Hà Nội
23°C / 22-25°C

Tâm lý thích sinh con trai của người Việt - Từ góc nhìn văn hóa

Thứ bảy, 13:48 12/12/2020 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - Tâm lý thích sinh con trai của người Việt thường được giải thích bằng những ảnh hưởng từ các tư tưởng Nho giáo. Bài viết cho rằng không chỉ đơn thuần có Nho giáo mà còn có nhiều yếu tố khác từ văn hóa bản địa ảnh hưởng đến tâm lý thích sinh con trai của người Việt.

Tâm lý thích sinh con trai của người Việt - Từ góc nhìn văn hóa - Ảnh 1.

Tư tưởng "trọng nam khinh nữ"

Việt Nam tuy có diện tích không lớn nhưng lại là một trong số 14 quốc gia có số dân đông nhất thế giới và đặc biệt cũng là một trong những quốc gia có tỉ số giới tính sơ sinh cao, 113/100, tức là cứ có 100 bé trai sẽ có 113 bé gái, trong khi chuẩn toàn cầu là 104-106/100. Các nhà nghiên cứu xã hội học đã cảnh báo tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam, phân tích nhiều hậu quả tiêu cực của tình trạng này, và hầu hết đều cho rằng nguyên nhân cơ bản nhất của tâm lý thích sinh con trai của người Việt chính là tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo, "một tư tưởng thâm căn cố đế mà các chính sách về giới tính của Liên hợp quốc chưa đưa ra được giải pháp nào". Nhìn từ góc nhìn văn hóa, tâm lý thích sinh con trai của người Việt không chỉ xuất phát từ những ảnh hưởng của Nho giáo. Thực chất đó chỉ là những lớp áo bên ngoài của một nền văn hóa nông nghiệp bản địa vốn rất trọng đàn bà nhưng cũng rất quý đàn ông.

Hầu như tất cả mọi người đều giải thích cho hiện tượng thích sinh con trai của người Việt bằng tư tưởng Nho giáo Nam tôn nữ ty (trọng nam khinh nữ). Nhưng trong tâm thức người Việt, khi Nho giáo khăng khăng "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (Một con trai là có, mười con gái là không) thì dân gian giễu cợt: "Ba đồng một mớ đàn ông/ Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha/ Ba trăm một mụ đàn bà/ Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi".

Như ta đã biết, Việt Nam có nền văn hóa bản địa gốc nông nghiệp, cho nên người Việt trọng nam nhưng không khinh nữ, mà ngược lại còn rất tôn trọng phụ nữ. Người làm nông nghiệp vốn gắn bó với mảnh đất nơi có đồng ruộng mà họ trồng trọt, có ngôi nhà mà họ sinh sống. Trên mảnh đất ấy, trong ngôi nhà ấy không - thể - thiếu sự chăm sóc của người phụ nữ. Quan trọng hơn nữa, đối với người làm nông, việc sinh sôi nảy nở của cây trồng, vật nuôi luôn là mối quan tâm hàng đầu, nên tâm lý xem trọng người có khả năng sinh đẻ là tâm lý hoàn toàn tự nhiên và đương nhiên.

Tinh thần trọng nữ của văn hóa Việt được thể hiện trong tín ngưỡng: với 75 vị nữ thần và đạo thờ Mẫu rất phổ biến; trong phong tục: Với nghi thức "Lạy Cha 3 lạy 1 quỳ/ Lạy Mẹ 4 lạy con đi lấy chồng"; trong ngôn ngữ hàng ngày: là "vợ chồng"chứ không phải là "chồng vợ", là từ "cái" với nghĩa "mẹ" được dùng để chỉ những sự vật lớn, quan trọng, chủ yếu như sông cái, đường cái, ngón tay cái…; trong quan hệ gia đình: "Nhất vợ nhì trời", "Lệnh ông không bằng cồng bà", Một lòng "thờ mẹ" nhưng chỉ "kính cha"; trong luật pháp: Luật Hồng Đức, Luật Gia Long với nhiều điều khoản đề cao giá trị của người phụ nữ (con gái được quyền thừa kế, hương khói cha mẹ, được quyền từ hôn, bỏ chồng, v.v…) Trong gia đình: người phụ nữ là "Tay hòm chìa khóa", là người giáo dục con cái: "Con dại cái mang", "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà"…

Vì trọng nam mà không khinh nữ nên với người Việt, "ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng". Ruộng và trâu, hai thứ tài sản lớn ấy của nhà nông cũng không thể sánh bằng một cô con gái. Con gái không những đỡ dần việc nhà, làm việc nông, mà đặc biệt sau này còn có thể thay mẹ trông nom, chăm sóc các em. Người Việt truyền thống luôn thích "Con đàn cháu đống", nên cảnh chị chăm em đã rất quen thuộc trong đời sống người Việt. Nhiều chị gái hy sinh cả thời son trẻ, không lập gia đình để lo cho các em cũng là một hiện tượng tương đối phổ biến trong xã hội xưa. Vì đánh giá cao tầm quan trọng của con gái mà thời nay gia đình nào sinh được con gái trước, con trai sau mới được dân gian cho một điểm 10 tròn trĩnh.

Ông Leopold Cadiere, khi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam trong khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã nhận thấy rằng "Trường hợp đang trông chờ sinh một đứa con trai mà một bé gái lại chui đầu ra, thậm chí cả một bầy con gái liên tiếp, hết thảy chúng đều được vui mừng mến yêu đón nhận. Chúng chẳng bị vứt bỏ, loại trừ". Con gái còn được phân chia tài sản và nắm quyền hương hỏa trong những trường hợp đặc biệt.

Trong thời phong kiến, xét về mặt xã hội, người phụ nữ Việt Nam có thiệt thòi khi so với đàn ông, nhưng "chưa bao giờ bị giữ gìn chặt chẽ để người khác lạ khỏi ngắm nhìn như những phụ nữ Hồi giáo và Trung Quốc" (Samuel Baron), "nói chung người phụ nữ có vị trí thấp của trong gia đình và ngoài xã hội là vì họ phải lệ thuộc kinh tế vào người đàn ông, về pháp lý, phụ nữ không có tài sản riêng. Điều đó không đúng trong trường hợp ở Việt Nam…" (Insun Yu). Nhận xét của các học giả nước ngoài càng cho thấy tại Việt Nam, kể cả khi chế độ mẫu hệ không còn và chế độ phụ hệ đã lên ngôi thì tâm lý trọng nam khinh nữ cũng không phải là quá nặng nề. Vì vậy, sẽ không chính xác khi kết luận rằng người Việt thích sinh con trai vì chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ.

Phản đối áp lực sinh con trai của Nho giáo, người Việt bảo nhau: "Gái mà chi, trai mà chi/ Sinh ra có nghĩa có nghì là hơn", "Mẹ sinh con trai làm chi/ Đầu gà má lợn đem đi cho người/ Mẹ sinh con gái chúng tôi/ Đầu gà má lợn mẹ ngồi mẹ ăn". Người Việt còn đề cao việc sinh con trai hơn cả việc đạt được học vị cao nhất của khoa bảng: "Nhất con trai, hai tiến sĩ" hay "Thứ nhất đẻ con trai, thứ hai đỗ ông nghè".

Tư tưởng "phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên"

Tâm lý thích sinh con trai của người Việt - Từ góc nhìn văn hóa - Ảnh 2.

Tranh minh họa

Không thể phủ nhận những ảnh hưởng của Nho giáo đến tâm lý thích sinh con trai của người Việt Nam sau hơn nghìn năm Bắc thuộc. Người con trai có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tiếp nối truyền thống gia đình và thờ cúng tổ tiên. "Hằng năm, nhà vua đích thân làm chủ lễ, không nhường quyền đó cho một ai, cũng như ông tiên chỉ trước ban thờ thành hoàng làng hay người tộc trưởng, người con cả trước bàn thờ dòng họ hay gia đình". Một sắc lệnh được ban hành năm 1511 đã quy định "Trách nhiệm thờ cúng tổ tiên được giao cho đích tử. Nếu đích tử chết, sẽ lấy đích tôn. Trong trường hợp không có đích tôn, sẽ dùng con thứ…" (Tư pháp ở An Nam xưa).

Điểm tương đồng giữa văn hóa bản địa với văn hóa ngoại lai ở đây là: Người Việt cũng rất coi trọng việc gìn giữ và phát huy truyền thống gia đình. Nhưng với người Việt, dòng họ, gia tộc còn được coi trọng hơn cả gia đình vì người làm lúa nước nếu không hợp sức, không đồng lòng thì không thể đào mương dẫn nước, đắp đê chống lũ, gieo gặt đúng thời vụ…, hoàn toàn khác với đặc điểm của nghề trồng lúa khô. Sức mạnh văn hóa làng xã Việt Nam đã được tạo nên bởi nhiều làng quê được xây dựng theo quan hệ huyết thống, cả làng cùng một họ (Đặng Xá, Ngô Xá, Đỗ Xá, Trần Xá...) Những người trong cùng một dòng họ sẽ là chỗ dựa tốt nhất cho nhau về vật chất lẫn tinh thần "Xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì", "Một người làm quan cả họ được nhờ"... Dòng họ càng lớn mạnh thì chỗ dựa càng vững chắc. Cho nên, đảm bảo nguồn nhân lực cho gia đình bền vững, cho gia tộc trường tồn luôn là mong ước và là trách nhiệm của từng thành viên. Nhưng điểm dị biệt là: Không phải chỉ sinh con trai để duy trì sức mạnh dòng họ, người Việt luôn đề cao giá trị người phụ nữ: "Hiếm hoi con gái đầu lòng/ Làm dâu người khác chẳng trông cậy gì/ Cầu trời sinh được nam nhi/ Sau này nối dõi tông chi họ hàng/ Trời cười, Trời mắng: rõ ràng/ Nữ nhi không có sinh nam thế nào/ Sao không suy nghĩ thấp cao/ Nhà ngươi xưa ở nơi nào chui ra".

Gia đình của người Việt là một cộng đồng người gồm có những người đang sống, những người đã mất và những người sẽ được sinh ra; những người đã mất vẫn thường xuyên về với con cháu, cho nên, thờ cúng Tổ tiên là một tín ngưỡng phổ biến của người Việt, gọi là đạo Ông Bà. Theo số liệu điều tra Xã hội học Tôn giáo của Viện nghiên cứu tôn giáo (1995 – 1998), ở Hà Nội có 94,7%, Huế có 98,3% và TP HCM có 97,8% người thực hiện việc thờ cúng Tổ tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Việc cúng bái tổ tiên hoàn tòan là một hiện tượng xã hội". Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vốn đã có từ rất lâu đời trong văn hóa bản địa của người Việt, hoàn toàn trùng hợp với quan điểm "Đạo làm người phải thân thiết với những người thân thích. Thân thiết với người thân nên phải tôn trọng tổ tiên" của Nho giáo. Nhưng khác với những quy định khắt khe của Nho giáo, ở Việt Nam, tuy phần lớn đàn ông đảm trách các nghi lễ cúng tế, nhưng phụ nữ cũng có quyền thay nam giới và như nam giới khi đứng trước bàn thờ tổ tiên.

Tư duy âm dương của văn hóa nông nghiệp

Người làm nông gắn bó cả cuộc đời với cây trồng vật nuôi, với trời – đất, nắng – mưa, đêm – ngày, hạn hán – lũ lụt, với đực – cái, trống – mái… nên dần dà trong cách tư duy, cái gì cũng phải có cặp có đôi, có âm – có dương. Và nó đã phổ biến đến mức: "…người Việt Nam, từ tư duy đến cách sống, từ dấu vết cổ xưa đến những thói quen hiện đại, khắp nơi đều thấy bộc lộ dấu vết của tư duy âm dương".

Vì vậy, sẽ không khó hiểu khi người Việt vừa quý con gái hơn cả "ruộng sâu trâu nái" vừa sẵn sàng "Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại". "Con chồng" - dù là con của chồng với người phụ nữ khác nhưng đó là một đứa con trai, vừa nối dõi tông đường, vừa giúp cân bằng âm dương cho gia đình, dòng họ. Với người Việt, con cái trong gia đình, "có nếp có tẻ" mới được xem là trọn vẹn. Tâm lý chung của người Việt, ai cũng muốn vừa có con gái vừa có con trai. Nếu nói vì ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, người Việt Nam thích sinh con trai, không thích sinh con gái thì không chính xác. Vì so với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc... màu sắc Nho giáo trong văn hóa Việt Nam không thể đậm đặc bằng các quốc gia ấy. Việt Nam tuy không "Nho" bằng nhưng lại thích con trai hơn những quốc gia đó. Chúng tôi cho rằng tư duy âm dương trong tiềm thức của dân tộc Việt Nam giải thích hợp lý vấn đề này.

Việt Nam có nền văn hóa nông nghiệp trọng tĩnh, âm tính, mang nặng tính nữ. Vì vậy người Việt cảm thấy họ cần bổ sung dương tính, thậm chí cần phải có nhiều dương tính, để cân bằng âm dương, làm cho cuộc sống tốt hơn. Giữa đàn ông và đàn bà thì đàn ông mang tính dương nhiều hơn, bởi họ mạnh khỏe, năng động, hướng ngoại và ưa thích sự phát triển hơn.

Tâm lý quý trọng con giống, cây giống của người làm nông

Người làm nông không gìn giữ cái gì quý giá hơn gìn giữ hạt giống, cây giống, con giống. Bởi đó là cuộc sống của họ, tương lai của họ, thậm chí là sự sống còn của họ. "Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây". Hạt giống được người làm nông thờ cúng trang nghiêm qua các nghi lễ "bắc mạ", "xuống đồng" và các lễ thờ Thần lúa, "rước mạ", "rước lúa", "gọi vía lúa"… được tổ chức theo quy mô làng xã, quốc gia. Trong nhà, hạt giống luôn được người dân gìn giữ ở những nơi cao ráo, sạch sẽ nhất.

Vì hạt giống vô cùng quan trọng với cuộc sống làm nông nên câu "chửi" "tiệt nòi tiệt giống" là một lời nguyền rất độc địa. Trong tiếng Việt, để diễn tả một sự kiện quá khó tin, không thể nào xảy ra được, hoặc một việc gì đó quá tệ, quá xấu, người Việt (ở miền Tây Nam bộ) sẽ dùng thành ngữ "bán lúa giống".

Người Việt cũng có câu ca dao "Cháu cậu mà lấy cháu cô\ Thóc lúa trong bồ, giống má nhà ta", vừa cho thấy sự quý trọng hạt giống, vừa thể hiện một sự liên tưởng sâu xa về sự tương đồng giữa con người với cây cối, vạn vật trong tư duy của người Việt. Từ những tương đồng đó trong suy nghĩ, người Việt xem người đàn ông là một nguồn giống cho "bầy đàn" của mình. Người phụ nữ là đất, người đàn ông là hạt giống. Đất dù có phì nhiêu tươi tốt mà không có hạt giống gieo vào thì không có thêm sự sống mới, không có sự sinh sôi nảy nở. Vì vậy, có thể nói, không phải chỉ đơn thuần vì ảnh hưởng của Nho giáo mà người Việt quý đàn ông, thích con trai.

Chúng tôi vừa điểm qua các nguyên nhân từ bên ngoài và từ bên trong tác động trực tiếp đến tâm lý thích sinh con trai của người Việt. Trong các nguyên nhân như ảnh hưởng của "trọng nam khinh nữ", "có con trai để thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường" ngỡ là thuần Nho giáo nhưng thật ra lại phảng phất rất nhiều đặc tính của nền văn hóa bản địa. Người Việt (cũng như nhiều quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ…) đang rất "khát con trai", "khát" đến mức dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội, cho hàng triệu số phận phụ nữ không may mắn trong đường con cái. Nhưng nguyên nhân của vấn đề thì không nên đổ lỗi hoàn toàn cho Nho giáo, vì Nho giáo thật ra chỉ gọi tên và hệ thống hóa những điều đã có sẵn trong tâm thức của người Việt. Cần có thêm nhiều bằng chứng nữa để khẳng định các giả thuyết trên là đúng. Nhưng trước mắt cần phải có cái nhìn thoáng hơn về nguyên nhân của sự việc. Hiểu chính xác để có những giải pháp phù hợp cho việc cân bằng giới tính, một vấn đề nóng bỏng của xã hội Việt Nam ngày nay.

Võ Sông Hương

(NCS ngành Văn hóa học, Trường Đại học KHXH&NVTP HCM)

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Dân số và phát triển - 20 giờ trước

Việc vệ sinh vùng kín của nam giới hàng ngày là điều cần thiết. Nhưng vệ sinh vùng kín cho nam đúng cách thế nào không hẳn ai cũng biết.

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Nhiều người đàn ông sợ biến chứng quai bị hay phải điều trị ung thư đã gửi tinh trùng vào ngân hàng, để sau này vẫn có thể thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con.

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Các bệnh do nhiễm nấm Candida tuy gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng thường dễ điều trị và ít khi đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, tình trạng sẽ nghiêm trọng khi nấm Candida xâm nhập vào máu gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vòng tránh thai chui nhầm ổ bụng 2 người phụ nữ

Vòng tránh thai chui nhầm ổ bụng 2 người phụ nữ

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Các bác sĩ vừa xử trí cấp cứu 2 phụ nữ bị vòng tránh thai lạc chỗ trong ổ bụng.

Gặp ai cũng hỏi "sao mãi mà chưa có con", khi nhìn thấy tấm hình này mới thấu cảm giác bất lực của người mẹ

Gặp ai cũng hỏi "sao mãi mà chưa có con", khi nhìn thấy tấm hình này mới thấu cảm giác bất lực của người mẹ

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Có lẽ chỉ những người mẹ phải trải qua tình cảnh này mới có thể thấu hiểu được.

Mắc bệnh lậu nên ăn và nên tránh thực phẩm nào?

Mắc bệnh lậu nên ăn và nên tránh thực phẩm nào?

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Ăn thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch, thúc đẩy quá trình điều trị bệnh lậu.

Hoàn Kiếm (Hà Nội) phát động chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản

Hoàn Kiếm (Hà Nội) phát động chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

GĐXH – Đây là một hoạt động thường niên nằm trong chuỗi những hoạt động cung cấp kiến thức, các dịch vụ chất lượng cao về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam và nữ giới tại cộng đồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

5 dấu hiệu cảnh báo sớm rối loạn cương dương và cách cải thiện

5 dấu hiệu cảnh báo sớm rối loạn cương dương và cách cải thiện

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Rối loạn cương dương ảnh hưởng đến cuộc sống và mối quan hệ của cặp đôi. Nam giới có thể khắc phục được nếu không bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo sớm và giải quyết ngay ở giai đoạn đầu.

5 biện pháp tự nhiên giúp hỗ trợ cân bằng nội tiết tố nữ

5 biện pháp tự nhiên giúp hỗ trợ cân bằng nội tiết tố nữ

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Suy giảm nội tiết tố là mối bận tâm lớn của phụ nữ tuổi trung niên vì nó kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe. Thay vì cố tìm phương cách sử dụng các chất bổ sung để cân bằng nội tiết tố, trước tiên chị em nên điều chỉnh trong lối sống và chế độ ăn uống.

Bà mẹ 35 tuổi ở Hà Nội 'đẻ rớt' con 4kg ngay tại nhà gửi xe bệnh viện

Bà mẹ 35 tuổi ở Hà Nội 'đẻ rớt' con 4kg ngay tại nhà gửi xe bệnh viện

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

GĐXH - Thai phụ chuyển dạ và hạ sinh ngay tại nhà gửi xe bệnh viện, may mắn được các bác sĩ cấp cứu kịp thời. Em bé nặng 4kg, hồng hào, khỏe mạnh.

Top