Hà Nội
23°C / 22-25°C

Người cao tuổi: Những mối quan tâm và các chế độ, chính sách

GiadinhNet - Các chuyên gia đã giải đáp các câu hỏi của bạn đọc về thời kỳ già hóa dân số, về phát huy vai trò và chăm sóc sức khỏe cho người già.

Đúng 3 giờ chiều nay, TS. Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ; TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (điểm cầu TP HCM); TS. Nguyễn Thị Lan - Chánh văn phòng, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam và Th.S. Nguyễn Trung Anh - Trưởng khoa khám bệnh Viện Lão khoa Trung ương có mặt tại tòa soạn Báo Gia đình và Xã hội để giao lưu cùng bạn đọc về Nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi trong thời kỳ già hóa dân số trên Giadinh.net.vn.
 
Đến dự buổi giao lưu còn có các cán bộ dân số của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
 
Mở đầu buổi giao lưu, TS. Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, Tổng Biên tập Báo Gia đình & Xã hội tuyên bố lý do báo Gia đình và Xã hội tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến về già hóa dân số và giới thiệu các chuyên gia tham gia buổi giao lưu.
 

Tổng Biên tập Lê Cảnh Nhạc tặng hoa cho các khách mời (từ phải qua trái): TS Nguyễn Thị Lan, TS Dương Quốc Trọng và Ths Nguyễn Trung Anh.

 
Buổi giao lưu diễn ra ở 2 điểm cầu: Hà Nội và TP HCM. Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội là TS Dương Quốc Trọng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ và tại điểm cầu TP HCM là TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh.

Pham Minh Nam - namxahoi@yahoo.com - Nam 60 tuổi: Được biết Tổng cục DS-KHHGĐ triển khai mô hình tư vấn, chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng bắt đầu từ năm 2011, hiện đang triển khai tại 7 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Tây Ninh, Nghệ An. Xin hỏi trong thời gian tới mô hình này có được mở rộng trên cả nước?

TS. Dương Quốc Trọng:

 
Đúng là trước tình trạng người cao tuổi ở nước ta đang tăng nhanh cả về số lượng và tỷ lệ trong tổng dân số, để góp phần cùng nhân dân cả nước thực hiện tốt chỉ thị số 59/CT-TW ngày 17/9/1995 của Ban Bí thư trung ương Đảng về chăm sóc người cao tuổi; Luật người cao tuổi và Nghị định 06/2011/NĐ-CP ngày 14/ 01/2011 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi, năm 2011 Tổng cục DS-KHHGĐ đã xây dựng và triển khai thí điểm Đề án “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” ở 07 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Bến Tre và Tây Ninh.
 

Tổng Cục trưởng Dương Quốc Trọng đang trả lời câu hỏi của bạn đọc.

Mục tiêu chung của đề án là: Cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi nhằm góp phần phát huy và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Đề án nhằm vào 3 mục tiêu cụ thể là:

- Phát huy vai trò người cao tuổi trong tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Cải thiện chất lượng tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; phát hiện và xử lý sớm các bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

- Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của người cao tuổi thông qua hoạt động của mạng lưới tình nguyện viên tại cộng đồng.

Theo báo cáo của Chi cục dân số- Kế hoạch hóa gia đình các tỉnh, thành phố, bước đầu đề án đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và người cao tuổi trên địa bàn triển khai đề án đánh giá cao.

> Chuyên đề về chất lượng sống của người cao tuổi
Với tinh thần tích cực tham gia phát huy và chăm lo cho người cao tuổi, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã tham mưu Bộ Y tế trình Chính phủ Dự thảo Chiến lược dân số- sức khỏe sinh sản 2011-2020 trong đó có chỉ tiêu: ít nhất 50% người cao tuổi được tiếp nhận các hình thức chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng. Tổng cục dân số-KHGĐ luôn mong muốn và quyết tâm triển khai mở rộng địa bàn đề án trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc mở rộng có thực hiện được hay không? mở rộng như thế nào? còn phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư cho công tác dân số- KHHGĐ trong thời gian tới.

Trần Uyên Linh - linhtran_nguyen1101@yahoo.com 51 tuổi:Bố chồng tôi năm nay 75 tuổi, cụ rất nghiện thuốc lá, thâm chí là cả hút thuốc lào. Mỗi lần ăn cơm xong là bố chồng tôi lại uống trà xanh và hút thuốc, con trai (chồng tôi) góp ý lại mắng. Nhà tôi đông con cháu, có đến 3 cháu nhỏ, có cháu mới được 5 tháng mà diện tích sử dụng lại nhỏ, phòng khách và ăn phải sinh hoạt chung nên tôi sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu. Xin hỏi có cách nào để hạn chế ảnh hưởng của khói thuốc lá đến các con, cháu tôi? (Đừng khuyên cụ cai thuốc vì tôi và chồng, các cô chú góp ý nhiều lần nhưng cụ không thể bỏ được, lại bảo già rồi đằng nào chả chết).

TS. Lương Ngọc Khuê: Câu hỏi của chị rất thực tế và hữu ích vì cũng có rất nhiều trường hợp giống hoàn cảnh của chị. Hút thuốc lá thụ động cũng gây tác hại không kém người tự hút thuốc. Chị đã rất có ý thức bảo vệ sức khỏe cho các con. Tuy nhiên lại chưa vận động được ông bỏ thuốc. Trong trường hợp này, chị nên nhẹ nhàng khuyên ông không hút thuốc trong phòng hay trong nhà, nhất là khi có các cháu nhằm giúp bảo vệ sức khỏe cho các cháu. Mặt khác, chị cũng nên tìm một số tài liệu tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, tác hại của hút thuốc lá thụ động để trao đổi thêm với ông.

Tin rằng, với tình thương yêu con cháu, ông sẽ dần dần thay đổi thói quen của mình.
 
TS Lương Ngọc Khuê đang chăm chú đọc câu hỏi bạn đọc gửi đến tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.
 
Thu Hồng - c2dtnt.vanchan@yenbai.edu.vn - Nữ 51 tuổi:Khung độ tuổi nào thì được coi là người cao tuổi?
TS. Nguyễn Thị Lan: Theo Luật Người cao tuổi, ở Việt Nam, người cao tuổi là những người từ 60 tuổi trở lên.
 
TS. Nguyễn Thị Lan (phải): Người cao tuổi Việt Nam là những người từ 60 tuổi trở lên.

Thành Nam - haithanhtran@gmail.com - Nữ:Bố tôi bị đau tức ở bụng và nghi là đau ở tuyến tiền liệt. Sau khi khám ở bệnh viện 108, bác sĩ chẩn đoán có khối u nhỏ và bảo uống thuốc sẽ đỡ. Nhưng bố tôi không tin chỉ những viên thuốc bé xíu kia có thể chữa khỏi bệnh. Bố tôi cương quyết đề xuất mổ (vì bạn bố tôi cũng làm như vậy). Tuổi già khó tính, tôi phải khuyên nhủ bố tôi thế nào, có cơ sở nào để thuyết phục bố tôi không? Xin bác sĩ mách nước cho tôi?

ThS. Nguyễn Trung Anh: Anh hay chị có thể đưa bác đến khám thêm tại chuyên khoa phẫu thuật tiết niệu của các bệnh viện Trung ương như: Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 103, 108, Bệnh viện Lão khoa Trung ương... để xác định lại chẩn đoán. Trên cơ sở đó có chỉ định chính xác về phương pháp điều trị: phẫu thuật, dùng thuốc hoặc can thiệp (laser nội tuyến)... rồi giải thích lại với bệnh nhân để bệnh nhân hiểu và chấp nhận phương pháp điều trị có lợi nhất cho mình.

Linh Chi - namlun23@gmail.com - Nữ 35 tuổi:Tôi có đọc nhưng chưa phân biệt được khái niệm cơ cấu dân số "già hóa" và cơ cấu dân số "già". Xin ông/bà có thể làm rõ 2 khái niệm trên?

TS. Dương Quốc Trọng:

Trước hết, ta phải hiểu thế nào là "người cao tuổi" (NCT). Theo quy ước quốc tế, NCT là những người từ 65 tuổi trở lên, còn đối với Việt Nam, theo Luật Người cao tuổi, NCT được hiểu là những người từ 60 tuổi trở lên.
 
Giai đoạn "già hóa dân số" (hay còn gọi là dân sốđang già)khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% dân số trở lên hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% dân số trở lên.
 
Giai đoạn "Dân số già" (hay còn gọi là dân số đã già) khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 20% dân số trở lên hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% dân số trở lên.
 
Năm 2010, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên của Việt Nam đã đạt mức 6,8% dân số và như thế năm 2011 với mức tăng giả sử như năm 2010 thì tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đã vượt mức 7% và do vậy vào thời điểm này, Việt Nam đã bước vào giai đoạn "già hóa dân số".

Minh Hải - haicot@gmail.com - Nam 45 tuổi:Tôi có người bác năm nay 70 tuổi, đang chăm sóc cháu bị HIV, vậy, bác tôi được hưởng những chính sách gì từ nhà nước?

TS. Nguyễn Thị Lan:

Bác bạn70 tuổi, nghĩa là bác bạn đã là người cao tuổi. Bác bạn lại phải chăm sóc cháu là trẻ em. Vậy theo Nghị định 67 và Nghị định 13, nếu bác bạn thuộc diện nghèo không có nguồn thu nhập, bác bạn sẽ được hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định 67 và Nghị định 13.
Trong trường hợp cả cháu nhỏ cũng thuộc diện nghèo và mồ côi, cháu cũng được hưởng chế độ theo Nghị định 67 và Nghị định 13. Bạn nên đưa bác bạn tới gặp cán bộ văn hóa xã hội của xã, phường để tìm hiểu cụ thể về trường hợp của mình.

Trần Thị Ngọc - tranngoc33@yahoo.com - Nữ 46 tuổi: Theo tôi được biết, cách đây ít lâu, nhiều tỉnh thành đã xây dựng những bệnh viện Nhi. Tuy nhiên, người già hiện nay chỉ mới có 1 viện Lão khoa Quốc Gia. Vậy, theo tôi nên đầu tư kinh phí xây dựng các bệnh viện hoặc khoa Lão khoa nhằm chăm sóc sức khỏe cho người già. Nhà nước ta đã có chính sách đó chưa?

TS. Lương Ngọc Khuê: Rất hoan nghênh đề xuất của chị. Đây thực sự là một nhu cầu hết sức chính đáng để khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Nhà nước cũng đã dành nhiều sự quan tâm đối với người cao tuổi thể hiện qua các điều, quy định của Luật người cao tuổi. Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Bộ Y tế đang hoàn chỉnh Thông tư hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Trong đó có nhiều quy định ưu tiên về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, như thành lập thêm các khoa lão, các phòng điều trị lão, các nơi ưu tiên khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Tuy nhiên, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh liên quan đến nhiều chuyên khoa sâu. Do vậy, việc xây dựng riêng các bệnh viện lão ở các tuyến thì cũng cần phải tính toán cho hợp lý với điều kiện kinh tế và nguồn nhân lực hiện có.

Pham Minh Hòa - minhhoa27@yahoo.com - Nam 80 tuổi:Năm nay cha tôi vừa tròn 80 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Trước đây cha tôi làm nghề tự do nên khi về già không có lương hưu, phải sống dựa vào con cái. Xin ông cho biết Nhà nước có những chính sách, chế độ gì để hỗ trợ cho NCT?

TS. Dương Quốc Trọng:

Căn cứ vào Luật người cao tuổi số 39/2009/QH12 của Quốc hội thông qua ngày 23/ 11/ 2009; Nghị định 06/2011/NĐ-CP ngày 14/ 01/2011 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi ông sẽ được hưởng các chế độ, chính sách cụ thể như:
 

Tổng Cục trưởng Dương Quốc Trọng chủ trì buổi giao lưu tại điểm cầu Hà Nội.

- Ưu tiên khám trước người bệnh khác trừ bệnh nhân cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng; Bố trí giường nằm phù hợp khi điều trị nội trú. (Điều 12 – Luật NCT).

- Được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khoẻ người cao tuổi; được tuyên truyền, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe; được hướng dẫn kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khoẻ; (Điều 13 Luật NCT )

- Được giảm ít nhất mười lăm phần trăm (15%) giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng tàu thủy chở khách, tàu hỏa chở khách, máy bay chở khách. Được giảm ít nhất hai mươi phần trăm (20%) giá vé, giá dịch vụ thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; tập luyện thể dục, thể thao tại các cơ sở thể dục thể thao có bán vé hoặc thu phí dịch vụ.(Điều 5 - Nghị định 06/2011/NĐ – CP)

- Tùy theo hòan cảnh cụ thể của ông, ông được hưởng một trong các mức trợ cấp xã hội phù hợp dưới đây:

Nếu ông sống tại gia đình, ông sẽ được hưởng trợ cấp với các mức sau:

Mức 180.000 đồng/người/tháng.

Mức 270.000 đồng/người/tháng (hệ số 1,5) nếu gia đình ông thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng.

Nếu ông sống trong các trung tâm bảo trợ xã hội:

Mức 360.000 đồng/người/tháng (hệ số 2,0) đối với người cao tuổi được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Người cao tuổi.

Khi mất được hỗ trợ chi phí mai táng 3.000.000 đồng. (Điều 6 - Nghị định 06/2011/NĐ – CP)

Được Uỷ ban nhân xã phường tổ chức mừng thọ.

Thu Hồng - c2dtnt.vanchan@yenbai.edu.vn - Nữ 51 tuổi:Người có độ tuổi trên 60 còn phải lao động (nặng) cần phải được quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng như thế nào ?

Th.S. Nguyễn Trung Anh: Đầu tiên cần giảm cường độ lao động nặng cho những người trên 60 tuổi, sau đó tùy mức độ tiêu hao năng lượng mà mỗi người cần một lượng calo từ 1800 - 2500 cho hoạt động lao động bình thường. Có thể chia nhỏ bữa ăn với đa dạng hóa các chất dinh dưỡng và thay đổi cách chế biến như: nấu cháo, súp... để phù hợp với tuổi tác và các hoạt động của người cao tuổi.
 

Th.s Nguyễn Trung Anh đang trả lời câu hỏi giao lưu cùng bạn đọc.

Thu Hồng - c2dtnt.vanchan@yenbai.edu.vn - Nữ 51 tuổi:Thưa ThS trưởng phòng khám BV lão khoa TW, 1 năm nên đưa người già đi khám sức khỏe mấy lần, khám như thế nào ?

Th.S. Nguyễn Trung Anh:  Tốt nhất là 6 tháng một lần với quy trình kiểm tra toàn bộ sức khỏe bao gồm: thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cơ bản. Nếu có các bệnh mãn tính thì cần thăm khám và theo dõi theo đúng chỉ định của chuyên khoa. Ví dụ: nếu bệnh nhân bị tăng huyết áp thì cần uống thuốc và theo dõi huyết áp đều đặn hàng ngày...

Hoàng Hà - hoangha2512@gmail.com - Nữ 48 tuổi:Hiện nay truyền thông về vấn đề chăm sóc và phát huy vai trò NCT chưa nhiều. Làm thế nào để truyền thông nhiều và sâu hơn?

TS. Nguyễn Thị Lan:

Để truyền thông sâu và rộng hơn, cần phải có sự quan tâm của các cấp chính quyền cơ sở. Cụ thể có thể lồng ghép các nội dung về người cao tuổi vào các chương trình phát thanh ở cụm dân cư hàng ngày. Còn ở các cấp cao hơn (cấp Trung ương), các cơ quan có trách nhiệm cần làm việc và phối hợp với báo chí, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng để có nhiều hơn các nội dung tuyên truyền.
Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin Truyền thông phải xây dựng đề án truyền thông về người cao tuổi. Điều này là rất cần thiết trong điều kiện già hóa dân số hiện nay. Không chỉ cho những người già mà còn phải chuẩn bị cho những người hôm nay còn trẻ sau này sẽ bước vào tuổi già.

Võ Phú Hoàng - vohoang@yahoo.com - Nam 42 tuổi:Tôi thấy các công trình nghiên cứu về NCT hiện nay không có nhiều. Theo tôi nên tăng cường nghiên cứu hơn nữa, chia ra các đề tài nhỏ để có cái nhìn sâu hơn về vị trí, vai trò của NCT.

TS. Nguyễn Thị Lan:

Rất cảm ơn ý kiến của bạn vì đã quan tâm tới vấn đề này. Thực ra cần có nhiều nghiên cứu mới có thể phục vụ cho việc xây dựng chính sách và thường xuyên cập nhật thông tin. Chúng ta hiện đã có Viện nghiên cứu Người cao tuổi nhưng rất tiếc còn rất ít những nghiên cứu. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn lực.
Uỷ ban Quốc gia về Người cao tuổi những năm vừa qua cũng đã cố gắng thực hiện các khảo sát nhỏ, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu. Mong rằng Bộ Tài chính sẽ quan tâm, cấp ngân sách nhiều hơn cho các hoạt động nghiên cứu về người cao tuổi.

Trần Vĩnh Hùng - hungtran256@gmail.com - Nam 34 tuổi: Xin hỏi, Luật người cao tuổi hiện nay áp dụng phụ cấp tiền cho các đối tượng người già như thế nào?

TS. Nguyễn Thị Lan: Luật Người cao tuổi quy định về độ tuổi hưởng trợ cấp cho người cao tuổi, cụ thể từ ngày 1/1/2011, độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hạ xuống mức 80 tuổi (trước đó là từ đủ 85 tuổi trở lên). Để thực hiện Chính sách này, Chính phủ đã có nghị định hướng dẫn. Theo đó, từ 1/1/2011, người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được nhận trợ cấp 180.000đ/tháng.

Vũ Thị Hoa - hoanb@gmail.com - Nữ 32 tuổi: Kính gửi TS Dương Quốc Trọng, xin ông cho biết dân số Việt Nam bắt đầu già hóa và sẽ chính thức bước vào dân số già vào năm nào? Ông có dự báo gì cho Việt Nam khi dân số già hóa?

TS. Dương Quốc Trọng:

Chào bạn,
Giai đoạn từ 1999 đến 2009 tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên của Việt Nam đã tăng từ 5,8% lên 6,4%, như vậy, trong 10 năm tỷ lệ này chỉ tăng 0,6%. Tuy nhiên, từ năm 2009, tỷ lệ này sẽ tăng nhanh. Kết quả điều tra biến động dân số ngày 01/4/2010 đã chứng minh điều đó, tỷ lệ này đã tăng lên 6,8%. Như vậy, chỉ trong 1 năm đã tăng tới 0,4%. Nếu năm 2010 - 2011 tỷ lệ này cũng tăng với tốc độ như năm 2009 - 2010 thì vào 01/4/2011 tỷ lệ này sẽ lên tới 7,2% và như vậy Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số".
Để chuyển từ giai đoạn"già hóa dân số" sang giai đoạn "dân số già" các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ(Pháp cần 115 năm, Thụy Điển cần 85 năm, Hoa Kỳ cần 70 năm...) nhưng với tốc độ gia tăng như đã nêu trên thì Việt Nam chỉ cần 15 đến 20 năm sẽ chuyển sang giai đoạn "dân số già".
Chúng ta phải khẳng định rằng sở dĩ đạt được những con số nói trên là thành tựu rất đáng tự hào của Việt Nam, nó khẳng định tính ưu việt của chế độ ta, khẳng định được những thành tựu trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân nên nhiều người dân đã sống lâu hơn, tuổi thọ trung bình của người dân không ngừng được nâng cao. Nếu như trong 50 năm qua tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới đã tăng thêm được 21 tuổi (từ 48 tuổi lên 69 tuổi) thì thành tựu của Việt Nam rất đáng tự hào: tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng thêm được 33 tuổi (từ 40 tuổi lên 73 tuổi).
Trong số những người cao tuổi, chúng ta lại càng tự hào có tỷ lệ những người tuổi rất cao chiếm tỷ trọng lớn. Có thể so sánh giữa Việt Nam và Hàn Quốc năm 2010 làm ví dụ: Hàn Quốc có 49 triệu dân, tuổi thọ trung bình 80 tuổi, tỷ lệ NCT chiếm tới 11% nhưng chỉ có 1836 cụ thọ từ 100 tuổi trở lên; trong khi đó Việt Nam có 87 triệu dân, tuổi thọ trung bình 73 tuổi, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 6,8% nhưng lại có tới 7200 cụ thọ từ 100 tuổi trở lên. Như vậy, nếu tính tỷ lệ các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên trên tổng dân số thì Việt Nam lớn gấp trên 2 lần so với Hàn Quốc. Đây là một thành tựu rất đáng tự hào.
Năm 2005, tuổi trung vị của Việt Nam đã đạt 25,5 nên đã kết thúc giai đoạn cơ cấu "dân số trẻ" (một xã hội được coi là ở giai đoạn cơ cấu "dân số trẻ" khi tuổi trung vị nhỏ hơn 25 tuổi). Các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ mới chuyển từ giai đoạn cơ cấu "dân số trẻ" sang giai đoạn "già hóa dân số".Việt Nam chỉ mất có 6 năm để chuyển từ giai đoạn cơ cấu"dân số trẻ" sang giai đoạn"già hóa dân số". Chính do giai đoạn già hóa dân số đến quá nhanh nên Việt Nam chúng ta chưa kịp thích ứng với sự thay đổi này.
 
Giai đoạn "già hóa dân số" vừa mang lại những cơ hội đồng thời cũng đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức, nhất là về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cả về thể chất cũng như tinh thần đối với người cao tuổi mà không có cách nào khác chúng ta phải nhanh chóng thích ứng với những thay đổi này.

Đinh Văn Hải - haibv@yahoo.com - Nam 51 tuổi: Nhiều nước trên thế giới đã hình thành thói quen tích lũy từ lúc trẻ, do đó, họ rất chủ động khi bước vào tuổi già. Việt Nam lại chưa có thói quen đó, xin các chuyên gia lý giải nguyên nhân?

TS. Dương Quốc Trọng:

Ý kiến của một số người cao tuổi

Ông Nguyễn Học Chưởng (75 tuổi, Thôn Đại Áng, xã Đại Áng, Thanh Trì, Hà Nội,  làm nghề bán kem dạo):

“Tôi cũng được thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nhưng ngại đi khám bệnh lắm! Khám lại ra bệnh thì gia đình nguy mất!” Các cụ bảo “trẻ cậy cha, già cậy con”, tôi nay chẳng biết cậy ai, chỉ biết cậy vào cái thân già “gần đất xa trời” này”. 

Ông Trần Văn Thông (75 tuổi, TPHCM, làm nghề bán bánh bao):  “Người già phải có cách để tìm niềm vui trong cuộc sống chú ạ. Với tôi, bán bánh bao mỗi cái lời hơn 1 ngàn đồng, bán được bao nhiêu mình ăn bấy nhiêu, cũng xem như không phải lo chuyện cơm áo và phiền các con rồi, đó là niềm vui rồi”. 

Bà Hoàng Thúy La (61 tuổi, phố Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội, giáo viên tiểu học nghỉ hưu):

“Để có được niềm hạnh phúc tuổi già, phải có ý thức tích lũy từ thời trẻ. Ngoài tích lũy về kiến thức, hãy chú ý đến tiền bạc bằng cách bên cạnh bảo hiểm y tế chắc chắn phải có, theo tôi cần cố gắng thêm ít nhất một loại bảo hiểm khác, phòng khi ốm đau, tai nạn thương tích hoặc không may qua đời. Sự tự chủ về kinh tế là bước chuẩn bị cần thiết cho cuộc sống về sau của bất kỳ cá nhân nào”.
Như các câu trả lời trên tôi đã phân tích, các nước phải trải qua nhiều thập kỷ mới chuyển từ giai đoạn "dân số trẻ" sang giai đoạn "già hóa dân số" và cũng phải trải qua nhiều thập kỷ để chuyển từ giai đoạn "già hóa dân số" sang giai đoạn "dân số già" nên họ có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cho từng giai đoạn nhưng ở Việt Nam chúng ta thời gian chuẩn bị quá ngắn nên chắc chắn không thể tránh khỏi những khó khăn thách thức.
 
Hiện nay, 70% dân số sống ở nông thôn, phần lớn những người cao tuổi ở nông thôn không có lương hưu nên vẫn phải tự kiếm sống để chăm sóc bản thân hoặc phải dựa vào con cháu. Những năm trước đây, do đất nước còn nghèo nên hầu hết NCT chưa có khả năng tích lũy để chi tiêu lúc về già. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, những người trong độ tuổi lao động ở nông thôn thiếu việc làm, họ lại phải đi tìm kiếm việc làm ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất... nên việc chăm sóc các cụ già ở nông thôn lại càng trở nên khó khăn hơn.

Van Nga - vanngabc@yahoo.com - Nữ 30 tuổi, Hà Nội: Vấn đề già hóa dân số ở Hà Nội diễn ra như thế nào? Có giải pháp nào đặc thù cho Thủ đô?

TS. Dương Quốc Trọng:

Chào bạn
Tuổi thọ của người dân Hà Nội đạt mức khá cao so với các tỉnh, thành phố khác; mức sinh và mức tử vong của Hà Nội cũng khá thấp so với các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, do Hà Nội là địa phương cũng thu hút một số lượng lớn người nhập cư từ các tỉnh, TP khác mà hầu hết những người nhập cư này đều trong độ tuổi sinh đẻ nên tỷ lệ người cao tuổi của Hà Nội chưa phải là cao so với một số tỉnh/ thành phố khác.
Kết quả Tổng điều tra dân số ngày 01/4/2009 cho thấy có sự di cư rất rõ nét từ tỉnh này, vùng này sang tỉnh khác, vùng khác. Có tới 5 tỉnh có tỷ lệ tăng dân số mang giá trị âm (dân số năm 2009 còn ít hơn so với dân số năm 1999), trong khi, có những tỉnh, thành phố dân số tăng gấp 2 lần. Vì vậy, tỷ lệ người cao tuổi ở từng tỉnh/thành phố không chỉ phụ thuộc vào mức sinh, mức tử vong và tuổi thọ mà còn phụ thuộc rất lớn vào việc địa phương đó nhập cư nhiều hay xuất cư nhiều.

Ngô Văn Cường - ngocuong@yahoo.com - Nam 43 tuổi: Người già đến khám chữa bệnh được ưu tiên những gì?

Th.S. Nguyễn Trung Anh: Thứ nhất, người già sẽ được ưu tiên khám trước.

Thứ hai, người già được sử dụng bảo hiểm vượt tuyến (với những trường hợp không có giấy chuyển viện).
Hệ thống khám chữa bệnh sẽ được bố trí một cách hợp lý nhất để phù hợp với sự di chuyển khó khăn của người cao tuổi.
Các nhân viên y tế chuyên ngành lão khoa được đào tạo tốt về chuyên khoa sẽ góp phần làm giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật cho người cao tuổi.

Đỗ Minh Hà - dohayv@yahoo.com - Nam 44 tuổi: Người già cần được chăm sóc sức khỏe. Ở nước ngoài đã có những nước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe người già ban ngày (như nhà trẻ), Việt Nam đã có những mô hình nào đáp ứng nhu cầu này?

TS. Nguyễn Thị Lan: Hiện nay ở Việt Nam, chưa có mô hình chăm sóc ban ngày cho người cao tuổi. Nhưng tôi được biết Trung tâm Trợ giúp Người cao tuổi và Phát triển cộng đồng đang có kế hoạch phát triển mô hình này. Hy vọng mô hình này sẽ sớm được đưa vào thực hiện, đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi.

Lê Tâm - letamctx@gmail.com - Nam 37 tuổi: Tôi nhận thấy người già ở nông thôn rất có nhu cầu giao lưu văn hóa văn nghệ, cần có thêm những chính sách để khuyến khích tinh thần này, và cần xây dựng các câu lạc bộ.

TS. Nguyễn Thị Lan:

Ý kiến của bạn rất đúng. Ở thành thị thì các hoạt động này rất phong phú. Tuy nhiên ở nông thôn còn thiếu. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng chưa có chính sách để đào tạo giảng viên tổ chức các hoạt động CLB văn hóa, thể thao cho người cao tuổi ở xã phường. Nhiều địa phương muốn làm đã cử giảng viên đi học trên tỉnh. Nhưng còn ở các địa phương nghèo không có điều kiện làm việc này. Chúng tôi cũng đã kiến nghị chính sách về hỗ trợ đào tạo giảng viên để tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, CLB ở cộng đồng. Hiện tại các hoạt động này đang được lồng ghép chung vào các hoạt động văn hóa xã hội ở xã phường.

Đỗ Trọng Văn - van1949_hocmon@gmail.com: Tôi thấy công tác khám chữa bệnh cho người già ở VN hình như chưa được chú trọng lắm. Xin cho hỏi, ngoài bệnh viện lão khoa ở Hà Nội ra, còn có bệnh viện nào dành cho người già? Tôi ở TP HCM.

Th.S. Nguyễn Trung Anh: Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) cũng là một địa chỉ đáng tin cậy. Bên cạnh đó, hệ thống các khoa lão khoa của các bệnh viện trên địa bàn TP HCM đang được thành lập cũng là những địa điểm phục vụ bệnh nhân cao tuổi tốt nhất trong tương lai gần.

Nguyễn Thị Hồng - nguyenthihong@gmail.com 65 tuổi: Những ai được nuôi dưỡng miễn phí ở các trung tâm bảo trợ xã hội? Tôi năm nay 69 tuổi, con cái đã lập gia đình cả nhưng không có điều kiện chăm sóc tôi. Trường hợp của tôi có vào ở các trung tâm bảo trợ xã hội của nhà nước không và muốn vào thì phải làm thế nào?

TS. Nguyễn Thị Lan:

Theo Nghị định 67 và Nghị định 13,những người được hưởng trợ cấp xã hội (nghèo, không nơi nương tựa, không nguồn nuôi dưỡng, không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội) mà không có điều kiện để sống ở cộng đồng được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội.
Nếu bác thuộc diện nhận trợ cấp xã hội và không có điều kiện sống ở cộng đồng như trên, bác sẽ thuộc đối tượng được nhận vào trung tâm bảo trợ xã hội của Nhà nước. Vì thế, bác nên gặp cán bộ văn hóa xã hội ở xã phường để hỏi về thủ tục.

Nguyễn Minh Trí - nguyentri@gmail.com - Nam 71 tuổi: Tôi là người cao tuổi với tuổi đời năm nay là 71 tuổi nhưng tôi vẫn phát huy vai trò của một cựu chiến binh. Tôi đang là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, sống mạnh khỏe, trồng cây cảnh để vui tuổi già và làm kinh tế. Tôi thấy nhiều người nghĩ tuổi già là một gánh nặng. Tôi không tán thành với quan điểm này.

TS. Nguyễn Thị Lan:

Tôi cũng tán thành với ý kiến của bác. Theo truyền thống Việt Nam: "mẹ già bằng ba mẫu ruộng". Người cao tuổi vẫn có vai trò rất lớn trong việc phát huy những giá trị văn hóa từ gia đình cũng như hỗ trợ con cháu trong đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên suy nghĩ này hiện đã bị thay đổi trong một số bộ phận do tác động của kinh tế thị trường. Nhưng những suy nghĩ đó là không đúng.

Đinh Mạnh Phương - phuong156@yahoo.com - Nam 64 tuổi: Việt Nam có hệ thống chăm sóc người cao tuổi nào tại cộng đồng? Xin ông cho biết, khi người cao tuổi bị bệnh tật thì đến đâu để khám chữa bệnh? Người cao tuổi có được miễn trừ viện phí không?

TS. Lương Ngọc Khuê: Tôi rất cảm ơn bác đã quan tâm đến hệ thống khám bệnh của người cao tuổi tại Việt Nam. Thưa bác, ở Việt Nam đã có quy định chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Ở Trung ương, Bộ Y tế đã giao cho BV lão khoa Trung ương là tuyến cuối về khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. Chỉ đạo, hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho tuyến dưới trong phạm vi cả nước. Nghiên cứu khoa học về Lão khoa cơ bản, Lão khoa lâm sàng và Lão khoa xã hội. Tổ chức thực hiện đào tạo liên tục, đào tạo nâng cao về chuyên ngành lão khoa, phối hợp với các cơ sở giáo dục quốc dân chuyên ngành y tế trong việc biên soạn tài liệu và hướng dẫn thực hành lão khoa. Nghiên cứu, đề xuất với Bộ Y tế về xây dựng, phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa khác ở tuyến trung ương đều có trách nhiệm tổ chức khám chữa bệnh cho người bệnh nói chung và ưu tiên cho người cao tuổi nói riêng.
Ở tuyến tỉnh, Bộ Y tế đã quy định các bệnh viện đa khoa trung tâm phải có khoa lão để tiếp nhận điều trị nội trú cho người cao tuổi và có phòng khám riêng cho người cao tuổi ở khu khám bệnh.
Ở tuyến huyện, các bệnh viện phải có đơn vị điều trị hoặc dành từ 3-5 giường bệnh cho người cao tuổi.
Ở tuyến xã, đã có quy định tổ chức quản lý sức khỏe người cao tuổi theo chức năng của trạm y tế xã, phường. Tổ chức thành lập các CLB sức khỏe quản lý các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng...
Như vậy, khi người cao tuổi bị bệnh thì có thể đến các địa chỉ nói trên để được khám chữa bệnh theo quy định.
Ý bác hỏi người cao tuổi có được miễn trừ phí khám chữa bệnh hay không, tôi xin phép được trả lời bác như sau:
Theo quy định của Luật người cao tuổi và Luật bảo hiểm y tế thì người bệnh từ 80 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ bảo hiểm khám chữa bệnh miễn phí.

Trần Văn Dần: Tôi muốn hỏi ông Khuê có kênh khám chữa bệnh từ xa nào cho người già không? Chứ để bố tôi ngồi đợi cả ngày ở bệnh viện vừa đông vừa nóng tôi thấy có khi còn bệnh thêm. Xin ông giới thiệu cho tôi vài địa chỉ. Tôi xin cảm ơn.

TS. Lương Ngọc Khuê: Tôi hết sức đồng cảm với tâm trạng của anh. Ngành y tế cũng đã có một số chương trình khám chữa bệnh từ xa của một số chuyên khoa như ngoại, nhi... cho các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Hệ thống Telemedicine (khám chữa bệnh từ xa) chủ yếu là tư vấn về sức khỏe và bệnh tật giữa các cơ sở khám chữa bệnh ở các tuyến, tư vấn sức khỏe cho nhân dân, phổ biến, giáo dục, cập nhật kiến thức chuyên môn cho các thầy thuốc. Còn muốn khám bệnh, chẩn đoán bệnh chính xác, chữa bệnh đúng phác đồ điều trị thì bệnh nhân phải được các thầy thuốc trực tiếp thăm khám, nhìn, sờ, gõ, nghe... Do vậy, xin anh đưa ông đến cơ sở y tế thích hợp để khám chữa bệnh.

Ngọc Tuyết: Những lúc đi bệnh viện khám, tôi thấy rất thương các cụ già phải ngồi đợi khám vì bệnh nhân quá đông, xin hỏi có chính sách ưu tiên nào cho người già khi khám bệnh không? Ví dụ một ngày khám riêng, hoặc cứ là người già thì được ưu tiên khám trước? Nếu có thì ở bệnh viện nào đã áp dụng? Xin cảm ơn

TS. Nguyễn Thị Lan:

Trong thông tư 02/2004 của Bộ Y tế có quy định về ưu tiên khám chữa bệnh cho người già. Theo tôi được biết, nhiều bệnh viện đã thực hiện việc này thường họ ưu tiên cho trẻ em, người già khám bệnh trước. Tuy nhiên, việc này vẫn còn phụ thuộc vào nhận thức của những người làm việc trong bệnh viện.
Sáng kiếncủa bạn chúng tôi sẽ lưu tâm để đề xuất với Bộ Y tế. Đây là một sáng kiến hay. Cảm ơn bạn.

Hải Thanh - haithanhtran@gmail.com - Nữ: Mẹ tôi năm nay 65 tuổi, bà bị rất nhiều bệnh của tuổi già như viêm đa khớp, dạ dày, đau đầu, đau tim... khám bệnh ở quê mãi vẫn bị đau hết chứng nọ đến bệnh kia. Mẹ tôi có nguyện vọng muốn một lần khám ở bệnh viện Bạch Mai nhưng thủ tục thì phiền hà, mà ra thẳng BV Bạch Mai không qua bảo hiểm thì sẽ rất tốn tiền. Xin ông cho biết có cách nào nhanh, tiên lợi nhất để mẹ tôi được khám bệnh ở tuyến trung ương mà đỡ tốn kém?

TS. Lương Ngọc Khuê:  Chúng tôi rất thông cảm với tâm tư của chị với tâm lòng của người con đối với mẹ. Quả là người già thì rất nhiều bệnh. Nguyện vọng của chị muốn đưa mẹ ra bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến Trung ương đầu ngành là hết sức chính đáng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tuân thủ quy định của Luật bảo hiểm y tế. Song chị có thể đề nghị nguyện vọng của gia đình với bệnh viện địa phương. Căn cứ vào tình trạng bệnh tật của bà, nếu bệnh của bà quá phạm vi chuyên môn điều trị thì tôi tin chắc rằng bệnh viện ở địa phương sẽ chuyển bà lên tuyến trên để điều trị.

Trần Thị Liễu - tranlieu@yahoo.com - Nữ 59 tuổi:Nếu con cái ngược đãi cha mẹ là người già thì ai sẽ là người đứng ra bảo vệ, bênh vực người cao tuổi. Khi bạo lực diễn ra, người con hành hung, ngược đãi bố mẹ có bị xử lý không? Con cái có quyền từ chối chăm sóc bố mẹ mình không?

TS. Nguyễn Thị Lan:

Nếu con cái ngược đãi bố mẹ thì chính quyền địa phương, mà trực tiếp là cán bộ văn hóa xã hội ở xã phường sẽ có trách nhiệm can thiệp để giải quyết theo quy định của pháp luật. Hội Người cao tuổi ở xã phường có thể là đại diện đưa vấn đề tới chính quyền và các cơ quan thực thi pháp luật. Khi người con hành hung, ngược đãi bố mẹ thì sẽ bị xử lý theo Luật Phòng chống Bạo lực gia đình.
Về câu hỏi liên quan tới việc con cái có quyền từ chối chăm sóc bố mẹ mình không, thì đây là vấn đề luật pháp và đạo đức. Luật pháp có quy định con cháu phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Một khi con cái từ chối, nghĩa là đã vi phạm quy định của pháp luật. Về đạo đức, đó là vấn đề đáng bị lên án.

Nguyễn thanh dũng - thanhdungkiengiang@gmail.com - Nam 47 tuổi: Những giải pháp để những người cao tuổi thuộc diện gia đình nghèo có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng những lợi ích của việc nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi?

TS. Dương Quốc Trọng:

Luật Người cao tuổi và Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi đã quy định khá đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của NCT; chính sách của nhà nước đối với NCT; việc phụng dưỡng chăm sóc NCT đặc biệt là chăm sóc sức khỏe, chăm sóc các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, đời sống tinh thần của NCT; việc chúc thọ, mừng thọ đối với NCT... Trong đó có đề cập tới cả những giải pháp chăm sóc với NCT có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Bạn có thể tìm hiểu chi tiết các nội dung có liên quan tại hai văn bản tôi đã giới thiệu ở trên.

Hoa Mai: Tôi có biết về Đề án 1816, vậy trong nội dung của Đề án có chú trọng đến chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi không? Nếu có bác sĩ trung ương chuyên cho đối tượng này thì đã có ở các tỉnh nào? Tôi hiện sống ở Thanh Hóa, xin hỏi y tế Thanh Hóa đã có ưu đãi gì cho người già theo 1816 chưa?

TS. Lương Ngọc Khuê: Rất cảm ơn bạn đã quan tâm tới đề án 1816 của ngành y tế. Một trong những mục tiêu của đề án là cái "có" của tuyến trên giúp cho sự cần thiết của tuyến dưới. Do vậy, nếu bệnh viện tuyến tỉnh của Thanh Hóa có nhu cầu giúp đỡ về chuyên ngành lão khoa hoặc các chuyên khoa sâu khác thì gửi yêu cầu cho các bệnh viện lão khoa và các bệnh viện khác có kế hoạch giúp đỡ. Trong trường hợp tuyến huyện cần sự giúp đỡ, thì lập kế hoạch báo cáo Sở y tế để Sở y tế điều động các bác sĩ tuyến tỉnh về giúp đỡ.

Trần Lệ Nga - lenga025@gmail.vom - Nữ 35 tuổi: Một số nước trong khu vực đã có dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà. Hiện nay nước ta có dịch vụ này không? Do đơn vị nào đứng ra tổ chức, nếu muốn chúng tôi có thể liên hệ ở đâu, với điều kiện gì?

TS. Lương Ngọc Khuê: Hiện nay, ở Việt Nam cũng đã có dịch vụ này. Tuy nhiên, mới chỉ dừng ở một vài trung tâm tư nhân thuộc thành phố Hà Nội và TPHCM mà thôi. Về phía Y tế nhà nước, Bộ Y tế đã giao trách nhiệm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở cộng đồng cho tuyến y tế xã phường, thôn bản đảm nhận. Trường Đại học Y Hà Nội và Y dược TP HCM đã được giao nhiệm vụ đào tạo bác sĩ gia đình để cung cấp cho hệ thống này. Mặt khác, chúng tôi cũng hết sức khuyến khích xã hội hóa việc thành lập các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia chăm sóc sức khỏe người dân, người cao tuổi ở nhà và cộng đồng.

Trịnh Đức Long - long2310@gmail.com - Nam 48 tuổi: Tôi nghe nói ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có những dịch vụ miễn phí cho người cao tuổi. Ở Việt Nam có những dịch vụ nào miễn phí cho người cao tuổi không?

TS. Nguyễn Thị Lan:

Ở các nước phát triển, có những hình thức dịch vụ miễn phí. Còn ở Việt Nam lại phát triển những hình thức tự nguyện.
Hàng năm rất nhiều công ty tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi. Một số địa phương tổ chức "bác sĩ tình nguyện" đến khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi ở những vùng khó khăn.
Ở các tỉnh nghèo như Bến Tre, cũng có những nhà hảo tâm hỗ trợ lương thực hàng tháng cho người cao tuổi nghèo. Và các hoạt động tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi cũng phát triển ở nhiều cơ sở.
Việc xóa nhà tạm cho người nghèo trong đó có người cao tuổi cũng được các ngân hàng, các nhà hảo tâm trợ giúp. Một số dự án quốc tế cũng cung cấp các dịch vụ cho vay vốn tạo thu nhập cho người cao tuổi đi cùng với dịch vụ về tư vấn chăm sóc sức khỏe....
Như vậy các dịch vụ miễn phí ở Việt Nam cũng có nhưng ở những hình thức khác hơn ở các nước phát triển. 

Trịnh Đình Hà - hadinh@yahoo.com - Nam 68 tuổi:Tôi năm nay 68 tuổi ở huyện An Lão, Hải Phòng. Vấn đề quan tâm nhất của tôi và những người cao tuổi hiện nay là được chăm sóc về sức khỏe và tinh thần. Tôi không phải là công chức nghỉ hưu nên không có bảo hiểm y tế, mỗi lần khám bệnh chỉ ở trạm xá. Điều kiện y tế ở đây chỉ đo huyết áp và tư vấn một số thứ không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người già. Tôi xin hỏi, với người cao tuổi như tôi không có sổ hưu, không có bảo hiểm y tế muốn khám chữa bệnh tuổi già, chúng tôi phải đến đâu? Hội người cao tuổi nơi tôi sống chủ yếu sinh hoạt để dựa vào nhau về tinh thần. Liệu Hội Người Cao tuổi trung ương có thể giúp chúng tôi về vốn để hỗ trợ chúng tôi chăn nuôi, cải thiện cuộc sống không?

TS. Nguyễn Thị Lan:

Bác nên mua bảo hiểm y tế tự nguyện nếu có điều kiện vì bảo hiểm này sẽ hỗ trợ bác rất nhiều khi bác ốm đau, bệnh tật. Chế độ bảo hiểm y tế tự nguyện hiện đã phát triển rộng, nhất là ở các vùng nông thôn.
Còn về việc Trung ương hỗ trợ, tôi muốn nói rằng, trung ương chỉ đưa ra các điều kiện về cơ chế, chính sách. Trung ương cũng hỗ trợ ngân sách cho các địa phương nghèo để thực hiện công tác chăm sóc người cao tuổi. Vì vậy trung ương không thể hỗ trợ trực tiếp đến hội người cao tuổi ở cấp xã, phường. Bác có thể đề nghị lên huyện và thành phố vì Hải Phòng cũng là một địa phương làm rất tốt công tác người cao tuổi.

Trần Đức Tuấn - ductuanvh@gmail.com - Nam 41 tuổi: Tôi hiện đang công tác trong Nam, bố tôi hiện đang sống cùng vợ và con gái tôi ở Hà Nội. Bố tôi sức khỏe yếu, bị huyết áp cao, tiểu đường, đi lại hay ngã. Công việc của vợ tôi hay phải đi công tác xa nhà nên không có điều kiện chăm sóc bố. Tôi nghe nói có những trung tâm dưỡng lão có thể nuôi dưỡng bố tôi. Xin hỏi Hà Nội có trung tâm nào có thể chăm sóc tốt cho bố tôi? Mức chi phí hàng tháng là bao nhiêu?

TS. Nguyễn Thị Lan:

Ở Hà Nội hiện đang có hai trung tâm. Một trung tâm dưỡng lão ở Từ Liêm và một trung tâm ở Gia Lâm. Bạn có thể liên hệ để sử dụng dịch vụ ở hai cơ sở này. Còn giá bao nhiêu phụ thuộc vào nhu cầu dịch vụ của bạn.

Hoàng Văn Minh - minhls@gmail.com - Nam 36 tuổi: Tôi có người bác năm nay 76 tuổi sống cùng vợ 74 tuổi ở nông thôn. Hiện cả hai bác đều già yếu lại không có con cái. Tôi xin hỏi, những người như bác tôi có được hưởng chế độ chính sách gì cho người cao tuổi khó khăn hay không?

TS. Nguyễn Thị Lan: Vấn đề phụ thuộc vào nguồn thu nhập của hai bác. Nếu các điều kiện của gia đình hai bác phù hợp với các quy định được ghi tại Nghị định 67 và Nghị định 13 (mà tôi đã trả lời trong nhiều câu hỏi ở trên), các bác sẽ được hưởng chế độ trợ cấp.

Bùi Hiệp - buihiep@yahoo.com - Nam 61 tuổi: Trên các phương tiện thông tin đại chúng hay nói đến cụm từ “chưa giàu đã già” để chỉ việc chúng ta chưa có tích lũy đã già. Theo ông/bà, chúng ta có thể khắc phục tình trạng này như thế nào, có thể “đảo ngược” được “quy trình” này không?

TS. Nguyễn Thị Lan:Theo tôi, việc khắc phục phụ thuộc vào mỗi chúng ta. Nếu ngay từ khi còn trẻ chúng ta có tích lũy, chuẩn bị cho tuổi già thì sẽ khắc phục được tình trạng này.

Phan Đăng Thuận - dangthuan@yahoo.com - Nam 61 tuổi: Tuổi tôi đã cao, nhưng tôi chưa cảm thấy mình già. Liệu tôi có còn được phép sinh hoạt như lũ trẻ nữa không?

Th.S. Nguyễn Trung Anh:Mọi sinh hoạt bao gồm thể chất, tinh thần, tình dục... ở một người cao tuổi đều nên được duy trì một cách phù hợp, hợp lý với độ tuổi cũng như sức khỏe thực tế của người đó. Vì vậy, bác có thể có được mọi sinh hoạt của mình theo như bác muốn với một sự cẩn trọng cần thiết.

Võ Cẩm Thủy - camthuy@yahoo.com - Nữ 56 tuổi: Tôi hiện 56 tuổi, tôi phải làm gì để chồng tôi vẫn thích sinh hoạt với tôi?

Th.S. Nguyễn Trung Anh: Nhu cầu tình dục ở người cao tuổi là một vấn đề cần được quan tâm và chia sẻ. Với sự ổn định về tâm lý và khả năng đáp ứng sinh lý về mặt cơ thể, với sự thay đổi về không gian thời gian, địa điểm và cách thức (ví dụ như trong các kỳ nghỉ, đi chơi xa...) với sự góp mặt của âm nhạc, khung cảnh đẹp, sự dịu dàng, sự tôn trọng lẫn nhau... hy vọng vợ chồng bạn sẽ có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc.

Hoàng Việt Đức - hoangduc@yahoo.com - Nam 71 tuổi: Tại sao tôi lại không được tự quyết định là tôi có muốn vào trại dưỡng lão hay không? Tôi phải làm gì để không phải vào trại dưỡng lão?

TS. Nguyễn Thị Lan: Bác hoàn toàn có quyền quyết định việc vào hay không vào trại dưỡng lão. Tuy nhiên bác nên bàn bạc, trao đổi với con cháu để thuận lợi cho cả bác và con cháu của mình.

Ngô Thị Hương - ngohuong194@yahoo.com - Nữ 57 tuổi: Tại sao khi tôi hiểu biết nhiều về quá khứ mà khi tôi kể chuyện thì thế hệ trẻ lại thường cười và không để ý nghe, không chịu hiểu chúng tôi?

TS. Nguyễn Thị Lan: Mâu thuẫn thế hệ luôn tồn tại. Đó là quy luật của phát triển. Bác không nên quá buồn về sự khác nhau giữa câu chuyện của bác và con cháu.

Bùi Quang Phụng - phungco@gmail.com - Nam 60 tuổi:Tại sao con cái tôi lại không năng đến thăm chúng tôi?

TS. Nguyễn Thị Lan: Chắc vì các anh chị ấy bận quá mà chưa qua thăm bác. Nếu có thể bác thu xếp đến thăm các anh chị ấy có được không?

Nguyễn Thị Hà - hanguyenthi@gmail.com - Nữ 60 tuổi: Tôi đã về hưu được 3 năm, sức khỏe vẫn tốt nhưng do điều kiện gia đình, tôi muốn được đăng ký vào một viện dưỡng lão để ở, nhưng tôi nghe nói, viện dưỡng lão chỉ ưu tiên cho những đối tượng neo đơn, ốm yếu không còn ai chăm sóc hoặc đối tượng chính sách do số lượng viện dưỡng lão của ta còn hạn chế, vậy tôi muốn hỏi với những đối tượng như tôi thì cần những điều kiện gì để được hưởng tuổi già trong viện dưỡng lão?

TS. Lương Ngọc Khuê: Rất cảm ơn câu hỏi của bác. Xin thưa bác, nhu cầu được hưởng tuổi già trong viện dưỡng lão của bác là hết sức chính đáng. Tuy nhiên, việc quản lý hệ thống các nhà dưỡng lão thuộc trách nhiệm của ngành thương binh và xã hội. Do vậy xin bác liên hệ với Phòng Lao động-thương binh & Xã hội tại địa phương để được chỉ dẫn cụ thể.

Trương Cẩm Minh - camminh@gmail.com - Nữ 63 tuổi:Tôi phải ăn gì để phù hợp với hoạt động của cơ thể và bộ phận tiêu hóa khi tôi đang ở tuổi 63?

Th.S. Nguyễn Trung Anh: Bác nên chia nhỏ bữa ăn. Sử dụng thức ăn đã tinh chế, 4-5 bữa/ngày đầy đủ các thành phần protit, gluxit, lipit, vitamin dưới dạng cháo, sữa, súp... Bác không nên ăn quá no trong một bữa, cần nhai kỹ và đảm bảo thời gian cho bữa ăn, tối thiểu là 30 phút song song với việc duy trì chế độ thể dục hợp lý, từ bỏ những thói quen xấu như: hút thuốc lá, uống nhiều rượu mạnh, lười vận động... để có một sức khỏe tốt nhất.

Vũ Mạnh Hoài - manhhoai@yahoo.com - Nam 58 tuổi:Bắt đầu từ tuổi nào thì tôi bước vào tuổi già?

Th.S. Nguyễn Trung Anh: Sau 60 tuổi bác đã là đối tượng phục vụ của chuyên khoa lão khoa. Tuy nhiên, với mỗi một cá thể cùng độ tuổi thì tốc độ và sự già hóa sẽ khác nhau, cũng như trên một cá thể, các cơ quan khác nhau cũng lão hóa không đồng tốc, không đồng thì. Với một tinh thần thoải mái, chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tập luyện đều đặn, nhiều nhiều ở độ tuổi 80 vẫn cảm thấy mình có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả cho gia đình và xã hội.

Lê Diệp - dieple@gmail.com- Nữ 30 tuổi:Khi về già các hoạt động của con người thường bị giảm đi khoảng 1/3 so với thời trẻ. Để nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi cần làm gì?

Th.S. Nguyễn Trung Anh: Người cao tuổi cần duy trì một chế độ sinh hoạt về thể lực hợp lý, lựa chọn những môn thể dục phù hợp như: đi bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh để duy trì sức khỏe về thể chất, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, chăm đọc sách báo, tham gia các câu lạc bộ người cao tuổi ở địa phương. Đồng thời duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình bằng cách sống vị tha, cảm thông để tránh những stress không đáng có, sử dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý như: chia nhỏ bữa ăn, dinh dưỡng đa dạng với cách chế biến dễ tiêu hóa... Tất cả sẽ góp phần nâng cao sức khỏe người cao tuổi.

Thiều Hải Anh - haianh@gmail.com - Nam 26 tuổi:Năm nay bác tôi 79 tuổi bị khiếm thị cả hai mắt. Vợ bác tôi lại là người thiểu năng trí tuệ. Cả 2 bác sống dựa vào hơn một sào ruộng thuộc hộ nghèo. Bác tôi có một đứa con đã lập gia đình nhưng đời sống quá khó khăn, không giúp gì được bố mẹ. Đối với hoàn cảnh của vợ chồng bác tôi có được hưởng bảo trợ xã hội thường xuyên không?

TS. Nguyễn Thị Lan:

Trong nghị định 67 có quy định về chế độ bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật. Bạn phải tìm hiểu và gặp cán bộ văn hóa xã hội của xã phường để có được thông tin cụ thể về mức độ khuyết tật của hai bác, cũng như hoàn cảnh gia đình để biết hai bác có thuộc đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội không.

Nguyễn Thị Tươi - hoanghonkt@yahoo.com - Nữ 35 tuổi: Mẹ tôi năm nay 72 tuổi, gần đây tôi thấy bà không được vui vẻ, dễ cáu gắt và ít nói chuyện với mọi người xung quanh, mặc dù chuyện gia đình, chuyện sức khỏe của bà không có những biến đổi gì. Xin cho biết, mẹ tôi có mắc bệnh gì không và chúng tôi phải làm gì để mẹ tôi được thoải mái?

Th.S. Nguyễn Trung Anh: Có thể mẹ bạn mắc chứng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm do một yếu tố nội hoặc ngoại sinh mà chúng ta chưa biết. Bạn nên đưa mẹ bạn đến các bệnh viện chuyên khoa để thăm khám sớm. Trên cơ sở đó mẹ bạn sẽ được tư vấn và hướng dẫn điều trị nếu cần.

Phạm Hoàng Nhật - phamnhattiu@gmail.com - Nam 38 tuổi: Bố tôi năm nay 70 tuổi, ông bắt đầu có dấu hiệu hay quên. Xin chuyên gia cho lời khuyên về cách phòng ngừa bệnh?

Th.S. Nguyễn Trung Anh: Có thể bố bạn đã bước vào giai đoạn đầu của bệnh sa sút trí tuệ, gia đình nên động viên và tạo điều kiện cho bác tham gia vào các hoạt động cộng đồng, mang tính tập thể cũng như duy trì thói quen đọc sách báo, xem tivi, nghiên cứu... để duy trì hoạt động bình thường của bộ não. Cùng với việc này, bạn nên đưa bác đến khám tại chuyên khoa thần kinh của các bệnh viện Trung ương để được xác định về chẩn đoán và điều trị.


Bệnh viện Lão khoa Trung ương là một trung tâm có khả năng đáp ứng tốt các yêu cầu của bạn.

Nguyen lan huong - huongnangluong@yahoo.com.vn - Nữ 73 tuổi:Tôi chỉ bị ngã nhẹ dập mông xuống. Tôi đi chụp phim, bác sĩ chẩn đoán không bị gãy xương (sau khi ngã xong, tôi có xoa dầu nóng vào chỗ đầu khớp háng). Hiện tại tôi rất đau, ngồi xuống xoay chân bình thường, nhưng khi đứng lên không đi được. Hiện tại chỗ đau không sưng, đi khám lại không tìm ra bệnh. Bác sĩ chỉ cho uống thuốc giảm đau. Cho tôi xin hỏi bệnh của tôi là gì? Xin tư vấn cách điều trị.

Th.S. Nguyễn Trung Anh: Sau chấn thương, dù bạn không bị gãy xương nhưng vẫn có thể đau kéo dài do tổn thương phần mềm hoặc dây chằng quanh khớp. Bạn cần hạn chế dùng thuốc giảm đau và nhanh chóng khám chuyên khoa phục hồi chức năng để được hướng dẫn, tập luyện và điều trị phục hồi một cách hợp lý.

Đinh Văn Quang - quang@gmail.com - Nam 53 tuổi:Người cao tuổi không vào Hội người cao tuổi, khi đến tuổi 85 có được hưởng chế độ trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội không và ai làm các thủ tục này?

TS. Nguyễn Thị Lan: Người từ đủ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu và trợ cấp xã hội, đều được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, không phụ thuộc có là hội viên Hội người cao tuổi hay không. Việc xét duyệt hưởng trợ cấp do cán bộ văn hóa xã hội ở xã phường thực hiện. Bác có thể tham khảo quy trình để được hưởng trợ cấp ở ủy ban nhân dân xã phường.
 
Đỗ Hải Đăng - haidang99@yahoo.com - Nam 31 tuổi: Hình thức xử lý cao nhất nếu con cháu gây ra bạo lực gia đình với người già?

TS. Nguyễn Thị Lan:

Mức độ xử lý sẽ phụ thuộc vào mức độ hậu quả hành vi bạo lực gây ra. Nếu chỉ là mức độ nhẹ, thì xử lý hành chính. Hành vi mang tính hình sự sẽ phải xử lý theo luật hình sự. Ở mức độ cao nhất có thể lên tới phạt tù chung thân.

Nguyệt Minh - minhnguyet45@gmail.com - Nữ 45 tuổi:Xin ông/bà cho biết tuổi thọ trung bình của người dân VN là bao nhiêu?, tuổi thọ trung bình ở nông thôn và thành thị có sự chênh lệch?

TS. Nguyễn Thị Lan: Tuổi thọ trung bình của người VN hiện nay là 73 tuổi. Chúng tôi không có số liệu về tuổi thọ giữa người cao tuổi ở nông thôn và thành thị. Nhưng chắc người nông thôn sẽ sống thọ hơn.

Thịnh Thái - thinhnam@giadinh.net.vn - Nam 40 tuổi: Bác tôi ở Hà Nam và đang muốn tìm đến một trung tâm dưỡng lão gần nhất. Xin ông/bà cho biết một viện dưỡng lão gần nhất nơi bác tôi ở. Xin cám ơn ông.

TS. Nguyễn Thị Lan: Hà Nam hiện chưa có viện dưỡng lão nào. Nếu muốn bạn có thể đưa bác tới Trung tâm dưỡng lão huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Nguyễn Thành Trung - trungbcd@gmail.com - Nam 47 tuổi: Có nên có thêm nhiều hơn những bệnh viện dành cho người già? Và sử dụng các bác sĩ lão khoa?

Th.S. Nguyễn Trung Anh: Điều này là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu tất yếu và cấp thiết trong hoàn cảnh chúng ta đang ngày càng có nhiều người cao tuổi và tuổi thọ trung bình tiếp tục tăng lên. Thực hiện Pháp lệnh nhà nước về người cao tuổi và sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đang tích cực phối hợp với các tỉnh, thành để thành lập mạng lưới khám chữa bệnh lão khoa theo các tuyến cũng như đào tạo các bác sĩ chuyên khoa lão khoa. Việc các bác sĩ lão khoa được đào tạo bài bản sẽ góp phần thúc đẩy một cách tích cực và hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Đào Thanh Hà - ha_daominh1956@yahoo.com:Mẹ vợ tôi năm nay 81 tuổi, chỉ có một con gái duy nhất là vợ tôi, nhưng vợ tôi sức khỏe yếu, làm nội trợ. Tôi xin hỏi, mẹ vợ tôi có được hưởng chế độ hỗ trợ cho người già không (bố vợ tôi đã mất, mẹ vợ tôi không có lương hưu)?

TS. Nguyễn Thị Lan:

Nếu bố vợ bạn trước đây là công chức nhà nước, và mẹ vợ bạn hiện đang hưởng tuất công chức, bà sẽ không thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội.
Trong trường hợp mẹ vợ bạn hiện không hưởng một chế độ trợ cấp xã hội nào thì bạn nên đưa bà đến làm việc với cán bộ văn hóa xã hội phường xã.

Hồ Thị Xuân Hương - xuanhuongcx@yahoo.com - Nữ 45 tuổi:Chính sách cho người già hiện nay còn nhiều bất cập, dù đã có luật Người cao tuổi, nhưng để luật đi vào cuộc sống còn quá chậm, ví như nhiều người cao tuổi trên 80 tuổi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Dù họ sẽ được nhận nhưng thực ra nhiều người vẫn chưa nhận được ngay khi có luật. Vậy xin ông/bà cho biết để cải thiện tình trạng bất cập trên hiện nay Nhà nước đã có những chính sách gì?

TS. Nguyễn Thị Lan:

Ở đây là vấn đề thực thi chính sách. Chủ trương đã có, nhà nước cũng đã cấp nguồn lực cho các địa phương khó khăn. Vấn đề là các địa phương triển khai thực hiện chính sách này cho kịp thời vì quỹ thời gian của người cao tuổi không có nhiều. Có thể nguồn lực ở địa phương để thực hiện chính sách còn thiếu. Chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động kiểm tra đôn đốc, để các địa phương thực hiện kịp thời. Cảm ơn phản ánh của bạn.

Nguyễn Thị Mai Hoa - Nữ 35 tuổi: Tôi muốn hỏi có chương trình nào giúp cho người trung tuổi ý thức được thời kỳ già hóa để chuẩn bị đối phó tốt với những vấn đề của tuổi già?

TS. Dương Quốc Trọng:

Chào bạn,
Như chúng ta đã biết khi tuổi càng cao thì sức khỏe sẽ ngày càng giảm sút. Cơ cấu bệnh tật của người Việt Nam chúng ta cũng đã đang chuyển dần từ đặc trưng của những nước kém phát triển (chủ yếu là những bệnh nhiễm khuẩn) sang đặc trưng của những nước phát triển (những bệnh tim mạch, bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu tăng cao,...) mà những bệnh này thường phải điều trị rất tốn kém. Những NCT thường mắc những bệnh mãn tính, chi phí tốn kém. Các nhà khoa học đã tính toán để chăm sóc sức khỏe cho một trẻ em cần 1 đồng thì chăm sóc cho NCT cần tới 8 đồng.
Trong những năm qua, kinh tế của đất nước cũng như của từng gia đình, từng người dân cũng còn không ít khó khăn vì vậy rất ít NCT ở nước ta tích lũy đủ số tiền để chi tiêu khi về già. Mặt khác, chế độ an sinh của chúng ta chưa phải đã thực sự tốt, đáp ứng đủ nhu cầu của NCT vì vậy NCT đặc biệt ở nông thôn vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Để giảm bớt khó khăn trước khi về già, mỗi người "trung tuổi" hãy chuẩn bị tốt cho tương lai của mình bằng cách chủ động tích lũy thông qua việc đóng bảo hiểm xã hội; nếu có được sổ tiết kiệm hoặc những tài sản khác dành dụm lúc về già,....

Nguyễn Hải Đăng - haidangden@yahoo.com - Nam 57 tuổi: Người cao tuổi ở Việt Nam phần lớn là ở nông thôn. Đa phần trong số họ không có điều kiện về kinh tế cũng như điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt. Vậy những cơ quan về NCT ở Việt Nam có những giải pháp gì để giúp NCT ở nông thôn sống khỏe, sống tốt hơn trong giai đoạn già hóa dân số hiện nay?

TS. Nguyễn Thị Lan:

Về chăm sóc sức khỏe NCT, hiện nay đang có Thông tư số 02/2004/TT-BYT Hướng dẫn thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe NCT, theo đó các cơ quan từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm quản lý, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho NCT.
Cụ thể, UBND các địa phương chỉ đạo ngành y tế tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa bệnh tật; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi, từng bước tổ chức mạng lưới bác sĩ gia đình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho NCT; tổ chức các câu lạc bộ; ưu tiên các chương trình phục hồi chức năng, tổ chức mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe NCT tại nhà...

Bệnh viện các tuyến dành giường bệnh, ưu tiên khám chữa bệnh cho NCT.Tổ chức khám chữa bệnh tại nhà cho những trường hợp không thể đến trạm xá.... Tuy nhiên, thực tế chỉ một số thành phố, đô thị phát triển, được quan tâm mới thực hiện được. Còn ở các địa bàn khó khăn khó thực hiện vì không đủ con người và không có nguồn lực.
Trong điều kiện đó, Ủy ban đã thí điểm “Mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào tình nguyện viên là thày thuốc ở cộng đồng” ở 10 xã/phường trong toàn quốc trong 2 năm 2009 - 2010 và cho thấy có kết quả tốt.
 
Trong 2 năm thực hiện, có 92 tình nguyện viên được tập huấn 2 lượt về đặc điểm NCT, những vấn đề bệnh tật, kỹ năng chăm sóc, trợ giúp NCT và qua hoạt động, có 4.500 lượt người được tham gia các buổi tư vấn, nghe nói chuyện về các nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe NCT; có 1.500 người đượctư vấn trực tiếp, 650 người được khám, chữa bệnh cấp thuốc miễn phí qua các hoạt động của mô hình. TNV cũng trợ giúp trực tiếp một số NCT khó khăn, không nơi nương tựa, tiếp cận họ với các chính sách, dịch vụ.
Hội NCT có nhiều hoạt động như các Câu lạc bộ dưỡng sinh, thể dục... các hình thức sinh hoạt... để thu hút NCT tham gia sinh hoạt. Bản thân nhiều NCT cũng tự nhận thức và thực hiện đi bộ, tập thể dục buổi sáng, sinh hoạt văn hóa văn nghệ...để nâng cao sức khỏe tinh thần.
Tuy nhiên, người cao tuổi ở nhiều vùng nông thôn vẫn chưa có điều kiện có giảng viên dạy các hoạt động dưỡng sinh, thể thao, chưa quant âm đến sức khỏe của mình.

Vũ Hải Minh - minhhai12@yahoo.com - Nam 55 tuổi:Xin bà cho biết vai trò của Uỷ ban quốc gia Người cao tuổi ở Việt Nam và Hội người cao tuổi Việt Nam trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi ở địa phương ?

TS. Nguyễn Thị Lan:

Về vai trò của Ủy ban Quốc gia NCTVN: Quyết định số 141/2004/QĐ-TTg ngày 05/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về NCTVN đã quy định:

- Ủy ban là tổ chức liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, phối hợp các hoạt động phục vụ công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT.

-Ủy ban có nhiệm vụ:

Giúp Thủ tướng chính phủ xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch chăm sóc và phát huy vai trò của NCT.

Giúp Thủ tướng chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá hoạt động của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện pháp luật, chính sách của nhà nước đối với công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT.

Giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước đối với NCT.

Giúp Thủ tướng chính phủ thực hiện chỉ đạo các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực về NCT.

Tổng hợp và định kỳ báo cáo Thủ tướng chính phủ tình hình thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT.

Như vậy, vai trò của Ủy ban nghe có vẻ mang tính vĩ mô nhưng thực chất là làm việc để có được chính sách và thực hiện được những chính sách để chăm sóc và phát huy người cao tuổi.
Về Hội người cao tuổi VN: Vì không có đại diện của Hội trong buổi hôm nay nên tôi nói thay.
Theo Luật Người cao tuổi 2010, Hội là tổ chức xã hội, đại diện cho nguyện vọng và quyền lợi của NCT. Hội có vai trò nói lên tiếng nói của NCT, nhu cầu của họ với nhà nước, xã hội và thiết kế các chương trình, các hoạt động để phát huy vai trò của NCT cũng như làm cho NCT được chăm sóc, hỗ trợ khi cần.
Ở các địa phương có Ban công tác NCT cấp tỉnh và có Ban đại diện Hội NCT cấp tỉnh/TP. Ủy ban quốc gia và Trung ương Hội có trách nhiệm hỗ trợ các hoạt động ở địa phương theo hệ thống và cơ chế quy định.
 
Hiện nay, cuộc giao lưu trực tuyến "Nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi trong thời kỳ già hóa dân số" đã kết thúc. Tòa soạn xin gửi lời cảm ơn trân trọng tới sự quan tâm của bạn đọc. Còn rất nhiều câu hỏi của độc giả quan tâm gửi về chương trình, chúng tôi sẽ gửi tới các chuyên gia để trả lời cho bạn đọc trong các bài viết sẽ được đăng tải trong thời gian tới.

BBT

thanhloan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Người đàn ông để lại nhẫn cưới, điện thoại rồi nhảy xuống sông

Người đàn ông để lại nhẫn cưới, điện thoại rồi nhảy xuống sông

Xã hội - 2 giờ trước

GĐXH - Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một đôi dép, chiếc áo, điện thoại và một nhẫn cưới do nạn nhân để lại.

Lừa đảo đưa 9 người dân ở Bắc Kạn sang Úc làm việc, một đối tượng quê Hải Dương bị bắt

Lừa đảo đưa 9 người dân ở Bắc Kạn sang Úc làm việc, một đối tượng quê Hải Dương bị bắt

Pháp luật - 4 giờ trước

GĐXH - Do nợ nần, Đoàn Văn Trung quê ở Hải Dương lập tài khoản zalo thường xuyên đăng tải hình ảnh về công việc ở Úc với mức thu nhập cao. Khi nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền thì chiếm đoạt.

Bắc Kạn: Vận chuyển pháo hoa thuê với giá 2,2 triệu đồng, một đối tượng bị phạt 5 năm tù

Bắc Kạn: Vận chuyển pháo hoa thuê với giá 2,2 triệu đồng, một đối tượng bị phạt 5 năm tù

Pháp luật - 4 giờ trước

GĐXH - Vận chuyển pháo hoa với số lượng lớn từ Cao Bằng về Thái Nguyên với giá 2.200.000 đồng, một bị cáo bị xử phạt 5 năm tù giam.

TPHCM chỉ đạo nóng sau vụ trẻ mầm non bị tát, ngồi đè lên bụng, nhét đồ ăn

TPHCM chỉ đạo nóng sau vụ trẻ mầm non bị tát, ngồi đè lên bụng, nhét đồ ăn

Giáo dục - 4 giờ trước

Ngày 24/4, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có văn bản chấn chỉnh hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo sau vụ bạo hành tại Lớp Mẫu giáo Tí Bo.

Sơn La: Mưa đá phủ trắng ruộng nương, đường sá, gây thiệt hại lớn

Sơn La: Mưa đá phủ trắng ruộng nương, đường sá, gây thiệt hại lớn

Thời sự - 5 giờ trước

GDXH - Trận mưa đá lớn ở xã Lóng Luông và Xuân Nha, huyện Vân Hồ, Sơn La bao phủ đồi núi, ruộng nương gây thiệt hại nặng.

Phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường kính không rõ nguồn gốc xuất xứ

Phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường kính không rõ nguồn gốc xuất xứ

Pháp luật - 6 giờ trước

GĐXH - Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng của Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường không rõ nguồn gốc xuất xứ.

3 học sinh dựng hiện trường tự tử khiến nhiều lực lượng mò dưới kênh suốt nhiều giờ

3 học sinh dựng hiện trường tự tử khiến nhiều lực lượng mò dưới kênh suốt nhiều giờ

Xã hội - 6 giờ trước

GĐXH - Nhận được thông tin nghi có học sinh tự tử trên kênh N2 (địa bàn xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) các lực lượng chức năng đã khẩn trương xuống kênh để mò tìm suốt nhiều giờ.

Phát tán video ‘nhạy cảm’ khi người yêu cũ có bạn trai mới: Hành vi đê hèn

Phát tán video ‘nhạy cảm’ khi người yêu cũ có bạn trai mới: Hành vi đê hèn

Pháp luật - 6 giờ trước

GĐXH - Bực tức vì người yêu cũ có người yêu mới, Thức đã phát tán video "nhạy cảm" lên mạng xã hội với mục đích trả thù.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu công an làm rõ vụ 2 phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu công an làm rõ vụ 2 phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp

Pháp luật - 7 giờ trước

GĐXH - Trong quá trình tác nghiệp ghi nhận vụ cháy nhà xưởng trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, 2 phóng viên thuộc 2 cơ quan báo chí đã bị một nhóm đối tượng lăng mạ, hành hung.

Dự án tàu điện không ray được đề xuất triển khai tại Hà Nội có gì đặc biệt?

Dự án tàu điện không ray được đề xuất triển khai tại Hà Nội có gì đặc biệt?

Đời sống - 7 giờ trước

GĐXH - Tàu điện không ray là một loại hình vận tải hành khách công cộng mới được đề xuất áp dụng vào mạng lưới giao thông công cộng thành phố Hà Nội. Tàu không chạy trên đường ray truyền thống mà thay thế bằng đường ray ảo với công nghệ hiện đại.

Top