eMagazine

Hàng chục năm qua, gia đình các ông Trần Ngọc Trinh, ông Khổng Văn Đệ và ông Trần Chung Thám (cùng trú tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) rong ruổi trên khắp nẻo đường, gõ cửa cầu cứu cơ quan chức năng, để mong một ngày được công khai xin lỗi, đền bù thoả đáng sau nhiều năm ngồi tù oan. Gần 40 năm đi đòi công lý cũng là gần ấy thời gian gia đình, con cháu họ phải sống trong tủi nhục, đau đớn.

Ngục tù và những trận đòn "thừa sống thiếu chết"

Câu chuyện 3 người đàn ông Khổng Văn Đệ (SN 1924, thôn Yên Bình, xã Đồng Thịnh) và hai anh em ruột Trần Ngọc Trinh (SN 1941) và Trần Chung Thám (SN 1942) cùng trú tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) nay là tỉnh Vĩnh Phúc) bị bắt, kết tội giết người, phải ngồi tù oan sau gần 3 năm khiến nhiều người dân xã Đồng Thịnh không khỏi đau xót.

Xót xa hơn là sau gần 40 năm (kể từ khi bị bắt giam đến khi ra tù), họ vẫn không được một cơ quan nào của tỉnh Vĩnh Phúc cũng như trung ương công khai xin lỗi, bù đắp những thiệt thòi cho họ. Vụ án oan đã khiến 1 người đàn ông phải bỏ mạng trong trại giam, 2 người còn lại ở cái tuổi "gần đất xa trời" vẫn phải mang nỗi hàm oan giết người.

Ngôi nhà của ông Trần Ngọc Trinh lọt thỏm trong con ngõ nhỏ chưa được bê tông hoá của thôn Vạn Thắng. Con ngõ nhỏ trở nên lầy lội hơn sau nhiều ngày mưa lớn. Dáng người mảnh khảnh, gầy gò, ông Trinh đang bốc từng đống cỏ lớn chuẩn bị thức ăn cho đám vật nuôi trong nhà.

Đôi mắt mờ, đứng ở khoảng cách xa, ông Trinh không còn nhìn rõ được khuôn mặt của những người khách lạ đến thăm. Rót cốc nước chè đặc quánh, ông Trinh nhớ lại những ngày tháng tủi nhục mà ông đã phải gánh chịu. Tuổi già đã khiến ông không còn nhớ được rõ ngày tháng định mệnh khiến cuộc đời ông và gia đình trở lên tăm tối, phải sống chui lủi mỗi khi gặp hàng xóm láng giềng.

Ông chỉ nhớ được những tháng ngày ở tù tính theo lịch âm. Đó là ngày 28/12/1979 (âm lịch), khi bố đẻ của ông là cụ Trần Vắn Chiến bảo ông đi làm công cho nhà người hàng xóm gần đó. Trưa cùng ngày, trong lúc đi làm về ông Trinh thấy người trong làng bàn tán xôn xao chuyện ông Chu Văn Quản - Bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng bị đánh chết trên đồi. Bản tính tò mò, hiếu kỳ, ông đã cùng mọi người chạy đến xem.

Gần 1 tháng sau đó, ngày 17/1/1980 (âm lịch) khi đang trồng cấy ở cánh đồng, ông thấy bốn xung quanh có rất nhiều người đi đến, chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì ông Trinh ngã ngửa khi nghe cán bộ xã Đồng Thịnh đọc lệnh bắt tạm giam ông về tội "giết người", khi văn bản được đọc hết thì cũng là lúc đôi tay ông bị trói lại.

Ông Trinh bị áp tải về nơi ở để khám xét. Tại đây, cơ quan công an nhờ 1 người hàng xóm làm chứng, quá trình khám xét công an thu giữ 1 đôi giày, 1 cây bút. Ngay sau đó, ông bị dẫn giải sang trại giam Phú Đức– tỉnh Vĩnh Phú (cũ). "Bị bắt giữ bất ngờ, tôi vô cùng hoang mang, tôi có phản kháng rằng tôi không giết người, thế nhưng lúc bấy giờ mọi lời nói của tôi đều vô nghĩa trước đám đông thực thi pháp luật. Tôi được áp giải lên xe ô tô, rồi nhốt vào trại giam Phú Đức…", ông Trinh nói.

Trường hợp thứ 2 là ông Trần Chung Thám (em trai ông Trinh). Ngày 13/1/1980 (âm lịch), ông Thám nhận được thông báo về việc tái ngũ. Ngày 17/1/1980 (âm lịch) ông Thám chia tay người thân lên huyện đội Lập Thạch để tái ngũ. Thế nhưng khi đang tập trung ở sân thì ông bị cán bộ công an đến đọc lệnh bắt giữ người. Ông Thám ngỡ ngàng khi biết mình bị bắt vì có liên quan đến vụ án giết ông Quản. Sau khi bị bắt giam khoảng 3 tháng, ông Thám đã tử vong.

Tương tự như 2 người đàn ông nói trên, ông Khổng Văn Đệ cũng không biết mình bị bắt vì lý do gì. Tháng 1/1980 khi đang là công an xã Đồng Thịnh, ông Đệ được Chủ tịch xã lúc bấy giờ triệu tập đi họp, trên đường đi họp ông Đệ bị cơ quan công an bắt giam mà không rõ lý do.

Thoát cảnh ngục tù nhờ lá đơn nặc danh

Những năm tháng ngục tù khiến ông Trinh, ông Đệ héo mòn. Hai ông không nghĩ được rằng sẽ có ngày mình được trả tự do. Thế rồi, sự thật cũng được phơi bày khi tháng 10/1983 (âm lịch) hai ông được giám thị trại giam thông báo có lệnh thả. Cũng theo ông Trinh, ra tù ông mới biết được, ông thoát tội là nhờ lá đơn nặc danh của người tình hung thủ thực sự giết ông Quản viết gửi cơ quan công an tố giác việc đối tượng Nguyễn Đình Ký (Công an xã Đồng Thịnh) là hung thủ giết người.

3 gia đình, 39 năm tủi nhục và bản án oan thấu trời xanh - Ảnh 3.

Quyết định đình cứu đã giúp ông Trinh thoát khỏi cảnh tù đày

Lúc đó, đối tượng Ký là người sống buông thả, có gian tình với một người phụ nữ trong xã, nên khi làm hồ sơ kết nạp Đảng, ông Quản không xác nhận cho Ký nên Ký đã nhẫn tâm sát hại ông này.

Để đổ tội cho người khác, người tình của Ký đã làm đơn nặc danh tố cáo 3 ông là Trần Ngọc Trinh, Trần Chung Thám và Khổng Văn Đệ lên cơ quan công an. Thời gian sau đó, cuộc sống của cặp tình nhân này lục đục, cũng chính người tình của Ký đã viết đơn nặc danh tố cáo tội ác mà Ký đã gây ra. Quá trình điều tra, Ký đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Theo ông Trinh, khám nghiệm tử thi cho thấy ông Quản bị đánh vào nhiều huyệt đạo hiểm khiến nạn nhân bị chết ngay tức khắc. Những huyệt đạo này chỉ có những người biết võ mới đánh được. Thế nên cả 3 ông đều lọt vào tầm ngắm của công an, khi 3 ông Trinh, ông Đệ, ông Thám đều biết võ. "Lúc bấy giờ tôi là lính đặc công vừa đi quân ngũ về, còn em tôi thì cũng vừa xuất ngũ trở về địa phương, chỉ vì chúng tôi là người biết võ nên công an đã dựa vào những tình tiết này để bắt và ép chúng tôi nhận tội", ông Trinh bức xúc.

Gia đình tan tác

Dáng người nhỏ thó, ngồi trầm ngâm trong căn nhà ngói 5 gian cũ kỹ, không có một đồ đạc gì giá trị, đến tận bây giờ bà Nguyễn Thị Quỳ (vợ ông Trần Ngọc Trinh) vẫn không thể mường tượng được những chuyện đã xảy ra với gia đình bà trong quá khứ khi mà chồng bà bị bắt đi tù oan. Ngày chồng bị bắt bà tất tưởi chạy theo xe tù kêu oan, thế nhưng bao nhiêu lá đơn gửi đi, bao nhiêu lần gõ cửa các cơ quan chức năng là bấy nhiêu lần bà rơi vào tuyệt vọng. Những lá thư gửi đi không có hồi đáp càng làm bà sốt sắng, lo lắng cho chồng hơn.

"Có những hôm đi xát gạo, họ còn bốc cả sỏi, cát bỏ vào đống thóc gia đình mang đi".

Cũng kể từ ngày chồng bà bị bắt vào tù, đi đến đâu làng xóm cũng dị nghị. Con cái bà phải bỏ học giữa chừng vì đến lớp bị bạn gọi là "con của kẻ giết người". Cũng chính vì tiếng oan này mà con bà thường bị bạn bè bắt nạt, đánh giữa đường.

"Thời điểm đi kêu oan, giữa trưa mệt quá, tôi ngồi nghỉ dưới hiên nhà một người dân trong xã, họ còn ra xua đuổi, nói rằng: Chồng mày giết người mày ngồi đây lại vạ lây người khác, rồi họ đuổi tôi đi. Có những hôm đi xát gạo, họ còn bốc cả sỏi, cát bỏ vào đống thóc gia đình mang đi. Rồi những lần các con của bà bị gia đình ông Quản chặn đường đánh vỡ cả đầu. Thương con, nhưng bà chỉ biết giấu kín trong lòng, động viên các con tin rằng bố vô tội và sẽ có ngày được giải oan…", bà Quỳ nhớ lại.

Những ngày tháng đi kêu oan cho chồng, gia đình bà phải "chạy đôn, chạy đáo" vay mượn tiền khắp nơi. Vay được bao nhiêu một phần bà giành để lên đường tiếp tế cho chồng, một phần bà dùng để làm lộ phí đi đường gửi đơn kêu cứu. Đến tận bây giờ số tiền mượn đi kêu oan cho chồng gia đình bà vẫn chưa trả hết.

Từ khi chồng ngồi tù, bà Quỳ phải làm việc cật lực, quần quật cả ngày lẫn đêm để gồng gánh nuôi 5 người con nhỏ. "Buổi sáng tôi phải dậy từ 3h sáng đi vác tre thuê hàng chục km, vác từ sáng sớm tinh mơ đến đêm khuya mới được vài đồng chăm lo cho gia đình. Những ngày không có mẹ ở nhà 5 đứa trẻ lại gồng gánh nhau đi đào bới khoai sắn để ăn qua ngày…", bà Quỳ nói.

Mẹ tâm thần, con cái mất sự nghiệp

Tương tự như gia đình ông Trinh, gia đình ông Đệ cũng rơi vào hoàn cảnh bi đát, con cái mất sự nghiệp vì người bố ngồi tù oan. Lúc bấy giờ, vào thời điểm những năm ông Đệ ngồi tù oan, ba người con trai của ông Đệ đang công tác trong quân đội được xem là những "hạt giống đỏ" cũng lần lượt "nghỉ hưu sớm" do có bố bị ngồi tù.

"Nhà tôi có ba anh trai công tác trong quân đội lúc đó cũng đang là người có chức sắc, nhưng chính việc bố bị đi tù nên con đường sự nghiệp của hai anh trai tôi phải "dứt áo nhà binh" về quê sớm…", ông Khổng Văn Hậu (con trai ông Đệ) nói.

Bố vào tù, con đường học hành của ông Hậu cũng bị đứt gánh giữa chừng. Gác lại việc học hành, hàng tháng ông Hậu lại gom góp tiền bạc lương thực vào thăm nom, tiếp tế cho bố. "Tôi vô cùng khổ đến lớp bạn bè nó đuổi nó đánh, nó bảo bố mày giết người, nói chung là cái án giết người không phải chuyện đùa. Dân tình dị nghị. Nhà tôi có 6 con bò, 4 con trâu, nhà phải bán sạch để mua gô sắn cho gia đình ăn và hàng tháng gửi đi tiếp tế cho cha. Thời đó, nhà tôi thuộc dạng giàu của xóm, nhưng sau đó bại sản hết. Ngày bố tôi vào tù bà khóc suốt ngày đêm vì thương nhớ cha, khiến bà bị bệnh tâm thần…", ông Hậu kể.

Cũng theo ông Hậu, cũng chỉ vì người bố bị tù oan, các con cái ông Hậu lấy vợ lấy chồng lại bị hàng xóm dị nghị, nhiều người xa lánh.

"Ngày ra tù, cũng là ngày thân thể mục nát"

Lúc ra tù cũng là lúc đôi mắt của ông bị giảm thị lực nghiêm trọng, 10 phần thì ông chỉ còn 3. Căn bệnh đau tim cũng tìm đến để hành hạ ông. Mỗi khi trái gió trở trời những vết thương đòn roi ngục tù lại quay về hành hạ khiến thể xác ông đau đớn như ngàn mũi kim châm vào da thịt. Ông không thể nhớ được hiện tại mình phải dùng bao nhiêu loại thuốc, chỉ biết rằng mỗi lúc uống thuốc thang các loại lên đến hàng chục viên.

Hơn 800 ngày ở trong tù cũng khiến người đàn ông trai tráng như ông Đệ suy sụp. Ra tù người ông chỉ toàn "da bọc xương" lúc bước chân vào cánh cửa nhà vợ con ông còn không nhận ra. Mắt mờ, chân chậm, lại mang trên người nhiều căn bệnh khiến ông Đệ trở nên chán nản. Nhiều lúc nghĩ đến án tù oan mình mắc phải ông lại nghĩ đến cái chết.

3 gia đình, 39 năm tủi nhục và bản án oan thấu trời xanh - Ảnh 5.

Ông Đệ năm nay đã 95 tuổi nhưng vẫn chưa được minh oan.

Ở tuổi 95- cái tuổi gần đất xa trời, ông Khổng Văn Đệ giờ đã lẫn, ông không còn tỉnh táo, không thể nhớ được những tháng ngày bị tù đày trước đây. Ông Khổng Văn Hậu (con trai ông Đệ) rơm rớm hai hàng nước mắt mỗi khi nhắc đến nỗi oan tù đày của bố. Ông Hậu cho biết, mong muốn lớn nhất của gia đình ông là được công khai xin lỗi, đồng thời bù đắp lại những mất mát lớn lao cho bố ông. Bởi, ông sợ một ngày nào đó bố ông "ra đi" khi nỗi oan chưa được giải thì ông và con cháu sẽ mang tội suốt đời.

"Hiện vụ án đã được làm sáng tỏ, hung thủ giết người là ông Nguyễn Đình ý đã bị bắt giam, bố tôi được nhà nước thả về. Nhưng khi thả tự do cho cụ, gia đình tôi cũng không hề nhận được bất cứ văn bản nào, cũng không được bất cứ cơ quan nào minh oan cho ông, đơn thư chúng tôi đã gửi đi nhiều nơi, chỉ mong Nhà nước sớm xem xét giải oan cho cụ. Tháng 7/2019, cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao có gọi gia đình chúng tôi ra làm việc. Tại đây, họ cho biết hồ sơ của cụ đã làm xong hết, đồng thời hứa sẽ báo cáo nhanh lên cấp trên để sớm tổ chức về địa phương xin lỗi công khai việc cụ bị đi tù oan…", ông Hậu nói trong bức xúc.

3 gia đình, 39 năm tủi nhục và bản án oan thấu trời xanh - Ảnh 6.

Cùng nỗi lo như gia đình ông Đệ, giờ đây, ông Trinh đang ở tuổi 79- cái tuổi mà người ta lo nghỉ ngơi, an dưỡng thì những người như ông lại thao thức ngày đêm nghĩ cách để đi kêu oan cho chính mình. "Giờ già cả rồi, tôi chỉ mong họ sớm nhìn nhận lại sai lầm của mình, tổ chức xin lỗi công khai và đền bù cho những thiệt hại về tinh thần, sức khoẻ, lẫn kinh tế mà chồng tôi, gia đình tôi phải gánh bao năm qua…", bà Quỳ nói.

Bố bị chết trong tù, cả nhà mang tiếng oan gần 40 năm, đến nay anh Trần Văn Mạnh (SN 1975- con trai cụ Trần Chung Thám) chỉ mong nhà nước sớm xem xét lại việc cơ quan công quyền truy tố sai, khiến bố anh cũng như nhiều người khác phải ngồi tù oan được sớm rửa oan. Nhiều năm nay, bản thân anh Mạnh cũng rong ruổi khắp các nẻo đường, gửi đơn khắp nơi để đi tìm công lý cho bố.

Hoàng Duyên
Chiêu trò 'hút' hàng nghìn tỷ đồng của Công ty Tâm Lộc Phát

Chiêu trò 'hút' hàng nghìn tỷ đồng của Công ty Tâm Lộc Phát

Pháp luật - 1 giờ trước

GĐXH - Chỉ trong một thời gian ngắn, Tâm Lộc Phát từ một công ty "bé xíu" bỗng nhiên "nổi đình, nổi đám" trên khắp các trang mạng xã hội bởi khả năng thu hút các nhà đầu tư trong việc huy động vốn...

Án mạng đau thương ở Lai Châu: Dùng dao sát hại mẹ con của người tình

Án mạng đau thương ở Lai Châu: Dùng dao sát hại mẹ con của người tình

Pháp luật - 1 giờ trước

GĐXH - Cho rằng mẹ người tình ngăn cấm chuyện tình cảm, Hồ đã dùng dao sát hại người phụ nữ này. Trong cơn say máu, Hồ sát luôn người yêu rồi dùng dao tự đâm vào bụng mình để tự sát.

Nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo của kẻ môi giới bất động sản

Nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo của kẻ môi giới bất động sản

Pháp luật - 1 giờ trước

GĐXH - Với thủ đoạn đưa thông tin gian dối cho rằng, bản thân đang đầu tư đất thuộc các dự án tại tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa, đối tượng đề nghị các cá nhân góp vốn chung tiền mua đất. Tiếp đó, Hà yêu cầu các nạn nhân đưa tiền để chi phí tách thửa, sang tên...

Phát hiện vật thể nghi là người trong đám cháy nhà xưởng, nơi 2 phóng viên tố bị hành hung

Phát hiện vật thể nghi là người trong đám cháy nhà xưởng, nơi 2 phóng viên tố bị hành hung

Pháp luật - 2 giờ trước

GĐXH - Theo lãnh đạo xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, trong quá trình khám nghiệm hiện trường vụ cháy nhà xưởng, lực lượng chức năng phát hiện một vật thể đã than hoá, nghi là người. Hiện địa phương đang chờ thông tin kết luận từ cơ quan pháp y.

Diễn biến mới vụ cựu tiếp viên hàng không môi giới bán dâm nghìn đô

Diễn biến mới vụ cựu tiếp viên hàng không môi giới bán dâm nghìn đô

Pháp luật - 3 giờ trước

GĐXH - Liên quan đến vụ cựu tiếp viên Vietnam Airlines môi giới bán dâm giá nghìn đô, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra.

Nghe mẹ nói chuyện trong phòng kín, con gái kịp thời ngăn một vụ lừa đảo

Nghe mẹ nói chuyện trong phòng kín, con gái kịp thời ngăn một vụ lừa đảo

Pháp luật - 5 giờ trước

Kẻ lạ mặt yêu cầu bà T. đóng kín cửa, ở trong phòng và không được đi ra ngoài. Phát hiện sự việc, cô con gái khuyên mẹ nên tắt điện thoại ngay và đi báo công an.

Chiêu lừa qua mạng khiến nhiều phụ nữ đơn thân sập bẫy

Chiêu lừa qua mạng khiến nhiều phụ nữ đơn thân sập bẫy

Pháp luật - 8 giờ trước

GĐXH - Các đối tượng lừa đảo đóng giả là doanh nhân thành đạt, có cuộc sống giàu có, thường xuyên gọi điện, nhắn tin quan tâm đến các bị hại là những phụ nữ đơn thân.

Lừa đảo thi chứng chỉ tiếng Anh tại Hà Nội

Lừa đảo thi chứng chỉ tiếng Anh tại Hà Nội

Pháp luật - 11 giờ trước

Công an Hà Nội tìm bị hại đã nộp tiền để được tham gia thi và được cấp chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International.

Thanh niên mang súng đi đòi nợ, bắn lên trời 3 phát thị uy

Thanh niên mang súng đi đòi nợ, bắn lên trời 3 phát thị uy

Pháp luật - 11 giờ trước

Đến nhà đòi nợ và xảy ra xô xát với anh N., Tiến đã dùng súng ngắn dạng súng Colt bắn lên trời 3 phát để thị uy.

Cảnh báo giả danh Chi cục thuế thành phố Huế để lừa đảo

Cảnh báo giả danh Chi cục thuế thành phố Huế để lừa đảo

Pháp luật - 1 ngày trước

GĐXH - Bằng thủ đoạn làm giả giấy mời của Chi cục thuế TP Huế, đồng thời giả cán bộ thuế gọi điện, kết bạn zalo, cung cấp đường link và hướng dẫn nộp quyết toán thuế, các đối tượng lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Top