Hà Nội
23°C / 22-25°C

Miền Bắc mưa rét kỷ lục: Người đến khám giảm, bệnh nhân nhập viện tăng mạnh

Thứ tư, 09:31 27/01/2016 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - Miền Bắc đang trải qua những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ thấp nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Khảo sát tại các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, PV Báo GĐ&XH ghi nhận, lượng bệnh nhân nhập viện vì các bệnh liên quan khi trời rét đột ngột tăng mạnh, hầu hết đều vào viện chỉ khi bệnh trở nặng.

 

Cán bộ y tế đang cho trẻ thở khí dung tại Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội). Ảnh: Chí Cường
Cán bộ y tế đang cho trẻ thở khí dung tại Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội). Ảnh: Chí Cường

 

Khám bệnh giảm, nhập viện tăng

Khảo sát trong các ngày 25 - 26/1 tại các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như: Xanh Pôn, Bạch Mai, Nhi Trung ương… đại diện các bệnh viện cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm kỷ lục, số lượng bệnh nhân đến khám không ghi nhận dấu hiệu tăng. Tuy nhiên, số bệnh nhân nhập viện trên tổng số khám tăng mạnh.

Bên hành lang Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), hàng dài các em bé được phụ huynh bế ẵm trên tay, nhiều em bé khác được bố mẹ ủ ấm trong những tấm chăn, áo phao, khăn bông to sụ, mặt đỏ lựng lên vì những cơn ho như rút ruột, da nứt nẻ, ánh mắt mệt mỏi. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Hoàng Thị Ngân (ở Gia Lâm, Hà Nội) vừa bế nựng con, vừa chia sẻ, cách đây mấy ngày, con chị bị sốt, ho, nhưng do trời “siêu rét”, chị ngại cho bé đi khám, sợ ốm thêm nên chỉ cho bé ở nhà và chỉ uống thuốc ho thông thường. Tình trạng bé không đỡ mà còn nặng hơn. Bồng bế nhau đi khám, bác sỹ cho biết bé bị viêm phổi cấp và nhập viện gấp.

BS Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, trời chuyển lạnh đột ngột tạo điều kiện thuận lợi cho hai nhóm bệnh hô hấp và bệnh virus phát triển. Bệnh nhân nhập viện thời điểm này chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Trong 4 ngày (từ 23 - 26/1), Khoa Nhi tổng hợp luôn rơi vào tình trạng quá tải. Theo BS Nguyễn Văn Thường, bình thường lượng bệnh nhân nhập viện chỉ chiếm 10 - 15% số vào khám thì trời rét đậm, số nhập viện lại chiếm tới 50 - 60% số bệnh nhân tới khám.

Còn BS Lê Bá Tuấn, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây khoảng từ 2.500 - 3.000 bệnh nhân/ngày. Các bệnh chủ yếu liên quan tới đường hô hấp, tim mạch, tiêu chảy, cúm… Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ từ 1 - 12 tháng tuổi, đặc biệt đông hơn cả là bệnh nhân dưới 6 tháng tuổi. BS Lê Bá Tuấn cho hay, dù số lượng bệnh nhân đến khám không tăng, song số bệnh nhân nặng trong tình trạng suy hô hấp lại tăng cao.

Ở Bệnh viện Bạch Mai, nhiều khoa, phòng rơi vào tình trạng quá tải do số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu vận hết sức mình để phục vụ công tác cấp cứu vì liên tục có bệnh nhân chuyển đến. Theo các bác sĩ, nhóm người dễ bị tác động nhất trong thời tiết rét đậm là người cao tuổi, bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, phổi tắc nghẽn mãn tính.

Khoa Hô hấp của Bệnh viện E Trung ương mỗi ngày tiếp nhận khoảng 70 bệnh nhân cấp cứu, chủ yếu là người già tới khám, điều trị bệnh do giá rét gây ra (hen, hô hấp, tim mạch, đột quỵ, tai biến...). Tại Khoa Nội hô hấp của bệnh viện này, số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến hô hấp tăng khoảng 30% so với thời điểm trước đó. Bệnh nhân đông, máy thở không đủ phục vụ, nhân viên y tế phải dùng tay bóp bóng giúp bệnh nhân thở được dễ dàng.

Sẵn sàng phương án chống rét

Lý giải về việc bệnh nhân, đặc biệt số bệnh nhi tới khám giảm, trong khi số nhập viện điều trị lại tăng mạnh, các bác sĩ cho rằng, khi thời tiết giá rét đột ngột, người dân chưa quen với việc chuẩn bị giữ ấm cho trẻ, cộng thêm đó biểu hiện ban đầu của trẻ khá mơ hồ nên nhiều cha mẹ bỏ qua triệu chứng của viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, khi đưa trẻ tới viện tình trạng bệnh đã nặng. Có nhiều trường hợp, bác sỹ phải tiến hành hồi sức cấp cứu, hồi sức tuần hoàn, thở máy. Ngoài ra, thời tiết “siêu rét” cũng khiến các bậc phụ huynh ngại đưa con đến khám hơn, chỉ khi bệnh chuyển nặng thì họ mới đưa con đi khám và phải nhập viện.

Trong khi đó, theo BS Nguyễn Văn Thường, để đảm bảo cho trẻ được giữ ấm trong giá rét, cha mẹ không chỉ phải mặc quần áo ấm cho con mà phải giữ ấm đường thở, cho trẻ đeo khẩu trang... Theo dõi trẻ khi thấy trẻ co giật, ngủ li bì khó đánh thức, nôn trớ bỏ ăn, uống… Đây là những dấu hiệu bệnh trở nặng đầu tiên, phải đưa con đi viện gấp.

Theo ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai), chỉ tính trong ba ngày rét đậm, bệnh viện tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... do bị lạnh đột ngột, trong đó có cả những người trẻ tuổi. Ông Dương Đức Hùng cảnh báo: “Nhiệt độ xuống thấp khiến các mạch máu co lại, huyết áp tăng, kèm thêm các yếu tố thuận lợi khác như ra khỏi chăn ấm, gặp cơn gió lạnh, đi vệ sinh... Tất cả đều làm cơ thể bị mất thêm nhiệt. Khi đó, với những người vốn bị bệnh tim mạch thì các biến chứng như vỡ mạch máu trong não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim... xuất hiện nhiều hơn, nguy cơ bị đột quỵ cũng cao hơn”. Do đó, theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, với những người có “nguy cơ cao” trong thời tiết này như người già, người mắc bệnh tim mạch, hoạt động thể lực là cần thiết nhưng khi trời rét đậm chỉ nên tập trong nhà, có thể đi lại ở hành lang. Nếu muốn ra ngoài tập, không nên đi tập thể dục trước 6h30 sáng để tránh bị nhiễm lạnh. Khi tập phải đặc biệt chú ý giai đoạn khởi động và kết thúc bài tập để điều hòa cơ thể. Trước khi ra khỏi nhà tập thể dục, nên mặc nhiều lớp áo mỏng thay vì mặc 1-2 áo dày để đảm bảo đủ ấm và dễ cởi ra khi nóng. Chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực và bàn chân.

Để chủ động lên phương án chống rét cho người bệnh, ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ngày qua, tất cả các khoa, phòng đều tăng cường thiết bị sưởi ấm, chăn đắp để bảo đảm giữ ấm cho người bệnh. Hệ thống nước nóng, điều hòa được duy trì tại các khoa, phòng. Bệnh viện lưu ý đặc biệt đảm bảo giữ ấm ở các khoa: nhi, phòng đẻ, phòng mổ, các khu vực cấp cứu. Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, trong những ngày lạnh, điện năng sử dụng cho chống rét tăng khoảng 30%, lượng dầu đốt lò hơi để cung cấp nước nóng và giặt sấy cũng tăng mạnh. Ngoài ra, máu, dịch truyền và một số chế phẩm cũng được làm ấm tương đương với nhiệt độ cơ thể bằng thiết bị chuyên dụng trước khi truyền cho người bệnh…

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bệnh viện cũng khắc phục giá rét bằng cách che chắn khu vực khám và điều trị chống rét cho người bệnh, bố trí đầy đủ máy sưởi, quạt sưởi, điều hòa ấm hai chiều tại Khoa Hồi sức cấp cứu và buồng bệnh để phục vụ tốt cho người bệnh.

 

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đại diện lãnh đạo bệnh viện cho biết, đơn vị đã bố trí đầy đủ trang thiết bị điều hòa ấm hai chiều, máy sưởi, quạt sưởi, đệm và chăn ấm cho các sản phụ và trẻ sơ sinh. Trước tình hình thời tiết rét đậm, tại hành lang của bệnh viện cũng bố trí thêm các quạt nóng để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên y tế và các sản phụ. 

 

Rét hại, chỉ nên tắm 2-3 lần/tuần cho trẻ sơ sinh

Theo tư vấn của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai), trong thời tiết rét đậm, rét hại như những ngày gần đây, trẻ sơ sinh không nhất thiết phải tắm hàng ngày, bởi tắm hàng ngày sẽ khiến bé viêm phổi vì bị nhiễm lạnh.

Theo đó, bình thường, trẻ sơ sinh nên cách ngày tắm một lần. Còn với thời tiết rét ẩm như hiện nay, có thể ba ngày mới tắm một lần. Khi tắm cho trẻ, cần lưu ý đóng kín cửa phòng không để gió lùa. Nếu có điều kiện, bật điều hòa hai chiều để phòng ấm, hoặc dùng máy sưởi đặt trước chậu nước tắm. Lấy nước đủ để làm ngập toàn thân trẻ, tuyệt đối không tắm “khô”, lau người từng phần như quan niệm truyền thống của nhiều người, vì khi cơ thể ngập trong nước ấm, trẻ sẽ được giữ ấm, còn “hở” phần da nào lên trên mặt nước, trẻ sẽ bị lạnh. Cha mẹ cũng cần từ bỏ thói quen tắm, lau từng phần người trẻ, mạnh dạn thả trẻ ngập người trong nước ấm. Tắm nhanh, trẻ sẽ không bị lạnh.

Khi tắm nước ấm xong, sẽ có hiện tượng giãn mạch dưới da nên khi lên khỏi mặt nước, trẻ sẽ rất lạnh (cũng như người lớn nổi da gà sau khi tắm nước ấm xong). Khi đưa trẻ lên khỏi chậu tắm, cần nhanh chóng ủ ấm bằng khăn đã làm ấm (hơ qua trên quạt sưởi) và mặc đồ nhanh chóng cho trẻ, theo nguyên tắc mặc áo trước, mặc quần sau. Sau đó đóng bỉm, đeo găng…

Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Một nguyên nhân 'thầm lặng' có thể gây vô sinh ít ai ngờ

Một nguyên nhân 'thầm lặng' có thể gây vô sinh ít ai ngờ

Dân số và phát triển - 1 giờ trước

Phần lớn mọi người nhận thức được căng thẳng có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý, nhưng không ngờ rằng nó có thể tác động đến khả năng sinh sản ở cả nam lẫn nữ. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng thụ thai khó khăn.

Khi nào thời kỳ mãn kinh bắt đầu?

Khi nào thời kỳ mãn kinh bắt đầu?

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Quá trình chuyển đổi mãn kinh tự nhiên là một quá trình diễn ra dần dần trong vài năm. Nó thường bắt đầu khi một người ở độ tuổi 40 - 50, với độ tuổi mãn kinh trung bình là 52 tuổi.

Quảng Ninh: Nỗ lực tuyên truyền giảm thiểu bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia

Quảng Ninh: Nỗ lực tuyên truyền giảm thiểu bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Nhằm giúp các bạn trẻ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh ra những đứa con không mắc bệnh Thalassemia - tan máu bẩm sinh, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân vô cùng quan trọng. Theo đó, công tác tuyên truyền, tư vấn về Thalassemia cần được triển khai rộng khắp, qua đó thay đổi nhận thức mỗi người, mỗi gia đình.

Mỗi năm, có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh tan máu bẩm sinh

Mỗi năm, có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh tan máu bẩm sinh

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

GĐXH - Bệnh tan máu bẩm sinh (hay còn gọi bệnh Thalassemia) là một bệnh di truyền – bẩm sinh, có đặc điểm là gây tan máu nhiều và thường xuyên dẫn đến thiếu máu mãn tính.

Hương Khê phát động chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2024

Hương Khê phát động chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2024

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

GĐXH - Sáng ngày 6/5, tại Trạm y tế xã Hương Trạch, Trung tâm y tế huyện Hương Khê, Hà Tĩnh phối hợp với UBND xã, Trạm y tế tổ chức Lễ phát động Chiến dịch truyền thông, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, khám sàng lọc chăm sóc sức khỏe cho người dân và nâng cao chất lượng dân số năm 2024.

Nghệ An tuyên truyền hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới

Nghệ An tuyên truyền hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

GĐXH - Ngày Thalassemia thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 8/5, giúp những người mắc bệnh này sống khỏe mạnh hơn, lâu hơn và hiệu quả hơn. Thông qua ngày Thalassemia người bệnh chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức có mục tiêu và giáo dục chất lượng về bệnh Thalassemia.

7 dấu hiệu phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh

7 dấu hiệu phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Thời kỳ tiền mãn kinh của phụ nữ (quá trình chuyển sang mãn kinh) thường bắt đầu ở độ tuổi 40. Giai đoạn này có thể bắt đầu ở bất kỳ thời điểm nào từ cuối độ tuổi 30 đến 50 và kéo dài trung bình 4 năm, thậm chí kéo dài đến 8 năm.

Cách xử lý khi bị dị ứng bao cao su

Cách xử lý khi bị dị ứng bao cao su

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Nghe có vẻ rất hiếm gặp nhưng trên thực tế có một số người bị dị ứng khi sử dụng bao cao su. Vậy thực chất hiện tượng này là gì và cách xử lý như thế nào?

Thừa Thiên Huế tuyên truyền hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới

Thừa Thiên Huế tuyên truyền hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

GĐXH - Theo Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế, tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh…giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh tan máu bẩm sinh.

Cách xác định bạn có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung không?

Cách xác định bạn có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung không?

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến nhất gây tử vong ở phụ nữ.

Top