Hà Nội
23°C / 22-25°C

Những áp lực không sách vở nào dạy ở nơi điều trị nhiều ca COVID-19 nguy kịch nhất miền Bắc

Thứ sáu, 12:19 14/01/2022 | Y tế

Luôn có khoảng 500 F0 tầng 3 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong đó 40% là bệnh nhân nặng, nguy kịch. Áp lực đè nén áp lực...

Trong tháng 11, 12, lượng bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc tăng rất nhanh. Dù hơn 90% F0 được điều trị tại nhà và các cơ sở tầng 1, nhưng áp lực bệnh nhân tăng nhanh cũng khiến số ca phải chuyển điều trị lên tầng 2-3 tăng theo.

2 năm điều trị bệnh nhân COVID-19 từ chỗ thực hiện "bệnh viện đa tầng" – nghĩa là tiếp nhận cả bệnh nhân nhẹ và diễn biến nặng, đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) đã chuyển đổi hoàn toàn công năng thành Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô 500 giường ICU. Đây là cơ sở điều trị nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch nhất miền Bắc từ trước tới nay. Áp lực càng lớn hơn nhiều.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với BSCK 2 Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về những áp lực mà gần 1.000 nhân viên y tế tại đây đã và đang trải qua.

Nhân viên y tế làm việc gấp ba

Tình hình tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện hiện ra sao thưa ông?

- Sau hơn 1 tháng vừa điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 3, vừa sửa chữa cuốn chiếu, chúng tôi đã hoàn toàn chuyển đổi công năng 100% giường thành giường bệnh ICU. Hiện mỗi ngày 500 giường này đều kín chỗ. Trong tình huống bệnh nhân quá nặng tăng nhanh, chúng tôi sẽ tận dụng mọi vị trí, điều kiện, để "cơi nới" lên thành 600 giường ICU.

Trong 500 F0 đang điều trị ở bệnh viện, có hơn 120 ca được chuyển đến từ các cơ sở y tế tại Hà Nội (gồm bệnh viện Trung ương và của Hà Nội). Có gần 200 ca phải hỗ trợ hỗ trợ hô hấp từ mức phải thở oxy dòng cao cao (HFNC) đến thở máy và tim phổi nhân tạo (ECMO), chiếm gần 50% tổng số bệnh nhân, tăng gấp đôi so với cách đây 1 tháng.

Đơn cử như Khoa Cấp cứu, hiện có gần 80 F0 ở mức độ nặng, phải hỗ trợ từ thở oxy đến thở máy, lọc máu... hàng ngày phải tiếp nhận thêm 10-20 bệnh nhân suy hô hấp từ các nơi chuyển đến. Phần lớn bệnh nhân diễn biến nặng tại khoa này đều lớn tuổi, có những bệnh nhân hơn 100 tuổi, chưa hoặc mới tiêm một mũi vaccine COVID-19. Lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch gia tăng tạo áp lực rất lớn với nhân viên của viện không chỉ về chuyên môn.

Những áp lực không sách vở nào dạy ở nơi điều trị nhiều F0 nguy kịch nhất miền Bắc - Ảnh 1.

BSCK 2 Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Chí Cường

Nhân lực của bệnh viện liệu có đáp ứng đủ về sự gia tăng và áp lực này?

- Chúng tôi có 570 nhân viên y tế "cơ hữu" của bệnh viện, thường xuyên chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Tất cả họ đều có kinh nghiệm 2 năm điều trị COVID-19 từ nhẹ đến nguy kịch.

Khi chuyển đổi công năng thành Trung tâm ICU 500 giường, việc chuẩn bị nhân lực rất quan trọng. Thông thường, để đào tạo một bác sĩ thường sang làm công việc của một bác sĩ hồi sức cấp cứu, có khả năng điều trị bệnh nhân cần thở máy, phải mất khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, trong suốt 2 năm qua, việc luân chuyển các bác sĩ khoa, phòng khác của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương qua 2 khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực thực hiện khá nhiều, mỗi người sẽ thực hành từ 2-3 tháng nên mọi người cũng đã có kỹ năng khá ổn.

Hơn nữa, không phải họ làm việc độc lập để thay thế cho bác sĩ hồi sức/cấp cứu mà họ làm trong một kíp có sự giám sát của bác sĩ hồi sức.

Ngoài ra, có một lượng học viên sau đại học của Đại học Y Hà Nội thực tập tại bệnh viện, các bác sĩ nội trú, các đơn vị/tỉnh khác cử học viên về học chuyên môn/kỹ thuật. Bên cạnh đó, một nhóm tình nguyện viên có chuyên môn y khoa cũng đang hỗ trợ chúng tôi. Tổng cộng, chúng tôi có khoảng 700 nhân viên y tế và tình nguyện viên thường xuyên có mặt để chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Về lý thuyết, một bệnh nhân bình thường nếu thở máy cần ít nhất 1 điều dưỡng chăm sóc, 1 ca ECMO thì cần tới 3-5 người hỗ trợ. Một bác sĩ nếu chỉ phụ trách 2-3 ca ECMO là đã quay cuồng hết nguyên ca trực. Để đáp ứng lượng lớn bệnh nhân nặng, nguy kịch, với chừng đó nhân lực, cán bộ y tế của chúng tôi thường xuyên phải làm việc gấp đôi, thậm chí gấp 3 công suất.

Chúng tôi cũng phân chia nhân lực thành "3 ca 4 kíp" như rất nhiều cơ sở ICU khác. Nhưng thực tế, dù vừa rời ca trực, nếu ca khác cần hỗ trợ can thiệp cho bệnh nhân thì thầy thuốc đó không thể "làm ngơ", lại mặc một bộ bảo hộ vào bệnh phòng.

Do đó, nhân viên hoàn toàn không có khái niệm ngày đêm, thời gian ngày tháng, ngày nghỉ hay lễ Tết. Những ngày Tết dương lịch vừa qua, khi vẫn có 500 F0 tầng 3 đang điều trị, 700 thầy thuốc, tình nguyện viên vẫn miệt mài làm việc, không được bên cạnh gia đình, con cái. Cán bộ y tế cũng làm việc liên tục các ngày trong tuần, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình giờ lao động mỗi tuần theo quy định.

nhietdoi3.jpg

Cường độ làm việc trong ca trực điều trị COVID-19 cao hơn rất nhiều so với các bệnh lý thông thường. Ảnh chụp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ngày 7/1. Ảnh: Đức Duy

Không chỉ thế, cường độ làm việc trong ca trực điều trị COVID-19 cũng cao hơn rất nhiều so với các bệnh lý thông thường.

Trong 500 F0 đang điều trị, có khoảng 300 bệnh nhân có nhiều bệnh lý nặng nhưng chưa cần hỗ trợ hô hấp nên vẫn tự túc sinh hoạt được. Nhưng khi họ là F0, họ không được rời bệnh phòng. Do đó, từ bỉm sữa, chăm sóc ăn uống, đến đổ rác, nhận "ship" đồ do người nhà gửi hay tiếp xúc an ủi, động viên bệnh nhân … cũng một tay nhân viên y tế phục vụ. Nghĩa là nhân viên y tế sẽ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ ngoài chuyên môn, chưa kể những áp lực, stress từ đó.

Những áp lực không có trong sách vở, thầy thuốc thành... shipper, bảo mẫu

Những áp lực ngoài chuyên môn như ông nói, cụ thể là gì? Giữa việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch với bệnh nhân mới mức độ tiên lượng nặng, áp lực đó có khác nhau không?

- Có những bệnh nhân theo quan điểm "thuận tự nhiên", nên dù bác sĩ chỉ định thuốc nhưng họ không uống, không tiêm, nhân viên y tế mất rất nhiều thời gian để giải thích. Có những bệnh nhân lại phải dỗ dành, động viên, thuyết phục bằng mọi biện pháp để họ phối hợp.

Với bệnh nhân rất nặng, phải can thiệp từ HFNC trở lên thì nhân viên y tế sẽ có gánh nặng khi phải chăm sóc toàn diện, đòi hỏi sự theo dõi sát sao, liên tục, không chỉ bằng camera, bằng thiết bị máy móc theo dõi mà cả những nét mặt, cử động… của bệnh nhân để kịp thời can thiệp ngay do họ diễn biến rất nhanh, nhất là những trường hợp chưa tiêm vaccine, có bệnh nền, cao tuổi.

nhietdoi .jpg

Không chỉ chịu áp lực chuyên môn, an toàn bảo hộ, cán bộ y tế còn chịu những áp lực khác... Ảnh: Đức Duy

Với nhóm bệnh nhân có tiên lượng nặng, vẫn tự túc sinh hoạt được thì áp lực lại khác. Đây là nhóm bệnh nhân mắc bệnh lý nền, đang có thai, vừa trải qua phẫu thuật… Không ít người bị lo lắng thái quá, cho rằng mình cần được ưu tiên quan tâm nên đòi hỏi mức độ chăm sóc cao hơn rất nhiều. 

Đơn giản như có người đã tiêm 2 mũi rồi thì không muốn cùng phòng với người mới tiêm 1 mũi; người đã tiêm 1 mũi hay chưa tiêm cũng muốn phòng riêng để… an toàn.

Lại có những bệnh nhân lại đòi hỏi chế độ ăn đặc biệt, hàng ngày người nhà phải nấu đồ nóng ấm gửi vào và nhân viên y tế lại là người đi chạy đi chạy lại, "ship đồ" tận nơi.

Thêm vào đó, bản thân COVID-19 và một số thuốc điều trị bệnh này gây tình trạng loạn thần. Vì thế nên mới có chuyện có bệnh nhân suy hô hấp rõ ràng nhưng vẫn thu gom quần áo, tìm cách chui vào một góc kín để ngồi. Lại có bệnh nhân nằng nặc cho rằng mất tiền, mất cả… kim cương. Trong khi con trai của bệnh nhân khẳng định bà không có tiền, nhưng bệnh nhân vẫn khăng khăng bị mất cắp. Vậy nên nhân viên y tế vẫn phải động viên, giải thích. Đến khi hết loạn thần, bệnh nhân mới thừa nhận là… không có tiền để mất.

Tình trạng loạn thần của bệnh nhân COVID-19 cũng gây ảnh hưởng nhiều tới các bệnh nhân "tỉnh táo" còn lại trong phòng, họ đòi chuyển phòng, đòi được chế độ riêng…

Cũng vì đặc thù của bệnh, người nhà không được vào thăm và chăm bệnh nhân COVID-19 nên gia đình rất sốt ruột. Dù hàng ngày, Bệnh viện giao nhân viên y tế gửi tin nhắn thông báo tình trạng bệnh nhân cho gia đình nhưng không phải thành viên trong gia đình nào cũng được chia sẻ tin nhắn đó.

Liên tục các cuộc gọi từ thành viên gia đình… đổ về điện thoại bác sĩ. Trong khi đó, không phải lúc nào bác sĩ nhận điện thoại về ca bệnh nào đó cũng đang trong ca trực hay buồng bệnh. Vì thế khi có điện thoại của gia đình bệnh nhân, thầy thuốc lại đi tìm bệnh án, cập nhật thông tin… Những việc ngoài chuyên môn như thế làm tiêu hao rất nhiều sức lực và thời gian của chúng tôi.

Mối lo này đè nén áp lực khác

Một nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam mới công bố giữa tháng 12/2021 cho thấy khoảng 40% thầy thuốc trong diện khảo sát nói họ bị suy giảm về sức khỏe thể chất, 70% bị lo lắng và trầm cảm. Ở viện ông, nơi đã 2 năm đằng đẵng điều trị COVID-19, tình trạng này ra sao?

- Chúng tôi không khác với kết quả nghiên cứu này là bao, vấn đề là gặp stress ở mức độ nào, kéo dài dai dẳng trong bao lâu.

Tôi nghĩ có nhiều yếu tố gây nên tình trạng này. Thứ 1 là sự đảo lộn thời gian sinh hoạt kéo theo rối loạn giấc ngủ và lo âu; Thứ 2 là việc thời gian cách xa gia đình quá lâu, không gặp con cái và người thân gây bất tiện sinh hoạt gia đình; Thứ 3 là cường độ lao động quá căng thẳng chưa kể áp lực liên tục phải giữ an toàn cho bản thân trong suốt ca trực…

Stress ở nhân viên y tế vì thế càng nặng nề hơn, kết hợp với việc điều trị lượng lớn bệnh nhân nặng, chưa kể mỗi ngày nếu có thêm 4-5 ca tử vong thì thầy thuốc thật sự bải hoải tinh thần.

Dù nhiều stress, áp lực, nhưng lại không được ra khỏi bệnh viện; không được tụ tập đông người, vì thế, thầy thuốc chỉ còn cách duy nhất để "xả bớt stress" là… đi dạo quanh khuôn viên viện. Rất may, bệnh viện chúng tôi rộng rãi khuôn viên 10 hecta, nhưng điều đó cũng không khiến anh em giải tỏa được nhiều căng thẳng, lo âu…

Điều đáng nói là mức độ mệt mỏi tích lũy nhiều khiến không ít cán bộ y tế "đuối sức", nhất là nhóm những người ít kinh nghiệm điều trị COVID-19. Ngoài ra, phải thẳng thắn nhìn nhận, 2 năm miệt mài điều trị bệnh vừa lạ vừa nguy hiểm như COVID-19 không chỉ tác động đến các hoạt động của cơ sở y tế mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của nhân viên y tế.

Khối lượng công việc gấp nhiều lần, nghỉ ngơi ít hơn, đào tạo hạn chế, ít được chia sẻ, chăm sóc gia đình, thậm chí còn bị cộng đồng kỳ thị… Đặc biệt, thu nhập giảm mạnh, hầu như chỉ trông chờ vào nguồn lương cơ bản từ viện trong khi chi phí cho gia đình gia tăng khiến họ càng bị áp lực, stress nhiều hơn…

Áp lực này chồng chất nỗi lo khác, nhưng các thầy thuốc của chúng tôi không đầu hàng, vì sức khỏe của người dân. Mỗi một bệnh nhân được cứu sống là một món quà tinh thần, là điểm tựa để chúng tôi tiếp tục tiến lên chặng đường mới...

Trân trọng cảm ơn ông!

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Y tế - 20 giờ trước

GĐXH – Hàng trăm đơn vị máu đã được tiếp nhận trong Chương trình hiến máu tình nguyện hưởng ứng “Lễ hội Xuân hội’ năm 2024 tại Bộ Y tế.

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Y tế - 20 giờ trước

GĐXH - Ngày 19/4, UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Y tế - 21 giờ trước

GĐXH – Bệnh nhi bị đứt toàn bộ động mạch trụ, đứt thần kinh trụ và thần kinh giữa, đứt gân gấp cổ tay trụ, đứt gân gấp ngón 4 và 5 bàn tay trái.

Chó chết sau khi cắn chủ nhà, chuyên gia giải thích vì sao chó dại sau khi cắn người lại chết?

Chó chết sau khi cắn chủ nhà, chuyên gia giải thích vì sao chó dại sau khi cắn người lại chết?

Y tế - 22 giờ trước

GĐXH - Thực tế, kông phải việc cắn người sẽ khiến chó dại bị chết mà thực chất đây là biểu hiện xuất hiện vào giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát bệnh của chó.

Bé gái chào đời với dây rốn quấn cổ 5 vòng

Bé gái chào đời với dây rốn quấn cổ 5 vòng

Y tế - 2 ngày trước

Bé gái nặng gần 3 kg, có dây rốn quấn cổ 5 vòng, ngôi ngược vừa được các bác sĩ phẫu thuật mổ lấy thai thành công

Lạng Sơn: Gần 100 người mắc rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu

Lạng Sơn: Gần 100 người mắc rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH – Đa số bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, chửi bới, lo âu, hoảng sợ, ảo giác...

Tai nạn hy hữu: Đạp xe đi học, nam sinh 17 tuổi bị tay lái đâm sâu vào cổ

Tai nạn hy hữu: Đạp xe đi học, nam sinh 17 tuổi bị tay lái đâm sâu vào cổ

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Cú ngã không ngờ đã khiến tay lái xe đâm vào cổ. Máu từ vết thương ồ ạt chảy, cậu vội dùng tay bịt vết thương, loạng choạng chạy bộ về nhà.

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, hai người đàn ông nhập viện cấp cứu

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, hai người đàn ông nhập viện cấp cứu

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH – Sau 5 tháng uống thuốc nam điều trị viêm gan B, ông D. thấy mệt mỏi, chán ăn, tiểu ít, có màu vàng sẫm, đại tiện phân táo nên được đưa đi bệnh viện.

Thông tin mới nhất vụ thanh niên ngừng tim trước vạch đích giải chạy Tây Hồ: Có tiền sử tăng huyết áp

Thông tin mới nhất vụ thanh niên ngừng tim trước vạch đích giải chạy Tây Hồ: Có tiền sử tăng huyết áp

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, thường xuyên được điều trị bằng Coversyl.

Cứu sản phụ mang thai có 'tràng hoa cuốn cổ' 5 vòng

Cứu sản phụ mang thai có 'tràng hoa cuốn cổ' 5 vòng

Y tế - 3 ngày trước

BS Khoa Sản, BVĐK Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật mổ lấy thai có "tràng hoa quấn cổ" 5 vòng, ngôi ngược thành công.

Top