Hà Nội
23°C / 22-25°C

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh

Chủ nhật, 07:30 07/02/2016 | Y tế

GiadinhNet - Trong năm qua, ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Công tác giảm tải, cải cách thủ tục hành chính, phòng chống dịch bệnh, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh... đều thu được những kết quả tích cực, được người dân, dư luận ghi nhận, ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải được giải quyết.

Nhân dịp Tết Bính Thân 2016, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã dành cho Báo GĐ&XH cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở về những vấn đề lớn của ngành trong năm nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: PV
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: PV

Nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến được triển khai

Thưa Bộ trưởng, năm 2015 qua đi với nhiều thành tựu trong công tác y tế, Bộ trưởng ấn tượng với thành tựu nào nhất?

- Trong năm 2015, với sự nỗ lực của toàn ngành, công tác Y tế đã đạt được nhiều thành tựu, được dư luận ghi nhận, đánh giá cao. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp (đặc biệt là những dịch bệnh lớn như MERS- CoV, các dịch cúm A/H5N1, H1N1, H7N9...), ngành đã chủ động triển khai công tác phòng chống, tăng cường công tác dự báo, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng.

Tháng 6/2015, sau 14 năm chúng ta đầu tư công sức, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận Việt Nam là một trong 39 nước đạt chứng nhận Hệ thống quản lý Quốc gia về vaccine (NRA), trong khi đây vẫn là thách thức của nhiều nước phát triển. Với việc tự sản xuất được 10/11 vaccine phục vụ Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, ngoài việc tiết kiệm được hàng nghìn tỉ đồng do không phải nhập khẩu, vaccine Việt Nam còn có cơ hội xuất khẩu ra thế giới.

Ngành Y tế cũng đã rất nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính công, triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT. Năm 2015 cũng là năm đầu tiên chúng ta thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận/huyện, xã/phường, góp phần kiểm soát, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm ở cơ sở cho người dân.

Bên cạnh đó, năm qua Bộ Y tế cũng tích cực tham mưu Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Dược (sửa đổi), nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, thúc đẩy lĩnh vực Dược phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Trong công tác khám, chữa bệnh, năm 2015, nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại, sánh ngang tầm thế giới đã được triển khai, áp dụng, cứu chữa được hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh lý phức tạp.

Tôi và nhiều người đã không thể quên ca ghép tạng “xuyên Việt” do Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thực hiện. Điều đặc biệt là ở ca phẫu thuật này, ngành Y tế và ngành hàng không đã phối hợp rất nhịp nhàng. Nguồn tạng được vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, sau đó được ghép ngay trong đêm. Ca phẫu thuật không chỉ giúp hai cuộc đời hồi sinh mà còn thức tỉnh trái tim mỗi người tình thương và trách nhiệm với cộng đồng...

Cũng trong năm qua, mô hình Phòng khám Bác sĩ gia đình đã được triển khai thí điểm, bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ. Nếu phát triển mô hình này sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và cháu bé đang chờ tiêm chủng mở rộng tại Trạm Y tế Sao Mai, TP Bắc Giang. Ảnh: Thanh Bình
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và cháu bé đang chờ tiêm chủng mở rộng tại Trạm Y tế Sao Mai, TP Bắc Giang. Ảnh: Thanh Bình

Thời gian qua, các bệnh viện đã tích cực, chủ động đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân. Bộ trưởng có thể nói thêm về vấn đề này?

- Trước hết phải khẳng định, trong số hơn 400 nghìn cán bộ, nhân viên ngành Y, phần lớn họ đều rất đam mê, tận tâm, tận tụy với nghề. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận có thái độ chưa đúng mực với người bệnh, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành, gây mất niềm tin của người dân.

Để khắc phục các hạn chế đó, Bộ Y tế đã ban hành và triển khai "Đề án Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh" theo Quyết định số 2151-QĐ/BYT ngày 04/6/2015, nhằm tạo nên một bước đột phá mới. Đề án này áp dụng cho tất cả cán bộ y tế trong cả nước, không phân biệt ở tuyến Trung ương hay tuyến tỉnh, huyện. Theo tôi, vấn đề cốt lõi nhất vẫn chính là từ bên trong người cán bộ y tế, xuất phát từ nhận thức, tình cảm, nhiệt huyết, cán bộ y tế phải có ý thức đổi mới và phải coi người bệnh là trung tâm để phục vụ.

Dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, những sự đổi mới đáng tự hào, nhưng chắc hẳn Bộ trưởng vẫn còn những trăn trở với hoạt động của ngành trong năm qua?

- Đúng vậy! Tuy toàn ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tựu nhưng những bất cập, tồn tại không phải đã hết, trong đó đặc biệt là tình trạng quá tải tại các bệnh viện Trung ương và bệnh viện ở những thành phố lớn vẫn còn cao, nhất là các chuyên khoa tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi... Để giải quyết điều này, cần thời gian và cần thêm sự đầu tư lớn, đồng bộ từ phía Chính phủ. Ngoài ra, y tế cơ sở còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và cơ chế chính sách...

Năm 2015, dịch sốt xuất huyết xuất hiện tại 54/63 tỉnh thành, số người mắc tăng nhanh, điều này cũng cho thấy hoạt động y tế dự phòng (YTDP) còn gặp nhiều khó khăn. Đó là do đầu tư cho YTDP còn nhiều hạn chế, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác này.

Một vấn đề khác cũng rất cần giải quyết, đó là ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch chưa cao. Ví dụ trong dịch sốt xuất huyết, khi cán bộ YTDP đến tận từng hộ dân để phun thuốc, diệt trừ muỗi, bọ gậy còn nhiều gia đình thiếu hợp tác, cản trở hoạt động của cán bộ...

Có thể thấy, phía trước còn rất nhiều nhiệm vụ mà ngành phải hoàn thành, Bộ trưởng có chia sẻ gì với độc giả về nhiệm vụ, thách thức của ngành Y trong năm 2016 này?

- Năm 2016 là năm khởi đầu cho một giai đoạn mới trong phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Y tế nói riêng. Đây cũng là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Y ý thức rất rõ không chỉ bây giờ mà cả sau này, việc giải quyết các yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân là ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh việc triển khai công tác phòng chống dịch chủ động, dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, tiếp tục phối hợp các bộ, ngành khác trong công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm, theo dõi và xử lý kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm, ngành Y tế sẽ tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; phát triển các dịch vụ khám, chữa bệnh phổ cập hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân kết hợp với phát triển các dịch vụ y tế chuyên sâu, dịch vụ y tế kỹ thuật cao; hiện đại hóa và phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

Năm 2016, toàn ngành sẽ chú trọng phát triển BHYT toàn dân, xây dựng và ban hành khung giá tính đủ các yếu tố chi phí và lộ trình thực hiện. Một nhiệm vụ quan trọng khác là tiếp tục đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ ngành Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh và người dân trong các hoạt động dịch vụ y tế tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

Tăng cường truyền thông về những nội dung mới trong công tác DS-KHHGĐ

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về công tác DS-KHHGĐ năm qua và đâu là nhiệm vụ quan trọng trong năm tới của ngành?

- Năm qua, công tác DS-KHHGĐ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, sự ủng hộ của nhân dân và sự quyết tâm cao của đội ngũ làm công tác dân số. Nhờ đó, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt trong việc tăng cường, nâng cao chất lượng dân số thông qua một số đề án, mô hình.

Hiện nay, tuổi thọ trung bình chung của nước ta đã tăng lên 73,3 tuổi. Đây là thành quả của sự phát triển KT-XH, khẳng định tính ưu việt của chế độ, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của chương trình DS-KHHGĐ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Năm 2015 cũng là năm thứ 10 liên tiếp, Việt Nam đã đạt và duy trì vững chắc mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ). Bên cạnh đó, các chỉ tiêu chuyên môn về biện pháp tránh thai, chỉ tiêu giảm mức sinh thô… đã đạt kế hoạch giao. Tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được kiềm chế.

Một vấn đề rất quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ hiện nay, đó là cả nước đã đạt mức sinh thay thế nhưng mức sinh chưa đồng đều tại các vùng, miền. Có nơi, mức sinh còn rất cao như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, tổng tỷ suất sinh lên tới trên 3 con; nhưng tại Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh xuống thấp, thậm chí có tỉnh, thành phố mức sinh chỉ khoảng 1,35 - 1,5 con. Điều này cho thấy, thời gian tới, chúng ta cần chính sách linh hoạt, chủ động điều chỉnh mức sinh, sao cho đạt mục tiêu duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước.

Bên cạnh đó, trong năm 2016 cũng như các năm tiếp theo, ngành Dân số cần tăng cường hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về những nội dung mới trong công tác DS-KHHGĐ cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư, đặc biệt cho các nhóm dân số đặc thù.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Y tế, Dân số là vấn đề chiến lược quan trọng của đất nước

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác y tế năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016 và nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020 (tổ chức tại Hà Nội ngày 15/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của ngành Y tế đã đạt kết quả gần như toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, dù trong điều kiện còn rất khó khăn. Thủ tướng nhấn mạnh, ngành đã có bước tiến dài quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ngành tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế còn tồn tại để tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành với mục tiêu cuối cùng là chăm sóc và bảo vệ tốt hơn nữa sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành Y tế cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác YTDP và chăm sóc sức khỏe ban đầu, chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Với công tác DS-KHHGĐ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đây là vấn đề chiến lược đường dài, quan trọng, là nhiệm vụ lớn của ngành Y tế. Thủ tướng lưu ý, hiện nay Việt Nam đang rơi vào tình trạng dân số già nhanh, trong khi thời kỳ cơ cấu dân số vàng cũng qua đi rất nhanh. Một trăn trở khác của người đứng đầu Chính phủ là vấn đề chất lượng dân số, tuổi thọ trung bình của người dân đã được nâng cao (hiện ở mức 73,3 tuổi) nhưng tuổi khỏe mạnh lại thấp. Về vấn đề mức sinh, Thủ tướng lưu ý ngành Y tế cần đánh giá kỹ càng tình hình mức sinh hiện nay để có những chính sách phù hợp, bởi nếu không đảm bảo mức sinh hợp lý, dân số không chỉ suy giảm mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề như bảo hiểm, năng suất, lực lượng lao động…

Về vấn đề tổ chức bộ máy y tế huyện, Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần khẩn trương sắp xếp lại hệ thống y tế huyện, theo đó Trung tâm Y tế huyện cần gắn với bệnh viện huyện làm công tác dự phòng, khám chữa bệnh; Phòng y tế trực thuộc UBND huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Riêng với bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ cấp huyện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, chờ sau khi đánh giá việc thực hiện Chiến lược DS- KHHGĐ, sau đó sẽ quyết định việc sắp xếp, tổ chức.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế quan tâm hết sức đến công tác DS-KHHGĐ, khẩn trương tiến hành tổng kết thực hiện Chiến lược DS-KHHGĐ, nhằm đánh giá những thành tựu đạt được và những khó khăn, tồn tại đang gặp phải, xác định mục tiêu giải pháp phù hợp, bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, ngành Y tế cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ đồng bộ, toàn diện, không xem nhẹ bất cứ lĩnh vực nào, nhưng cũng cần đầu tư hoạt động trọng điểm, trọng tâm trong từng thời gian, thời kỳ.   

 Thu Nguyên

Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Cứu sản phụ mang thai có 'tràng hoa cuốn cổ' 5 vòng

Cứu sản phụ mang thai có 'tràng hoa cuốn cổ' 5 vòng

Y tế - 5 giờ trước

BS Khoa Sản, BVĐK Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật mổ lấy thai có "tràng hoa quấn cổ" 5 vòng, ngôi ngược thành công.

Thanh niên ngừng tim, gục ngã ngay trước vạch đích giải chạy Tây Hồ

Thanh niên ngừng tim, gục ngã ngay trước vạch đích giải chạy Tây Hồ

Y tế - 12 giờ trước

GĐXH - Thanh niên bị ngừng tim ngay trước vạch đích có bệnh tim mạch nền, rối loạn nhịp,

Vợ chồng bác sĩ kể lại giây phút cấp cứu hàng chục người gặp tai nạn giao thông

Vợ chồng bác sĩ kể lại giây phút cấp cứu hàng chục người gặp tai nạn giao thông

Y tế - 15 giờ trước

"Em là bác sĩ, em sẽ hướng dẫn mọi người sơ cứu đúng cách", bác sĩ Giáp không kịp cởi mũ bảo hiểm, vừa hô to, vừa xắn tay áo lao vào cấp cứu các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Kon Tum.

Phẫu thuật thành công cho người phụ nữ có 2 bàng quang

Phẫu thuật thành công cho người phụ nữ có 2 bàng quang

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học - Bệnh viện E vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho người bệnh nữ có 2 bàng quang.

Phát bệnh tâm thần sau lần quan hệ tình dục không an toàn

Phát bệnh tâm thần sau lần quan hệ tình dục không an toàn

Y tế - 2 ngày trước

Sau lần quan hệ ngoài luồng, không an toàn, người đàn ông luôn nghĩ bản thân mắc bệnh lây nhiễm tình dục, khi khám được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần.

Bị cuốn vào gầm máy cày, người đàn ông bị vỡ ngực, tình trạng nguy kịch

Bị cuốn vào gầm máy cày, người đàn ông bị vỡ ngực, tình trạng nguy kịch

Y tế - 2 ngày trước

Trong lúc cày ruộng, người đàn ông ở Bắc Giang bị cuốn vào gầm máy cày, bị các lưỡi phay chém vỡ nát xương ức, đứt động mạch ngực, dập thủy phổi và màng tim...

Cấp cứu bệnh nhân thủng ruột do uống thuốc còn nguyên vỉ

Cấp cứu bệnh nhân thủng ruột do uống thuốc còn nguyên vỉ

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Liên tiếp 3 bệnh nhân nhập viện vì nhiễm trùng ổ bụng, thủng ruột do uống thuốc còn nguyên vỉ.

Bố mẹ tự ý cho con dừng thuốc khi đang điều trị bệnh, bé 5 tuổi nguy kịch

Bố mẹ tự ý cho con dừng thuốc khi đang điều trị bệnh, bé 5 tuổi nguy kịch

Y tế - 5 ngày trước

Thấy tình trạng huyết khối của con được cải thiện, bố mẹ bé trai tự ý dừng thuốc khiến trẻ biến chứng nguy hiểm tính mạng.

Bị chó nhà hàng xóm tấn công lúc đang quét ngõ, cụ bà phải khâu gần 70 mũi

Bị chó nhà hàng xóm tấn công lúc đang quét ngõ, cụ bà phải khâu gần 70 mũi

Y tế - 5 ngày trước

GĐXH – Theo các bác sĩ, tất cả các vết thương đều hở, chảy nhiều máu nên phải khâu gần 70 mũi.

Cô gái 26 tuổi tổn thương não sau 10 ngày uống thuốc giảm cân mua trên mạng

Cô gái 26 tuổi tổn thương não sau 10 ngày uống thuốc giảm cân mua trên mạng

Y tế - 5 ngày trước

GĐXH - Người phụ nữ 26 tuổi đột ngột mất thị lực, tổn thương não sau 10 ngày uống thuốc giảm cân. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc chất cấm Sibutramine có trong sản phẩm chị mua trên mạng.

Top