Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nỗ lực nâng cao Tầm vóc Việt

Thứ sáu, 07:00 24/01/2020 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - Nam thanh niên Việt Nam chỉ cao 164,4cm, còn với nữ là 153,6cm. Chúng ta đang thuộc top “thấp bé nhẹ cân” nhất thế giới? Kỳ vọng nào cho tầm vóc Việt? Những câu hỏi đó đang cần lời giải để nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm một thế hệ khỏe mạnh ngay từ khi chào đời.

Nỗ lực nâng cao Tầm vóc Việt  - Ảnh 1.

Ảnh: Chí Cường

Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ chiều cao của thế giới?

Trên bản đồ chiều cao thế giới, trong vòng 100 năm qua, mức tăng chiều cao trung bình lớn nhất là nữ giới Hàn Quốc (tăng 20,2cm) và nam giới Iran (tăng 16,5cm). Mức chênh lệch giữa quần thể cao nhất và thấp nhất thế giới là khoảng 19-20cm, gần như không thay đổi trong vòng 100 năm qua.

Sở hữu vị trí số 1 trên bảng tổng sắp chiều cao nam giới trưởng thành thuộc về Hà Lan. Đàn ông tại xứ sở hoa tuylip ở châu Âu này cao tới 182,5cm. Trong khi đó, đàn ông Đông Timo - một đất nước ở khu vực Đông Nam Á chỉ cao 160cm, thấp nhất thế giới.

Đối với nữ giới, vị trí thấp nhất thuộc về Guatemala với 149cm, vẫn "dậm chân tại chỗ" kể từ năm 1914. Trong khi đó, vô địch chiều cao thuộc về Cộng hoà Latvia (170cm) – đất nước châu Âu có sức hấp dẫn diệu kỳ với những phong tục được bảo tồn hàng thế kỷ.

GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, theo kết quả Tổng điều tra năm 2010 và điều tra giám sát dinh dưỡng hàng năm, chiều cao trung bình đạt được (tức là mức cao nhất đạt đến) của thanh niên Việt Nam hiện nay nằm ở nhóm tuổi 20-24. Theo đó chiều cao của nam giới Việt Nam là 164,4cm, đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới. Con số này đối với nữ giới là 153,6cm, đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới. Nếu tính riêng ở các thành phố lớn thì nam giới cao 167,4cm và nữ 154,7cm; vùng nông thôn chiều cao thấp hơn với nam 164,1cm và nữ 153,2m.

Chiều cao này còn thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng hơn 10 cm và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc). So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, người Việt cao hơn 5 nước là: Phillipines, Indonesia, Campuchia, Lào, Đông Timo; xấp xỉ Mianmar, thua Thái Lan, Malaysia, Brunie, Singapore. Đây là số liệu chính thức từ các cuộc điều tra tại Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Y tế trong nhiều cuộc họp thẳng thắn thừa nhận, chiều cao của người Việt Nam tăng rất ít trong những năm qua và chậm hơn các nước. 100 năm qua, nữ giới Việt Nam cao thêm 8,8cm, nam là 9,1cm. Từ năm 1975 - 2000 (sau chiến tranh, đổi mới), chiều cao nam thanh niên tăng chậm, trung bình 1,1cm mỗi thập kỷ. Tuy nhiên từ sau năm 1990, trẻ em bắt đầu tăng chiều cao. Đặc biệt, năm 2000 đến nay chiều cao nam đã tăng thêm 2,1cm, nữ 1cm. "Đây là mức tăng nhanh nếu so với các quốc gia khác trên thế giới. Ở các nước, như Nhật Bản, khi đã đạt được chiều cao như trên, trong 10 năm qua họ chỉ cao thêm 0,3 - 0,5cm. Chúng ta đang ở tốc độ tăng nhanh như thời kỳ vàng người Nhật trải qua. Đến giờ người Nhật không đạt được mức tăng như vậy nữa", GS.TS Lê Danh Tuyên nói.

Tầm vóc người Việt chắc chắn sẽ tăng cao

Với mức tăng trưởng chiều cao 2,1cm trong vòng 10 năm qua, GS.TS Lê Danh Tuyên cho rằng hứa hẹn chắc chắn chiều cao thanh niên Việt Nam các thế hệ sau sẽ tăng tiếp tục với tốc độ nhanh.

Là người từng tham gia chương trình phòng chống suy dinh dưỡng từ năm 1998 - 2007, TS Trương Hồng Sơn nhìn nhận dù chiều cao người Việt tăng chậm hơn so với các nước, tuy nhiên qua các đợt tổng điều tra cho thấy đang có xu hướng tăng nhanh và hứa hẹn các thế hệ sau sẽ tiếp tục tăng đột phá.

Nhìn vào đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam có thể thấy rõ cơ sở của các nhà khoa học về niềm tin tăng trưởng chiều cao thanh niên nước nhà. Đội tuyển U23 Việt Nam dự vòng loại U23 châu Á 2020 là tập thể có chiều cao trung bình đạt 177,7cm. Đây là lứa các cầu thủ sinh năm 1997- 2000. Năm 2014, chiều cao trung bình của các tiền đạo được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam đạt giới hạn cao nhất là 176cm với những tên tuổi như Công Vinh (170cm), Anh Đức, Văn Quyết (172cm) cho chiến dịch AFF Suzuki Cup 2014. Trước đó, năm 2011, 2016 và 2017, đội tuyển Việt Nam sở hữu hàng công có chiều cao khiêm tốn nhất với chỉ 171cm.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030, với mục tiêu nâng chiều cao trung bình nam thanh niên 18 tuổi lên 167cm vào năm 2020 (tăng 2,6cm so với năm 2009), với nữ thanh niên mục tiêu tương ứng là 157cm (tăng 3,4 cm); đến năm 2030 mục tiêu là nam thanh niên cao trung bình 168,5cm, nữ 157,5cm. Được biết, hiện nay Viện Dinh dưỡng Quốc gia và các đơn vị liên quan đang tiến hành tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc, sẽ được công bố năm 2020. Đây sẽ là câu trả lời khách quan, chính xác cho hiệu quả của Đề án này giai đoạn 1; Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng 2011 - 2020…

4 lý do khiến thiếu niên Việt "thấp bé nhẹ cân"

Theo ông Sơn, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc: Giới tính, gene, dinh dưỡng, hoạt động thể lực/giấc ngủ, môi trường/bệnh tật. Còn theo công bố tại lễ phát động chương trình "Nâng cao tầm vóc Việt" năm 2014 về các yếu tố ảnh hưởng chiều cao người Việt thì có 4 nhóm yếu tố: Di truyền (23%), tâm lý/môi trường sống (25%), rèn luyện thể lực, (20%), dinh dưỡng (32%). Dù chia theo cách nào, thì các nhà khoa học cũng thống nhất, 2 nhóm ảnh hưởng gồm: Bên trong (gene di truyền) và bên ngoài (dinh dưỡng, rèn luyện, bệnh tật…). Trong đó, gene góp 20-25% sự ảnh hưởng tới chiều cao, nhưng để đạt được chiều cao nhất (so với kỳ vọng), phụ thuộc vào điều kiện nuôi dưỡng như dinh dưỡng, tập luyện, tình trạng bệnh tật...

Còn PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia lấy ví dụ: Nhiều trường hợp trẻ có cha mẹ là người Việt sinh sống ở Pháp, Mỹ, Nhật, khi trưởng thành, các em cao tương đương, thậm chí nhỉnh hơn bạn đồng trang lứa ở nước sở tại. "Điều này cho thấy chiều cao không hoàn toàn do gene mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động, đặc biệt là việc trẻ từ trong bụng mẹ có được chăm sóc đúng cách", PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói.

Các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra 4 lý do khiến trẻ Việt thấp bé nhẹ cân. Thứ nhất, trong thời kỳ mang thai, người mẹ không được chăm sóc tốt, thai phụ dễ bị bệnh dẫn đến thai nhi bị suy dinh dưỡng hoặc giảm hấp thụ dinh dưỡng. Số liệu Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%.

Thứ hai, trẻ thiếu canxi do cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con. Nhiều trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Chỉ 62% được bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, 20% được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Thiếu vi chất dinh dưỡng được GS.TS Lê Danh Tuyên khẳng định là bất lợi cho sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ. Ở một số vùng nghèo, trẻ không đủ thực phẩm để ăn dẫn đến thiếu hụt protein, vitamin, khoáng chất.

Thứ ba, trẻ cũng không tiếp cận được hệ thống y tế, nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh tốt. Tình trạng này khiến các em dễ bị nhiễm khuẩn gây bệnh, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ cơ xương khớp.

Cuối cùng, một sự thật được chứng minh: Người Việt lười vận động. Vận động đúng cách sẽ giúp trẻ ăn ngon, tăng cân, kích thích sự phát triển của tế bào xương, tăng chiều dài của xương, từ đó đạt được chiều cao tối đa, cải thiện nhược điểm về gene di truyền. Trong khi đó, Việt Nam đang lọt vào 1 trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khảo sát mức độ hoạt động thể lực của học sinh tiểu học và THCS ở Hà Nội, TPHCM. Kết quả đến 39% học sinh tiểu học và 46% học sinh THCS được xếp vào nhóm ít hoạt động. Thiếu vận động nên tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế.

TS Trương Hồng Sơn đánh giá vận động cũng là yếu tố giúp tăng trưởng tầm vóc bởi nó giúp tăng chất khoáng trong xương và tăng mật độ xương. Vận động nhiều khiến trẻ ngủ ngon và sâu. Khi ngủ cơ thể tiết ra lượng hormone tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức. "Lượng hormone sẽ đạt đỉnh thường là từ 22h đến 1h sáng. Vì vậy nên cho trẻ cho đi ngủ sớm từ 9h - 9h30 tối", TS Trương Hồng Sơn nói.

Bài học Nhật Bản giúp Việt Nam điều gì để cải thiện tầm vóc?

Nhật Bản được cả thế giới khâm phục về việc cải thiện chiều cao, phát triển thể chất một cách nhanh chóng, diệu kỳ. Những năm 40 thế kỷ trước, người Việt và thế giới vẫn thường chê người Nhật "lùn". Đến nay, người Việt thua Nhật tới 8cm chiều cao. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản, từ năm 1960 đến 1975 (trong vòng 15 năm), chiều cao của thanh thiếu niên nước này tăng thêm 2,8 cm (đối với nam giới) và 2,5 cm đối với nữ giới.

Yếu tố đầu tiên giúp chiều cao của người Nhật tăng nhanh là coi trọng cân bằng dinh dưỡng. "Người Nhật rất tập trung vào bữa sáng cho mọi gia đình", PGS.TS Lê Danh Tuyên nói. Ở đây, người ta xem "ăn bữa sáng như một ông hoàng". Ông từng được một giáo sư người Nhật giới thiệu bữa sáng thông thường của gia đình họ phong phú với một quả trứng, một miếng cá tuyết, thịt lợn, 2 con tôm, rong biển, hoa quả, bát canh và một ít cơm. Bữa sáng của người Nhật thường là đa dạng các món ăn.

Từ những năm 1950, người Nhật đã ý thức được cần phong phú bữa ăn, đặc biệt lưu ý đến vi chất dinh dưỡng và canxi ion hóa được sản xuất từ vỏ sò khai thác vùng phương Bắc Nhật Bản và cả canxi làm từ vỏ trứng gà… Xứ sở Phù Tang cũng đẩy mạnh tuyên truyền tới các bà nội trợ nhiều thông tin để cải thiện bữa ăn, như 30 loại thực phẩm không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng. Đặc biệt họ chú trọng đến dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ 3 năm đầu đời, cũng như khuyến cáo mạnh mẽ nuôi con bằng sữa mẹ. Người dân của đất nước mặt trời mọc này cũng chú trọng chế độ luyện tập, coi đây là một phần không thể thiếu để phòng chống các bệnh không lây nhiễm. GS Tuyên cho rằng dù luyện tập thể dục thể thao là cần thiết nhưng không phải chìa khóa để nâng chiều cao, nhưng nó giúp trẻ khỏe, dẻo dai, phòng chống bệnh tật và tạo thành thói quen để tiêu hao mỡ dư thừa là cần thiết.

Các chuyên gia nhận định, phát triển thể lực, tầm vóc con người nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, là vấn đề rất lớn, cần thời gian dài và có sự kết hợp đồng bộ của nhiều giải pháp. Việt Nam đưa ra tháp dinh dưỡng khuyến cáo bữa ăn phù hợp truyền thống và kiến thức dinh dưỡng hiện đại. Viện Dinh dưỡng Quốc gia xây dựng tháp dinh dưỡng cho nhóm lứa tuổi riêng và dự kiến phát hành album thành phần dinh dưỡng 500 món ăn thông dụng nhất tại các gia đình người Việt để chọn lựa như người Nhật đã làm. Còn Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng xây dựng bộ thực đơn theo cấp học và từng mùa với đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết dành riêng cho học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Cùng đó, Bộ Y tế đã có ban hành Kế hoạch hoạt động triển khai thực hiện quyết định 1340/QĐ-TTg.

Bỏ lỡ chăm sóc tốt trong 1.000 ngày vàng đầu đời thì không gì có thể bù đắp được"

PGS.TS Lê Danh Tuyên

Nếu can thiệp cho bà mẹ mang thai, kết quả sẽ nhìn thấy sau 20 năm; Nếu can thiệp cho trẻ 5 tuổi, chúng ta sẽ nhìn thấy kết quả sau 15 năm. Càng can thiệp sớm, hiệu quả càng cao và ngược lại, càng muộn, hiệu quả can thiệp càng ít".

TS Trương Hồng Sơn

Nâng cao chất lượng dân số - Nâng cao tầm vóc Việt

Nấc thang đầu tiên đánh giá chất lượng dân số, căn cứ để phát triển tầm vóc Việt, chính là việc bảo đảm một thế hệ khỏe mạnh ngay từ khi chào đời. Để trẻ khoẻ mạnh khi chào đời, mẹ cần có sự chuẩn bị trước khi mang thai tốt, trong khi mang thai được khám, tư vấn, chẩn đoán sàng lọc các mặt bệnh. Tại Việt Nam, tính toán của các nhà khoa học cho thấy hiện nay số trẻ bị dị tật bẩm sinh chiếm từ 1,5 - 2%, (tương đương khoảng 22.000 - 30.000 trẻ em). Coi mục tiêu nâng tầm vóc Việt là nền tảng nâng cao chất lượng dân số (thể chất, trí tuệ, tinh thần), các nhà nghiên cứu, quản lý về dân số, y tế cho rằng để hạn chế tối đa dị tật bẩm sinh từ trong bụng mẹ và các bệnh có thể được phát hiện và điều trị ngay sau sinh, đòi hỏi cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp.

Riêng ngành Dân số, để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, ngành Dân số đã đề ra phương án dự phòng 3 cấp: Cấp 1 là tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân - để thanh niên nam nữ sắp kết hôn nhận biết và phòng tránh các rủi ro liên quan đến sức khỏe sinh sản, hạn chế thấp nhất các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái. Cấp 2 là sàng lọc trước sinh, tức là kiểm tra nhằm phát hiện sớm các tật, bệnh của thai nhi để đưa ra các cảnh báo cũng như biện pháp xử lý kịp thời, thỏa đáng. Cấp 3 là sàng lọc sau sinh, tức là kiểm tra tình trạng tật, bệnh của em bé ngay khi chào đời. Nếu thực hiện đầy đủ 3 cấp dự phòng nói trên, chất lượng dân số đầu đời của Việt Nam sẽ nhanh chóng nâng cao và thực tế cũng đã kiểm chứng phương án dự phòng 3 cấp đã mang lại hiệu quả.

1.000 ngày "vàng" và sự lỡ nhịp khiến thanh niên Việt bị lùn

Tổ chức Y tế Thế giới công nhận chiều cao đạt được lúc 3 tuổi sẽ quyết định chiều cao khi trưởng thành. Song, theo TS Trương Hồng Sơn, người Việt Nam thường bỏ lỡ giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc thiếu vi chất.

Theo các chuyên gia, để tăng chiều cao, phải can thiệp dinh dưỡng theo chu kỳ vòng đời. Có nghĩa là một em bé phải được chăm sóc tốt trong 1.000 ngày đầu đời, dậy thì, vị thành niên, thanh niên rồi đến khi lấy vợ/chồng, mang thai... để góp phần thúc đẩy tăng chiều cao đạt được như gene quy định. Trong 1.000 ngày đó phải kể đến vai trò của sữa mẹ - nguồn dinh dưỡng quý giá và là vaccine tự nhiên đầu đời bảo vệ sự sống hiệu quả nhất.

Điều TS Trương Hồng Sơn lưu ý nhất để cải thiện tầm vóc Việt ngay từ 1.000 ngày đầu đời (tức là cho phụ nữ mang thai và trẻ dưới 2 tuổi) phải là một quá trình liên tục, lâu dài, không thể nhìn thấy kết quả điều tra có tăng trưởng chiều cao thì lại dừng lại. "Trước kia, chúng ta nhìn thấy kết quả giảm suy dinh dưỡng tốt nên quên mất việc duy trì can thiệp. Nhà nước cần đầu tư tiếp. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu bà mẹ sinh con. Các bà mẹ đó cần phải liên tục được giáo dục dinh dưỡng. Nó là quá trình không được ngắt quãng"

TS Trương Hồng Sơn

Thu Nguyên - Phương Trang


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
8 điều nên làm để phục hồi sức khỏe sau sinh

8 điều nên làm để phục hồi sức khỏe sau sinh

Dân số và phát triển - 7 phút trước

Sau sinh, khu vực xung quanh hậu môn, âm đạo (đáy chậu) của người mẹ thường sưng đau và cần một thời gian để lành lại. Vì vậy, người mẹ cần được chăm sóc, nghỉ ngơi đầy đủ trong vài tuần sau khi sinh để hồi phục sức khỏe hoàn toàn.

Hai con sinh đôi không giống nhau, bố lập tức đi xét nghiệm ADN

Hai con sinh đôi không giống nhau, bố lập tức đi xét nghiệm ADN

Dân số và phát triển - 16 giờ trước

Thấy con trai song sinh không giống nhau, anh Kiên đi xét nghiệm ADN, kết quả được chuyên gia đánh giá cực hiếm gặp.

Người yêu cũ mang con đến nhà, người đàn ông quyết đi xét nghiệm ADN: Kết quả được hé lộ

Người yêu cũ mang con đến nhà, người đàn ông quyết đi xét nghiệm ADN: Kết quả được hé lộ

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Người đàn ông tên Dũng (*) đã quyết định đến Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền để xét nghiệm quan hệ huyết thống cùng đứa trẻ được người yêu cũ đặt trước cửa nhà anh.

Thói quen của hàng triệu nam giới Việt có hại cho chuyện sinh con

Thói quen của hàng triệu nam giới Việt có hại cho chuyện sinh con

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Bên cạnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay ung thư, hút thuốc lá còn tác động tiêu cực lên khả năng sinh sản của nam giới và bộ gene của tinh trùng.

Bài tập xua tan nỗi lo mất ngủ, khó ngủ

Bài tập xua tan nỗi lo mất ngủ, khó ngủ

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Mất ngủ, khó ngủ thường gây cảm giác khó chịu, lo lắng... ảnh hưởng tới năng suất lao động và học tập. Thực hiện một số bài tập hiệu quả dưới đây giúp bạn ngủ nhanh và thức dậy sảng khoái hơn.

Ung thư vú tiến triển như thế nào?

Ung thư vú tiến triển như thế nào?

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Cho dù đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, việc tìm hiểu tất cả thông tin có sẵn có thể khiến người bệnh hiểu hơn. Dưới đây là tổng quan đơn giản về ung thư vú và các giai đoạn bệnh, phân tích về cách ung thư vú lây lan, chẩn đoán và điều trị.

Người phụ nữ ở Đồng Nai nặng 100kg mang thai bé 4,6kg, nhập viện với nhiều biến chứng nguy hiểm

Người phụ nữ ở Đồng Nai nặng 100kg mang thai bé 4,6kg, nhập viện với nhiều biến chứng nguy hiểm

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Một bệnh viện ở Đồng Nai đã tiếp nhận trường hợp đặc biệt của sản phụ 35 tuổi, nặng 100 ký, thai trên 38 tuần, em bé to, nặng 4,6kg.

Biện pháp điều trị nấm Candida âm đạo

Biện pháp điều trị nấm Candida âm đạo

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Nấm Candida âm đạo gây kích ứng, ngứa dữ dội và tiết dịch nhiều ở âm đạo và âm hộ, bệnh rất dễ tái phát.

Phổ biến kiến thức về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cán bộ y tế, dân số

Phổ biến kiến thức về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cán bộ y tế, dân số

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

GĐXH - Ngày 20/3, ông Phan Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa tổ chức hội nghị tập huấn về chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho đội ngũ cán bộ y tế, dân số cơ sở tại huyện Lệ Thủy.

Bị dị tật tử cung đôi có sinh con được không?

Bị dị tật tử cung đôi có sinh con được không?

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phẫu thuật cho một bé gái có 2 buồng tử cung, 2 cổ tử cung. Đây là dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục hiếm gặp nhưng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Top