Hà Nội
23°C / 22-25°C

Hoàng Kim Ngọc đi tìm “Dấu vân chữ”

Thứ sáu, 16:10 23/09/2022 | Đời sống

Tuy còn một vài điểm cần thảo luận sâu thêm, nhưng nhìn khái quát, “Đi tìm dấu vân chữ” là một cuốn sách thể hiện những cố gắng tìm tòi của một tác giả có bề dày trong công tác giảng dạy và nghiên cứu. Nó là cuốn sách có ích gợi mở cho người đọc cách tiếp cận văn học từ nhiều góc độ, trong đó có góc nhìn của ngôn ngữ học.

Cách đây mấy năm, một hôm tôi nhận được tin nhắn của Hoàng Kim Ngọc muốn nhờ tôi đọc góp ý và biên tập cho một bài báo có nội dung đi tìm dấu vết những câu thơ sai. Tôi đã đọc và có dịp trao đổi với cô trước khi cho in lên tạp chí. Bài viết thể hiện cô là người luôn trăn trở mỗi khi gặp những hiện tượng biến thể  trong thơ - một hiện tượng ta gọi là "tam sao thất bản" hoặc "khẩu truyền biến dị".

Lần này nhận được cùng một lúc hai cuốn sách của Hoàng Kim Ngọc tặng, tôi rất vui vì thấy cô thuộc lớp lục tuần mà vẫn yêu nghề, say sưa với công việc nghiên cứu và giảng dạy. Trong khi, nhiều người có học vị TS, nhất là nữ, ở tuổi ấy đã thấy mệt mỏi muốn nghỉ ngơi. Nhiều vị còn tìm thú vui bằng các chuyến đi du lịch với gia đình và bằng hữu.

Bài viết dưới đây, chủ yếu bàn về cuốn "Đi tìm dấu vân chữ" (Nxb Hội Nhà văn, 2022).

Hoàng Kim Ngọc đi tìm “Dấu vân chữ”  - Ảnh 1.

"Đi tìm dấu vân chữ" của PGS.TS Hoàng Kim Ngọc (ảnh: FB tác giả)

Đây là công trình tập hợp lại các bài viết của  tác giả đã được công bố trên báo và tạp chí trong nhiều năm. Bởi vậy, có bài thiên về hướng nghiên cứu, có bài thiên về hướng phê bình. Nhưng, thiên hướng nghiên cứu chiếm chủ đạo. Điều này thể hiện rất rõ trong cách bố cục bài viết, cách triển khai các ý tưởng, cũng như những cung bậc cảm xúc của tác giả khi tiếp nhận các tác phẩm văn chương.

Mở đầu tập sách là bài bàn về thi pháp ngôn ngữ trong thơ Dương Kiều Minh.  Bài viết được bố cục thành ba mục lớn là I, II, III. Bài dài 24 trang, trong đó mỗi mục lại được phân ra thành các mục nhỏ như: 1,2,3… rồi chia nhỏ thành các tiểu mục:  2.1; 2.2 … Đây là cách bố cục thường gặp trong các giáo trình hay luận văn khoa học. Nó có lợi thế là mỗi mục hay tiểu mục có thể bàn về một vấn đề. Các vấn đề này được xếp sắp theo một  hệ thống chỉnh thể. Chẳng hạn, các vấn đề được Hoàng Kim Ngọc bàn về thi pháp ngôn ngữ trong thơ Dương Kiều Minh là: Thời gian nghệ thuật, Không gian nghệ thuật, Nghệ thuật miêu tả thời gian và không gian nghệ thuật trong thơ Dương Kiều Minh. Ở mỗi mục nghiên cứu này, Hoàng Kim Ngọc đã cố gắng lý giải cái nét riêng trong thi pháp của tác giả bằng việc so sánh với các thi sĩ khác. Ví dụ, nói về Thế giới mùi vị trong thơ Dương Kiều Minh cô đã so sánh với Đoàn Phú Tứ, Appollinaire (tr 24); nói về Thế giới hoa cỏ cô so sánh Dương Kiều Minh với Hoàng Cầm, Ngô Tự Lập, Võ Thị Xuân Hà (tr 25). Đây là thủ pháp so sánh, một thủ pháp rất cần cả trong nghiên cứu lẫn phê bình. Nó giúp người đọc có thể kiểm tra được các nhận định mà tác giả nêu ra. Ngoài ra, trong bài viết này, chất nghiên cứu còn thể hiện khá rõ trong cách thống kê tần số sử dụng các hình ảnh hay biểu tượng thơ. Ví dụ, ở tr 19, cô chỉ ra con số 237 lần hình ảnh về con đường xuất hiện trong Tuyển tập thơ Dương Kiều Minh, trong đó tần số sử dụng hình ảnh này ở mỗi bài cũng được chỉ ra cụ thể. Tương tự như vậy, ở tr 21, cô còn cho độc giả biết trong thơ Dương Kiều Minh có tới 50 loài hoa khác nhau. Điều này cho thấy sư lao động công phu, nghiêm cẩn của người viết. Tuy là một bài tham gia "Hội thảo" nhưng dễgợi cho bạn đọc cảm nghĩ nó có giá trị ngang với phần trích của một đề tài nghiên cứu về tác giả mà cô thực hiện.Nhờ đó, bài viết có độ sâu và có hàm lượng mới về khoa học. Đó là một trong các bài viết rất công phu ở tập sách này.

Trong toàn bộ công trình, có một số bài viết của Hoàng Kim Ngọc còn thiên về giới thiệu sách như: "Một tiểu từ điển về ngôn ngữ bóng đá" ( tr174 hoặc kết hợp phê bình với cách viết tản văn về nghề "Nghĩ về viết ngắn và…" ( tr 219). Tôi gọi bài ở tr 174 là bài viết thiên về giới thiệu vì ở bài viết này Hoàng Kim Ngọc muốn bạn đọc hiểu thêm về một loại thơ mang dấu ấn rất rõ về nghề nghiệp của người viết, thông qua cách sử dụng các nhóm từ như: Tiếng lóng, hoán dụ,ẩn dụ, chơi chữ, thủ pháp giễu nhại, thành ngữ, ngôn ngữ miêu tả…Trong bài viết ở tr 219, ngoài phần bình luận chính về tác phẩm và cách viết của Văn Giá, tác giả còn có những đoạn mở rộng thể hiện suy nghĩ của mình về xu hướng viết ngắn của nhiều tác giả như  Y Ban, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Đình Chính (phần đầu). Không những thế, cô còn bộc lộ cho bạn đọc cách nghĩ của mình về "đọc ngắn" (khi theo dõi các câu chuyện nhỏ trên Facebook) và xu hướng viết email ngắn gọn được nhiều CEO trên thế giới áp dụng ( tr 220-221). Điều đó cho thấy, khi viết tiểu luận phê bình Hoàng Kim Ngọc luôn có xu hướng tìm tòi nhiều cách viết khác nhau, nhằm tránh sự trùng lặp để người đọc không bị nhàm chán. Nhìn chung, cách viết của Hoàng Kim Ngọc luôn có độ mở. Vì thế, cũng có bài cô thiên về dạng "trao đổi khoa học" để cùng bạn đọc suy nghĩ thêm một số hiện tượng phức tạp trong cách đánh giá về biến đổi thể loại. Bài "Về một ý kiến xung quanh vần luật thơ thơ lục bát của Nguyễn Du và Nguyễn Duy" ( tr.126) là kiểu bài như vậy. Nói chung, ở dạng bài viết nào Hoàng Kim Ngọc cũng tỏ ra thận trọng, từ tốn trong đánh giá, biểu thị rõ tính cách của một nữ nhà giáo có kinh nghiệm trong nghề. Lời khen chê của cô không quá vồ vập, dễ dãi, cũng không quá khắt khe. Đó là những nhận định được rút ra từ việc phân tích văn bản dưới góc độ hình thức – tức từ các giá trị của cách biểu đạt ngôn ngữ của mỗi nhà văn, nhà thơ. Cách phân tích như vậy rất có ích với việc rèn luyện tư duy cho sinh viên. Đó là những bài tiểu luận hay là các chuyên đề nhỏ về một khía cạnh của chuyên môn hoặc về một phương diện của phong cách tác giả. Nhờ vậy, bạn đọc có thể phần nào hình dung rõ hơn đặc điểm phong cách của các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Phúc Lộc Thành, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Hồng Thanh Quang, Đỗ Trọng Khơi…

Hoàng Kim Ngọc đi tìm “Dấu vân chữ”  - Ảnh 2.

Tác giả bên "đứa con tinh thần" của mình (ảnh: FB tác giả)

Trong toàn tập tiểu luận phê bình của Hoàng Kim Ngọc có lẽ chỉ có hai bài duy nhất viết theo phong cách của một bài phê bình. Đó là bài "Cảm nhận về tập thơ Lữ hành của Hữu Đạt" và bài "Hình ảnh người vợ trong thơ Trịnh Thanh Sơn. Ở hai bài viết này, Hoàng Kim Ngọc hoàn toàn viết theo cảm xúc nên cách bình luận của cô khá bay bổng, có lúc đắm say, hòa điệu cùng tác giả. Có hai lý do để giải thích hiện tượng này. Thứ nhất, đây là hai tập thơ đều có nhiều bài viết về mẹ và phụ nữ với những hình tượng khá đẹp. Chính vì thế, nó dễ làm rung động trái tim của người cùng giới. Khi đọc các bài thơ đó, Hoàng Kim Ngọc nhập tâm với tư thế ở cả hai vai: vai người mẹ và vai người phụ nữ. Thứ hai, do gần gũi trong nghề nghiệp, ít nhiều có tiếp xúc ở mức độ thân thiết nên Hoàng Kim Ngọc dễ có những chia sẻ thân tình. Chẳng hạn, khi đóng vai là người phụ nữ đã luống tuổi, Hoàng Kim Ngọc tỏ ra cảm thông và tỏ ra đồng cảm với  những phụ nữ được miêu tả trong bài "Gặp bạn cũ" của Hữu Đạt: "Mới năm nào bạn đến nước Nga / Gặp tôi ở cổng trường Lômônnôxốp / Mái tóc bạn xanh đen màu mực /Nụ cười phóng khoáng trẻ trung / Thoắt đi đã mấy chục năm / Đường đi mấy đoạn" dao quăng" đã già / Bạn không còn tóc đen/ như trước / Nụ cười héo theo tháng năm / Sách đọc mỗi ngày mỗi ít/ Tai nghe / câu được câu chăng". Sự đồng cảm đã làm cho cô phải thốt lên: "Ôi, không gì có thể cưỡng lại được qui luật "sinh lão bệnh tử" của muôn đời, "Đời người như bóng câu qua cửa", Hữu Đạt đã chốt lại bài thơ với triết lý: "Kiếp người đi qua chóng vánh / Mùa thu vẫn thế muôn đời / Trăng vàng vẫn thường đỏng đảnh / Đi qua trước bạn và tôi".

Cũng chính vì Hoàng Kim Ngọc là một cô giáo, lại là học trò của rất nhiều thầy cô nên khi bình những bài thơ chân dung viết về các nhà giáo, cô viết như nhớ về ký ức thời sinh viên: "Trong bài "Có một niềm tin" (Kính tặng Thầy H.T.P) chân dung, thần thái của Thầy được hiện ra rõ ràng như con người bằng xương bằng thịt và tôi nhận ra ngay đó chính là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến – người thầy yêu kính của tôi: "Vẫn mái tóc bồng bềnh thời trai trẻ / Vẫn nụ cười bát ngát lúc còn xuân / Tuổi tám mươi vẫn phóng xe đến lớp / Có đến hai hay ba buổi mỗi tuần / Đôi tay múa những vòng như nghệ sĩ / Giọng bổng trầm như tiếng sáo diều ngân / Chân uyển chuyển bước đi theo dáng người vóc hạc/ Bóng vờn bay trên giáo án mỗi phần…". Cô nhận định mảng thơ chân dung và đặc đặc biết chân dung các nhà giáo" là "đặc sản" của thơ Hữu Đạt" (tr 190-191). Trong một số lời bình về thơ Trịnh Thanh Sơn, Hoàng Kim Ngọc cũng triển khai theo cách viết như thế. Cô viết bằng cảm xúc của người phụ nữ được yêu: "Nhà thơ xót xa thương lắm người yêu nhỏ bé có những ngón tay gầy "Mười sáu tuổi lần đầu / Em bắc cầu giải yếm / Cho người qua / Ôi thương đóa Trà mi!". Có khi là cám xúc xót thương và thông cảm:

"Vì đi trước thời đại nên chị như một hành tinh lưu lạc giữa trời, cô đơn và ít được mọi người thông cảm:

Em là của cách đây hang thế kỷ/ Nên chiều nay/ Em cô đơn đi giữa mọi người...

Người đàn bà ấy nhiều nước mắt trong cái thời ấu trĩ của xã hội ấy:

Nước mắt em/ Lăn trên ngực anh/ Như chuỗi cườm sang chói/ Em ơi …/ Chân trời thì xa/ Nước mắt em có thật/ … / Ngày cũ đã lùi xa/ Ta vẫn nhớ em rất nhiều nước mắt (Nguyệt thực)".

Khi bình về những bài thơ viết về tình yêu, về mẹ và phụ nữ nói chung, Hoàng Kim Ngọc thường là người nhập cuộc với cảm xúc dâng trào nhất.

Hoàng Kim Ngọc đi tìm “Dấu vân chữ”  - Ảnh 3.

PGS.TS Hoàng Kim Ngọc (ảnh: FB tác giả)

Nói như vậy không có nghĩa là, chỉ những bài viết theo phong cách phê bình thì văn của Hoàng Kim Ngọc mới bay bổng. Ngay trong các bài thiên về phong cách nghiên cứu, nhiều lời bình của Hoàng Kim Ngọc cũng rất thăng hoa. Chẳng hạn, khi bình về những sáng tạo mới của Nguyễn Phúc Lộc Thành, cô viết: "Hình như, dưới con mắt của Nguyễn Phúc Lộc Thành, thiên nhiên và phụ nữ đều thơm ngậy, tỏa hương: bùn cũng là hoa (gót lấm hoa bùn – GMST 28) nên bùn cũng… thơm và buổi chiều cũng… thơm (Chiều thơm dưới vạt lụa ngoan- chiều thứ 05)… Con người đẹp trong thơ anh lúc nào cũng tỏa hương: Mi thơm rủ xuống dại ngây/ Hương em rợp cả ngàn cây bóng đồi ((GMST 25); Dải chầm chậm cởi/ Em vồi vội hương (GMST 12)"

Ngoài những ưu điểm và đóng góp đáng ghi nhận, bạn đọc còn muốn Hoàng Kim Ngọc phân tích kỹ hơn bản chất của các hiện tượng ngôn ngữ liên quan đến phong cách sáng tạo của tác giả để vấn đề đặt ra giải quyết cho thật "tới" và triệt để về sự sáng tạo trong kết hợp từ của nhà thơ.

Riêng cách biện luận của Chu Văn Sơn cho rằng "Ôi tiếng Việt như bùn, như lụa…" mới là gene chữ của Lưu Quang Vũ, cũng đã tạo ra một số tranh luận đã xảy ra khi bài thơ của Lưu Quang Vũ được chọn làm đề thi. Để độc giả cùng suy nghĩ xem biến thể nào mới là đích thực của Lưu Quang Vũ , chúng tôi xin có l ời bàn như sau: câu này, nếu hiểu theo cách của Chu Văn Sơn là "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa" có cái gì đó khiên cưỡng và chưa ổn. Bởi, "tiếng" hay ngôn ngữ chính là hơi thở của một dân tộc. Còn "đất cày" là nguồn sống, là môi trường sinh tồn của người nông dân (Việt Nam là nước nông nghiệp). Nhà thơ coi tiếng Việt là sản phẩm quí báu giống như đất là thứ nuôi sống con người, như "lụa" là thứ làm đẹp cho con người (Người sao gấm hoa lụa là đến vậy; Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân …). Đó mới là so sánh hợp với tư duy của người Việt. Tiếng Việt mà lại ví với "bùn" vì coi "bùn" mang nghĩa "nhọc nhằn vất vả" thì đó chỉ là một cách suy nghĩ theo kinh nghiệm cá nhân!Còn trong nhận thức chung, từ dân gian đến hiện đại, bùn vẫn thường được tri nhận như là cái gì đó hôi hám, tanh tưởi:  "Trong đầm gì đẹp bằng sen …Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn"; hoặc là cách sống khó chấp nhận: "Cậu ấy sống bùn lắm

Tuy còn một vài điểm cần thảo luận sâu thêm, nhưng nhìn khái quát, "Đi tìm dấu vân chữ" là một cuốn sách thể hiện những cố gắng tìm tòi của một tác giả có bề dày trong công tác giảng dạy và nghiên cứu. Nó là cuốn sách có ích gợi mở cho người đọc cách tiếp cận văn học từ nhiều góc độ, trong đó có góc nhìn của ngôn ngữ học.

Hữu Đạt

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bước qua tháng 4 âm lịch Giáp Thìn, 4 con giáp may mắn, hạnh phúc viên mãn nhờ cát tinh soi chiếu

Bước qua tháng 4 âm lịch Giáp Thìn, 4 con giáp may mắn, hạnh phúc viên mãn nhờ cát tinh soi chiếu

Đời sống - 32 phút trước

GĐXH – Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà đã có những dự báo xem tử vi tháng mới. Bước qua tháng 4 âm lịch Giáp Thìn, dưới đây là top 4 con giáp may mắn, hạnh phúc viên mãn nhờ thu hút vận khí tốt.

Sau 2 ca phẫu thuật, sức khỏe nữ bác sĩ gặp nạn tại The Coffee House hiện ra sao?

Sau 2 ca phẫu thuật, sức khỏe nữ bác sĩ gặp nạn tại The Coffee House hiện ra sao?

Đời sống - 4 giờ trước

GĐXH - Sau 2 ca phẫu thuật, sức khỏe nữ bác sĩ Hoàng Minh Lý (bác sĩ nội trú ung thư, đang công tác tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều) vẫn còn yếu, quá trình chăm sóc và hồi phục sau này dự kiến sẽ rất khó khăn.

Tử vi 12 con giáp hôm nay ngày 11/5/2024: Mão gây mất lòng, Tý được nhiều người ủng hộ

Tử vi 12 con giáp hôm nay ngày 11/5/2024: Mão gây mất lòng, Tý được nhiều người ủng hộ

Đời sống - 6 giờ trước

GĐXH - Tử vi 12 con giáp hôm nay 11/5/2024 sẽ có những điều bất ngờ gì?

Điểm mới về bảng lương theo vị trí việc làm, cán bộ, công chức và viên chức cần biết sau cải cách tiền lương

Điểm mới về bảng lương theo vị trí việc làm, cán bộ, công chức và viên chức cần biết sau cải cách tiền lương

Đời sống - 13 giờ trước

GĐXH - Trả lương theo vị trí việc làm là việc căn cứ vào từng chức danh, chức vụ, cơ cấu tổ chức để xác định mức lương cụ thể cho từng đối tượng. Sau cải cách tiền lương, bảng lương theo vị trí việc làm cho cán bộ, công chức và viên chức có điểm gì mới?

2 lỗi bảo quản sổ hồng thường gặp có thể khiến nhiều người bị mất tiền oan

2 lỗi bảo quản sổ hồng thường gặp có thể khiến nhiều người bị mất tiền oan

Đời sống - 1 ngày trước

GĐXH - Việc bảo quản sổ hồng không đúng cách khiến cho nội dung trên sổ bị nhoè, hay mất chữ,.. có thể kiến cho việc công chứng trở nên vô cùng khó khăn.

Nhận được tin này, công chức thấy tiếc khi 4 khoản thu nhập sẽ không được nhận từ 1/7/2024

Nhận được tin này, công chức thấy tiếc khi 4 khoản thu nhập sẽ không được nhận từ 1/7/2024

Đời sống - 1 ngày trước

GĐXH - Từ ngày 1/7/2024, chính sách cải cách tiền lương sẽ được thực hiện, trong đó có nhiều khoản thu nhập của công chức sẽ không còn. Vậy đó là những khoản nào?

Nhân viên 'chạy mất dép' vì công ty áp KPI chạy bộ và đọc sách

Nhân viên 'chạy mất dép' vì công ty áp KPI chạy bộ và đọc sách

Đời sống - 1 ngày trước

GĐXH - Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền video cô gái “bóc phốt” công ty có "văn hóa" áp KPI chạy bộ, đọc sách và nhận được nhiều chiều ý kiến phản hồi từ cộng đồng mạng.

Nữ sinh 15 tuổi mất liên lạc 2 ngày với gia đình sau buổi học

Nữ sinh 15 tuổi mất liên lạc 2 ngày với gia đình sau buổi học

Đời sống - 1 ngày trước

Cơ quan Công an thị trấn Hậu Hiền (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vừa phát đi thông báo tìm kiếm nữ sinh mất liên lạc với gia đình đã 2 ngày, sau buổi đi học.

Tử vi 12 con giáp hôm nay ngày 10/5/2024: Có 2 con giáp vượng phát, tiền tài khởi sắc

Tử vi 12 con giáp hôm nay ngày 10/5/2024: Có 2 con giáp vượng phát, tiền tài khởi sắc

Đời sống - 1 ngày trước

GĐXH - Tử vi cho 12 con giáp vào ngày 10/5/2024 sẽ mang lại những điều bất ngờ nào cho các con giáp?

Mua vé tại một điểm bán hàng, bất ngờ 2 người cùng trúng Vietlott với tổng số tiền gần 70 tỷ

Mua vé tại một điểm bán hàng, bất ngờ 2 người cùng trúng Vietlott với tổng số tiền gần 70 tỷ

Đời sống - 1 ngày trước

GĐXH - Mới đây, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) thông báo đã tìm ra 2 chủ nhân cùng trúng giải Jackpot 1 và 2 của xổ số Power 6/55 với tổng giá trị lên tới gần 70 tỷ.

Top