Hà Nội
23°C / 22-25°C

Những điều chưa biết về thần đồng

Chủ nhật, 15:00 03/06/2012 | Xã hội

GiadinhNet - Thế nào là thần đồng, thần đồng có phải là thiên tài không? Làm thế nào để nhận biết đứa trẻ đó là thần đồng hay thiên tài?

Khi gặp phải những đứa trẻ thần đồng phải ứng xử thế nào cho phù hợp, làm thế nào để chúng có thể cống hiến và phát triển bình thường? Những câu hỏi này luôn là điều trăn trở của nhiều người đặc biệt là các bậc cha mẹ đối với thế giới khác biệt của những đứa trẻ thần đồng.
 

Thần đồng Toán Phạm Thanh Ngọc (xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng).

 
Trí thông minh của trẻ đến từ đâu?

Từ thập niên 70 của thế kỷ 20, nhà tâm lý học Robert Fanz của Mỹ đã quan tâm đến trí thông minh của trẻ em và thử làm những thí nghiệm lạ. Chẳng hạn, ông lấy bộ bài Tây để làm việc với những đứa bé 6 tháng tuổi.

Robert rút (không chọn lựa) độ 10 lá bài, đủ bốn loại: rô, cơ, chuồn, bích. Ông trải đều 10 lá lên mặt bàn và lũ trẻ sẽ bốc ngay lá 5 bích (nếu có). Không có lá 5 bích chúng chần chừ một lúc, như tìm cái gì đấy, rồi mới bốc lá khác. Tình cờ chăng? Không đâu, vì số lần thí nghiệm đã lên đến con số hàng trăm. Tại sao lũ trẻ không bốc những con "bồi, đầm, già" sặc sỡ? Bởi vì, lá bích trông từa tựa khuôn mặt của mẹ. Hai chấm bên là hai mắt, chấm giữa là mũi và hai chấm dưới là cái mồm! Tại sao chúng không chọn 5 chuồn, 5 rô hay 5 cơ? Điều đó còn nằm trong vòng bí mật!

Các nhà khoa học Anh và Nga đều cho rằng, khi lên 4, một đứa trẻ có thể phát âm 12.000 từ/ngày và có khi đặt đến 1.000 câu hỏi! Vào thập niên 1960, giáo sư Jérôme Buner của nước Pháp đã dùng những phương tiện kỹ thuật đặc biệt để nối liền cái bình sữa của trẻ với một màn ảnh chiếu phim. Khi đứa trẻ mút mạnh, thì hình ảnh hiện rõ lên, nếu nó mút nhẹ hoặc không thì hình ảnh rất mờ. Chỉ trong vòng 4 phút, đứa bé sẽ phát hiện ra trò chơi mới và nó sẽ mút mạnh mãi, để được xem phim! Ông Jérôme đã làm thí nghiệm với em bé 5 tháng tuổi. Những thí nghiệm nêu trên chứng tỏ rằng trí thông minh của trẻ đã phát triển rất sớm.
 
Nhưng có biết bao trường hợp ngược lại, khi mà các danh nhân lại có một thuở thiếu thời... u ám. Chẳng hạn ông Marconi - một nhà vật lý người Italia đoạt giải Nobel năm 1909, đã không hề tỏ ra là một học sinh ngoan ngoãn. Marconi sợ trường học như sợ cọp, nhất định "em chả" khi bị thay quần áo đến trường. Rốt cuộc, song thân của Marconi đành kiêm nhiệm cả chức gia sư và Marconi lớn lên trong gia đình và học với bố mẹ.

Người ta cũng cho rằng trong gia đình của các thiên tại hay thần đồng, luôn có một cái gì đó khác thường, nhất là Khổng Tử đã đi du học ở Népal, Mông Cổ. Ông thích lang bạt kỳ hồ, nói năng lảm nhảm như lên đồng. Bố của danh họa Gauguin từng bị biệt xứ (tận Peru) vì cái tội "lấy tăm chống trời". Bà nội của Gauguin thì theo thuyết Saint- Simon, đấu tranh đòi nữ quyền. Thành công hay thất bại của các phụ huynh đều sinh ra các thần đồng được cả.
 
Văn hào Zola vừa bé vừa nói ngọng; Proust thì suyễn quanh năm suốt tháng. Chính Thủ tướng Anh Churchill thuở bé cũng ngọng líu. Còn nhà văn nổi tiếng Oscar Wilde thì có một bà chị qua đời lúc mới 10 tuổi, bà mẹ nhớ thương quá, bắt Oscar mặc đồ con gái, nên ông bị mất dần... nam tính! Nhà vật lý Fermi thì  từng bị đuổi học về tội "gây rối học đường" và dám chê "thầy cô dạy dở quá"! Danh họa Salvador Dali cũng từng bị tống cổ vì tội "trứng khôn hơn rận". Nhà soạn nhạc người Na Uy Edward Grieg thì sợ trường lớp đến độ luôn đứng dưới máng xối lúc trời mưa, để được "mời em về nhà thay quần áo"!
 
Danh họa Pablo Picasso thì ngồi rất ngay ngắn, nhưng mỗi tội chữ vào tai này, đi ra tai kia rồi biến luôn trong không khí. Einstein thuở bé cũng chán học đến mức luôn cáo bệnh, để được hái hoa bắt bướm, thay vì hí hoáy mài mực. Các văn hóa Proust, Zola và Balzac đều từng xơi điểm 0 về môn văn, thậm chí bị thầy cô đánh giá là "ăn hại đái nát"! Danh hoạ Ceane thì từng bị trường Mỹ thuật cho là "không có chút năng khiếu gì về hội họa". Ngày xưa, hệ thống giáo dục ở châu Âu vốn cứng nhắc, giáo điều. Thầy giáo chỉ thích những học trò nào trả bài như vẹt, ngồi như tượng gỗ. Ai có ý hướng sáng tạo hay thắc mắc thì bị chụp mũ là "nổi loạn, ăn học chưa đến nơi đến chốn!".

Nếu có trường hợp "chín chậm" như thế, thì cũng không ít trường hợp "chín trước thời hạn". Chẳng hạn, nhà toán học Pascal, mới 11 tuổi đã viết sách "Traité des sons" (những nghiên cứu về âm thanh), khảo cứu hẳn hoi, chứ không phải sách i tờ. Một năm sau, Pascal mày mò, tự giải lấy những bài toán của Euclide. Văn hào Victor Hugo mới 8 tuổi đã làm thơ thao thao bất tuyệt, thậm chí giải toán bằng thơ. Lịch sử không thể quên trường hợp thần đồng Srini Ramanujan của Ấn Độ, 14 tuổi, cậu bé vẫn mù chữ, đừng nói gì đến chuyện làm toán. Một hôm, trên một vỉa hè của thành phố Calcutta, Srini vớ được một quyển sách toán cao cấp (!) mang tên Mathematics Formulary for Engineers. 4 năm sau, cậu bé tự học xong tiếng Anh và "ngốn" hết các công thức toán học.
 

Cậu bé Sungha Jung, một thần đồng Guitar Hàn Quốc.


Không nên nhầm lẫn thần đồng với thiên tài

Xin nhắc lại: không nên nhầm lẫn thần đồng và thiên tài, vì như đã nói, có em rất xuất chúng, nhưng lớn lên lại "chả nên cơm cháo gì". Ngược lại, có những em xem học đường là địa ngục, nhưng sau này lại... đi vào lịch sử. Thế kỷ thứ XIX, ở Pháp, có một cậu bé tên Zerath Colburl có khả năng tính nhẩm nhanh như gió. Một nhóm giáo sư đã bảo cậu cho kết quả con số 8 ở luỹ thừa 16. Khi cậu đọc lên kết quả 281.474.976.710.656 trong thời gian 3 giây(!), tất cả cử tọa rơi nước mắt vì cảm động.
 
Thuỵ Sĩ cũng có một trường hợp tương tự: Anh chàng Jean Fleury đã bị tống vào nhà thương điên, chỉ vì la hét ầm ĩ khi bị đẩy đến cổng trường. Lớn ngộc, Fleury vẫn không biết đọc biết viết, nhưng chỉ trong vòng 5 giây, đã ho ra căn bậc 2 của một con số ngàn, 6 giây cho ra kết quả căn bậc 3 của một số hàng trăm ngàn. Năm 1912, lại một nhóm các nhà khoa học đã kiểm tra Fleury bằng một câu hỏi cực kỳ hóc búa: "Anh tính hộ, ngày 22/5/1908 rơi vào ngày thứ mấy trong tuần?" Trong vòng 4 giây bóp trán nhíu mày, Fleury đã cho ra lời giải chính xác.
 
Những trường hợp trên chưa phải là thần đồng, vì họ chỉ hơn người cái khả năng tính toán mà chẳng có sáng kiến gì cả! Suốt đời, họ vẫn giữ nguyên biệt tài "siêu máy tính" của não bộ, nhưng chưa đem lại một phát minh nào! Chỉ khi nào sự hiếu học có vẻ "đi trước tuổi", mới mong có được thần đồng. John Stuart Mill mới lên 6 đã "nhai" một số tác phẩm kinh điển của Hy Lạp cổ, về sau trở thành một triết gia lỗi lạc. Năm 1848 cả nước Anh đã xúc động cho Mill ra bộ sách: Các nguyên tắc về kinh tế chính trị học.

Thần đồng không phải là giai đoạn khởi đầu bắt buộc của thiên tài, bằng chứng là Darwin (cha đẻ thuyết tiến hóa) luôn bị trí nhớ hành hạ, nếu không muốn nói là cả đời! Người Mỹ cho rằng IQ lên đến 140 là tốt rồi, nó đã có dấu hiệu của thần đồng. Nhưng thực tế khác hẳn. Có những đứa trẻ IQ mới đến 120 mà đã là thần đồng. Lịch sử cũng cho thấy nhiều trường hợp có IQ lên trên 190, mà chỉ là thiên tài, chứ chưa phải là thần đồng (Leibhi, Goethe và Grotins). Văn hào Cervantès chỉ ở mức 110, nhà bác học Copernic là 130, danh họa Rembrandt là 135, nhạc sĩ nổi tiếng Bach và Darwin là 140. Riêng "con người trác tuyệt" Léonar de Vinci cũng chỉ đến 150. Thế các thần đồng hiện tại của Mỹ đã đi vào lịch sử chưa? Chưa chắc!

Ngày xưa, có người đã hỏi nhà bác học Newton: "Vì sao ông phát minh ra định luật hấp dẫn?", ông đáp: "Vì tôi nghĩ mãi về nó"! Đó có phải là ý tưởng lạ trong vũ trụ thần đồng và thiên tài, khi mà "cứ nghĩ mãi về nó", ắt là nên nghiệp lớn? Các nhà nghiên cứu - bây giờ- đang cho rằng thần đồng thường vẫn bị thầy cô bạn bè cho là "bán quạt mùa đông, mua bông mua hè"! Đấy là chưa kể đến một trí nhớ cực tốt, một khả năng tập trung tư tưởng cao độ (có khi hơn cả người lớn). Do vậy, các thần đồng thường tranh luận với thầy cô, hoặc hỏi những câu mà thầy cô cũng ... không trả lời được. Hiện tại một số nước phương Tây và châu Á đang phát hiện và đào tạo thần đồng theo khuôn mẫu giáo dục Montessori.

Montessori là bác sĩ kiêm nhà sư phạm  xuất sắc, người Italia chủ trương giáo dục trẻ em bằng đồ chơi, sự tự chủ, gợi ý hơn là kiểu "tròn vành rõ chữ". Theo học những lớp đặc biệt này, trẻ em sẽ tuỳ thích lựa những gì mình thích và được "bỏ qua" những gì mà mình "ghét cay ghét đắng". Em nào thích vẽ cứ vẽ, thích hát cứ hát, thích nhảy cứ nhảy. Như thế năng khiếu sẽ được phát hiện và bồi dưỡng chu đáo.
 
Trong khi đó, Mỹ, Đức và Thụy Điển lại chú trọng vấn đề "thai giáo", cụ thể là cho bào thai học ba thứ: Thể dục, ngoại ngữ và âm nhạc. Khi gõ nhẹ vào bụng, các bà mẹ sẽ tập cho con có phản xạ đạp chân máy tay, đó là thể dục. Khi áp loa của băng cassette tiếng Anh vào bụng, các bà mẹ đã tập cho con phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ và ngoại ngữ sau này. Cuối cùng, âm nhạc- tất nhiên là nhạc êm dịu, không phải hard rock- sẽ giúp trẻ có óc tưởng tượng siêu phàm sau nhiều ngày. Kết quả còn chưa được khẳng định, nhưng có lẽ là đáng tin cậy.

Vấn đề quan trọng nữa là việc giáo dục các thần đồng chính là thái độ của các em. Kinh nghiệm cho thấy các thần đồng hay tự kiêu, vì mình đã biết hết những gì mà bạn bè mình chưa biết, từ đó chán nản, hết hứng thú mài dùi kinh sử! Hoặc giả, các em sẽ sợ hãi vì bị người lớn vây quanh, tò mò và tán dương. Có được thái độ đúng mức với thần đồng, xem như các nhà sư phạm đã thành công một nửa...
 
Dấu hiệu của thần đồng

Ngày nay, rất nhiều trẻ em đã đọc sách rất sớm, có óc suy luận đáng nể, gõ máy tính như... bú sữa. Nhà tâm lý học trẻ em J.Sitbon (Mỹ) cho biết: "Đến giờ, chỉ số thông minh (IQ) của trẻ em ngày nay là cao hơn IQ của chúng ta ngày trước". Nhưng người ta vẫn cứ cho rằng trẻ em ngày xưa không thể "khôn" bằng trẻ em hiện tại.

Quyển sách "Le journal d'un bébé" (Nhật ký của một em bé) của tác giả H. Stern vẫn làm cho các vị phụ huynh xôn xao cả lên, vì trong đó có những đoạn đáng chú ý. Thí dụ: "... Trẻ em nào cũng ham học và tò mò cả. Nếu ta cứ gắt lên hay giải thích qua loa, mà nó bỏ đi chơi, thì không có gì đáng phải bàn. Nếu nó lẳng lặng tìm sách báo, tự thoả mãn, thì coi chừng, đừng ... lãng phí của giời! Đó là dấu hiệu của thần đồng đấy... Khi lên 8, thay vì đọc truyện tranh, nó lại vớ ngay tờ nhật báo đọc... xã luận, thì càng phải chú ý hơn!" Đến tận đầu thế kỷ XX, châu Âu vẫn còn quan niệm rất lệch lạc về trẻ em: "Trẻ em chẳng qua là một con người tý hon, có cái đầu thưa tóc và hai lá phổi"! Theo một số nhà cơ thể học, thì chính cái đồng tử trong mắt trẻ cũng là dấu hiệu đáng quan tâm. Chẳng hạn, "khi nó vui nở, khi buồn nó co".
 
Duy Long
baocuoituan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Hải Dương: Xe ô tô con bất ngờ lao xuống sông Sặt, tài xế tử vong

Hải Dương: Xe ô tô con bất ngờ lao xuống sông Sặt, tài xế tử vong

Xã hội - 45 phút trước

GĐXH - Khi chạy tới cổng tỉnh ủy Hải Dương, xe ô tô do ông H. điều khiển bất ngờ lao qua vỉa hè rơi xuống sông Sặt khiến tài xế tử vong.

Phát hiện một cửa hàng bán vàng giả nhãn hiệu Chanel

Phát hiện một cửa hàng bán vàng giả nhãn hiệu Chanel

Pháp luật - 46 phút trước

GĐXH - Cửa hàng kinh doanh vàng giả nhãn hiệu Chanel tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) vừa bị lực lượng chức năng lập biên bản đề nghị xử phạt số tiền 85 triệu đồng.

Bắt giữ nhóm đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt quà sính lễ

Bắt giữ nhóm đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt quà sính lễ

Pháp luật - 2 giờ trước

GĐXH - Với thủ đoạn tinh vi, nhóm đối tượng đã tạo dựng màn kịch lừa kết hôn với người Trung Quốc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình ảnh 'kinh hoàng' tại các chợ tự phát ở Hà Nội

Hình ảnh 'kinh hoàng' tại các chợ tự phát ở Hà Nội

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Chợ tự phát (chợ cóc, chợ tạm) đang mọc lên dày hơn ở nhiều khu đông dân cư tại các đường phố Hà Nội. Con đường nơi có chợ cóc họp thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh.

Hà Nội: Tuyến buýt nhanh BRT hoạt động ra sao trước ngày bị "khai tử"

Hà Nội: Tuyến buýt nhanh BRT hoạt động ra sao trước ngày bị "khai tử"

Đời sống - 4 giờ trước

GĐXH - Mặc dù được đầu tư hơn 1 nghìn tỉ đồng, thế nhưng sau nhiều năm hoạt động, tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng về giảm thiểu ùn tắc. Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có đề xuất "khai tử" tuyến buýt nhanh BRT để thay bằng đường sắt đô thị.

Đau lòng hai chị em ruột bị đuối nước thương tâm trong ngày nghỉ lễ

Đau lòng hai chị em ruột bị đuối nước thương tâm trong ngày nghỉ lễ

Xã hội - 5 giờ trước

GĐXH - Ra đầm nuôi trồng thủy sản của người thân chơi, thấy em bị ngã xuống nước, chị gái đã lao xuống cứu em. Do không biết bơi, cả 2 chị em cháu D. bị đuối nước.

Hai đợt gió mùa Đông Bắc liên tiếp sắp dồn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày oi nóng

Hai đợt gió mùa Đông Bắc liên tiếp sắp dồn xuống miền Bắc sau chuỗi ngày oi nóng

Thời sự - 5 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết, tuần tới miền Bắc chuẩn bị đón hai đợt gió mùa Đông Bắc khiến nền nhiệt độ giảm nhẹ và trời đỡ nóng.

Kết quả xổ số - KQXS 3 miền, Vietlott hôm nay thứ Sáu ngày 19/4/2024

Kết quả xổ số - KQXS 3 miền, Vietlott hôm nay thứ Sáu ngày 19/4/2024

Xã hội - 5 giờ trước

GĐXH - Kết quả xổ số hôm nay - KQXS thứ Sáu ngày 19/4/2024: Xổ số miền Nam - XSMN, xổ số miền Trung - XSMT, xổ số miền Bắc - XSMB, xổ số Vietlott - XS Vietlott.

Lại xảy ra đuối nước thương tâm tại Quảng Bình

Lại xảy ra đuối nước thương tâm tại Quảng Bình

Thời sự - 5 giờ trước

GĐXH - Trong lúc tắm ở khe suối, nam sinh sinh lớp 9 lặn xuống đáy rồi mắc kẹt vào đá dẫn đến đuối nước.

Liên tiếp xảy ra giông lốc gây thiệt hại về nhà dân, hoa màu

Liên tiếp xảy ra giông lốc gây thiệt hại về nhà dân, hoa màu

Thời sự - 6 giờ trước

GĐXH - Giông lốc liên tiếp xảy ra ở Quảng Trị khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, hư hỏng, hàng chục hecta lúa bị đổ gãy...

Top