Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nữ biệt động Sài Gòn: Từ chiến trường đến chính trường (Kỳ 3)

Thứ sáu, 16:13 07/09/2007 | Xã hội

Giadinh.net - Đến những vùng sâu heo hút ấy vào những ngày gần Tết Trung thu, lòng chị xót xa khi bắt gặp các cháu nhỏ gầy yếu, xanh xao. Không một cháu nào biết chiếc bánh Trung thu hình hài ra làm sao. Nỗi xót xa đó cứ ám ảnh chị ở mọi nơi, mọi lúc.

Dấu ấn chính trường

Vào tuổi 53, độ tuổi mà nhiều phụ nữ thường an phận với cuộc sống gia đình, gác mọi toan tính trong đời sống xã hội để dành thời gian chăm lo cho tổ ấm của mình, thì chị Lê Thị Thu lại bước vào một thử thách mới: Nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban DSGĐTE. Dường như cuộc sống vẫn còn khắt khe hơn đối với người phụ nữ khi quyết định đặt họ vào một vị trí nào đó trên chính trường. Chị Lê Thị Thu cũng như một số chính khách nữ của Việt Nam, khi bước vào cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, thì sự bùng cháy của nhiệt huyết, sự thăng hoa của năng lực tiềm ẩn ở họ mới có dịp được thể hiện rõ nhất trên chính trường sôi động.

Năm 2002, bộ máy quản lý nhà nước được tổ chức sắp xếp lại. Một Uỷ ban ngang bộ được thành lập trên cơ sở hai Uỷ ban trực thuộc Chính phủ trước đây là Uỷ ban Quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam. Ngoài hai lĩnh vực “Dân số” và “Trẻ em” trước đây, Uỷ ban mới được giao thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về “Gia đình” - một lĩnh vực hết sức mới mẻ và nhạy cảm.

Nữ biệt động Sài Gòn:
Từ chiến trường đến chính trường

Kỳ 1: Lá cờ của má và năm tháng trong lòng địch
Kỳ 2: Vượt qua ngục tù và cái chết
Trong nhiệm kỳ của mình, từ năm 2002 đến năm 2007, hơn 30 văn bản quy phạm pháp luật và những quyết sách quan trọng mang tầm chiến lược quốc gia đã được Bộ trưởng Lê Thị Thu và các cộng sự của mình tham mưu cho các cấp lãnh đạo cao nhất ban hành để chỉ đạo sự nghiệp Dân số, Gia đình và Trẻ em. Trong đó phải kể đến như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 (sửa đổi); Chiến lược xây dựng gia đình giai đoạn 2006 – 2010; Nghị quyết 47, ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình; Chỉ thị 49, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chính sách cấp thẻ và khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi trong toàn quốc... Điều đáng nói là ngọn lửa trái tim người mẹ, tình yêu thương và trách nhiệm đối với trẻ em luôn tỏa sáng trong con người chính khách Lê Thị Thu.

Bước đột phá trong bảo vệ trẻ em

Những ngày đầu nhận công tác Bộ trưởng, quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực trẻ em, chị quan tâm đặc biệt nhất là công tác bảo vệ trẻ em. Hai đối tượng trẻ em khiến chị luôn trăn trở là trẻ em lang thang và trẻ em khuyết tật, tàn tật. Ngày còn là Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chị vẫn thường xót xa khi nghĩ đến cảnh hàng chục ngàn trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố, hàng triệu trẻ em khuyết tật, tàn tật là nạn nhân của chất độc da cam, nhưng làm thế nào để giúp đỡ các em khi nguồn kinh phí của Hội không có. Với vai trò là Bộ trưởng, chị bàn với tập thể, trước mắt tập trung nhiệm vụ giải quyết tình trạng trẻ em lang thang với chủ trương “Đưa trẻ em lang thang về với gia đình và hòa nhập cộng đồng”, tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động “Vì ánh mắt trẻ thơ”; “Vì nụ cười của trẻ em”; phát động cuộc vận động “Vì trái tim trẻ thơ”. Năm 2004, hoạt động này đã thu hút các sức mạnh tổng hợp của các gia đình, cộng đồng và các cấp, các ngành vào cuộc.

Trong khi các trẻ em bình thường khác được hưởng đầy đủ các quyền của mình, được quan tâm chăm sóc, được sống trong mái ấm gia đình, được thụ hưởng các phúc lợi của xã hội thì trẻ em lang thang hầu như bị tước đoạt mọi quyền của mình. Các em không được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, chưa bao giờ được đặt chân đến nhà văn hóa thiếu nhi, các khu vui chơi, giải trí. Chị xót xa khi chứng kiến cảnh những đứa trẻ lang thang níu hàng rào công viên, thèm khát nhìn những đứa bạn cùng trang lứa đang nô đùa, chạy nhảy bên cạnh cha mẹ...

Một lần trò chuyện với một cháu bé lang thang 12 tuổi, chị Thu hỏi: “Hàng ngày đi lang thang cháu sợ nhất điều gì?”. Cháu hất mặt trả lời: “Cháu chả sợ gì cả”. Nhưng ngay sau đó cháu cúi đầu thú nhận: “Cháu chỉ sợ cháu ốm, chết mà không ai biết. Lúc đó, cháu chỉ ước có mẹ bên cạnh, nấu cho cháu một bát cháo hành”.

Lòng chị như thắt lại. Mới hơn một năm bươn chải mà cuộc sống đường phố đã dạy cho cháu những ngón trò ma mãnh, bất cần đời. Một cậu thiếu niên thất học, không việc làm, không nghề nghiệp đang lớn lên trước mắt chị. Rồi đây, tương lai của cháu sẽ về đâu? Bao nhiêu trẻ em lang thang sẽ rơi vào tệ nạn xã hội?

Còn nhớ, có lần bên thềm Quốc hội, trong giờ giải lao, có đại biểu hỏi chị:

- Với tư cách là thành viên chính phủ, chị nghĩ thế nào là trẻ em lang thang?

- Vậy quan niệm của anh về trẻ em lang thang như thế nào?

- Theo tôi, trẻ em lang thang là những đứa trẻ nằm lề đường, không chút cơ hội kiếm sống. Còn trẻ bán báo, đánh giày chưa phải là trẻ lang thang.

- Vậy tôi và anh có quan niệm khác nhau rồi!Với tôi, những đứa trẻ dưới 15 tuổi (theo luật lao động) rời khỏi tổ ấm gia đình đi kiếm sống là trẻ lang thang. Sau hành vi lang thang, công việc bán báo, đánh giày... là chuyện khác.

Giá như vị đại biểu đó hiểu được, chính chị đã cùng Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em TP Hồ Chí Minh giải quyết trường hợp 62 cháu bé bị dụ dỗ ra thành phố “kiếm việc làm”. Hàng ngày, các cháu phải lang thang bán vé số, tối thuê nhà ngủ ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Với manh chiếu trải trên sàn nhà, mỗi cháu phải trả 50 ngàn đồng một tháng. Nếu trả tiền từng đêm, thì hai ngàn đồng một đêm. Mỗi tờ vé số các cháu lang thang bán được trên hè phố phải nộp lãi cho chủ nhà là “cai đầu dài” hai trăm đồng. Các cháu còn phải đóng tiền cho các nhóm “xã hội đen” để không bị trấn lột. Cuộc sống đã dạy các cháu biết bao ngón nghề, mánh khóe để tồn tại trước bao tầng áp bức, bóc lột của thế giới ngầm. Thực tế đó đã thôi thúc chị huy động lực lượng toàn hệ thống, từ trung ương đến địa phương, kết hợp vận động mọi nguồn lực, tham mưu, đề xuất đầu tư ngân sách, kiến tạo các giải pháp để giải quyết tình trạng trẻ em lang thang trong toàn quốc. Nhiều đề án mang tính khả thi cao đã được áp dụng rộng rãi cho cả nước. Trong bốn năm, con số trẻ em lang thang từ 21 ngàn năm 2003 đã giảm xuống dưới 6.500 em năm 2006. Hơn 10 ngàn trẻ em lang thang được đưa về địa phương, được trợ giúp học văn hóa, học nghề, ổn định đời sống tại gia đình và hòa nhập cộng đồng. Nhiều mô hình giải quyết tình trạng trẻ em lang thang được tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, triển khai đồng loạt trong cả nước. Chị tâm sự, hồi chị còn nhỏ, đứa trẻ nào ở quê chị bỏ nhà đi hoang là nỗi nhục của gia đình và dòng họ. Vì vậy, khơi dậy ý thức của gia tộc, trách nhiệm gia đình là điều hết sức đáng lưu ý. Trẻ em không có khả năng tự thực hiện quyền trẻ em, trách nhiệm đó là của người lớn chúng ta.

Nắm thực tế từ những nơi ít người đến nhất

Một lần, chị nghe chị Phương Thu – Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Nhiều trẻ em bị dị tật mắt, nếu không được phẫu thuật kịp thời, thần kinh mắt sẽ bị tê liệt và sẽ mù mắt suốt đời”. Năm 2003, chị đã cho triển khai điều tra, khảo sát, phân loại trẻ em khuyết tật ở cơ sở và chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch giải quyết trẻ em bị khuyết tật, tàn tật có khả năng phục hồi; chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam mở rộng các chương trình phẫu thuật “Vì ánh mắt trẻ thơ”; “Vì nụ cười trẻ em”.

Năm 2004, qua khảo sát, phân loại, cơ sở phát hiện nhiều trẻ em bị dị tật tim có thể được cứu sống nếu được phẫu thuật kịp thời, chị Thu đã chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phát động cuộc vận động “Vì trái tim trẻ thơ” vận động nguồn lực để phẫu thuật tim cho trẻ em. Một ca mổ tim chi phí gấp 30 lần một ca mổ mắt. Nhưng không thể bất lực đứng nhìn sự đe doạ sống còn của hàng ngàn trẻ em, trong điều kiện nguồn lực của ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Với sự chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Thị Thu, sự huy động nguồn lực của các tổ chức xã hội và sự vào cuộc của toàn ngành, đặc biệt là chương trình phối hợp giữa Ủy ban DSGĐTE với Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh, đã hỗ trợ phẫu thuật 1.000 ca trẻ em 6 tuổi đến 24 tuổi bị tim bẩm sinh từ Đà Nẵng trở vào, với kinh phí vận động khoảng 46 tỷ đồng. Từ Thừa Thiên - Huế trở ra do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đảm trách. Sáu tháng đầu năm 2007 đã phẫu thuật 350 ca/500 ca trong kế hoạch cả năm. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, dùng kinh phí khám chữa bệnh miễn phí để phẫu thuật.

Mỗi chuyến đi công tác cơ sở là một dịp tiếp cận thực tiễn nhanh nhất để nghiên cứu, đưa ra các chủ trương, chính sách và giải pháp kịp thời, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Chỉ tính riêng trong hai năm đầu nhận công tác (2002 – 2003), chị đã đi đến 38 tỉnh, thành phố, đặt chân đến những địa bàn khó khăn nhất. Còn nhớ, có lần về Bắc Kạn vào đúng dịp kỉ niệm ngày Thương binh liệt sĩ, chị Hoàng Thị Tảo - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn - cùng chị đi thăm các mẹ Việt Nam anh hùng,  hỏi chị:

- Chị xuống thăm các mẹ, đi xa hay đi gần?

- Chị cho tôi xuống nơi nào ít người đến nhất - Chị Thu trả lời

- Vậy phải đi bộ. Đường xa và khó đi lắm chị có đi được không?

- Được, chị cứ cho người dẫn đường cho tôi xuống thăm mẹ.

Ít ai hình dung được, vị Bộ trưởng với đôi chân yếu ớt do di chứng để lại từ ngày bị tra tấn trong tù ngục, nay tuột dép, xắn quần phăng phăng theo sau người dẫn đường bản địa. Đi gần đến nơi thì người đưa đường vọt lên trước, bỏ lại chị Thu và chị Tảo phía sau. Đang phân vân không biết đi tiếp lối nào thì may quá, gặp người qua đường, lại chính là cháu nội của bà mẹ Việt Nam anh hùng mà chị đang đến thăm...

Chiếc bánh Trung thu và sữa học đường - Nỗi khát khao ám ảnh

Đến những vùng sâu heo hút ấy vào những ngày gần Tết Trung thu, lòng chị xót xa khi bắt gặp các cháu nhỏ gầy yếu, xanh xao. Không một cháu nào biết chiếc bánh Trung thu hình hài ra làm sao. Nỗi xót xa đó cứ ám ảnh chị ở mọi nơi, mọi lúc. Trên đường ra Hà Nội, ngồi trong phòng VIP của sân bay mà hình ảnh các cháu nhỏ vùng sâu cứ chập chờn trước mắt. Cùng chuyến bay với chị hôm đó có anh Lâm Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt - Úc. Hiểu tâm tư của chị, anh Hùng hỏi: “Tết Trung thu chị cần bao nhiêu bánh cho các cháu?” – “Tôi đã giao Báo Gia đình và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động 1.000 hộp bánh trung thu cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. Cần thì nhiều lắm, nhưng trước mắt muốn có quà cho các cháu ở một số vùng trọng điểm”- “Vậy tôi sẽ góp thêm 1.000 hộp bánh Trung thu cho các cháu”. Thế là Tết Trung thu năm đó, hàng ngàn trẻ em ở vùng sâu, vùng xa lần đầu tiên được biết đến chiếc bánh Trung thu. Những năm sau, “đến hẹn lại lên”, cứ vào dịp Tết Trung thu, theo đề nghị của Bộ trưởng Lê Thị Thu, Công ty Thép Việt - Úc căn cứ vào địa chỉ mà chị Thu yêu cầu đã gửi bánh Trung thu đến 20 tỉnh, mỗi tỉnh 200 hộp bánh Kinh Đô. Tổng cộng, mỗi năm, riêng Công ty Thép Việt - Úc đã hỗ trợ 4.000 hộp bánh Trung thu cho các cháu vùng sâu, vùng xa...

Năm 2003, chị Thu về thăm Trường Nội trú Dân nuôi xã Măng Cành, huyện Kom Long, Kon Tum. Ở đó, người dân đóng những sạp tre thành giường cho trẻ em nằm. Không màn, không chiếu. Vách ngăn trẻ em trai, trẻ em gái là một tấm ni lông. Hàng tuần các em lại trèo đèo lội suối về nhà lấy gạo, muối đến trường. Thức ăn của các em chỉ có vậy. Cán bộ xã cho biết: Trường có 127 cháu vào học lớp 1, lên lớp 5 chỉ còn 20 cháu. Nhiều trẻ em người dân tộc thiểu số không nói được tiếng Kinh, trẻ em 5 tuổi theo chương trình của Bộ GD&ĐT, trước khi vào lớp một được bồi dưỡng 2 tháng, đối với trẻ em dân tộc thiểu số thì trong vòng 2 tháng không thể nào nghe và nói được tiếng Kinh (kể cả trẻ em dân tộc Kinh cũng không thể nào tiếp thu được kiến thức để vào học lớp một) nên vào lớp không nghe được cô giáo giảng bài bằng tiếng Kinh. Học không tiếp thu được, các cháu bỏ học để về nhà lấy vợ, lấy chồng. Một sơ đồ hình chóp trong giáo dục ở miền núi là điều thường thấy. Sau đó chị về Hà Giang, vẫn gặp những thực tế tương tự ở Kon Tum. Đến trường Nội trú, thấy bữa ăn của các cháu chỉ có chảo mèn mén và chảo canh lõng bõng nước với vài cọng rau. Hình ảnh các cháu thấp bé nhẹ cân cứ theo vào giấc ngủ của chị. Nhớ lại, trong  chuyến đi công tác nước ngoài, đến nhà một vị Đại sứ, chị nghe Đại sứ tâm sự: “Mấy đứa con tôi cứ lớn như thổi, đứa nào đứa nấy cao to, khỏe mạnh, vì chúng uống sữa như uống nước cả ngày...”. Vậy là chị nghĩ ngay đến chương trình “Sữa học đường” cho trẻ em miền núi vùng sâu, vùng xa. Trước mắt, chọn tỉnh Đăk Nông chỉ đạo điểm, giao Ủy ban DSGĐTE tỉnh phối hợp Công ty sữa Vinamilk, Sở GD&ĐT và Sở Y tế thực hiện chương trình này trong năm học 2006 – 2007 ở 3 trường mẫu giáo thuộc 2 huyện vùng sâu, vùng xa. Theo báo cáo ban đầu, có 803 cháu, sau gần 1 tháng, tăng thêm 122 cháu. Các cháu được uống sữa mỗi ngày hai lần, sáng uống 1 hộp, trưa ngủ dậy uống 1 hộp. Tỷ lệ học sinh đến lớp thường xuyên được bảo đảm sĩ số. Hàng tháng họp các bà mẹ, thông báo tình trạng chiều cao của con và hướng dẫn cách chăm sóc con. Chương trình “Sữa học đường” đã hướng tới 4 mục tiêu: Nâng cao thể lực tầm vóc các cháu; huy động học sinh đến lớp; nâng cao chất lượng giáo dục và nâng cao kiến thức nuôi dạy con cho các bậc cha mẹ. Sau ba năm học, các cháu dân tộc thiểu số có thể nói sõi tiếng Kinh và các cháu 5 tuổi sẽ được hướng dẫn học tập chương trình giáo dục lớp một. Đến năm 6 tuổi, các cháu vào lớp một sẽ tiếp cận được chương trình thì tình trạng bỏ học, lưu ban sẽ giảm. Sau 5 năm các cháu theo kịp chương trình để học lên cấp phổ thông cơ sở. Đây cũng là điều kiện để nâng cao chất lượng dân số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hiện nay, sau thời gian làm thí điểm, chương trình “Sữa học đường” đang xây dựng đề án để nhân rộng ra 26 tỉnh, thành phố, với 30% kinh phí từ ngân sách nhà nước và 70% kinh phí vận động các nguồn lực xã hội; Một chương trình phấn đấu đạt được 4 mục tiêu trên đây là điều mà chị Lê Thị Thu mong muốn sớm trở thành hiện thực.

Tôi không có ý định tường thuật những công việc của Bộ trưởng Lê Thị Thu, mà muốn ghi lại một vài dấu ấn liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em sau nhiệm kỳ 5 năm của vị Bộ trưởng xuất thân từ Đội biệt động Sài Gòn - Một tấm lòng, một bầu nhiệt huyết vì sự nghiệp dân số, gia đình và trẻ em. Đặc biệt là tình yêu thương, trách nhiệm, là ngọn lửa trái tim người mẹ luôn tỏa sáng trong người con gái Sài Gòn Lê Thị Thu – Ngọn lửa của Út Hường, Hai Sang như bó đuốc đã cháy suốt một thời chống Mỹ.

 Nhà văn Lê Cảnh Nhạc

kieudiep
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Miền Bắc bắt đầu gia tăng nắng nóng

Miền Bắc bắt đầu gia tăng nắng nóng

Thời sự - 43 phút trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết hôm nay, Bắc Bộ giảm mưa trời nắng, nhiệt độ trong ngày tăng nhanh. Trong khi Nam Bộ tiếp tục chuỗi ngày nắng nóng kéo dài.

Tin sáng 25/4: Từ 1/7/2024 nhiều lao động có thể được tăng lương 2 lần; 5 nhóm hành vi sẽ bị CSGT Hà Nội xử lý nghiêm dịp nghỉ lễ

Tin sáng 25/4: Từ 1/7/2024 nhiều lao động có thể được tăng lương 2 lần; 5 nhóm hành vi sẽ bị CSGT Hà Nội xử lý nghiêm dịp nghỉ lễ

Đời sống - 1 giờ trước

GĐXH - Ngoài việc được tăng lương tối thiểu vùng, nhiều lao động có thể được tăng lương thêm do điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo vùng kể từ 1/7; Trong dịp nghỉ lễ, CSGT sẽ tập trung kiểm tra, xử lý vào 5 nhóm hành vi vi phạm...

CSGT Hà Nội sẽ xử lý nghiêm 5 nhóm hành vi vi phạm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

CSGT Hà Nội sẽ xử lý nghiêm 5 nhóm hành vi vi phạm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Đời sống - 1 giờ trước

Trong dịp nghỉ lễ, CSGT sẽ tập trung kiểm tra, xử lý vào 5 nhóm hành vi vi phạm gồm nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá tải trọng, chạy quá tốc độ, vi phạm về làn đường, sử dụng giấy tờ giả.

Xe máy lao như tên bắn ở làn 120km/h cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Xe máy lao như tên bắn ở làn 120km/h cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Thời sự - 1 giờ trước

Camera giám sát ghi lại hình ảnh xe máy phi như tên bắn ở làn 120km/h trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hiện chưa xác định được người điều khiển phương tiện.

15 thí sinh bị đình chỉ sau 3 đợt thi Đánh giá năng lực của ĐHQGHN

15 thí sinh bị đình chỉ sau 3 đợt thi Đánh giá năng lực của ĐHQGHN

Giáo dục - 1 giờ trước

Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, sau 3 đợt thi Đánh giá năng lực đầu tiên của năm 2024 (tổ chức trong tháng 3 và 4), đã có 15 thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế.

Người đàn ông để lại nhẫn cưới, điện thoại rồi nhảy xuống sông

Người đàn ông để lại nhẫn cưới, điện thoại rồi nhảy xuống sông

Xã hội - 9 giờ trước

GĐXH - Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một đôi dép, chiếc áo, điện thoại và một nhẫn cưới do nạn nhân để lại.

Lừa đảo đưa 9 người dân ở Bắc Kạn sang Úc làm việc, một đối tượng quê Hải Dương bị bắt

Lừa đảo đưa 9 người dân ở Bắc Kạn sang Úc làm việc, một đối tượng quê Hải Dương bị bắt

Pháp luật - 11 giờ trước

GĐXH - Do nợ nần, Đoàn Văn Trung quê ở Hải Dương lập tài khoản zalo thường xuyên đăng tải hình ảnh về công việc ở Úc với mức thu nhập cao. Khi nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền thì chiếm đoạt.

Bắc Kạn: Vận chuyển pháo hoa thuê với giá 2,2 triệu đồng, một đối tượng bị phạt 5 năm tù

Bắc Kạn: Vận chuyển pháo hoa thuê với giá 2,2 triệu đồng, một đối tượng bị phạt 5 năm tù

Pháp luật - 11 giờ trước

GĐXH - Vận chuyển pháo hoa với số lượng lớn từ Cao Bằng về Thái Nguyên với giá 2.200.000 đồng, một bị cáo bị xử phạt 5 năm tù giam.

TPHCM chỉ đạo nóng sau vụ trẻ mầm non bị tát, ngồi đè lên bụng, nhét đồ ăn

TPHCM chỉ đạo nóng sau vụ trẻ mầm non bị tát, ngồi đè lên bụng, nhét đồ ăn

Giáo dục - 11 giờ trước

Ngày 24/4, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có văn bản chấn chỉnh hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo sau vụ bạo hành tại Lớp Mẫu giáo Tí Bo.

Sơn La: Mưa đá phủ trắng ruộng nương, đường sá, gây thiệt hại lớn

Sơn La: Mưa đá phủ trắng ruộng nương, đường sá, gây thiệt hại lớn

Thời sự - 12 giờ trước

GDXH - Trận mưa đá lớn ở xã Lóng Luông và Xuân Nha, huyện Vân Hồ, Sơn La bao phủ đồi núi, ruộng nương gây thiệt hại nặng.

Top