Hà Nội
23°C / 22-25°C

Xúc động đạo hiếu cô gái mồ côi cha

Thứ tư, 08:25 06/02/2013 | Xã hội

GaidinhNet - Bảy năm làm việc cật lực để kiếm tiền chăm mẹ mắc bệnh suy thận, chăm bà ngoại 86 tuổi già yếu, nuôi em gái ăn học, vậy mà cô gái nhỏ nhắn vùng đất thép Củ Chi vẫn hoàn thành xuất sắc chương trình Đại học…

Xúc động đạo hiếu cô gái mồ côi cha 1

Trần Thị Hồng Linh trong ngày tốt nghiệp đại học.

 
Lòng mẹ bao la

Đó là Trần Thị Hồng Linh, Tết nay em vừa tròn 22 tuổi. Từ Sài Gòn xuôi theo Quốc lộ 22 khoảng một giờ đồng hồ, chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ của gia đình Hồng Linh ở ấp Mỹ Khánh B, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Ngày thường Linh tất bật ngược xuôi nhưng hôm nay do đã hẹn trước với tôi nên Linh, bà ngoại và mẹ của em cùng quây quần tại nhà. Trời Củ Chi độ 10 giờ trở đi đã rất nóng, khi chúng tôi đến nhà Linh đã gần 12 giờ trưa, nên căn nhà em như muốn “bốc khói”.

Chúng tôi bước vào nhà, mẹ của Linh vội bảo cô con gái út (bé Loan) rót nước mời khách. Nhìn thấy một cụ bà ngồi đó, tôi cất tiếng chào “thưa ngoại!”. Bà cụ sinh năm 1927- ngoại của Linh- cười móm mém: “Đi đường xa mệt dữ ha?”. Chúng tôi cùng gia đình Linh ngồi chuyện trò trên bộ salon cũ do bà con tặng, trong khoảng không gian chưa đến 9m2. Đó vừa là phòng khách, nơi thờ tự vừa là chỗ học hành, nghỉ trưa...của cả gia đình Linh. Sau bức tường ngăn là căn phòng ngủ, cũng rộng chừng 9m2, nơi 4 phụ nữ thuộc 3 thế hệ đặt lưng mỗi tối. Trong nhà Linh, vật dụng đáng giá nhất là chiếc tivi đời cũ, do một người hảo tâm tặng.
 
Xúc động đạo hiếu cô gái mồ côi cha 2

Hai chị em Linh bấm huyệt, chăm sóc mẹ, có hôm đến 2 giờ sáng. Ảnh: ĐT

“Chắc ngồi trò chuyện với chú chừng 5 phút nữa tui phải đến bệnh viện Củ Chi chạy thận, muộn nửa tiếng rồi”, chị Hồng Lam (SN 1965, mẹ của Linh) nói để khách thông cảm. Chị Lam mắc bệnh suy thận mãn, 7 năm nay, cứ cách một ngày lại phải vào viện chạy thận. “Chị đi bằng gì?”, chúng tôi hỏi. “Dạo này đi xe buýt được rồi chú, chiều tụi nhỏ đến đón về vì chạy thận xong mệt lắm. Trước đây chừng một năm tụi nhỏ phải đưa đi đưa về luôn vì tui yếu, nay đỡ đỡ rồi chú”, chị Lam giải thích. Tôi tỏ ý được chở chị đi bệnh viện cho tiện, chị Lam ngần ngừ rồi cũng gật đầu đồng ý. Dọc đường, tôi chạy xe thật chậm để chị không phải mệt vì đường xóc và cũng thật may, nhờ vậy mà tôi được nghe nhiều hơn về câu chuyện của đời chị.

Từ Đồng Nai, chị Lam theo chồng (con út thứ 11 trong gia đình), về Củ Chi năm 23 tuổi. Cuộc sống tuy vất vả nhưng đầm ấm. Hai “nhóc tỳ” Hồng Linh, Hồng Loan lần lượt ra đời cách nhau hai năm. Những tưởng cuộc sống gia đình chỉ đối diện với cái nghèo khó, ai dè chồng chị Lam thình lình lâm bệnh nặng rồi qua đời khi bé Linh mới được 6 tuổi. “Lâm vào tình cảnh đó, người phụ nữ nào mà chẳng đau buồn, nhưng mình chẳng dám buông xuôi, cho nỗi buồn gặm nhấm, bởi hai đứa con phải ăn, phải sống, phải học hành nên người nữa chớ. Tui buôn cái này, bán cái kia, làm cỏ làm đất, thứ gì làm ra tiền là làm hết đó chú ơi. Khoảng thời gian tui bán xôi là mấy mẹ con “hợp đồng tác chiến” nhiều nhất. Con út lãnh phần 10 gói, con lớn nhỉnh hơn là 15 gói. Tụi nhỏ làm vệ tinh bán phụ mẹ, chạy đôn chạy đáo. Đến giờ đi học tụi nhỏ đâu kịp về nhà, cũng đâu kịp gặp tui để báo cáo tình hình. Tụi nhỏ gửi tiền, gửi xôi nếu bán chưa hết cho chú Sáu ở gần trường rồi đi học luôn. Nhiều hôm xôi ế, đành mang về mấy mẹ con ăn trừ cơm”, chị Lam trút bầu tâm sự.
 
Xúc động đạo hiếu cô gái mồ côi cha 3

Ngay khi mẹ ngã bệnh, Linh “tiếp quản” heo, gà làm kế sinh nhai.

Trong hoàn cảnh đó, bé Linh cứ muốn nghỉ học để phụ mẹ nuôi gia đình, cho em đi học. Nhưng chị Lam nói “con nghỉ học là mẹ không sống được đâu”, vậy là Linh im re. Để hai cô con gái hiểu quyết tâm của mình, có hôm xôi bán vẫn còn nguyên thúng nhưng nghe con nói hôm đó họp phụ huynh, vậy là chị gửi xôi cho người quen, tất tả tới trường. “Mình mà ầu ơ dí dầu là tâm lý tụi nhỏ bất ổn ngay, chúng sẽ nghĩ nhà khó khăn quá, mẹ mình bận rộn kiếm sống quá, không đi họp phụ huynh được như những nhà khác. Nhiều lần như thế tụi nhỏ sẽ nản chuyện học chú ạ. Lúc đó có người cho nhà tui cái tivi cũ, tụi nhỏ mừng, thích lắm, tui còn thích huống chi là tụi nhỏ? Nhưng để ưu tiên cho việc học, tui bảo tụi nhỏ không được xem tivi thường xuyên. Muốn tụi nhỏ làm được điều đó tui phải làm trước chú ạ, chứ mình ngồi đó xem mà không cho chúng xem thì chúng đâu có phục”, chị Lam chia sẻ.

Trần Thị Hồng Linh được các cơ quan, đoàn thể ở TPHCM ghi nhận, biểu dương gương “Người con hiếu thảo” trong ba năm liên tục, từ 2010 đến 2012. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng tặng bằng khen ghi nhận Hồng Linh đạt danh hiệu “Sinh viên tiêu biểu” đối với công tác xây dựng và phát triển Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam-TPHCM cũng từng có bằng khen ghi nhận các đóng góp của Hồng Linh.

“Trong trí nhớ của em, sau khi ba em mất, nhà em rất khó khăn, căn nhà xiêu vẹo, ẩm thấp, sau đó ba mẹ con được địa phương trao tặng nhà tình thương. Mẹ em vừa là mẹ, vừa là ba của tụi em, từ việc buôn bán lo cho tụi em ăn học, đến việc sửa sang trong ngoài, một tay mẹ em làm tất. Khi em học lớp 3, em bắt đầu phụ mẹ đi bán xôi ở trước cổng trường. Những khi có gánh hát về ba mẹ con lại chặt mía đi bán. Mẹ đi bán, hai đứa em tự lo cho mình, nhiều khi ăn cơm toàn là muối quẹt. Có lẽ ký ức về tuổi thơ thật vất vả, nhưng khi nhớ lại em thấy vui vui, dù khó khăn nhưng mẹ luôn dành tất cả cho tụi em”, Hồng Linh nói với tôi về tuổi thơ của mình.

Vật lộn kiếm sống

Cuộc sống thấm thoắt trôi qua, Hồng Linh và Hồng Loan lớn lên trong sự bao bọc và giáo dục đầy quyết tâm của mẹ. Khi Linh học đến cấp 2 thì chị Lam chuyển sang chăn nuôi heo, gà để mưu sinh. Cuộc sống cơ cực khiến sức khỏe của chị Lam sụt giảm mà chị không hề hay biết. Lúc Hồng Linh lên lớp 10 thì chị Lam phát hiện bị suy thận mãn. Từ đây, cuộc mưu sinh của gia đình đè lên đôi vai bé nhỏ của Linh.

Việc đầu tiên, Linh phải hướng dẫn em gái để cả hai cùng tiếp quản “cơ ngơi” mà mẹ để lại - là bầy heo, bầy gà, để có phí tổn lo cuộc sống, lo thuốc thang cho mẹ. Đúng thời điểm này, bà ngoại của Linh hay tin con gái lâm trọng bệnh đã tất tả từ Đồng Nai xuống chăm con. May nhờ có bà ngoại mà chị em Linh vẫn có thời gian dành cho học hành.
 
Xúc động đạo hiếu cô gái mồ côi cha 4

Linh tranh thủ làm hoa giấy để kiếm thêm thu nhập.

Thời điểm khó khăn này, Linh bắt đầu đi dạy kèm tiếng Anh để tăng thêm thu nhập. Hồng Linh nói: “Lúc mẹ bệnh, em chỉ có ý nghĩ là phải thật mạnh mẽ để vừa học tốt, vừa kiếm được tiền. Em luôn lạc quan để không khí trong nhà luôn vui vẻ, vì em biết rằng, tinh thần có vui thì mẹ mới sống lâu, mạnh khỏe với tụi em”.

“Không ai có thể vững vàng trước giông bão cuộc đời trong sự cô đơn, em luôn được thầy cô, bạn bè và cả những người không quen biết thương yêu, động viên, giúp đỡ. Đó là thầy Nguyễn Văn Cải, Hiệu phó trường Quang Trung - người luôn đồng hành giúp gia đình em vượt khó khăn hoặc vị linh mục giáo xứ Mỹ Khánh đều đặn gửi cho nhà em 10kg gạo mỗi tháng...Những tấm lòng ấy đã giúp em có thêm nghị lực để vượt qua gian khó và em sẽ tri ơn suốt cuộc đời”.
Hồng Linh

Nói về việc đi dạy tiếng Anh, Hồng Linh bảo, lớp 3 mẹ đã cho em đi học Anh văn (thời điểm đó ở tuổi em, nhiều nhà có điều kiện cũng chưa cho con đi học tiếng Anh), không ngờ việc này sau đó đã giúp cho Linh có cơ hội kiếm tiền nuôi mẹ.

Thấy chị vất vả, bé Loan cũng có ý định nghỉ học để phụ mẹ, phụ chị kiếm tiền, nhưng Linh đã “lên giây cót” tinh thần cho em gái - như mẹ từng làm – vậy là Loan cũng im re, không còn dám đề cập đến chuyện này nữa.

“Vào thời điểm em thi lớp 12, mẹ em phải chạy thận và phải đi bấm huyệt ở quận Phú Nhuận (TPHCM), em thấy áp lực khủng khiếp. Những đêm ngồi học bài ở bệnh viện, em chỉ muôn khóc thôi, những rồi lại tự nhủ mình phải cố vượt qua. Rất vui vì em vẫn đạt được học sinh giỏi suốt 12 năm, học giỏi mới có học bổng đó anh!”, Hồng Linh nói.

Em còn hóm hỉnh kể cho tôi nghe về việc mình trở thành chuyên gia bấm huyệt. Theo đó, vì phải chở mẹ đi đi, về về vất vả, Linh đăng ký học luôn khóa bấm huyệt chữa bệnh để tự làm tại nhà. Sau khi hoàn thành khóa học, nhiều đêm Linh và Loan cùng bộ đồ nghề lại “vật lộn” với sức khỏe của mẹ đến 1-2 giờ sáng.

Tương lai mỉm cười

Cách đây 4 năm, Hồng Linh thi đỗ khoa Ngữ văn Anh Trường Đại học KHXH&NV TPHCM. Ngay khi đặt chân đến Sài Gòn hoa lệ, trong khi các bạn học còn đang phấn khởi với giảng đường đại học thì Linh đã phải giải “bài toán” dạy thêm kiếm tiền cho mẹ chạy thận (2ngày/lần, tốn hơn 2 triệu đồng/tháng- đã có giảm trừ cho gia đình nghèo- PV), chăm sóc ngoại, chăm mẹ và bác, lo cho em gái bước vào lớp 11...Hồng Linh đã phải nghiên cứu thật kỹ các tuyến xe buýt để lên lịch thời gian trong ngày, bởi nếu không thì khó lòng đủ thời gian kiếm tiền và chăm sóc mẹ.

“Bệnh của mẹ em là tích trữ nước, độc tố trong người nhiều lắm, đến thời điểm chạy thận thường rất mệt, chạy xong rồi càng mệt hơn nữa. Có hôm hai chị em em đều đi học, mẹ em phải tự đi xe buýt đến Bệnh viện Củ Chi. Sợ tụi em phân tâm nên mẹ em gọi điện. Em chỉ nghe mẹ thều thào nói: “Mẹ đến bệnh viện rồi, mẹ khỏe, con đừng lo” rồi im luôn. Em gọi lại mấy lần không được, vậy là em nhờ bạn chở ngay về viện. Đúng như em dự đoán, mẹ em vừa dứt lời là xỉu luôn”, Linh kể lại.

Vừa bươn chải phận làm con, làm cháu, Linh cũng không quên bổn phận làm chị. Với kỳ vọng trở thành bác sĩ, bé Loan thi Đại học Y dược nhưng không đủ điểm, Linh đã khuyến khích em học Y tá trung cấp tại trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch. Vậy là hai chị em đều phải xuống Sài Gòn học, Linh phải gồng gánh công việc nhà nhiều hơn, cõng thêm khoảng tiền học phí hơn 1 triệu/học kỳ của em gái. “Bé Loan cũng nỗ lực hết mình để học nên cũng có học bổng, nếu trừ học phí xong thì...có lời chút đỉnh đó anh”, Linh lại dí dỏm cho biết.

Hồi đầu tháng 12/2012, cả hai chị em Linh đều tốt nghiệp ra trường, hiện Loan đang chờ nhà trường bố trí công tác, còn Linh cũng vừa hoàn tất chứng chỉ sư phạm, hiện em dạy Anh văn ở một trung tâm ngoại ngữ gần nhà và cả dạy ở nhà nữa. Em muốn thuận tiện để chăm sóc mẹ, bà ngoại và cả bác em.

“Hồi xưa, dù thiếu thốn nhưng tụi em chưa bao giờ thiếu sách vở đi học. Mẹ sẵn sàng chịu đựng bệnh tật, chấp nhận vất vả để cho chị em em thành công. Mẹ đã truyền cho em nghị lực đương đầu với khó khăn. Trong mắt mọi người có thể em là một đứa trẻ bất hạnh - mà đúng là bất hạnh thật – nhưng với em, em thấy mình thật may mắn vì có được tình yêu thương lớn lao của mẹ, của những người thương yêu em. Có lẽ, bây giờ em mới bắt đầu thực sự bước chân vào đời, em tin rằng sẽ không có khó khăn gì có thể quật ngã được em”, Linh tâm sự.

Nhìn vào ánh mắt của Linh, tôi tin điều em nói là sự thực!
 
 Đỗ Bá-Thanh Giang
thuctap
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Hải Dương: Xe ô tô con bất ngờ lao xuống sông Sặt, tài xế tử vong

Hải Dương: Xe ô tô con bất ngờ lao xuống sông Sặt, tài xế tử vong

Xã hội - 4 giờ trước

GĐXH - Khi chạy tới cổng tỉnh ủy Hải Dương, xe ô tô do ông H. điều khiển bất ngờ lao qua vỉa hè rơi xuống sông Sặt khiến tài xế tử vong.

Phát hiện một cửa hàng bán vàng giả nhãn hiệu Chanel

Phát hiện một cửa hàng bán vàng giả nhãn hiệu Chanel

Pháp luật - 4 giờ trước

GĐXH - Cửa hàng kinh doanh vàng giả nhãn hiệu Chanel tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) vừa bị lực lượng chức năng lập biên bản đề nghị xử phạt số tiền 85 triệu đồng.

Bắt giữ nhóm đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt quà sính lễ

Bắt giữ nhóm đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt quà sính lễ

Pháp luật - 6 giờ trước

GĐXH - Với thủ đoạn tinh vi, nhóm đối tượng đã tạo dựng màn kịch lừa kết hôn với người Trung Quốc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình ảnh 'kinh hoàng' tại các chợ tự phát ở Hà Nội

Hình ảnh 'kinh hoàng' tại các chợ tự phát ở Hà Nội

Đời sống - 7 giờ trước

GĐXH - Chợ tự phát (chợ cóc, chợ tạm) đang mọc lên dày hơn ở nhiều khu đông dân cư tại các đường phố Hà Nội. Con đường nơi có chợ cóc họp thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh.

Hà Nội: Tuyến buýt nhanh BRT hoạt động ra sao trước ngày bị "khai tử"

Hà Nội: Tuyến buýt nhanh BRT hoạt động ra sao trước ngày bị "khai tử"

Đời sống - 8 giờ trước

GĐXH - Mặc dù được đầu tư hơn 1 nghìn tỉ đồng, thế nhưng sau nhiều năm hoạt động, tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng về giảm thiểu ùn tắc. Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có đề xuất "khai tử" tuyến buýt nhanh BRT để thay bằng đường sắt đô thị.

Đau lòng hai chị em ruột bị đuối nước thương tâm trong ngày nghỉ lễ

Đau lòng hai chị em ruột bị đuối nước thương tâm trong ngày nghỉ lễ

Xã hội - 9 giờ trước

GĐXH - Ra đầm nuôi trồng thủy sản của người thân chơi, thấy em bị ngã xuống nước, chị gái đã lao xuống cứu em. Do không biết bơi, cả 2 chị em cháu D. bị đuối nước.

Hai đợt gió mùa Đông Bắc liên tiếp sắp dồn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày oi nóng

Hai đợt gió mùa Đông Bắc liên tiếp sắp dồn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày oi nóng

Thời sự - 9 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết, tuần tới miền Bắc chuẩn bị đón hai đợt gió mùa Đông Bắc khiến nền nhiệt độ giảm nhẹ và trời đỡ nóng.

Kết quả xổ số - KQXS 3 miền, Vietlott hôm nay thứ Sáu ngày 19/4/2024

Kết quả xổ số - KQXS 3 miền, Vietlott hôm nay thứ Sáu ngày 19/4/2024

Xã hội - 9 giờ trước

GĐXH - Kết quả xổ số hôm nay - KQXS thứ Sáu ngày 19/4/2024: Xổ số miền Nam - XSMN, xổ số miền Trung - XSMT, xổ số miền Bắc - XSMB, xổ số Vietlott - XS Vietlott.

Lại xảy ra đuối nước thương tâm tại Quảng Bình

Lại xảy ra đuối nước thương tâm tại Quảng Bình

Thời sự - 9 giờ trước

GĐXH - Trong lúc tắm ở khe suối, nam sinh sinh lớp 9 lặn xuống đáy rồi mắc kẹt vào đá dẫn đến đuối nước.

Liên tiếp xảy ra giông lốc gây thiệt hại về nhà dân, hoa màu

Liên tiếp xảy ra giông lốc gây thiệt hại về nhà dân, hoa màu

Thời sự - 10 giờ trước

GĐXH - Giông lốc liên tiếp xảy ra ở Quảng Trị khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, hư hỏng, hàng chục hecta lúa bị đổ gãy...

Top