Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nỗi khổ của người phụ nữ không nhớ hết tên con

Thứ tư, 11:00 19/08/2015 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - “Cái cần cao thì chưa cao, cái cần thấp thì lại “treo” cao tít”, ông Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang đã hóm hỉnh chia sẻ như vậy khi chúng tôi đến Hà Giang tìm hiểu về công tác dân số trong những ngày giữa tháng 8 vừa qua. “Cái cần cao” mà người đứng đầu ngành Y tế Hà Giang nói đến là chất lượng dân số, những dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Còn “cái cần thấp” là mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, rồi tảo hôn - kết hôn cận huyết thống - những chỉ số này, từ nhiều năm nay, Hà Giang luôn đứng “top đầu” cả nước…

Người phụ nữ này năm nay 46 tuổi, 13 lần mang thai, 12 lần sinh, 1 lần chết hụt vì phá thai to và đã mất 2 đứa con vì nghèo đói. Chuyện  bà sinh quá nhiều, thậm chí còn ám ảnh, đeo bám tâm trí của những người con…

 

46 tuổi nhưng người phụ nữ này đã 13 lần mang thai, 1 lần suýt chết vì tự phá thai. 	
Ảnh: V.Thu
46 tuổi nhưng người phụ nữ này đã 13 lần mang thai, 1 lần suýt chết vì tự phá thai. Ảnh: V.Thu

 

46 tuổi, 13 lần mang thai

Từ trung tâm TP Hà Giang, chúng tôi ngược 46km lên huyện vùng cao Quản Bạ. Đi cùng tôi là anh Lý Chí Phương – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh. Anh Phương cho biết: Năm 2014, tỷ lệ sinh của huyện là gần 24%o, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên gần 17%. Báo cáo thống kê của huyện Quản Bạ cho con số 14 cặp tảo hôn, 1 cặp kết hôn cận huyết thống trong năm.

Sau hơn 1 tiếng rưỡi “phi xe” đến thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, anh Phương “bàn giao” tôi cho anh Hà Xuân Hảo – cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện với “lời hẹn”: “Tìm cho nhà báo gia đình nào sinh đông con nhất huyện nhé”. Anh Hảo cười bảo: “Vào xã Thái An thôi. Có trường hợp một phụ nữ 46 tuổi mới sinh con thứ 12 đấy!”.

Thái An là xã xa nhất huyện, cách trung tâm 31 cây số đường đèo, đi xe máy nếu quen đường sẽ hết khoảng 1 tiếng rưỡi. Vừa đi đường, anh Hảo vừa tranh thủ “trích ngang hồ sơ” về trường hợp này. Đó là gia đình ông Sùng Mí Cho và bà Hạ Thị Chợn (46 tuổi, dân tộc Mông, ở thôn Cán Hồ). Hiện đây là gia đình sinh đông con nhất huyện.

Trước khi vào thôn, chúng tôi ghé qua UBND xã. Chị Đinh Thị Toán, Phó Chủ tịch UBND xã tiếp chuyện chúng tôi. Dù là người ngoại tỉnh, mới nhận công tác tại xã vài năm nhưng chị Toán có thể kể vanh vách từng hộ gia đình tại xã khó khăn nhất huyện này, đủ thấy chị tâm huyết với người dân, với ngành Dân số nơi đây ra sao. Chị cho biết, xã có hơn 400 hộ, với hơn 3.000 dân. Tính ra, mỗi hộ có tới hơn 7 người. Chuyện sinh đông con, sinh con thứ 3 trở lên ở xã vẫn còn. Có thôn cũng đề ra trong hương ước, quy ước hình thức xử lý rất nghiêm khắc khi sinh con thứ 3, thứ 4... nhưng công cuộc giảm sinh ở đây vẫn còn “nan giải lắm”.

Sinh nhiều nên không nhớ hết tên con!

Chúng tôi đã “rủ rê” anh Sùng Mí Páo (28 tuổi) – con trai cả của bà Chợn - ông Cho (hiện là cán bộ phụ trách công tác dân tộc tại UBND xã) về nhà bố mẹ đẻ, nhưng vì nhiều lý do, anh Páo không đi cùng được. “Dù hiện tại mẹ có 10 người con, 5 trai – 5 gái, nhưng sự thật thì mẹ mang thai tới 13 lần, sinh ra 12 đứa. Không lần nào mẹ đi khám thai”, anh Páo nói.

Anh Páo kể, cũng vì mẹ sinh quá nhiều con, nên anh em nhà anh hầu như... tự lớn lên. Tôi cười hỏi anh, liệu có khi nào bố mẹ anh quên tên các con không. “Có chứ! Có nhầm đấy! Đông thế cơ mà!”, anh Páo cười. Nói là xấu hổ thì hơi quá, nhưng dường như chuyện bố mẹ anh sinh quá nhiều con đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người con trai cả này. Anh kể, sinh đông con, nhà anh nghèo đến mức đã có một người em  (1 tuổi) mất vì suy dinh dưỡng nặng, còn một em khác (5 tuổi) bị mụn nhọt đầy người, không chữa được do không tới bệnh viện nên cũng ra đi.

Sau khi mẹ anh sinh đứa con thứ 11 (năm 2009), anh đã chính thức “nói chuyện” với mẹ anh về chuyện nên dừng việc sinh đẻ. Nhưng bà để ngoài tai, chỉ mấy năm sau, mẹ anh lại mang thai lần thứ 12 khi đã ngoài 40 tuổi. Khi thai được 7 tháng tuổi, không hiểu vì nghe ai xúi giục, mẹ anh đã uống thuốc cho thai tự hủy. “Mẹ không cho ai biết chuyện. Đến khi phải đi cấp cứu vì thai dù đã chết vẫn không ra được, mẹ lại bị chảy máu nhiều, suýt chết”, anh Páo xót xa kể lại.

Tưởng rằng mẹ anh sẽ từ bỏ ý định sinh con tiếp, nhưng đến năm 2013, bà lại mang thai lần thứ 13 và sinh em út. “Thậm chí các con tôi còn nhiều tuổi hơn cả em út của tôi”, anh Páo cười buồn. “Nhìn cảnh mẹ lam lũ vất vả nên sau khi vợ tôi sinh đứa con thứ 2 mấy tháng, tôi đã động viên cô ấy đi đặt vòng ngay trong đợt Chiến dịch vừa rồi, không thể để các con tôi chịu nỗi khổ vì đông con - nghèo đói như chúng tôi đã từng chịu được!”, anh Páo chia sẻ trước khi chúng tôi chia tay để vào thăm nhà bà Chợn…

Vòng luẩn quẩn

Bà Chợn không biết nói tiếng Kinh. Đến thăm hộ gia đình bà Chợn cùng tôi và anh Hảo, còn có anh Lùng và một chị Phó Chủ tịch hội Phụ nữ xã.

Tới cuối thôn, nếu không được anh Lùng chỉ tay lên ngôi nhà thấp thoáng phía trên một đồi đất thì tôi cũng không biết, bởi nhà không hàng rào, không cổng, và cả... không có cả lối lên vì xung quanh um tùm cỏ. Vì tới thăm nhà lúc gần trưa, nên chúng tôi không gặp được ông Sùng Mí Cho – chủ nhà và đầy đủ các cháu bởi ông Cho đi làm nương từ sớm. Nhà lúc đó chỉ có bà Chợn và hai đứa con ít tuổi nhất. Cũng như nhiều ngôi nhà trình tường khác của người Mông, ba gian nhỏ xíu nhà bà Chợn được dựng sát đất. Trong nhà, chỉ vẻn vẹn chiếc giường nhỏ xíu kê khuất, nền đất mấp mô ổ gà, ánh sáng lọt qua khe cửa chính khép hờ. Ba gian nhà trống hoác đến mức ước chừng lũ trẻ con có bò, trườn, chạy rượt đuổi nhau trong nhà cũng chẳng lo vấp phải thứ đồ đạc nào, ngoài cái bếp lửa buộc phải có và cột to nhất trong nhà để chôn rau đứa con trai khi sinh ra (theo phong tục người Mông). Như biết được suy nghĩ của tôi, anh Hảo xót xa: “Thế mà 12 đứa trẻ đã ra đời, lớn lên trong ngôi nhà này”. Thứ có giá trị “an ủi” nhất trong ngôi nhà bà Chợn là tờ giấy chứng nhận tham gia một cuộc thi của Trường Trung cấp Y tế Hà Giang cấp cho người con trai thứ 2 của bà.

Bà Chợn ngồi trước mặt tôi, lưng địu con út mới tròn 1 tuổi đang ngủ, vừa thoăn thoắt tách hạt bắp ngô vàng mới phơi khô, vừa nói chuyện với con gái áp út tháng 9 này vào lớp 1 nhưng còm nhom trông như em bé 4 tuổi. Chị phiên dịch bảo, ngô này cho gà ăn. “Vậy bà Chợn nuôi con bằng gì khi quanh năm chỉ mang thai rồi sinh đẻ?”, tôi hỏi. “Cũng bằng ngô này thôi! Cùng với rau, quanh năm lũ trẻ chỉ biết mèn mén. Có bao giờ biết mùi thịt, cá gì đâu! Có khi chỉ có Tết mới biết đến thịt mỡ”, chị phiên dịch nói.

Bà Chợn không nhớ nổi chính xác mình sinh năm bao nhiêu, chỉ ước chừng năm nay 46 - 47 tuổi. Nhưng vẻ ngoài của người phụ nữ 13 lần mang thai này lại cho người đối diện cảm giác bà đã ngoài 60, với lưng còng, gày gò, nhăn nheo, hàm răng đã rụng khá nhiều. Bà cũng không nhớ gia đình mình là hộ nghèo từ năm nào, bởi... “lâu quá rồi”! Loanh quanh vài câu hỏi về ngày mùa, con cái đi học, rồi nhắc tới chuyện sinh con đông, bà có vẻ ngại ngùng. Trước khi rời khỏi căn nhà lụp xụp cuối thôn đó, tôi hỏi người phụ nữ dân tộc Mông này có ý định sinh thêm con nữa hay không, sự hồn nhiên của bà khi đáp lời khiến chúng tôi ám ảnh mãi, rằng ngày trước thì nhất định phải “đẻ cho hết trứng thì thôi”, nhưng cả năm nay không thấy “cái ấy” (kỳ kinh nguyệt) trở lại, chắc không đẻ được nữa rồi! Tôi cùng anh Hảo trộm nghĩ: “Không chừng bà lại có thêm đứa con thứ 14…”(?!).

 

Anh Lý Mí Lùng cho hay: Tại xã Thái An, không ít gia đình sinh tới con thứ 7, thứ 8, hầu hết đều là những người trên 40 tuổi. “Vận động, tuyên truyền cho những đối tượng này rất khó, không như với những người trẻ tuổi như thế hệ chúng tôi. Họ cũng rất ngại đến Trạm Y tế xã để khám thai, đặc biệt là lần sinh thứ 3 trở lên, một phần vì xấu hổ, tự ti, thậm chí là... sợ bị phát hiện. Thêm nữa, người dân tộc Mông vì quan niệm cũ không muốn ai nhìn thấy “chỗ ấy” của phụ nữ ngoài chồng, kể cả cán bộ y tế. Đó là lý do họ vừa không đi khám thai, không muốn đến cơ sở y tế đẻ, thậm chí, không đặt vòng tránh thai”, anh Lùng chia sẻ.  

(còn nữa)

Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Thuốc điều trị bệnh lậu

Thuốc điều trị bệnh lậu

Dân số và phát triển - 15 giờ trước

Bệnh lậu có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng lậu kháng thuốc ngày càng tăng. Do đó cần điều trị theo kháng sinh đồ. Sau khi hết đợt điều trị mà vẫn còn triệu chứng, bệnh nên đến gặp bác sĩ.

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Thời tiết mùa hè nóng bức ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ mang thai. Quá nóng khi mang thai có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Duy trì sức khỏe âm đạo là một phần không thể thiếu để có sức khỏe tổng thể và việc thích ứng với những thay đổi theo mùa có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề tiềm ẩn.

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Nếu thường xuyên cảm thấy chướng bụng, nôn nao, mệt mỏi, dễ xúc động hoặc đang quá phụ thuộc vào caffeine hay đường, có thể là do rối loạn nội tiết tố. Tham khảo cách cải thiện bằng chế độ ăn uống.

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

GĐXH - Ngành Y tế Quảng Bình đang tập trung triển khai các hoạt động nhằm cải thiện sức khỏe cho đồng bào, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em...

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Việc vệ sinh vùng kín của nam giới hàng ngày là điều cần thiết. Nhưng vệ sinh vùng kín cho nam đúng cách thế nào không hẳn ai cũng biết.

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Gửi tinh trùng vào ngân hàng chờ làm bố

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Nhiều người đàn ông sợ biến chứng quai bị hay phải điều trị ung thư đã gửi tinh trùng vào ngân hàng, để sau này vẫn có thể thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con.

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Các bệnh do nhiễm nấm Candida tuy gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng thường dễ điều trị và ít khi đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, tình trạng sẽ nghiêm trọng khi nấm Candida xâm nhập vào máu gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vòng tránh thai chui nhầm ổ bụng 2 người phụ nữ

Vòng tránh thai chui nhầm ổ bụng 2 người phụ nữ

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Các bác sĩ vừa xử trí cấp cứu 2 phụ nữ bị vòng tránh thai lạc chỗ trong ổ bụng.

Gặp ai cũng hỏi "sao mãi mà chưa có con", khi nhìn thấy tấm hình này mới thấu cảm giác bất lực của người mẹ

Gặp ai cũng hỏi "sao mãi mà chưa có con", khi nhìn thấy tấm hình này mới thấu cảm giác bất lực của người mẹ

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Có lẽ chỉ những người mẹ phải trải qua tình cảnh này mới có thể thấu hiểu được.

Top