Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nơi tình người lan tỏa trong mùa dịch

Thứ bảy, 14:35 20/06/2020 | Y tế

GiadinhNet - Trong những ngày cả nước đang căng mình chống dịch COVID-19, việc thiếu máu cũng chính thức diễn ra khiến cuộc sống của hàng ngàn bệnh nhân chao đảo. Từ đây, một làn sóng kêu gọi sức mạnh cộng đồng được khơi dậy, thắp lên nhiều câu chuyện xúc động về tình người ấm áp trong mùa dịch…

Nơi tình người lan tỏa trong mùa dịch - Ảnh 1.

Nhờ sức mạnh của truyền thông, nhiều người đã tình nguyện tham gia hiến máu cứu người trong đợt dịch COVID-19. Ảnh: INT

Nhiều người không thể về nhà vì thiếu máu

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương những ngày sau Tết Nguyên đán 2020, không khí dần trở nên căng thẳng. Số người hiến máu giảm, các lịch hiến máu liên tiếp bị hoãn vì ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Viện đứng trước nguy cơ không có bất kỳ lịch hiến máu ngoại viện nào trong gần 1 tháng trước, trong và sau Tết. Bệnh nhân ngày một đông, số người cần truyền máu còn nhiều trong khi lượng máu dự trữ gần như chạm đáy đã tạo ra cuộc khủng hoảng trầm trọng về nguồn máu.

Với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan truyền thông, sự chung sức của nhiều cơ quan, đơn vị và những thay đổi về cách thức tổ chức hiến máu trong giai đoạn phòng chống dịch, lượng máu hiến cố gắng lắm mới kéo lên chút ít nhưng lại nhanh chóng bị tụt xuống bởi diễn biến khó lường của dịch bệnh. Tối 6/3, cuộc chiến chống dịch COVID-19 bước vào giai đoạn 2 với việc phát hiện ra bệnh nhân thứ 17 và cũng là ca nhiễm đầu tiên tại Hà Nội.

Người dân hoang mang, lo ngại dịch lây lan nên hạn chế ra đường. Cũng lúc này, việc thiếu máu xuất hiện. Lịch hiến máu lại bị hoãn liên tiếp, bất kể ngày giờ, thậm chí gần 0h00 đêm hoãn cho lịch ngày hôm sau, nhiều lời hẹn sẽ tổ chức hiến máu khi… qua mùa dịch.

Nhiều người cũng hoài nghi, băn khoăn, liệu hiến máu hay truyền máu có bị lây nhiễm SARS-CoV-2 hay không nên họ ngần ngại không đi hiến. Điều này đặt ra thách thức cho các cơ sở y tế, làm sao để vừa chống dịch an toàn lại vừa đẩy mạnh hoạt động hiến máu để giảm thiểu nguy cơ thiếu máu cho điều trị.

Tình trạng thiếu máu khiến nhiều ca phẫu thuật chưa thể tiến hành, hàng ngàn người bệnh chưa thể ra viện vì chưa có máu. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đứng trước những ngày căng thẳng chờ từng đơn vị máu để cứu bệnh nhân.

Nhiều bác sĩ, nhân viên của Viện đã vô cùng lo lắng khi nhìn những đứa trẻ bị bệnh Thalassemia, phải truyền máu để duy trì sự sống, trong khi nguồn máu ngày càng thiếu. Nhiều em nhỏ phải ở Viện cả tháng chưa được về nhà vì chưa truyền đủ máu. Hay có những phụ nữ mang thai mắc căn bệnh này, luôn phải sống trong nơm nớp khi nguồn máu ngày một cạn, đe dọa sức khỏe của mẹ và đặc biệt là sự sống của thai nhi…

Sức mạnh truyền thông kêu gọi cộng đồng

Nơi tình người lan tỏa trong mùa dịch - Ảnh 2.

Ca mổ bắt con của chị Lan đã thành công nhờ sự giúp đỡ hiến máu của cộng đồng. Ảnh: Công Thắng

Trước tình thế vô cùng cấp bách ấy, trên mạng xã hội, hàng vạn dòng status về thực trạng khan hiếm máu đã được chia sẻ: "Khi "cơn bão" virus Corona đang càn quét thì nó đã góp phần tạo ra một "cơn bão" khác, thầm lặng hơn nhưng sức sát thương không kém: Đó là thiếu máu". Và nhờ đó, một "cơn bão" mới đã xuất hiện – đó chính là sức mạnh của truyền thông, là tinh thần dân tộc đã truyền thông điệp mạnh mẽ về "tình người ấm áp". Hàng vạn câu rủ nhau trên mạng xã hội "đi hiến máu đi", hàng ngàn người đã đến, vui vẻ xếp hàng chờ hiến máu.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ: "Báo động đỏ ở các bệnh viện, máu điều trị cho người bệnh đang thiếu trầm trọng. Những người có tấm lòng xin đừng chần chừ. Giờ thì không ai là không nhận thức rõ chống dịch COVID-19 là cuộc chiến của toàn dân tộc nữa. Và giờ cũng đã đến lúc toàn thể chúng ta nhận thức rõ thêm việc hiến máu tình nguyện là việc của mỗi người…". Không chỉ tham gia truyền thông phòng chống dịch bệnh, nhiều phóng viên, nhà báo đã đồng hành, sẵn sàng hiến máu và kêu gọi người thân, bạn bè hiến máu cứu người.

"Trong thời điểm phòng chống dịch, rất cần phải bảo vệ sức khỏe bản thân, nhưng chúng ta cũng cần nghĩ đến sức khỏe cộng đồng bằng việc tham gia hiến máu. Không tập trung đông người thì ta tổ chức hiến máu phân tán, tại nhiều địa điểm, vào nhiều khung giờ. Bởi tinh thần hiến máu của cộng đồng không hề suy giảm", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đưa ra lời kêu gọi người dân tham gia hiến máu.

Nhờ các cơ quan báo chí, truyền thông và hưởng ứng lời kêu gọi tham gia hiến máu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4), dù đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhưng hơn 900 người đã đến để hiến máu, hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và các điểm hiến máu cố định vào đúng ngày 7/4. Một con số kỳ diệu gấp gần 10 lần so với các ngày bình thường trước đây.

"Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận được không khí thực sự ấm áp của Ngày Toàn dân hiến máu nô nức, tự giác đến như vậy. Đó cũng là ngày đầu tiên Hà Nội hửng nắng ấm sau nhiều ngày mưa ẩm… Điều đó minh chứng một điều rằng, dù giãn cách xã hội nhưng không hề giãn cách về cảm xúc, lý trí, trách nhiệm và nghĩa cử nhân ái với đồng bào mình", một cán bộ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương xúc động bày tỏ.

Tình người ấm áp trong mùa dịch

Với sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng và nhiều cơ quan đã giúp lượng máu tiếp nhận được ổn định, đảm bảo đủ cung cấp cho người bệnh.

BS Phạm Tuấn Dương Phó Viện trưởng Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương

Cùng chồng và các con nhỏ vượt mưa tới điểm hiến máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, chị Mai Thị Hồng (Khu đô thị Ecopark) rất vui vì lần đầu tiên được hiến tiểu cầu, còn chồng chị có thể góp 1 đơn vị nhóm máu O. Các con được nghỉ học nên vợ chồng chị đưa các cháu cùng đi để các cháu hiểu rằng, sống và chia sẻ với những hoàn cảnh khác là việc nên làm.

Với anh Đỗ Thành Long, Giám đốc Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiểu được nhu cầu về máu để cấp cứu và điều trị cho người bệnh đang rất cấp thiết nên dù công việc bận rộn, anh vẫn sắp xếp đến để hiến máu, hiến tiểu cầu. "Trong những lúc khó khăn thế này, chúng ta càng nên đến để chia sẻ khó khăn với các cơ sở y tế và đặc biệt là người bệnh", anh Long chia sẻ.

Chị Hồng, anh Long là hai trong số rất nhiều người đã không quản ngại dịch bệnh đến tham gia hiến máu cứu người. Với phương châm: "Một giọt máu trao đi – Một cuộc đời ở lại" nhiều người đã cùng nhau kêu gọi cộng đồng giúp cho nguồn máu dự trữ dồi dào trở lại, tăng thêm cơ hội được sống, được điều trị cho nhiều người bệnh. Và thực tế, đã có những kỳ tích được tạo ra từ sức mạnh cộng đồng, từ những hành động đầy tính nhân văn. Nếu không có máu, không có tiểu cầu từ cộng đồng hiến tặng, có lẽ người phụ nữ Hà Nội bị ung thư máu khó có thể vượt cạn thành công hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Vượt qua lằn ranh giới giữa sự sống và cái chết, sản phụ Lưu Ngọc Lan vẫn chưa tin mẹ con chị được cứu sống một cách kỳ diệu đến thế. Người mẹ ấy phát hiện mình bị ung thư máu vào những tháng cuối của thai kỳ. Chị sốc, nhưng vì con, chị vẫn cố gắng gượng. Chị được chỉ định sẽ mổ bắt con ở tuần thai thứ 37 nhưng tình trạng thiếu máu ngày càng nặng, tiểu cầu và các yếu tố đông máu đều giảm sâu.

Bác sĩ tiên lượng chị có nguy cơ khó cầm máu hoặc tụ máu sau mổ và sẽ cần truyền rất nhiều máu, chế phẩm máu. Nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19, nguồn máu hiến giảm, nếu không có máu, không có tiểu cầu, các bác sĩ cũng bất lực, ca sinh mổ khó có thể thành công.

Ngay lập tức, hơn 200 người đã không quản ngại dịch bệnh đến hiến máu theo lời kêu gọi giúp đỡ của chị trên mạng xã hội. Và cuối cùng, ca phẫu thuật đã "mẹ tròn con vuông". Khi cánh cửa phòng mổ mở ra, được đón cô con gái bé nhỏ xinh xắn và nghe tin vợ mình đã an toàn sau ca mổ đầy nguy hiểm, anh Dũng – chồng chị Lan rơi nước mắt vì quá hạnh phúc.

Còn với bản thân chị Lan, chị gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cộng đồng, những người đã giúp đỡ mẹ con chị vượt qua cơn hoạn nạn. "Khi đã đối mặt với cái chết mới thấy những điều dù nhỏ nhất, đơn giản trong cuộc sống nó quý giá đến nhường nào. Nó giúp mình biết trân trọng cuộc sống và trân trọng mọi người hơn. Biến cố này cũng giúp mình thấy mọi người xung quanh mình tốt bụng và yêu quý nhau hết mực thế nào. Người Việt Nam mình thực sự sống rất tình cảm", chị Lan nghẹn ngào chia sẻ.

"Câu chuyện chia sẻ tình người Việt Nam qua những giọt máu hiến tặng trong thời điểm dịch COVID-19 thật cảm động. Tôi vô cùng biết ơn những tấm lòng nghĩa tình đã hiến tặng những giọt máu đong đầy tình người vô cùng quý giá" Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bạch Quốc Khánh xúc động nói.

“Với phương châm “Hiến máu an toàn - Đừng ngại COVID”, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hướng đến đảm bảo công tác tiếp nhận và cung cấp máu trong thời điểm chống dịch với tiêu chí 3A: Đó là An toàn cho người hiến máu; An toàn cho người bệnh nhận máu và An toàn cho nhân viên y tế”.

Viện trưởng Bạch Quốc Khánh

Mai Thùy - Trương Hằng

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Y tế - 18 giờ trước

GĐXH – Hàng trăm đơn vị máu đã được tiếp nhận trong Chương trình hiến máu tình nguyện hưởng ứng “Lễ hội Xuân hội’ năm 2024 tại Bộ Y tế.

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Y tế - 18 giờ trước

GĐXH - Ngày 19/4, UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Y tế - 20 giờ trước

GĐXH – Bệnh nhi bị đứt toàn bộ động mạch trụ, đứt thần kinh trụ và thần kinh giữa, đứt gân gấp cổ tay trụ, đứt gân gấp ngón 4 và 5 bàn tay trái.

Chó chết sau khi cắn chủ nhà, chuyên gia giải thích vì sao chó dại sau khi cắn người lại chết?

Chó chết sau khi cắn chủ nhà, chuyên gia giải thích vì sao chó dại sau khi cắn người lại chết?

Y tế - 20 giờ trước

GĐXH - Thực tế, kông phải việc cắn người sẽ khiến chó dại bị chết mà thực chất đây là biểu hiện xuất hiện vào giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát bệnh của chó.

Bé gái chào đời với dây rốn quấn cổ 5 vòng

Bé gái chào đời với dây rốn quấn cổ 5 vòng

Y tế - 2 ngày trước

Bé gái nặng gần 3 kg, có dây rốn quấn cổ 5 vòng, ngôi ngược vừa được các bác sĩ phẫu thuật mổ lấy thai thành công

Lạng Sơn: Gần 100 người mắc rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu

Lạng Sơn: Gần 100 người mắc rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH – Đa số bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, chửi bới, lo âu, hoảng sợ, ảo giác...

Tai nạn hy hữu: Đạp xe đi học, nam sinh 17 tuổi bị tay lái đâm sâu vào cổ

Tai nạn hy hữu: Đạp xe đi học, nam sinh 17 tuổi bị tay lái đâm sâu vào cổ

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Cú ngã không ngờ đã khiến tay lái xe đâm vào cổ. Máu từ vết thương ồ ạt chảy, cậu vội dùng tay bịt vết thương, loạng choạng chạy bộ về nhà.

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, hai người đàn ông nhập viện cấp cứu

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, hai người đàn ông nhập viện cấp cứu

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH – Sau 5 tháng uống thuốc nam điều trị viêm gan B, ông D. thấy mệt mỏi, chán ăn, tiểu ít, có màu vàng sẫm, đại tiện phân táo nên được đưa đi bệnh viện.

Thông tin mới nhất vụ thanh niên ngừng tim trước vạch đích giải chạy Tây Hồ: Có tiền sử tăng huyết áp

Thông tin mới nhất vụ thanh niên ngừng tim trước vạch đích giải chạy Tây Hồ: Có tiền sử tăng huyết áp

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, thường xuyên được điều trị bằng Coversyl.

Cứu sản phụ mang thai có 'tràng hoa cuốn cổ' 5 vòng

Cứu sản phụ mang thai có 'tràng hoa cuốn cổ' 5 vòng

Y tế - 3 ngày trước

BS Khoa Sản, BVĐK Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật mổ lấy thai có "tràng hoa quấn cổ" 5 vòng, ngôi ngược thành công.

Top