Hà Nội
23°C / 22-25°C

Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh

Thứ năm, 09:30 22/05/2014 | Y tế

GiadinhNet - Trong chương trình giao lưu trực tuyến diễn ra sáng 22/5 về dịch bệnh lây nhiễm trong mùa hè, các chuyên gia đầu ngành về y tế đã trực tiếp trao đổi cùng bạn đọc về những dịch bệnh có thể xuất hiện, những cảnh báo về các căn bệnh mới và nguy cơ của Việt Nam, cách phòng bệnh, cách xử lý và cách chăm sóc người bệnh khi bị nhiễm bệnh...

Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh 1
Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội, TS Lê Cảnh Nhạc (thứ hai từ trái qua) tặng hoa cho các chuyên gia tham gia giao lưu: (Từ trái qua): TS Trần Quang Trung – Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm; PGS, TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế và PGS, TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Thời tiết đầu mùa hè là thời điểm thuận lợi cho nhiều bệnh dịch phát sinh và  lây lan, như tiêu chảy, sốt xuất huyết, viêm màng não mô cầu, thủy đậu, sởi… Không những thế Việt Nam còn phải đối mặt với nhữngcăn bệnh có nguồn gốc từ nước ngoài, đặc biệt là virus corona nguy hiểm có xuất xứ từ Trung Đông đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Trong khi đó, công tác phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm còn đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện vệ sinh môi trường, ý thức vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân chưa cao. Việc trao đổi các thông tin về cách phòng chống các căn bệnh dễ lây lan trong mùa hè là việc làm vô cùng cần thiết. 

Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh 2
Các bác sĩ và cha mẹ đang chăm sóc các cháu bé bị nhiễm sởi.

Nhằm cung cấp các thông tin cần thiết nhất cho độc giả về các căn bệnh thường xuất hiện vào mùa hè, báo Gia đình và Xã hội tổ chức giao lưu trực tuyến
xoay quanh các vấn đề như những dịch bệnh có thể sẽ xuất hiện, những cảnh báo về các căn bệnh mới và nguy cơ của Việt Nam, cách phòng bệnh, cách xử lý và cách chăm sóc người bệnh... trên báo điện tử giadinh.net.vn. 

Hoàng Thị Tuyết - tuyetngan2007@gmail.com - Nữ 38 tuổi: Kính gửi ông Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện nhiệt đới Trung Ương. Xin cho tôi hỏi con tôi năm nay sắp 5 tuổi. Cháu vừa tiêm Vắc xin MMR (Sởi - Quai bị - Rubella) ngày 12/5/2014 sao đến ngày 20/5/2014 thì tôi phát hiện cháu bị quai bị. Vậy vắc xin cháu tiêm đã không có tác dụng có phải không? Xin cám ơn ông.

Ông Nguyễn Văn Kính: Không phải vắc xin không có tác dụng mà do sau khi tiêm ít nhất 4 tuần mới có đủ kháng thể để chống lại bênh quai bị. Vì con bạn mới tiêm được 8 ngày nên kháng thể chưa xuất hiện và bệnh quai bị lại lây trước khi có bệnh cảnh lâm sàng 1 tuần và có thể con bạn nằm ở giai đoạn ủ bệnh ngay từ lúc tiêm nên vẫn có thể bị mắc nhưng vì con bạn mới 5 tuổi nên bệnh quai bị thường nhẹ, ít có biến chứng và sau khi mắc thì sẽ không bị mắc lại nữa.
 
Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh 3
Ông Nguyễn Văn Kính đang trả lời câu hỏi giao lưu cùng bạn đọc.

Lê Thị Dung - dung.bao2011@gmail,com - Nữ 30 tuổi:Con trai tôi 3 tuổi, từ đầu mùa hè, cháu có nhiều nốt mọc ở đùi, dày như bị bệnh mề đay, nhưng cháu lại không bị ngứa, khi thời tiết thay đổi nó lại lặn. Vậy xin hỏi con trai tôi bị bệnh gì, và cách điều trị như thế nào, xin chân thành cảm ơn.

Ông Nguyễn Văn Kính: Có rất nhiều dạng phát ban trên da. Vì bạn không nói rõ ngoài ban, con bạn có kèm thêm các triệu chứng gì khác không nên để biết rõ là bệnh gì, tốt nhất bạn nên đưa con bạn đến cơ sở y tế gần nhất khi phát ban để bác sĩ có chẩn đoán chính xác.
 
Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh 4
Toàn cảnh chương trình giao lưu trực tuyến

Trần Diệu Linh - linhtran@gmail.com - Nữ 40 tuổi: Con trai tôi năm nay 8 tuổi thì có tiêm viêm não Nhật Bản được không? Nhân viên TTYT dự phòng tỉnh Quảng Ninh trả lời là chỉ tiêm từ 1-6 tuổi thôi. Tôi muốn hỏi chuyên gia là nhân viên của TTYT trả lời có đúng không ? Tôi xin cảm ơn.

Ông Trần Đắc Phu: Việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là sử dụng vaccine để phòng bệnh. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hiện nay tổ chức tiêm cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Con bạn hiện 8 tuổi, chưa tiêm vaccine viêm não Nhật Bản thì vẫn nên tiêm. Tuy nhiên, bạn phải đưa con đi tiêm theo hình thức tiêm dịch vụ. Cảm ơn bạn.
 
Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh 5
PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết, việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là sử dụng vaccine để phòng bệnh.

Bùi Nhung - nhungqb120a@yahoo.com - Nữ 34 tuổi: Hiện nay mình đang nuôi con nhỏ 25 tháng tuổi, cháu ăn uống được, cân nặng khoảng 18kg nhưng sức đề kháng của cháu rất kém, thường xuyên nhiễm bệnh do thời tiết thay đổi dẫn đến sốt cao, co giật, cháu có bị viêm amidan, viêm phế quản. Xin chuyên gia cho biết nên làm gì để tăng sức đề kháng cho bé?

Ông Nguyễn Văn Kính: Trước hết bạn phải lưu ý chăm sóc cho trẻ về mặt dinh dưỡng và có thể cho uống vitamin C để tăng sức miễn dịch, đồng thời khi thay đổi thời tiết bạn nên giữ ấm cổ cho bé để tránh các viêm nhiễm đường hô hấp do yếu tố lạnh. Bạn cũng nên xem xét lại xem con mình đã tiêm đủ các văc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hay chưa. Nếu chưa thì nên cho bé đi tiêm chủng đầy đủ để phòngtránh mắc các bệnh ở đường hô hấp.

Lê thị phương anh - Nữ 26 tuổi: Em lấy chồng được gần 1 năm rồi, 2 vợ chồng quan hệ không dùng biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có em bé. Tháng trước em vừa đi khám tại 56 Hai bà Trưng, kết quả soi cổ tử cung là viêm lộ tuyến cổ tử cung đơn thuần rộng 2 môi, khám lần 1 bác sỹ kê thuốc đặt âm đạo, em dùng được 7 ngày thì khám lại bác sỹ chỉ định sạch kinh 2 ngày thì đốt điện. Nhưng em lo lắng vì nghe nói đốt điện khó có em bé. Hiện tại em đã dùng xong thuốc đặt âm đạo nhưng vẫn thấy có khí hư ra nhiều, nhưng trong thời gian dùng thuốc thì thấy không ra khí hư. Liệu tình trạng thế có ảnh hưởng gì không ạ, không đốt điện liệu có sao không?
 
Ông Nguyễn Văn Kính: Việc thụ thai lệ thuộc vào cả người nam và nữ. Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung có khả năng dẫn đến quá sản niêm mạc rồi dẫn đến ung thư cổ tử cung nên phải điều trị sớm. Trong trường hợp này, chỉ định của bác sĩ là đúng. Sau khi điều trị, bạn và chồng nên đến cơ sở sản khoa có khả năng kiểm tra về yếu tố nội tiết của bạn cũng như làm tinh dịch đồ của chồng. Các bác sĩ sản khoa sẽ tư vấn cách tốt nhất để bạn sớm có con.

Nguyễn Tiến Anh - tienanharc@gmail.com - Nam 30 tuổi: Chúng tôi đang rất lo lắng vì bệnh thủy đậu, có thông tin là không có vaccine. Tôi phải làm gì để phòng bệnh cho con?

Ông Trần Đắc Phu: Chào bạn, thứ nhất, thủy đậu là bệnh lưu hành ở Việt Nam, lây theo đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp từ việc đưa tay có mang vi rút lên miệng, mũi. 
 
Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh 6
Trong thời gian gần đây, do nhu cầu tăng cao đột biến của người dân so với các năm trước, do đó việc nhập khẩu vac xin không kịp với nhu cầu của người dân, gây nên hiện tượng thiếu vac xin tiêm cục bộ trong một thời gian ngắn.
 
Trước kia khi chưa có tiêm phòng thì hầu hết mọi người đều có thể mắc thủy đậu. Bệnh thường nhẹ, triệu chứng chủ yếu là các nốt phồng trên da. Khi khỏi thường không để lại sẹo, chỉ trừ khi bội nhiễm gây nhiễm trùng.
 
Hiện nay, đã có vac xin phòng bệnh thủy đậu nhưng vac xin thủy đậu chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng (do chương trình tiêm chủng mở rộng được đầu tư của nhà nước nên được tiêm miễn phí mới chỉ ưu tiên được 11 bệnh nguy hiểm cho trẻ em). Việc tiêm vac xin thủy đậu đang được thực hiện dưới hình thức tiêm dịch vụ. Trong thời gian gần đây, do nhu cầu tăng cao đột biến của người dân so với các năm trước, do đó việc nhập khẩu vac xin không kịp với nhu cầu của người dân, gây nên hiện tượng thiếu vac xin tiêm cục bộ trong một thời gian ngắn.
 
Hiện các công ty đã nhập vac xin thủy đậu và cung cấp cho các điểm tiêm chủng dịch vụ. Bạn có thể đến các điểm tiêm dịch vụ để tiêm cho cháu.

Nguyễn Minh Hương - huongnt02@gmail.com - Nữ 28 tuổi: Con gái em 26 tháng, cân nặng 13kg, chiều cao 90cm. Cháu hay bị mẩn ngứa khi thời tiết nắng nóng: bị nổi rôm trên trán, bị nổi mụn ở chân tay... và cháu rất hay gãi. Em có tắm cho cháu các loại lá như: lá chè, canh giới, mướp đắng nhưng ko thấy đỡ. Cho em hỏi làm thế nào để trị bệnh này cho cháu với ạ. Có nên cho cháu đi khám da liễu ko ạ? Cảm ơn các chuyên gia.

Ông Nguyễn Văn Kính: Trường hợp con bạn nên đi khám chuyên gia da liễu để bác sĩ tư vấn cho bạn cách xử trí tốt nhất.

Hang - Nữ 31 tuổi: Con gái tôi 6,5 thang tuoi. Một tuần nay cháu khúc khắc ho, nước mũi đục, không sốt, hàng ngày tôi vẫn nhỏ nước muối sinh lý cho cháu nhưng vẫn không thấy khỏi. Cháu vẫn ăn ngủ bình thường. Vậy tôi phải làm gì thưa bác sĩ? Tôi xin chân thành cám ơn!
 
Ông Nguyễn Văn Kính: Bạn nên dùng dụng cụ hút sạch nước mũi của cháu, 1 ngày từ 2-3 lần và nếu cháu có sốt thì nên đến cơ sở khám tai mũi họng để bác sĩ tư vấn, xử trí.

Nguyễn Thị Huệ - maymyanh@vnn.vn - Nữ 32 tuổi: Con cháu năm nay được 6 tuổi (cháu gái) thời tiết thay đổi thường xuyên là hắt hơi, sổ mũi. Còn cháu 4 tuổi là trai thì thời tiết thay đổi là viêm họng mủ, sưng amidan sốt tới 39,5 độ. Xin các bác sĩ mách giúp cháu cách phòng tránh?

Ông Nguyễn Văn Kính: Cách phòng tránh tốt nhất chống các nhiễm trùng đường hô hấp trên là xúc miệng họng bằng các nước sát trùng và xem xét cho các cháu đi tiêm đủ vắc xin phòng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Khi cháu bị viêm amidan có mủ cần đưa cháu đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và cho kháng sinh phù hợp. Nếu liên tục bị viêm nhiễm nhiều lần thì bác sĩ sẽ tư vấn để xem xét cắt amidan.
 
Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh 7
Sởi là một bệnh rất dễ lây lan. Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất bảo vệ cho con bạn khỏi bị sởi - PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết.

Nguyễn Duy Quang - duyquangnguyen@gmail.com - Nam 38 tuổi: Thưa ông, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất trong việc phòng bệnh sởi. tuy nhiên cũng có một số trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc bệnh, như vậy có cần phải thay đổi lịch tiêm sớm hơn để phòng bệnh cho trẻ không?

Ông Trần Đắc Phu: Câu hỏi của bạn rất hay. Sởi là một bệnh rất dễ lây lan. Tất cả các trường hợp nhiễm vi rút đều có biểu hiện bệnh. Việc tiêm phòng là biện pháp tốt nhất bảo vệ cho con bạn khỏi bị sởi. Tuy nhiên lịch tiêm chủng cho trẻ thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng mũi 1 là lúc trẻ được 9 tháng tuổi và mũi 2 là lúc trẻ được 18 tháng tuổi. Còn đối với vac cin MA (vac xin phòng sởi và rubela hiện đang tiêm dưới hình thức tiêm dịch vụ) áp dụng tiêm mũi 1 lúc trẻ 1 tuổi, mũi 2 là lúc trẻ được 4 tuổi.
 
Việc đưa ra lịch tiêm như vậy là căn cứ vào trẻ dưới 9 tháng tuổi còn có miễn dịch của mẹ truyền sang. Và việc tiêm từ 9 tháng tuổi trở lên đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho việc đáp ứng miễn dịch của trẻ. Đồng thời việc không tiêm cho trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng dựa trên khuyến cáo của các nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới để đảm bảo tính miễn dịch và tính an toàn cho trẻ.
 
Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh 8
Việc tiêm từ 9 tháng tuổi trở lên đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho việc đáp ứng miễn dịch của trẻ - PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết.
 
Như vậy vẫn có những trẻ dưới 9 tháng tuổi có khả năng mắc bệnh. Vì vậy, trong khi chờ bé được 9 tháng tuổi, bạn nên giữ gìn con bạn, hạn chế tiếp xúc với những nguồn lây bệnh như việc tiếp xúc với bệnh nhân sởi, đi đến chốn đông người... Những người chăm sóc trẻ cũng phải thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh như giữ gìn tay sạch để tránh có thể lây truyền trung gian từ nguồn bệnh sang trẻ...
 
Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh 9

Trần Ngọc Huệ - huetran@gmail.com - Nữ 25 tuổi: Phụ nữ có thai nếu bị sởi sẽ rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Có phác đồ điều trị riêng nào cho đối tượng này không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Kính: Cho đến nay thì chưa có tài liệu nghiên cứu nào cho thấy bệnh sởi dẫn đến dị dạng thai nhi. Phụ nữ có thai bị mắc sởi vẫn được điều trị giống các trường hợp mắc bệnh sởi khác.

Phạm Hồng Hải - phamhonghai.phh@gmail.com - Nam 30 tuổi: Người lớn bị sởi có nguy hiểm không. Biến chứng thường gặp ở người lớn khi mắc sởi, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Kính: Bệnh sởi thường là một bệnh lành tính và tự khỏi. Người lớn khi mắc sởi cũng có một tỷ lệ nhất định xuất hiện các biến chứng như viêm phổi do bội nhiễm và nặng nhất là viêm não sau sởi. Tuy nhiên với phác đồ điều trị hiện nay thì đều có thể chữa khỏi. So với trẻ em, người lớn thường bị bệnh nhẹ hơn.
 
Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh 10
Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính

Nguyễn Trung Kiên - kiennt@gmail.com - Nam 35 tuổi:Trong đợt dịch sởi vừa qua, tại BV Nhiệt đới Trung ương có bệnh nhân khá cao tuổi (47 tuổi). Tại sao đến độ tuổi này còn có thể mắc sởi?

Ông Nguyễn Văn Kính: Tất cả những ai không có miễn dịch chống lại bệnh sởi khi có dịch thì sẽ bị mắc. Chương trình tiêm chủng mở rộng của VN được bắt đầu từ năm 1986 đến nay nên những ai sinh trước năm 1986 và chưa mắc sởi bao giờ sẽ bị mắc bệnh khi tiếp xúc với bệnh nhân sởi.

Phạm Hữu Huân - phamhuuhuan@gmail.com - Nam 38 tuổi: Việc vượt tuyến ta chỉ có thể vận động đối với các địa phương tuyến dưới, vậy theo ông, các bệnh nhân ở các thành phố thì nên làm thế nào để góp phần giảm tải cho các bệnh viện lớn?

Ông Nguyễn Văn Kính: Tốt nhất là bệnh nhân nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám chữa bệnh thì sẽ giảm tải cho tuyến trên. Mặt khác mọi người dân nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và gia đình thì sẽ không phải đi bệnh viện chữa bệnh, giúp giảm tải bệnh viện.

Chu Thị Bình Minh - binhminhchu@gmail.com - Nữ 28 tuổi: Hiện các bệnh viện tuyến Trung ương đều quá tải và điều này khiến cho các bệnh truyền nhiễm càng lây lan. Chúng ta cứ kêu gọi không được vượt tuyến nhưng sự thật là người ta vẫn cứ vượt tuyến. Điều đó theo ông cần giải quyết thế nào?

Ông Nguyễn Văn Kính: Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương triển khai hệ thống các bệnh viện vệ tinh để có thể khám chữa bệnh cho các bệnh nhân với điều kiện tốt nhất nên sẽ giảm tải được, tránh tập trung đông người vào một BV. Đồng thời Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống các BV triển khai tốt việc phân luồng khám chữa bệnh truyền nhiễm và triển khai các khu vực cách ly phù hợp để phòng lây chéo trong bệnh viện

Phạm Thúy Phương - phuongpt@gmail.com - Nữ 30 tuổi: Con gái tôi mới tiêm 1 mũi vaccine sởi từ lúc nhỏ nhưng nghe những thông tin về vaccine đã khiến gia đình lo lắng không cho cháu tiêm tiếp. Giờ cháu đã 7 tuổi, có thể tiêm tiếp 1 mũi hay phải tiêm lại từ đầu là 2 mũi sởi?

Ông Trần Đắc Phu: Câu hỏi của bạn là băn khoăn của nhiều bà mẹ. Vac xin sởi là một trong những vac xin có hiệu lực cao. Khi tiêm một mũi có hiệu lực từ 80-85%, tiêm hai mũi có hiệu lực từ 90-95%. Con bạn đã tiêm một mũi nghĩa là có thể đã có miễn dịch với sởi. Song để có miễn dịch một cách bền vững, con bạn phải tiêm mũi hai. Việc tiêm mũi hai cách mũi 1 ít nhất là một tháng. Hiện nay con bạn đã 7 tuổi, bạn phải cho con bạn đi tiêm tiếp mũi 2 và không cần phải tiêm lại từ đâu hai mũi sởi.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn - duongnguyen2381@yahoo.com.vn - Nữ 30 tuổi: Con gái của cháu năm nay được 11 tháng cháu bị teo đường mật bẩm sinh và đã phẩu thuật lúc 2,5 tháng tuổi, hiện tại cháu rất bình thường chỉ có sức để kháng rất yếu. Cháu không dám đưa con đi tiêm phòng các bệnh vì sợ bé sốt sau tiêm. Bác sỹ tư vấn giúp cháu là chế độ ăn uống của con cháu như thế nào cháu tăng sức đề kháng. Xin cám ơn.

Ông Nguyễn Văn Kính: Trước hết việc tiêm phòng để tránh các bệnh truyền nhiễm rất an toàn, tỷ lệ các biến chứng sốt sau tiêm rất thấp mặc dù sốt cũng là một phản ứng bảo vệ. Tốt nhất cháu vẫn nên cho con đi tiêm chủng. Việc nuôi dưỡng cho cháu bé cần đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúc cả hai mẹ con đều khỏe.

Nguyễn Hoài Lê Phương - hoaiphuongnguyen@gmail.com - Nữ 30 tuổi: Quê tôi ở Kim Sơn- Ninh Bình. Ở đây, người dân rất thích ăn món gỏi cá, họ có thể ăn quanh năm suốt tháng. Theo tôi được biết thì món gỏi rất dễ gây tiêu chảy. Ông có thể tư vấn để người dân vừa được ăn món khoái khẩu mà vẫn an toàn?

Ông Trần Quang Trung: Thường gỏi cá có nguy cơ nhiễm vi sinh trong quá trình chế biến, trong gỏi cá thường có sán, nhất là sán lá gan. Vì vậy tốt nhất không nên ăn gỏi.
 
Hoặc nếu có ăn thì phải xác định là cá được nuôi ở vùng có an toàn hay không (nếu cá được nuôi ở ao hồ có sử dụng cầu tiêu thì tuyệt đối không nên ăn). Khi ăn gỏi phải chọn cá thật tươi, nhìn thớ thịt cá có bất thường hay không để tránh các ổ sán. Trước khi ăn, cá phải ngâm với nước chanh. Rau sống ăn kèm gỏi cũng phải chọn rau sạch, ngâm rửa cẩn thận.
 
Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh 11
Theo TS Trung, để phòng tiêu chảy, tốt nhất không nên ăn gỏi.

Huyen Trang - ngothanhtung111@yahoo.com - Nữ 27 tuổi: Con gái tôi đã tiêm hai mũi sởi thời điểm 9 tháng và 18 tháng, Hiện tôi muốn tiêm phòng Thủy Đậu và Rubella cho cháu, tôi có thể sử dụng mũi ba trong một (Sởi, thủy đậu, Rubella) không, hay phải tiêm riêng lẻ các mũi, Xin cảm ơn.

Ông Trần Đắc Phu: Ý thức của bạn khi cho con tiêm đủ hai mũi sởi là rất tốt. Chúng tôi đánh giá cao ý thức của bạn và các bà mẹ khác khi tiếp tục cho con đi tiêm phòng vac xin 3 trong một (sởi, thủy đậu, rubella) để cháu không những được bảo vệ không bị mắc sởi mà còn không bị mắc thủy đậu và rubella, đặc biệt rubella là bệnh gây nhiều dị tật bẩm sinh cho các thai nhi khi các bà mẹ đang mang thai mắc bệnh. Bạn không phải tiêm riêng lẻ các mũi.

Nguyễn Hồng Anh - honganhnhoc@gmail.com - Nữ 27 tuổi: Con trai tôi được 16 tháng tuổi, đã tiêm phòng 1 mũi vacxin sởi. Tôi xin hỏi bây giờ tôi muốn cho con tiêm mũi vacxin 3 trong 1 (sởi-quai bị-rubela) có được không? và phải tiêm mấy mũi nữa ạ?

Ông Trần Đắc Phu: Con bạn 16 tháng tuổi, đã tiêm được một mũi phòng sởi, nghĩa là con bạn phải tiêm một mũi nhắc lại vào thời điểm cách mũi tiêm đầu tiên ít nhất 1 tháng. Bạn cũng có thể cho cháu tiêm mũi 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella) nhưng phải cách mũi tiêm trước ít nhất một tháng.

Trần Thị Dung - trandung85cdkt@gmail.com - Nữ 30 tuổi: Con cháu năm nay được hơn 20 tháng, cháu bị viêm VA cấp, sốt cao co giật. Cháu rất hay bị tái viêm VA. Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu cách phòng tránh để tránh tái viêm VA và cháu cớ nên cắt bỏ VA hay không? Và bao nhiêu tuổi thì có thể cắt VA được? Cắt VA có ảnh hưởng gì không? Và theo quan sát, để ý cháu thấy con cháu hay có hiện tượng đó là lúc mới bắt đầu vào giấc ngủ tay của cháu thỉnh thoảng lại giật giật cứ dạng như kiểu bị giật mình sao đó cháu ngủ thì lại không bị như vậy nữa? Như vậy cháu có làm sao không a? Xin bác chỉ giúp. Cảm ơn Bác sĩ!

Ông Nguyễn Văn Kính: VA là một bộ phận có chức năng ngăn chặn các vi sinh vật xâm nhập vào đường hô hấp nhưng nếu bị viêm liên tục và kéo dài thì bác sĩ sẽ có chỉ định cắt bỏ amidan. Để phòng tránh viêm VA, bạn nên giữ ấm cổ cho trẻ, nhất là khi trời lạnh.

Bạn nên cho con đến cơ sở tai mũi họng thăm khám để bác sĩ chuyên khoa tư vấn và có quyết định cắt bỏ amidan khi cần thiết. Việc con bạn hay bị giật mình có thể là dấu hiệu của còi xương, vì vậy bạn nên cho con uống thêm vitamin D.

Phạm Thị Thu - phamthu842002@gmail.com - Nữ 30 tuổi: Thưa BS! Con trai tôi được 28 tháng. Gần 1 tháng nay con trai tôi thường xuyên bị mẩn ngứa ở cổ và vai về ban đêm. Tôi cho cháu đi khám đã uống thuốc ngứa và thuốc bôi. Cháu có đỡ nhưng dừng uống thuốc lại ngứa. Hiện tại đã đỡ hơn rất nhiều vì da ở cổ và ở vai không còn sần sùi vì gãi nữa, nhưng thi thoảng bé lại gãi ở lưng và ở chân, tôi nhìn thì thấy đám bị ngứa có những mụn nhỏ màu đỏ. Xin hỏi BS làm cách nào cho bé khỏi dứt điểm được không ạ? (thuốc bôi bé đang dùng là Thuốc Locatop 0.1%).

Ông Nguyễn Văn Kính: Vào mùa hè trẻ hay ra mồ hôi và dễ bị viêm nhiễm lỗ chân lông gây ra ngứa hoặc có thể vải áo không phù hợp với da còn non nớt của trẻ nên gây ra kích ứng làm cho trẻ bị ngứa. Để phòng tránh hiện tượng này, nên cho cháu mặc đồ vải cotton và có thể sử dụng bột Talc để chống viêm nhiễm lỗ chân lông.

 
Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh 12
Thức ăn đường phố thường không đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phạm Đức Trung - fdkchung@gmail.com - Nam 30 tuổi: Rất nhiều ý kiến cho rằng: Việc xử phạt các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay mang nặng tính hình thức, chưa đủ tính răn đe để các doanh nghiệp “sợ”. Sao Cục không đề xuất mức xử phạt thật nặng?

Ông Trần Quang Trung: Ngày 14/11/2013, Chinh phủ đã ban hành nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm. Các điều khoản của nghị định này đã nâng mức phạt lên rất cao, đặc biệt có quy định xử phạt, đối với tổ chức thì mức phạt gấp đôi so với mức phạt cá nhân vi phạm. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì có thể phạt đến 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm. Nhìn chung các mức phạt của nghị định này đã cao hơn so với các nghị định trước đây. Điều này sẽ góp phần răn đe những người cố tình vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Các bệnh lây nhiễm trong mùa hè: Cách phòng, chống và chăm sóc người bị nhiễm bệnh 13
Nhằm răn đe những người cố tình vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, thì có thể phạt đến 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm.
 
Đỗ Hồng - hongto59@gmail.com - Nữ 31 tuổi: Cháu chào chú Trần Đắc Phu! Hiện tại cháu có 2 bé nhỏ gần 4t và gần 1 tuổi. Bé đầu nhà cháu rất hay ốm, chủ yếu là bệnh liên quan đến đường hô hấp. Vừa rồi cháu gặp 1 người bạn bảo con họ cũng hay ốm nhưng tiêm vacxin phòng cúm thì thấy đỡ rất nhiều và con khỏe lên. Cháu đang định cho cả 2 bé đi tiêm luôn vacxin cúm nhưng nhiều người lại bảo vacxin này chỉ phòng được 1 loại virut cúm thôi, còn bệnh liên quan đến đường hô hấp là do nhiều loại virut khác nhau nên không nên tiêm phòng. Cháu muốn hỏi chú là có phải như vậy không và theo chú cháu có nên tiêm không ạ. Cháu cảm ơn chú nhiều!

Ông Trần Đắc Phu: Chào cháu, cảm ơn cháu đã gửi câu hỏi. Viêm đường hô hấp, viêm phổi là do rất nhiều nguyên nhân: do vi khuẩn, do vi rut, nấm... Và cũng có rất nhiều loại vi khuẩn và vi rút khác nhau gây nên viêm đường hô hấp và viêm phổi. Vac xin phòng cúm chỉ phòng được bệnh cúm mùa do vi rút cúm gây nên. Vì vậy, khi cháu cho con tiêm phòng cúm thì cũng chỉ phòng được một số bệnh cúm do vi rút cúm gây nên. Chú khuyên cháu nên cho con đi tiêm phòng cúm để con cháu không bị mắc bệnh cúm theo lịch tiêm tại các điểm tiêm chủng. Còn để giúp con cháu không bị viêm phổi, viêm họng... đặc biệt là trong mùa đông xuân bạn phải giữ gìn con bạn đủ ấm, không để cháu nằm quá lạnh dưới nhiệt độ điều hòa. Cháu đặc biệt lưu ý giữ ấm cổ, mũi, chân cho con. Chúc cháu và gia đình mạnh khỏe.

Nguyễn Văn Hải - hainguyen@gmail.com - Nam 48 tuổi: Nấm là thực phẩm khá phổ biến. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều ca ngộ độc xảy ra. Nhiều người ở thành phố như tôi cũng có cảm giác e ngại với các loại nấm bán ngoài chợ trong khi đó, mùa hè tôi thấy nấm được bán rất nhiều. Liệu có khả năng những loại nấm bán ở chợ sẽ gây ngộ độc và các ngộ độc về nấm có khả năng gây lây nhiễm hay không?

Ông Trần Quang Trung: Nhìn chung nấm bán trên thị trường hiện nay là đảm bảo vì các cơ quan chức năng đã kiểm tra, lấy mẫu, cho đến nay chưa phát hiện được trường hợp nào nhiễm độc. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, ở một số vùng sâu vùng xa đã hái nấm mọc hoang dại ở cạnh nhà, bìa rừng... đó là những loài nấm độc. Khi sử dụng thì gây ngộ độc. Rất khó xác định đâu là nấm độc, vì vậy người dân không nên hái và sử dụng nấm mọc hoang dại. Người dân có thể truy cập Webside của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế để biết thêm chi tiết về các loài nấm độc này.

Nguyễn Văn Chín - Nam 44 tuổi: Xin ông cho biết các bệnh thường xảy ra mùa hè với trẻ 9 tháng tuổi, cách phòng chống?
 
Ông Nguyễn Văn Kính: Có 3 nhóm bệnh hay gây bệnh vào mùa hè cho trẻ em là:

- Các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn hoặc virut, nhất là Rota virut và tay chân miệng hoặc khi ăn thức ăn ôi thiu thì dễ bị nhiễm trùng, nhiễm độc thực phẩm.

- Các bệnh lây truyền do muỗi đốt như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B...

- Các nhiễm trùng đường hô hấp, nhất là viêm phế quản, viêm phổi. Bên cạnh đó, do thời tiết nóng nực, trẻ rất dễ bị say nóng hoặc say nắng.

Để phòng chống các nhóm bệnh trên, chúng ta cần cho trẻ đi tiêm chủng với các bệnh đã có vắcxin; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các hành vi an toàn như rửa tay thường xuyên với xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn, nhất là những người chăm sóc trẻ; để trẻ vui chơi sinh hoạt ở phòng thoáng mát. Khi trẻ có biểu hiện sốt, tiêu chảy...cần đưa ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất để bác sĩ có thể phát hiện sớm các bệnh và điều trị kịp thời.

Nguyễn Diệp Chi - diepchinguyen@gmail.com - Nữ 28 tuổi: Xin ông cho biết, các bệnh mùa hè thường là những bệnh gì? Trong mùa hè năm nay có những bệnh khác biệt nào có thể xảy ra ở nước ta?

Ông Trần Đắc Phu: Chào bạn, có rất nhiều bệnh lưu hành tại nước ta, cả mùa hè và những mùa khác như bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết, bệnh cúm...
 
Vào mùa hè thì các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh viêm não vi rút có xu hướng gia tăng mạnh hơn do điều kiện thời tiết thuận lợi chomầm bệnh phát triển. Do đó, vào dịp hè chúng ta cần phải lưu ý nhiều hơn đối với các bệnh này. Chúng ta cần lưu ý phòng tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm thông qua việc ăn chín, uống chín, đảm bảo an toàn thực phẩm; phòngbệnh viêm não vi rút thông qua việc tiêm vac xin viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải chú ý phòng các bệnh khác như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm...

Nguyễn Thu Thảo - thaont@gmail.com - Nữ 34 tuổi: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - đơn vị có tiếng là nơi điều trị các bệnh lây nhiễm tốt, vậy ông có thể vui lòng chia sẻ kinh nghiệm trong việc cách ly và chống lây nhiễm chéo bằng những việc cụ thể của bệnh viện?

Ông Nguyễn Văn Kính: Sở dĩ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương có được thành tựu tốt trong việc khống chế các bệnh truyền nhiễm là nhờ sử dụng các biện pháp sau đây:

- Thực hiện tốt việc phân luồng trong khám chữa bệnh, cách ly kịp thời theo các nhóm bệnh.

- Áp dụng các biện pháp hành chính như: có các phương tiện truyền thông ngay tại phòng khám (tivi) để tuyên truyền cho những người đến khám chữa bệnh và thân nhân của họ các thông tin cập nhật về các bệnh truyền nhiễm đang có để cùng áp dụng các biện pháp dự phòng đúng cách. Đồng thời hạn chế việc thăm hỏi bệnh nhân để tránh tiếp xúc với bệnh nhân và mầm bệnh, tránh lây nhiễm chéo.

- Áp dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế, đồng thời thực hiện thông thoáng buồng bệnh.

- Áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong hồi sinh cấp cứu làm giảm tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất.

Lê Kim Liên - kinlienle@gmail.com - Nữ 35 tuổi: Tôi có nghe nói các loại trai, ốc, hến… có nhiễm kim loại nặng nhưng đây lại là các loại thực phẩm được gia đình tôi và nhiều người yêu thích trong mùa hè. Vậy xin ông có thể đưa ra lời khuyên đối với những thực phẩm này trong mùa hè?

Ông Trần Quang Trung: Trai, ốc, hến thường được nuôi trồng ở vùng an toàn thì rất tốt, chúng ta không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu một lương lớn đi các nước.

Tuy nhiên, đối với một số loại ốc nếu khai thác từ các ao hồ điều hòa môi trường ở các đô thị (không phải vùng nuôi thủy sản) thì có nguy cơ rất cao về nhiễm kim loại nặng như chì, cadmi, thủy ngân... Đối với những loại ốc này, tốt nhất không nên ăn, nếu ăn thì không nên ăn nhiều trong một bữa. Nếu người dân ăn thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Lời khuyên: Người dùng cần chế biến đúng cách, ngâm rửa cẩn thận, nấu chín kỹ để đảm bảo không bị nhiễm vi sinh, vừa giảm bớt độc hại trong thực phẩm này.

Bùi Duy Linh - duylinhbmdt@gmail.com - Nữ 30 tuổi: Trong dịch sởi vừa qua, tôi thấy rất nhiều người thấy thông tin các cháu nhỏ bị bệnh thì vội vàng kêu gọi từ thiện rồi vào bệnh viện phát đồ từ thiện, phát hạt mùi…. Tôi thấy như vậy hoàn toàn có thể làm bệnh càng bị lây lan trong cộng đồng. Ông cho biết quan điểm về việc này?

Ông Nguyễn Văn Kính: Việc làm từ thiện thể hiện lòng nhân ái là một hành động rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, từ thiện cũng phải tuân theo nét văn hóa của từ thiện kết hợp với sự hiểu biết. Việc vừa qua có một số cá nhân và tổ chức tổ chức từ thiện như bạn nói, mặc dù có mặt tốt nhưng không đúng về mặt khoa học vì hạt mùi không có ý nghĩa trong phòng chống bệnh sởi.

Vũ Thành Trung - trungvu@gmail.com - Nữ 32 tuổi: Xin ông hướng dẫn việc chăm sóc cho các bệnh nhân lây nhiễm tại nhà?

Ông Nguyễn Văn Kính: Để phòng chống lây nhiễm tại nhà, gia đình nên để bệnh nhân ở khu vực cách ly, thực hiện tốt việc chăm sóc dinh dưỡng, uống đủ nước. Khi bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu đe dọa bệnh nặng như sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ nhiệt như paracetamol không đỡ, li bì hoặc nôn và tiêu chảy nhiều, mệt nhiều thì nên đưa ngay đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được xử trí kịp thời.

Nguyễn Thị Quỳnh Anh - quynhanh@gmail.com - Nữ 26 tuổi: Trong trường hợp con tôi mắc các bệnh lây nhiễm như vậy. Ở mức độ thế nào thì có thể chăm sóc tại nhà, mức độ thế nào cần đưa tới bệnh viện? Và bệnh nào thì buộc phải đưa đến viện ngay vì tôi nghe nói có những bệnh rất nguy hiểm nhưng triệu chứng lại nhẹ hoặc thậm chí không biểu hiện?

Ông Nguyễn Văn Kính: Bạn có thể tham khảo câu trả lời ở trên.

Nguyễn Thu Hằng - hangthu@gmail.com - Nữ 38 tuổi: Xin ông cho biết các biểu hiện của bệnh lây nhiễm qua đường thực phẩm và ở mức độ nào các bệnh nhân cần đưa đến cơ sở khám chữa bệnh?

Ông Trần Quang Trung: Bệnh truyền qua thực phẩm là bệnh do ăn, uống thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Bệnh truyền qua thực phẩm bao gồm cả ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng thực phẩm. Hiện tượng dị ứng do mẫn cảm của cá thể với một loại thức ăn được xác định nào đó không được coi là bệnh truyền qua thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc, được phân loại thành:

Ngộ độc thực phẩm cấp tính: hội chứng bệnh lý cấp tính do ăn uống phải thực phẩm có chất độc, xảy ra đột ngột, do ăn phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột (buồn nôn, nôn, ỉa chảy...) và những triệu chứng khác tuỳ theo tác nhân gây ra ngộ độc với những biểu hiện đặc trưng của từng loại NĐTP (liệt, co giật, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn...). Tác nhân gây NĐTP có thể là chất độc hoá học (Hóa chất BVTV, kim loại nặng...), chất độc tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (Axít Cyanhydric (HCN), Saponin, Alcaloid...), do độc tố của vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng...), hoặc do chất độc sinh ra do thức ăn bị biến chất.

Ngộ độc thực phẩm mạn tính: là hội chứng rối loạn cấu trúc và chức năng của tế bào, tổ chức dẫn tới những hội chứng bệnh lý mạn tính hoặc các bệnh mạn tính do sự tích lũy dần các chất độc do ăn uống.

Bệnh nhân mắc bệnh truyền qua thực phẩm tùy theo loại tác nhân, tổng liều ăn vào, tình trạng đáp ứng của người tiêu dùng. Nói chung, khi có biểu hiện bất thường sau khi ăn uống thức ăn như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, hoặc những triệu chứng khác như liệt, co giật, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn... cần đưa đến cơ sở khám chữa bệnh để được khám và xử lý.

Nguyễn Thu Liên - liennt@gmail.com - Nữ 30 tuổi: Dịch sởi vừa qua khiến tôi và nhiều bà mẹ vô cùng lo lắng vì mùa hè còn có nhiều dịch bệnh hơn. Vậy theo ông thì ngành Y nên chuẩn bị thế nào cho tình huống có thể có những dịch lớn sau sự cố dịch sởi xảy ra?

Ông Nguyễn Văn Kính: Việc phòng chống các dịch bệnh là công việc của toàn dân. Để tránh các bệnh lây lan, mỗi cá nhân và gia đình nên theo dõi sát các thông tin về tình hình dịch bệnh và các cách phòng tránh phù hợp được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, cần thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe để tránh bị mắc bệnh như:

- Đi tiêm chủng để phòng các bệnh đã có vắcxin.

- Vệ sinh thân thể sạch sẽ, thường xuyên.

- Thực hiện tốt ăn sạch, ở sạch, uống sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, các loại thịt không được nấu chín.

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường thông thoáng, sử dụng thuốc phun diệt muỗi, gián, ruồi... Khi có gia cầm hoặc súc vật ốm chết cần thông báo ngay cho cơ sở y tế hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất.

- Không tụ tập đông người khi có dịch bệnh xảy ra.

- Đeo khẩu trang khi bị viêm nhiễm đường hô hấp, luôn rửa sạch tay bằng nước và xà phòng đúng cách.

- Khi có các bệnh cảnh lâm sàng, cần sớm đến các cơ sở y tế để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Mai Thế Hiển - maithehien@gmail.com - Nam 35 tuổi: Chắc ông có nghe câu chuyện về 1 bà mẹ tại Mỹ tẩy chay việc tiêm vaccine vì bà cho rằng việc tiêm này là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tự kỷ của con bà. Ông bình luận gì về câu chuyện này?

Ông Trần Đắc Phu: Cảm ơn bạn đã quan tâm và thẳng thắn đưa câu hỏi. Đó cũng là nhiều mối băn khoăn chung của không ít các bà mẹ.
 
Về câu chuyện này, chúng tôi cũng có nghe được qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên Cơ quan y tế Mỹ chưa có thông tin chính thức về vấn đề này.
 
Theo quan điểm của chúng tôi thì mỗi biện pháp phòng chống đều có mặt lợi và tác dụng không mong muốn. Về mặt có lợi, hầu hết các vac xin có tác dụng phòng bệnh một cách hiệu quả nhất đối với mầm bệnh mà vac xin phòng, một số vac xin hiệu lực phòng bệnh tới 95%. Về tác dụng không mong muốn, hầu hết là những phản ứng tại chỗ nơi tiêm, có một tỉ lệ rất thấpphản ứng toàn thân như sốt hoặc sốc phản vệ, nhưng nếu được theo dõi sát sau khi tiêm thì cán bộ y tế vẫn xử lý được. Như vậy, chúng ta cần phải cân nhắc giữa những lợi ích mà vac xin mang lạivà điều không mong muốn mà vac xin gây ra.
 
Chương trình "Giao lưu trực tuyến về dịch bệnh lây nhiễm trong mùa hè" diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ. Trong quá trình giao lưu chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi và các khách mời đã cố gắng trả lời hết các câu hỏi của bạn đọc. Tuy nhiên, do thời lượng có hạn, những câu hỏi còn lại của bạn đọc chúng tôi xin hẹn trả lời trong lần giao lưu sau.
Xin chân thành cảm ơn các Quý bạn đọc!
 
Trân trọng!
 
Báo điện tử Giadinh.net.vn - Báo Gia đình và Xã hội
Ảnh: Chí Cường
 
kieudiep
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Y tế - 3 ngày trước

Xương cá rơi vào phế quản nhưng bà K.A không hề hay biết. Bị ho, khó thở kéo dài, bệnh nhân điều trị suốt 1 năm không đỡ.

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Ngày 19/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam do JICA phối hợp với Hội Vật lý Trị liệu Việt Nam tổ chức.

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH – Hàng trăm đơn vị máu đã được tiếp nhận trong Chương trình hiến máu tình nguyện hưởng ứng “Lễ hội Xuân hội’ năm 2024 tại Bộ Y tế.

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH - Ngày 19/4, UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Chơi đùa cùng bạn ở lớp, bé trai ở Hà Nội bị kính cứa đứt 2 cổ tay

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH – Bệnh nhi bị đứt toàn bộ động mạch trụ, đứt thần kinh trụ và thần kinh giữa, đứt gân gấp cổ tay trụ, đứt gân gấp ngón 4 và 5 bàn tay trái.

Chó chết sau khi cắn chủ nhà, chuyên gia giải thích vì sao chó dại sau khi cắn người lại chết?

Chó chết sau khi cắn chủ nhà, chuyên gia giải thích vì sao chó dại sau khi cắn người lại chết?

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH - Thực tế, kông phải việc cắn người sẽ khiến chó dại bị chết mà thực chất đây là biểu hiện xuất hiện vào giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát bệnh của chó.

Bé gái chào đời với dây rốn quấn cổ 5 vòng

Bé gái chào đời với dây rốn quấn cổ 5 vòng

Y tế - 6 ngày trước

Bé gái nặng gần 3 kg, có dây rốn quấn cổ 5 vòng, ngôi ngược vừa được các bác sĩ phẫu thuật mổ lấy thai thành công

Lạng Sơn: Gần 100 người mắc rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu

Lạng Sơn: Gần 100 người mắc rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu

Y tế - 6 ngày trước

GĐXH – Đa số bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, chửi bới, lo âu, hoảng sợ, ảo giác...

Tai nạn hy hữu: Đạp xe đi học, nam sinh 17 tuổi bị tay lái đâm sâu vào cổ

Tai nạn hy hữu: Đạp xe đi học, nam sinh 17 tuổi bị tay lái đâm sâu vào cổ

Y tế - 6 ngày trước

GĐXH - Cú ngã không ngờ đã khiến tay lái xe đâm vào cổ. Máu từ vết thương ồ ạt chảy, cậu vội dùng tay bịt vết thương, loạng choạng chạy bộ về nhà.

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, hai người đàn ông nhập viện cấp cứu

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, hai người đàn ông nhập viện cấp cứu

Y tế - 6 ngày trước

GĐXH – Sau 5 tháng uống thuốc nam điều trị viêm gan B, ông D. thấy mệt mỏi, chán ăn, tiểu ít, có màu vàng sẫm, đại tiện phân táo nên được đưa đi bệnh viện.

Top