Hà Nội
23°C / 22-25°C

Truyền nhân của "phù thủy" xứ kì hoa, dị thảo

Thứ sáu, 17:21 27/01/2012 | Xã hội

GiadinhNet - Trong festival hoa Đà Lạt vừa qua, nhiều du khách rất ngạc nhiên khi thấy dù chưa đến Tết nhưng hoa đào đã nở rộ.

Nhưng dân địa phương thì biết rõ, sở dĩ hoa nở được như vậy là bởi con trai “phù thủy” Mười Lời – anh Bùi Văn Sang đã ra tay…
 
Anh Sang bên cây bưởi “ba miền”.

Đào ngũ quốc, bưởi ba miền
 
Những người từng sinh sống ở Đà Lạt hẳn biết đến địa danh có tên Thung lũng hoa đào. Thung lũng này nổi tiếng không chỉ bởi các loài hoa, trái kì dị mà còn bởi cả chủ nhân của chúng – thầy “phù thủy” Mười Lời.
 
Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, mất khoảng 15 phút đi xe máy là tới được Thung lũng hoa đào, nằm trên đường Lê Hồng Phong, chung lối tới Dinh III của vị vua cuối cùng Triều Nguyễn - Bảo Đại. Trong thung lũng, vuông đất rộng hơn 6.000m2 của gia đình ông Mười Lời có hàng trăm loài hoa, trái mà không nơi đâu có được. Ví như loài hoa rất phổ biến là hoa đào, thì ở đây có giống đào “má hồng" - đứa con của cuộc hôn phối giữa đào Nhật Tân (Hà Nội) và đào lông Đà Lạt. Anh Bùi Thanh Sang, con trai của ông Mười Lời bảo, năm 1997, cha mình lặn lội ra tận làng hoa đào Nhật Tân để học hỏi kinh nghiệm. Ông được các nghệ nhân của Hà Nội tặng hơn 200 mầm hoa đào Nhật Tân. Khi quay về Đà Lạt ông bắt tay vào việc ngay. Mầm đào Nhật Tân đã được ghép trên cành đào Đà Lạt, gần một năm rưỡi nín thở chờ đợi, cuối cùng cây đào ghép ấy đã đơm hoa.
 
Tết năm 2000, đào “má hồng” đã chính thức ra mắt bà con miền cao nguyên. Hoa đào Đà Lạt chỉ có một lớp cánh với 5 cánh mỏng màu hồng nhạt, chơi được khoảng 15 ngày còn hoa đào “má hồng” cho ra những bông hoa to, sắc thắm, nhiều lớp cánh với 25 cánh hoa, giữ được trong khoảng 1 tháng. Vậy là ông Mười Lời đã không chỉ cho ra đời một loài hoa mới, mà còn nối liền Thủ đô với xứ ngàn hoa Đà Lạt. “Cha tôi mê đọc truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, trong Truyện Kiều không biết bao nhiêu lần đào xuất hiện với đủ các ý tứ khác nhau. Từ mê Kiều mà cha tôi sinh ra mê đào, say sưa với việc lai ghép đào”, anh Sang nói.
 
 
Tuy nhiên loại đào trên cũng chưa phải “ác liệt” nhất. Trong vườn nhà ông Mười Lời còn có cây đào “ngũ quốc”, được chiết ghép từ 5 loại đào của 5 quốc gia là Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra còn một loại hoa rất “dị” nữa, đó là Nhật quỳnh. Thường thi hoa quỳnh chỉ nở vào mùa hè và ban đêm, tuy nhiên ông Mười Lời đã ghép hoa quỳnh vào gốc cây thanh long, tạo ra giống hoa quỳnh nở vào... ban ngày (vì vậy nó mới có tên Nhật quỳnh) và vào mùa xuân. Anh Sang cho biết, cuối năm 2000 cha anh đến tỉnh Bình Thuận dự Hội nghị tổng kết Hội Làm vườn VN. Tại đây, phát kiến chong đèn để thanh long ra trái theo ý muốn đã gây ấn tượng đặc biệt cho ông. Suốt trên đường về cha anh lập luận, cây hoa quỳnh có những điểm rất giống thanh Long, phải chăng có thể ghép mầm quỳnh vào cây thanh long để cho ra đời một loại quỳnh nở vào ban ngày?
 
Những ngày tiếp theo ông bắt tay vào thử nghiệm giả thuyết của mình. Đêm đêm, hai cha con ông Mười cùng chong đèn kích thích cây tăng trưởng. Những bẹ quỳnh ngày một xanh tốt, nhưng hoa thì vẫn chẳng thấy đâu. Đã có lúc ông Mười và anh Sang mệt mỏi, muốn buông xuôi. “Nhưng một ngày đầu năm 2005, điều kỳ diệu đã đến, ở góc vườn, những nụ hoa li ti xuất hiện lần đầu tiên trên bẹ quỳnh, bám ở hai bên tàu lá như quy cách ra hoa của hoa quỳnh. Tôi cùng cha hăm hở bám chặt khu vườn hàng tháng trời, chăm sóc rất cẩn thận để thúc quỳnh ra hoa. Cuối cùng, trời không phụ lòng người, quỳnh đã ra hoa, lại nở đúng ban ngày, hai cha con mừng đến rơi nước mắt. Những bông hoa đầu tiên nở có tới 5 màu riêng biệt là vàng, đỏ, hồng, trắng, tím. Tính ra, cha con tôi đã mất đến 5 năm để cho ra đời những đóa Nhật quỳnh đầu tiên”, anh Sang xúc động nhớ lại.
 
Ngoài hoa, tại Thung lũng hoa đào của ông Mười Lời có hàng trăm loại trái mang các “quốc tịch" khác nhau: hồng xiêm (sapôchê) Mexico, chanh ngọt Úc, quýt Địa Trung Hải, ổi Thái, hồng Nhật, quýt Mỹ... đấy là chưa kể nhiều loại chỉ có chủ nhân của thung lũng hay người tặng (hoặc gửi) biết lai lịch, tên gọi. Trong số các loại cây trái “khủng” trên, gia đình nghệ nhân Mười Lời tự hào nhất về “cây bưởi ba miền”. Trên cây bưởi Đà Lạt, ông Mười Lời đã ghép thành công thêm 4 loại bưởi khác là Đoan Hùng, Năm Roi, Da Xanh, bưởi Biên Hoà.
 
Với việc tạo ra hàng trăm loại kì hoa, dị thảo, ông Mười Lời được dân gian yêu mến tặng cho biệt danh “phù thủy hoa”. Anh Bùi Văn Sang kể, lúc còn sống cha mình đã từng có ý định kết 1000 bông hoa Nhật quỳnh thành hình con rồng lớn để mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng khi chưa thực hiện được ý định thì ông đã qua đời vì bạo bệnh vào tháng 8/2009...
 
Nụ hoa 10 triệu đồng
 
Quay trở lại với việc mai anh đào nở rộ vào đúng dịp festival hoa vừa qua, tìm hiểu mới biết Ban tổ chức đã giao trọng trách “ép hoa nở” cho anh Bùi Văn Sang. Đây là công việc chẳng ngon xơi gì, bởi mai anh đào (đào Đà Lạt) trên các tuyến đường Lê Đại Hành, đường 3 tháng 4 và một số tuyến đường khác của Đà Lạt là hoa trồng tự nhiên ngoài trời, có cây cao tới cả chục mét. “Mai anh đào trồng ngoài trời, mình không thể chủ động được nhiệt độ, độ ẩm nên thời tiết đóng vai trò rất quan trọng. Có cây cao cả chục mét nên chăm sóc rất kỳ công. Phải có thời gian để gây ức chế sinh trưởng (tuốt lá sớm) rồi tưới nước, bón phân, xịt thuốc cây mới đủ sức nở hoa...”, anh Sang bật mí các bí quyết của mình.
 
Đào Thất thốn.
 
Tại festival hoa, ngoài trọng trách ép hoa nở đồng loạt, anh Sang còn được Ban tổ chức đặt hàng 100 gốc đào, tất nhiên là phải có hoa để trưng bày thành một vườn đào, tạo điểm nhấn cho festival. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ tháng 11 anh đã cho 100 gốc đào của mình “đi ngủ”. Với những kỹ thuật hết sức bài bản như vậy nên tại festival, hoa mới có thể nở đẹp như vậy.
 
Điều thú vị là Bùi Thanh Sang từng tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin và khoa Đông phương học (trường ĐH Tổng hợp TP.HCM, nay là ĐHKHXH&NV TP HCM), hiện nghề “chơi hoa, ép quả” của anh chỉ là nghề tay trái, còn nghề “tay phải” là làm về công nghệ viễn thông.
 
Tuy là nghề tay trái, nhưng các kiến thức của anh Sang về cây cỏ khiến bất cứ một người được đào tạo bài bản nào cũng phải ngã mũ kính phục. Năm 24 tuổi (1997) anh đã tỉ mẩn xem cha chiết ghép đào “má hồng”, tiếp đó phụ cha chiết ghép được cây Nhật Quỳnh và nhiều loại hoa, trái khác.
 
Hiện nay, Bùi Thanh Sang tiếp tục ghép mới được trên 400 gốc đào, trong đó ghép thành công 13 giống hoa đào có nguồn gốc từ Mỹ, Trung Quốc, Indonesia... Trong vườn đào của anh Sang có 8 cây đào Thất thốn rất quý hiếm, trị giá hàng trăm triệu đồng/gốc. Sở dĩ gọi là đào Thất thốn vì trên mỗi mắt đào chỉ có 7 chiếc lá. Đào Thất thốn là loại hoa rất “khó tính”, may mắn lắm thì 2 năm/lần cây mới nở hoa đúng dịp Tết. “Để nhân giống đào Thất Thốn, chỉ có thể ghép cành, ghép rễ, chứ lấy hạt trồng thì không thể lên cây. Hiện nay nhân giống từ rễ, cứ 10 cây mới thành công được 1 cây”, anh Sang nói.
 
Nhìn 8 cây đào Thất thốn của anh Sang, mỗi cây có hàng trăm nụ, chợt nhớ tới Tết vừa rồi tại Hà Nội, nhiều người đã thuê đào Thất thốn với giá vài chục triệu đồng/cây (cứ 10 triệu đồng/nụ, mỗi cây đào chỉ có vài ba nụ), như vậy, nếu theo cách thuê ở Hà Nội thì cây của anh Sang đáng giá tiền tỉ.
 
Ngoài đào Thất thốn, trong vườn nhà anh Sang còn có Bạch đào, có nguồn gốc từ các vùng núi phía Bắc. Theo anh Sang, bạch đào là loài quý hiếm, khó ghép, khó nuôi dưỡng. Đặc biệt, trong khi các loại hoa đào khác không có mùi thơm thì bạch đào lại có mùi thơm phảng phất về đêm. Tuy nhiên để bạch đào trổ nụ, đơm hoa đúng dịp Tết là không dễ. Bạch đào rất “đỏng đảnh”, khi tuốt lá mà chạm vào các mắt lá rất dễ ảnh hưởng tới nụ hoa sau này.
 
Ngoài việc nghiên cứu, nhân giống nhiều loại đào mới, anh Sang còn đang lao vào khảo nghiệm những giống cây mới và phục tráng một số giống hoa có nguy cơ thất truyền ở Đà Lạt, trong đó có những loài cây quý sống ở núi Langbiang.
 
Theo lời anh Sang, lúc sinh thời cha mình thường dặn dò các con, nếu mai kia ông về với tiên tổ thì mấy anh em nên dồn sức chăm sóc Thung lũng hoa đào, để ngày càng có thêm nhiều cây trái mới, quý hiếm, nhân giống ra cho mọi người cùng trồng. “Trẻ cậy cha, già cậy cây, dù thế nào đi nữa cũng phải giữ lại Thung lũng hoa đào, đó không chỉ là của riêng gia đình, mà còn là của chung Đà Lạt”, anh Sang bảo, sau bao năm bên cha và gắn bó với cây, anh thấy rất tâm đắc với câu này của cha.
 
Cũng giống như cha, anh Sang không giữ riêng "ngón nghề" nào cho mình. Khi nghiên cứu, nhân giống thành công một loại cây mới, nếu có người yêu thích cây đến học hỏi anh đều ân cần trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm để họ về có thể làm được. Trong thời buổi “chẳng ai cho không ai cái gì”, điều này thật đáng quý.
 
 
Thung lũng hoa đào suýt bị xóa sổ
 
Thành phố Đà Lạt đã tổ chức nhiều festival hoa và cũng không giấu khát vọng trở thành một “thủ phủ” hoa của cả nước. Vậy nhưng vào năm 2005, người ta định xóa sổ nơi hấp dẫn, cuốn hút bậc nhất này của Đà Lạt. Theo đó, Thung lũng hoa đào của nghệ nhân Mười Lời sẽ bị phân lô để bán, dự trù 1m2 đất có giá ngót nghét 2 triệu đồng.
 
Thung lũng hoa đào.
 
Khi đó ông Mười Lời còn sống, nghe được thông tin ông như ngồi trên đống lửa. Chẳng phải vì tiếc hơn 6000m2 đất mà bởi ông sợ vườn cây với hàng trăm loại hoa trái quý hiếm sẽ không còn chốn dung thân.
 
Vụ việc này ngay lập tức gây sự chú ý của dư luận, hàng loạt các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các tờ báo ở cả Trung ương lẫn địa phương đã lên tiếng phản đối. Năm 2008, Sở Xây dựng Lâm Đồng trình UBND tỉnh đề nghị hủy bỏ một loạt qui hoạch thiếu tính khả thi, trong đó có khu vực Thung lũng hoa đào. Vậy là Thung lũng hoa đào thoát “án tử”.
 
Năm 1992 từ một vùng đất đầy sỏi đá, cây dại, ông Mười Lời bắt đầu gây dựng Thung lũng hoa đào. Sau 20 năm, khu vườn của ông Mười đã trở thành nơi lưu giữ hàng trăm loại hoa, trái quý hiếm.
 
Khi ông Mười Lời còn sống, đã có người trả gần 30 tỷ đồng để mua lại Thung lũng hoa đào nhưng ông không bán. Gần đây, anh ruột ông Mười vừa bán lô đất phía sau Thung lũng hoa đào (diện tích 3.000m2) với giá 9 tỷ đồng. Chỉ một tháng sau, người mua nhượng lại cho một người khác với giá 45 tỷ.
 
Theo lời ông Nguyễn Văn An – người giúp việc trong Thung lũng hoa đào gần 10 năm nay thì ông Mười Lời tuy là nông dân nhưng lại có tâm hồn nghệ sĩ. Ông coi cây cỏ, hoa lá như bạn tâm giao. Khi phải bán đi những sản phẩm mình tạo ra, ông rất rầu lòng, nhưng vì lo cho mấy đứa con ăn học nên ông không thể làm khác. Tuy nhiên tất cả những “thương vụ” ông đều giao cho con cái giao dịch, không khi nào trực tiếp làm.
 
Thung lũng hoa đào Mười Lời đã được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam xác lập là thung lũng hoa đào đầu tiên ở khu vực miền Nam Việt Nam (năm 2010).
 
Hiện nay, anh Sang cùng gia đình đang tiến hành đăng kí bản quyền, đăng kí bảo vệ thương hiệu cho Thung lũng hoa đào Mười Lời. Đây chính là những việc làm thay cho lời tri ân tới cố nghệ nhân tài hoa Mười Lời.
 
Hơn 10 năm qua, Thung lũng hoa Đào của cố nghệ nhân Mười Lời đã trở thành khu vườn thực nghiệm, học tập của hàng ngàn sinh viên mỗi năm, là nơi mà các cơ quan nông nghiệp ở TP Đà Lạt cũng như tỉnh Lâm Đồng đưa nông dân về học như một “khu vườn tiêu biểu nhất”.
 
Truyền thuyết Bạch đào
 
Theo những người trồng hoa có thâm niên, bạch đào là loài cây quý hiếm, vừa khó tìm lại khó trồng, khó nuôi. Có người quả quyết, ngay tại các làng hoa lâu đời ở Hà Nội, số lượng bạch đào cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
 
 
Nghe danh bạch đào, có người đã lần tìm tới Nhật Tân rồi Phú Thượng (Hà Nội), may mắn mới được “mục sở thị” bạch đào. Chủ của những cây bạch đào này là ông Đỗ Bá Long, người gốc Xuân Đỉnh, hiện ở Phú Thượng. Câu chuyện về mối duyên gặp gỡ giữa ông Long với bạch đào nghe rất tình tứ, đầy chất truyền thuyết, cứ như thể cuộc gặp gỡ của trang quân tử với một giai nhân nghiêng nước, khuynh thành. Theo câu chuyện này thì hơn 20 năm trước, trong một lần sang Côn Minh (Trung Quốc), ông Long bất chợt trông thấy một loại hoa, nhìn qua thì rất giống bích đào, nhưng lại có màu trắng cực kỳ tinh khiết, ấy chính là bạch đào. Ông bèn lấy một mắt của bạch đào mang về ghép, ngay lần đầu đã thành công.
 
Thế nhưng bạch đào chỉ ra hoa vào dịp tháng hai âm lịch, vụ Tết coi như “đi tong”. Đã có lúc ông Long nản, muốn nhổ hết cho xong. Nhưng thấy bạch đào kiêu sa quá nên ông lần mò nghiên cứu. Phải... 10 năm sau ông mới thành công, cho bạch đào nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Giờ nhà ông Long có đến hàng chục gốc bạch đào, gốc non nhất  cũng 5 năm tuổi, gốc già nhất 18 tuổi. Nhiều người thích hỏi mua nhưng ông Long không bán, hỏi thuê ông cũng chối từ, còn hỏi về bí kíp trồng bạch đào thì ông bảo “bí mật”. Có người còn quả quyết, giờ ở Hà Nội chỉ có mình ông Long biết cách làm bạch đào nở đúng dịp Tết.
 
Thế nhưng một thông tin khác lại cho hay, cũng ở làng Phú Thượng, có một nghệ nhân khác hiện đang sở hữu một cây bạch đào, đây lại là cây... duy nhất có nguồn gốc thuần Việt 100%. Chính xác thì nguyên quán của “cụ” đào này ở một vùng núi của tỉnh Lạng Sơn. Khi nghệ nhân lên đó bắt gặp, mê mẩn tâm thần nên đã tìm cách “vời” bằng được “cụ” về. Bạch đào của nghệ nhân này cao khoảng 3m, tán rộng 2m, đường kính gốc cỡ 20cm, hoa có... mùi thơm như phấn rôm.
 
Cũng như bạch đào nhà ông Long, bạch đào của nghệ nhân này chỉ ra hoa sau Tết. Nhưng bằng kinh nghiệm, nghệ nhân đã ép hoa nở đúng dịp xuân về. Người từng gặp nghệ nhân này quả quyết: Nghệ nhân hiện là người... duy nhất ở Hà Nội biết cách cho bạch đào nở đúng dịp tháng Chạp âm lịch. Còn việc tại sao không nhân giống bạch đào để trồng đại trà thì nghệ nhân bảo: đã là hoa quý thì phải “độc quyền, độc đáo”, ai cũng trồng được thì còn gì là “độc” nữa!
 
Nghe qua câu chuyện đã thấy mê! Chỉ với một loại hoa thôi đã có bao nhiêu câu chuyện hư hư, thực thực, nhưng có lẽ vì vậy mà dân ngoại đạo mới thấy cuốn hút. Dường như những thứ mơ hồ bao giờ cũng hấp dẫn, thôi thúc người ta tìm hiểu, khám phá!
 
Nhật Quỳnh
 
Thanh Ngân
baoin
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Vỉa hè ở Hà Nội vừa lát đá mới đã bị chiếm dụng làm nơi đỗ ô tô

Vỉa hè ở Hà Nội vừa lát đá mới đã bị chiếm dụng làm nơi đỗ ô tô

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Vỉa hè đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm); vỉa hè ngõ 78, 86, 15 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) đang được cải tạo, lát đá mới. Một số chỗ vừa mới lát xong đã bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe ô tô.

Cảnh báo giả danh Chi cục thuế thành phố Huế để lừa đảo

Cảnh báo giả danh Chi cục thuế thành phố Huế để lừa đảo

Pháp luật - 5 giờ trước

GĐXH - Bằng thủ đoạn làm giả giấy mời của Chi cục thuế TP Huế, đồng thời giả cán bộ thuế gọi điện, kết bạn zalo, cung cấp đường link và hướng dẫn nộp quyết toán thuế, các đối tượng lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK (Hàn Quốc)

Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK (Hàn Quốc)

Xã hội - 5 giờ trước

Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.

Kết quả xổ số (KQXS) hôm nay thứ Năm ngày 25/4/2024

Kết quả xổ số (KQXS) hôm nay thứ Năm ngày 25/4/2024

Xã hội - 5 giờ trước

GĐXH - Kết quả xổ số hôm nay - KQXS thứ Năm ngày 25/4/2024: Xổ số miền Nam - XSMN, xổ số miền Trung - XSMT, xổ số miền Bắc - XSMB, xổ số Vietlott - XS Vietlott.

Tìm khóa học hè rèn luyện cho con, một phụ huynh ở Hà Nội bị lừa 600 triệu đồng

Tìm khóa học hè rèn luyện cho con, một phụ huynh ở Hà Nội bị lừa 600 triệu đồng

Pháp luật - 5 giờ trước

GĐXH - Lên mạng xã hội Facebook để tìm cho con khóa học hè về "rèn kỹ năng, tăng trải nghiệm" cho con một phụ huynh ở Thanh Xuân, Hà Nội bị các đối tượng lừa chiếm đoạt 600 triệu đồng.

Cận cảnh những hiện vật quý trong chiến dịch Điện Biên Phủ được giới thiệu tại Hà Nội

Cận cảnh những hiện vật quý trong chiến dịch Điện Biên Phủ được giới thiệu tại Hà Nội

Đời sống - 6 giờ trước

GĐXH - Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong đó có nhiều hiện vật lần đầu được giới thiệu đến công chúng.

Ngày mai (26/4), hàng triệu tài xế được hỗ trợ kịp thời nếu gặp sự cố trên cao tốc

Ngày mai (26/4), hàng triệu tài xế được hỗ trợ kịp thời nếu gặp sự cố trên cao tốc

Đời sống - 6 giờ trước

GĐXH - Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đường dây nóng tiếp nhận thông tin ùn tắc, sự cố... trên cao tốc sẽ chính thức hoạt động từ 26/4.

Đường dây đánh lô đề qua mạng với số tiền hơn 700 triệu đồng/ngày

Đường dây đánh lô đề qua mạng với số tiền hơn 700 triệu đồng/ngày

Pháp luật - 7 giờ trước

GĐXH - Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng sim rác, tài khoản không chính chủ để giao dịch trong đường dây đánh bạc.

Danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, thí sinh và phụ huynh lưu ý

Danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, thí sinh và phụ huynh lưu ý

Giáo dục - 8 giờ trước

GĐXH - Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Dưới đây là danh sách 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội.

Quy định về chế độ tai nạn lao động được hưởng, có thể nhiều người người chưa nắm rõ

Quy định về chế độ tai nạn lao động được hưởng, có thể nhiều người người chưa nắm rõ

Đời sống - 8 giờ trước

GĐXH - Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động. Mức hưởng chế độ tai nạn lao động hiện nay được quy định thế nào?

Top