Hà Nội
23°C / 22-25°C

4 phút định mệnh cuối cùng trên máy bay Ai Cập gặp nạn

Thứ bảy, 15:18 21/05/2016 | Bốn phương

Những dữ liệu máy bay gửi về cho thấy chiếc phi cơ mất kiểm soát rất nhanh trong 4 phút cuối cùng, mở ra hai nguyên nhân gây ra thảm kịch.

Chiếc máy bay gặp nạn của hãng hàng không Ai Cập EgyptAir. Ảnh: CNN
Chiếc máy bay gặp nạn của hãng hàng không Ai Cập EgyptAir. Ảnh: CNN

Ngày 21/5, những manh mối đầu tiên về số phận chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu MS804 của hãng hàng không Ai Cập EgyptAir đã xuất hiện khi các điều tra viên tìm thấy những chiếc va ly, ghế ngồi, mảnh kim loại và thi thể hành khách trôi dạt trên Địa Trung Hải, cách thành phố Alexandria khoảng 250 km về phía bắc.

Những manh mối này giúp nhà chức trách có thể khoanh vùng được khu vực chiếc máy bay chở 66 người rơi hôm 19/5, nhưng đến nay nguyên nhân gây ra thảm kịch vẫn còn là một điều bí ẩn, làm dấy lên những giả thuyết khác nhau trong giới chuyên gia, theo NYTimes.

Hôm qua, tạp chí hàng không uy tín AVHerald công bố những dữ liệu cuối cùng mà chiếc máy bay xấu số truyền về đài kiểm soát không lưu mặt đất, cho thấy phi công đã mất kiểm soát chiếc máy bay rất nhanh chóng, với những tín hiệu báo động và hệ thống máy tính ngừng hoạt động chỉ vài giây trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar.

Những dữ liệu này cho thấy chiếc máy bay đã gặp một sự cố thảm khốc, nhưng không giúp làm sáng tỏ câu hỏi quan trọng: Điều gì đã gây ra sự cố đó? Tại sao một chiếc máy bay có lịch sử an toàn rất tốt và những phi công dày dạn kinh nghiệm lại có thể rơi vào một đêm trời quang mây tạnh như vậy?

Đến nay lực lượng tìm kiếm chưa phát hiện mảnh vỡ có kích thước lớn nào, và những bộ phận quan trọng nhất để giúp các điều tra viên tìm ra nguyên nhân tai nạn, chẳng hạn như hộp đen, nhiều khả năng đã nhanh chóng chìm xuống đáy biển.

Một quan chức Ai Cập nói rằng nhà chức trách đang coi khủng bố có thể là một nguyên nhân của thảm họa, nhưng chưa có bất cứ tổ chức khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc này. Giới chức cũng cảnh báo rằng họ chưa có bất cứ bằng chứng trực tiếp nào cho thấy một quả bom đã nổ trên máy bay, hay có bất cứ hành động cố ý phá hoại nào.

Theo cơ quan hàng không dân dụng Hy Lạp, các kiểm soát viên không lưu nước này trò chuyện lần cuối với phi công trên chiếc MS804 vào lúc 1:48 giờ Cairo, khi đó phi công rất vui vẻ và không hề thông báo về bất cứ dấu hiệu bất thường nào.

Đến 2:27, khi chiếc máy bay bắt đầu rời khỏi không phận Hy Lạp và tiến vào vùng kiểm soát bay của Ai Cập, kiểm lưu ở Athens tìm cách liên lạc với phi công qua sóng vô tuyến nhiều lần nhưng đều thất bại. Họ đã chuyển qua tần số khẩn cấp để gọi phi công nhưng cũng không nhận được trả lời.

Cùng lúc đó, các dữ liệu kỹ thuật thông báo sự cố bắt đầu được Hệ thống Báo cáo và Liên lạc Máy bay (ACARS) trên MS804 truyền về mặt đất. ACARS là một hệ thống liên lạc dữ liệu số cho phép truyền tải các dữ liệu, bản tin ngắn cần thiết giữa máy bay và các trạm mặt đất thông qua sóng vô tuyến hoặc vệ tinh.

Một vật thể nghi của chiếc máy bay được tìm thấy trên biển. Ảnh: Reuters
Một vật thể nghi của chiếc máy bay được tìm thấy trên biển. Ảnh: Reuters

Dữ liệu này được trang AVHerald công bố, dưới dạng các đoạn mã và ký tự viết tắt. Robert W. Mann, chuyên gia phân tích hàng không, cho biết các dữ liệu này thể hiện một cách thuyết phục những gì đã diễn ra trên máy bay vào 4 phút cuối cùng, dù chưa hoàn chỉnh.

4 phút định mệnh

Lúc 2:26, một thông điệp do ACARS gửi về cho thấy cửa sổ bên phải buồng lái bị mở. Theo ông Mann, cửa sổ này được mở có thể là để thoát khói ra ngoài, hoặc một thứ gì đó đã khiến nó bị mở tung.

Trong hai phút tiếp theo, có hai tín hiệu cảnh báo khói trong máy bay, một trong buồng vệ sinh và một trong khoang điện tử, nơi chứa phần lớn các thiết bị điện tử quan trọng của máy bay.

Ông Mann nói rằng các tín hiệu báo động này không nhất thiết đồng nghĩa với việc máy bay đã bị cháy. ACARS có thể phát tín hiệu báo động như vậy khi máy bay bị giảm áp nhanh chóng, bởi lúc đó hơi nước sẽ ngưng đọng trên máy bay, khiến các cảm biến cho rằng đó là khói.

Cuối cùng lúc 2:29, có thêm hai tín hiệu cảnh báo cuối cùng về hệ thống điều khiển máy tính trên máy bay. "Hai tín hiệu cảnh báo cuối cùng này mới là vấn đề", ông Mann nói. "Lúc đó bạn sẽ thật sự thấy mọi thứ bắt đầu xấu đi nhanh chóng".

Đầu tiên và trục trặc xảy ra đối với hệ thống máy tính điều khiển máy bay tự động. Tại thời điểm trước khi gặp nạn, chiếc MS804 đang bay ở độ cao hơn 11.000 mét với vận tốc gần như tối đa. Độ cao và vận tốc bay này giúp các hãng hàng không tiết kiệm tối đa nhiên liệu, tuy nhiên các phi công sẽ phải dựa vào hệ thống lái tự động bởi trong các điều kiện này, nếu họ mất kiểm soát máy bay, sẽ rất khó để điều khiển nó trở lại, ông Mann nói. Đây là lý do tại sao một số phi công thường gọi đây là "góc quan tài".

Tín hiệu cảnh báo cuối cùng liên quan đến hệ thống kiểm soát nâng hạ cánh lái ngang, thiết bị giúp phi công điều khiển đuôi ngang và cánh liệng của máy bay. Tín hiệu cảnh báo cho thấy hệ thống máy tính tự động điều khiển các bộ phận này cũng đã ngừng hoạt động.

"Có vẻ như hệ thống điều khiển máy bay tự động đã nối tiếp nhau gặp trục trặc", Mann nói. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng hai phút, dù với những phi công điều khiển máy bay, chúng dường như kéo dài vô tận.

Đây cũng chính là thời điểm chiếc máy bay rời khỏi không phận Hy Lạp, và vào lúc 2:29:40, các kiểm lưu Hy Lạp mất dấu chiếc máy bay, ngay bên trong không phận Ai Cập. Lúc này, dữ liệu radar cho thấy chiếc máy bay đã ngoặt sang trái 90 độ, rồi sau đó quay một vòng tròn sang bên phải, giảm độ cao nhanh chóng xuống 4.500 mét, rồi tiếp tục tụt xuống độ cao 2.700 mét trước khi biến mất khỏi màn hình radar.

Hành trình cuối cùng của chiếc máy bay xấu số. Đồ họa: BBC
Hành trình cuối cùng của chiếc máy bay xấu số. Đồ họa: BBC

Phi công không hề đưa ra thông báo nào về trục trặc kỹ thuật hay các vấn đề khác trên khoang, kể cả trong những phút định mệnh cuối cùng, khi hệ thống ACARS trên máy bay truyền về những dữ liệu cho thấy một thảm họa sắp xảy ra.

Nguyên nhân thảm họa

Một cựu điều tra viên tai nạn hàng không cho rằng những cú ngoặt đột ngột của chiếc máy bay vào giây phút cuối cùng cho thấy nhiều khả năng phi cơ này không còn nằm dưới sự kiểm soát của phi công. Một điều gì đó rất dữ dội và đột ngột đã xảy ra khiến hệ thống điều khiển tự động của chiếc máy bay không thể nào kịp điều chỉnh để lấy lại kiểm soát.

"Theo tôi, điều này mở ra hai khả năng: hoặc là một sự cố kỹ thuật đột ngột, hoặc một hành động khủng bố hay phá hoại nào đó", chuyên gia Alain Bouillard, cựu điều tra viên chính của Cục Điều tra và Phân tích Pháp, nói.

Vì chưa thu được nhiều bằng chứng đáng kể, các chuyên gia cho rằng hiện tại rất khó để đoán chắc được loại trục trặc kỹ thuật nào có thể khiến chiếc máy bay bị rơi nhanh đến vậy.

Theo ông Bouillard, khả năng cao nhất là hệ thống điều áp trên cabin máy bay bị hỏng, khiến thân phi cơ bị nứt. Ở độ cao hơn 11.000 mét, vết nứt như vậy sẽ gây ra thảm họa nếu phi công không thể cho máy bay hạ độ cao thật nhanh và tìm nơi hạ cánh khẩn cấp.

Nếu cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng về trục trặc kỹ thuật, các chuyên gia cho rằng thảm kịch này nhiều khả năng là một chuỗi sự kiện khởi phát từ một hành động phá hoại hoặc khủng bố. Tuy nhiên, vì hiện chưa có tổ chức khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm, các điều tra viên sẽ phải mất nhiều tháng trời để tìm kiếm chứng cứ mới có thể chắc chắn về khả năng này.

Xác chiếc máy bay nhiều khả năng đang nằm ở độ sâu khoảng 3.000 mét tại vùng biển nằm giữa đảo Crete và Ai Cập, và việc trục vớt sẽ phải mất một thời gian mới có thể hoàn thành. Lúc đó, hộp đen của máy bay sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tìm ra nguyên nhân thảm kịch.

"Nếu có một vụ nổ lớn xảy ra trên máy bay, thiết bị ghi âm giọng nói trong buồng lái có thể ghi nhận được chấn động của sóng xung kích, trong khi thiết bị ghi lại dữ liệu chuyến bay có thể bị phá hủy trong vụ nổ. Nhưng nếu máy bay gặp trục trặc kỹ thuật, cả hai thiết bị trong hộp đen này sẽ tiếp tục ghi nhận thông tin, trong đó có vị trí, tốc độ, độ cao và hướng bay của phi cơ cho đến khi đâm xuống biển", ông Bouillard nói.

Theo Trí Dũng/Vnexpress

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Người đàn ông đứng chặn giữa đường ray để ngăn tàu chở dầu đi qua, tưởng bị phạt nào ngờ còn được trọng thưởng hơn 1 tỷ đồng

Người đàn ông đứng chặn giữa đường ray để ngăn tàu chở dầu đi qua, tưởng bị phạt nào ngờ còn được trọng thưởng hơn 1 tỷ đồng

Chuyện đó đây - 1 giờ trước

Sự việc này dù đã xảy ra khá lâu nhưng nhiều năm gần đây được chia sẻ lại, thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc.

Sếp cho nhân viên nghỉ phép nếu đi làm cảm thấy không vui

Sếp cho nhân viên nghỉ phép nếu đi làm cảm thấy không vui

Bốn phương - 1 giờ trước

Để đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống, người sếp ở Trung Quốc cho phép nhân viên nghỉ nếu có tâm trạng không tốt.

Đôi vợ chồng trúng số 31 tỷ đồng: Sống giản dị, mang tiền đi từ thiện

Đôi vợ chồng trúng số 31 tỷ đồng: Sống giản dị, mang tiền đi từ thiện

Bốn phương - 2 giờ trước

Tại Anh, câu chuyện vợ chồng trúng giải xổ số trị giá 1 triệu bảng Anh đã khiến nhiều người nể phục vì lối sống giản dị.

Một phụ nữ suýt mất mạng vì 20 cục máu đông ở chân sau khi sinh

Một phụ nữ suýt mất mạng vì 20 cục máu đông ở chân sau khi sinh

Bốn phương - 2 giờ trước

Một bà mẹ đã chia sẻ hình ảnh đáng sợ về 20 cục máu đông chết người được tìm thấy ở chân cô sau khi sinh con.

Nam sinh nghèo rửa bát thuê đỗ ĐH Oxford hiện ra sao sau 30 năm?

Nam sinh nghèo rửa bát thuê đỗ ĐH Oxford hiện ra sao sau 30 năm?

Tiêu điểm - 11 giờ trước

GĐXH - Từ cậu bé sống khu ổ chuột, rửa bát thuê từng ngày để sống, sau 30 năm, Vi Minh Ân trở thành doanh nhân nổi tiếng và là thành viên Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Hạ viện Anh.

Robot 'tấn công' tàn bạo khiến kỹ sư tại nhà máy Thái Lan tử vong, camera an ninh ghi lại toàn bộ diễn biến gây ám ảnh

Robot 'tấn công' tàn bạo khiến kỹ sư tại nhà máy Thái Lan tử vong, camera an ninh ghi lại toàn bộ diễn biến gây ám ảnh

Chuyện đó đây - 22 giờ trước

Sự cố xảy ra tại một nhà máy tại Chonburi (Thái Lan) đã khiến một nam công nhân tử vong tại chỗ.

‘Lớp băng tưởng như bất khả xâm phạm ở Nam Cực đang tan chảy từ bên dưới’

‘Lớp băng tưởng như bất khả xâm phạm ở Nam Cực đang tan chảy từ bên dưới’

Chuyện đó đây - 1 ngày trước

Các chuyên gia khí hậu và đại dương nêu những dấu hiệu cho thấy ngay cả khối băng khổng lồ ở vùng cực Trái đất cũng có giới hạn, và giới hạn này đang thu hẹp.

CEO Tesla Elon Musk viết gì trong 'tâm thư' sa thải gửi nhân viên

CEO Tesla Elon Musk viết gì trong 'tâm thư' sa thải gửi nhân viên

Bốn phương - 1 ngày trước

GĐXH - CEO Tesla bày tỏ 'Đây là việc tôi ghét nhất nhưng nó phải được thực hiện”, song việc này là cần thiết cho giai đoạn phát triển tiếp theo của hãng xe điện số một thế giới.

Gia đình nghèo nhất làng bỗng có nhẫn vàng đeo kín tay: Cảnh sát, chuyên gia đến làm việc, phát hiện sự thật không như mơ

Gia đình nghèo nhất làng bỗng có nhẫn vàng đeo kín tay: Cảnh sát, chuyên gia đến làm việc, phát hiện sự thật không như mơ

Chuyện đó đây - 1 ngày trước

Giàu lên một cách nhanh chóng, gia đình cụ ông người Trung Quốc bị nhiều người đồn đoán. Song thực tế mọi chuyện không như những gì mọi người tưởng tượng.

Top