Hà Nội
23°C / 22-25°C

Những “đạo sĩ” đo gió bắt bão

Thứ sáu, 13:08 12/02/2010 | Xã hội

GiadinhNet - 24h một ngày và 365 ngày một năm, đó là lịch làm việc của nhân viên quan trắc các trạm khí tượng – thủy văn. Nhiều cơn bão được “tóm” gọn, không ít con lũ bị “vô hiệu hóa”, tính mạng của hàng triệu người dân nhờ đó mà được an toàn.

Những lúc như vậy, người vui nhất là các quan trắc viên, nhưng phần lớn đó là những niềm vui âm thầm. Dự báo đúng, đó là chuyện “đương nhiên phải thế”, còn khi sai, những lời trách cứ lập tức bủa vây lấy họ. Trước sự khắc nghiệt đó, mới thấy thêm quý, thêm trọng những người quyết tâm bám trụ với trạm, sống chết cùng nghề...
 

Hai “đạo sĩ” của Trạm Thủy văn Đắk Mốt phải lội sông Pô Kô để quan trắc mực nước. (Ảnh: Mỹ Hà)

 
Đối mặt cơn thịnh nộ của trời
 
Hơn 11h đêm 29/9/2009, nước lũ trên sông Pô Kô (Kon Tum) về mạnh, dâng cao tới 13m. 5 nhân viên của Trạm thủy văn Đắk Mốt (xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) đều ở trong tình thế nguy hiểm. Nước ngập quá nóc Trạm, buộc anh em phải sơ tán đến tạm tại trạm xăng dầu cách đó gần 2km. Mọi người vẫn động viên nhau trụ lại. Nước dâng đến đâu, 5 anh em phải đóng cọc phụ để quan trắc đến đó. Những thông tin lúc này của họ càng chính xác bao nhiêu, càng cần kíp cho người dân bấy nhiêu. Cứ cách 30 phút, họ lại mặc áo phao ra mép lũ lấy số liệu. Bão lũ cắt đứt toàn bộ liên lạc trên địa bàn. Tất cả điện thoại di động đều không liên lạc được với người nhà vì phải để dành pin cho việc truyền số liệu về Đài Dự báo khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên.
 
Trạm trưởng Thái Văn Huấn nhớ lại, ngày 29/9 ấy, mưa gió dồn dập ập xuống buôn làng. Cách một giờ đồng hồ, nước sông Pô Kô tiếp tục dâng thêm 1m. Khoảng 19h tối, nước dâng lên ngập cửa sổ của trạm. Lũ vẫn tiếp tục đổ về với cường độ nhanh gấp 4-5 lần những cơn lũ thường. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, không khó khăn gì, anh Huấn biết trạm sẽ ngập. Ngay lập tức anh lệnh cho 4 anh em vơ một ít tài liệu vài bộ quần áo, tìm cách bơi vào bờ. Chiếc ca nô - tài sản quý giá nhất của trạm trị giá khoảng 200 triệu đồng vừa bị nước cuốn phăng khỏi trụ cáp, mắc kẹt vắt vẻo trên cành cây.
 

Trạm trưởng Huấn chỉ tay vào dấu tích của cơn bão số 9.

 
Trong tình cảnh ấy, nhân viên Nguyễn Quang Hướng thét to: “Trạm trưởng cho tôi cứu thuyền”, rồi lao về hướng chiếc ca nô. Tiếng nước vẫn gầm réo bên tai. “Không thể được, với cấp độ “siêu lũ” này, đi là mất mạng, còn người là còn tất cả”, ý nghĩ chạy rất nhanh trong đầu, Trạm trưởng Huấn vội vã túm lấy Hướng, mấy anh anh em vật lộn trong lũ dữ bơi về hướng quốc lộ...
 
Rất may là cả 5 anh em đều lên được... quốc lộ an toàn. Chỉ kịp nghỉ ngơi ít phút cho lại sức, anh em vội tìm nơi đóng quân. Khi đến được trạm xăng, mọi người hối hả bắt tay vào công việc. Vậy nhưng lúc này khó khăn mới nảy sinh, đó là pin hết. “Hôm đó cả xã đều “cháy” pin, không có cửa hàng nào còn pin để bán. Bí quá, anh em phải đi bộ, đến gõ cửa từng nhà dân, xin gọi điện thoại nhờ để truyền số liệu về trung tâm. Cầm cự được hai ngày thì cách này cũng không thực hiện được nữa. Anh em ngồi trong trạm xăng như ngồi trên đống lửa”, Trạm trưởng Huấn nói. May mắn sao, đến ngày thứ ba thì một đồng nghiệp của một trạm khác, ở xã bên cạnh đã bơi 4km, mang điện thoại di động đến. Lúc này nhóm mới có thể tiếp tục truyền số liệu về trung tâm...
 
Giải quyết được khó khăn về thông tin liên lạc thì lại đến khó khăn về máy móc, những thứ này đã bị lũ cuốn trôi sạch. Không còn cách nào khác, anh em phải dựa vào kinh nghiệm bản thân, quan trắc “chay”.

17 ngày bão lũ dồn dập cũng là 17 ngày những nhân viên quan trắc Trạm Đắk Mốt vật lộn với sóng nước, khắc phục sự thiếu thốn trong sinh hoạt cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ. Anh Huấn bảo, may mà trạm xăng có trồng rau và dự trữ được ít gạo nên anh em cũng có cái ăn, cầm cự qua ngày. Có khi hàng tuần liền, anh em chỉ mặc độc chiếc quần đi mưa và tấm áo mong manh để đi quan trắc. Cũng trong 17 ngày ấy, mọi người ngủ rất ít, mỗi ngày chừng vài tiếng. Chị Sáu, người phụ nữ duy nhất của trạm, dù nhà chỉ cách đó 4km cũng không về được vì kẹt lũ. Chị phải mượn tạm quần áo của vợ trạm trưởng trạm xăng để thay đổi. Sau lũ, bố mẹ chị Sáu hốt hoảng lội bộ đi tìm con. Nhìn thấy con gái vẫn ôm sổ ghi số liệu bên mép sông, mẹ cô òa khóc.

Còn Trạm trưởng Huấn quê ở Hà Tĩnh, vợ anh cũng làm ở Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) TP Kon Tum. Một mình vật lộn ở Trạm Đắk Mốt, cách nhà chỉ dăm chục kilômét vậy mà hàng tháng trời anh mới về thăm vợ con. Vài ba năm, vợ chồng anh mới tiết kiệm đủ chi phí cho một chuyến về Hà Tĩnh.

Sau cơn bão hơn nửa tháng, dòng sông Pô Kô vẫn đục ngầu, cuộn chảy. Từng cây gỗ to bằng cả người ôm, rác rưởi phủ ngập cả bãi bồi ven sông, quanh nơi “đóng đô” của Trạm Thủy văn Đắk Mốt. Anh Huấn chỉ cho tôi xem những mảng nền nhà cũ của trạm bị tróc xói như vũng trâu đằm. Tuyến quan trắc bằng bê tông nối liền ra bờ sông giờ chỉ còn trơ con dốc với những vết nứt toang hoác. Anh Huấn cho biết, bờ trái, nơi chúng ta đang đứng đã lở tới 30m.

Hiện trụ sở của trạm đã được dựng lại. Ngôi nhà mới có tường gạch mái tôn, rộng chừng 40m2 đứng chơ vơ trên triền sông. Những cán bộ, nhân viên của Trạm Đắk Mốt lại bắt tay vào công việc quen thuộc của mình...
 
Nữ tướng sông Thu Bồn
 
Tạm biệt những con người dũng cảm của núi rừng Tây Nguyên, chúng tôi ngược ra khúc ruột miền Trung- vùng rốn bão lũ của cả nước. Trước khi đến Trạm Thủy văn Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam), ông Đinh Phùng Bảo, Phó Giám đốc Đài KTTV Khu vực Trung Trung Bộ bảo, đây chưa phải là trạm khắc nghiệt nhất của tỉnh nhưng là trạm đặc biệt nhất, bởi có hai phụ nữ kiên cường.
 
Từ TP Tam Kỳ, ngược theo hướng Tây gần 100km sẽ đến phố núi Tân An, nơi đầu nguồn sông Thu Bồn. Ở đó là “bản doanh” bé nhỏ của Trạm Hiệp Đức. Chị Phạm Thị Toàn, 53 tuổi, Trạm trưởng phóng xe máy ào ào chở tôi trên con đường rừng dài đến hơn 70km, từ TP Đà Nẵng về trạm. Năm 19 tuổi, học gần hết cấp 3, chị suýt bị gia đình gả chồng. Chị Toàn trốn đến Trạm Thủy văn Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) học việc cùng cậu ruột. Ngày đầu đi làm, cô gái trẻ chẳng biết thủy văn là gì, khổ nhất là không thể dậy lúc 1h sáng để quan trắc mực nước. Nhà có chiếc đồng hồ báo thức dây cót, Toàn lấy dây quấn một đầu vào trục chuông đầu còn lại buộc vào tai. Vậy là dậy được đúng giờ.
 

Chị Toàn bên những tấm bằng khen.

Năm 1977, tròn 20 tuổi, chị Toàn đã nhậm chức Trạm trưởng Trạm Thủy văn Ái Nghĩa (Quảng Nam). 6 năm sau, chị lấy chồng. Năm 1996, con gái út được 2 tuổi, vợ chồng ly hôn. Chị Toàn buồn, mang các con ra đi. Trạm Thủy văn Hiệp Đức, đóng chon von bên dòng Thu Bồn đã thành nơi vỗ về tinh thần mẹ con chị trong suốt bao năm qua.

Người trạm trưởng có hơn 30 năm trong nghề này cho biết, người làm quan trắc phải tuân thủ đúng 9 quy trình. Ngày đo ít nhất bốn “ốp” (bốn lần). Có mưa, mỗi ngày phải đo tám “ốp”. Mùa bão lũ, cứ 30 phút, quan trắc viên phải đo một “ốp”. Việc ngâm nhiệt kế xuống nước, quan sát mặt nước và các hiện tượng như sóng, gió... nhấc nhiệt kế lên và ghi vào sổ quan trắc được tiến hành trong vòng 5 phút. Sau đó, ghi số liệu quan trắc lên giản đồ. So sánh số liệu quan trắc bằng máy so với số liệu quan trắc trực tiếp... Nếu đo lượng mưa, sai số giữa người và máy tự quan trắc chỉ được phép khoảng 0,2mm. Kết thúc quan trắc, quan trắc viên phải thảo mã điện (giải mã) và chuyển đến nơi cần thiết trong vòng 15 phút. Vì thế áp lực rất nặng nề, chỉ cần sai một chi tiết nhỏ, hàng triệu người sẽ ảnh hưởng.

Người phụ nữ thứ hai ở Trạm Hiệp Đức là quan trắc viên Trịnh Thị Thu Hà, từng tốt nghiệp Trường cán bộ KTTV Trung ương tại Hà Nội. Đầu năm 1999, Thu Hà đến phố núi Tân An. Những hôm đầu, cô cứ ngồi bên vệ sông mà khóc. Chị Hà còn nhớ, năm 2003, lương quan trắc viên của mình được khoảng 430 nghìn đồng/tháng. Chồng chị vướng vào lô đề, mỗi tháng chị phải trích lương 300.000 đồng trả nợ. Còn chưa đến 150.000 đồng còn lại, hai mẹ con chị chắt chiu sống cho trọn tháng. Hai năm sau, nhà ngoại cho thêm hai triệu đồng, chị mới trả hết nợ. Lần đầu tiên được cầm trọn 430 nghìn đồng trên tay không phải trích trả nợ ngân hàng, chị cứ đứng chôn chân trong góc bếp ứa nước mắt. Sinh thêm đứa thứ 2 cũng là lúc chồng chị đổ bệnh thần kinh. Một năm ròng rã, chị chăm chồng. Có con bò do Đoàn Thanh niên của Đài Khí tượng khu vực Trung Trung Bộ tặng, chị cũng bán lấy tiền chữa bệnh cho chồng. Lành bệnh, anh đã bỏ mẹ con chị mà đi biệt...
 

Thu Hà với công việc hàng ngày.

Lương chị Hà chằn chặn 2 triệu đồng/tháng, không đủ nuôi hai con nhỏ nên chị phải nuôi nhím, trồng rau thêm thắt. Lương cộng phụ cấp trách nhiệm của chị Toàn cũng vỏn vẹn 3 triệu đồng. Chị phải nuôi hai con, một đứa học đại học, một đứa học phổ thông nên cũng không dư giả gì. Ngày nào không trực, chị mua chuối xanh về ủ để hôm sau mang ra chợ bán.

Tuy vậy, các chị sống vui vẻ, lạc quan. Hai chị có căn bếp chung, đầm ấm như một gia đình. Lan Anh, con gái đầu chị Toàn giờ đã là đồng nghiệp của mẹ, công tác tại Trạm Thủy văn Thành Mỹ (huyện Nam Giang, Quảng Nam). Lan Anh bảo, ở đấy lâm tặc đông lắm, nhiều đêm ra sông đo thủy văn, có kẻ tính giở trò, nhưng em cũng có cách “điều trị”. Vất vả, thậm chí nguy hiểm như vậy nhưng Lan Anh chưa bao giờ có ý định bỏ việc vì em muốn được như mẹ.

Trong đêm rét mướt,  tôi nghe tiếng chân chị Toàn bước ra cửa. Hóa ra, dù không phải ca trực nhưng ngày nào chị cũng thức dậy đúng “ốp” 1h và 4h sáng như thường lệ. Ngoài kia, chị Hà vẫn ôm đèn pin cắm cúi ghi chép số liệu bên bờ sông...

Trên chuyến xe trở về Hà Nội, những câu thơ của chị Toàn vẫn ám ảnh trong tôi, vừa ấm áp, vừa man mác buồn:

Con yêu ơi mẹ đâu thể nào quên
Những đêm tối mịt mùng mưa gào gió rét
Với một chiếc đèn pin mẹ lầm lũi đi trong giá rét
Khi xóm làng đang say giấc bình yên
Có những đêm trường nghe lời thăm hỏi động viên
Của đồng nghiệp trạm cuối sông gọi tới
Mẹ không còn thấy lẻ loi bé nhỏ
Giữa những cơn thịnh nộ của đất trời…

Vâng, các anh chị không lẻ loi đâu, vì để có được mỗi bản tin thời tiết phát trên tivi hằng ngày hay những bản thông báo khi bão lũ tràn về, chúng tôi hiểu đó là từ công sức của các anh, các chị.
 
Những điều chưa kể ở Bắc Trà My

Một trong những trạm KTTV khó khăn bậc nhất của Quảng Nam là Trạm Bắc Trà My. Đóng trên ngọn đồi cao nên dù ngay trung tâm thị trấn, vẫn chẳng ai hay. Hôm chúng tôi đến, Trạm mất điện. Chiếc đèn cầy nhỏ không xua nổi đám muỗi rừng đang bay hỗn loạn.
 

Trạm trưởng trẻ Dương Cường.

 
Trạm trưởng Dương Cường năm nay 28 tuổi. Trên suốt quãng đường dài gần 60km, từ Tam Kỳ đến Trà My anh luôn nói chuyện với tôi. Anh bảo, lương trạm trưởng của mình được 1,6 triệu/tháng, không đủ tiêu nên mẹ vẫn phải thêm. Trong căn phòng chừng 10 m2 của trạm, hằng ngày Cường tự đi chợ, nấu cơm để tiết kiệm chi phí. Đồng nghiệp của anh là cô gái 24 tuổi, tên Thủy. Bố Thủy cũng từng là quan trắc viên của trạm, đã qua đời cách đây không lâu. Thủy kể, từ bé, cô đã được ba bế trên tay trong mỗi lần ghi số liệu gió, mưa…Biết con gái muốn theo nghiệp cha, mẹ Thủy cố cản nhưng không nổi. Đêm đêm, Thủy vẫn leo lên đồi lấy số liệu, trong tiếng cú kêu, tiếng cành cây khô gãy nhiều bận khiến Thủy giật bắn người. Cô bảo, mình phải tiếp tục công việc này vì đó là ước nguyện của cha trước khi mất.
 

Thủy vẫn lên đồi lấy số liệu hàng đêm.

 
Trạm trưởng Dương Cường bảo, Trà My là một trong ba vùng mưa lớn nhất toàn quốc nhưng mạng lưới các trạm khí tượng thủy văn ở đây vẫn còn rất mỏng. Từ Trà My, sang huyện Trà Bồng của tỉnh Quảng Ngãi còn gần hơn về trung tâm của tỉnh, nếu không nhiệt tình và yêu công việc, chắc nhiều người đã bỏ nghề... Nghe Trạm trưởng Cường nói, tôi chợt nhớ tới tên gọi vui mà người dân đặt cho những nhân viên quan trắc KTTV. Họ bảo, đó là những “đạo sĩ đo gió, bắt bão”. Vâng, không phải “đạo sĩ” sao sống được ở nơi heo hút, chịu đựng được khó khăn, gian khổ đến vậy?
 
Lương Mỹ Hà
Gia đình và Xã hội Xuân Canh Dần
kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Người đàn ông để lại nhẫn cưới, điện thoại rồi nhảy xuống sông

Người đàn ông để lại nhẫn cưới, điện thoại rồi nhảy xuống sông

Xã hội - 5 giờ trước

GĐXH - Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một đôi dép, chiếc áo, điện thoại và một nhẫn cưới do nạn nhân để lại.

Lừa đảo đưa 9 người dân ở Bắc Kạn sang Úc làm việc, một đối tượng quê Hải Dương bị bắt

Lừa đảo đưa 9 người dân ở Bắc Kạn sang Úc làm việc, một đối tượng quê Hải Dương bị bắt

Pháp luật - 7 giờ trước

GĐXH - Do nợ nần, Đoàn Văn Trung quê ở Hải Dương lập tài khoản zalo thường xuyên đăng tải hình ảnh về công việc ở Úc với mức thu nhập cao. Khi nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền thì chiếm đoạt.

Bắc Kạn: Vận chuyển pháo hoa thuê với giá 2,2 triệu đồng, một đối tượng bị phạt 5 năm tù

Bắc Kạn: Vận chuyển pháo hoa thuê với giá 2,2 triệu đồng, một đối tượng bị phạt 5 năm tù

Pháp luật - 7 giờ trước

GĐXH - Vận chuyển pháo hoa với số lượng lớn từ Cao Bằng về Thái Nguyên với giá 2.200.000 đồng, một bị cáo bị xử phạt 5 năm tù giam.

TPHCM chỉ đạo nóng sau vụ trẻ mầm non bị tát, ngồi đè lên bụng, nhét đồ ăn

TPHCM chỉ đạo nóng sau vụ trẻ mầm non bị tát, ngồi đè lên bụng, nhét đồ ăn

Giáo dục - 7 giờ trước

Ngày 24/4, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có văn bản chấn chỉnh hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo sau vụ bạo hành tại Lớp Mẫu giáo Tí Bo.

Sơn La: Mưa đá phủ trắng ruộng nương, đường sá, gây thiệt hại lớn

Sơn La: Mưa đá phủ trắng ruộng nương, đường sá, gây thiệt hại lớn

Thời sự - 8 giờ trước

GDXH - Trận mưa đá lớn ở xã Lóng Luông và Xuân Nha, huyện Vân Hồ, Sơn La bao phủ đồi núi, ruộng nương gây thiệt hại nặng.

Phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường kính không rõ nguồn gốc xuất xứ

Phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường kính không rõ nguồn gốc xuất xứ

Pháp luật - 9 giờ trước

GĐXH - Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng của Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường không rõ nguồn gốc xuất xứ.

3 học sinh dựng hiện trường tự tử khiến nhiều lực lượng mò dưới kênh suốt nhiều giờ

3 học sinh dựng hiện trường tự tử khiến nhiều lực lượng mò dưới kênh suốt nhiều giờ

Xã hội - 9 giờ trước

GĐXH - Nhận được thông tin nghi có học sinh tự tử trên kênh N2 (địa bàn xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) các lực lượng chức năng đã khẩn trương xuống kênh để mò tìm suốt nhiều giờ.

Phát tán video ‘nhạy cảm’ khi người yêu cũ có bạn trai mới: Hành vi đê hèn

Phát tán video ‘nhạy cảm’ khi người yêu cũ có bạn trai mới: Hành vi đê hèn

Pháp luật - 9 giờ trước

GĐXH - Bực tức vì người yêu cũ có người yêu mới, Thức đã phát tán video "nhạy cảm" lên mạng xã hội với mục đích trả thù.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu công an làm rõ vụ 2 phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu công an làm rõ vụ 2 phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp

Pháp luật - 10 giờ trước

GĐXH - Trong quá trình tác nghiệp ghi nhận vụ cháy nhà xưởng trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, 2 phóng viên thuộc 2 cơ quan báo chí đã bị một nhóm đối tượng lăng mạ, hành hung.

Dự án tàu điện không ray được đề xuất triển khai tại Hà Nội có gì đặc biệt?

Dự án tàu điện không ray được đề xuất triển khai tại Hà Nội có gì đặc biệt?

Đời sống - 10 giờ trước

GĐXH - Tàu điện không ray là một loại hình vận tải hành khách công cộng mới được đề xuất áp dụng vào mạng lưới giao thông công cộng thành phố Hà Nội. Tàu không chạy trên đường ray truyền thống mà thay thế bằng đường ray ảo với công nghệ hiện đại.

Top