nhắn tin, như: Facebook, Viber, Tango, Whatsapp, Zalo… phát triển, chất lượng sóng 3G ở nhiều khu vực đông dân: trường học, chung cư, công sở… ngày càng chập chờn hơn vì dung lượng băng thông không đủ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Nhà mạng nói gì?

Ông Đinh Việt Hưng, trưởng phòng giá cả và tiếp thị của Mobifone, xác nhận: “Vì đặc thù công nghệ mà mạng di động có tình trạng nghẽn mạng đột ngột khi khu vực trạm BTS có lượng thuê bao tăng bất thường. Về lý thuyết, khi thiết kế trạm BTS, nhà mạng có tính toán công suất tối ưu nhất để đầu tư thiết bị phù hợp nhưng nếu có hiện tượng họp hành, hội nghị đột xuất, chắc chắn trạm BTS đó sẽ nghẽn mạch. Đây là nhược điểm của mạng di động so với mạng cố định”.

Bà Nguyễn Hà Thành, trưởng ban truyền thông tập đoàn Viettel, chia sẻ thêm: “Nhà mạng có kế hoạch phát triển hạ tầng mạng nhưng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng..., nhà mạng gặp nhiều khó khăn vì các nhà cao tầng tạo ra các vùng lõm sóng”.

Ba nhà mạng có tăng cước 3G lần này đều khẳng định: chất lượng, từ khi lập mạng di động nói chung, mạng 3G nói riêng, là yếu tố được quan tâm hàng đầu. “Nếu chúng tôi chỉ chăm chăm vào việc tăng giá mà không ổn định và nâng cấp chất lượng, khách hàng sẽ rời mạng. Vậy thì tăng giá để làm gì?”, ông Nguyễn Sơn Hải, phó phòng kinh doanh của Vinaphone, nói.

Còn theo lời bà Hà Thành, “nói thì ai nói cũng được, vấn đề là người dùng hài lòng với chất lượng của từng nhà mạng. Giai đoạn vừa qua được xem là giai đoạn khuyến mãi để người dùng làm quen với mạng 3G nên chất lượng chưa như mong đợi. Còn bây giờ trở về sau, khi giá đã được điều chỉnh phải quan tâm đến chất lượng”. Theo bà Hà Thành, sở dĩ có việc tăng cước lần này là một phần bù vào giá thành dịch vụ, mặt khác cũng là yếu tố để nhà mạng có thêm vốn tái đầu tư vào mạng 3G.

Bàn về chất lượng mạng 3G, ông Đinh Việt Hưng nói: “Nếu lấy mức tăng cao nhất lần này là 20.000 đồng/tháng cũng chỉ đáp ứng 70% giá thành cho gói MIU. Khách hàng cần hiểu cho nhà mạng khi họ phải cân bằng hai giá trị: đủ sức duy trì hoạt động và đảm bảo quyền lợi về chất lượng cho khách hàng. Tôi không so sánh với giá cước các nước trong khu vực vì họ có thu nhập cao hơn ta nhưng về chất lượng và độ phủ sóng, theo tôi biết các nhà mạng phải liên tục đầu tư hạ tầng và tối ưu hệ thống”. Cũng theo ông Hưng, thiết bị đầu cuối ngày càng cao cấp, các ứng dụng OTT ngày càng phát triển, đó là thách thức “đau đầu” cho các nhà mạng trong việc kinh doanh mạng 3G hiện nay.

Chưa có tiêu chuẩn, lấy gì đảm bảo chất lượng?

Tháng 4/2013, kết quả lần đo kiểm chất lượng gần nhất do cục Viễn thông (bộ Thông tin và truyền thông) thực hiện cho thấy, so với những con số cam kết của các nhà mạng, các kết quả hiển thị của các nhà mạng 3G đã đạt yêu cầu. Ông Nguyễn Phong Nhã, phó cục trưởng cục Viễn thông, cho biết: tốc độ tải trung bình thực tế của các nhà mạng đạt 1,8Mbps, tỷ lệ thành công cuộc gọi đạt trên 99%. “Từ kết quả trên cho thấy các nhà mạng đã làm tốt hơn rất nhiều so với cam kết ban đầu là tốc độ tải tối thiểu khu vực nông thôn là 284Kbps, còn ở thành thị là 384Kbps”, ông Nhã nói. Thế nhưng theo các chuyên gia viễn thông, kết quả trên chỉ là phương pháp thực hiện qua các công cụ đo kiểm thực tế, chưa phải là những dữ liệu dựa trên những quy chuẩn về chất lượng.

Nhưng hiện nay Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn (hoặc quy chuẩn) về chất lượng truyền dẫn dữ liệu trên mạng 3G. Theo các chuyên gia của viện Khoa học kỹ thuật bưu điện, các nhà mạng di động 3G tự đưa ra các quy định riêng về chỉ tiêu chất lượng truyền tải dịch vụ, do đó không có sự thống nhất giữa các nhà cung cấp dịch vụ về các chỉ tiêu này. Điều đó sẽ gây khó khăn trong việc đánh giá chất lượng truyền tải dịch vụ. Do đó, nhiều sự cố và khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ cũng như công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Được biết, hiện các chuyên gia của viện Khoa học kỹ thuật bưu điện đã soạn thảo dự thảo quy chuẩn về chất lượng truyền tải dịch vụ trên mạng di động băng rộng 3G. Tuy nhiên, do việc đề xuất các chỉ tiêu đánh giá và phương pháp đo còn nhiều vướng mắc nên quy chuẩn này chưa được ban hành. Điều đó có nghĩa, khi chưa có quy chuẩn để đối chiếu chất lượng thực tế, khách hàng sẽ còn là người thua vì thiếu cơ sở khoa học khiếu nại, lúc này chỉ còn dựa vào độ trung thực của nhà mạng trong việc giữ chân khách hàng của mình.
 

Ý kiến khách hàng: 3G như... rùa bò

- Tôi ở Tiền Giang, thú thật là sóng 3G Vinaphone ở đây rất yếu, download tốc độ tối đa cũng chỉ nằm trong khoảng từ 1 – 2Mbps, rớt mạng thường xuyên. Vào ban đêm thì tạm chấp nhận được.(Đoàn Thiện Ngôn, thienngon...@gmail.com)

- Tôi đang sống tại Mộ Đức, Quảng Ngãi và vừa mua ez-com 3G Vinaphone. Đáng chán là sóng ở đây yếu quá chỉ toàn mạng 2G. Có lẽ do ở xa trạm phát sóng Vinaphone? (Trần Văn Việt, taysungcukhoi...@yahoo.com)

- Tôi ở trung tâm thành phố Huế mà 3G của Vinaphone còn như rùa bò nói gì các nơi khác! (Lê Ân, hoaian...@yahoo.com)

- Sinh sống ở TP.HCM, tôi mới mua sim 3G Vinaphone loại vừa nghe gọi được cho máy tính bảng Samsung Tab 2, 230k khuyến mãi hàng tháng 1GB data, khi sử dụng thấy chậm vô cùng nhiều khi đứng luôn không truy cập internet được! Chưa thấy Vinaphone khắc phục thì đã nghe sắp tăng giá rồi! (Lương Bằng, luongbang...@gmail.com)

- Ở Bình Dương tôi dùng 3G của Viettel cũng vậy. Lúc mới cắm 3G vào thì tốc độ up và load tăng rất nhanh nhưng sau một phút thì cả hai cái này về 0 hết, tôi cảm thấy rất bực mình. Hy vọng nhà mạng sớm có thay đổi để người sử dụng không phải vừa mất tiền lại còn mang bực bội trong người. (Quốc Chung, chung...@yahoo.com)

 
Theo Gia Vinh
hoahue
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
ABBANK ghi nhận tăng trưởng số lượng giao dịch trên kênh ngân hàng số trong quý I/2024

ABBANK ghi nhận tăng trưởng số lượng giao dịch trên kênh ngân hàng số trong quý I/2024

Sản phẩm - Dịch vụ - 2 giờ trước

Kết thúc quý I năm 2024, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) ghi nhận tăng mạnh số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số, tổng huy động và dư nợ cũng đạt tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng tích cực triển khai các chương trình gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn giúp khách hàng doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh.

Cứ ngỡ giá đất đang lên mạnh, chủ đất liên tục “dừng bán” và cái kết

Cứ ngỡ giá đất đang lên mạnh, chủ đất liên tục “dừng bán” và cái kết

Bảo vệ người tiêu dùng - 5 giờ trước

Khá nhiều chủ nhà đất tại Tp.HCM “quay xe” không bán vì cho rằng, giá nhà đất đang trên đà tăng.

Kiếm tiền tỷ từ ý tưởng đưa cả cánh rừng… vào chậu kính

Kiếm tiền tỷ từ ý tưởng đưa cả cánh rừng… vào chậu kính

Xu hướng - 9 giờ trước

Từ ý tưởng thu nhỏ không gian chơi cây cảnh, những cánh rừng nguyên sinh vào chậu thủy tinh (terrarium) mini, Lưu Viết Chung (SN 2000, chủ cơ sở Chung RainForest, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Dừa tươi, thanh long nghịch vụ tăng giá mạnh

Dừa tươi, thanh long nghịch vụ tăng giá mạnh

Sản phẩm - Dịch vụ - 9 giờ trước

Dừa tươi tại Bến Tre tăng giá gấp đôi chỉ sau 1 tháng nắng nóng. Trong khi đó, giá thanh long nghịch vụ cũng tăng mạnh giúp nông dân thu lợi nhuận tốt.

Nghỉ lễ dài ngày, người Hà Nội đi du lịch Hà Giang, Tuyên Quang, chi phí chỉ hơn 1 triệu đồng/người

Nghỉ lễ dài ngày, người Hà Nội đi du lịch Hà Giang, Tuyên Quang, chi phí chỉ hơn 1 triệu đồng/người

Xu hướng - 13 giờ trước

GĐXH - Thay vì đến những điểm du lịch biển nổi tiếng trong kỳ nghỉ lễ, nhiều người dân đã tìm đến những điểm du lịch vùng Tây Bắc để trải nghiệm với giá chỉ hơn 1 tiệu đồng/người.

Giá vàng hôm nay 23/3: Giá vàng SJC phá đỉnh, lập mốc lịch sử, chọn thời điểm nào bán để không bao giờ lỗ?

Giá vàng hôm nay 23/3: Giá vàng SJC phá đỉnh, lập mốc lịch sử, chọn thời điểm nào bán để không bao giờ lỗ?

Sản phẩm - Dịch vụ - 13 giờ trước

GĐXH - Giá vàng trong nước vẫn chốt mức cao kỷ lục bất chấp giá vàng thế giới giảm nguyên tuần. Chênh lệch giữa kim loại quý trong nước và thế giới đang được nới rộng khá lớn.

Trong quý I/2024, thương mại điện tử tăng trưởng vượt xa kỳ vọng

Trong quý I/2024, thương mại điện tử tăng trưởng vượt xa kỳ vọng

Xu hướng - 16 giờ trước

GĐXH - Quý I/2024, tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok đã đạt 71.200 tỉ đồng, tăng trưởng 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người mua nhà đổi "khẩu vị" để hợp túi tiền

Người mua nhà đổi "khẩu vị" để hợp túi tiền

Xu hướng - 16 giờ trước

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, thị trường sẽ ghi nhận sự dịch chuyển của nguồn cầu tới những khu vực có giá hợp lý.

4 mẫu smartphone vừa ra mắt tại Việt Nam

4 mẫu smartphone vừa ra mắt tại Việt Nam

Xu hướng - 16 giờ trước

Các thiết bị thuộc phân khúc tầm trung, giá rẻ liên tục được giới thiệu tại thị trường Việt Nam, trong đó có Honor X8b, Oppo A60, Realme C65 và Xiaomi Redmi A3.

7 thực phẩm giúp thải độc, trẻ hóa da từ bên trong, giá chỉ 5 nghìn đồng

7 thực phẩm giúp thải độc, trẻ hóa da từ bên trong, giá chỉ 5 nghìn đồng

Sản phẩm - Dịch vụ - 16 giờ trước

GĐXH - Thêm chanh, nghệ, gừng, dưa chuột... vào chế độ ăn hàng ngày giúp đào thải độc tố, tăng tốc độ tái tạo tế bào, trẻ hóa da.

Top