Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nữ điều dưỡng, bác sĩ nơi vùng dịch nghẹn lời kể chuyện gia đình

Thứ ba, 12:47 22/06/2021 | Y tế

GiadinhNet - Người mẹ đơn thân từ Đà Nẵng đến chi viện “điểm nóng” Bắc Giang; nữ điều dưỡng gửi chồng tàn tật, con nhỏ ở nhà để đi chống dịch; bác sĩ trẻ theo chồng đến tâm dịch…Đó là những câu chuyện xúc động mà phóng viên Báo Gia đình & Xã hội ghi nhận tại những điểm nóng dịch COVID-19...

Nữ điều dưỡng, bác sĩ nơi vùng dịch nghẹn lời kể chuyện gia đình - Ảnh 1.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Chiền cùng đồng nghiệp truy vết, lấy mẫu xét nghiệm ở tâm dịch Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh: PV

Vì sứ mệnh của ngành y tế nên đành thất hứa với con

Ngày 5/5, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Ngay trong đêm, chị Nguyễn Thị Chiền - Điều dưỡng của Trạm Y tế xã Hoài Thượng được Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành điều động đi tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.

Phơi vội chậu quần áo vừa giặt, chị vào nhà chuẩn bị các vật dụng cá nhân cần thiết. Con trai Quốc Cường (4 tuổi) ôm chân mẹ khóc đòi "Mẹ ở nhà với con", còn con gái lớn Minh Ngọc (5 tuổi) thường ngày rất tự lập, biết giúp mẹ trông em nhưng hôm nay cũng lã chã nước mắt bảo "Sắp đến sinh nhật con rồi, mẹ còn đi".

Sau khi nhắc hai con chuyện ăn uống, học hành, chị dặn dò chồng tự biết chăm lo bản thân, các con sẽ gửi sang nhờ bà nội trông. Chồng chị Chiền sau lần bị điện giật đã mất một bên chân, teo một cánh tay và không còn khả năng lao động. Số tiền lương 4,7 triệu đồng và 300.000 đồng tiền trực hàng tháng của chị Chiền giờ đây phải chia nhỏ từng phần sao đủ chi tiêu cho 4 miệng ăn, trong khi 2 con đang tuổi đến trường. Căn nhà vợ chồng anh chị và các con đang ở cũng là mượn của một người thân trong họ.

Những ngày tiếp theo, chị Chiền bước vào guồng quay công việc, làm từ sáng đến khuya, mỗi ngày chỉ chợp mắt được vài giờ đồng hồ. Không chỉ làm những công việc chuyên môn, chị cùng các y bác sĩ ở vùng dịch còn làm đủ thứ việc, kể cả khuân vác đồ.

Có những ngày, nhóm của chị xuất phát từ sáng sớm vào các điểm dịch, đến chiều mới được ăn cơm, vừa ăn xong lại vội vàng mặc quần áo bảo hộ để tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm. Làm việc đến 2-3h sáng, thậm chí xuyên đêm, có lúc mệt không muốn ăn uống gì, mọi người chỉ uống sữa hoặc oresol bù nước.

Rồi có hôm mới bắt đầu ngồi vào bàn ăn, có báo động, chị lại đứng dậy đi làm ngay. Dọc đường, mọi người hỏi chuyện, chị cũng không nhớ mình đã ăn cơm hay chưa nữa. Mệt mỏi là vậy, căng thẳng là vậy, nhưng lúc nào chị cũng tự nhủ phải cố gắng. Bởi sau lưng còn cả gia đình chờ chị lo toan, gánh vác.

Nhiều đêm xong việc cũng đã sang ngày mới, chị muốn gọi điện về nhà nhưng đành bấm bụng vì giờ này các con ngủ rồi. Hôm trước Quốc Cường bị ốm, khóc đòi mẹ nhưng chị không biết phải làm thế nào. Khó khăn nhất với chị là trả lời câu hỏi: "Sao mẹ đi lâu thế?Bao giờ mẹ về?"…

Ngày 14/5 vừa qua là sinh nhật của Minh Ngọc. Trước dịch, chị Chiền đã hứa sẽ tặng cho con búp bê công chúa Elsa mà cô bé ước mơ mãi. Nhưng vì nhiệm vụ, vì sứ mệnh của ngành Y tế trong đại dịch, chị đành phải thất hứa với con.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Bắc Giang, suốt ngày "chạm mặt" với kim tiêm, đồ bảo hộ, quần quật với công việc, lúc nằm xuống chợp mắt, nỗi nhớ con lại càng da diết, người mẹ trẻ chỉ biết ngắm ảnh các con trên điện thoại rồi lại vội vàng gạt nỗi niềm riêng, lao vào công tác…

"Mẹ cứ yên tâm đi chống dịch, con ở nhà có thể tự chăm lo được"

Nữ điều dưỡng, bác sĩ nơi vùng dịch nghẹn lời kể chuyện gia đình - Ảnh 2.

Chị Hoài Thương lên đường chi viện Bắc Giang. Ảnh: PV

Là một trong 6 điều dưỡng nữ của Bệnh viện Đà Nẵng chi viện "điểm nóng" Bắc Giang lần này, chị Võ Thị Hoài Thương (37 tuổi, điều dưỡng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng) khiến nhiều người cảm phục khi nhất quyết xung phong đi chống dịch dù nhà chỉ có 2 mẹ con; chồng chị đã mất cách đây hơn 10 năm do bệnh hiểm nghèo. Điều dưỡng Hoài Thương chia sẻ, nhiều người có tâm lý lo ngại khi vào vùng dịch, nhưng chị lại nghĩ khác. "Khi đã đứng trong hàng ngũ y bác sĩ, tôi luôn xác định tâm lý phải đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, thậm chí là nguy hiểm. Tôi đã có kinh nghiệm chăm sóc các bệnh nhân nặng trong thời điểm Đà Nẵng có dịch. Nên lần này lên đường đến Bắc Giang, tôi mong góp sức chống dịch để mọi người có thể trở lại cuộc sống an yên", chị Thương tâm sự.

Mẹ cứ yên tâm lên đường hoàn thành nhiệm vụ. Con ở nhà có thể tự chăm

lo được.

Con gái chị Hoài Thương động viên mẹ lên đường

Con gái điều dưỡng Hoài Thương năm nay chuẩn bị lên lớp 10. Chị kể, vì hoàn cảnh một mẹ, một con nên con gái chị có tính tự lập từ nhỏ. Khi quyết định đi Bắc Giang hỗ trợ chống dịch COVID-19, chị cũng hỏi ý kiến con gái. Con rất hiểu chuyện và động viên mẹ: "Mẹ cứ yên tâm lên đường hoàn thành nhiệm vụ. Con ở nhà có thể tự chăm lo được. Con lớn rồi chứ bé nữa đâu!".

Sau khi đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng có mặt tại Bắc Giang, điều dưỡng Hoài Thương được phân công hỗ trợ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc ca bệnh nặng tại Bệnh viện Phổi. Chia sẻ về việc khi làm với ê-kíp khác, nữ điều dưỡng cười cho biết, thực tế chị đã có thời gian làm việc cùng đội ngũ y, bác sĩ Chợ Rẫy từ đợt dịch ở Đà Nẵng nên mọi người làm việc rất ăn ý. Theo nữ điều dưỡng Hoài Thương, "trận chiến" này có thể còn dài và còn nhiều thử thách. Và riêng với cá nhân, chị không có sự lo lắng vì đã được trang bị kiến thức chống nhiễm khuẩn, các phương tiện bảo hộ và đã làm đến thành thạo nên không lo ngại sẽ bị lây nhiễm cho bản thân.

Hỏi chị, những lúc bận rộn rồi khi hết ca, có khi nào yếu lòng nhớ nhà, nhớ con mà khóc, chị bộc bạch: "Đúng là khi vào trong phòng bệnh, mặc đồ bảo hộ kín, thời tiết nóng bức người mất sức nhiều, rất mệt. Những nghỉ ngơi 1-2 tiếng là lấy lại sức và lại có thể tiếp tục công việc. Tôi dành buổi tối tranh thủ nói chuyện với con gái, nhớ và thương con thiệt thòi nhưng tôi không dám khóc vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của con. Lúc nào gọi về cũng tỏ ra là người mẹ mạnh mẽ. Rồi hứa khi về sẽ mua quà bù đắp cho con".

Thương con nhỏ ở nhà khát sữa

Nữ điều dưỡng, bác sĩ nơi vùng dịch nghẹn lời kể chuyện gia đình - Ảnh 4.

Hình ảnh em bé (con gái chị Hạnh) khóc nức nở khi thấy mẹ trên tivi khiến nhiều người xúc động. Ảnh: PV

Đêm 19/5, khi đang bế con ru ngủ, chị Phùng Thị Hạnh (Bệnh viện Quân Y 103) nhận được lệnh của cấp trên báo sáng hôm sau lên đường về Bắc Giang chống dịch. Đêm ấy chị thức trắng, ôm con gái trong tay với tâm trạng rối bời.

Chiều hôm trước, mẹ của bác giúp việc bị tai nạn nên đã xin nghỉ. Do lịch quá gấp nên trước mắt, chị nhờ bà nội trông con. Điều chị lo lắng nhất là bé Kem đã 19 tháng tuổi nhưng vẫn chưa cai sữa mẹ. Thường ngày đi làm, buổi trưa chị vẫn tranh thủ về nhà cho con bú. Thứ cảm giác, yêu thương mà nghĩ đến thôi cũng đủ xua tan mọi mệt nhọc, âu lo trong chị.

Tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ để sớm

trở về với con…

Chị Hạnh (Bệnh viện Quân Y 103)

"Hồi cai sữa cho con, buổi tối bé Kem ngủ trong phòng với bố, mình ngủ phòng bên. Thế nhưng cứ nghe tiếng con khóc ngằn ngặt đòi sữa, mình lại thấy có lỗi. Bao lần quyết tâm, nào là uống thuốc tiêu sữa, nào là cho con bú sữa bình nhưng đều thất bại. Vậy là mình để theo tự nhiên, cứ để cho con bú thêm đến năm 2 tuổi, thậm chí 3 tuổi", nữ điều dưỡng 28 tuổi cười ngượng.

Ngày hôm sau, chị Hạnh dậy thật sớm, nhẹ nhàng đứng nhìn con từ xa, không dám thơm lên trán con nụ hôn tạm biệt vì sợ con thức giấc. 7h30, chị có mặt tại Bệnh viện Quân Y 103 nghe phổ biến các quy định, sau đó lên đường đến Trung đoàn 831 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang nhận nhiệm vụ. Ngay đêm đầu tiên xa con nhỏ, chị Hạnh bị tắc sữa, sốt li bì. Chị phải nhờ một số chị em trong đoàn hỗ trợ vắt sữa vào chai nhựa bỏ đi, sau đó uống thuốc hạ sốt lấy sức khỏe ngày hôm sau làm việc.

"Dù biết bé Kem ở nhà khát sữa mẹ lắm nhưng tôi không thể gửi sữa này về nhà vì công việc của tôi là trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân. Những ngày đầu, cái cảm giác nóng bức do mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít suốt nhiều giờ cùng với bầu ngực căng sữa khiến tôi nhiều lúc căng thẳng vô cùng. Mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, con lại òa lên, đòi bế. Nhớ con nhưng tôi đành phải tắt máy rồi quay mặt đi lau nước mắt. Ở vùng dịch, tôi chỉ có thể thật cẩn thận để tránh nguy cơ lây nhiễm. Bởi nếu không may mình bị lây nhiễm, thành F0 thì thời gian được trở về bên con sẽ còn lâu hơn nữa...", chị Hạnh tâm sự.

Trưa 29/5, em gái gửi cho chị Hạnh đoạn video ghi lại cảnh chị xuất hiện trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Lúc này đang ăn cơm, bé Kem thấy mẹ trên tivi đã khóc oà, đòi mẹ bế. Cả chồng chị và mọi người đều bất ngờ khi chị Hạnh đeo khẩu trang mà bé Kem vẫn nhận ra.

"Mỗi khi nhớ đến con, ngực tôi lại đau nhói, sữa tràn về, lòng cũng xót xa. Nhưng tôi cũng chỉ biết cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để sớm trở về…", chị Hạnh bật khóc.

Nữ bác sĩ xin cùng chồng đi chống dịch

Nữ điều dưỡng, bác sĩ nơi vùng dịch nghẹn lời kể chuyện gia đình - Ảnh 6.

Vợ chồng bác sĩ Mai Anh và Xuân Điệp tình nguyện tham gia chống dịch để tiện chăm sóc lẫn nhau. Ảnh: PV

Đó là câu chuyện về BS Đinh Hoàng Mai Anh (SN 1994, quê Bắc Ninh) theo chồng là BS Nguyễn Xuân Điệp (SN 1991, quê Quảng Ninh, cùng về công tác tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí).Tháng 1/2021, khi đám cưới vừa được tổ chức xong, vợ chồng bác sĩ trẻ Mai Anh - Xuân Điệp đã lên kế hoạch cho một kỳ trăng mật ngọt ngào để ghi dấu kỷ niệm "hai ta về chung một nhà". Kế hoạch đã có chỉ chờ ngày "xách va ly" lên đường, nhưng rồi lúc đó dịch bệnh bùng phát tại Đông Triều (Quảng Ninh) do liên quan đến điểm nóng Chí Linh (Hải Dương). Không ngần ngại, vợ chồng bác sĩ Điệp quyết định gác lại kỳ trăng mật, xung phong vào điểm nóng Đông Triều, thực hiện công tác truy vết lấy mẫu.

Dịch bệnh ở Hải Dương và Đông Triều tạm lắng, họ trở về Bệnh viện rồi bị cuốn vào công việc nên lên kế hoạch cho kỳ trăng mật muộn vào mùa hè. Ba tháng sau, ngày 15/5, vợ chồng BS Mai Anh lại cùng đoàn tình nguyện gồm 200 cán bộ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí có mặt tại điểm dịch huyện Việt Yên (Bắc Giang).

Tại đây, vợ chồng BS Mai Anh cùng các đồng nghiệp được chia làm 10 tổ công tác, đảm nhiệm công việc lấy hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm, truy vết tại các khu công nghiệp và cả trong cộng đồng. Mặc bộ đồ bảo hộ kín như bưng giữa trời nắng nóng đầu hè, cộng thêm áp lực công việc cao, thời gian làm việc dài đằng đẵng, BS Mai Anh bị mất nước, cơ thể mệt mỏi, rã rời. Một số đồng nghiệp khác bị suy nhược, tưởng như suýt ngất.

"Công việc chống dịch của y bác sĩ tuyến đầu rất vất vả nên vợ chồng mình chọn cùng đi để dễ giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Chứ người đi, người ở thì lòng không yên, lại càng lo lắng hơn. Hơn nữa, gia đình hai bên đều ủng hộ và thông cảm cho công việc của vợ chồng mình. Vợ chồng mình từng tham gia chống dịch ở Đông Triều và "trở về an toàn" nên tư tưởng của người thân cũng thông suốt. Điều đó làm mình càng vững tâm thực hiện nhiệm vụ hơn", BS Mai Anh chia sẻ.

Ngồi bên vợ, BS Xuân Điệp cho biết: "Nhiều lúc thấy vợ bỏ bộ đồ bảo hộ kín mít cùng lớp khẩu trang dày, người như vừa ngâm trong nước, da chân da tay nhăn nhúm, trắng bệch mà thương lắm. Giây phút đó mình bỗng căm ghét con "cô vít" đến tận cùng. May mà đơn vị tạo điều kiện cho vợ chồng mình làm việc và ở cùng nhau nên những lúc nghỉ ngơi ngắn ngủi, cả hai cũng có thời gian quan tâm, động viên nhau".

Vợ chồng bác sĩ Mai Anh cũng tâm sự, lãnh đạo Bệnh viện thường xuyên quan tâm, động viên, đặc biệt kế hoạch chuẩn bị sinh con. "Tuy nhiên, vợ chồng mình đặt mục tiêu chống dịch lên hàng đầu. Con cái thì có thể lùi một vài năm rồi sinh, chứ chống dịch không thể trì hoãn được. Nhiều lúc làm việc mệt lắm nhưng mọi người trong đoàn cũng chỉ nghỉ một chút rồi tiếp tục công việc. Dịch bệnh có cho mình thời gian chờ đợi đâu…", BS Xuân Điệp chia sẻ.

"Mẹ lại đi à? Bao giờ mẹ về?"

Nữ điều dưỡng, bác sĩ nơi vùng dịch nghẹn lời kể chuyện gia đình - Ảnh 7.

Chị Nguyễn Thị Hương trong ngày lên đường hỗ trợ Bắc Giang. ­Ảnh: PV

Mọi người trong Khoa Thận tiết niệu (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) thường gọi điều dưỡng Nguyễn Thị Hương là "người chẳng sợ cái gì bao giờ". Không có "chiến dịch" nào của Bệnh viện mà chị vắng mặt. Trước Tết Nguyên đán, chị nhận lệnh hỗ trợ chống dịch ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). 15 ngày chống dịch ở Đông Triều là 15 ngày ròng rã chị cùng đồng nghiệp đi bộ hàng chục cây số, gõ cửa từng nhà để lấy mẫu xét nghiệm. Sau đó, chị lại tiếp tục cùng đồng nghiệp chống dịch tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí với những ca trực liên miên.

Và lần này, chị là người đầu tiên xung phong khi Quảng Ninh kêu gọi 200 "chiến sĩ áo trắng" lao vào "chảo lửa" chống dịch COVID-19 ở Bắc Giang. "Sinh ra làm nghề y, chỉ cần dân gọi là mình lên đường thôi. Cảm giác nghề thấm vào máu của mình rồi!", chị Hương chia sẻ.

Ngày đầu tiên có mặt tại Bắc Giang, nhóm của chị thực hiện lấy 12.000 mẫu xét nghiệm, làm việc xuyên đêm tới 2h sáng. Những ngày tiếp theo, số lượng mẫu xét nghiệm càng tăng lên, chị cùng đồng nghiệp làm việc trong guồng quay không ngơi nghỉ. Nhưng thời tiết lại chẳng ủng hộ lòng người.Nắng như đổ lửa. Trùm kín trong bộ bảo hộ, mặt đeo khẩu trang, đầu đội mũ, mồ hôi túa ra như mưa. "Chúng tôi không dám uống nhiều nước vì sợ phải đi vệ sinh. Cả ngày không dám cởi đồ bảo hộ ra nghỉ vì vừa mất thời gian, vừa tốn kém. Một số người có chức năng thận kém phải đóng sẵn bỉm; vô cùng nóng bức và khó chịu", chị Hương nói.

Bởi vậy, trong hơn 20 giờ làm việc liên tục, chỉ khi họng khát khô, chị và đồng nghiệp mới dừng tay để uống ngụm nước nhỏ. Ngày ăn tranh thủ, mắt quầng thâm, người gầy rộc đi, nhưng đêm về, họ vẫn bảo nhau rằng: "Đây không phải là thời điểm được phép ngủ đủ giấc. Khi nào hết dịch sẽ xin nghỉ phép để ngủ bù, ngủ cho đẫy mắt".

Không được phép ốm, phải luôn khỏe để chống dịch là mệnh lệnh mà họ luôn tự đặt ra cho mình. "Giữa tâm dịch thế này, ăn uống, ngủ nghỉ, tất cả đều không quan trọng, chỉ cần tìm ra F và dập dịch càng sớm càng tốt", chị Hương nói.

Chồng làm nghề xây dựng thường xuyên về nhà muộn, chị Hương là người luôn sát sao từng bữa ăn, giấc ngủ của các con. Tháng trước, chồng chị bị ngã xe máy, thoát vị đĩa đệm, đau lưng dữ dội nên phải nằm viện điều trị 16 ngày. Sau đó, anh phải nghỉ ở nhà. Khi chị Hương nhận nhiệm vụ đi chống dịch, bé Huyền (con gái lớn của chị) ôm lấy mẹ hỏi: "Mẹ lại đi à? Bao giờ mẹ về?". Còn cậu con trai Đoàn Minh thì cứ níu mẹ, không muốn mẹ đi…

Đến tâm dịch, quay cuồng với công việc, kết thúc ngày làm việc lúc đồng hồ đã chỉ 2-3h sáng, chị Hương lại nhớ về gia đình nhỏ của mình."Biết là giờ đó các con và chồng ngủ rồi nhưng nhớ quá nên mình cứ nhắn tin. Nếu có tin nhắn lại là mình gọi điện qua Zalo để được nhìn thấy mặt con", chị kể.

Trong mỗi cuộc nói chuyện, chị lại nhận được hàng tá câu hỏi của cậu con trai nhỏ: "Mẹ có nhớ con không? Bao giờ mẹ về? Con đi cùng mẹ được không?...". Mỗi câu hỏi ngây thơ của con khiến tim chị thắt lại. Dù vậy, chị Hương vẫn lạc quan tin tưởng rằng dịch sẽ qua, mọi người đều đang vô cùng nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh. Cuối mỗi cuộc trò chuyện hằng đêm, các con đều động viên mẹ và chị không quên nhắn con rằng: "Dịch yên, mẹ sẽ về!".

Nhóm Phóng viên

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển bé 5 tuổi nguy kịch lên Bệnh viện Nhi đồng 1

Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển bé 5 tuổi nguy kịch lên Bệnh viện Nhi đồng 1

Y tế - 5 giờ trước

Thêm bệnh nhi rất nặng liên quan vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở tỉnh Đồng Nai được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Y tế - 6 giờ trước

Hôm nay, 4/5 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội Tạ Thành Văn đã công bố Nghị quyết của Hội đồng trường và trao Quyết định bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đối với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.

Cô gái 17 tuổi bị thủy đậu biến chứng nặng, suýt tử vong do điều trị sai cách

Cô gái 17 tuổi bị thủy đậu biến chứng nặng, suýt tử vong do điều trị sai cách

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH – Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng rất nặng, sốt cao 41 độ, mụn nước và nhiều mụn mủ toàn thân, loét miệng họng, ý thức chậm…

Tự đắp lá vào vết thương, nam bệnh nhân 17 tuổi suýt bị hoại tử cánh tay

Tự đắp lá vào vết thương, nam bệnh nhân 17 tuổi suýt bị hoại tử cánh tay

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Sau khi bị thương, người bệnh đã được người nhà nhai lá cây và tự ý đắp vào tổn thương theo kinh nghiệm dân gian khiến cho vết thương tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử gây nguy hiểm cho người bệnh.

Đau đầu kéo dài nhiều tuần, bé gái 9 tuổi được phát hiện bị u màng não

Đau đầu kéo dài nhiều tuần, bé gái 9 tuổi được phát hiện bị u màng não

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH – Khi thấy con có biểu hiện đau đầu kéo dài, tăng dần cả cường độ và tần suất trong thời gian dài, gia đình quyết định đưa con đi khám và phát hiện bệnh.

Thông tin mới nhất vụ 328 người bị ngộ độc nghi ăn bánh mì ở Đồng Nai: 2 bệnh nhi trở nặng, phải lọc máu

Thông tin mới nhất vụ 328 người bị ngộ độc nghi ăn bánh mì ở Đồng Nai: 2 bệnh nhi trở nặng, phải lọc máu

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Cả hai cháu nhập viện trong tình trạng bị suy hô hấp, sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa. Trong đó, 1 cháu có thời điểm bị ngưng tim, ngưng thở nhưng đã được các bác sĩ tiến hành hồi sức và tim cháu đã đập trở lại.

328 người nhập viện sau khi ăn bánh mì: 2 trẻ sốc nặng thở máy, mở thêm đơn vị cấp cứu

328 người nhập viện sau khi ăn bánh mì: 2 trẻ sốc nặng thở máy, mở thêm đơn vị cấp cứu

Y tế - 2 ngày trước

Theo UBND TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, tính đến chiều 2-5, đã có 328 người nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì tại tiệm Băng ở phường Xuân Bình

Uống nhầm vitamin D của người lớn, trẻ 6 tháng tuổi nhập viện cấp cứu

Uống nhầm vitamin D của người lớn, trẻ 6 tháng tuổi nhập viện cấp cứu

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Khi được bác sĩ thông báo trẻ bị ngộ độc vitamin D và đối chiếu với lọ thuốc trẻ uống, gia đình mới phát hiện ra sự nhầm lẫn.

Vừa ra khỏi nhà đi tập thể dục, người phụ nữ Hà Nội gặp tai nạn bất ngờ

Vừa ra khỏi nhà đi tập thể dục, người phụ nữ Hà Nội gặp tai nạn bất ngờ

Y tế - 3 ngày trước

Vừa ra khỏi nhà được 3 phút, đang đi bộ trên đường, chị T. (42 tuổi) bất ngờ bị xe máy chở gà đi cùng chiều đâm phải. Cú đâm khiến chị bị chấn thương ngực kín, tổn thương gan độ 3…

Suýt liệt vĩnh viễn do sử dụng phương pháp dân gian trị đau cột sống

Suýt liệt vĩnh viễn do sử dụng phương pháp dân gian trị đau cột sống

Y tế - 6 ngày trước

Bệnh nhân nữ 53 tuổi, thường trú tại Ba Đồn, Quảng Bình vào viện trong tình trạng yếu nặng 2 chân, nằm liệt giường, tiểu không tự chủ, loét bỏng 2 gan bàn chân.

Top