Hà Nội
23°C / 22-25°C

"Viên ngọc trai" không tuổi

Thứ bảy, 10:29 06/09/2008 | Xã hội

Giadinh.net - Đã 76 tuổi nhưng ngày nào bà Nguyễn Thị Ngọc Trai cũng đi.. chăm sóc người già. Hơn 17 năm qua, bà đã giúp cho hàng trăm người già vượt qua những thời điểm khó khăn.

Dù đã quá cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng bà vẫn say sưa với những mô hình, dự án hỗ trợ người già.

“Thủ lĩnh” tuổi 76

“Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai! Trẻ em được quan tâm, vậy thì tại sao những người đã từng cống hiến cho xã hội lại bị thiệt thòi khi chưa được quan tâm đúng mức. Để bù đắp sự thiếu quan tâm của xã hội dành cho họ, vì thế mà RECAS- Trung tâm nghiên cứu trợ giúp người cao tuổi ra đời”, bà thổ lộ với tôi như thế nhân cuộc gặp gỡ tình cờ trên một chuyến bay vào TPHCM để nhận giải thưởng “Sống vì cộng đồng” do Hội đồng Anh, Prudential và Thành đoàn TPHCM phối hợp tổ chức, để ghi nhận những cống hiến của bà với người già. Đó là thời điểm cách đây 2 năm về trước.

“Mình còn sức chiến đấu, thì không ngơi nghỉ. Mình cũng là người già, càng già càng phải sống có ích"

Tròn 2 năm sau tôi lại có dịp được gặp bà. Đã bước vào lứa tuổi “thất thập cổ lai hi”, mái tóc đã bạc trắng như cước nhưng bà lão xứ Huế này vẫn miệt mài làm việc, vẫn say sưa với những dự án “Vì người già” (17 năm là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trợ giúp người cao tuổi - RECAS).

Chúng tôi đến RECAS ở phố Nam Cao (Hà Nội), cũng là lúc mà bà vừa từ sân bay về, kết thúc chuyến đi Singgapore dự hội thảo về người cao tuổi. Đã bước qua tuổi 76 mà tác phong của bà vẫn “rất thanh niên”: cởi mở, nhiệt tình và... khỏe. Không chỉ rong ruổi đi khắp trong Nam ngoài Bắc để nhân rộng các mô hình, dự án hỗ trợ người già, bà còn bôn ba cả chục nước Á, Âu để học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.

Năm 1991, bà Ngọc Trai, lúc đó là Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ, mặc dù còn sức khỏe và cơ quan vẫn muốn giữ lại tiếp tục công tác nhưng bà tâm niệm: “Đã cống hiến cho công việc vượt ngưỡng rồi (lúc ấy bà 57 tuổi). Tôi nghĩ mình còn cần phải làm một việc gì đó cho xã hội nữa”. Nghĩ là làm, bà đã đứng ra thành lập, tổ chức và bảo trợ cho một trong những tổ “bán báo xa mẹ” đầu tiên của Hà Nội.

Đầu năm 2008 vừa rồi, giám đốc Ngọc Trai là đại diện duy nhất của Châu Á đi dự và có bài phát biểu tại hội thảo về người cao tuổi của UB phát triển bền vững Liên Hợp Quốc, tại trụ sở của tổ chức này.

Đối tượng trợ giúp chính của mô hình này là những người già cô đơn, không nơi nương tựa. Tình nguyện viên (TNV) của chương trình là tất cả những ai có điều kiện và đăng ký tham gia từ sáu tháng trở lên ngay tại địa phương. Hiện mô hình này đã triển khai ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Bến Tre... Trong đó có những địa bàn mô hình của trung tâm đã “bám rễ” khá chắc.

Ví dụ, tại quận Đống Đa, Hà Nội - địa bàn đầu tiên phổ biến mô hình này. Đến nay, tại đây đã có mạng lưới hơn 60 TNV. Toàn bộ 24 phường của quận Đống Đa đều có những người già gặp khó khăn được chăm sóc. Ở xã An Lạc (huyện Chí Linh, Hải Dương), TNV nhiều gấp mấy lần người cao tuổi cần giúp đỡ, thậm chí có nơi cả xóm rủ đi làm TNV khi bà con, thanh thiếu nhi hiểu được bản chất nhân văn của RECAS.

Nhớ lại những ngày đầu gây dựng trung tâm, “thủ lĩnh” Ngọc Trai cho biết: “Tôi phải mở một quán ăn Huế tại số 6 phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) để lấy kinh phí cho văn phòng trung tâm hoạt động, vì tôi vốn là người gốc Huế. Ngày ấy tất cả TNV của RECAS đều không có lương, nhưng ai cũng rất hăng say”.

Người già... chăm người già

Một trong những trường hợp mà trung tâm đã hỗ trợ và đến nay bà Ngọc Trai vẫn thường lại qua là ông Phạm Duy Nghĩa (75 tuổi) ở phường Phương Liên, (Đống Đa, Hà Nội). Do không có con cái, người thân cũng không còn nên ông phải đi ăn xin. Trước hết, Trung tâm của bà Ngọc Trai đã ủng hộ, tìm cách để giúp ông một khoản tiền hàng tháng. Mặc dù không nhiều nhưng với số tiền này, ông đã không phải hàng ngày lê la đầu đường, góc chợ để xin ăn. Để ông khỏi buồn, các TNV của trung tâm lại cố xoay cho ông Nghĩa một chiếc ti vi nho nhỏ. Bây giờ thì ông không còn phải đi lang thang, sức khoẻ tốt lên và rất vui vẻ, yêu đời.

 
 “Thủ lĩnh” Ngọc Trai (giữa, hàng đứng) cùng đoàn đại diện Tổ chức Người cao tuổi quốc tế thăm một cụ già cô đơn ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. (Ảnh do trung tâm RECAS cung cấp)
Giám đốc Ngọc Trai tâm sự, người già thường... nhiều chuyện, nên hỗ trợ cho người già cũng muôn hình vạn trạng. Những vướng mắc của người già nhiều khi không phải là sự nghèo khó, tiền bạc mà cả những giây phút khó khăn về tình cảm của họ trong cuộc sống.

Bà Ngọc Trai kể về trường hợp cụ ông tên Đường ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) từng hai lần có ý định tự tử vì mâu thuẫn với con cái. Nghe được chuyện, đích thân giám đốc Ngọc Trai đã đứng ra làm người hòa giải mâu thuẫn gia đình. Các nhân viên RECAS đưa cụ đi an dưỡng một thời gian để lấy lại tinh thần. Trong một lần giám đốc Ngọc Trai đến thăm, cụ Đường rưng rưng nước mắt: “Chỉ khi gặp bà, tôi mới thấy mình còn yêu đời và muốn sống thêm. RECAS tình người lắm!”.

“Mỗi câu chuyện xúc động của những người bạn già để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Những người bạn già ấy còn cần tôi nên tôi phải tiếp tục thôi. Ví dụ như chuyện một ông cụ ở Hải Phòng. Ông cụ này bị bệnh hiểm nghèo, đến những giờ phút cuối đời, những cơn đau lại hành hạ. Trung tâm đã cho mời các sãi đến tụng kinh niệm Phật, quả nhiên cụ đỡ đau và ra đi trong thanh thản. Chỉ có người già với nhau thì mới hiểu được sự khó khăn, tâm sự của con người trong những phút giây cuối đời như thế” - Bà Ngọc Trai trầm ngâm.

Hiện trung tâm đang tổ chức nhân rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi tại nhà ở 3 địa điểm bên ngoài Hà Nội, cụ thể là tại Hải Đường (Nam Định), Phước Vĩnh (Huế), Hưng Khánh Trung (Bến Tre). Giám đốc Ngọc Trai tâm sự: “Chịu khó lắng nghe, nghiên cứu và nghiệm ra chính từ bản thân mình rằng, những người già ốm đau, tuy neo đơn nhưng đã là người Việt Nam thì họ luôn luôn mong muốn được hưởng tuổi già ngay tại ngôi nhà của mình. Điều này rất khác với Tây. Từ đó mà có hoạt động chăm sóc tại nhà”.

Góp tay xoa dịu nỗi đau HIV

“Người già là nạn nhân của rất nhiều tệ nạn xã hội. Những tệ nạn này không phải chính họ gây ra nhưng họ lại là đối tượng phải chịu hậu quả nặng nề. Đi nhiều, tôi mới nhận ra rất nhiều gia đình có người nhiễm HIV thì mọi khổ đau đều đổ lên đầu người già. Chính vì lý do đó là tôi đã xây dựng “CLB đồng cảm người cao tuổi” để giúp đỡ người già, san sẻ  những khó khăn họ phải đương đầu. Chính vì lý do đó mà mô hình này đã được nhân rộng ra khắp nhiều tỉnh, thành trong cả nước và không ngừng lớn mạnh” - Giám đốc Ngọc Trai tâm sự. Hiện nay, mạng lưới này đã phổ biến tại Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Bến Tre... với hơn 900 tình nguyện viên.

Tạo công ăn việc làm cho khoảng 800 người

17 năm khai sinh và giữ cương vị giám đốc RECAS, là 17 năm bà không có một đồng lương nào. Cũng trong 17 năm vừa qua, tổ chức này không ngừng lớn mạnh có uy tín không những trong nước mà còn nhận được sự khâm phục của các tổ chức từ thiện Quốc tế. Bà cũng tạo công ăn việc làm cho khoảng 800 người nghèo khổ, đảm bảo những quyền lợi cho họ yên tâm kiếm sống.

Một ngày đầu tháng 8/2008, chúng tôi theo đoàn công tác của RECAS về làm việc tại thành phố Nam Định. Anh Giang Nguyên Hoà, trưởng đoàn kể: “Phần lớn những người bị nhiễm HIV ở TP Nam Định đều  còn trẻ. Khi họ bị bệnh thì những người thân trong gia đình lại chịu hậu quả nặng nề nhất, đặc biệt là những người làm bố, làm mẹ. Cảnh đầu bạc khuya sớm chạy vạy lần hồi từng bữa để duy trì sự tồn tại cho con mình, rồi lầm lũi chịu đựng sự ghẻ lạnh của mọi người xung quanh. Xót xa lắm! Bác Trai đã trăn trở rất nhiều, nhiều lần về Nam Định và bác đã trực tiếp xây dựng các CLB “đồng cảm người cao tuổi”. Hiện nay ở thành phố này đã có 22 CLB với 820 thành viên và tình nguyện viên để giúp đỡ những hoàn cảnh này”.

Theo chân chị Huệ, chủ nhiệm một câu lạc bộ như thế ở số 5A phường Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định, chúng tôi đi, gặp và chính tai mình lắng nghe những điều gan ruột nói ra từ họ, đó như những lời sám hối, như những lời cuối cùng để lại cho đời. Cũng là những phút giây thật nhất, đời nhất và chân tình nhất của họ. Bước vào cuối ngõ ở tổ dân phố số 13, phường Trần Hưng Đạo là mái nhà vợ chồng chị Oanh, bao nhiêu năm nay gian nhà tối, chật hẹp này là chỗ chui ra, chui vào của 3 con người, gói trọn trong 17m2.

Căn nhà không ánh điện, ban ngày mà tối thui. Hùng là một thanh niên dáng người to khoẻ, chỉ có điều mọi cử chỉ bây giờ đều chậm chạp, da cổ, tay và chân anh đã bị bóc trắng lỗ chỗ do biến chứng của căn bệnh tai quái. Mới hôm kia đây thôi, Hùng đã uống đến 30 viên thuốc ngủ để kết thúc đời mình, để cho bố mẹ đỡ khổ, nhưng may mắn thay, gia đình đã phát hiện và đưa đi rửa ruột nên thoát chết. Hùng có biết đâu những lần đòi tự kết liễu hụt đời mình như thế, đã khoét sâu vào nỗi đau của những người làm cha, làm mẹ hơn thôi.

Trong ánh chiều chập choạng, bà mẹ của anh từ đâu hớt hơ hớt hải chạy vào thấy nhà có người lạ tưởng như có chuyện gì xấu đến với Hùng, bà kêu lên từ ngoài ngõ: “Đừng có làm điều gì dại dột nữa con ơi”. Khi nhận ra chị Huệ, là người ở câu lạc bộ “người đồng cảm” thì người đàn bà này mới chép miệng thở phào nhẹ nhõm. Người phụ nữ dáng vẻ khắc khổ ấy tên là Phạm Thị Oanh, năm nay bà đã gần 60 tuổi, nhưng nhìn lại cuộc đời đã qua, với bà đó là quãng thời gian đầy nước mắt của đau thương, tủi hổ và vất vả đến cùng cực.

Hùng là đứa con thứ hai của bà, cũng là đứa con thứ hai bị nghiện ma tuý. Đứa con út Nguyễn Văn Cường mới qua đời cách đây 3 năm vì nghiện hút, sau khi đi cai nghiện được mấy tháng. Khi nghe tin Hùng bị nhiễm HIV chưa lâu (2003) thì năm 2005 gia đình bà đã phải đón nhận cái tang bất ngờ từ người con út. “Bây giờ, gia đình tan nát không còn chỗ bấu víu, chỉ mong ông trời thương tình cho hai vợ chồng già này không phải ốm đau, để chăm sóc con cho trọn vẹn...” - bà nói trong nghẹn ngào.

Cả buổi chiều nay, bà ra phường chạy vạy hết hội phụ nữ rồi quỹ tín dụng để vay tiền mua thuốc cho con mà không được. Gia đình bà nghèo quá, với lại “thấy hoàn cảnh mình có con nghiện hút, HIV chết đến nơi thì ai mà dám cho vay. May nhờ có RECAS đã cho gia đình bà vay tiền, rồi hàng ngày có tình nguyện viên đến giúp đỡ việc nhà, động viên tinh thần không thì sống làm sao được, bà Oanh ngậm ngùi”.

Chị Huệ tiết lộ: “Tại Nam Định, kể không hết những trường hợp thương cảm như thế. Gia đình ông bà Nguyễn Thiện Tụng - Phạm Thị Mai ở phường Trần Quang Khải. Rồi bác Nguyễn Thị Nhài số nhà 2/20 Hoàng Văn Thụ... tất cả đã được chúng tôi tiếp cận, giúp đỡ. Quỹ dành cho những thân phận không may mắn này của RECAS đã lên đến hàng tỷ đồng và cho hàng trăm người vay”. Nói đến hoạt động này, bà Ngọc Trai cho biết: “Sắp tới tôi sẽ mở rộng ra ở những địa bàn mới, làm sao sẽ phủ được khắp cả nước chỉ với mong mỏi chia sẻ những nổi khổ cho người cao tuổi” bớt đi nỗi khổ cho người cao tuổi”.

Quang Thành

kieudiep
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bé gái sinh năm 2011 bị 3 thiếu niên thay nhau 'làm chuyện người lớn'

Bé gái sinh năm 2011 bị 3 thiếu niên thay nhau 'làm chuyện người lớn'

Pháp luật - 4 phút trước

GĐXH - Bé gái 12 tuổi tới nhà bạn quen qua mạng xã hội chơi thì bị 3 nam thiếu niên 15 tuổi kéo vào trong rồi thay nhau thực hiện hành vi hiếp dâm.

Chú rể bị bắt vì sử dụng ma túy trong ngày cưới

Chú rể bị bắt vì sử dụng ma túy trong ngày cưới

Pháp luật - 30 phút trước

Trong ngày cưới, chú rể Phùng Văn Chung (quê huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) cùng nhóm mua ma túy về tổ chức sử dụng.

Gã đàn ông lang thang giết người vì bị đánh

Gã đàn ông lang thang giết người vì bị đánh

Pháp luật - 38 phút trước

GĐXH - Sau khi bị đánh, Giang đem lòng ấm ức và ra tay sát hại người này

Giả danh Trung tướng công an lừa đảo hàng trăm triệu đồng

Giả danh Trung tướng công an lừa đảo hàng trăm triệu đồng

Pháp luật - 50 phút trước

GĐXH - Lê Văn Sự tự "khoe" với nhiều người rằng, bản thân có nguồn tiền lớn muốn chuyển từ nước ngoài về và cần tài khoản ngân hàng ở Việt Nam để nhận. Nếu giao dịch thành công chủ tài khoản hưởng 0,5% hoa hồng...

Vụ nữ sinh lớp 11 ở Gia Lai bị đâm tử vong: Lúc gây án mới biết mặt nhau

Vụ nữ sinh lớp 11 ở Gia Lai bị đâm tử vong: Lúc gây án mới biết mặt nhau

Pháp luật - 55 phút trước

Liên quan vụ nữ sinh lớp 11 tại Gia Lai bị đâm tử vong, Cơ quan điều tra cho biết, 2 nữ sinh này học tại 2 trường khác nhau, không quen biết nhau mà chỉ trao đổi qua mạng xã hội.

Miền Bắc bắt đầu gia tăng nắng nóng

Miền Bắc bắt đầu gia tăng nắng nóng

Thời sự - 2 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết hôm nay, Bắc Bộ giảm mưa trời nắng, nhiệt độ trong ngày tăng nhanh. Trong khi Nam Bộ tiếp tục chuỗi ngày nắng nóng kéo dài.

Tin sáng 25/4: Từ 1/7/2024 nhiều lao động có thể được tăng lương 2 lần; 5 nhóm hành vi sẽ bị CSGT Hà Nội xử lý nghiêm dịp nghỉ lễ

Tin sáng 25/4: Từ 1/7/2024 nhiều lao động có thể được tăng lương 2 lần; 5 nhóm hành vi sẽ bị CSGT Hà Nội xử lý nghiêm dịp nghỉ lễ

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Ngoài việc được tăng lương tối thiểu vùng, nhiều lao động có thể được tăng lương thêm do điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo vùng kể từ 1/7; Trong dịp nghỉ lễ, CSGT sẽ tập trung kiểm tra, xử lý vào 5 nhóm hành vi vi phạm...

CSGT Hà Nội sẽ xử lý nghiêm 5 nhóm hành vi vi phạm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

CSGT Hà Nội sẽ xử lý nghiêm 5 nhóm hành vi vi phạm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Đời sống - 3 giờ trước

Trong dịp nghỉ lễ, CSGT sẽ tập trung kiểm tra, xử lý vào 5 nhóm hành vi vi phạm gồm nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá tải trọng, chạy quá tốc độ, vi phạm về làn đường, sử dụng giấy tờ giả.

Xe máy lao như tên bắn ở làn 120km/h cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Xe máy lao như tên bắn ở làn 120km/h cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Thời sự - 3 giờ trước

Camera giám sát ghi lại hình ảnh xe máy phi như tên bắn ở làn 120km/h trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hiện chưa xác định được người điều khiển phương tiện.

15 thí sinh bị đình chỉ sau 3 đợt thi Đánh giá năng lực của ĐHQGHN

15 thí sinh bị đình chỉ sau 3 đợt thi Đánh giá năng lực của ĐHQGHN

Giáo dục - 3 giờ trước

Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, sau 3 đợt thi Đánh giá năng lực đầu tiên của năm 2024 (tổ chức trong tháng 3 và 4), đã có 15 thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế.

Top