Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nhớ nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh

Thứ hai, 14:13 27/10/2014 | Giải trí

GiadinhNet - Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh thuộc lớp những nhà thơ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầu tiên trăn trở tìm tòi, đổi mới thi pháp. Ông được giới văn chương đánh giá là người đa tài trên nhiều lĩnh vực. Ngoài thơ ca, ông còn viết kịch bản phim, làm diễn viên, giảng dạy... Sáng 21/10 vừa qua, ông đã qua đời ở tuổi 80. Báo GĐ&XH trân trọng giới thiệu bài viết về ông của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh (Hội VHNT tỉnh Hà Tĩnh).

Tôi gọi ông bằng chú mặc dù ông hơn bố tôi 2 tuổi. Lần đầu tiên tôi gặp ông ở trên một cánh rừng Tây Bắc. Hồi đó tôi là một cậu lính tân binh ở sư đoàn 391 đóng quân ở Thuận Châu (Sơn La). Sư đoàn được giao nhiệm vụ mở con đường chiến lược 279 vì tình hình biên giới phía Bắc lúc ấy đang diễn biến phức tạp. Một sớm, chúng tôi được đón đoàn nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội đi thực tế. Trong đoàn có một người thấp đậm, vầng trán rộng và đặc biệt là đôi mắt mở to tinh anh đầy cá tính, với giọng nói đặc sệt miền Trung pha chút giọng Bắc nhưng tác phong lại rất giản dị, cởi mở và hóm hỉnh - Đó là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh.

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Ảnh: N.N.P

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Ảnh: N.N.P

 

Có một Phạm Ngọc Cảnh đa tài

Tôi nhớ trước lúc lên đường nhập ngũ có mấy câu thơ của ông gây ấn tượng trong bài thơ “Mẹ”: “Ăn đi con, nào đưa cho mẹ xới/ Mẹ vẫn giấu con chuyện này xóm dưới/ À thôi, chẳng vội để mai sau/ Giặc tan rồi nắng đỏ chín buồng cau”.

Quê ông ở Đại Nài (TP Hà Tĩnh). Một xóm nhỏ mà có đến 4 hội viên Hội nhà văn Việt Nam, đó là: Viện sĩ Hoàng Trinh, nhà văn Văn Linh, nhà thơ Cẩm Lai và nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Đây cũng là địa danh cả nước biết đến với trận đánh bắn rơi 12 máy bay Mỹ ngày 26/3/1965. Trung đoàn 103 của bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã tiếp nhận ông lúc mới 13 tuổi (1947) thành cậu liên lạc Vệ quốc đoàn. Cha ông hồi đó là anh nuôi của trung đoàn này. Tôi cứ ngạc nhiên không hiểu vì sao nhập ngũ sớm như thế, việc học hành bị gián đoạn mà thơ Phạm Ngọc Cảnh lại có vốn văn hóa khá đầy đặn, sâu sắc, toàn diện. Hóa ra ông tự học và say mê đọc sách.

Phạm Ngọc Cảnh vốn là diễn viên Đoàn văn công Quân khu Trị Thiên tham gia cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968.“Năm 68 tôi có về/ Bắn mươi băng đạn và nghe em hò”. Phạm Ngọc Cảnh là thế, không lấy gì làm quan trọng hóa, mọi thứ cứ tưng tửng chơi chơi mà thật nghiêm túc trong lao lực với những con chữ. Ông thường hay dừng đại từ “Ta”, như: “Ta thường nghĩ”, “Ta vừa...”, bao hàm cả mối quan hệ rộng rãi chân thành của ông với mọi tầng lớp trong xã hội nhưng cũng đầy cá tính chất “gàn” của xứ Nghệ, pha vào đó tính lịch lãm, uyển chuyển thông tuệ của kẻ sĩ Bắc Hà. Ông không bao giờ cố chấp, bảo thủ. Nhưng cương trực thì có, cương trực đến cùng để bảo vệ lẽ phải. Ông từng là diễn viên đóng vai “Trung úy Phương” của vở kịch “Nổi gió” nổi tiếng. Và trung úy Phạm Ngọc Cảnh sau tập thơ “Đêm Quảng Trị” đã dứt khoát từ giã phông màn sân khấu để về Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Tôi nhớ, hồi đó nhà ông là ngôi nhà cấp 4 ở trong khu tập thể Cầu Đuống nhưng lại ở cuối con đường. Trong căn phòng làm việc của ông xếp rất nhiều sách. Cửa sổ của bàn viết nhìn ra cánh đồng xanh thảm mạ tít tắp. Một sự sống non tơ run rẩy ùa vào trang viết. Dù kinh tế còn quá nhiều khó khăn nhưng những lần tôi nhảy tàu từ ga Vĩnh Yên về ga Yên Viên - Cầu Đuống bao giờ ông và cô Tỵ cũng giữ ở lại chơi, ăn cơm có khi vài ba ngày. Cô Tỵ vốn là diễn viên múa của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Cô quê ở Làng Bưởi, dáng người rất đẹp và nấu ăn rất ngon, đúng chất hào hoa thanh lịch của người đất Tràng An. Vì thế lúc ông vào miền Nam lấy bút danh Vũ Ngàn Chi chính là họ của cô. Cô Tỵ hồi đó đã ra quân, làm cán bộ tổ chức của Nhà máy gỗ Cầu Đuống.

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh không viết trường ca nhưng có một bài thơ dài mang âm hưởng của trường ca khá độc đáo, đó là: “Lý Ngựa Ô ở hai vùng đất”. Bài thơ viết năm 1976 còn âm vang chiến thắng, niềm tự hào về Tổ quốc, thẳm sâu tình yêu quê hương đôi lứa. Nhịp điệu hội tụ văn hóa ba miền Bắc, Trung, Nam hòa quyện cảm hứng lịch sử và con người cá nhân, thực và ảo, bay bổng dạt dào mang âm hưởng dân ca và bóng dáng huyền thoại, truyền thuyết. Đặc biệt tôi rất thích nhịp luyến láy rất mới mẻ ít thấy trong thơ Việt Nam: “Hóa vô tận bao điều mơ tưởng ấy/ Bao câu hát ông cha mình gửi lại/ Sao em thương câu lý ngựa ô này/ Sao anh nghe đến lần nào cũng vậy/ Sao chỉ thấy riêng mình em đứng đấy/ Chỉ riêng mình em hát với anh đây”.

Còn lại một người lính, một người tình!

 

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh trong một lần về thăm quê.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh trong một lần về thăm quê.

 

Đọc thơ ông, tôi cứ hình dung nhịp điệu sân khấu ùa vào, hình dung ông đang đọc thơ với cái lắc lư gập ghềnh vó ngựa với phong thái hào sảng thi sĩ và cũng không ít những quặn thắt nén lòng của một Phạm Ngọc Cảnh tài hoa nhưng đường đời lận đận. Có một Phạm Ngọc Cảnh của thơ lục bát rất riêng để tả những tâm trạng ông muốn khát khao chia sẻ.

Lục bát trong thơ ông không mượt mà trôi chảy với những tính từ đèm đẹp mà luôn có những đảo phách động từ với độ nén, độ văng, độ keo như muốn dính kết vào tâm trí người đọc. Ví như trong bài “Lục bát để dành” ông viết: “Bắt con Tép mại làm vua/ Con Cáy làm giặc, con Cua làm hề - Bắt con sông Mã lôi về - Câu huầy dô ướt dầm dề trước sân” và trong cuộc đời thường không phải ông “Bắt con sông Mã lôi về” mà chính “Con sông Mã” với tình yêu của cô Giáng Hương – Một người yêu thơ ông với sự chờ đợi hai mươi năm đã “bắt” ông về Thanh Hóa sau khi ông hơn mười năm chăm sóc cô Tỵ bị tai biến nằm liệt tại giường và khi cô mất thì ông mới trở lại với tình yêu đơn phương của người con gái xứ Thanh. Nhưng oái ăm thay số phận không chiều người khi ông lại bị tai biến. Và người con gái xứ Thanh ít hơn ông một phần tư thế kỉ tuổi ấy lại chăm sóc ông cuối đời.

Sinh thời, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là người rất yêu quê, thương mẹ và các em. Tôi nhớ, mẹ ông ở với cô em út tên là Hợi làm nghề thuyết minh phim ở một ngôi nhà nhỏ phía sau Trung tâm văn hóa tỉnh bây giờ. Tôi nhớ lần đó chụp cho cụ bà một tấm ảnh sau đó phóng to, ông khen: “Tay máy nghiệp dư mà chụp có thần”. Tôi chỉ biết lúc tôi chụp là tôi nhớ đến bà nội tôi cũng khuôn mặt phúc hậu, bao nếp nhăn hằn sâu và bỏm bẻm nhai trầu. Tấm ảnh đó sau khi cụ bà mất được nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh lấy làm ảnh thờ.

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã để lại hàng chục tập thơ với giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007, là người viết 600 lời bình cho phim tài liệu để có tiền nuôi vợ bị bại liệt và nuôi mẹ ở quê. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã từng kể cho tôi nghe: Lúc nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh rời nhà số 4 Lý Nam Đế (trụ sở của Tạp chí Văn nghệ Quân đội) nghỉ hưu thật nhẹ nhàng, thanh thản. Thủ trưởng Tổng cục Chính trị ngỏ ý gặp ông. Nhà thơ nói với Tổng biên tập tạp chí: “Nói với các anh ấy – Ta cám ơn. Cứ đưa giấy tờ cho ta thế là xong. Đừng phiền các anh ấy”. Khi được quân đội cấp cho miếng đất ở khu văn công Mai Dịch, nhiều người bảo ông đến chọn. Ông nói: “Thôi phân cho ta thế nào ta nhận, nếu ta chọn được may thì người khác thiệt”.

Ông đã đi khắp mọi miền đất nước với hành trang thật đơn giản, chỉ với một cái túi nhỏ khoác trên vai trong đó có một cuốn sổ tay ghi chép và vài thứ đồ dùng cá nhân, không một máy ảnh, máy ghi âm. Thế mà với trí nhớ thông tuệ, tấm lòng nhân hậu đồng cảm ông đã làm sống lại bao huyền thoại, bao vùng đất mà bao giờ hình ảnh người lính cũng là trung tâm.Vốn là người đa tình, đa cảm. Ông nói: “Khi có dấu hiệu mệt mỏi ta thường ngoái lại gọi tên một người lính, một người tình. Hai người này chứ không phải ai khác đã cổ vũ tôi nâng sức tôi bay tiếp”.

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là người phát hiện nhiều tác giả trẻ, những bài thơ hay. Ông kể có lần về Hải Phòng đến thăm nhà thơ Thanh Tùng, khi ra ga tàu về Hà Nội, ông còn kịp quay lại để lấy chùm thơ 3 bài của Thanh Tùng về đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong đó có bài “Thời hoa đỏ” là bài thơ khó in thời bấy giờ và chùm thơ đó đã được tặng thưởng thơ hay trong năm. Nhạc sĩ Đoàn Bổng đã phổ nhạc “Thời hoa đỏ” thành một ca khúc tình yêu với bao cung bậc nội tâm giằng xé để trả lại nguyên vẹn vẻ đẹp.

Trong những ngày tháng Mười này, khi ba mươi sáu phố phường Hà Nội đỏ rực cờ sao mừng 60 năm Giải phóng Thủ đô thì nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã từ giã ra đi vào cõi thiên thu. Xin những dòng viết này như một nén tâm nhang kính mong linh hồn chú siêu thoát - Người đã từng ở trong Hội đồng biên tập đầu tiên của Tạp chí Hồng Lĩnh khi mới tách tỉnh. Và cao hơn hết, ông là một nhà thơ - Đúng nghĩa một nhà thơ mặc áo lính trọn đời.

 Nguyễn Ngọc Phú

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags:
HLV Park Hang-seo dặn dò Quang Hải trong ngày cưới Chu Thanh Huyền, ông Troussier vắng mặt sau lùm xùm "ngó lơ" Hải "con"

HLV Park Hang-seo dặn dò Quang Hải trong ngày cưới Chu Thanh Huyền, ông Troussier vắng mặt sau lùm xùm "ngó lơ" Hải "con"

Giải trí - 3 giờ trước

Mối quan hệ giữa HLV Troussier và Quang Hải gây chú ý sau khi ông Troussier nhất quyết không cho Quang Hải vào sân trận thua Indonesia.

Vợ Quang Hải mặc váy 150 triệu đồng trong đám cưới ở quê nhà

Vợ Quang Hải mặc váy 150 triệu đồng trong đám cưới ở quê nhà

Giải trí - 4 giờ trước

Chu Thanh Huyền diện thiết kế được làm từ loại ren nhập đắt đỏ cùng chiếc voan dài 2m khi sánh bước bên chú rể Quang Hải.

NSND Đức Long: 'Đến lúc không kham nổi mình, tôi sẽ vào viện dưỡng lão'

NSND Đức Long: 'Đến lúc không kham nổi mình, tôi sẽ vào viện dưỡng lão'

Giải trí - 5 giờ trước

GĐXH - "Đến giờ tôi cũng không tính tới chuyện lập gia đình nữa. Tôi cho rằng nên nghĩ thoáng một chút, đừng quan niệm phải có gia đình mới là hạnh phúc. Còn nếu sau này không thể tự chăm sóc bản thân, tôi sẽ chọn nhà dưỡng lão", NSND Đức Long chia sẻ.

Tuổi U60 của 'mỹ nhân ảnh lịch' thập niên 90: Sống bình yên bên chồng doanh nhân kín tiếng

Tuổi U60 của 'mỹ nhân ảnh lịch' thập niên 90: Sống bình yên bên chồng doanh nhân kín tiếng

Giải trí - 5 giờ trước

GĐXH - Hiền Mai được mệnh danh là "mỹ nhân ảnh lịch" nổi tiếng trong làng giải trí những năm 90. Hiện tại, khi đã qua thời kỳ đỉnh cao, cuộc sống của chị thay đổi như thế nào?

Tuổi xế chiều của 2 nghệ sĩ đất Bắc: Sống giản dị, thích chăm sóc vườn tược dù không thiếu tiền

Tuổi xế chiều của 2 nghệ sĩ đất Bắc: Sống giản dị, thích chăm sóc vườn tược dù không thiếu tiền

Giải trí - 6 giờ trước

Dù kinh tế khá giả thậm chí là giàu có nhưng 2 nam nghệ sĩ đất Bắc vẫn chọn lối sống giản dị, hòa vào thiên nhiên.

Cận cảnh chiếc xe 16 tỷ đi đón dâu của cầu thủ Quang Hải

Cận cảnh chiếc xe 16 tỷ đi đón dâu của cầu thủ Quang Hải

Giải trí - 8 giờ trước

GĐXH - Quang Hải mới đây đã khiến khán giả đã chú ý khi chuẩn bị xe 16 tỷ để đi đón dâu. Đây là chiếc xe mang nhãn hiệu Rollroyce được trang trí rất đẹp với hoa tươi sang trọng.

Lương Thu Trang từng bị chê khó gần, ghét chính mình khi vào vai phản diện

Lương Thu Trang từng bị chê khó gần, ghét chính mình khi vào vai phản diện

Giải trí - 9 giờ trước

Khi vào vai An Nhiên trong phim "Trạm cứu hộ trái tim", Lương Thu Trang cũng thấy lo lắng. Cô thậm chí cũng "dị ứng" với vai diễn phản diện của mình.

Hơn 3 năm hẹn hò với Trương Ngọc Ánh, Anh Dũng 'Sống chung với mẹ chồng' giờ ra sao?

Hơn 3 năm hẹn hò với Trương Ngọc Ánh, Anh Dũng 'Sống chung với mẹ chồng' giờ ra sao?

Giải trí - 10 giờ trước

GĐXH - Anh Dũng nổi tiếng là diễn viên của VFC một thời trong phim "Sống chung với mẹ chồng" cùng Bảo Thanh. Sau đó, anh Nam tiến và có tin hẹn hò cùng Trương Ngọc Anh. Hiện tại, cuộc sống của nam diễn viên điển trai ra sao?

Lâm Tâm Như hé lộ cách giáo dục con: Quyết nói không với điều này để con học cách chủ động

Lâm Tâm Như hé lộ cách giáo dục con: Quyết nói không với điều này để con học cách chủ động

Giải trí - 11 giờ trước

Lâm Tâm Như cho biết, Hoắc Kiến Hoa cũng có đôi lúc nhượng bộ con gái.

Phước Sang: Vua phim Tết, vỡ nợ bất động sản và nỗ lực làm lại từ 'tay trắng'

Phước Sang: Vua phim Tết, vỡ nợ bất động sản và nỗ lực làm lại từ 'tay trắng'

Giải trí - 13 giờ trước

Từng là ông bầu nổi tiếng một thời, có hãng phim riêng, được mệnh danh là "Vua phim Tết", Phước Sang lâm vào cảnh khốn khó sau khi ôm món nợ nghìn tỷ đồng.

Top