Hà Nội
23°C / 22-25°C

PGS.TS Trần Thị Trung Chiến - Bộ trưởng tài ba, người Chị giàu tình cảm

Thứ ba, 10:00 16/01/2018 | Y tế

GiadinhNet - Trong bài viết này, tôi xin phép gọi PGS.TS Trần Thị Trung Chiến là “Chị”, bởi vì trong cuộc sống thường ngày, tôi cũng đã quen gọi như vậy rồi.


Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến (thứ ba từ phải qua) cùng TS Dương Quốc Trọng (thứ hai từ trái qua) và những cán bộ của Bộ Y tế.     Ảnh: TL

Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến (thứ ba từ phải qua) cùng TS Dương Quốc Trọng (thứ hai từ trái qua) và những cán bộ của Bộ Y tế. Ảnh: TL

Người luôn có những ý tưởng mới, hành động kiên quyết và kịp thời

Tôi và chị Chiến cùng chuyên ngành Sản phụ khoa. Tôi gặp và biết Chị vào đầu những năm 1990 khi dự một Hội nghị khoa học Quốc gia về Sản khoa. Lúc đó, Chị đang là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Bà mẹ trẻ em – Kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh, còn tôi thì đang công tác tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi đã có ấn tượng rất đặc biệt về Chị và cũng thật may mắn cho tôi về sau này tôi đã có nhiều năm được làm việc trực tiếp dưới quyền của Chị.

Thời kỳ chị Chiến làm Thứ trưởng Bộ Y tế, tôi vẫn làm lâm sàng tại bệnh viện nên cũng thi thoảng tôi mới được gặp Chị đến dự và phát biểu chỉ đạo tại các Hội nghị khoa học hoặc Hội nghị thường niên của Hội Sản phụ khoa Việt Nam khi đó do GS Dương Thị Cương làm Chủ tịch.

Năm 1996, chị Trần Thị Trung Chiến được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đến năm 1997 được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ. Đầu năm 1998, tôi chuyển ngành về làm việc tại Ban Khoa giáo Trung ương, được bổ nhiệm là Vụ phó Vụ Y tế - Thể dục Thể thao chuyên trách theo dõi mảng công tác DS-KHHGĐ và Phòng chống HIV/AIDS. Có thể nói, tôi được gắn bó với chị Chiến trong công việc suốt từ thời gian đó cho tới nay. Không thể nào kể hết được những kỷ niệm, những nỗi vất vả, lo toan đến mất ăn, mất ngủ cùng với những niềm vui và kể cả những công việc chưa được như ý. Tôi đã chuyển nhiều cơ quan, đơn vị công tác khác nhau, được làm việc với nhiều “Thủ trưởng” khác nhau, nhưng chị Chiến là một trong số ít các “Thủ trưởng” rất hiểu, tin cậy và cũng rất ưu ái đối với tôi. Tôi luôn nghĩ mình là người chịu ơn Chị rất nhiều.

Chị Chiến là người không chịu bằng lòng với những khuôn sáo đã có sẵn mà luôn suy nghĩ, luôn có những ý tưởng mới, luôn hành động kiên quyết và kịp thời. Vào năm 1998, khi đó chúng ta đã triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về “Chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình” được 5 năm. Chị Chiến là người đã đề xuất, kiến nghị và được Ban Bí thư, Bộ Chính trị cho phép tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) trên phạm vi cả nước. Đây là dịp quan trọng để các cấp ủy Đảng, chính quyền từ cơ sở trở lên sơ kết, đánh giá những thành tựu đạt được cũng như những khuyết điểm tồn tại trong việc thực hiện Nghị quyết, để từ đó tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp trong thời gian tới. Lãnh đạo Ban Khoa giáo phân công tôi đặc trách công việc này, vì thế đây là cơ hội tốt để tôi làm quen với những công việc vĩ mô và tiếp xúc với anh em ngành Dân số trong cả nước. Trong thời gian này, tôi đã đi trên 40 tỉnh, thành phố dự các Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Sau khi đi dự ở các tỉnh về tôi đều báo cáo lãnh đạo Ban và báo cáo chị Chiến và luôn nhận được sự động viên, chỉ bảo kịp thời. Năm 1999, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đến New York đón nhận Giải thưởng về Dân số của Liên Hợp Quốc trao tặng. Cũng vào cuối năm đó, Ban Khoa giáo Trung ương phối hợp với Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ tổ chức Hội nghị sơ kết toàn quốc 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII). Hội nghị đã vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác Tư tưởng và Khoa giáo đến dự và chỉ đạo. Hội nghị đã chỉ ra được thành tựu rất cơ bản của nước ta là đã tạo ra được sự đồng thuận và ý thức của cả xã hội về vai trò, vị trí của công tác dân số, góp phần khống chế được tốc độ gia tăng quá nhanh về dân số. Thành tích này được cả xã hội và cộng đồng quốc tế thừa nhận. Với tầm nhìn xa và bằng sự nhạy bén của một người lãnh đạo, PGS.TS Trần Thị Trung Chiến đã làm Chủ nhiệm Đề tài độc lập cấp Nhà nước, khảo sát, đánh giá và đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dân số ở nước ta. Đây là một nghiên cứu cơ bản cả về xã hội và về y sinh học, đưa ra những bằng chứng khoa học để từ đó đề xuất sự chuyển hướng cơ bản mang tính chiến lược của công tác dân số, từ chỗ chỉ chú trọng về mặt số lượng sang từng bước nâng cao chất lượng dân số ở nước ta. Tôi được vinh dự giúp chị Chiến trong cả hai việc này nên có lẽ cũng vì thế mà dần được Chị tin tưởng và quý mến!

Tự hào về người Thủ trưởng, người Chị

Tôi có tham gia Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam khóa I. Vào cuối nhiệm kỳ khóa I, tình hình nội bộ Hội rất phức tạp, mất đoàn kết nghiêm trọng, có những ý kiến đề xuất giải tán Hội. Với tư cách là cơ quan chủ quản, chị Chiến có nói “Việc giải tán thì quá đơn giản nhưng đất nước và nhân dân chẳng được lợi gì cả; phải tiến hành Đại hội củng cố về mặt tổ chức và nhân sự để Hội mạnh lên, góp phần cùng với Nhà nước làm cho công tác dân số tốt hơn nữa, đấy mới là việc cần và phải làm”. Và Chị đã làm được điều đó, Đại hội đã thành công tốt đẹp, GS Phạm Song được bầu làm Chủ tịch Hội khóa II. Chị Chiến có chỉ đạo phân công tôi viết và trình bày Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ hai Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, đồng thời cũng khuyên tôi “Em ở Ban Đảng, không nên tham gia Ban Chấp hành khóa II, như vậy sẽ có lợi cho công việc hơn”. Tôi nhận thấy những lời khuyên ấy vừa sáng suốt, vừa thắm tình chị em.

Khi chuyện trò vui vẻ, có lần tôi hỏi “Chị cho em về bên Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ được không?”, tôi được Chị trả lời “Em ở bên ấy có lợi hơn, còn sau này nếu có về Bộ Y tế thì còn được”. Sau này, công việc của tôi như đã được “sắp đặt” từ những ngày ấy: Tôi về Bộ Y tế làm Chánh Văn phòng, làm Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, rồi sau đó làm Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ và nay là Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam mà chị Trần Thị Trung Chiến làm Chủ tịch – những việc mà tôi đã được luyện rèn từ những năm tháng bên Ban Khoa giáo Trung ương.

Năm 2001, chị Trần Thị Trung Chiến được bầu tái cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đến năm 2002 được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Y tế. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến cùng với toàn ngành Y tế đã phải đương đầu với hàng loạt những khó khăn thách thức, đặc biệt là dịch SARS, một dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm làm cả thế giới phải e ngại và lo lắng. Nhưng cũng chính trong những thời khắc gay cấn, hiểm nguy đến tính mạng của cả cộng đồng lại tôn lên những phẩm chất cao đẹp của người thầy thuốc, tôn lên sự bản lĩnh, vững vàng, quyết đoán của người đứng đầu ngành Y tế. Năm 2003, tôi được chị Chiến đưa về làm Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng. Tôi được tháp tùng Chị đi thăm một số đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước như đồng chí Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Nguyên Giáp… Tôi vẫn còn nhớ, khi tiếp chuyện, bác Võ Nguyên Giáp có nói: “Cô đã chiến thắng dịch SARS, được cả thế giới ca ngợi. Cô giỏi lắm! Cô xứng đáng được phong làm Đại tướng chống lại dịch bệnh”. Tôi ngồi nghe mà thấy trong lòng hết sức tự hào về người Thủ trưởng, người Chị của mình.

Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS. Sau thắng lợi này, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến cùng với toàn ngành Y tế lại tiếp tục gặp phải hàng loạt những khó khăn khác: Sự xâm nhập của cúm A H5N1 làm cả thế giới hoảng loạn, tình trạng quá tải trầm trọng ở các bệnh viện lớn, vấn đề tổ chức bộ máy và công tác cán bộ ở các bệnh viện Trung ương… cần được giải quyết kịp thời. Đây đều là những việc rất khó, cần phải có sự quyết tâm, trí tuệ, bản lĩnh của người đứng đầu, đồng thời lại phải giải quyết có lý, có tình.

Nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch cúm A H5N1, nếu có biến thể lây truyền từ người sang người thì đây thực sự là một thảm họa đối với đất nước, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Bộ Chính trị có cuộc họp khẩn để Bộ trưởng báo cáo về tình hình dịch, những khả năng có thể xảy ra và đề xuất những kịch bản phòng chống dịch bệnh. Bộ Chính trị đã cho ý kiến, đánh giá cao những nỗ lực và hoàn toàn thống nhất với những đề xuất của ngành Y tế do Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến trình bày.

Để giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường năng lực cho các bệnh viện tuyến dưới để người bệnh có thể an tâm khi vào điều trị. Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến chính là người đã đưa ra ý tưởng và xây dựng đề án “Bệnh viện vệ tinh”. Mỗi một bệnh viện tuyến trên phải có các bệnh viện vệ tinh ở tuyến dưới, từ việc cử cán bộ về hỗ trợ, điều trị, phẫu thuật chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới đến việc đưa cán bộ về tuyến trên đào tạo, bổ túc, nâng cao tay nghề... từ đó làm cho bệnh nhân hoàn toàn an tâm, tin tưởng khi vào điều trị tại gần nơi sinh sống mà không phải vượt tuyến lên trên. Chủ trương này hiện nay vẫn đang được ngành Y tế áp dụng một cách rất hiệu quả.

Tấm gương về sự nhiệt tình, say mê, tính nhân hậu và lòng vị tha

Khi chuyển về công tác ở Bộ Y tế, công việc đầu tiên tôi được chị Chiến giao cho là làm Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc cho Ban Soạn thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về Y tế. Tôi còn nhớ, vào cuối năm 2003, Ban Bí thư đã nghe báo cáo về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về “Những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”. Sau khi nghe và thảo luận, Ban Bí thư đã xác định rằng, đây là vấn đề lớn, trước đây đã có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, trong bối cảnh tình hình hiện nay lại đang đặt ra những vấn đề lớn, đòi hỏi cần phải có những chủ trương, quyết sách kịp thời. Chính vì vậy, Ban Bí thư cho rằng, cần phải trình Bộ Chính trị để ban hành một Nghị quyết về vấn đề này. Tôi nhận thức rằng đây là một công việc hết sức hệ trọng mà chị Chiến đã tin tưởng giao cho, vì vậy mà đã dành hết tâm sức để xây dựng Nghị quyết một cách tốt nhất với tất cả khả năng của mình. Trong quá trình xây dựng Nghị quyết, chị Chiến cũng thường xuyên chỉ đạo, làm sao Nghị quyết phải đánh giá cho đúng tình hình và đặc biệt Nghị quyết phải đi vào cuộc sống, phải tạo ra sự chuyển biến, phải có giá trị, lợi ích thực sự đối với người dân và đối với ngành Y tế; trong quá trình xây dựng Nghị quyết, cần xin ý kiến của các giáo sư, cán bộ lão thành, những nhà quản lý trong ngành Y tế, đồng thời cần xin ý kiến cả những cán bộ ngoài ngành. Chị Chiến đã chủ trì một cuộc họp xin ý kiến của các bác là thành viên Tổ Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ để đóng góp vào bản dự thảo Nghị quyết. Có lẽ cũng hiếm có một Bộ trưởng nào lại có sự cầu thị và cẩn thận đến thế khi xây dựng Nghị quyết trình Trung ương! Chính sự nghiêm túc và cầu thị trong công việc đã có được kết trái ngọt ngào. Vào ngày thứ Sáu, mồng 7 tháng 1 năm 2005, tập thể Bộ Chính trị (khóa IX) đã họp phiên toàn thể nghe đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến trình bày Báo cáo tổng kết, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về “Những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân” và dự thảo Nghị quyết về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Bộ Chính trị đã dành cả một ngày hôm đó để nghe, phân tích tình hình và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh kết luận, Hội nghị đã đánh giá cao quá trình chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc của Ban Soạn thảo, đặt ra được những vấn đề mới, đặt ra được những giải pháp trong tình hình mới; Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Sau cuộc họp đó, tôi cảm nhận được mình cũng như chị Chiến vừa vượt qua được một kỳ thi căng thẳng.

Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến là người sâu sát, trí tuệ, bản lĩnh, quyết đoán, quyết liệt, nhưng đồng thời cũng rất dân chủ, coi trọng ý kiến của đồng nghiệp và cấp dưới. Trong các cuộc họp, Bộ trưởng thường chú ý lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người và bản thân sẽ đưa ra ý kiến kết luận cuối cùng. Những ý kiến kết luận của Chị đều mang tính thuyết phục và mọi người thường chấp hành một cách tâm phục.

Trong cuộc sống đời thường, chị Chiến là người sống rất hòa đồng, tâm lý, rất quan tâm, nâng đỡ cán bộ dưới quyền và thậm chí có phần chiều chuộng các em. Chính vì vậy, nhiều cán bộ cấp dưới khi hỏi hoặc nói chuyện với nhau về chị Chiến thường dùng từ “Chị” là đã hiểu họ đang nói về “chị Chiến”. Những năm làm Chánh Văn phòng Bộ, chúng tôi – những người em của Chị thường tụ tập ở nhà Chị để thưởng thức những món ăn Nam bộ do chính tay Chị nấu và để khui những chai rượu ngon nhất mới thấy “xuất hiện” ở trong nhà!

Có thể nói, còn rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều chuyện để kể về Chị. Chị là tấm gương về sự nhiệt tình, say mê trong công việc (mà đến nay vẫn rất say mê với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân), tấm gương về tình người, tính nhân hậu và lòng vị tha mà tất cả chúng tôi đều phải học tập.

Nhằm ghi nhận những đóng góp, cống hiến của các thế hệ lãnh đạo ngànhY tế, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Trần Thị Trung Chiến, ngày 16/1/2018, Bộ Y tế tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Trần Thị Trung Chiến – Cuộc đời và Sự nghiệp”.

Buổi lễ nhằm ghi nhận những đóng góp của nguyên Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến; ghi nhận công lao đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử Ngành, khơi dậy lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

(Các tít phụ trong bài do Báo Gia đình & Xã hội đặt)

TS Dương Quốc Trọng (Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ)

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Y tế - 2 giờ trước

GĐXH – Theo các bác sĩ, chì là 1 loại kim loại nặng, rất độc gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của con người, đặc biệt là đối với trẻ em.

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Y tế - 16 giờ trước

Sau khi lần lượt mờ 2 mắt, với thị lực gần như bằng 0, đi qua rất nhiều bệnh viện khám, nữ bệnh nhân ở Quảng Bình được xác định có khối phình động mạch não rất lớn.

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Y tế - 21 giờ trước

GĐXH - Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng chiếc que xiên thịt sắc nhọn đâm xuyên lưỡi.

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Về tình hình sức khỏe của nam sinh bị đánh chấn thương sọ não khi chơi bóng rổ, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết hiện tại, bệnh nhân vẫn hôn mê, thở hoàn toàn theo máy...

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Y tế - 4 ngày trước

Xương cá rơi vào phế quản nhưng bà K.A không hề hay biết. Bị ho, khó thở kéo dài, bệnh nhân điều trị suốt 1 năm không đỡ.

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH - Ngày 19/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam do JICA phối hợp với Hội Vật lý Trị liệu Việt Nam tổ chức.

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Y tế - 5 ngày trước

GĐXH – Hàng trăm đơn vị máu đã được tiếp nhận trong Chương trình hiến máu tình nguyện hưởng ứng “Lễ hội Xuân hội’ năm 2024 tại Bộ Y tế.

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Y tế - 5 ngày trước

GĐXH - Ngày 19/4, UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Y tế - 6 ngày trước

GĐXH – Bệnh nhi bị đứt toàn bộ động mạch trụ, đứt thần kinh trụ và thần kinh giữa, đứt gân gấp cổ tay trụ, đứt gân gấp ngón 4 và 5 bàn tay trái.

Chó chết sau khi cắn chủ nhà, chuyên gia giải thích vì sao chó dại sau khi cắn người lại chết?

Chó chết sau khi cắn chủ nhà, chuyên gia giải thích vì sao chó dại sau khi cắn người lại chết?

Y tế - 6 ngày trước

GĐXH - Thực tế, kông phải việc cắn người sẽ khiến chó dại bị chết mà thực chất đây là biểu hiện xuất hiện vào giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát bệnh của chó.

Top