Hà Nội
23°C / 22-25°C

Niềm tự hào đặc biệt của người y tá mặt trận Vị Xuyên

Thứ ba, 07:50 26/02/2019 | Y tế

GiadinhNet - “Y tá chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) những năm 1984-1989 như tôi cũng chỉ là người bình thường, làm những việc mà tất cả thanh niên thời điểm ấy vẫn làm. Nhắc lại không phải để thế hệ sau phải nhớ ơn, nhưng chiến công của cả dân tộc khi đó chắc chắn phải có những đóng góp của lực lượng quân y sĩ. Tôi tự hào, hãnh diện là một trong số đó…”, ông Nguyễn Đình Thắng nói.


Anh hùng liệt sĩ Lê Trần Mãn (trái) y tá Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 cùng đồng đội khi làm nhiệm vụ quân y tại Sư đoàn 153. Ảnh: Hồ Văn Thông

Anh hùng liệt sĩ Lê Trần Mãn (trái) y tá Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 cùng đồng đội khi làm nhiệm vụ quân y tại Sư đoàn 153. Ảnh: Hồ Văn Thông

“Mùi chiến tranh” cảm nhận từ buồng bệnh

Tháng 3/1983, vừa học hết lớp 10, chàng thanh niên gốc Hà Nội Nguyễn Đình Thắng chưa đến 17 tuổi lên đường nhập ngũ. Tháng 7 cùng năm, tình cờ cậu Binh nhì tên Thắng hồi đó cao lêu nghêu, chỉ 39-40kg được nhận định là “phù hợp với nghề y tá”, nên được cử đi học ở ngã ba Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai).

9 tháng liên tục, sáng ông Thắng được dạy lý thuyết, chiều ôn bài. Tới tháng 3/1984, ông được phân công về Bệnh viện Tam Đường thực tập. Người cựu binh già năm nay đã 53 tuổi nhớ như in phía sau Bệnh viện “toàn là núi”. Để làm phòng mổ, phẫu thuật, biết bao người phải khoét núi, đào hầm An Xuyên. Tại đây, ông Thắng mới biết thế nào là “mùi chiến tranh”.

Một người lính Sư đoàn 345 chở xăng dầu cho đơn vị không may trúng mìn gài. Tai nạn khiến người lính trẻ bỏng toàn thân, khắp người nham nhở vết thương, không thể nào băng bó vì băng đâu dính đấy. Các quân y sĩ liên tục tiêm thuốc giảm đau nhưng hồ nghi về khả năng giữ được mạng cho người lính trẻ. “Đó là lần đầu tiên tôi biết đến sự tàn khốc của chiến tranh”, ông Thắng nhớ lại ngày này cách đây 35 năm.

Kết thúc thực tập, ông Thắng được cử về C24 – là bệnh xá của Trung đoàn 153 (đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện, đóng quân ở xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai, gần phố Lu ngày nay). Một bệnh xá trung đoàn khi đó có chủ nhiệm quân y, 2 bác sĩ, quân y sĩ, y tá. Hồi đó, điều kiện thuốc men thiếu thốn, chủ yếu là điều trị bằng thuốc Nam. Người lính đã rời quân ngũ gần 33 năm vừa đọc vo vo bài học “vỡ lòng” lớp Y tá vừa gật gù: “Nhớ nhất là giờ truy bài lúc nửa đêm”.

“Thầy giáo tôi khi đó là bác sĩ Phùng Quốc Vượng, vừa tốt nghiệp Đại học Y đã lên đường nhập ngũ. Ông truyền tất cả những gì đã được học trong trường Y để dạy lại cho chúng tôi. Cứ nhằm lúc anh em đang ngủ say thì bất ngờ thầy “dựng” dậy, hỏi phác đồ điều trị sốt rét ác tính và cấp cứu phản ứng Penicillin. Không trả lời được là kỷ luật”, cựu binh Nguyễn Đình Thắng nhớ lại. Học viên phải nắm rất rõ, đó là bắt buộc bởi sốt rét ác tính cực kỳ nguy hiểm, ai nấy đều bị. Hồi đó, mỗi người lính đều được phát thuốc phòng sốt rét hàng tháng (2 viên/lần/tháng) nhưng không ít người nhường thuốc cho dân. Nhiều lính nghĩ mình trai tráng, không hình dung nổi sự tàn phá của sốt rét. Khi đã chẩn đoán sốt rét cần điều trị đúng sẽ hạn chế tối đa biến chứng sốt rét ác tính. Nếu nặng quá sẽ chuyển bệnh nhân đưa lên Sư đoàn để hạn chế thiệt mạng. “Lúc ở C24 là khoảng thời gian để y tá mới như chúng tôi bồi dưỡng chuyên môn, thực tế. Cả Sư đoàn tôi không ai tử vong vì sốt rét ác tính vì cấp cứu, điều trị ban đầu tốt”, ông nói.

“Vũ khí đặc biệt” của y tá chiến trường

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài một thập kỷ (1979-1989), hàng nghìn chiến sĩ quân đội Việt Nam đã hy sinh khi chiến đấu giành từng tấc đất biên cương trước sự xâm lấn của quân Trung Quốc.

Từ tháng 4/1984, Trung Quốc tập trung lực lượng tấn công chiếm các điểm cao ở biên giới Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang). Tới tháng 6/1984, cuộc chiến đi vào giai đoạn ác liệt nhất. Quân khu 2 tổ chức tiến công giành lại những điểm cao bị Trung Quốc chiếm đóng. Bộ Tư lệnh mặt trận mở chiến dịch mang bí danh MB84 ở mặt trận Vị Xuyên.

Y tá Nguyễn Đình Thắng được “biệt phái” tăng cường cho Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876 thuộc Sư đoàn 356. Là y tá Đại đội 5 (đóng tại làng Mè, xã Phương Thiện, Vị Xuyên, Hà Giang), y tá Thắng khi đó phải tổ chức tiêm phòng uốn ván cho cán bộ chiến sĩ vì mảnh đạn, bom rất dễ nhiễm trùng. Y tá chiến trường rất ít, không thể chạy tự do từ điểm này sang điểm khác trên trận địa để sơ cứu nên mỗi tiểu đội phải cử vài người học cơ bản về băng bó, garo sơ cứu. Y tá Thắng là người thị phạm việc này. Ông nhớ khi đó phải cùng anh em lấy săm lốp cũ, cắt từng sợi đoạn nhỏ để làm chun thít chặt khi garo vết thương. Ông cũng là người nhận nhiệm vụ lĩnh bông băng cá nhân phát cho lính, đôn đốc anh em viết thông tin cá nhân (họ tên, số hiệu quân nhân, đơn vị, ngày nhập ngũ, khi cần liên hệ với ai) vào mảnh giấy bằng bút mực Cửu Long, sau đó ép trong túi bóng, hơ lửa cho chặt (như ép plastic bây giờ). “Tờ giấy này rất quan trọng, bởi khi hi sinh, nhiều điều kiện khách quan nên mặt mũi biến dạng, không thể nhận ra”, ông Thắng nhớ lại.

Đầu tháng 7/1984, y tá Thắng cùng đồng đội hành quân từ Làng Mè lên điểm cao 468 – nơi Tiểu đoàn 2 đóng quân, sẵn sàng nhiệm vụ. Anh cùng đồng đội kiểm tra quân số, lĩnh bông băng. Mỗi người được 2 cuộn bông băng, riêng y tá thì hơn 30 cuộn, để trong túi thuốc, gồm xi lanh, B1, 2 loại thuốc trợ tim.

Chiều 11/7/1984, Sư đoàn 356 được giao đánh cửa mở với mũi chủ công là Trung đoàn 876 đánh chiếm cao điểm 772. Đó cũng là lần đầu tiên y tá Thắng tham gia chiến trận. “Đêm 11, toàn Trung đoàn hành quân vào 772. Đó là trận đầu tiên với hầu hết lính tráng trong sư đoàn hơn 1.200 người. Tất cả đều 18-20 tuổi”, ông Thắng nói.

Y tá Thắng đi đầu theo Trung đội đánh cửa mở. Bên hông người lính y tá lần đầu đi đánh trận mang 300 viên đạn “nhét khắp người”, khẩu AK, 4 quả lựu đạn và túi thuốc. Sau lưng là bó nẹp tự vót bằng tre, vầu, mỗi loại 2 bộ để băng cố định xương cẳng chân, đùi, cẳng tay, cánh tay – như một loại “vũ khí mới”. Trong ngày đánh, nhiều đồng đội ngã xuống, máu và bùn trộn lẫn “nhuộm đỏ” Vị Xuyên. Đại đội 5 lúc đó cả quân cũ và quân “biệt phái” như y tá Thắng, tất cả có 104 người nhưng trở về chỉ còn 39. La liệt người bị thương và hi sinh. MB84 là trận đấu ác liệt nhất. Phải mất 5 hôm để y tá Thắng cùng đồng đội đi lên trận địa vận chuyển tử sĩ. Đến 23/7, sau khi tổng kết chiến dịch, y tá Thắng được rút về Trung đoàn 153.

Không có chỗ cho sự sợ hãi

Rút kinh nghiệm từ MB84, Quân khu 2 quyết định mở Chiến dịch Vây lấn nhằm giành lại điểm cao 685 với cách đánh mới. Tháng 11/1984, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 của y tá Thắng được tăng cường một tiểu đoàn đặc công tiến hành vây lấn 685.

Hang Làng Lò, nơi có khoảnh cát bằng phẳng, cạnh bờ suối, được chọn làm nơi quây bạt để đặt Trạm phẫu Trung đoàn, chỉ cách điểm cao 685 chừng 1km. Trong hang khi đó được cấp một đèn măng sông, chỉ được dùng khi phẫu thuật cho bệnh nhân nặng, còn ban ngày thì dùng đèn dầu. Ngoài ra, hang chỉ vẻn vẹn một nồi hấp dụng cụ dao mổ, panh cầm máu, dao kéo cắt lọc hoại tử; cùng hòm đựng cơ số thuốc đủ để cấp cứu cho 25 bệnh nhân/hòm.

Y tá Thắng nhớ lại, khi đó, lính bị thương chủ yếu vì bỏng đạn hoặc dẫm phải mìn 625A. Các bác sĩ, quân y sĩ phải ngay lập tức tháo khớp mắt cá chân vì nếu không bệnh nhân sẽ nhiễm trùng tuỷ xương, nhiễm trùng máu, tử vong.

Trận đánh 685, pháo Trung Quốc bắn la liệt nhằm cắt đứt ngay điểm giao giữa đường vận chuyển thương binh của ta về và tiếp viện lên. 14 người dẫm mìn 625A ngay giao thông hào. Trung đoàn lệnh cho Trạm phẫu điều ngay quân y sĩ, y tá lên 4 hầm cấp cứu tại chỗ cho thương binh. Y tá Thắng ngay lập tức có mặt để băng bó, cầm máu, trợ tim, giảm đau. Đến đêm, anh cùng đồng đội đưa thương binh xuống hang, lọc phần thịt da hoại tử, tiêm kháng sinh, phẫu thuật tháo khớp. 14 người lính hôm đó đều đã bị cụt chân.

“Pháo mịt mù. Địch ngay bên kia nòng súng. Ngay khi có lệnh của chỉ huy lên kiểm tra hỗ trợ lính, bất kỳ ai cũng nhận nhiệm vụ, kể cả y tá chúng tôi, dù lúc đó nguy cơ bị địch bắn bất cứ lúc nào nếu bị phát hiện”, y tá Nguyễn Đình Thắng nhớ lại.

Y tá chiến trường như ông Thắng khi đó không khác gì lính, từ tóc tai, quần áo, bởi ai nấy đều chung mùi máu đồng đội, mùi thuốc súng. Chỉ khác, người y tá có túi thuốc có dấu thập đeo hông. Đó có lẽ là “dấu hiệu nhận diện” rõ nhất. Vậy nên, suốt 3 tháng ở Trạm phẫu, y tá Thắng không nhớ nổi có bao nhiêu lượt thương binh đi qua Trạm phẫu, tháo khớp, băng bó, cấp cứu cho những người lính nào. “Nhưng nhiều bệnh nhân của tôi khi đó vẫn nhớ tôi. Có người giờ sống tận Bình Dương, vẫn gọi điện gọi tôi là ân nhân. Tôi không nhận, lúc đó là nhiệm vụ, điều gì tốt nhất cho bệnh nhân, cho lính, cho đồng đội thì làm”, người cựu binh già trầm ngâm.

Cũng trong đợt giành lại điểm cao 685 này, Thượng sĩ, y tá Lê Trần Mãn, một đồng đội của y tá Thắng đã anh dũng hy sinh, thân thể anh hòa vào đất đá (Y tá Lê Trần Mãn được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Ngày 29/8/1985, liệt sĩ Lê Trần Mãn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Sự hi sinh của y tá Mãn để lại sự đau xót nhưng những người chiến sĩ quân y, trong đó có y tá Thắng thấy rất nể phục và tự hào vì đồng đội.

Tháng 3/1985, Cục Quân y lên mặt trận Vị Xuyên đánh giá rất cao bài học của việc tổ chức quân y chiến trường, đặt Trạm phẫu ngay cạnh chiến địa của Chiến dịch Vây lấn 685 giúp can thiệp sớm những trường hợp bị thương, giảm thiểu tỷ lệ để hi sinh trong chiến đấu.

Chúng tôi hỏi: “Điều gì khiến ông nhớ nhất khi làm y tá chiến trường?”. Ông Thắng trầm ngâm: “Tôi chưa bao giờ nghe lời than vãn, khóc lóc vì đau đớn của lính. Khi bị thương, nhiều anh em chỉ kêu lên tiếng “Á! Tao bị rồi”, hoặc gọi “Mẹ ơi” như bản năng. Tuyệt nhiên không tiếng kêu ca, rên rỉ. Trong hang phẫu thuật cũng vậy, dù phải mổ không có gây mê. Trong không khí bom đạn dội rầm rầm trên đầu, khói súng mù mịt, tiếng la hét, tiếng hô “Xung phong”, tất cả anh em đều “say mùi thuốc súng”. Mỗi thanh niên trẻ khi đó tự ý thức đã là người trưởng thành, là một thành phần quan trọng của đất nước, của cuộc chiến này. Khí thế cả dân tộc, cả đại đội đều như thế, nếu thể hiện sự khác biệt cá nhân là không thể chấp nhận. Lúc đó chỉ còn nhiệm vụ “tiêu diệt quân địch, trả thù cho đồng đội”, không có chỗ cho sự sợ hãi”.

Ông Nguyễn Đình Thắng (ảnh) nói: “Tôi rất ám ảnh những đêm đi lấy xác tử sĩ trong chiến dịch MB84. Mưa lớn trút xuống rừng biên giới, rồi lại nắng ngay, ngắt quãng, thất thường khiến xác phân huỷ rất nhanh. Chúng tôi mỗi người được phát một lọ dầu cao sao vàng để bôi vào mũi, át mùi. Cứ đêm xuống, toàn đội lại hành quân suốt 2 tiếng vào 772, cứ “đánh hơi” thấy mùi tử thi là lượm. Hai ngày đầu còn lượm được xác từ ngoài bìa trận địa. Những hôm sau đó phải đi sâu vào gần cửa mở. Có những hôm đi cả đêm sáng mới về. Tại sao Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên giờ vẫn còn nhiều hài cốt bia mộ chiến sĩ chưa biết tên? Đó là bởi tờ “thông tin cá nhân” được viết bằng bút mực Cửu Long, bị nước mưa ngấm vào nên nhoè mờ hết chữ. Số khác được nhét vào trong túi áo, khi chúng tôi đi nhặt xác đồng đội, phải buộc dây kéo xuống vì sợ địch cài lựu đạn dưới hài cốt. Khi về tới chân điểm cao thì quần áo đồng đội không còn nguyên vẹn, nhiều người mất luôn tờ thông tin cá nhân được chuẩn bị từ trước.

Không có Mặt trận Vị Xuyên, hơn 3 năm tuổi quân của tôi sẽ như một chuyến “đi phượt”. Lúc đó chúng tôi nào biết Hà Tuyên hay Hoàng Liên Sơn là gì ngoài việc đó là vùng có đồng bào dân tộc, núi non. Tôi tự hào, không phải điều gì lớn lao đã đóng góp cho đất nước để thế hệ sau phải ghi nhớ. Y tá chiến trường như tôi cũng chỉ là người bình thường, làm những việc mà tất cả thanh niên thời điểm ấy vẫn làm. Nhưng chiến công nào cũng là của nhiều người. Có những người cầm súng chiến đấu trực diện quân thù, cũng có những sự hi sinh thầm lặng, là đội tải thương, người nấu cháo trong Trạm phẫu, y tá…”.

Hướng tới ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2): Người y tá 32 năm lặng lẽ chăm sóc bệnh nhân phong Hướng tới ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2): Người y tá 32 năm lặng lẽ chăm sóc bệnh nhân phong

GiadinhNet - Nằm lặng lẽ dưới chân mấy ngọn đồi thuộc xã Hòa Long (Yên Phong, Bắc Ninh), trại phong Quả Cảm khác biệt cuộc sống đô thị dù chỉ cách trung tâm thành phố 5km. Ở đó, 83 con người đang sống cũng rất lặng lẽ, cùng người y tá già 32 năm nay đã thành người thân…

Võ Thu

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Phán bừa bệnh nhân bị lậu và có nguy cơ hoại tử dương vật, Phòng khám Đa khoa Tây Nguyên bị xử phạt

Phán bừa bệnh nhân bị lậu và có nguy cơ hoại tử dương vật, Phòng khám Đa khoa Tây Nguyên bị xử phạt

Y tế - 6 giờ trước

GĐXH - Bệnh nhân được bác sĩ của Phòng khám Đa khoa Tây Nguyên chẩn đoán mắc bệnh lậu, có nguy cơ hoại tử dương vật, bị yêu cầu đóng hơn 60 triệu đồng để điều trị, tuy nhiên khi xét nghiệm lại tại 2 bệnh viện lớn của tỉnh thì đều cho kết quả âm tính.

Nữ điều dưỡng A9 Bạch Mai cấp cứu bệnh nhân ngừng tim tại nhà hàng Đà Nẵng nhận khen thưởng 'nóng'

Nữ điều dưỡng A9 Bạch Mai cấp cứu bệnh nhân ngừng tim tại nhà hàng Đà Nẵng nhận khen thưởng 'nóng'

Y tế - 7 giờ trước

GĐXH - PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: "Việc làm của điều dưỡng Hạ rất có trách nhiệm. Tôi xúc động, tự hào khi nghe tin cán bộ của mình làm việc hết sức ý nghĩa, hiệu quả và thành công cấp cứu du khách nước ngoài ở bên ngoài bệnh viện."

Số ca mắc sởi liên tục gia tăng, Bộ Y tế yêu cầu giám sát, xử lý triệt để ổ dịch

Số ca mắc sởi liên tục gia tăng, Bộ Y tế yêu cầu giám sát, xử lý triệt để ổ dịch

Y tế - 7 giờ trước

GĐXH - Từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong đó có 12 trường hợp sởi xác định tại phòng thí nghiệm của 4 tỉnh.

Hà Nội ghi nhận trường hợp mắc rubella đầu tiên trong năm 2024

Hà Nội ghi nhận trường hợp mắc rubella đầu tiên trong năm 2024

Y tế - 9 giờ trước

GĐXH - Ngày 28/3, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận bé gái 7 tuổi (ở huyện Đan Phượng) mắc rubella. Trước đó, bé gái đã được tiêm chủng 2 mũi vaccine phòng bệnh này.

Điều dưỡng A9 Bạch Mai cứu người trong quán ăn: 'Anh em ơi, cấp cứu'!

Điều dưỡng A9 Bạch Mai cứu người trong quán ăn: 'Anh em ơi, cấp cứu'!

Y tế - 13 giờ trước

"Khi ép tim lần đầu tiên tôi còn hô lên "Anh em ơi! cấp cứu!", bởi ở bệnh viện, chúng tôi thường hô lên như vậy khi có một ca bệnh cần cấp cứu".

Hơn 30 học sinh nhập viện sau bữa ăn bán trú

Hơn 30 học sinh nhập viện sau bữa ăn bán trú

Y tế - 1 ngày trước

Sau khi ăn bán trú, hàng chục học sinh trường Tiểu học Quang Hanh (Quảng Ninh) đau bụng, buồn nôn phải nhập viện theo dõi.

Thông tin bất ngờ về điều dưỡng cứu du khách nước ngoài ngừng tim đột ngột tại quán ăn Đà Nẵng

Thông tin bất ngờ về điều dưỡng cứu du khách nước ngoài ngừng tim đột ngột tại quán ăn Đà Nẵng

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - "Nhưng giờ nghĩ lại, đó có thể là sự sắp đặt, là nhân duyên để mình gặp bệnh nhân và cứu người bệnh. Vì máy bay delay nên bọn em mới quyết định đi ăn ở nhà hàng đó và gặp chú", chị Hạ nói.

Bộ Y tế nói gì về thông tin 'bỏ giấy khám sức khỏe khi cấp bằng lái xe'?

Bộ Y tế nói gì về thông tin 'bỏ giấy khám sức khỏe khi cấp bằng lái xe'?

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Trước thông tin 'bỏ giấy khám sức khỏe khi cấp bằng lái xe', Bộ Y tế đã lên tiếng liên quan đến vấn đề này.

Nín thở giây phút điều dưỡng A9 Bạch Mai cấp cứu cho du khách nước ngoài ngừng tim đột ngột tại nhà hàng

Nín thở giây phút điều dưỡng A9 Bạch Mai cấp cứu cho du khách nước ngoài ngừng tim đột ngột tại nhà hàng

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Giây phút nhìn thấy người đàn ông đi loạng choạng, khó thở, cô đã ngay lập tức chạy đến kiểm tra, tri hô nhân viên nhà hàng gọi cấp cứu 115 hỗ trợ, đồng thời tiến hành cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân.

Việt Nam xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao, Thủ tướng ký công điện tăng cường phòng chống bệnh

Việt Nam xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao, Thủ tướng ký công điện tăng cường phòng chống bệnh

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Theo báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao.

Top