Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài 'triều đại' còn dang dở

Thứ ba, 09:30 03/11/2020 | Bốn phương

Chạy đua Nhà Trắng 2020: Vợ chồng Bill và Hillary Clinton có sức ảnh hưởng to lớn trên chính trường Mỹ với hơn 40 năm kinh nghiệm từ Arkansas đến Nhà Trắng, từ Thượng viện Mỹ đến ghế ngoại trưởng Mỹ.

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 1.
Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 2.
Mạng lưới mối quan hệ và "đội quân" tài trợ cho Bill và Hillary Clinton đã giúp cặp đôi chính trị gia giữ vị thế to lớn trên chính trường Mỹ . Mặc dù giấc mộng trở lại Nhà Trắng của nhà Clinton đã thất bại vào năm 2016,vợ chồng nhà Clinton vẫn duy trì sức ảnh hưởng lớn đối với đảng Dân chủ chính nhờ những mạng lưới này.

Hillary Clinton giật mình tỉnh dậy giữa khuya 8/11/2016, trong khách sạn Peninsula, New York - đại bản doanh chiến dịch trong ngày chờ kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Bầu không khí quanh bà trĩu nặng thấy rõ.

Robby Mook, điều phối viên chiến dịch, và chủ tịch ủy ban tranh cử John Podesta đang run lên trong lo lắng.

Cựu ngoại trưởng Mỹ mới chợp mắt được vài giờ. Rạng sáng hôm đó, bà vừa kết thúc chặng nước rút của cuộc đua vào Nhà Trắng, sau những buổi vận động tranh cử liên tiếp từ Pittsburgh, Michigan, đến Philadelphia, North Carolina và chốt lại tại quận Westchester, New York. Trước khi thiếp đi vì mệt mỏi, Hillary Clinton còn kịp cùng nhóm trợ lý viết diễn văn chỉnh sửa bài phát biểu tuyên bố chiến thắng.

Nhưng khi kết quả kiểm phiếu, số cử tri đi bầu và dự báo từ các bang bờ Đông bắt đầu đổ về, tình hình có vẻ trái ngược mọi khảo sát và dự báo những ngày trước. Các hãng tin tuyên bố bà Clinton thắng Virginia và Colorado. Dù vậy, hàng loạt bang chiến trường khác - gồm Florida, North Carolina, Ohio và Iowa - đều rơi vào tay ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Ông Bill Clinton như đứng trên đống lửa, miệng cắn mãi điếu thuốc chưa châm, còn tay cứ vài phút lại mở điện thoại gọi cho Terry McAuliffe - Thống đốc bang Virginia và là người bạn thâm niên của gia đình. Hai người anh của bà Clinton, Tony và Hugh Rodham, cùng những người trợ lý trung thành như Maggie Williams, Cheryl Mills và Capricia Marshall đang dán mắt vào màn hình tivi. Ai đó đã gọi phục vụ rượu whiskey và đủ mọi loại kem từ nhà bếp khách sạn.

Sau nửa đêm, hãng tin AP tuyên bố ứng viên Dân chủ thắng tại Nevada, nhưng những vùng thôn quê nghiêng hẳn về ông Trump. Tổng thống Barack Obama thậm chí gọi khuyên bà Clinton sẵn sàng tinh thần nhận thua nhanh chóng nếu kết quả không như mong muốn. Khoảng một tiếng sau cuộc gọi đó, AP thông báo đối thủ của bà đã thắng tại Pennsylvania.

“Đó là bàn thua quyết định”, Hillary Clinton kể lại trong hồi ký What Happened về cuộc đua bất thành. Tham vọng trở thành người thứ hai của nhà Clinton và người phụ nữ đầu tiên làm chủ nhân Nhà Trắng xem như đã bị “khai tử” vào lúc đó với bà Hillary Clinton - lúc 1h35 ngày 9/11/2016.

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 3.

Gần hai năm trước đêm thất bại cay đắng đó, bà Hillary Clinton đã đích thân đến tư dinh dành cho phó tổng thống Mỹ ở Washington D.C, gặp ông Joe Biden để thông báo quyết định tranh cử. Kể trong quyển hồi ký Promise Me, Dad vào năm 2017, cựu phó tổng thống Mỹ nói ông cảm thấy “sự dằn vặt buồn bã” ở Hillary Clinton khi bà ra về.

“Giới phân tích chính trị lão luyện nói bà ấy đang trên đường đến với chiến thắng lịch sử - người phụ nữ đầu tiên thắng cuộc đua vào Nhà Trắng. Nhưng bà ấy không tỏ ra vui vẻ mấy trước viễn cảnh tranh cử. Có thể tôi đã nhầm vào sáng hôm đó, nhưng tôi có cảm giác bà ấy được những thế lực nào khác thúc đẩy chứ không phải tự đưa ra quyết định cho mình”, ông Biden viết.

“Mọi người nghĩ bản thân bà ấy đầy tham vọng. Tôi nghĩ bà ấy như tù nhân của lịch sử. Người phụ nữ đầu tiên có cơ hội tốt nhất để được trao đề cử. Người phụ nữ đầu tiên có cơ hội rõ rệt để trở thành tổng thống”, ông chia sẻ.

“Không thể tránh khỏi” và “định mệnh” là những từ mà truyền thông Mỹ đã dành cho viễn cảnh bà Hillary Clinton trở lại Nhà Trắng trong cuộc đua năm 2016. Điều đó cũng từng diễn ra khi bà đưa tên vào danh sách ứng viên đảng Dân chủ cho năm 2008.

Dù đã thất bại cả hai lần này, Hillary Clinton luôn khởi đầu với vị thế “hạt giống số một” cho vị trí người thắng cuộc. Bà được đánh giá vượt trội mọi ứng viên khác về vị thế và tiềm lực, đến mức chiến thắng chung cuộc của đối thủ, dù là ông Barack Obama hay ông Donald Trump, đều được xem là “phép màu” hoặc địa chấn chính trường Mỹ.

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 4.
Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 5.

Điển hình là năm 2006, khi bầu cử giữa kỳ vừa kết thúc còn bầu cử sơ bộ cho năm 2008 còn chưa khởi động, bà Clinton đã bỏ xa ông Obama trên gần như mọi cuộc thăm dò cử tri với khoảng cách từ 10-20 điểm %.

Nhà bình luận chính trị Michael Reagan, con trai cả của Tổng thống Ronald Reagan, tháng 12/2006 còn nhận định: “Ai cũng biết việc Hillary Clinton trở thành ứng viên tổng thống đảng Dân chủ vào năm 2008 là điều không thể tránh khỏi. Bà ấy sẽ là một ứng viên nặng ký, thậm chí là bất khả chiến bại”.

Người ta đã bắt đầu nói đến việc bà Clinton khôi phục “triều đại đảng Dân chủ của thập niên 1990”, theo cách gọi trên New York Times vào tháng 6/2008, từ khi bà còn chưa rời Nhà Trắng cùng chồng vào 8 năm trước.

Giữa giai đoạn Tổng thống Bill Clinton bị luận tội vào năm 1999 liên quan đến che giấu bê bối tình ái, Hillary đã cùng người cố vấn lâu năm của gia đình là Harold Ickes bàn về khả năng vào thượng viện. Đó cũng là bước khởi đầu chính thức cho sự nghiệp chính trị của bà, cũng như chiến lược trở lại Nhà Trắng lần 2 cho nhà Clinton.

Theo Washington Post tiết lộ, đúng vào ngày định mệnh mà Tổng thống Bill Clinton được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu miễn tội, bà Hillary nhận được cuộc gọi từ Hạ nghị sĩ Peter King của bang New York, báo cho bà cùng Harold Ickes tin mừng: Cánh cửa tranh cử vào thượng viện đã mở ra.

“Nếu có ai nhìn thấy chúng tôi ngày hôm đó, họ sẽ thấy chúng tôi tươi cười, nhưng không phải về thứ mà mọi người đang nghĩ đến”, Tổng thống Bill Clinton kể lại với một trợ lý thân tín.

Mùa hè năm đó, Hillary chính thức mở chiến dịch vận động kế nhiệm ghế của Thượng nghị sĩ Daniel Patrick Moynihan sắp nghỉ hưu. Chiến thắng đến với bà dễ dàng như mọi dự đoán. Chỉ sau 3 năm, truyền thông đã bắt đầu đánh giá bà Clinton là ứng viên giàu tiềm năng cho ghế ứng viên thách thức Tổng thống George W. Bush tái tranh cử năm 2004.

Trong danh sách những chính trị gia đảng Dân chủ được đánh giá cao năm đó, do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, bà Clinton được xem là nhân vật sáng giá nhất dù bà thậm chí không có tên trong 9 ứng viên vòng bầu cử sơ bộ. Một thăm dò khác của Viện Đại học Quinnipiac cho thấy có đến 43% cử tri đảng Dân chủ ủng hộ bà Clinton. Người xếp ngay sau bà là tướng Wesley Clark, với vỏn vẹn 10% cử tri ủng hộ.

Guardian năm 2003 từng bình luận việc bà Clinton chính thức tranh cử không phải là câu hỏi “có hay không”, mà là “khi nào”. Việc bà chờ đến năm 2008 nhằm “giữ cho thuốc súng khô” để bước vào một trận chiến vừa sức hơn đến Nhà Trắng, khi bà không phải đối đầu với một tổng thống đương nhiệm của đảng Cộng hòa.

Chống lưng cho bà Hillary là vốn chính trị đáng gờm sau 8 năm tại Nhà Trắng của ông Bill Clinton, cùng sức ảnh hưởng và mạng lưới trải dài 2 thập kỷ mà cặp đôi này gây dựng ở chính trường Arkansas và trong đảng Dân chủ thông qua các cựu cố vấn và nhà tài trợ.

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 6.

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 7.

John Podesta, chủ tịch ủy ban tranh cử của bà Hillary Clinton năm 2016, cũng chính là cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng cho chồng bà vào những tháng đầy sóng gió năm 1999 - khi Tổng thống Bill Clinton bị đưa ra luận tội ở Thượng viện Mỹ.

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 8.

Đó cũng không phải lần đầu tiên ông được tiếp xúc với người phụ nữ đầy cá tính. Trong nhiệm đầu tiên ông Clinton, Podesta từng giữ ghế thư ký nhân sự cho Nhà Trắng và được giao nhiệm vụ đảm bảo mọi nhân viên tập trung làm việc giữ liên tiếp các đợt công kích từ báo chí.

“Khi ông ấy rời Nhà Trắng, ông ấy bảo với tôi rằng chỉ trở lại cho một vị trí duy nhất: chánh văn phòng cho bà Hillary”, Tony, anh trai của John Podesta, kể lại với Time.

Dù trong những năm đầu thế kỷ 21, ông Podesta không đầu quân trở lại cho các chiến dịch và mạng lưới của nhà Clinton, ông vẫn giữ mối quan hệ thân thiết và ở trong quỹ đạo ảnh hưởng của cặp đôi quyền lực này. Ông là một trong nhiều nhân vật có tiếng nói trong đảng Dân chủ đã công khai ủng hộ bà Hillary Clinton tranh cử vào Thượng viện Mỹ năm 2000. Cùng với anh trai Tony, ông sáng lập nên Podesta Group - hãng vận động chính sách lớn thứ 4 tại thủ đô Washington D.C.

Năm 2003, cũng với sự ủng hộ và hỗ trợ đắc lực từ vợ chồng Clinton, John Podesta thành lập thêm tổ chức tư vấn chính sách Trung tâm Tiến Bộ Mỹ (CAP). Đây cũng là nơi làm việc của nhiều nhân vật khác thân cận với gia đình Clinton, đơn cử là chủ tịch trung tâm Neera Tanden.

Không chỉ có kinh nghiệm làm việc với Bill và Hillary Clinton từ thập niên 1990, John Podesta còn là một “người khổng lồ” thật sự trong làng hoạt động chính trị tại Washington. Ông được đánh giá rất cao trong chính phủ của Tổng thống Barack Obama suốt hai nhiệm kỳ và từng dẫn đầu nhóm quy hoạch chuyển gia chính phủ cho nhà lãnh đạo Mỹ vào năm 2008. Đến năm 2015, ông mới rời vị trí cố vấn pháp lý cho Tổng thống Obama để đầu quân cho bà cựu ngoại trưởng Mỹ.

Khi Paudesta được công bố trở thành “kiến trúc sư trưởng” cho chiến dịch của bà Clinton năm 2016, truyền thông Mỹ đã choáng ngợp trước mức độ hùng hậu và “thiện chiến” của đội quân trợ lý cho cựu ngoại trưởng Mỹ.

Một vài cái tên nổi bật trong danh sách này có: Joel Benenson, chuyên gia khảo sát cho ông Barack Obama và là chiến lược gia then chốt cho chiến thắng năm 2008 của vị tổng thống da màu; Jim Margolis, cựu cố vấn cấp cao cho ông Obama và hàng loạt thượng nghị sĩ đảng Dân chủ; Amanda Renteria, cựu ứng viên Hạ viện cho đảng Dân chủ tại California và là chánh văn phòng cho Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow; hay Jake Sullivan, một cố vấn chính sách giàu kinh nghiệm đã gắn bó với Hillary Clinton từ chiến dịch năm 2008 đến 4 năm bà giữ cương vị ngoại trưởng Mỹ.

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 9.

Dù bà Clinton thất bại trong cuộc đua năm 2016, mạng lưới cựu trợ lý, cố vấn và cộng sự của bà vẫn duy trì sức ảnh hưởng nhất định đối với đảng Dân chủ cũng như chính trường Mỹ.

Cái tên quen thuộc nhất với truyền thông chính là cựu thống đốc Virginia Terry McAuliffe. Người bạn thân của gia đình Clinton, từng đứng đầu bộ phận tài chính cho đảng Dân chủ thời ông Bill Clinton, vào tháng 8 đã công khai ý định tái tranh cử lấy lại vị trí lãnh đạo bang nhà. Đầu năm 2019, McAuliffe còn đánh tiếng tranh cử tấm vé ứng viên tổng thống cho đảng Dân chủ trước khi chính thức từ bỏ ý định vào tháng 4, theo Washington Post.

Vị cựu thống đốc bang Virginia có quan hệ vô cùng khăng khít với nhà Clinton. Theo tự truyện của bà Hillary về cuộc đua năm 2016, người mà cựu Tổng thống Bill Clinton liên tục gọi điện chia sẻ tình hình chính là McAuliffe. Washington Post từng mô tả quan hệ giữa cựu thống đốc Virginia với vợ chồng Clinton “như thể người nhà dù không phải máu mủ”. Bill Clinton là người hỗ trợ đắc lực cho McAuliffe gây quỹ tranh cử năm 2013. Ở chiều ngược lại, vị cựu thống đốc Virginia đã cho hàng loạt cựu nhân viên trong chiến dịch thành công của mình tham gia đội ngũ của bà Hillary Clinton ở cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.

Các thành viên của “câu lạc bộ” cựu trợ lý nhà Clinton vẫn đang tính cực hoạt động chính trị, làm cố vấn cho những nhân vật trong giới tinh hoa chính trường trong và ngoài nước.

Sara Latham, một cố vấn cấp cao trong chiến dịch năm 2016 của bà Clinton, vào năm 2019 đã được cặp đôi hoàng gia Anh - Hoàng tử Harry và phu nhân Meghan Markle - thuê làm lãnh đạo nhóm trợ lý truyền thông. Joel Benenson, chiến lược gia hỗ trợ bà Clinton 4 năm trước, còn được đảng Kahol Lavan của Israel thuê làm cố vấn vào tháng 7/2019 cho cuộc tổng tuyển cử 2 tháng sau đó.

Emmy Ruiz, cựu lãnh đạo nhóm vận động cho bà Clinton ở Nevada và Colorado, năm 2019 cũng đầu quan cho chiến dịch của Thượng nghị sĩ Kamala Harris - người đang là ứng viên phó tổng thống cho đảng Dân chủ.

Chỉ một năm trước đó, một cựu trợ lý thân thiết cho bà Clinton là Amanda Renteria bất ngờ tranh cử ghế thống đốc bang California nhưng bất thành. Trước đó, Renteria giữ chức tổng chưởng lý bang - lãnh đạo cơ quan tư pháp cấp bang với quy mô chỉ thua Bộ Tư pháp Mỹ, và cũng là vị trí cũ của bà Kamala Harris, theo Los Angeles Times.

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 10.

Không chỉ có mạng lưới “người nhà” hùng hậu và giàu sức ảnh hưởng trên chính trường, quyền lực của gia đình Clinton còn được xây dựng trên sức mạnh của đồng tiền. Điều này được thể hiện rõ trong cuộc đua năm 2016 khi Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) dành sự thiên vị thấy rõ cho bà Clinton và tìm mọi cách để tao áp lực cho ứng viên đối thủ - Thượng nghị sĩ Bernie Sanders với lập trường thiên tả.

Tiết lộ trong quyển hồi ký tháng 11/2017, Hacks: The Inside Story of the Break-ín and Breakdowns that put Donald Trump in the White House, cựu Quyền chủ tịch DNC Donna Brazile nói cơ quan này đã thỏa thuận với chiến dịch của bà Hillary để đảm bảo nguồn lực tài chính cho đảng. Đổi lại, chiến dịch của bà Hillary sẽ có tiếng nói trong “tài chính, chiến lược và toàn bộ tiền quỹ vận động được” ở DNC.

Quỹ vận động chung của bà Clinton và DNC được thỏa thuận từ tháng 8/2015, chỉ 4 tháng sau khi bà công bố ý định tranh cử và gần 1 năm trước khi bà được đảng Dân chủ đề cử chính thức.

Trong quyển sách, được Politico trích lại, bà Brazile mô tả chiến dịch của Hillary Clinton đã “đặt DNC vào phòng hồi sức tích cực, cung cấp tiền cho cơ quan này mỗi tháng để đáp ứng những nhu cầu chi tiêu cơ bản”.

Sức mạnh tài chính của bà Clinton được xây dựng trên một “đội quân” nhà tài trợ hùng hậu. Trong một điều tra năm 2015, Washington Post mô tả mạng lưới này được liên kết đầy tinh vi với nhiều mạnh thường quân tại Mỹ và trên toàn cầu trong hơn 4 thập kỷ hai vợ chồng nhà Clinton làm chính trị.

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 11.

Cặp đôi quyền lực cũng đi đầu trong nhiều phương pháp vận động quỹ tranh cử, làm thay đổi diện mạo của chính trị hiện đại và dọn đường cho mục tiêu lịch sử: Cả hai vợ chồng đều được bầu vào Nhà Trắng.

Theo ước tính trên Washington Post, tính đến tháng 11/2015 khi bài điều tra được đăng tải, cặp đôi cựu sinh Trường Luật Đại học Yale đã vận động được ít nhất 3 tỷ USD qua hàng hoạt chiến dịch tranh cử của cả hai người, từ Arkansas đến thủ đô Washington D.C, và quỹ từ thiện gia đình “Clinton Foundation”.

Khoảng 336.000 cá nhân, tập đoàn, công đoàn và chính phủ nước ngoài đã ủng hộ cho các chiến dịch tranh cử hoặc dự án từ thiện của nhà Clinton. Trong đó, có một số mạnh thường quân nổi tiếng như đạo diễn Steven Spielberg và tỷ phú George Soros.

Phần lớn số tiền từ mạng lưới mạnh thường quân (khoảng 2 tỷ USD tính đến tháng 11/2015) được đổ vào Clinton Foundation - quỹ từ thiện cam kết hỗ trợ những sáng kiến y tế, giáo dục và phát triển kinh tế khắp thế giới. Một số mạnh thường quân thuộc nhóm siêu giàu đã quyên góp hàng chục triệu USD cho quỹ này, trong đó có ông trùm khai khoáng Canada Frank Giustra với hơn 25 triệu USD .

Khoảng 1 tỷ USD được các mạnh thường quân đổ vào những chiến dịch tranh cử và quỹ phòng bị pháp lý cho nhà Clinton. Con số này bao gồm cả tiền được chi cho Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và các Ủy ban Hành động Chính trị độc lập (Super PAC) ủng hộ hai vợ chồng Clinton trong những cuộc tranh cử.

Trong một số trường hợp, công ty có liên quan đến mạnh thường quân của nhà Clinton còn trả phí cho một trong hai người diễn thuyết, giúp cặp đôi này thu về khoảng 150 triệu USD trong giai đoạn 2000-2015.

Nhà Clinton giữ những đại gia lớn trong “quỹ đạo” của mình suốt nhiều thập kỷ nhờ chiến thuật lôi kéo một cách có hệ thống các nhóm lợi ích đối đầu nhau, tìm cách cân bằng giữa nhóm cử tri cánh tả truyền thống và các cử tri đoàn nhiều quyền lực.

Chiến thuật này tiếp tục được sử dụng xuyên suốt sự nghiệp chính trị cả hai người, tranh thủ sự ủng hộ từ những cặp lợi ích đối lập: lãnh đạo tập đoàn và lãnh đạo công đoàn, luật sư chuyên kiện tụng và Thung lũng Silicon, những ông trùm công nghiệp và các nhà hoạt động cánh tả.

Đơn cử là mối quan hệ giữa nhà Clinton với cả Phố Wall lẫn các công đoàn Mỹ. Chiến dịch tranh cử lẫn quỹ từ thiện của hai vợ chồng đã nhận được hàng chục triệu USD từ các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán và đầu tư Mỹ. Tuy nhiên, những công đoàn Mỹ vẫn gác lại sự thất vọng và rót khoảng 21 triệu USD cho các cuộc đua của ông bà Clinton.

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 12.

Ông bà Clinton còn có chiến lược vận động tài trợ thức thời, nhanh tay chộp lấy những nguồn tài chính mới cho quỹ hoạt động của họ: người Mỹ gốc Cuba ở Florida, hay người nhập cư gốc Hoa ở New York, cùng các nhân vật giàu có nước ngoài quan tâm đến Clinton Foundation.

Cặp đôi chính trị còn tận dụng vị thế xã hội và sự nổi tiếng của mình để gây quỹ vô cùng hiệu quả. Từ lời khuyên của Terry McAuliffe, nhà Clinton tham gia hàng loạt cuộc gặp riêng với mạnh thường quân giàu có.

Ông Bill Clinton còn từng mời gọi mạnh thường quân bằng “đặc quyền” được ngủ lại “Phòng ngủ Lincoln” - nằm trong gian phòng cho khách, đặt ở góc đông nam, tầng 2 của Nhà Trắng. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Bill Clinton liên tục xuất hiện tại các sự kiện vận động gây quỹ cho Clinton Foundation trên khắp thế giới. Năm 2015, nhiều mạnh thường quân còn tổ chức tiệc tại tư gia và mời bà Hillary Clinton đến dự.

Mạng lưới của nhà Clinton suốt 4 thập kỷ qua gần như không có đối thủ. Theo ước tính của Washington Post, nhà Bush với 3 thế hệ chính trị gia và 3 nhiệm kỳ tổng thống chỉ tập hợp được khoảng 2,4 tỷ USD cho toàn bộ các chiến dịch tranh cử cấp bang, liên bang và nhiều quỹ từ thiện trong giai đoạn 1988-2015.

Khi bài điều tra của Washington Post gây chấn động vào cuối năm 2015, giữa giai đoạn bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ bắt đầu tăng tốc, người phát ngôn Josh Schwerin cho bà Clinton đã phải đính chính rằng “tổng hợp đóng góp từ thiện với tài trợ chính trị sẽ gây nhầm lẫn”. Schwerin đồng thời lưu ý mức ủng hộ sâu rộng dành cho ông Bill và bà Hillary Clinton “là bằng chứng cho thấy cả hai đã cống hiến cuộc đời cho phụng sự công và đấu tranh để đất nước lớn mạnh hơn”.

Thực tế là đến tháng 6/2016, khoảng tháng trước khi Thượng nghị sĩ Bernie Sanders rút khỏi bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ (ngày 12/7), số tiền vận động của bà Hillary vẫn bỏ xa đối thủ nội đảng gần 110 triệu USD (gồm cả tiền tài trợ trực tiếp cho ứng viên và tài trợ gián tiếp qua các Super PAC), theo thống kê của New York Times thời điểm đó.

Xây dựng một mạng lưới mạnh thường quân kéo dài đến 4 thập kỷ và mở rộng không ngừng như vậy không phải công việc dễ dàng, dù có đặc quyền trong tay. Vợ chồng nhà Clinton gầy dựng được đế chế vận động tài chính đồ sộ vì họ là một cặp đôi vô cùng ăn ý và tài năng.

Ông Bill Clinton sử dụng sức lôi cuốn và sự thông minh của mình để tìm kiếm những nhà tài trợ mới. Nhưng bà Hillary mới là người giữ chân họ bằng sự quan tâm đến từng chi tiết đã trở thành thương hiệu. Bằng những lá thư chúc mừng đính hôn, chia vui với gia đình mạnh thường quân vừa có thành viên mới, đến những lời thơ sâu sắc san sẻ khi người ủng hộ có tin buồn, cặp đôi Bill - Hill đã tạo ra những người đồng minh trọn đời.

“Họ có được một nhóm người luôn dõi theo họ, sẵn sàng làm mọi thứ cho họ”, Elaine Schuster chia sẻ vào năm 2015.

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 13.

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 14.

Dù thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng 4 năm trước, bà Hillary Clinton và chồng vẫn duy trì sức ảnh hưởng không thể bàn cãi trong đảng Dân chủ. Khi vòng bầu cử sơ bộ nội đảng còn chưa bắt đầu, nhiều ứng viên mong muốn tranh cử đã chủ động hỏi ý kiến và tìm kiếm sự ủng hộ từ nữ chính trị gia 74 tuổi.

Điển hình là Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của bang Minnesota. Tháng 2/2019, khi tiết lộ kế hoạch ghé thăm Wisconsin đầu tiên nếu trở thành ứng viên tổng thống cho đảng Dân chủ, nữ nghị sĩ đã buộc miệng nhắc lại sai lầm của bàn Clinton năm 2016. Cựu ngoại trưởng Mỹ năm đó không đích thân đến Wisconsin vận động lần nào, để rồi đánh mất bang chiến trường quan trọng vào tay đối thủ.

Bà Klobuchar lập tức nổi lên trên mạng xã hội, được ca ngợi là người đại diện chân chính của vùng Trung Tây và không ngại nói “sự thật mất lòng”. Tuy nhiên, theo tiết lộ của New York Times, nữ nghị sĩ bang Minnesota phải khẩn trương tìm cách làm lành với bà Clinton ở hậu trường. Không chỉ gửi email xin lỗi, bà còn gọi điện trực tiếp cho cựu ngoại trưởng Mỹ trần tình phát ngôn của mình bị diễn giải sai mục đích ban đầu.

Chỉ 3 ngày trước pha lỡ miệng tai hại đó, Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar còn ngồi trong nhà riêng của bà Clinton tại Washinton D.C. Nghị sĩ bang Minnesota cũng không phải ứng viên đầu tiên trong đảng Dân chủ tìm đến bà Clinton với mong muốn được tư vấn về chiến dịch tranh cử. Gặp cựu ngoại trưởng Mỹ trước chỉ đó 2 ngày chính là cựu Phó tổng thống Joe Biden - hiện là ứng viên chính thức của đảng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Trong vài tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019, hàng loạt nhân vật giàu tham vọng thuộc phe Dân chủ đã có những buổi tham vấn riêng với bà Clinton, theo tiết lộ trên New York Times.

Ngoài ông Biden và bà Klobuchar, cựu ngoại trưởng Mỹ còn tiếp chuyện cả Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris - hiện là ứng viên phó tổng thống cùng ông Biden tranh cử; Thượng nghị sĩ New Jersey Cory Booker; Thượng nghị sĩ Massachusetts Elizabeth Warren; cựu Thống đốc Colorado John Hickenlooper; và cả Thống đốc Virginia McAuliffe.

Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 15.
Nhà Clinton và giấc mộng nối dài triều đại còn dang dở - Ảnh 16.

Bà Clinton vẫn là biểu tượng “phá trần thủy tinh” của nữ giới trên chính trường Mỹ trong quá khứ lẫn hiện tại. Nước Mỹ nhớ đến Hillary Clinton với tư cách người phụ nữ đầu tiên trở thành ứng viên tổng thống cho một đảng lớn, nhưng bà cũng là hiện thân cho thất bại cay đắng và choáng váng của đảng Dân chủ trước hệ thống cử tri đoàn. Hillary Clinton thuộc hàng “trưởng lão” trong đảng, nhưng vẫn chưa bao giờ từ bỏ đấu trường chính trị.

Hillary Clinton vẫn nắm giữ một bộ phận nữ cử tri trung thành và sức tác động đủ lớn đến cục diện bầu cử, dù bà không còn đứng ở trung tâm chính trường Mỹ như những thập niên trước.

Với 8 năm làm đệ nhất Phu nhân có sức ảnh hưởng chính sách bậc nhất lịch sử, 8 năm làm thượng nghị sĩ New York, 4 năm làm ngoại trưởng Mỹ và 5 tháng làm ứng viên tổng thống, có lẽ ít ai hiểu rõ về điểm mạnh và điểm yếu của từng ứng viên đảng Dân chủ như Hillary Clinton.

Trong gần 1/4 thế kỷ, bà từng là người dẫn dắt, đồng nghiệp, người hậu thuẫn hoặc đối thủ của gần như tất cả chính trị gia trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ. Ít nhất 5 nhân vật tham gia bầu cử sơ bộ từng được bà Clinton phỏng vấn làm ứng viên phó tổng thống năm 2016.

Thượng nghị sĩ Cory Booker, một chính trị gia thân thiết với bà Clinton và là ứng viên bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ cho cuộc đua năm nay, từng suýt trở thành ứng viên phó tổng thống cùng bà Clinton vào năm 2016. Tên của ông thậm chí đã được cho in lên các băng rôn vận động cử tri, trước khi cựu ngoại trưởng Mỹ đổi ý và chọn ông Tim Kaine.

Theo New York Times, nhiều cựu trợ lý và nhân viên trong chiến dịch năm đó của bà Clinton cũng đầu quân cho một loạt ứng viên hoặc tổ chức tài trợ cho ứng viên đảng Dân chủ năm 2020. Trong đó có thể kể đến Lily Adams, cựu phát ngôn viên cho ủy ban tranh cử của bà Clinton năm 2016.

Theo CNN, Adams vào tháng 3 đã trở thành lãnh đạo bộ phận truyền thông cho United the Country - một Siêu Ủy ban Hành động Chính trị (Super PAC), hoạt động độc lập ủng hộ ông Joe Biden. United the Country trong cuộc bầu cử này đã vận động đến 48 triệu USD . Họ chi ra gần 45 triệu USD cho các hoạt động ủng hộ ông Biden đắc cử và quảng cáo công kích ông Donald Trump.

Bốn năm sau thất bại của bà Hillary Clinton, ông Joe Biden cuối cùng cũng đã ra tranh cử trong khi những tiếng nói mới nổi bên trong đảng Dân chủ kêu gọi sự tiến gần hơn về phía chủ nghĩa tự do, đồng nghĩa với việc xích ra ngày càng xa đường lối trung dung của ông Bill Clinton và “triều đại chính trị Dân chủ” kiểu thập niên 1990.

"Vào ngày đảng Dân chủ đề cử ông Joe Biden, họ cuối cùng đã buông bỏ Bill Clinton", Politico viết vào ngày ông Bill Clinton chỉ được xếp chưa đầy 5 phút để phát biểu trong Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, đó là Bill Clinton. Còn Hillary Clinton có thể không muốn dừng sự nghiệp chính trị ở đó. Trả lời trang tin 19th vào đầu tháng 8, bà cũng không phủ nhận khả năng giữ một vị trí chính thức trong chính quyền của ông Joe Biden nếu ông đắc cử vào tháng 11 này.

"Tôi sẵn sàng giúp sức bằng mọi cách trong khả năng của mình. Tôi nghĩ đây là thời khắc cho mọi người Mỹ - bất kể đảng phái, tuổi tác, giới tính hay chủng tộc - hàn gắn lại đất nước của chúng ta", bà nói.

Theo Zing.vn


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Nước rút vì hạn hán, kho báu hàng nghìn vật bằng vàng bất ngờ xuất hiện bên bờ sông

Nước rút vì hạn hán, kho báu hàng nghìn vật bằng vàng bất ngờ xuất hiện bên bờ sông

Chuyện đó đây - 5 giờ trước

Hàng nghìn đồng tiền vàng đã được tìm thấy tại một dòng sông khi mực nước của nó xuống thấp ở mức thấp kỷ lục.

Tại sao các phi hành gia không bao giờ kể về những gì họ đã thấy ngoài vũ trụ? Một số thậm chí còn khẳng định vô cùng sợ hãi

Tại sao các phi hành gia không bao giờ kể về những gì họ đã thấy ngoài vũ trụ? Một số thậm chí còn khẳng định vô cùng sợ hãi

Chuyện đó đây - 16 giờ trước

Không phải choáng ngợp hay kích thích, cảm xúc của các phi hành gia ngoài không gian thường là sợ hãi.

Nam quý tộc điển trai ở Hoàng gia Anh

Nam quý tộc điển trai ở Hoàng gia Anh

Bốn phương - 1 ngày trước

Nhắc đến Hoàng gia Anh, Hoàng tử William và Harry là hai người đàn ông thuộc thế hệ trẻ nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, nếu mở rộng phạm vi, gia tộc Windsor còn có nhiều nam quý tộc điển trai, lịch lãm, giàu có và quan trọng là còn độc thân.

Vương hậu Mary tỏa sáng trong ảnh chân dung chính thức cùng Vua Đan Mạch Frederik, mang vương miện ngọc lục bảo nổi tiếng

Vương hậu Mary tỏa sáng trong ảnh chân dung chính thức cùng Vua Đan Mạch Frederik, mang vương miện ngọc lục bảo nổi tiếng

Bốn phương - 1 ngày trước

Chiếc vương miện ngọc lục bảo Vương hậu Mary sử dụng là biểu tượng của vương quyền Đan Mạch và không được phép mang ra khỏi vương quốc Bắc Âu này.

Thân vương William bất ngờ ghé thăm một trường học sau bức thư của cậu bé học sinh 12 tuổi

Thân vương William bất ngờ ghé thăm một trường học sau bức thư của cậu bé học sinh 12 tuổi

Bốn phương - 1 ngày trước

Chuyến thăm cho thấy sự quan tâm của Thân vương William đối với thế hệ trẻ và những vấn đề xã hội mà họ đang phải đối mặt.

Hồ nước cao 4.441m hơn 800.000 tấn cá tràn ngập khắp nơi, rất dễ đánh bắt: Tuyệt nhiên không ai dám ăn!

Hồ nước cao 4.441m hơn 800.000 tấn cá tràn ngập khắp nơi, rất dễ đánh bắt: Tuyệt nhiên không ai dám ăn!

Chuyện đó đây - 1 ngày trước

Cá ở khắp nơi trong hồ nước nhưng dân địa phương không ai dám đánh bắt và ăn chúng. Vì sao?

'Hàng xóm của tôi không phải người sống': Người đàn ông sợ hãi phát hiện nhiều gia đình thành phố chọn mua nhà chung cư để làm nơi lưu trữ tro cốt người thân

'Hàng xóm của tôi không phải người sống': Người đàn ông sợ hãi phát hiện nhiều gia đình thành phố chọn mua nhà chung cư để làm nơi lưu trữ tro cốt người thân

Chuyện đó đây - 2 ngày trước

"Trong cộng đồng cư dân, các tầng nhà hoặc thậm chí các tòa nhà có thể có nhiều tro cốt người chết hơn người sống", anh Vương trả lời phóng viên.

Thảm họa Aberfan qua hình ảnh: Câu chuyện có thật về thảm kịch chấn động xứ Wales năm 1966

Thảm họa Aberfan qua hình ảnh: Câu chuyện có thật về thảm kịch chấn động xứ Wales năm 1966

Chuyện đó đây - 2 ngày trước

Năm 1966, một thảm kịch kinh hoàng đã xảy ra tại Aberfan, một ngôi làng nhỏ ở Xứ Wales, và làm rung chuyển cả nước Anh.

Màn cầu hôn lãng mạn của cơ trưởng với tiếp viên hàng không xinh đẹp trên máy bay thu hút hàng triệu người quan tâm

Màn cầu hôn lãng mạn của cơ trưởng với tiếp viên hàng không xinh đẹp trên máy bay thu hút hàng triệu người quan tâm

Bốn phương - 2 ngày trước

GĐXH - Trên chuyến bay khởi hành từ thủ đô Warsaw đến Krakow, cơ trưởng Hanc đã ngỏ lời cầu hôn người yêu là tiếp viên hàng không và nhận được sự đồng ý của ‘nửa kia’.

Top